- Bút ký - Tạp văn
- Những đường thẳng không người kẻ
Những đường thẳng không người kẻ
Trần Trọng Đoàn (Thuỵ Khải)
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh)
Ngày nhỏ, tôi thích vẽ những đường thẳng hơn là những đường xoắn, thích vẽ hình tam giác, hình vuông hơn hình tròn. Đường thẳng mang lại cho tôi một cảm giác an toàn và một niềm thoả mãn khi chứng kiến mọi thứ có trật tự.
Giữa bài học này với bài học kia, tôi luôn được dạy phải kẻ một đường thẳng để phân định. Ngồi kế bên đứa bạn, tôi vẽ một đường thẳng trên bàn để tránh “cuộc xâm lược” của sách vở, hộp bút. Mỗi khi thầy cô giảng bài không hiểu, tôi hay vẽ một khối hình hộp và tô khối cho nó trên chính cuốn tập mình. Bạn hỏi: “Mày vẽ gì vậy?”. Tôi trả lời: “Tao vẽ một nơi trốn”. Những đường thẳng kiên cố, rắn chắc, những hình khối kết hợp bằng đường thẳng với những góc vuông luôn cho tôi cảm giác rộng rãi, thoải mái hơn những hình tròn, khối trụ tù túng.
Lớn hơn một chút, tôi nhận ra những đường thẳng khác. Không ai kẻ mà chúng vẫn tồn tại. Không ai thấy mà chúng luôn hiện diện. Không ai ý thức rằng chúng ở đó dù mỗi lần vô tình bước qua; tôi, chúng ta luôn chịu đau đớn ít nhiều.
Tôi nhận ra đường thẳng vô hình đầu tiên dưới mái nhà nhà tôi. Năm lớp 7, mẹ trộm đọc tin nhắn của tôi với đứa bạn thân. Mẹ thất vọng, giận dữ vì tôi không còn được ngây thơ, hồn nhiên. Tôi đã biết chửi thề như một món nghề thuần thục. Tôi đã biết bàn đến những chuyện “đại sự” mà đến cả người lớn chỉ dám đề cập đến bằng lối nói hàm ý. Và quan trọng nhất, mẹ không ngờ - tôi không thích con gái. Sự chuyển mình trong tâm thức của một đứa trẻ nhiều khi đạp quá mạnh vào đường thẳng kỳ vọng của cha mẹ chúng. Là thế, mẹ tôi đã hoang mang, thất vọng và thậm chí là sang chấn khi không ngờ tôi đã tiến xa đến thế so với suy nghĩ của mẹ về người con trai yêu dấu. Nhưng, khi ấy, tôi không đủ sức để bao dung hay suy nghĩ thêm một điều gì nữa. Tôi loay hoay, những đường thẳng của tôi đã khởi động mạnh mẽ, cơn giận dữ và nỗi hổ thẹn như sóng ngầm cuộn trào: Kể từ lần đó đến rất lâu sau này, tôi có rất nhiều tài khoản Facebook - cho gia đình, cho bạn bè, cho các mối quan hệ xã giao. Ừ niềm tin và sự chia sẻ giữa tôi và mẹ đã tan lặng trong nỗi ái ngại và thất vọng của cả hai.
Lần thứ hai khi tôi ý thức về đường thẳng giữa tôi và người khác là ở mối tình đầu. Anh ấy sôi nổi trong từng vũ điệu của BTS, của EXO, tôi đắm mình trong nhạc Trịnh phản chiến, nhạc Phú Quang trữ tình. Anh ấy thích những cuộc dạo chơi năng động, tôi thích những cuộc trò chuyện thâm trầm. Sau này, anh ấy theo ngành đối ngoại, còn tôi vẫn giữ một lòng với văn chương mộng huyễn. Tình bạo phát và tình chóng tàn. Tôi ngỡ ngàng khi người chóng chán. Nhưng tôi, tôi không thể bước qua những đường thẳng của chính mình để hiểu anh. Anh cũng thế. Và tôi, tôi cũng lớn khôn phần nào khi biết khả năng của mình trong việc đồng cảm và san sẻ với người khác không phải là vô tận. Cứ như thế, không là gì của nhau, như những đường song song, ta sẽ vẫn là ta trong đời.
Đường thẳng phân ranh xuất hiện giữa người này với kia, giữa cá thể này với cá thể khác. Sao ba mẹ không hiểu con dù đã trao cho con hình hài và cả linh hồn? Sao cậu không thể thông cảm cho tớ dù tụi mình đã chơi với nhau tận 7, 8 năm? Sao anh không thể hiểu cho em, sao mộng đôi ta vẫn phân kỳ khi mình đầu gối tay ấp, khi em đã dốc cạn hết quá khứ của mình vào từng câu chuyện ta nói với nhau?
“Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật?”
(Xuân Diệu, Xa cách)
Những đường thẳng vô hình nhưng vững chắc như những bức tường đá, chúng ngăn những tồn tại hoà làm một với nhau, chúng đặt điểm kích hoạt cơn thịnh nộ của những người mềm lòng nhất và là điểm chí mạng của những người cứng rắn nhất, chúng cảnh tỉnh con người trong một mối quan hệ không nên vì tò mò mà mở chiếc hộp Pandora của đối phương.
Nhận chân máu đầu tiên mà tôi rút ra - có những đường thẳng phải vượt qua dù cả hai ta sẽ mang trong mình đầy thương tích. Mẹ, mẹ hãy hiểu cho con, rằng tình yêu không phải như một thuật toán, nhập một lệnh sẽ ra đúng kết quả. Rằng trái tim con có niềm tin riêng của nó, rằng yêu thương vô tận là dám bước qua những lằn ranh định kiến đặt ra giữa người với người, khi con không lãnh cảm với tình yêu của mình dù con yêu một người con trai hay con gái, khi ấy con vẫn còn đó một trái tim để yêu mẹ trước tiên. Nếu lần ấy, tôi không đủ dũng khí để chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ, ngày hôm nay, ắt hẳn tôi vẫn phải chui rúc trong những phiên bản giả dối và gượng gạo khi đối mặt với người mà tôi yêu thương nhất. Niềm tin thành hình sau nỗi tuyệt vọng và tình yêu tái sinh từ đống vỡ vụn.
Nhận chân máu thứ hai mà tôi ngậm ngùi chấp nhận - có những đường thẳng của mình và của người, nếu tôi không thể vượt qua, tôi buộc phải rời đi vì cả hai. Tớ đã nguôi cơn giận hờn khi mối tình đầu của mình rơi rớt vào giọt nước mắt thất vọng vô đáy. Tớ xin lỗi mối tình thứ hai vì những thương tích trên hành trình chúng mình vượt qua những đường thẳng ở hai bờ địa giới để chạm đến nhau. Và tớ cũng mong tình yêu thứ ba trong đời mình, cậu luôn tìm được sự bình an. “Sao mỗi lần người ta hiểu anh, họ đều không ở lại", thật đáng tiếc khi mình đã không đủ kiên nhẫn và can đảm để đi xa hơn trong thế giới của cậu vì chính mình còn quá ngây thơ trong việc che chở cho bản thân. Tôi phải rời đi. Nếu tôi ép bản thân phải quá sức hay phải trở thành một-phiên-bản-người-khác-yêu, khi đó tôi làm gì có thể yêu ai được nữa, vì tôi có yêu chính mình đâu. Cảm giác tội lỗi nhất không đến từ việc tôi biết rằng người khác sẽ buồn với những lựa chọn rời đi của tôi, mà nó đến từ việc tôi khước từ những ranh giới của chính mình hòng mong được người khác chấp thuận để bước vào thế giới của họ.
Lấy một điểm nhìn rộng hơn, tôi chợt tưởng tượng thế giới này là một bức tranh chằng chịt những đường kẻ, ranh giới không chỉ hiển hiện giữa cá nhân với cá nhân, mà giữa cộng đồng này với cộng đồng khác; thậm chí ngoài đường biên giới phân chia phần cứng lãnh thổ, còn có những đường biên vô hình trong tâm thức các dân tộc khác nhau. Một số đường thẳng là sự khu biệt để tạo sự riêng tư, tính đa dạng và độc đáo. Tôn trọng những đường thẳng ấy của người khác, dân tộc khác, cộng đồng khác, tôn giáo khác,... là nâng niu chính đường thẳng của mình. Nhưng tôi tin rằng, có những đường thẳng phải được xoá bỏ hoặc chí ít là nỗ lực làm mờ, đó là những đường thẳng được vẽ từ thứ mực đen hoài nghi, từ thứ mực đỏ thù ghét và vô vàn những động lực tăm tối khác đẩy con người đến tình thế đối kháng, nghi kị hoặc xa hơn là huỷ diệt nhau.
Tôi là người thiết lập những đường thẳng của riêng mình để định vị bản thân.
Tôi là người nỗ lực xoá đi những đường thẳng của người khác để đi sâu hơn vào thế giới của họ.
Tôi ngắm nhìn thế giới này bằng con mắt nhạy cảm trước những đường thẳng để thấu hiểu thế giới.
Nếu không nỗ lực nhìn thấy những đừng thẳng vô hình, làm sao tôi biết mình đã đi đến đâu trên hành trình cảm nghiệm về chính tôi, về người khác, và về thế giới rộng lớn này?
24/9/2023
(*) Tác phẩm giải nhất thể loại Tản văn, Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần 2, năm 2023