TIN TỨC

Nhật ký mùa COVID

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-10-06 13:58:19
mail facebook google pos stwis
1001 lượt xem

BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

PHƯƠNG ÁNH

Mình là một người lính, dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng chịu được. Hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho người nghèo, những người đã không được may mắn trong cuộc đời này.

Ngày … tháng … năm …

Hôm nay mình được lệnh lên tuyến đầu phục vụ công tác phòng chống dịch. Cơn đại dịch COVID- 19 đang làm chao đảo cả thế giới. Số người chết và nhiễm bệnh ngày càng gia tăng. Đại dịch đang tràn sang Việt Nam và ảnh hưởng đến đời sống cũng như kinh tế của cả nước. Mình không sợ cho bản thân vì đã được tiêm vắc-xin và luôn thực hành 5K nhưng mình sợ khi mình đi vắng, vợ con không biết có tự chăm sóc được không? Dịch bệnh lây nhanh, ai cũng có thể nhiễm, nếu vợ con bị COVID thì không biết phải làm sao, ai giúp đỡ trong lúc này khi mà lệnh giãn cách xã hội đang được thực thi nghiêm ngặt!

Nhưng thật bất ngờ. Vợ con mình không sợ mà ngược lại động viên mình cố lên, đừng lo lắng, cố giữ gìn sức khỏe, 5K và trước mắt là cùng các y, bác sĩ, đồng đội chung sức phòng chống dịch.

Nhìn hai mẹ con thu xếp đồ đạc vào ba lô mà lòng mình se thắt. Thương hai mẹ con quá. Vợ ơi, chồng sẽ cố gắng không phụ lòng vợ. Con gái yêu ơi! Cha sẽ là tấm gương cho con. Quyết không ngại khó khăn, gian khổ. Hạnh phúc của mình cũng chính là hạnh phúc của mọi người.


Thiếu tá Huỳnh Trọng Thanh đang phát nhu yếu phẩm cho người dân đang trên đường trở lại quê nhà

Ngày … tháng … năm …

Mình được điều về chốt kiểm dịch số 1 nằm dưới chân cầu Mỹ Thuận. Nhìn dòng người vội vã tìm đường về quê khi mà đỉnh dịch đang hoành hành ở TP HCM lòng mình càng thêm xa xót. Nhìn từng dòng người hối hả nối đuôi nhau với chút tài sản dành dụm được mà nghe cay mắt.

Ngày … tháng … năm …

Hôm nay đội mình trích quỹ để mua bánh mì, sữa, nước uống phát cho những người từ tâm dịch về. Chạy suốt quãng đường dài vừa đói vừa khát, chút tiền trong túi để dành đổ xăng, có lẽ họ không dám ăn uống gì, mà hàng quán cũng khó tìm khi lệnh cách giãn vẫn đang gắt gao. Nhận những phần quà họ xúc động không nói nên lời. Dù chút quà cũng không đáng là bao nhưng là tấm lòng của anh chị em đội mình, mong muốn được san sẻ để mọi người cùng nhau vượt qua cơn đại dịch. Các chị chuẩn bị cơm, cháo, nước uống, sữa cho vào túi nilon, anh em mình đứng dưới cái nắng gay gắt vẫy gọi từng xe vào nhận quà. Nhìn các cháu mệt mỏi sau chặng đường dài vui mừng đón những hộp sữa mình chợt nhớ đến con gái bé nhỏ. Con ơi! Cha thương con bao nhiêu cha cũng thương các bé bấy nhiêu, các bé đã không may mắn phải cùng cha mẹ chạy dịch khi tuổi đời còn thơ dại. Sự mệt mỏi, lo sợ hằn trên gương mặt các cháu. Có những bé nhà ở xa, không về kịp phải ngủ đêm bên lề đường, dưới mưa gió, với tiết trời lạnh giá. Thời khắc kinh hoàng này có lẽ sẽ theo các con đến cuối cuộc đời. Chỉ mong tương lai các con có thể quên đi và sống một cuộc sống thật tươi đẹp.

Ngày … tháng … năm …

Trời đổ mưa. Cơn mưa thật lớn. Dòng người từ tâm dịch tiếp tục tràn về. Anh em mình vẫn đứng trong gió mưa làm nhiệm vụ. Đêm nay anh em trong đội đã cùng các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ đổ xăng và phục vụ buffet 0 đồng. Mình biết giờ này đường vắng mà còn phải chạy một quãng xa mới về tới nhà, tìm trạm xăng lúc này cũng khó nên anh em quyết định mua xăng hỗ trợ cũng như mong muốn mọi người no bụng đủ sức tiếp tục chặng đường còn lại.

Ngày … tháng … năm …

Mình nhận lệnh lên đường đến với Bệnh viện dã chiến số 5 đặt tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. 20 ngày ở chốt kiểm dịch số 1 dưới chân cầu Mỹ Thuận đã cho mình biết bao buồn vui và kỷ niệm. Lần này đến ngay tâm dịch của tỉnh. Con số nhiễm bệnh đã tăng cao. Lòng mình nặng trĩu lo âu và buồn vô hạn khi mỗi ngày số ca bệnh trong tỉnh đã vượt quá con số ngàn và số người chết vì dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Không biết bao giờ cơn đại dịch mới kết thúc để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường. Mình lại được cùng vợ con tung tăng về thăm nội ngoại. Được cùng bạn bè nhâm nhi ly cà phê nơi góc phố!

Ngày … tháng … năm …

Bệnh viện dã chiến với hơn 1.000 giường bệnh. Thương các y, bác sĩ phải làm việc rất vất vả. Tuy chỉ trực cổng nhưng anh em mình luôn cố gắng phụ giúp các y, bác sĩ cũng như bệnh nhân, từ khiêng vác đến mua đồ dùng sinh hoạt cho mọi người. Ngoài giờ trực anh em mình thay nhau quét dọn, thu gom rác, khai thông cống rãnh. Giúp giặt giũ mùng mền chiếu gối để phòng bệnh luôn sạch sẽ, người mới đến sẽ an tâm tịnh dưỡng. Được mặc bộ đồ bảo hộ vào trong khu cách ly, được tận tay đưa người bệnh cái mền, cái gối, hộp cơm, chai  nước. Được ân cần hỏi han động viên mọi người cố tịnh dưỡng cho mau hết bệnh là niềm vui lớn nhất của mình trong những ngày chống dịch. Hầu như ai đến với tuyến đầu cũng đều cố gắng làm hết sức mình, chỉ mong giúp bệnh nhân thật thoải mái, yên tâm điều trị bệnh. Các chị em bếp tình thương không ngại lây nhiễm, đi khắp nơi nhận từng bao gạo, bó rau, thịt cá, nấu những bữa ăn ngon chỉ mong người bệnh được đủ đầy sức khỏe. Cánh tài xế thường ngày trông hầm hố nhưng khi vào đến đây rồi đều rất lịch sự, nhã nhặn, tắt còi ngay khi vừa đến cổng, tránh gây ồn ào sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ bệnh nhân. Chưa khi nào mình thấy tình người lại thân thương, đầm ấm như lúc này!

Ngày … tháng … năm …

Thoắt cái mà những tờ lịch cuối cùng sắp hết. Một năm vật lộn với con COVID hầu như không ai còn nhớ đến ngày tháng là gì. Hôm nay là lễ giáng sinh. Để giúp người bệnh khuây khỏa nỗi nhớ nhà và có chút niềm vui trong đêm giáng sinh, các y bác sĩ đã tổ chức một đêm Noel thật vui. Thương sao các y bác sĩ suốt ngày đã mặc bộ đồ bảo hộ nóng bức mà đêm nay lại hóa trang thành ông già Noel với bộ quần áo đỏ chót, bộ râu dài cùng túi quà to nhảy múa, phân phát bánh kẹo, chúc mọi người một đêm Noel an lành, vui vẻ, sớm hết bệnh để trở về vui Tết cổ truyền bên gia đình. Nhìn những hình ảnh ấy mình thấy cuộc sống này đáng yêu biết bao nhiêu. Một niềm vui nho nhỏ cũng là động lực cho bệnh nhân tin tưởng vào cuộc sống, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng và quyết tâm chiến thắng dịch bệng.

Ngày … tháng … năm …

Dù biết rồi sẽ có ngày này nhưng khi bị nhiễm COVID- 19 mình cũng có chút hoang mang lo sợ, lòng suy nghĩ vẩn vơ. Mình bắt đầu nếm trải cuộc sống của người nhiễm bệnh. Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bệnh viện. Xem ra việc điều trị cũng rất … đơn giản. Cơm ngày ba buổi, chay mặn đều có. Ăn sáng cũng thay đổi hủ tiếu, cơm tấm, cháo lòng, xôi … Trưa chiều thịt cá, canh, kho đầy đủ chất dinh dưỡng. Bệnh trở nặng thì được chỉ định dùng thuốc và chăm sóc đặc biệt của bác sĩ. Mỗi sáng được phơi nắng nửa tiếng. Người lớn tập thở hay đi dạo. Các thanh thiếu niên cũng như các bé được chơi các môn thể thao như đá cầu, đá banh, đánh cầu lông nhằm giúp mọi người nâng cao sức đề kháng. Buổi tối thì lướt web hay chuyện trò tán gẫu. Cứ xem như đi an dưỡng hay du lịch. Chỉ cần có lòng tin, được chích vắc-xin đủ liều, làm theo lời bác sĩ thì khoảng 7 đến 10 ngày là cuộc sống tươi đẹp sẽ trở lại và việc chiến thắng COVID- 19 xem ra cũng không phải là vấn đề nan giải. Đặc biệt mọi chi phí điều trị đều do nhà nước hỗ trợ nên mọi người cảm thấy yên tâm hơn khi được điều trị trong khu cách ly.

Ngày … tháng … năm …

Đêm ở khu cách ly tiết trời oi bức. Khi làm nhiệm vụ mình được phát một cây quạt máy. Nhìn những đứa bé lăn lộn vì nóng nực mình thật sự rất thương cảm nên hôm nay mình quyết định nhường quạt cho lũ trẻ để chúng được mát mẻ dễ ngủ. Mình là một người lính dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng chịu được. Hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho người nghèo, những người đã không được may mắn trong cuộc đời này.

Nhìn bà mẹ với 6 đứa con thơ đều bị nhiễm COVID mình thấy thương làm sao. Mấy mẹ con đều bán vé số. Cuộc sống vốn vất vả giờ cả nhà lại nhiễm bệnh. Những đứa trẻ thật ngây thơ và trong sáng. Hình như chúng không biết sợ, mà có lẽ chúng cũng không biết con virus Corona là gì, vẫn vô tư vui đùa bên mẹ. Chúng càng vui hơn vì không phải dãi nắng dầm mưa cực khổ đi bán vé số mà nơi đây mỗi ngày vẫn có cơm ăn, nước uống, được vui chơi thoải mái. Được ông già Noel cho kẹo bánh. Đặc biệt Tết lại được các bác sĩ lì xì. Nhìn gương mặt vui mừng hớn hở của bọn trẻ mình nghĩ có lẽ đây là lần đầu tiên chúng nhận được bao lì xì đỏ. Tuy bao lì xì chỉ mang tính tượng trưng nhưng cũng làm mọi người xúc động. Lời chúc mau hết bệnh để sớm về với người thân làm ai cũng nghẹn ngào. Những người hết bệnh đều quyến luyến và luôn miệng cảm ơn sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các y bác sĩ nơi đây. Họ cũng cầu chúc y bác sĩ, các chiến sĩ và anh em dân phòng nhiều sức khỏe, mong dịch mau hết để mọi người sớm đoàn tụ gia đình.

Ngày … tháng … năm …

Cuối cùng thì ngày vui cũng đến khi mình nhận kết quả âm tính. Lãnh đạo cho mình một tuần phép về thăm gia đình. Mấy tháng rồi mình không gặp vợ con. Về đến nhà ôm vợ con vào lòng mình thấy hạnh phúc dâng trào. Nghe câu vợ nói: “Mẹ thương con, mẹ cũng thương cha” mà lòng mình nghẹn ngào. Gia đình nhỏ bé này đã góp phần cho mình vượt qua bao gian khó nơi tuyến đầu cũng như quyết tâm chiến thắng con virus để có được ngày đoàn tụ hôm nay.

Nhìn nét mặt vợ con đang say ngủ mà lòng mình dâng lên niềm hạnh phúc thật khó tả. Nhớ lời vợ nói mình càng thương vợ nhiều hơn. Biết mình nhiễm bệnh vợ ăn không ngon, ngủ không yên. Suy tính, lo sợ đủ điều. Sợ nếu mình không qua được không biết vợ con phải sống sao?! Sợ sau này thời gian phôi phai, vợ còn trẻ lỡ có đi bước nữa không biết người ta có yêu thương con mình không? Sợ sống một mình không biết có cho con đủ tình thương cha mẹ?! Sợ con mất cha thua thiệt đủ mọi bề! Cứ nhắm mắt lại là bao nỗi lo sợ bủa vây! Thật tội cho vợ!

Xin lỗi em, vợ ơi! Em đã hy sinh cho anh quá nhiều. Cám ơn em, em chính là điểm tựa vững chắc đời anh. Chỉ cần được nghe em và con động viên là lòng anh như ấm lại, anh thấy mình có thêm nghị lực để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Cám ơn sự mạnh mẽ, kiên cường của hai mẹ con trong những ngày không có anh bên cạnh!

Một tuần ở nhà vui biết bao nhiêu. Được cùng ba mẹ và các anh chị em sum họp trong tình yêu thương vô bờ bến. Niềm hạnh phúc và may mắn nhất của mình là mọi người trong gia đình vẫn bình an, còn được ngồi bên nhau vui bữa cơm đoàn tụ.

Những trang “Nhật ký mùa COVID” cuối cùng cũng đã khép lại. Thiếu tá Huỳnh Thanh Trọng, chiến sĩ đội cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, 41 tuổi đời, bên cạnh vợ là Phạm Ngọc Tú và con gái Huỳnh Phạm Thiện Mỹ đang hưởng những phút giây hạnh phúc nơi quảng trường TP Vĩnh Long.

Thiện Mỹ, tên cô con gái bé bỏng, dễ thương cũng chính là tâm tư, nguyện vọng của vợ chồng Trọng: “Thế giới này chỉ có những điều thiện lành và hoàn mỹ”. Trọng ước mong mọi người luôn san sẻ cho nhau tình yêu thương, lòng nhân ái và những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời.

Nhìn những cánh chim bồ câu tung bay trên quảng trường lộng gió, Trọng mơ về sự ấm no, hạnh phúc.

Mơ ước được dâng hiến đời mình cho Tổ quốc, nhân dân.


Gia đình thiếu tá Huỳnh Trọng Thanh.

(P.A)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm