TIN TỨC
  • Truyện
  • Đưa cháu về quê | Phạm Văn Thành

Đưa cháu về quê | Phạm Văn Thành

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-15 07:34:53
mail facebook google pos stwis
1098 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

PHẠM VĂN THÀNH

Như mọi ngày, sáng nay ông Thận dậy sớm đi vài lượt bài Thái cực quyền dưỡng sinh, làm vài chục lượt hít đất, nâng hơn chục lần quả tạ nhỏ rồi đứng nguyên tại chỗ “đi chợ đi chợ” đủ nghìn lần. Rồi tắm nước nóng. Xong.

Ông quay sang làm bữa sáng cho 3 người. Cháu nội ăn cháo chân giò. Con trai ăn mì tôm xào trứng. Ông chỉ cần ấm trà Thái pha thật đặc, nước sôi bỏng giẫy. Riêng hôm nay ông còn sắm nắm tư trang 3 người vào 3 cái ba lô. Ăn sáng xong ông sẽ đưa cháu về quê. Mấy chục năm rồi ông chưa về, mặc dù từ khu đô thị Văn Phú về quê chỉ 3 lượt đổi xe buýt. Đứa cháu nội sang năm học mới đi học rồi. Nó không biết nhà nó có quê. Chỉ biết nơi ở hiện nay là nhà nó. Sắp đến ngày mồng 2 tháng 9, Tết Độc lập. Thời điểm Tết Độc lập cũng là thời điểm khai trường. Cần cho con cháu biết quê cha đất tổ và gốc gác cội nguồn. Lịch sử phải để con người ta tự ngấm chứ không thể nhồi nhét được.

Ông Thận không về quê là bởi ông không muốn sống lại những cảnh đau lòng tận mắt chứng kiến. Nỗi đau đã nuốt vào trong thì cứ để nó nằm yên đâu đó. Trở về nhà quê là nỗi đau tự nhiên trỗi dậy dằn vặt, giằng xé, dù đó là nỗi đau đáng tự hào.

Cụ tổ năm đời trước là chí sĩ yêu nước, tham gia phong trào Cần Vương, trở thành yếu nhân của phong trào Tam tỉnh nghĩa đoàn, được vua Hàm Nghi phong chức đề đốc quân vụ Bắc kì. Cụ đốc chỉ huy căn cứ Phao Sơn - Đông Triều tạo thế ỉ dốc với căn cứ Bãi Sậy. Quân Pháp tấn công, cụ đốc thua trận bị bắt đày đi châu Phi biệt tích. Đến đời ông nội có ăn học làm đến chức chánh tổng. Rồi cùng các ông lí trong tổng tham gia cách mạng. Do ông nội có uy tín với dân nên được đoàn thể cử làm chủ tịch Liên Việt xã. Bố cũng tham gia hoạt động thanh niên. Trong Cách mạng Tháng 8 năm 45, cả hai cha con cùng dẫn tự vệ xã hỗ trợ nhân dân đi cướp chính quyền ở huyện. Đúng ngày ta cướp được chính quyền huyện thì ở nhà mẹ chuyển dạ, sinh ra Thận. Ông nội lập lá số tử vi bảo cháu vượng văn học, thọ cao nhưng số li sào, tự thân lập nghiệp. Nhà ta có lẽ từ đây sẽ làm văn chứ không làm võ nữa. Thế là tốt. Văn võ đều giúp đời nhưng văn tích đức hơn.

Thận sống trong độc lập tự do chỉ hơn một năm đầu đời. Nhưng đã nghe âm vang cách mạng qua những tiếng trống ếch sinh hoạt thiếu nhi, tiếng hô khẩu hiệu cổ động, tiếng hát sôi động những điệu hành khúc “Đoàn quân Việt Nam đi/Sao vàng lấp lánh”, “Cùng nhau đi hồng binh”, “Đoàn vệ quốc quân”… Rồi quân Pháp càn tới, lập bốt ngay tại chợ Tổng, trung tâm xã. Ông nội và bố phải di tản sang bên kia sông, dựa vào khu căn cứ của tỉnh, chờ đêm xuống mới bí mật vượt sông về làng bám dân, triển khai công tác kháng chiến. Có lần nhiều việc không kịp vượt sông về căn cứ, bố phải nằm dưới rãnh khoai nước cả ngày tránh bị địch phát hiện. Thấy vậy mẹ bàn đào hầm bí mật cho an toàn. Đêm bà nội trông cháu, mẹ âm thầm đào hầm ở dưới bụi tre gai gần ao Quan Đốc. Đất bí mật trải xuống ao từng ít một rồi trồng lên khóm sậy ngụy trang. Hầm có cửa thoát ngầm ra ao. Ông nội bàn do ta chỉ dùng đến hầm khi thật cần thiết nên bịt cửa hầm lộ thiên lại cho an toàn. Dùng ván kê dưới, lấp đất màu và trồng khóm riềng lên. Riềng mau phát khóm to, rễ chắc.

Từ ngày có hầm bố thường ở lại làng. Công việc bám dân triển khai công tác thuận lợi hơn. Nhưng ở làng có chỉ điểm. Sáng tháng 10 năm Tân Mão, quân Pháp từ bốt quận ập vào làng càn quét. Chúng vây chặt ao Quan Đốc. Do bố thường vào hầm nên cây cỏ và bèo tây tạo thành vệt khá rõ, nhưng do ra vào hầm lúc trời còn tối nên bố vô tình không phát hiện ra. Chúng theo đó lần ra cửa hầm. Rồi chúng bắt tất cả nhà ra đó kêu gọi bố đầu hàng nếu không sẽ xử bắn cả nhà. Biết là đã bị lộ, bố đành cầm quả lựu đạn ra ăn thua với địch. Nhưng quả lựu đạn xịt. Bố bị bắt, bị tra tấn đến chết ngay tại cầu ao nhà. Mẹ cũng bị chúng bắt lên bốt quận. Hôm sau nghe tin mẹ bị chúng thủ tiêu ngoài sông Cái. Năm ấy Thận lên 6 tuổi. Xót bố bị đánh dã man, Thận xông tới cắn tên lính da đen vào tay và bị hắn đá bay xuống ao, lóp ngóp tưởng chết. Có lẽ nhờ thế mà Thận không bị địch hạ sát khi chúng đang say máu.

Lá số tử vi càng ngày càng vận vào đời Thận.

Sau cái chết của vợ chồng con trai, ông nội bị bệnh nghĩ, thần kinh không ổn định, do hoàn cảnh hoạt động gian khổ nên không thể chữa chạy, vài tháng sau cũng qua đời ở bên Khu căn cứ tỉnh đội. 

Thận chỉ còn bà nội. Bà xuôi ngược hàng xáo nuôi cháu ăn học. Từ năm học cấp 2, Thận phải đi ở trọ do trường xa nhà hơn 10 cây số. Mỗi lần về nhà lấy gạo, mắm muối là phải cuốc bộ hơn 10 nghìn bước chân. Vừa đi vừa nhẩm đếm: “Tôi đi học hơn mười nghìn bước/Cát sỏi nào lầm bụi dưới chân/Để cuộc sống cất cao đôi cánh/Mang ước mơ đến khát vọng trời xa”. Bà gắng gượng nuôi cháu hết cấp 3 thì ra đi vĩnh viễn. Thận một thân tự lập học đại học. Là con liệt sĩ nên Thận được địa phương chu cấp tối thiểu. Thu nhập vườn ao ở quê tằn tiện đủ chi tiêu cá nhân. Ngôi nhà ngói 5 gian, nhà ngang, nhà bếp, sân gạch, cây mít bây giờ rộng mênh mông, hoang tàn. Thận không thiết về quê từ đấy. Một cách trốn chạy hãi hùng. Trốn chạy đau buồn. Trốn chạy cô đơn.

Đứa cháu nội háo hức về thăm quê của ông nội. Làng quê giờ đã nông thôn mới, đường sá bê tông hóa, có đoạn trục chính đã trải áp phan đen bóng như đường Thủ đô. Nhà cửa cũng đã lên tầng, mái tôn mái ngói hiện đại như ở phố. Nhưng thằng bé vẫn thấy lạ lẫm, hỏi ông liên tục. Đúng là tuổi tò mò, thích tìm hiểu. Ông Thận bận chào hỏi họ hàng, làng xóm chưa kịp trả lời các câu hỏi của cháu. Thằng bé vẫn không nản. Chờ ông dứt lời là nó hỏi:

- Ông ơi, sao ông phải chào hỏi nhiều thế? Ở nhà mình ra đường thì chào hỏi suốt ngày à?

Ông Thận chưa kịp giải thích cho cháu hiểu thì đã lại phải dừng lại chào hỏi và trả lời một bà già.

- Bố cháu mang con cháu về làm giỗ cụ hả?

- Vâng. Thím dạo này vẫn khỏe chứ?

- Thì vưỡn. À, sao không đưa mẹ nó về cùng? Dâu con gì mà chả lo việc nhà chồng. Lớp này về tu lại ngôi nhà cổ đi nhé.

- Vâng.

Thằng cháu chưa kịp nghe ông trả lời câu hỏi trước lại có câu hỏi mới:

- Ông ơi, nhà ông ở đâu sao đi lâu thế chưa đến, cháu mỏi cả chân cả tay rồi đây này.

- Nhà mình đây rồi. Nhà mình nhé. Nhà của ông cũng là nhà của cháu.

Thằng bé tròn mắt nhận xét:

- Eo ôi, nhà ông cứ như nhà thổ dân Amazon í, chả đẹp gì.

Ông Thận mủi lòng quá. Nhưng khi ông Thận đưa cháu đi thăm ao Quan Đốc, kể chuyện tiện lợi cái cầu ao với gia đình nông thôn làm ruộng, chăn nuôi lợn thì nó thích lắm. Rồi kể chuyện sự tích Quan Đốc theo vua Hàm Nghi đánh Pháp. Cháu nghe say sưa. Dẫn cháu đến bên bờ tre um tùm, quang cảnh cháu chưa thấy bao giờ nó càng tròn xoe mắt nhìn và nghe kể chuyện hầm bí mật thời 9 năm kháng chiến. Sự tích cụ nội cũng rất lẫm liệt trước kẻ thù xâm lược. Và chính ông, tuy còn nhỏ nhưng cũng đã tỏ ra gan dạ khi lao vào cắn tên lính lê dương da đen. Bỗng hồi ức năm xưa ùn ùn trở về. Ông Thận rưng rưng nước mắt. Ông nghĩ sẽ giữ lại bờ tre, xây lại hầm bí mật để làm chứng tích giáo dục truyền thống gia đình, truyền thống quê hương cho con cháu. Lịch sử nếu chỉ nói suông con cháu khó tin, khó tiêu hóa. Chẳng gì bằng chứng tích cụ thể. Trăm nghe không bằng một thấy.

Đứa cháu bỗng hỏi:

- Các cụ nhà ông toàn là anh hùng đánh giặc ạ?

Ông Thận vừa trả lời vừa đính chính cho cháu:

- Các cụ nhà ông cũng là các cụ nhà cháu chứ nhỉ. Cháu là cháu ông mà.

- Vâng. Thế thì phải nói là “các cụ nhà mình” ông nhỉ.

- Đúng rồi. Cháu ngoan lắm.

Ban ngày cháu háo hức bao nhiêu thì tối đến nó đã quấy. Nước không uống, đòi uống nước ở nhà cơ. Lúc đi ngủ cũng đòi về nhà cơ, ngủ trên giường của nó cơ. Ông Thận khó xử quá, dậy thắp đèn châm hương khấn vái tiên tổ, cụ kị ông bà phù hộ cho thằng cháu cảm nhận được quê cha đất tổ mà nhận nhà nó tại quê. Khấn xong bỗng có cơn gió lạnh thổi tới làm hóa chân nhang đùng đùng. Thằng cháu rùng mình ôm chặt ông. Ông Thận cùng nó hát bài “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”. Thằng cháu hát theo. Đến đoạn hai thì nó đã nhắm mắt duồi tay ngủ khì khì ngon lành.

Mùi hương trầm ngan ngát làm ông Thận đằm sâu vào suy tư. Gia đình ông đã đóng góp rất nhiều cho nền độc lập của quê hương đất nước. Hài cốt cụ quan đốc chưa biết ở phương trời nào. Hài cốt của mẹ cũng không biết ở đoạn sông nào. Thấy bảo gia đình dùng phương pháp cận tiềm thức tìm ra hài cốt nữ du kích Hoàng Ngân nổi tiếng bạn bè giục ông đến Trung tâm nhờ giúp. Ông vô thần không tin. Mẹ sống khôn chết thiêng nhất định sẽ phù hộ con cháu nên người. Con người cần có gốc. Không thể đoạn tuyệt quá khứ, dù đó là quá khứ như thế nào đi nữa. Ông Thận cứ miên man nghĩ rồi chìm vào giấc ngủ tại ngôi nhà ấu thơ sau mấy chục năm xa cách. Tiếng trống ếch sinh hoạt thiếu nhi, tiếng hô khẩu hiệu cổ động, tiếng hát sôi động những điệu hành khúc “Đoàn quân Việt Nam đi/Sao vàng lấp lánh”, “Cùng nhau đi hồng binh”, “Đoàn vệ quốc quân”… lại âm vang trong giấc ngủ ngon của ông.

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Xóm thốt nốt - Truyện ngắn của Lệ Hồng
Truyện đăng báo Nghệ An số ngày 9-3-2025
Xem thêm
Tình muộn – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm
Huân bước chân vào ngôi nhà, ngôi nhà đã 15 năm anh vắng mặt vì thi hành án phạt tù cho tội danh buôn lậu. 15 năm Huân trở về, ngôi nhà vẫn vậy, không gian vẫn không có gì thay đổi, chỉ là cũ kỹ hơn bởi những mảng tường phủ rêu xanh, dưới chân tường hoen ố một lớp màu quằng quện.
Xem thêm
Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
Nhà văn Cao Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Thầm lặng một đời người – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin (1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà.
Xem thêm
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Xem thêm
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382
Xem thêm
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc
Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm