- Truyện
- Người có năm sinh nhỏ nhất | Vũ Trường Anh
Người có năm sinh nhỏ nhất | Vũ Trường Anh
VŨ TRƯỜNG ANH
Trong nhà đã vậy, cả làng cũng vậy. Gần như, cả cái miền này, bạn trẻ trâu của ông giờ không còn nữa. Không còn ai có năm sinh nhỏ hơn ông. Ông là người có năm sinh nhỏ nhất.
Và…
Cũng có lẽ, do nhỏ nhất nên ít có bạn bè đồng lứa, khó bề tri âm tri kỷ, nói cách khác, khó tìm người hiểu nhau, chơi với nhau. Vì thế, ông trở thành người cô độc.
Mà không cô độc sao được, ngoài ông ra, ai biết…
Tiên Phước ngày ấy là những dãy đồi âm u, những khu rừng đại ngàn, bốn bề rậm rịt. Theo khe núi, ông xén quần lội qua những vũng lầy toàn thứ môn rừng ngứa ngáy, những đám cỏ lác phủ khỏi đầu người. Nhờ nó mà ông tránh được tầm ngắm của những con bọ già và lại là tấm phao cứu trợ mỗi lúc ông vượt lũ vượt khe. Người có năm sinh lớn họ có biết đâu. Họ là người lớn mà. Họ biết sử dụng máy tính, họ có Iphone. Nghe đâu, 9 - 10 rồi 11, 12, 13 gì gì đó. Toàn là con số rối rắm, ù tai. Ông luôn chọn con số nhỏ nhất, con số năm sinh, để thấy mình bé bỏng, thấy mình còn tồn tại trên cõi dương gian này. Một ngày cũng quý, một giờ cũng quý. Ông đếm từng ngày. Đếm ngược lại dòng chảy của thời gian.
Ông đi từ Lò Thung, không phải đi theo cách đi bây giờ. Giờ họ đi bằng ô tô, ông đi bộ. Trẻ nhỏ mà, đi bộ là chủ yếu. Làm gì biết đi xe. Làm gì có xe để đi, mà cho dù có xe cũng không có đường mà đi. Đi trong rừng, lội trong rừng. Từ Lò Thung qua Hang Dơi, lúc lội, lúc bơi, lúc trèo, lúc chui, lúc rúc. Người có năm sinh lớn hơn, họ đâu hiểu. Họ là người lớn mà, là nhà thông thái cả. Họ đi máy bay, họ bấm Iphone, máy bay tới, đưa họ chu du khắp đó đây. Những thành phố nguy nga tráng lệ. Ngay cả thức ăn cũng tự nhiên bay tới. Họ không trả tiền, Iphone trả tiền. Ông làm gì có tiền, ông đào củ ráy, thứ của rừng, ông ăn những thứ mẹ thiên nhiên ưu đãi. Mẹ thiên nhiên nuôi ông, cho ông ăn, cho ông uống. Ông ngủ với mẹ thiên nhiên trong rừng, tắm nước suối rừng. Chỉ có ngày về với mẹ, mẹ chưa cho. Mẹ bảo, năm sinh con nhỏ nhất, con gắng dạo bước rong chơi thêm vài năm nữa. Đường trần thú vị lắm…
Ông đi. Ông đi trên con đường hồi tưởng. Con đường toàn núi, toàn đá. Mà nó lại đánh ông. Nhốt đã rồi lại lôi ra, nó đánh bằng nẹp tre, rồi thanh sắt. Mà sao lạ thế nhỉ, có ai bắt ông kể đâu. Ông lại hoang tưởng rồi. Người có năm sinh nhỏ hay hoang tưởng. Già ra con nít là vậy. À quên, ông là con nít thứ thiệt ấy chứ. Ông nhỏ nhất mà.
Nhà này, ai cũng nghĩ thế. Họ xem ông nhỏ nhất. Ông bưng cho họ ăn, ông kéo ghế cho họ ngồi. Họ bảo tính ông thích vậy. Họ ăn trước, ông ăn sau. Họ lớn hơn ông về năm sinh. Lớn hơn nhiều nhiều lắm. Lẩn thẩn ông lò dò học họ mở ti vi, mò xem cái máy cầm tay của họ. Họ khoá tuốt, ông mở không ra. Họ là thế giới bí mật với ông.
Còn ông…
Cái năm ác liệt nhất, cũng là cái năm ông đi tìm họ. Người đời bỏ Sài Gòn chạy về quê, ông lại bỏ quê vào Sài Gòn. Ông đi tìm họ, đưa họ về. Giờ họ lớn hơn ông. Ông luôn là người nhỏ nhất.
Móm mém trạo trẹo muỗng cơm, ông cố nuốt, nó ứ lại, nghẹn ở cổ. Sao lạ vậy nhỉ, ngày nào thèm ăn thì không có ăn. Củ ráy ngứa rát cả cổ cũng cố nhai, cố nuốt, giờ thịt luột, heo quay, nuốt không vô. Toàn thứ cao lương mỹ vị có sẵn trong Iphone, alo có ngay, khỏi phải đi mua, mà sao vẫn không ăn được. Tô nước súp đằm đằm, đủ độ mặn ông vẫn muốn nêm thêm. Ông nêm bằng nước mắt của ông. Nước mắt người nhỏ năm sinh khác nước mắt người nhỏ tuổi. Nó hiếm lắm. Ông biết, nhưng giờ ông cần nêm. Nêm thêm vị chua ngọt với đời.
Ngày rằm tháng 7, chúng kéo nhau về, sắm đồ chay, chúng nấu chay. Nghe chúng nói thế, ông hay thế. Chúng bảo ông, ông dậy cúng. Ông nhắm mắt, nhân ngày rằm tháng 7, ngày lễ Vu Lan, lòng thành con khấn vái, trước nén nhang trầm, mâm cơm đạm bạc. Ông mở mắt. Mà sao, ông ấp úng. Chay sao lại có gà xé, có cả thịt bò… Chúng bảo đồ giả đó ông à. Cúng chay cũng giả. Thật giả lung tung.
Khấn xong…
Ông nhờ cậu chủ chở ông đi thăm lại chốn xưa. Ông muốn thắp lại nén nhang cho đồng đội, cho bạn cũ, cho ông cho bà, cho cả những người trang lứa. Nghĩa là cho cả những người có năm sinh nhỏ hơn cả ông. Họ nhỏ lắm, họ đâu biết những gì của hiện tại. Họ không biết dùng Iphone.
Bữa cúng cơm cho cha ông, thằng cháu nội của ông, nó mua về nào ô tô, máy bay… và hẳn nhiên cả iphon nữa. Nó nói Iphone 9, Iphone 10 gì đó. Cúng xong, nó đốt. Nó bảo, con sắm cho ông Cố, ông Cố đi máy bay, ông Cố xài Iphone hạng xịn. Nó cầu, ông Cố phù hộ cho nó. Nó làm ăn giàu có, nó sẽ mua cả nhà lầu cúng ông. Nhà lầu bằng giấy, giờ họ bán nhiều lắm. Mấy tầng cũng có. Cả máy bay nữa, tất nhiên rồi, thứ gì cũng có. Thời này, dễ sắm, dễ mua. Cháu con hiếu thảo, nó mua về. Cúng xong rồi đốt. Khói bay nghi ngút. Nó khấn, nó ước nguyện, nó xin ơn trên phù hộ.
Những người có năm sinh nhỏ hơn ông không biết có nghe thấu không? Ông nghe. Ông nghe tất, tội nghiệp cho họ. Họ đâu biết. Ông nhỏ mà. Nhỏ hay quên. Ông quên thật. Quên mà tốt. Nhớ lấy đâu cho. Họ cầu cao lắm, nào một chuyến chu du tận trời Âu.
Cúng xong, ăn xong, nó bảo nội lấy cuốn sổ đưa con cất cho. Cất kẻo nội làm lạt mất. Ông hỏi, sổ gì? Nó bảo thì cuốn sổ hồng hồng bằng giấy ấy. Ông bảo, đốt rồi. Nó hốt hoảng, sao ông lại đốt. Ông bảo, xe ô tô, máy bay con đốt được. cuốn sổ mỏng lét, vẽ nguệch ngoạc mất dòng có đáng gì mà không đốt. Nó lại bảo, ông lẫn thật rồi. Nó là cuốn sổ đỏ. Giá trị hàng tỷ đồng trong đó ông ơi.
…
Ông đi tìm gặp cha ông. Ông ngả vào vai cha, ông nũng nịu, cho con gặp mẹ. Mẹ nấu cơm cho ông ăn, mẹ kho cá bống. Ngon lắm. Ông ăn rất ngon. Cổ ông không còn nghẹn ứ. Ông cười, mẹ cũng cười, những người có năm sinh nhỏ nhất cùng cười. Càng nhỏ càng cười. Nụ cười rất thật.
Nén nhang vừa tàn, ông lẻn vào trong. Ông nằm trên chiếc chõng của ông. Chiếc chõng con, đơn đơn, bốn bề sao mênh mông quá. Ông thiêm thiếp. Giấc ngủ đến với ông tự lúc nào ông không hay biết. Ngủ là hết. Là quên tất cả.
Giờ thì ông không còn được thức. Và có lẽ, lũ cháu ông nó về, nó sắm nhiều nhiều thứ. Khói bay nghi ngút…
Chúng đưa ông về với những người có năm sinh nhỏ nhất. Về với thế giới thật không có Iphone.
Tam Kỳ, 15/7, mùa Vu Lan.