TIN TỨC

Người nữ và con đường tình yêu trong Đối thoại đêm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-06 11:30:14
mail facebook google pos stwis
467 lượt xem

T.S. NGUYỄN THỊ NHÀN
(Đọc Đối thoại đêm của Triệu Kim Loan, NXB Hội Nhà văn, 2023)
 

Tôi không biết sẽ bắt đầu từ đâu, viết gì trước, khi ngôn từ líu ríu và những tứ thơ, những vần thơ đẹp của nữ sĩ Triệu Kim Loan đang chảy trong suy ngẫm?

Chỉ là một độc giả bình thường, yêu thơ ca và trân quí, nâng niu những tài hoa sáng tạo, còn để phẩm bình về thi ca lại là câu chuyện khác.

Tuy vậy, tôi cứ mạo muội nhờ chút câu chữ nói hộ cảm xúc chân thành, những tri nhận cá nhân tôi khi đọc Đối thoại đêm.

Phía trước tôi đã có “công trình” đầy đặn, giới thiệu tập thơ này. Đó là bài “tựa” công phu ở đầu tập của nhà thơ Bùi Phan Thảo. Cuối tập có “lời bạt” của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã về chùm thơ Đà Lạt. Họ đều sành thơ, tri âm, tri kỷ của chị Loan, họ viết về chị ắt là chí tình, chí thơ!

Đối thoại đêm, như tôi luôn hình dung đâu đó, gần xa, một người nữ thanh xuân, tươi trẻ, lá đang biếc mùa xanh; lại như hiện hữu một cây đời trải qua dông gió dập vùi, những buồn vui, khắc khoải, những nghiệm sinh còn mất; dang dở và khao khát vươn về phía thiện mỹ trần gian. Chân dung người nữ trong thơ đậm sắc màu văn hóa cội nguồn. 

Người nữ ấy đi trên con đường tình yêu. Chị yêu thiên nhiên, yêu quê hương xứ sở, chị yêu người,…

Quê hương nơi chị sinh ra và lớn lên, trong xa cách, tha phương, nỗi đau đáu không cùng. Niềm yêu quê chưa bao giờ vơi cạn, ngủ yên. Nó thao thức, luôn đâm chồi nụ tái sinh, như rong “rêu nảy mầm lối cũ”. Nó xót xa trong thiên họa dập vùi, hình hài quê dấu yêu biến dạng, phận người trồi sụt, nổi nênh, sinh tử, nghèo đói: Nắng òa khóc núi chơ vơ/ Rừng loang lổ cháy suối trơ cạn dòng; Đầu nguồn con sóng mồ côi/ Đục ngầu cuối bãi, phận người lênh đênh (Thương quê). Và dĩ nhiên cả những trong trẻo, yên bình như quê hương nguyên sơ bao đời nay vẫn vậy. Đó là một “trung du lấp lánh” trong thương xa của một người con sống xa quê luôn vọng niệm. Đây là một phố núi thời đèn dầu mà tối “chẳng thắp đèn”; là hình ảnh cái “ngõ hun hút”; là ngọt ngào giọng mẹ ầu ơ theo nhịp võng “nhặt thưa dịu nồng”; là hương hoa cau ngan ngát “đợi nắng thắp sao hôm”: là âm thanh đồng quê quen thuộc bao đời trong “sáo diều cao vút”. Đặc biệt, một miền quê đất cằn sỏi đá vẫn thầm gieo những hạt mầm khỏe khoắn, khao khát hiến dâng, khao khát vươn lên, để một ngày cây trổ hoa, kết trái ngọt ngào cho đời: Khát vọng xanh em giấu dưới cọ mềm / Đồi đá sỏi nghiêng em – ngày trổ biếc (Khát vọng xanh).

Trái tim nghệ sĩ luôn nhạy cảm, vọng động trước những éo le, bất trắc của phận người. Người thơ trong Đối thoại đêm luôn là như thế. Tôi ấn tượng với các thi phẩm chị viết về thân phận người nữ trong tập này: Gánh đàn bà, Khỏa sóng đời, Đừng gió, Mẹ chồng tôi, Bóng mẹ, Nhang khói dẫn đường con… Phải chăng nẻo nữ nhân, đàn bà xưa nay, luôn là những thăm thẳm đa đoan? Họ ngoài đời và trong nghệ thuật nói chung, trong văn chương luôn ám ảnh nghệ sĩ.

Tôi trân quí, sẻ chia cảm thông cái mong manh của người nữ trong Đừng gió. Những chênh chao, xao lòng từ những kỷ niệm đẹp xưa cũ dội về, hay một bóng hình nào đó gặp gỡ giữa đường đời là chuyện không hiếm. Ranh giới giữa đôi bờ hạnh phúc và bất hạnh cũng mong manh yếu ớt như tâm hồn người nữ. Con thuyền chòng chành rồi chìm trong sóng gió hay bình yên quay về bến bờ? Tự cật vấn, tự tình khúc gọi đò, sang đò, người nữ đã bỏ lại những mê dụ khoảnh khắc để con thuyền quay về bến quen, vun trồng cây trái xum xuê vườn nhà. Nghe thì ngỡ như nhẹ tênh mà người trong cuộc vật vã, khắc khoải vượt thoát góc u uẩn, đa đoan chính mình: Em lựa chiều sóng đổ/ Vỗ tròn bờ đa đoan/ Phù sa em ngút ngàn/ Bồi đắp miền chồng vợ/ Hạnh phúc ngàn hoa nở/ Trái chín đầy tay thơm (Đừng gió).

Thơ Triệu Kim Loan luôn là những người nữ lấy vị tha, lấy hy sinh những niềm vui vị kỷ để đổi lấy hạnh phúc cho mọi người. Dù họ là tình nhân, là người vợ hay người mẹ. Nết hạnh truyền thống đó khiến người nữ trong thơ chị nghiêng về chân dung nữ nhân thời xưa, vừa u buồn vừa tội tình, xa xót, vừa cảm phục: Những mùa dài buốt lạnh/ Chị và đêm lưu đày/…, Đêm trăng tàn giã gạo/ Cố quên mình đang xanh…, Vùi đau vào nốt nhớ/ Gió thốc miền trống không (Khỏa sóng đời).

Chị viết về Gánh đàn bà Những người nữ cứ thương khó, tần tảo lặng lẽ trên đời như chẳng sống. Họ như cây mọc lên từ sỏi đá cỗi cằn, không tưới tắm mà tự tươi tốt lạ thường, phi thường. Sức sống ấy được nuôi dưỡng từ đức hy sinh vị tha, tự suối nguồn đạo hạnh trong trẻo nơi dân tộc ngàn đời. Không kỳ vĩ, không trời cao biển rộng, không từ bình yên nhung lụa, người đàn bà trần gian lặn ngập trong những nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh cơm áo; họ gánh chồng con trong gắng gỏi tạo dựng đời sống tinh thần, quên thân để đổi nụ cười êm ấm gia đình; họ tự nhuộm đắng đót mình cho ngọt bùi thơm thảo phía người thân; họ quên sống hôm nay vì một đời sống tốt đẹp phía tương lai … Họ tồn tại trong nghĩa lý quên sống. Họ chỉ như cát bụi vô hình. Họ chỉ luôn hao khuyết. Như đôi bờ sông bên lở, bên bồi, phía nữ nhân luôn nhận về bên lở. Bờ bãi bồi tròn đầy, mỡ màu, họ dành tặng chồng con. Viết về giới mình như vậy, thơ chị có nhức nhối những bất nhẫn và những phận bạc dưới trời? Trong nỗi lặng thầm nhẫn nhịn bao dung, ắt chứa những sầu đau cô lẻ! Hóa ra, nước mắt lặn vào trong thì muôn đời vẫn thế. Hồ Xuân Hương xưa, “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt”, “cô Kiều khóc trên bốn dây ly biệt” khi bán mình chuộc cha. Dù cho nàng dứt tình và “hạ tình” như thế, song đêm trao duyên, chữ tình nức nở, thật bi ai… Gánh đàn bà thời nào cũng vậy! Họ gánh đa đoan trên mảnh thân gầy, đi con đường dằng dặc buồn, xuyên suốt ngàn năm lễ giáo ngặt nghèo. Vẫn một sắc màu thủy chung, lam làm, thương khó, nhẫn nhịn, vị tha mà bước qua vị kỷ: Cơn lốc cuộc đời cuộn xoáy những trái ngang. Người đàn bà tất tả trong khó nhọc mưu sinh…Họ giấu nỗi đau sau những nụ cười… đối diện đêm hàn đón ánh bình minh (Gánh đàn bà).

Viết đến Gánh đàn bà thì dường như, những dáng hình nữ khác trong thơ Triệu Kim Loan giống chồi nhánh chung một gốc. Bởi suy cho cùng, vì một sắc màu yêu thương vị tha vô hạn mà người đàn bà đã quên đi bản thân ở trên đời. Những run rẩy, nồng nàn yêu đương, nỗi nhớ thương đầy vơi hay niềm đau vẫn chỉ nghiêng về phía trống vắng bản thân mình: Em nồng nàn - một ngăn nhớ - riêng anh (Mưa thơm ngày cũ); Cố quên mình đang xanh…/ Vì các con - thôi đành (Khỏa sóng đời).

Người nữ tự tình, tự vui buồn, tự vụn vỡ, tự thấy bẽ bàng, tự đắng đót: Em thương mình buốt gió/ Ngọn nến tàn buốt lệ suốt quanh năm (Dấu chấm hỏi), Dẫu ngày mai trắng tay câu duyên nợ/ Em vẫn mình xa xót. Một hoang xưa (Ngược gió) Xa xót quá/ ngày tình yêu góa bụa/ Tự ru mình sao chua chát / cứ lên ngôi… Một ngày - anh thành khách trọ/ Một ngày đau/ Em vụn vỡ/dưới chân đền (Ngày tình yêu góa bụa).

Và rồi, họ tự chữa lành vết đau, tự đứng lên và tiếp tục kiếm tìm trong đợi chờ hy vọng, khát khao vẫn xanh ngời: Hoa đợi ngày biếc tím/ Bến đợi cánh buồm nâu (Chợ tình), Giữa dòng đời xô lệch / Lòng vẫn nguyên ánh rằm (Ngược mùa), Em qua mùa tuổi chín/ Bão đời trôi phũ phàng/ Hình như còn ủ kín / Nỗi khát tìm mênh mang (Ríu ran mùa).

Tôi đã gặp những người nữ vừa u sầu, vừa khao khát sống như thế trong Đối thoại đêm. Tôi cứ liên tưởng, trong cuộc người giữa trần ai này, những sự tình như thế có gọi tên là mảnh cô đơn trong nhu mềm và cứng cỏi ? Người nữ mềm như cỏ, người nữ vi diệu như nước nhưng trong họ vẫn cất giữ phẩm chất tùng bách để chống chọi, không quị ngã giữa đời, để giữ lửa tình yêu cuộc sống. Âm và dương, mặt trời và mặt trăng, sao hôm và sao mai… tưởng như cơ hồ đối lập mà không thể thiếu khuyết làm nên chân dung thế giới và cuộc sống.

Đối thoại đêm có 50 thi phẩm. Dòng chảy tràn là tình yêu thương con người. Tình yêu lứa đôi nhiều “sóng ở đáy sông”. Thân phận tình yêu gắn với nụ cười và nước mắt, những day trở kiếm tìm cái đẹp và hạnh phúc.

Tôi yêu một hồn thơ nữ nhạy cảm, dịu dàng, tinh tế trước thiên nhiên, gọi ngôn từ họa những hình ảnh đẹp; bông “hoa nắng”, “sắc phượng bung lửa”, “hạt chiều bay”, “vệt nắng tím”, “Sông như võng”, “cải dịu dàng gối ngực triền đê”…“lá trở mình”, “mùi đất trời nồng nã”…

Tôi cũng sẻ chia lối suy tư sâu sắc trong một số liên tưởng so sánh ám ảnh, ấn tượng. Chị ví phận mồ côi như “lá héo bên đường” (Mồ côi); ví vạt hoa cải vàng triền đê như người nữ dịu dàng mềm mại, chút nũng nịu “Cải dịu dàng gối ngực triền đê” (Bùa mê hoa cải); chiếc lá rụng về đất mà vui niềm vui tái sinh trong lặng thầm tận hiến; “Mắt lá hướng lên trời hát khẽ/ Tận hiến mình cho chồi biếc mai sau”… (Mắt lá )…

Những cảnh sắc thiên nhiên luôn được thi sĩ thổi vào đó những đa điệu “tâm hồn” nhờ nhân hóa: “nắng khóc”, “vạt nắng đùa”, “sóng phân vân”, “lá trở mình”, “nắng thương mưa”, “nén nhang trầm thương nhớ đầy vơi, “Hoa đợi ngày biếc tím”…

Tôi nâng niu những thi phẩm đẹp giản dị mà sâu sắc, tứ thơ sáng, dù có khi không hẳn mới, hay sáng tạo. Bởi nó thật rưng rưng, chạm đến nỗi người nhân bản, nhân văn; Gánh đàn bà, Khỏa sóng đời, Mồ côi, Thương quê, Ngày tình yêu góa bụa, Rêu nảy mầm lối cũ, Đừng gió, Chợ tình… Có lẽ, tôi thiên vị cái đẹp cổ điển, giản dị mà sâu sắc thi điệu khúc ca dao quê kiểng!

Độc thoại đêm sẽ thật thú vị, hoàn hảo, giá như một số thi phẩm đã tinh tế, ngôn từ đẹp, song, độc giả muốn nhận diện tứ thơ sáng hơn, cách viết bớt đi chút cầu kỳ, tập trung hơn. Mặc dù, ở những sáng tác đó, nhan đề mách bảo khá rõ: (Ngày em đến, Chiều xanh gió, Giấc mơ em,..). Nhưng, mơ ước luôn là cái đẹp để ta vươn tới hoàn thiện. Từ Khoảng lặng, Suy tư chiều, Khát vọng xanh đến Đối thoại đêm, nhà thơ Triệu Kim Loan đã đi qua chính mình, suy tư sâu lắng hơn, ngày càng tinh tế. Chúng ta mong qua Đối thoại đêm, người thơ Triệu Kim Loan luôn đến được, có được những bình minh, đam mê sáng tạo trên con đường chị đang đi tới nhiều ánh sáng.

  Viết tại miền Kinh Bắc, mùa heo may Quý Mão.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người làm lệch nhịp thời gian
Nếu những tập thơ trước đây của Nguyễn Quang Thiều tựa như dòng sông cuộn xiết vào mùa hạ, mang bao khát vọng, nỗi trăn trở réo gào khi chảy qua những khúc quanh, ghềnh đá..., thì đến Nhật ký người xem đồng hồ (NXB Hội Nhà văn, 2023) vừa xuất bản, người đọc được chứng kiến một dòng sông đang tan băng vào cuối xuân, song hành cùng những biến động của cuộc sống đương đại. Dòng sông ấy cuốn đi, đôi lúc phát ra tiếng nổ của những tảng băng bị rạn nứt. Từ vết nứt sắc lạnh và tối giản của ngôn từ trong tập thơ này, ta bỗng nhìn thấy những hình ảnh, tứ thơ lạ lẫm, tuyệt đẹp hiện ra trong những khoảnh khắc ngổn ngang, lo đâu, đầy bất an của đời sống thường nhật.
Xem thêm
Tần Hoài Dạ Vũ – Người thầy mẫu mực đất Quảng
Tần Hoài Dạ Vũ – nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian…xin được gọi ông là nhà nào đây ạ? Tần Hoài Dạ Vũ cười hiền lành, đầy khiêm tốn: “Cứ gọi tôi nhà giáo là được rồi!”. Người tôi nói đến, đó chính là thầy giáo Nguyễn Văn Bổn (bút danh Tần Hoài Dạ Vũ).
Xem thêm
Văn truyện của Phạm Ngọc Dũ - Cảm xúc chân thành và đầy tính nhân văn
Trước khi khai thác về văn truyện của anh, tôi xin giới thiệu đôi dòng về nhà văn Phạm Ngọc Dũ: Phạm Ngọc Dũ sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi, hiện sống và viết tại tp HCM, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Anh hiện đang là chủ biên của Tạp san Sông Quê.
Xem thêm
Dấu chân thơ – những thiên du ký bằng thơ sâu lắng ngọt ngào
Bài viết của nhà thơ Phố Giang, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
“NHỮNG DẤU CHÂN THƠ” Là tập thơ thứ Ba của tác giả Trần Kim Dung do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào đầu tháng Sáu năm 2023.
Xem thêm
‘Mười năm một quãng đường người xót xa’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập Thơ mười năm của Hoàng Đình Quang, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023
Xem thêm
Dòng ban mai trong thơ Trần Hùng
Tập thơ Mắt mắt khuya từng đàn (NXB Hội Nhà văn, 2023) của Trần Hùng dẫn tôi vào một sớm đang tan sương, có thể ứng với bất kỳ mùa nào trong năm. Khi ấy hừng đông đã rạng, sưởi ấm cho khắp miền không gian nơi con người cùng vạn vật vừa thức dậy. Một ban mai không ngưng đọng mà dịch chuyển, cuộn chảy trong bầu không khí thanh sạch, tinh khôi. Dòng chảy ấy khai mở một ngày mới trong tâm tưởng bạn đọc, bảng lảng, đột sáng và trong suốt.
Xem thêm
Đại thi hào Nga Pushkin – Một thời để yêu, một thời để chết
Cái chết bi thảm của đại thi hào Nga Aleksandr Pushkin cách đây gần 200 năm sau cuộc quyết đấu bên bờ sông Đen (thuộc ngoại ô Peterburg) đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong công chúng, đồng thời đổ ập lên đầu Natalya – vợ ông – biết bao điều tiếng…
Xem thêm
Hành trình văn học Nga ở Việt Nam: Dòng chảy không đứt đoạn
Quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô (nay là Liên bang Nga) và Việt Nam được chính thức xác lập từ ngày 30/1/1950 song mối quan hệ văn chương Nga – Việt đã hình thành từ trước đó rất lâu, dưới hai hình thức: sự giao lưu văn hóa và sự tiếp nhận của những người cộng sản Việt Nam từ nền văn hóa, văn học Nga. Đi suốt thế kỷ XX và ở những năm đầu thế kỷ XIX, tuy có những lúc thăng trầm, song mối quan hệ văn chương ấy chưa bao giờ đứt đoạn!
Xem thêm
Triết lý nhân sinh trong cảm thức thơ của Hoàng Vũ Thuật
Đối với thi sĩ, cái tôi trữ tình phần nào đại diện cho những kiếp nhân sinh mà họ quan sát, gặp gỡ và cảm tưởng. Con người thi ca tìm thấy và chịu đựng được khổ đau của mình, nhưng không chịu đựng được khổ đau của nhân loại. Họ cất tiếng thay cho nhân loại, bằng trái tim đã thấm thía những nỗi đời riêng.
Xem thêm
Vàng của tâm hồn, vàng của văn chương
Bài viết của nhà văn Ngô Xuân Hội về nhà văn Nguyễn Trí
Xem thêm
Bùi Giáng - Người chưa bao giờ già
Bùi Giáng (1926 – 1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng đời sáng tác của ông không chỉ gắn với những bài thơ hay, đầy chất ngẫu hứng, mà còn gắn với những câu chuyện kể nửa hư nửa thực. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày ông qua đời, nhìn lại hành trình thơ của ông, thấy được người “trung niên thi sĩ” này chưa bao giờ già trong con mắt của độc giả.Bùi Giáng (1926 – 1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng đời sáng tác của ông không chỉ gắn với những bài thơ hay, đầy chất ngẫu hứng, mà còn gắn với những câu chuyện kể nửa hư nửa thực. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày ông qua đời, nhìn lại hành trình thơ của ông, thấy được người “trung niên thi sĩ” này chưa bao giờ già trong con mắt của độc giả.
Xem thêm
Từ khải ca họa mi đến thực mơ giữa đôi bờ chùa – chợ!...
Bài bình 2 bài thơ của doanh nhân - nhà thơ Trương Vạn Thành.
Xem thêm
“Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao
Sau ca khúc “Tiến về Hà Nội” đúng 26 năm, vào mùa xuân 1976, nhạc sĩ thiên tài Văn Cao khi có dịp vào TP.HCM, ông lại sáng tác ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, viết về những cảm xúc tràn ngập tâm hồn ông trong “mùa xuân đầu tiên” sau khi nước nhà hòa bình thống nhất.
Xem thêm
Đào Phong Lan - hồn thơ vẫn mềm như cỏ
Tham luận của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đọc tại buổi ra mắt tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”
Xem thêm
Nhà văn Trịnh Minh Hiếu và “Giấc cỏ dụ”
Cách đây tròn 10 năm, năm 2013, Trịnh Minh Hiếu ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình” (NXB Hội Nhà văn 2013). Tròn một năm sau, chị lại cho ra mắt tập truyện ngắn thứ hai mang tên “Thúy Mầu” (NXB Hội Nhà văn 2014). Hai tập truyện ngắn có cá tính riêng của chị ngày ấy khuấy động làng văn chương không ít.
Xem thêm
Đào Phong Lan “không thể nói lời từ biệt” với thơ!
Bài viết của Bảo Gia đăng trên tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 98, ngày 02/11/2023.
Xem thêm