TIN TỨC
  • Truyện
  • Lều cỏ thảo nguyên/ Nguyễn Thu Hằng

Lều cỏ thảo nguyên/ Nguyễn Thu Hằng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-09-14 22:43:59
mail facebook google pos stwis
879 lượt xem

Nhà Sước bên gốc sung già, ngang lưng núi. Sớm mở cửa, sương khói thảo nguyên bảng lảng ùa vào nhà. Khi Sước lùa đàn bò xuống thảo nguyên chăn thả, nhìn lên thấy nhà mình trông tựa tổ ong rừng căng vít mật.

Mùa mưa lũ đến, mấy cánh đồng cỏ đều ngập nước, thảo nguyên biến thành hồ nước mênh mông. Sước thả đàn bò trên những bãi cỏ cao nước chưa phủ tới rồi chèo mảng đi thả lưới, câu cá. Chiều xuống, xiên cá đầy cả vòng lạt dẩy ngoắc sau gậy khoác trên vai, Sước thong dong lùa đàn bò về. Mẹ con Nhạn đang đợi Sước bên bếp lửa.

Mấy đêm trước, rừng đón một trận mưa dữ dội, nước đổ về thảo nguyên cao tới ngọn những cây sung con, chiếc mảng của Sước bị mưa gió cuốn tốc mái cỏ tranh. Sước tìm cắt cỏ tranh, phơi khô, chằm lại mái lều, chiếc mảng như được khoác chiếc áo mới. Không thấy Sước đem cá về, Nhạn đành nhón chân lên lấy miếng thịt trâu để dành trên gác bếp làm thức ăn: “Nay anh Ban bắt được con cá to như bắp tay”. Sước đảo cái ngô nướng hết tay nọ sang tay kia cho bớt nóng ran: “Có mái mảng mới, tôi đi đánh cá thâu trưa, chẳng sợ nắng mưa”. Nghe Sước nói, mặt Nhạn chợt ửng hồng.

*

Lần đầu gặp nhau, Sước đang chèo mảng, thấy Nhạn ngồi khóc bên gốc sung: “Em bị mất trâu”. Nhạn mải chơi với đám bạn, hết trèo lên ngắt sung chấm muối đến đuổi nhau trên những dải cỏ men làn nước xanh. Chiều buông xuống tìm đàn trâu lùa về thì không thấy: “Liệu chúng có lạc vào động Tiên, núi Song Bong không anh? Mất trâu thì về cha em đánh chết”. Sước bảo Nhạn lên mảng: “Đừng lo, chúng ta sẽ tìm thấy trâu!”.

Men theo dải cỏ ven chân núi, hai người đi sâu vào trong thảo nguyên. Nước mỗi lúc một xanh thẫm, nỗi lo mất trâu khiến mặt Nhạn tái xám đi. Cho đến khi trời sậm tối, cả hai chợt nhìn thấy mấy cái lưng trâu đen trồi lên giữa vòm cây lá thấp lúp xúp. “Trâu nhà em kia anh!”. Nhạn reo lên sung sướng. “Trời đổ tối nhanh, Nhạn có kịp lùa trâu về không?”. Nhạn chỉ tay lên đường mòn ven chân núi: “Em đi theo đường mòn kia. Anh cứ đưa cái lều cỏ thảo nguyên này ra lùa bò đi!”. Giọng Nhạn mảnh mềm như sợi dây leo trổ hoa đang rũ xuống vách núi khiến lòng Sước chợt bảng hoảng. Nhạn, người con gái thứ hai gọi chiếc mảng của Sước là lều cỏ thảo nguyên. Nhạn làm Sước nhớ tới Miên.

 

*

 Để làm được chiếc mảng có mái che như lều cỏ, Sước vào sâu trong rừng, tìm hạ được những cây tre thẳng, thân to như bắp đùi, đốt dài gần sải tay. Sước ghép những cây tre thành một bè lớn. Lại cưa từng khúc tre dựng khung, phía trên mái lợp cỏ tranh. Làm xong, mảng của Sước trông như một lều cỏ, trong khi mảng của anh em khác chỉ căng bạt làm mái. Mùa hè, mưa lớn, nước nhiều, Sước chèo mảng vào sâu trong thảo nguyên ngập nước, chăn bò, bắt cá, hay trèo lên núi tìm măng, hái rau rừng, đều những việc quen tay. Chiều cuối tuần, Miên thường hẹn đi chơi với Sước. Hôm ấy có hẹn, nhưng Miên lại tới muộn.

 Sước chờ Miên, nằm ngửa trên mảng nghe nước đổ ào ào về thảo nguyên từ mấy con suối, con lạch. Miên tới, mặc áo hoa, tóc búi cao ngửa cổ trắng ngần lên trời nhìn những đám mây xanh đang trôi, liếc mắt lá răm nhìn Sước, cười: “Anh đợi em lâu vậy có nóng ruột không?”. Sước chạm khẽ vào tay Miên khi Miên đi ngang qua: “Cũng nóng ruột vì mãi em chưa tới, mà cũng không nóng ruột vì nghĩ rằng em sẽ tới”. Nhìn thấy trên mảng có ít củi rơm, Miên hỏi: “Nay anh còn có củi rơm nữa làm gì vậy?”. “Anh vừa bắt được mấy con cá ngon lắm, mình sẽ nướng cá nhé? Bụng anh đang đói kêu ong óc đây”. Nước sóng sánh lên như lòng Sước đang sóng sánh khi nhìn thấy nụ cười và gò má ửng hồng của Miên. Sước cho mảng lách qua những gốc sung, gốc vả nghiêng cành rũ từng chùm quả xanh, quả chín, những cành gáo, cành mưng rủ hoa trắng, hoa đỏ. Miên ngồi thõng chân xuống nước, mắt miên miết ngắm thảo nguyên như thể lần đầu nhìn thấy. Trời xanh, núi xanh, nước xanh, cỏ dưới đáy nước cũng ánh lên xanh. Sước ước hai người sẽ đi mãi trong cảnh nguyên sơ, trong màu xanh bất tận này.

 

*

Tiếng nước sôi ùng ục trong nồi. Nhạn đưa con cho Sước bế để tra mẻ rau rừng vào luộc và lạch cạch dọn mâm. Sước nhìn thấy bàn tay Nhạn gân xanh nổi lên, những ngón tay gầy guộc còn dính nhựa ngô mà chạnh lòng: “Ngô có đẫy không em?”. “Bắp nào cũng to như cổ tay. Em còn cuốc được mấy luống phơi đất”. Sước cúi xuống xoa đầu con trai: “À. Anh Ban gọi điện cho anh đấy. Anh ấy bảo sáng mai có mấy đoàn khách, anh ra đầu bãi sớm cùng các anh đưa khách vào thảo nguyên”. “Ừ. Ăn cơm tối thôi. Rồi ngủ sớm để dậy sớm. Chiều về sớm, anh sẽ lên nương bẻ ngô với em”.

Khi thảo nguyên vẫn còn ngái ngủ giữa màn sương mờ, Sước đã lùa đàn bò sang đến bãi cỏ thả ở đấy. Lúc Sước quay ra đến đầu bãi thì mấy chiếc xe máy đã chở đoàn khách 9 người vào. Sước xuống mảng, trải lại manh chiếu hoa. Anh Ban dẫn theo một người đàn bà choàng tấm khăn voan trắng đi xuống: “Cô này đã chọn xuống mảng có mái lều cỏ của chú”. Sước giữ mảng cho khách bước xuống. Lúc Sước bắt đầu khua mái chèo thì người đàn bà bỏ khẩu trang ra, chủ động cất tiếng chào trước: “Chào anh Sước!”. Sước nhìn người, bất ngờ nhận ra Miên: “Ôi, Miên à em!”. Gò má Miên chợt ửng hồng: “Từ xa em đã nhận ra lều cỏ thảo nguyên của anh!”.

Mảng chỉ có hai người, Sước đẩy nhẹ cũng trôi, sao con nước cứ dấy lên, mảng dập dềnh, hay tại lòng Sước dấy lên những nôn nao xưa cũ.

Mảng đi qua vùng nước nhỏ. Cành sung chín thẫm chạm vào vai Miên. Miên với tay hái một quả, bửa ra: “Sung chín thơm dịu quá!”. Miên cắn một miếng. Sước nhìn trộm Miên ăn. Miên chỉ tay lên những ngọn núi xa xa “Kia là núi Mỏ Lở, núi Mỏ Điếng, núi Khau Đưa, núi Một. Nhiều hoa nở dọc sườn núi quá. Mấy chùm hoa leo trắng kia anh đã biết tên là gì chưa?”. “Thì anh vẫn gọi là hoa Bông Mây thôi em”. Ngày trước, có lần Miên đã hỏi tên đám hoa này, Sước bảo hoa trong rừng vô vàn, chẳng ai biết hết tên chúng. Miên ngún nguẩy đuôi tóc, nói trông chúng giống những đám mây trắng, gọi chúng là hoa Bông Mây. “Đó là cái tên em gọi chúng mà. Anh vẫn nhớ à?”. Sước đâu có quên được. Sước đã từng trèo lên một cây sung ven núi, với những dây hoa trắng kia cho Miên đội đầu. Mùi hoa hăng hắc còn vương tay Sước tới lúc về đi ngủ.

Đến vùng nước rộng, mảng trôi chầm chậm, vách núi vẳng tiếng chim hót, cả tiếng hú của ai gọi bạn. Trên một bãi cỏ, mấy cô gái, chàng trai đang nhóm lửa, dựng trại, phía sau họ là một lạch nước mỏng như chiếc khăn lụa xanh, một bãi cỏ khác trồi lên giữa làn nước, bầy ngựa đang thỏng thả gặm cỏ. “Anh thế nào rồi, kể cho em nghe được không?”. “Có gì đâu em. Cuộc sống ở đây vẫn như vậy thôi mà. Anh có một gia đình nhỏ, một căn nhà sàn nhỏ nhìn ra thảo nguyên. Mấy năm nay, du lịch phát triển, thảo nguyên đón nhiều du khách hơn, anh còn thêm nghề đưa mảng này”. Miên nhìn theo một cánh chim vừa bay xuống lùm cây trên vách núi: “Đã 9 mùa nước lên ở thảo nguyên, em xa nơi này”. Miên vén ống quần, ngồi xuống đầu mảng, thõng chân xuống vầy nước: “A, có cỏ ngay dưới chân em này”. “Chỗ này nước nông. Cánh trẻ vào tới đây mặc quần đùi lội bơi tung tăng như bầy cá ấy. Ngày trước nước mỏng, chỗ này vẫn nổi lên là bãi cỏ, em không nhớ à?”. Miên nheo nheo mắt lá răm, vài nếp nhăn gợn qua như sóng: “À, em nhớ rồi, chỗ này, mình từng ngồi nướng cá đúng không anh?”. Sước gật đầu: “Bây giờ, mỗi năm nước dâng một lớn, bãi cỏ ngày xưa đã ngập trong nước”. Miên im lặng. Sước hỏi: “Em thế nào?”. Miên mỉm cười: “Em vẫn làm may”. Sước không ngờ, hai vợ chồng Miên trước đều chỉ là công nhân may giờ đã là chủ với 3 cơ sở may công nghiệp. Đợt này về, Miên khảo sát thị trường nhân lực và tìm địa điểm để mở một xưởng may ở ngay thị trấn Hữu Lũng. Con gái Miên đã 5 tuổi, sắp vào lớp 1. “Thế là hơn thằng cu nhà anh mấy tuổi rồi”. Miên chợt chỉ tay lên dãy núi cao nhất phía trước mặt: “Kia có phải núi Song Bong, người ta đồn có động Tiên không anh?”. “Đúng rồi”. “Sau này đã ai tìm thấy và vào động Tiên chưa?”. Sước lắc đầu: “Anh không biết, vì có lạc vào rồi cũng chẳng trở ra được”. Sước dừng tay chèo, nghĩ vẩn vơ, chuyện Sước ở mãi trong thảo nguyên có khi nào cũng giống như người lạc vào động Tiên không?

 

*

 “Em sẽ nhớ mãi thảo nguyên của chúng ta, sẽ nhớ mãi lều cỏ thảo nguyên của anh”. Lần ấy, lúc hai người dừng mảng lên bãi cỏ nhóm lửa nướng cá, Miên ngồi bó gối tư lự nhìn ra thảo nguyên nước xanh ngằn ngặt, khẽ nói. Khói từng ngọn vờn nhau bay lên theo tiếng chim chìa vôi núi gọi chiều. Tiếng cành khô cháy nổ lép bép bắn cả vào trong lòng Sước: “Em vẫn ở đây sao đã bảo nhớ mãi?”. Sước chột dạ. Miên vẫn chảy theo dòng suy nghĩ của mình “Anh còn nhớ câu chuyện ở Đồng Lâm, về động Tiên em kể cho anh nghe chứ?”. Sước gật đầu. Mùi cá nướng bay lên thơm nức. Sước xé cho Miên miếng thịt cá. Hai người ngồi bên nhau ăn cá, nhìn ra mấy ngọn núi Song Bong, Năm Tớ, Chục Rùa. Sước vẫn nhớ câu chuyện Miên kể cho nghe trong lần chèo mảng chở Miên đi chơi cuối mùa mưa năm trước.

Câu chuyện kể về chàng thái tử Út con Ngọc Hoàng cưỡi Bạch Mã bay du ngoạn khắp nơi. Khi qua đây, chàng thấy một vùng đồng cỏ giữa những dãy núi đá, những cánh rừng bạt ngàn đã dừng chân xuống chơi. Chàng biến thành mục đồng làm quen với đám trẻ chăn trâu và cứ ở đấy chơi cùng chúng. Đến chiều tối, chàng chưa muốn về, bèn nói dối lũ trẻ, nhà ở xa, ngựa còn chưa căng bụng, sẽ ở đây chăn ngựa mấy hôm. Lũ trẻ giúp chàng dựng một chiếc lều cỏ, ngả tre làm giường, rải cỏ khô làm chiếu cho chàng và ngực trắng. Đêm đó, mưa lớn ập xuống. Nước từ trong rừng, trên núi đổ xuống thảo nguyên, nước dềnh lên ngập khắp đồng cỏ. Nước dâng cao, lều cỏ của chàng Út với chiếc giường bằng bè tre cứ nổi lên theo. Chàng Út là người Trời nên mấy chuyện mưa gió sấm sét với chàng chỉ nhẹ như tiếng lá rơi qua, chàng ngủ say không biết gì. Gần về sáng có một trận gió to đã thổi lều cỏ của chàng xuôi theo dòng nước trôi vào một hang núi đá sâu thăm thẳm. Sáng hôm sau, lũ trẻ chăn trâu ra tìm cậu bạn mục đồng thì tịch chẳng còn thấy dấu vết nào nữa. Một lão tiều phu nói với bọn trẻ, lúc sáng sớm tới đây lão nhìn thấy có những tia sáng phát ra từ trong dãy núi Song Bong, lan đến Năm Tớ, Chục Rùa. Lũ trẻ không dám tìm đường vào. Về sau, người ta đồn, trong núi ấy có vàng, đã có mấy người lần mò tìm được lối vào nhưng không thấy ai trở ra. Chăn thả trâu, bò, ngựa, ai cũng sợ chúng lạc vào trong đấy, sẽ chẳng bao giờ tìm thấy chúng nữa.

“Câu chuyện về chàng thái tử Út đã ở lại cùng núi rừng, thảo nguyên”. Sước khẽ nói. Miên lắc đầu: “Biết đâu, qua động Tiên, chàng đã thức giấc và cùng Bạch mã bay về trời!”. Miên uống ngụm nước, thở mạnh một tiếng, nhìn Sước: “Câu chuyện kết thúc thế nào là do người nghe chứ không phải từ người kể. Cũng giống như cuộc đời vậy, ta phải chọn là người nghe của câu chuyện cuộc đời mình Sước ạ!”. Biết Sước vẫn chưa hiểu mình muốn nói điều gì, Miên tiếp: “Nếu anh là chàng Út, anh muốn mình sẽ bay lên hay muốn mình mãi mãi ở trong núi đá?”. Sước lúng túng: “Anh... anh... chưa hiểu ý em?”.

 “Em chán ngồi bán mấy thứ hàng khô ở chợ rồi. Ngôi chợ chính phiên cũng một nhúm người bản lên chỉ để ngắm là chính. Em sẽ ra đi anh ạ. Em sẽ lên thành phố. Có người đã giúp em tìm việc làm, tìm chỗ trọ trên đó. Em muốn có một cuộc sống mới”. Sước nắm lấy tay Miên áp lên ngực mình: “Sao lại vội vàng thế? Ở đây còn cha mẹ, còn anh. Chúng ta đã hẹn cưới nhau vào mùa xuân khi thảo nguyên xanh cỏ non, thắm sắc hoa đào mà em!”. Miên đứng lên, nhìn thẳng vào mắt Sước: “Nhưng em muốn đi ra ngoài rừng núi, muốn xem người ta sống ra sao, muốn biết người ta làm gì mà họ sướng, họ giàu hơn mình. Anh có dám đi cùng em không?”. Sước thấy người bỗng hụt một cái như vừa sa chân xuống hang hun hút. “Em biết... Em sẽ đi một mình. Anh ở lại thì lấy người khác thôi”. Nói xong, Miên quay đầu chạy ngược lên con đường mòn bám theo chân núi.

Miên ra đi từ đó.

Lều cỏ vẫn trôi trong thảo nguyên mùa nước nổi.

 

*

Trên một bãi cỏ phía xa xa, có đôi nam nữ đang cùng nướng cá bên đống củi. Mặt trời lên rờ rỡ trên cao. Miên thấy ánh nắng đã chói chang, bèn choàng vội tấm khăn lên đầu, quay vào ngồi dưới mái lều cỏ. Mảng cứ trôi. Sước nghe được cả tiếng cá quẫy dưới đáy. Đây là khúc cuối trong thảo nguyên, nước sâu nhất và nhiều hang hốc nên cá hay tụ về đây. “Anh có mang cần câu đúng không?”. Sước gật đầu: “Lúc nào anh cũng có đồ nghề trên mảng”. “Em muốn xem anh câu cá”. Sước thả cần, ngồi tư lự nhìn dòng nước. Thỉnh thoảng nhìn trộm Miên. Miên có gầy hơn trước, nhưng da vẫn trắng hồng, đôi môi săm đỏ, Miên vẫn còn đẹp. Biết Sước nhìn mình, Miên cứ nhìn mãi xuống mặt nước. Dòng nước vẫn một màu xanh ngắt.

Chưa đầy 5 phút sau, cá cắn câu, Sước giật cần, một chú cá chép to bằng bàn tay treo lơ lửng trên sợi cước. Miên đi tới, đòi gỡ cá. Loay hoay một lúc, Miên cũng cho được chú cá vào xô. Sước lại thả câu. Tiếng con chim chìa vôi phá tan khoảng im lặng. Mấy chú cá đến gần lại lạng ra. Miên kể cũng từng đi câu cá cùng mọi người trong khu hồ câu ngoại thành nhưng cảm giác không như đi câu cá trên thảo nguyên mùa nước nổi. Những ngày đầu hè mưa rả rích, Miên muốn được trở lại Đồng Lâm. Muốn đốt một đống củi trên bãi cỏ mấp mé mặt nước để nướng cá ăn. Để ngắm thảo nguyên. Để dõi mắt tìm xem đâu là lối vào động Tiên. Để nhìn thấy một cái lều cỏ nổi trên mặt nước. Sước bỗng cầm tay Miên: “Mỗi lần chèo mảng vào đây ngồi câu cá, anh lại nhớ em!”. Miên đặt bàn tay còn lại lên tay Sước. Trong khoảnh khắc, Sước bất ngờ ôm lấy Miên và gắn môi lên môi Miên. Miên đẩy Sước ra, đỏ mặt: “Không. Miên và Sước đều đã có gia đình!”. Sước thở những hơi mạnh: “Anh xin lỗi Miên, tại anh không kiềm chế được!”. Miên nhìn Sước: “Ngày xưa, khi chúng mình bên nhau, nếu anh biết ôm em thế này, có khi em đã chẳng bỏ đi”. “Anh biết, lúc ấy anh ngốc nghếch và khờ khạo quá!”. “Mỗi người đều đã chọn con đường riêng của mình. Thôi chuyện xưa dừng ở đây nhé. Giờ nói chuyện nay đi. Em đang có dự định về mở homestay ngay trên mảnh đồi của cha mẹ em để lại, mong muốn góp phần đẩy mạnh khu du lịch cộng đồng nơi đây. Em biết anh là người rất hiểu thảo nguyên và nhà sàn, em muốn mời anh làm việc cho em trong dự án lần này”. Miên vừa nói dứt, Sước đã xua tay: “Anh chỉ biết mỗi chèo mảng có biết làm gì đâu em”. Miên cười, đôi mắt lá răm ánh lên niềm vui: “Thảo nguyên, nhà sàn đã ngấm sâu vào từng hơi thở của anh. Em đang cần tìm một người như vậy thôi”.

 Chợt mảng anh Ban tới: “Xe đang đợi, mà điện thoại thì mất sóng, không gọi được. Mấy cô chú nhờ tôi quay vào gọi cô đi ngay, một tiếng nữa sẽ có cuộc gặp gỡ với các anh lãnh đạo huyện”. Miên trùm kín khăn lên má: “Vâng, mình ra đi anh. Anh Ban đi cùng chúng em chứ?”. Anh Ban gật đầu: “Vâng. Tôi được giao nhiệm vụ về phụ trách ở khu du lịch Đồng Lâm này đã 2 năm. Các anh ấy bảo muốn nghe chia sẻ của người trực tiếp phụ trách trong buổi gặp gỡ này”. Mảng anh Ban đi trước, mảng Sước đi sau. Chẳng mấy đã ra tới đầu bãi. Lúc Sước giữ mảng cho Miên bước lên bờ, Miên quay lại bắt tay chào Sước: “Anh nhớ lời đề nghị của em nhé. Mong sớm gặp lại anh!”. Sước mỉm cười gật đầu.

Trên bãi, những chiếc xe máy đã sẵn sàng, đợi đoàn lên là chở ra bãi đậu ô tô. Sước nhìn theo vòm khăn voan trắng tới khi nó lẫn vào màu xanh núi rừng.

 

*

Mấy ngày hôm sau, Sước không vào thảo nguyên.

Đàn bò được thả ngay bên bãi cỏ sát nương ngô. Sước bẻ ngô, cuốc đất, lên luống cho Nhạn chuẩn bị trồng vụ mới. Thỉnh thoảng nhớ đến Miên nôn nao cả người như nhớ một cơn mưa rào đột ngột trút xuống thảo nguyên.

Đêm ấy, trời đổ mưa rầm rập, đó là trận mưa tiễn mùa.

Sáng ra, Sước mở cửa nhìn xuống thảo nguyên, thấy nước mở biên độ mênh mông hơn. Đứng bên bậu cửa, Sước trầm tư nghĩ ngợi về nguồn nước trong thảo nguyên. Núi đồi cao bao nhiêu sẽ dồn nước xuống thảo nguyên bấy nhiêu. Con người cũng vậy, chẳng thể đánh mất núi đồi trong lòng mình.

Sước vào làm mồi câu cá rồi men theo lối mòn xuống đầu bãi. Chiếc mảng của Sước vẫn mang trên nó lều cỏ. Sước đẩy mảng trôi vào thảo nguyên. Mặt trời nhú lên trên đỉnh núi, những tia nắng ban mai xuyên qua rừng cây soi xuống làn nước xanh lấp lánh. Thảo nguyên đang thức dậy.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm