- Bút ký - Tạp văn
- Nhà thơ Thanh Thảo… Nghĩ
Nhà thơ Thanh Thảo… Nghĩ
Bây giờ, khi đã ngấp nghé tuổi tám mươi, tôi mới nhận ra, khi mình càng về già thì thời gian trôi càng nhanh. Và thời gian là thứ mình không thể khắc chế được. Việc hôm nay chớ để ngày mai mới làm, vì có khi không kịp.
Bằng công việc hàng ngày, nếu mình phân phối hợp lý, để không quá căng hay quá chùng, thì dù không thể chế ngự được thời gian, nhưng sẽ tạo ra được những khoảng thời gian có ích. Thời gian có ích trong một ngày, có khi ngắn có khi dài hơn một chút, nhưng đã có ích thì thời gian ấy tương thích với đồng hồ sinh học của mình. Thời gian có ích là thời gian có thể đo được bằng đồng hồ sinh học, không phải đo bằng đồng hồ Liên Xô hay đồng hồ Thụy Sĩ để nói đồng hồ nào tốt hơn… Chúng ta có thể ngây thơ hay dày dạn, còn thời gian thì không. Đó là một đại lượng bình thản nhất.
Nhà thơ Thanh Thảo
Nghĩ về bản thân
Có một câu danh ngôn của nhà văn vĩ đại Jack London (Mỹ) cứ ám ảnh tôi mãi. Câu danh ngôn ấy như thế này: “Tôi không sống vì điều mà thế giới nghĩ về tôi, nhưng vì điều mà tôi nghĩ về bản thân mình” (I do not live for what the world thinks of me, but for what I think of myself). Câu châm ngôn ấy được viết bằng thứ tiếng Anh thật giản dị, đúng phong cách Jack London, mà một người không biết tiếng Anh như tôi đọc cũng hiểu được. Nhưng nó lại không hề là một câu nói dễ dãi.
Chúng ta nghĩ về bản thân mình như thế nào, trong cuộc đời này?
Câu trả lời không đơn giản, vì hình như không ai nghĩ giống ai về bản thân mình. Chưa kể, có nhiều người chẳng bao giờ nghĩ về bản thân mình cả, trong khi họ vẫn là người rất tốt. Nghĩ về bản thân mình cũng có nhiều kiểu nghĩ. Có khi là nghĩ để tự vấn, có khi nghĩ để tự động viên mình, có khi nghĩ để tìm cách “phấn đấu” vươn lên, có khi nghĩ chỉ vì đơn giản có kẻ nói xấu mình, dè bỉu mình… Còn nghĩ vì uất ức thấy người khác hơn mình cũng là cách nghĩ thường tình, có điều, nó không mang lợi ích gì cho người nghĩ, nhưng có thể mang lại tai họa nếu nghĩ không tới, nghĩ dại dột.
Nhưng sống vì điều mình nghĩ về bản thân, là cách sống bình thản mà đầy nội lực, sống “ăn chịu” khi dám mang chính mình công khai trước thế giới. Công khai những cái tốt, công khai những cái xấu, công khai khát vọng cũng như những giây phút tuyệt vọng của bản thân mình… Đó là cách sống độ lượng với người đời, độ lượng với thế giới, nhưng lại tự hiểu bản thân mình, để không đến nỗi cực đoan bắt bản thân phải làm những điều không thể làm được. Nghĩa là biết độ lượng với chính bản thân mình.
Tôi chỉ nghĩ về bản thân mình khi làm thơ. Làm thơ là một hành động tự tìm tự hiểu tự soi rọi vào bản thân hay bản thể của mình, không có gì tỏ ra quá đáng nhưng cũng không tránh né nhiều lắm khi trình bày những suy nghĩ của mình, về chính mình hay về cuộc đời mình sống. Tôi nói “không tránh né nhiều lắm”, nghĩa là có tránh né. Trừ những người dối trá, còn người thật thà bao giờ cũng công nhận trong cuộc sống, mình cũng phải tránh né nhiều chuyện lắm.
Có những chuyện nhỏ thôi, nhưng vì lý do này lý do khác mình cũng phải tránh né, hoặc chỉ nói “nửa cái bánh mỳ”, mà theo ngạn ngữ Nga, nếu tôi nhớ không nhầm, thì “nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ”, còn “nửa sự thật” mới “không phải là sự thật”. Bánh mỳ với sự thật là hai thực thể khác nhau, dù có thể giống nhau là cùng hiện hữu. Nhưng nửa cái bánh mỳ vẫn ăn được, thậm chỉ một mẩu bánh mỳ trong thành phố Leningad bị phát xít Đức phong tỏa 900 ngày là một báu vật với những người dân đang đói. Nhưng sự thật thì khác. Nếu ta cứ “rỉ” sự thật cho người dân, như kiểu nước máy chảy nhỏ giọt khi người ta đang thiếu nước dùng, thì một là sự thật chúng ta biết chỉ có ngần ấy, hoặc ta chỉ muốn “rỉ” ra ngần ấy cho người đang khát, trong khi ta có cả bể nước, thì hai cái ấy là khác nhau đấy.
Nghĩ về bản thân mình, như Jack London đã nghĩ, là để kiên định con đường mình đã chọn, bất kể cả thế giới nghĩ về mình thế nào. Đó là sự kiên định chân lý mà mình nghĩ đã sở đắc. Mình thấu hiểu nó bằng toàn bộ con người mình, cuộc đời mình. Mình kiên định với sự lựa chọn của mình, vì tin nó đúng. Tôi khâm phục những con người như vậy, kể cả khi lựa chọn của họ là sai. Có thể là sai với số đông, nhưng đúng với họ.
Có 4 câu thơ của Jack London, tôi đã ghi vào trang đầu một cuốn sổ tay của mình, từ tháng 6 năm 1975, ngày mới chấm dứt chiến tranh. Đoạn thơ ấy, không biết dịch giả là ai, nhưng là đoạn thơ đề từ cho một cuốn sách của Jack London:
“Điều này còn lại với đời/ Những người đã sống những/ người đấu tranh/ Họ giành thắng lợi bao lần/ Dù vàng đặt cược dần dần/ mất đi”.
Nói “giành thắng lợi bao lần” là một cách nói lạc quan “kiểu Jack London”, trong thực tế chưa chắc đã được như vậy. Nhưng nói “Dù vàng đặt cược dần dần mất đi” là chính xác, vì trong cuộc chơi ấy, dù thua dù thắng, thì “vàng đặt cược” chính là cuộc đời mình, những gì quí báu nhất của mình, cũng dần “đội nón ra đi”. Nhưng mình không hối tiếc. Chẳng bao giờ hối tiếc.
Nghĩ về thơ
Thế hệ thơ chúng tôi hồi ấy có một điểm xuất phát chung: làm thơ như một hành động sống, một hành động thơ. Như một tỏ bày, tỏ bày thơ. Như một tình yêu: yêu đất nước mình, yêu nhân dân mình, yêu mẹ mình. Một tình yêu trong vắt, không hề biết tính toán. “Yêu Tổ quốc là một điều nghiêm trọng”, chúng tôi thường đọc cho chính mình nghe câu thơ ấy của một nhà thơ Tây Ban Nha.
May mắn thay, bây giờ, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn còn giữ được cho mình tình yêu ấy.
Hoá ra, Saddam Hussein trước khi chết dưới giá treo cổ cũng… làm thơ. Đến một anh độc tài vốn coi thơ và nhà thơ chả là cái đinh gì, rồi cuối cùng, khi tuyệt vọng nhất, cũng chỉ biết lấy thơ làm bạn.
Nhiều lúc lẩn thẩn tự nghĩ: nếu không có thơ, mình sẽ có gì. Nếu không làm thơ, mình sẽ làm gì. Câu trả lời chắc không khó, nhưng có lẽ không bao giờ tôi tự trả lời được.
Cứ nghĩ như thế, đã cảm thấy yên lòng. Thơ không mang lại cho mình tiền bạc, danh vọng, chức tước gì, nhưng nó mang lại cho mình… Thơ. Thế thôi.
Tuổi trẻ, tự nó, đã thấm đẫm thơ. Thơ dành cho mọi lứa tuổi, nhưng bao giờ tuổi trẻ cũng được hưởng phần đẹp nhất, tươi rói nhất của thơ. Trẻ mà không làm thơ là uổng lắm!
Nhưng thơ lại không dành cho người háo danh. Thiếu gì cách để nổi tiếng, mà phải víu đến thơ! Hãy để cho thơ được tĩnh lặng, và càng cách xa bao nhiêu càng tốt những tính toán xô bồ, chi li, thê thiết.
Lúc nào không làm được thơ thì thôi, đừng cố. Ăn cố hay uống cố cũng mệt, nữa là làm thơ cố.
Tôi nghĩ, bắt đầu từ thế hệ 8X, 9X, rồi sang thế hệ Z, một chương mới của con người Việt Nam đã được mở, không chỉ trong thơ hay trong văn học. Mọi lĩnh vực của đời sống bắt đầu thay đổi từ chính những thế hệ này. Họ khác thế hệ 4X, 5X chúng tôi, và đó là hồng phúc cho dân tộc Việt.
Tôi chỉ là một người làm thơ hồn nhiên, làm thơ vì thích, vì có thể không biết làm gì khác (ngoài làm báo, như một nghề kiếm sống). Thời còn học đại học, có lúc tôi nghĩ không biết sau này mình làm được gì… May quá, mấy anh em bạn bè học cùng lớp chơi thân với nhau, và “chém gió” với nhau rằng chúng mình phải viết văn, làm thơ, phải thành một nhóm sáng tác như các cụ ta ngày trước. Và muốn thế, phải đi rừng lấy nứa về bán cho các thầy làm chuồng gà, đặng có ít tiền mua trà Thái Nguyên (hồi sơ tán ấy chúng tôi học ở một làng sát chân núi thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Mua trà uống, thức đêm bàn luận văn chương với nhau, đọc sách cùng nhau, đọc những gì mình mới “sáng tác” được cho nhau nghe, rồi lắng nghe bạn mình góp ý… Chúng tôi hồi đó là vậy, ngây thơ lắm, mà thơ viết ra cũng ngây ngơ lắm. Tôi nghĩ, như thế mới là tập làm thơ, mới là thơ trẻ đúng nghĩa là còn trẻ con, còn ngây thơ.
Sau khi ra trường, dòng sống cuốn chúng tôi mỗi người đi mỗi ngả. Có những bạn tôi không làm thơ hay viết văn nữa, nhưng lại thành đạt ở lĩnh vực khác, như ở nghề dạy học, nghề công chức, hay nghề bốc thuốc cứu nhân độ thế. Làm nghề gì cũng được, miễn là lương thiện. Nhưng không biết vào lúc nào, mấy người bạn cũ của tôi có nhớ một thời mình đã từng nuôi khát vọng làm thơ hay viết văn? Có khi nhớ chỉ để mà nhớ, sau một cái lắc đầu, lại quên.
Nhưng thơ vẫn sống trong tâm hồn một số người bạn tôi thuở còn đi học. Trong đó có tôi.
Và bây giờ, già rồi, tôi vẫn làm thơ. Dù chỉ là nhà thơ hồn nhiên hoang dại, chẳng phải “lão thành” gì.
Có một thứ mình không thể khắc chế được
Bây giờ, khi đã ngấp nghé tuổi tám mươi, tôi mới nhận ra, khi mình càng về già thì thời gian trôi càng nhanh. Và thời gian là thứ mình không thể khắc chế được. Việc hôm nay chớ để ngày mai mới làm, vì có khi không kịp. Bằng công việc hàng ngày, nếu mình phân phối hợp lý, để không quá căng hay quá chùng, thì dù không thể chế ngự được thời gian, nhưng sẽ tạo ra được những khoảng thời gian có ích. Thời gian có ích trong một ngày, có khi ngắn có khi dài hơn một chút, nhưng đã có ích thì thời gian ấy tương thích với đồng hồ sinh học của mình. Thời gian có ích là thời gian có thể đo được bằng đồng hồ sinh học, không phải đo bằng đồng hồ Liên Xô hay đồng hồ Thụy Sĩ để nói đồng hồ nào tốt hơn… Chúng ta có thể ngây thơ hay dày dạn, còn thời gian thì không. Đó là một đại lượng bình thản nhất.
Ngày còn trẻ, tôi làm việc theo cảm hứng, còn đi chơi theo thói quen. Đó là khi tôi chỉ sáng tác thơ, dù là thơ ngắn hay trường ca. Có lẽ kiểu sử dụng thời gian như thế hợp với người sáng tác, nhưng không hợp với người làm báo. Viết báo lại đòi hỏi phải sử dụng thời gian theo kiểu khác, và ai cũng biết trong nghề báo có một quy định thắt ngặt gọi là deadline (thời hạn chót). Viết báo, luôn luôn có từ deadline để trước mặt. Còn sáng tác thì không. Lúc nào xong thì xong thôi. Một bài thơ hay một truyện ngắn người ta có thể viết trong vài giờ đồng hồ, lại có thể viết trong vài năm mới xong. Không ai cho đó là chậm hay nhanh cả. Còn viết một bài báo khi có chữ deadline đặt trước mặt, thì phải viết xong và gửi cho tòa soạn đúng thời hạn, tốt nhất là trước deadline một chút để tòa soạn còn thời gian xử lý.
Như vậy, với người sáng tác văn học và người viết báo lại có hai cách đo thời gian khác nhau? Đúng như vậy. Không phải đo bằng hai đồng hồ khác nhau, nhưng hai cách mà thời gian tác động đến ta khi không có sự thúc bách và khi có sự thúc bách quả là khác nhau.
Tôi thì vừa viết báo vừa làm thơ, lúc nào viết được thứ nào thì viết, nhưng viết báo thì được ưu tiên hơn vì không theo cảm hứng, còn làm thơ thì phải có xúc cảm, có cảm hứng mới làm được, nên hai loại thời gian dành cho hai “thể loại” này vẫn khác nhau.
Nhưng, chính trong những lúc viết những bài báo, tôi lại phát hiện ra một điều hơi lạ, là mình viết báo cũng có… cảm hứng, dù cảm hứng ấy không phải để bài báo giống bài thơ, ngược lại, báo vẫn là báo mà thơ vẫn là thơ, nhưng khi có cảm hứng, thì viết báo thấy nhanh hơn, và trong bài viết, có thể có những đoạn văn xuất thần hơn. Viết báo cũng cần cảm hứng là vậy. Dĩ nhiên, viết báo thì cần tư liệu, còn làm thơ, nhất là thơ ngắn, thì không cần. Nhưng nếu anh viết trường ca, mà không chuẩn bị tài liệu, vốn sống, thực tế, hình dung cấu trúc tác phẩm, thì coi như anh chưa viết.
Tôi đã viết nhiều bài thơ ngắn, viết cũng khá nhiều trường ca, viết còn nhiều hơn những bài báo, nên tự nhiên tôi thấy có sự gắn bó khá mật thiết nào đó giữa báo và thơ.
Một nhà thơ viết báo, có vẻ dễ dàng hơn một nhà tiểu thuyết viết báo?
Tôi nghĩ, cũng chưa chắc.
Nhà văn hay nhà thơ không thể khắc chế được thời gian, nhưng có thể khiến thời gian trôi nhanh hơn hay trôi chậm hơn, khi mình đọc những trang viết của họ. Miễn là họ viết thật lòng, viết hết lòng, và chỉ viết khi có những thôi thúc từ bên trong.
Viết một bài báo thời sự chính trị, vẫn rất cần sự thôi thúc từ bên trong ấy, chứ không chỉ làm thơ hay viết văn xuôi mới cần.
THANH THẢO
Văn Nghệ số 39/2023