- Lý luận - Phê bình
- “Minh Châu tỏa sáng” với nhiều góc nhìn
“Minh Châu tỏa sáng” với nhiều góc nhìn
“Minh Châu tỏa sáng” – truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Trường, Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam số 35+36 ra ngày 28/8/2021. Đây là truyện ngắn hấp dẫn về song mộ (2 mộ chôn cất một người); một sự kiện có thật: xử trảm Phó Tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý.
Khai thác một số tình tiết trong lịch sử nhà Nguyễn, tác giả cho nhân vật dẫn chuyện (ông Đình – có năm mươi năm làm nghề khảo cổ, chuyên gia khai quật mộ cổ) gắn kết các nhân vật có tên trong sử và thêm những nhân vật hư cấu thời quá khứ, trong hiện tại làm nên chất keo hấp dẫn để lý giải việc Tổng trấn Lê Văn Duyệt dùng thượng phương bảo kiếm trảm Phó Tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý; trở thành nghi án được nhiều sách, báo, tuồng tích dàn dựng theo nhiều cách hư cấu khác nhau để mong lý giải vụ án...
HIỆN THỰC HUYỀN ẢO
Ông Đình tham gia khảo cổ ngôi mộ cổ (xây dựng bằng hổn hợp ô đước chôn cất người qua đời thuộc gia đình quyền quý hoặc giàu có), tìm thấy hài cốt có đầu tách rời với thân xác. Bằng khoa học và lịch sử, xác định mộ của Phó Tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý. Trong lúc uống rượu một mình, ông Đình say rượu và ảo ảnh ngài Huỳnh Công Lý hiện ra với thái độ thiếu tự tin, đòi ông Đình phải đến cù lao Ông Hổ, nơi có mộ ngài. Hoảng sợ, ông Đình ngã từ lan can tầng một xuống đường, gảy chân. 3 tháng trị bệnh, ông có đủ thời gian để tìm ra vị trí Cù lao Hổ và thân thế sự nghiệp Huỳnh Công Lý. Theo sử sách ghi lại: “giặc Sư Kế - kẻ lôi cuốn được hàng ngàn người Chân Lạp bởi mê tín kéo sang đánh phá trấn Phiên An. Tướng Đào Quang Lý mang năm ngàn quân đi đánh dẹp, mấy trận đều thua”. Huỳnh Công Lý mang quân dẹp được loạn. Ông có công “lĩnh 10 vạn dân binh đào An Thông hà và Bảo Định giang, mang lại nhiều lợi ích giao thông đường thủy cũng như tưới tiêu, giải lũ cho miền Tây Nam bộ”. Đặc biệt, Huỳnh Công Lý cũng là ông nhạc của vua Minh Mạng.
Ông Đình về cù lao ông Hổ, tìm được miễu thờ và mộ thứ hai của ngài, gặp ông Ba, cháu nội Huỳnh Công Lý và được kể lại câu chuyện linh thiêng về việc ngài mượn cháu gái từ Vũng Tàu về quê lần đầu bổng dưng lên đồng đòi xây lại miễu thờ to lớn, trang nghiêm xứng với công trạng của ngài. Dân thờ, dân lo, bà con góp tiền xây lại miễu như là hành động đánh giá đúng công trạng của người góp công khai khẩn và bảo vệ miền đất phía tây xứ Đồng Nai.
Do là người được ngài cử đến, Ông được gia đình mời ở lại qua đêm và bức màn bí mật được tác giả vén ra cho độc giả.
NHỮNG GÓC NHÌN KHÁC
Góc nhìn từ phía gia đình
Đêm đó, Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý báo mộng với sự tự tin, ngợi khen ông Đình đã tuân lệnh của mình. Nhưng khi được hỏi về thực hư việc bị chém đầu, bà Ba (vợ hai của ngài) hiện ra làm chủ cuộc trò chuyện.
Nguyễn Trường vốn có tài khắc họa những người phụ nữ đẹp và tài hoa. Trong có 565 chữ, nhà văn đã làm rõ nét một người phụ nữ Nam bộ vẹn toàn từ nét đẹp mặn mà, đầy sức sống, và một lòng sắt son tin yêu chồng, tạo ra sự quyết đoán.
Thay Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý, bà Ba đấu tranh đòi công bằng cho chồng. Hóa ra đây là sự dàn dựng của bà bằng cách mượn oai danh chồng để triệu ông Đình về nơi chôn nhau cắt rốn nhằm cho ông Đình thấy một góc nhìn khác, góc nhìn của người dân được hưởng công lao của chồng mình. Đó là sự thật thứ nhất về công trạng và do đó bà suy diễn: người anh hùng có công lớn, sẽ không có lòng tư lợi, tham lam tiền của. Kết hợp với sự thật thứ hai: Tổng trấn Lê Văn Duyệt liên giới tính (bê đê). Để lập luận được vững chắc, bà Ba tưởng tượng ra chi tiết: một lần quá chén, Huỳnh tướng quân, sơ suất nói ra bí mật đó với thủ hạ. Từ đó bà suy diễn tiếp: khiến Lê Văn Duyệt nghi ngờ Huỳnh tướng công trêu ghẹo vợ ông ta và dẫn đến tư thù với chồng mình. Bà đưa ra kết luận: Lê Văn Duyệt đã không tấu trình vua, dùng thượng phương bảo kiếm tiền trảm hậu tấu Huỳnh tướng công.
Nhưng do hai mệnh đề yếu, các mệnh đề bắc cầu cũng yếu, bà Ba đưa thêm yếu tố duy tình để tăng sức thuyết phục: không sợ bị trị tội, bà cho làm hình nhân chồng, lập mộ để thờ cúng trong khi thủ cấp chồng đang được mang ra Huế để tấu trình và chờ được Vua cho phép mới lại mang vào Gia Định chôn cất là quá lâu và không khả thi...
Ở trong một cù lao sông Hậu, xa chốn công đường, sự thật của bà Ba là một góc nhìn chấp nhận được và khiến ông Đình mũi lòng, muốn lật lại lịch sử để minh oan cho Phó Tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý.
Góc nhìn hiện thực chủ quan
Ông Đình đến lăng Lê Văn Duyệt để mong tìm ra sự thật. Giấc mơ thứ ba để ông gặp lại Tả quân Lê Văn Duyệt, một người nhỏ bé và có giọng nói the thé. Do đó khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt cho biết Huỳnh Công Lý tham nhũng đã có từ thời còn làm Tả thống chế quân thị trung ở Huế và thông tin bà Ba cung cấp về Tả quân Lê Văn Duyệt liên giới tính là đúng. Để khách quan, Tả quân Lê Văn Duyệt đưa ông Đình ra lại kinh thành gặp vua Minh Mạng trong buổi thiết triều.
Ở đây, tác giả khai thác tiếp sự thật Huỳnh Công Lý là cha vợ của vua Minh Mạng. Vua phải điều cha vợ vào thành Gia Định làm Phó tổng trấn là có ý giao cho Tả quân Lê Văn Duyệt, một công thần của triều đình đã từng xả thân vì vua cha, làm nên công trạng lớn hơn cha vợ, sẽ có đủ tài, có sức thuyết phục Huỳnh Công Lý tu tâm. Huỳnh Công Lý cậy có công và là ông nhạc của vua nên vẫn chứng nào tật đó, ăn của dân nhiều hơn. Một tướng dũng mãnh xả thân nơi chiến trường lại khó khăn trong việc xử lý “con ông cháu cha” là chuyện thường nên Tổng trấn Lê Văn Duyệt lại tấu trình tội trạng Huỳnh Công Lý về triều để vua xử cha vợ của mình.
Góc nhìn thứ ba: Xã hội phong kiến vốn duy tình đã được nhà văn đề cập: Người Việt sống duy tình, coi cha vợ như cha đẻ nên con rể xử cha bị cho là tội phạm; sẽ bị coi là mất nhân tâm.
Triều Gia Long đã ban bố bộ luật Hồng Đức nhằm cai trị dân bằng phép nước, thay cho việc điều hành lúc chiến tranh: Quân pháp bất vị thân. Nhưng vấn đề xét xử và trừng trị tội phạm có chức quyền và quan hệ huyết thống với người cao nhất trong bộ máy nhà nước như Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý, muôn thủa bị bế tắc...
Để bảo vệ phép nước (pháp luật), nhà vua cử Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Đình Thịnh vào Gia Định điều tra cẩn thận rồi xét xử là sự hỗ trợ của Triều đình cho Trấn Gia Định thực hiện việc chấp pháp một vụ án chưa có tiền lệ. Việc Tả quân Lê Văn Duyệt dùng thượng phương bảo kiếm để xử trảm Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý chỉ là thực hiện phép nước theo đúng quyền hạn và trách nhiệm của Tổng trấn, không để xảy ra việc đùn đẩy trách nhiệm lên nhà vua làm người đứng đầu bộ máy khó xử…
VỀ VIỆC KHAI THÁC TƯ LIỆU LỊCH SỬ
Các chi tiết trong truyện được khai thác từ sử sách. Vốn nhạy cảm, tác giả đã phát hiện và khai thác một cách sáng tạo các tình tiết ít được quan tâm như:
- Ngôi mộ thứ hai của Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý ở Cù Lao Hổ của sông Hậu, tỉnh An Giang;
- Dáng hình và giọng nói của Tả quân Lê Văn Duyệt;
- Sự kiện tham nhũng của Huỳnh Công Lý ở Huế;
- Mối quan hệ bà con với vua Minh Mạng (cha vợ);
Đã cho ra một truyện ngắn hấp dẫn.
TÍNH LÔ GIC
Từ lúc khai quật mộ, cho đến lúc ngài xuất hiện một cách thiếu tự tin dẫn đến việc truy tìm xác định song mộ, việc đón tiếp ông Đình ở Cù lao Ông Hổ, việc gặp lại gia đình ngài, việc mô tả dáng hình, giọng nói Huỳnh Công Lý, Tả quân Lê Văn Duyệt được tác giả tính toán và xây dựng chặt chẽ đến từng chi tiết nhỏ nhằm đảm bảo tính lô gic của góc nhìn thứ nhất.
Tiếp tục mạch lô gic là việc miêu tả ông Đình tiếp kiến Tả quân Lê Văn Duyệt với hình dáng giọng nói cho thấy Huỳnh Công Lý là người đem việc nước làm quà cho vợ kế ở thôn quê, chứng tỏ ông không trọng phép nước, ham vui, hám tửu sắc, là thuộc tính của những kẻ tham nhũng được nhà văn khéo léo đưa vào các lập luận minh oan của bà Ba nhằm cho thấy: vì thật thà, những lời kêu oan chính là lời buộc tội khi độc giả gấp truyện ngắn lại và liên tưởng hình ảnh Huỳnh Công Lý.
Việc đặt Huỳnh Công Lý vào quá khứ tham nhũng ở Huế là lý do đưa ông vào trấn Gia Định cũng được hư cấu theo nguyên tắc lô gic.
Nhờ tính lô gic của mạch truyện đã tạo ra sự hấp dẫn.
VỀ CHỦ ĐỀ
Chủ đề nổi của truyện: ca ngợi triều đình nhà Nguyễn từ thời Gia Long đến Minh Mạng đã chú trọng xây dựng và cai trị giang sơn bằng pháp luật qua cốt truyện chống tham nhũng trong tầng lớp “con ông cháu cha” và ở bậc cao nhất dùng hình phạt cao nhất: xử trảm cha vợ của vua đang chấp chính; lại do chính quyền địa phương thực hiện theo luật định.
Truyện còn đề cập vấn đề nhức nhối xã hội: tham nhũng xuất phát từ tầng lớp “Con ông cháu cha” bắt rễ sâu trong lịch sử dân tộc...
Tả quân Lê Văn Duyệt đã quyết đoán, làm trái mệnh lệnh rút quân của Nguyễn Ánh để tránh thất bại. Ông dẫn quân xốc tới, nhờ đó chuyển bại thành thắng trong trận Thị Nại, làm thay đổi cục diện chiến tranh để giành toàn thắng. Một võ quan dũng mãnh, quyết đoán trong chiến tranh lại lúng túng, không làm tròn nhiệm vụ vua giao thuộc thẩm quyền của mình và đúng luật. Đó là sự kiện từ quá khứ giúp chúng ta khẳng định chân lý: giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều.
Chủ đề ẩn truyện: Do lịch sử được đúc kết và viết theo nghị trình của từng nhân vật lịch sử, trong khi bản thân nhân vật lịch sử là con người nên không hoàn hảo. Từ đó tạo kẻ hở cho những một số ít người tận dụng để tìm cách xét lại lịch sử. Nhưng việc xét lại lịch sử dưới mọi động cơ, không sớm thì muộn, đều thất bại.
Chuyện đặt ra nhiều vấn đề chuyên môn bếp núc của nghề viết văn trong khai thác vốn lịch sử để tái khẳng định những nhân vật lịch sử ở tầm cao hơn và sống động, dễ đi vào lòng người.
Ghi chú: Những chữ viết xiên là trích nguyên văn từ ngữ của truyện ngắn.
Nguồn: Diễn đàn văn nghệ Việt Nam số 31, tháng 12/2024.