TIN TỨC

Mỗi truyện như một giếng sâu...

Người đăng : vanchuong
Ngày đăng: 2021-10-23 08:30:28
mail facebook google pos stwis
1964 lượt xem

Đọc Khai khẩu, tập truyện ngắn của Nguyễn Trường, Nxb Thanh niên, 2019.           

BÙI VIỆT THẮNG                              

Khai Khẩu, tập truyện mới của Nguyễn Trường gồm 8 truyện. Trong số này có chùm ba truyện dự thi Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (2015-2017) đoạt Giải Nhất: Vương quốc mộng mơ, Mùa thanh long Quà tặng tương lai. Phụ bản số Tết Tân Sửu 2021 báo Văn nghệ chọn đăng truyện Quá khứ của hôm nay của Nguyễn Trường.

Có thể nói, Nguyễn Trường đang là cây bút văn xuôi có nội lực, giàu tiềm năng và có nhiều bạn đọc trên văn đàn hiện nay. Ai đó thì nói rõ hơn, sát hơn: Nguyễn Trường là người có duyên văn. Anh viết ít, nhưng “cái” nào cũng tạo sóng dư luận trên văn đàn. Ví như cái truyện Khai khẩu, in trên báo Văn nghệ, ngay lập tức sau đó có lời bình (in đầy 1 trang) của các đồng nghiệp văn chương Hoàng Quốc Hải (Nguyễn Trường với truyện ngắn Khai khẩu), Bùi Việt Thắng (Khai khẩu – khai tâm) và Lê Thanh Huệ (Một bút pháp mới lạ). Tám truyện trong tập Khai khẩu được Nguyễn Trường viết vào những thời điểm khác nhau. Như truyện Đêm chiến tranh viết cách nay vài chục năm, còn Khai khẩuQuá khứ của hôm nay thì còn nóng hổi trên mặt báo Văn nghệ thời gian gần đây (2018-2019). Như vậy có thể nói Khai khẩu là một “bộ sưu tập” (collection) những truyện ngắn hay của Nguyễn Trường sáng tác trong vệt thời gian hơn hai chục năm. Đây là tập truyện ngắn thứ hai của Nguyễn Trường, sau Thiên nhãn (1996, tái bản 2003). Nếu so sánh với Võ Thị Xuân Hà (người giữ kỷ lục, tính đến năm 2019 đã in 20 tập truyện ngắn) thì sẽ thấy Nguyễn Trường viết chậm, ít, có vẻ như khiêm tốn. Nhưng chậm mà chắc. Cũng giống thể thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Ai cầm bút mới vào nghề viết văn cũng đều có thể tung hoành viết truyện ngắn. Nhưng viết cho được vài ba truyện tầm cỡ như Vương quốc mộng mơ, Khai khẩu, hay Quá khứ của hôm nay thì quả thật không dễ dàng gì, khác nào vượt vũ môn (!?).

Truyện của Nguyễn Trường, theo tôi, đứng được (hay nói như đại chúng là “bắt mắt”) vì có “cấu tứ” độc đáo. Trong nghề viết văn thì việc tìm “tứ” rất quan trọng, đặc biệt với người làm thơ. Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu đã viết hẳn một tiểu luận Tìm tứ cho một bài thơ. Thi sĩ nhấn mạnh: “Lao động thơ, trước hết là kiếm tìm tứ (...). Ý là của chung mọi người, tứ mới là của riêng mỗi thi sĩ” (Xuân Diệu tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.189-190).Tứ quan trọng không chỉ với thơ, quan trọng cả với truyện (ngắn, vừa, dài). Nhà văn Dạ Ngân có nói một ý hay: Truyện thiếu “tứ” như người đàn ông thắng một bộ complet rất “mode” nhưng chân lại... đi dép... không quai hậu. Nghĩa là nó cọc cạch, nó phản nhau, nó khập khiễng, nó không ra...thể loại gì (!?). Mỗi truyện trong Khai khẩu đều lấp lánh một “cấu tứ” vừa thâm hậu, vừa sát sườn đời sống, vừa có chiều sâu tư tưởng – nghệ thuật, và quan trọng là đọc xong tạo dư ba, liên tưởng, ám ảnh. Có thể còn nhiều ý kiến bình luận khác nhau, nhưng tựu trung bạn đọc đều “khoái trá” với cấu tứ của truyện Khai khẩu. Tất nhiên cấu tứ đó phải sống lại qua một câu chuyện cụ thể, sinh động, vừa có ý nghĩa triết lý, vừa có ý nghĩa nhân sinh. Ở đây là câu chuyện về nhân vật Nguyễn Thành Nam (tức ông Đạo Dừa). Nguyên văn câu ông Đạo Dừa nói với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm: “Thua dân thì còn, thắng dân thì mất”.

Những truyện hay của Nguyễn Trường, theo tôi, trước hết nhờ ở những “cấu tứ” có hấp lực với bạn đọc. Vương quốc mộng mơ là một ví dụ. Vẫn là chuyện ông Đạo Dừa. Nhưng trong truyện này, “cấu tứ” lại gắn chặt với nhân vật đắc đạo, ảo tưởng có thể xây dựng mẫu hình một vương quốc theo ý muốn, giải quyết mọi xung đột bằng lý thuyết “bất chiến tự nhiên thành” (bất bạo động). Tất nhiên, ông Đạo Dừa chỉ là một cá thể (con người này), nhưng tâm lý của ông là tâm lý điển hình cho số đông - ảo tưởng, thiếu thực tiễn, duy ý chí (tất cả những khiếm khuyết này một thời gian dài như là căn tính thời nay của người Việt).

Trong cuộc Hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (năm 2002), nhà văn Ma Văn Kháng trong tham luận của mình có nói đến tình trạng “không tải” (thiếu tính/tầm tư tưởng) của văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng. Trong cuộc Hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết, cũng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức gần đây (2-2018) tình trạng/yếu kém kể trên vẫn được nhắc lại, thu hút sự quan tâm của văn giới. Ở đây, theo chúng tôi, tùy thuộc vào “căn cốt văn hóa” của cả nền văn chương cũng như từng nhà văn cụ thể. Mỗi năm chúng ta xuất bản hàng nghìn tác phẩm (đủ các thể loại) nhưng còn đọng lại, chịu được sự thử thách của thời gian và sự phán quyết, lựa chọn của bạn đọc là rất ít. Không ít tác phẩm vừa chào đời đã rơi ngay vào im lặng, vào sự quên lãng đáng sợ của người đọc. Nói như thi sĩ Xuân Diệu: “Thời gian vặt lông tất cả!”. Lựa trong số các cây bút văn xuôi hiện nay còn có nhiều người đọc, còn giữ được sức bền của ngòi bút, theo cảm nhận của riêng tôi – Lê Minh Khuê và Nguyễn Trường là hai tên tuổi nổi trội thuộc đội hình U60, U70.

Trở lại câu chuyện vì sao Nguyễn Trường giữ chân được bạn đọc, như đã nói, anh cố gắng phấn đầu viết ra mỗi tác phẩm (ngoài sự kể chuyện hay), còn phải gửi đến bạn đọc một thông điệp nghệ thuật nào đó khả dĩ lay chuyển những thành trì bảo thủ, những định kiến nhất thành bất biến về xã hội, con người, nhân tình thế thái.Quá khứ của hôm nay là một truyện, đọc xong, khó thoát ra khỏi nó (cái cấu tứ “Lòng yêu nước không của riêng ai”). Có nhiều cách ứng xử với quá khứ. Một cách như là “ăn mày dĩ vãng” (dựa theo cái gọi là “ăn mày cửa Phật”) – tìm thấy trong quá khứ những bài học hữu ích, hữu dụng cho hôm nay. Đó là ký ức lương thiện. Một con người, một thế hệ, một dân tộc nếu chà đạp/ xóa bỏ ký ức lương thiện là mấp mé bờ hủy diệt. Suốt một thời gian dài chúng ta ứng xử cực đoan, bất công với quá khứ (coi quá khứ như một thứ  “bóng đè”). Sau khi đọc xong truyện Giếng sâu, tôi nhắn tin ngay cho tác giả “một truyện ám ảnh, gây đau!”, cũng bởi cái tứ “Mặt nước lặng sóng chưa chắc không có sóng ngầm dưới đáy”. Hóa ra tất cả chúng ta đều có cái nguy cơ mắc vào những “bi kịch chất đống” do hoàn cảnh tạo ra, trong đó đôi khi con người chỉ như là tù binh của hoàn cảnh.Cái chết của Liên trong truyện như một lời cảnh tỉnh không phải về sự sa ngã của con người (ở đây là Quảng, anh chồng Liên, quan hệ với em dâu), mà là những tấm lưới vô tình giăng mắc trong đời không phải lúc nào cũng dễ tránh. Nhiều trường hợp ranh giới giữa hạnh phúc và bất hạnh chỉ là một...sợi tóc.Nhưng cũng có trường hợp như Mùa thanh long, “cấu tứ” được tác giả giấu kín/ kỹ, người đọc phải chịu khó truy tầm, mãi rồi chính tôi mới nhận ra sự thâm trầm của tác giả khi anh “buông/cài” vào truyện một tiếng thở dài về cái tình cảnh, nỗi khổ tâm “đi làm mướn cho người khác” mà chính chúng ta đôi khi vô tình (hay cố tình) không nhận ra, không thoát ra được(!?).

Truyện của Nguyễn Trường trong Khai khẩu thể hiện độ chín của ngòi bút. Riêng về truyện ngắn, tôi có thể tin tưởng để nói, Nguyễn Trường viết truyện ngắn có nghề. Nhưng phải nói ngay rằng trước khi bàn chuyện “nghề” thì phải nói đến nhân tố hàng đầu quyết định thành bại của sự viết – đó là vốn sống, vốn văn hóa của nhà văn. Ở đây nhân tố thứ hai cực kỳ quan trọng. Có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà văn thuộc nhiều thế hệ, tôi nhận ra ngay “sở trường” của những ai có căn cốt văn hóa và “sở đoản” của những ai cạn nguồn vốn này trong thực hành viết. Truyện ngắn Nguyễn Trường có biệt sắc gì? Một số bạn đọc đã hỏi tôi (kiểu như phỏng vấn) sau khi nhà văn chiếm giải khôi nguyên Cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 của tuần báo Văn nghệ. Không khó để nói truyện ngắn Nguyễn Trường có mầm mống tiểu thuyết (hay là những “mảnh vỡ” của tiểu thuyết). Trong cách hình dung/định nghĩa truyện ngắn lâu nay người ta nghiêng về cái gọi là “mô – măng” (Khoảnh khắc, chốc lát) như là một đặc trưng quan trọng của thể loại (có người thích nói là “thi pháp”). Nhà văn Nguyễn Thành Long cho rằng nghệ thuật truyện ngắn là cách đưa con người/ nhân vật vào tình huống (mô - măng). Ông đã tường trình quan niệm này bằng một bài viết thú vị, xét về nghề viết truyện ngắn – Trường hợp viết Lặng lẽ Sa Pa.Tôi thấy, Nguyễn Trường khi viết truyện ngắn đi ra ngoài “phên giậu” của quy tắc này. Anh không dừng lại, xoáy sâu vào các “mô- măng”. Trái lại, anh chú ý đến chu trình/ quá trình của câu chuyện, xâu chuỗi các biến cố/ sự kiện, kiến thiết cốt truyện để làm nổi bật một cuộc đời/ kiếp người trong tính nhân - quả của nó. Vương quốc mộng mơ, Quà tặng tương lai, Giếng sâu, Quá khứ của hôm nay, Người  Hoa, Khai khẩu, là những truyện ngắn trĩu nặng một số phận, kiếp người. Từ những “cái” ngắn này có thể nhân/ nâng lên thành những tiểu thuyết ngắn chừng vài trăm trang, rất hợp thời với cơ chế và thị hiếu đọc hôm nay.

Truyện ngắn Nguyễn Trường có hấp lực, theo tôi, còn nhờ vào những tình huống truyện điển hình (đôi lúc nghẹt thở). Đêm chiến tranh là một ví dụ điển hình. Nó là một câu chuyện, một trường hợp, một “ca” tâm lý xảy ra trong chiến tranh giữa một anh lính Giải phóng (Bằng) và một “người tù binh” (sỹ quan cấp chỉ huy) của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đi trong đêm mưa, lại rơi vào bãi mìn do du kích cài, tình thế thật như cưỡi trên lưng cọp. Không may cho tù binh bị vướng mìn, bị thương nhẹ ở chân. Và chính Bằng cũng bị thương vào vai phải. Trên cánh đồng đêm đầy chết chóc chỉ có hai người. Bằng quyết định cởi trói cho tù binh và nhờ anh ta băng bó cho mình. Tình huống khiến hai người vốn ở hai chiến tuyến nay “Gã nghĩ đúng. Gã cần có Bằng cũng như bây giờ Bằng cần có gã. Hai người không giúp nhau lúc này thì cả hai cùng chết”. Trong chiến tranh những tình huống như thế không hiếm. Nhưng khi đi vào văn chương thì cái nhìn và cách viết của nhà văn mới thực sự quan trọng – nhà văn viết dưới ánh sáng nào? Cuối cùng thì cả hai người lính (dù ở phía nào) thì cũng đều là con người. Tôi thích cái kết của truyện bằng một đối thoại, có thể ai đó không để ý: “Anh nở một nụ cười nói với gã sỹ quan:

-Trời sáng rồi à?

- Dạ, sáng rồi!”

“Sáng rồi”, nghĩa trực tiếp nói về thời gian (trời sáng, đêm qua). Nhưng còn nghĩa bóng (ngộ ra, nhận ra) một điều gì lớn lao qua cái đêm khủng khiếp của chiến tranh – con người cần hòa bình như cần khí trời, nước uống.

Truyện ngắn Nguyễn Trường hấp dẫn bạn đọc còn nhờ được viết bằng một bút pháp biến ảo: phối kết hợp thực và ảo/ “thần thực” như cách nói của nhà văn Trung Quốc đương đại Diêm Liên Khoa (Vương quốc mộng mơ, Khai khẩu, Quá khứ của hôm nay), hiện thực nghiêm ngặt (Mùa thanh long, Quà tặng tương lai, Giếng sâu, Đêm chiến tranh), trữ tình (Quà tặng tương lai), biếm họa (Người Hoa). Ai đó nói chí lý, khi chú ý đến thay đổi bút pháp tức nhà văn đã quan tâm đến bạn đọc với tư cáchngười đồng sáng tạo theo lý thuyết tiếp nhận nghệ thuật. Tôi tin Nguyễn Trường còn đi xa hơn nữa, còn cống hiến cho bạn đọc nhiều hơn nữa những tác phẩm giàu sức hấp dẫn.

Hà Nội, tháng 9-2019

BVT.

Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật số 27, ngày 08/7/2021.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm