TIN TỨC
  • Truyện
  • Não lòng mạy cưởm | Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Xuân Mẫn

Não lòng mạy cưởm | Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Xuân Mẫn

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
479 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

        Nằm bên bờ suối Nậm Thàng, bản Mạy Cưởm ngày đêm nghe suối rì rào bản nhạc nước. Trước kia nghèo khó nên không ai được đi học chữ, nhưng người già vẫn truyền lại cho con cháu rằng: Ngày xưa cách đây chín mười đời, sau khi ăn Tết rằm tháng 7, có 3 người đàn ông họ Hoàng, họ Lù và họ Nông đi tìm nơi khai phá ruộng nước.

Khi đến bờ suối Nậm Thàng này đã trưa, 3 người ngồi nghỉ dưới gốc cây cổ thụ đón làn gió mát từ suối đưa lên. Sau khi xuống suối tắm mát, lại lên gốc cây mở cơm nắm ra ăn. Ngay bên kia bờ suối là khu rừng bằng phẳng toàn lau sậy, mọc dưới bóng những cây nhội tía, vông nước, nhìn qua các ngài đều biết sẽ là nơi khai phá được nhiều ruộng, chỉ cần đắp một con đập nhỏ trên đầu suối là tha hồ có nước tưới ruộng, không sợ khô hạn như ở quê cũ. Đang vui vẻ chuyền tay nhau nắm cơm nếp dẻo thì giật mình bị vật gì như hòn sỏi nhỏ rơi xuống lưng. Mọi người ngẩng lên nhìn thì ra trên đầu là tán cây trám trắng (tiếng Tày gọi là mạy cưởm) quả sai trĩu. Họ bèn dựng lán ngay gốc cây trám để ngày ngày sang bên kia bờ suối vừa khai phá ruộng lại đỡ phải đi kiếm thức ăn. Vụ lúa đầu tiên đã trả công cho 3 chàng trai những dậu thóc hạt căng mẩy để bản Mạy Cưởm của người Tày ra đời từ đấy.

Đến nay không ai biết cây trám bao nhiêu tuổi nhưng năm sáu người dang tay ôm không hết. Cây trám trắng và dòng Nặm Thàng gắn bó với bao đời người Tày bản Mạy Cưởm. Đi làm đồng về, lội qua suối Nặm Thàng, người người lên ngồi nghỉ dưới gốc cây trám trắng trò chuyện dăm ba câu việc ruộng, chuyện nhà và cả việc chồng con, rồi khi làn gió mát thay quạt xua tan mỏi mệt mới ai về nhà nấy. Đêm đêm, trai gái rủ nhau ra gốc trám, xuống mấy tảng đá bên bờ suối tâm tình. Hầu như ngự trị nhiều nhất ngoài gốc trám và dòng suối chính là lũ trẻ. Buổi sáng, lũ trẻ đi học để túi sách dưới gốc cây trám rủ nhau xuống suối rửa mặt mũi chân tay sạch sẽ để đến lớp được cô giáo khen. Gốc trám trắng là sân chơi mắc kẹ, đánh chuyền, nhảy cò của con gái, là sân bóng, bãi đánh khăng, bãi chọi con quay của lũ con trai. Trừ những ngày đông giá lạnh, khi chán các trò chơi, lũ trẻ lại cởi phăng quần áo nhờ những rễ cây trám nổi như bàn tay người lớn giữ hộ rồi con gái cũng như con trai tồng ngồng ào xuống suối, mặc cho phò me gọi khô cổ bỏng họng không thiết về ăn cơm.

Lìn và Sín cũng sinh ra trong bản cây trám trắng ấy. Ngày ngày đợi nhau đi lấy củi, đợi nhau đi thả trâu, khi về cũng cùng chúng bạn ra gốc trám, xuống bến suối. Ngày ấy vùng cao còn thiếu nhiều thầy giáo nên khi đi học vỡ lòng hai đứa đã lên 10. Đi học đợi nhau dưới gốc trám, Sín thường bảo Lìn: “Mỏ A pa tít ở gần làng mình, Lìn học giỏi đi, sau này làm thợ lái ô tô mỏ, thỉnh thoảng đưa xe về ngõ nhà mình bấm còi pim pim gọi cho mình ngồi xe một tý!”. Lìn tủm tỉm: “Nhà… mình, sao không phải nhà người ta!”. Nhưng Sín cũng phải học giỏi sau này làm cô giáo về dạy ngay trường xã mình, tha hồ sờ tí me!”. Cả hai đứa cùng cười như nắc nẻ…

Không phải cứ mơ là được, cứ ước là khắc có. Giặc Mỹ ném bom ra miền Bắc khi Lìn và Sín sắp vào học lớp 7. Trong bản đã có mấy thanh niên tòng quân, người đi chiến trường miền Nam, người ngồi trên mâm pháo bảo vệ cầu Làng Giàng bắc qua sông Hồng vào đất mỏ. Mấy lần Lìn viết đơn tình nguyện đi bộ đội nhưng khi thì xã đội trưởng bảo chưa đủ tuổi, lúc lại trả lời con liệt sĩ hy sinh trong trận Điện Biên Phủ, lại là con độc nhất không phải đi bộ đội. Năm 1967, khi giặc Mỹ đánh phá ác liệt khắp miền Bắc và trong chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và ngụy quân đàn áp dã man đồng bào ta, Lìn lấy máu viết đơn lần nữa và quả nhiên những dòng chữ viết bằng mực chảy từ con tim được chấp nhận, không như mấy lá đơn viết bằng mực Cửu Long. 

… Xế trưa, Sín vừa ở ngoài ruộng về đến gốc trám trắng định xuống suối rửa chân tay thì nghe tiếng Lìn vội vã phía sau: “Sín à! Anh có giấy gọi đi bộ đội rồi! Nhưng gấp quá, 7 giờ sáng mai phải có mặt ngoài huyện đội!”. Tối hôm ấy, mọi người đến chật nhà chia tay, khi mọi người ra về, hai đứa ra gốc trám già rồi dắt nhau xuống tảng đá phẳng bên bờ suối. Từ ngày hai đứa yêu nhau, hai gia đình đã bàn chờ cuối năm gặt lúa mùa xong sẽ làm đám cưới. Nhìn trời đêm đầy sao, Sín bỗng thấy một ngôi sao vọt sáng bay về phương Nam rồi cũng nhanh chóng vụt tắt. Sín rùng mình nghĩ chiến trường bom rơi đạn nổ ác liệt… Không cầm nổi lòng mình, ôm chặt lấy Lìn, cô nấc lên… tự nguyện dâng hiến phần trinh trắng cho người ngày mai đi xa… Sáng hôm sau chia tay nhau dưới gốc trám, Lìn thủ thỉ: “Sín đợi nhé, chắc chỉ một hai năm hết giặc anh về!”.

        Máy bay Mỹ ném bom cầu đường miền Bắc rất ác liệt. Đường sắt Hà Nội - Lào Cai cũng ngày đêm bị đánh phá. Vừa vào đơn vị, Lìn viết thư gửi ngay về nhưng phải 3 tháng sau ở nhà mới nhận được. Theo số hòm thư của Lìn, Sín viết bốn năm lá thư đi nhưng đều không thấy thư Lìn gửi về. Từ hôm Lìn đi, hầu như ngày nào Sín cũng sang nhà thăm hỏi hay đỡ đần mẹ anh. Một buổi chiều đi làm đồng về, tạt qua xem me Lìn nấu cơm nước gì chưa rồi Sín định về ngay vì tối nay phải họp đội sản xuất. Nhìn cổ cô con dâu chưa cưới nổi gân xanh, ôm choàng lấy cô, mẹ Lìn dân dấn nước mắt: “Sáng sớm hôm đi, thằng Lìn đã nói hết với me rồi! Chưa được cưới nhưng mấy hôm nữa me sẽ sang nhà xin ông bà cho con về đây ở!”.

        Thằng cu Hòa sinh ra trong niềm vui xen lẫn nỗi buồn của hai bên nội ngoại. Bà nội nó lúc nào cũng không rời cháu. Đi thả trâu, lên nương đào sắn cũng đưa theo. Lúc nhỏ thì địu, khi lớn thì bà đi trước, cháu theo sau. Cả bản ai cũng bảo: Gia Lìn góa chồng từ trẻ nên trời bù cho đứa cháu nội giống gương mặt, điệu cười và cả tính háu đói như bố nó. Một buổi chiều tà, hai bà cháu gọi gà về cho ăn, đếm thấy thiếu con gà mái, chạy ra sau nhà, rẽ đám cỏ um tùm không may nắm tay phải đuôi con rắn hổ mang bành, nó ngoái đầu lại đớp vào cổ chân bà. Dù lấy lá thuốc nam đắp ngay nhưng vì nọc con rắn quá độc nên chỉ nửa tiếng sau bà tắt thở trên đường cáng ra bệnh viện.

Tin vui chiến thắng giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam làm nức lòng nhân dân cả nước. Người bản Mạy Cưởm hân hoan treo cờ đỏ sao vàng lên tận ngọn cây trám trắng để từ xa ai cũng nhìn thấy lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay mừng hòa bình thống nhất non sông. Những lá thư từ miền Nam tới tấp bay về Mạy Cưởm, địa chỉ nhận chỉ có một người nhưng mỗi lá thư là niềm vui chung của cả bản. Ngồi dưới gốc trám trắng, người ta truyền tay nhau đọc đi đọc lại những lá thư đi xa cả nghìn cây số. Người đọc cũng như người nghe đều cười rưng rưng lệ: Chắc chỉ mươi lăm hôm sẽ được về nhà... Nghe và xem thư của những người trong bản nhưng Sín mong mãi vẫn không thấy ông thông tin xã đến ngõ nhà mình. Đêm nghe tiếng con vạc ăn đêm bay lưng trời hòa vào tiếng suối rì rào, Sín càng nôn nao không ngủ nổi, ôm chặt thằng Hòa vào lòng. Nghe tiếng ngáy đều đều của con, Sín mường tượng thấy Lìn đeo ba lô bước vào sân, nó nhảy ào từ trên sàn nhà xuống ôm chầm lấy bố. Gần sáng Sín mệt mỏi thiếp đi, chập chờn mơ thấy Lìn về ngồi dưới gốc cây trám già vừa chia quà cho trẻ con vừa ríu rít chuyện trò với người lớn. Lúc lại mơ thấy Lìn về đến ngõ nhưng không vào nhà, mà cứ đứng gọi: “Me ơi!”. Sín giật mình tỉnh dậy nhận ra thằng Hòa đang lay chân mình, miệng cười: Me ơi! Con ăn cơm rồi, xin mẹ con đi học!

Không chỉ thư ở miền Nam gửi về mà những người con của Mạy Cưởm cũng lần lượt khoác ba lô về với bản Tày mang tên cây trám trắng. Ai cũng hỏi có gặp người Mạy Cưởm mình không? Người lính lắc đầu mỉm cười: “Chiến trường rộng lớn rải khắp miền Nam, sang cả Lào và Campuchia, chẳng gặp được nhau đâu!”. Người đưa lá thư của chồng con mình ra hỏi có biết hòm thư này không? Người từ chiến trường về trả lời không biết hòm thư này, còn hai chữ JB và hai số 05 là địa chỉ của chiến trường miền Nam. Nhìn Sín ngân ngấn nước mắt, mọi người động viên: “Đợi mấy ngày nữa thế nào cũng có thư của bố thằng Hòa!”. 

Cùng với niềm vui, những câu chuyện chiến thắng, người lính còn mang theo những chuyện gian khổ, ác liệt và sự hy sinh mất mát của đồng đội, đồng bào miền Nam. Dù chỉ được nghe qua người khác kể lại những điều ấy nhưng Sín cứ mong chồng mình không bị cụt chân như anh Phù khi đánh trận Xuân Lộc khi tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sín càng mong bố thằng Hòa không như anh Đao người bản Mai cùng 5 chiến sĩ, trước khi vào trận đánh tổng kho Long Bình, đơn vị làm lễ truy điệu sống vì biết họ mãi mãi ra đi để làm nên chiến thắng huy hoàng.

Cùng với niềm vui, bản Mạy Cưởm bốn lần đau buồn làm lễ truy điệu 4 liệt sĩ của bản đã anh dũng hy sinh. Sín cứ nhoi nhói mong mẹ con mình không phải chịu nỗi bi hùng như mè Sài, chị Kẻn…

Mấy lần Sín lên huyện đội rồi lên cả tỉnh đội hỏi tin chồng, các cán bộ chỉ lắc đầu: Chúng tôi chưa biết tin tức gì, thôi chị về nhà đợi xem sao. Ba tiếng đợi xem sao ấy như một điệp khúc bao lần tiễn chân Sín ra khỏi các cơ quan quân sự, rồi theo tiếng xích xe đạp khô dầu mở hành khúc cọt kẹt trên đường về tận nhà khi trời nhá nhem tối.

Ba tiếng ĐỢI XEM SAO theo Sín suốt ngày đêm từ tháng trước sang tháng sau, từ mùa đông nọ tới những mùa đông kia. Con trai của Sín đã là kỹ sư mỏ A pa tit, lấy vợ cũng là kỹ sư cùng làm ở mỏ, rồi sinh cho mè Sín một thằng con trai và đứa con gái, giúp mè khuây khỏa nỗi lòng. Nhiều lần Hòa nghỉ phép vào miền Nam đi khắp các huyện đội, tỉnh đội, các phòng, sở lao động thương binh - xã hội và đến từng nghĩa trang nhưng không thấy nơi nào có tên bố. Mà lạ thế, anh cũng như mẹ, đến đâu cũng nhận được lời khuyên về nhà đợi xem sao…

Thao thức đợi suốt 8 năm chờ ngày hòa bình thống nhất. Vò võ đợi chờ 45  năm sau ngày giải phóng miền Nam, nhiều đêm không ngủ, sợ động giấc của con nên Sín ra ngoài gốc trám ngồi nhìn những vì sao lấp lánh trên nền trời, rồi dõi nhìn theo con đường chìm khuất trong đêm. Sín ngồi dưới gốc trám từ lúc ánh mắt đen long lanh như hạt thừng mực, qua bao mùa đông lại sang hè. Những giọt sương đêm trên cây trám thánh thót nhả giọt buồn thấm ướt bờ vai người phụ nữ. Mỗi mùa ra quả, cây trám già cũng não lòng buông những tiếng rơi lộp bộp vào tận tâm can của Sín. Những đường nhăn chờ đợi dày thêm, khỏa lấp gương mặt trái xoan ngày son trẻ của cô gái xinh nhất vùng Mường Na. Mòn mỏi đợi chờ và lo toan cho con khôn lớn trưởng thành từ thưở tóc Sín còn xanh, đến khi loáng thoáng hoa râm rồi đầu trắng xóa.

Đằng đẵng đợi chờ và công việc vất vả đã âm thầm hợp sức dắt căn bệnh ung thư len vào phổi mè Sín từ lúc nào không rõ. Khi mè đã bước sang tuổi 73, nó mới trỗi dậy hành hạ khốc liệt. Mấy tháng liền Hòa đưa mẹ đi tận các bệnh viện Trung ương, các giáo sư bác sĩ tận tình điều trị rất nhiều loại thuốc tốt cũng không chữa nổi số mệnh của người đàn bà đợi chồng chưa cưới suốt bao năm. Vợ chồng Hòa đành đón mẹ về nhà phụng dưỡng. Nhìn mẹ mỗi lần lên cơn đau vật vã, vợ chồng Hòa lòng đau như thắt.

Hôm đó chừng 10 giờ trưa, sau khi thăm khám kỹ cho mè Sín, bác sĩ San, bạn thân của Hòa kéo anh ra sân nói nhỏ: “Đôi tai cụ đang cụp xuống rồi, chỉ mươi tiếng đồng hồ nữa là cụ đi!”. Cùng lúc ấy một chiếc xe con màu trắng mang biển số 51 đỗ dưới gốc trám, người Mạy Cưởm đoán là bạn đồng nghiệp của vợ chồng Hòa, người tưởng Hòa mời thầy thuốc tận thành phố Hồ Chí Minh ra chữa cho mẹ. Khi người lái xe già tóc bạc trắng, nói giọng miền Nam hỏi thăm nhà liệt sĩ Hoàng A Lìn, mọi người đứng quanh xe đều bàng hoàng...

Ngồi bên giường bệnh mè Sín, ông Ba Huề người miền Nam đỗ xe ngoài gốc trám nghẹn ngào kể:

… Em về làm đại đội phó của đại đội trưởng Hoàng A Lìn mới được 7 ngày, anh em chưa hiểu nhiều về nhau thì ngày 28/4/1975, đại đội em nhận nhiệm vụ đánh cửa mở cho tiểu đoàn tiêu diệt căn cứ Đồng Dù án ngữ tây bắc Sài Gòn. Cấp trên yêu cầu đại đội em chỉ 2 tiếng đồng hồ phải hoàn thành nhiệm vụ phá tan hàng rào. Mười quả mìn định hướng nặng 20 cân lần lượt quét nhưng vẫn còn hai hàng rào lò so dày nằm sát nhau. Anh Lìn lệnh cho tiểu đội cảm tử cầm bộc phá ống lao lên. Năm chiến sỹ lên đến giữa chừng đều lần lượt ngã xuống vì hai khẩu đại liên của địch từ hai lô cốt bắn ra đan chéo cánh sẻ. Em bảo: “Anh để em lên!”. Anh quát: “Lệnh cho đồng chí lui lại chỉ huy bộ đội!”. Nói rồi anh bò đi dưới làn đạn địch. Kinh nghiệm chiến trường đã chỉ cho anh biết khi hết đạn, địch phải mất thời gian thay băng mới, phải nhanh chóng chớp thời cơ ấy mới giành chiến thắng. Quả nhiên khi một trong hai khẩu đại liên ngừng bắn thì anh nhanh chóng cầm hai ống bộc phá vọt lên. Tiếng nổ vừa xé tung hai hàng rào cuối cùng, một quả đạn cối từ trong căn cứ địch bắn ra, nổ ngay trước mặt anh. Em lệnh cho các chiến sỹ đại đội cùng đơn vị bạn xông vào căn cứ địch, khi qua chỗ anh nằm, thấy người anh đầm đìa máu, em cho hai chiến sĩ đưa anh về tuyến sau. Nhờ ống bộc phá của anh mà đơn vị hoàn thành mở cửa trước thời gian được giao, cả căn cứ Đồng Dù tan hoang, bọn giặc lũ lượt giơ tay hàng. Là người Sài Gòn nên em tiếp tục được giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội dẫn đường đưa trung  đoàn vượt sông Sài Gòn vào nội thành. Sau ngày Sài Gòn giải phóng, em cùng các chiến sĩ trong đại đội tìm khắp các nghĩa trang quanh Đồng Dù nhưng không thấy mộ anh và các chiến sĩ cùng đại đội. Em cũng chẳng biết quê quán anh ở đâu vì sống với nhau mới được mấy ngày, lại phải chiến đấu dồn dập. Bốn năm sau, em được lệnh cùng đơn vị sang Campuchia giúp bạn diệt bọn Pôn Pốt, xong quay về nước đi học, tiếp tục ở bộ đội cho đến ngày nghỉ hưu. Ở nội thành có nhà lầu đàng hoàng nhưng ồn ào ngột ngạt em không chịu nổi, vợ chồng con cái bàn nhau mua đất ngoại thành gần căn cứ Đồng Dù cũ, làm nhà ở và làm trang trại tăng gia. Hai tháng trước, thằng Hai nhà em thuê máy xúc về làm ao. Chẳng hiểu linh tính thế nào mà nó không dùng máy nữa, lại thuê thợ đào thủ công, còn bắt người ta phải đào xúc thật cẩn trọng. Buổi chiều ngày đầu tiên, thợ đào chạm ngay một ngôi mộ rồi tiếp đó là 5 ngôi nữa, đều là liệt sỹ quân giải phóng. Người còn xương cốt nguyên vẹn, người chỉ còn đôi dép cao su. Đến ngôi mộ chỉ có chiếc lược làm bằng đuya-ra từ mảnh máy bay Mỹ khắc chữ L-S và cái lọ pênixilin được nút chặt, bọc kỹ năm sáu lượt ni-lon, thằng Hai mở ra xem rồi đưa cho em. Tuy mực đã mờ nhưng vẫn còn đọc được, em run bắn người khi nhìn rõ họ tên anh, cả tên đơn vị chúng em, quê quán và ngày giờ hy sinh.

Ông Ba Huề ngừng kể, bằng chút hơi tàn, cầm chiếc lược đuya-ra ấp trên ngực, mè Sín nấc lên: “Em đợi suốt bao nhiêu năm! Sao giờ anh mới về! Bây giờ anh phải đón em cùng đi quê xa phụng dưỡng phò me!”.           

N.X.M

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm