- Lý luận - Phê bình
- Đọc bài thơ “Ngõ thời gian” của nhà thơ Phùng Hiệu
Đọc bài thơ “Ngõ thời gian” của nhà thơ Phùng Hiệu
TUẤN TRẦN
Đọc thơ, tôi thường bắt đầu từ cái hữu duyên. Có hữu duyên mới có sự đồng điệu, mới nhận diện rõ gương mặt của người thơ. Tôi ít khi đọc tập, chỉ đọc các chùm thơ, hoặc ít nhất một bài thơ để có thể đi sâu, chi tiết, soi ngắm kĩ càng mới cho ra cái nhìn khái quát tổng thể. Theo tôi, tinh thần thơ của một nhà thơ nào đó có thể nắm bắt được thông qua một ý thơ, một câu thơ, một bài thơ, một cụm thơ chứ không hẳn cần cả một mùa thơ của họ.
Đến với thơ Phùng Hiệu, tôi cộng hưởng với anh ở cái nghiệm thức thời gian với bao cuộc lật trở chuyển dời mênh mông, trong vòng tròn niên hạn của đời người. Trong sự đọc hữu duyên đó, tôi đã thấy ánh nhìn hồi cố độc đáo trong thơ anh. Có thể nói, thơ anh mở ra một khu vườn hoài niệm, người đọc bước vào với vô số hương, sắc của nắng, gió, trăng, nước đang đong đựng những tiếc nuối, nhớ thương về một thời mới chớm cái nắm tay đầu đời.
Trong Ngõ thời gian, tác giả sử dụng khá nhiều ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Gợi về những thứ đã qua vẫn sống động hiện hữu hôm nay để ta có thể hứng, rót, chạm, sờ…Đó là lối tạo ngôn tinh tế, và các câu thơ hai chữ: “mong manh”, “bất chợt”, “lặng lẽ” xuất hiện như một biện pháp hiệu quả để gợi giác. Một cảm giác da diết, ngậm ngùi, tiếc xót, u/ ẩn đọng buồn. Chính cái độc đáo trong các câu thơ hai chữ đó đã khoác y áo mới cho cái cảm xúc, hình ảnh tương đối “sến” cũ trong thơ.
Bài thơ tên Ngõ thời gian: Thời gian là là thứ chảy trôi vô thủy vô chung của vũ trụ. Nó đâu phải thứ neo bám, buộc lại, xây phá, tạo dựng được mà lại có thể có “ngõ”. Đây là liên tưởng ngoài đối tượng. Như vậy cái “ngõ thời gian” được nói đến ở đây là “ngõ thời gian” của nhân sinh, của kiếp người. Nơi đó chứa đựng những chi tiết rất người về một thời đẹp đẽ bên nhau. Hình ảnh: “Nhặt tuổi thơ”, “Hứng giọt thời gian”, “Rót vào trang vở”, được đặt trong câu hỏi “Em có về nhặt lại…” đồng hiện giới thiệu “em”, bắt đầu cuộc “độc thoại kép”.
Các động từ “hứng”, “nhặt”, “rót” gợi hình về con ngõ thời gian trong trạng thái ngưng kết, chứ không ở thế tốc hành, biến dịch khôn lường như thời gian “nhất khứ bất phục phản” của vũ trụ. Nhưng gợi cảm giác sự nghiệt ngã nhiều hơn thế. Khi thứ còn lại chỉ là vặt vãnh, nhỏ nhoi phải nhặt nhạnh, hứng từng giọt mà cũng chẳng thấm lắng. Đó là cảm thức về sự phôi pha.
Sự đồng hiện của “tuổi thơ”, “em” cùng với những ánh nhớ chớm nẩy nở trong trong tâm linh vào buổi đầu biết yêu luôn ở trạng thái mơ hồ. Cái tôi nhà thơ đang hành trình quá vãng về với những kỉ niệm buổi mới thành đôi đã hư loãng trên lối ngõ: “Mong manh/ Những ảo ảnh mơ hồ”.
Thời gian mài mòn đi tất cả, để chỉ còn lại những mỏng mảnh, nhặt chẳng đặng. Hành trình trở về đó, dường như cũng là hành trình đi về phía ga cuối của một đời người. Vị thơ đã đúng quy luật của tâm lý. Khi qua bên kia con dốc của một vòng đời, con người thường mới có đủ can đảm cho một sự ngoái nhìn. Lúc đó, họ thường nhìn về những chi tiết nhân sinh đã tạo ra ấn tượng nội tâm mạnh mẽ nhất, là ngày gặp em. Bởi ngọn lửa thề nguyền luôn là khởi sự của tất cả khổ đau…
Trong khổ thơ tiếp theo, tác giả tiếp tục đặt ra câu hỏi và lại ngồi trong thơ mà “độc thoại kép”, nhưng về cấp độ thương thảm đã tăng tiến. Nếu như khổ một là sự “nhặt” về những ảnh tượng tượng trưng: “Thời gian” và cái để về cũng là cái bối cảnh, thời/ không gian đã từng qua: “Tuổi thơ”. Thì khổ hai là cái cụ thể, tiệm cận hơn với “ngõ thời gian”: “lối thu”. Có phải “lối thu” dẫn về “ngõ thời gian!” Ảnh tượng “lối thu” là biểu tượng cho sự bắt đầu những phai tàn. Mùa khởi đầu của những hành trình không hẹn định. “Lối thu” thì chỉ còn lại những lá rụng đơn độc. Giọng thơ đã thay đổi. Nếu như ở trên tác giả nói về cái ngõ thời gian bao quát, thì lúc này là cái nhìn gần hơn với nỗi đau. Cái mơ hồ đã được hiển lộ rõ, cơn đau được bồi thấn:
“Em có về qua lối thu xưa?
Nhặt xác lá cuối mùa run rẩy gọi
Vạt nắng chiều rưng rưng thầm hỏi
Kỷ niệm ơi!
Chìm khuất phương nào?”
Xác lá cuối mùa thì chỉ còn lại những đường gân mỏng mảnh, hư nát và chẳng còn ra thù hình. Nắng chiều thì sắp nhường chỗ cho hoàng hôn tím đọng. Hai hình ảnh trên đã mang ý vị biểu tượng rất ưu sầu lại được gắn thêm cụm từ “run rẩy gọi” và “rưng rưng thầm hỏi” gợi ra không gian trữ tình đầy si ám. Giống như ngọn đèn sắp tắt bỗng dưng vụt sáng hay cục than nóng bỏng nhất vào thời điểm sắp tàn. Tiếng gọi run rẩy và cái rưng rưng hỏi kia như sự “rên xiết” cuối cùng cho sự mất đi vĩnh viễn của một niềm tin đã từng hiện hữu. Thấm đẫm dư vị của lòng nuối tiếc.
Giọng thơ thều thào từ từ cho đến lúc tắt nghỉ:
“Lối em về tháng chạp có còn không?
Cơn gió lạnh mùa này
Bất chợt!
Anh đối diện lòng mình xa xót...
Ngõ thời gian...
Lặng lẽ
Riêng mình!”
Ở khổ thơ cuối, dấu vết của thời gian thực tế đã xuất lộ: “Tháng chạp” đi kèm với “gió lạnh”. Thời gian dịch chuyển từ cuối thu, sang cuối đông. Từ cái thời gian tượng trưng sang gọi tên cụ thể. Từ phai tàn sang lạnh lùng, rét buốt. Từ đang sót lại chút dư vị sang hoàn toàn mất mát. Và chủ thể trữ tình đã nhắc tới chính mình với đại từ “Anh” vào độ năm cuối (cuối năm) trong tâm thế buộc/ bị đối diện với lòng mình. Nếu như ở hai khổ trên, nhân vật trữ tình đã lắng nghe, trải nghiệm, xúc chạm được những dư âm của kí ức từ ngoại cảnh, thông qua các biểu tượng thuộc về không gian sinh tồn như “xác lá”, “nắng”. Thì khổ cuối là sự quay về lắng nghe trong thăm thẳm lòng mình. Đối diện với những tuyệt vọng trong mình. Không thể thoát ra những nỗi cô đơn giữa cái mênh mông vô lối đã vắng mặt “em”.
“Ngõ thời gian” là một địa điểm biểu tượng. Nhưng cũng có thể là sự mô hình hóa về thứ cách ngăn con người, tạo ra vách thành ngăn cách sự tìm đến hoặc tìm về bên nhau. Trong thơ cổ, cũng có những hình ảnh điển hình để ước lệ, tượng trưng cho sự ngăn trở giữa người với người: Lầu, song, ô, cửa sổ, xó, góc... Thế nhưng con người với cái nhãn tuyến siêu hình của mình vẫn có thể thoát khỏi sự trói buộc của những ngục thất tinh thần đó, để lưu luyến, tiếc nhớ, than thở, ngâm ca sầu oán và tìm đến nhau bằng “thần giao cách cảm”…Con người vẫn có thể giao cảm với sự vật “vẻ non xa, ánh trăng gần”. Đến với thơ Phùng Hiệu, hình ảnh “Ngõ thời gian” như một sự tự trói buộc của cảm quan cá thể, khiến cho mọi mối cộng thông, đồng cảm hoàn toàn mất liên lạc. Ám chỉ nỗi cô đơn đến vô cùng khi một mình đứng nơi “Ngõ thời gian” trước cái vô tận, thăm thẳm, siêu nghiệm của vũ trụ. Như vậy, có thể nói song ô, cửa sổ là thứ ngắn cách nhãn giới, cái nhìn thực tế của con người. Còn “Ngõ thời gian” đã đóng lại cái nhìn tâm giới của con người, khiến họ hoàn toàn bị dày vò, chịu đựng bởi cái mênh mông, miên viễn đến đáng sợ của chiều kích vũ trụ và nằm lại ở đó không thể nào có thể đồng cảm cùng nhau nữa.