- Lý luận - Phê bình
- Nỗi đau thầm lặng người thầy
Nỗi đau thầm lặng người thầy
Nhân kỷ niệm ngày NGVN 20-11 :
Lâu nay chúng ta cứ mãi tung hô nhau nào là “Dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” (Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Song có một thực tế phũ phàng là sự xuống cấp của ngành giáo dục với những biểu hiện: Thầy đánh trò, thầy gạ trò nữ đổi điểm lấy tình. Trò đánh thầy, và phụ huynh xỉ nhục thầy cô giáo. Đó là chưa kể việc lọan biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo ăn theo, tiêu cực trong thi cử, trong đấu thầu trang thiết bị dạy học… Tuy chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng đã làm cho bức tranh về giáo dục thêm màu xám. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vốn tốt đẹp của cha ông từ ngàn đời nay bị xói mòn. Nhân ngày NGVN 20-11, tôi xin tặng các bạn bình bài thơ “Xa lạ” của nhà giáo nhà văn Đặng Hiển, để thấy sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh, ở một khía cạnh là gặp thầy không thèm chào, khi đã công thành danh toại.
Nhà NCPB – Nhà văn Lê Xuân
Xa Lạ
Đặng Hiển
Vì sao lại thế em ơi
Hình như thầy đã một thời dạy em
Vì sao ánh mắt em nhìn
Như người xa lạ gặp trên xe tàu?
Thầy trò xưa đã nghiêng đầu
Trên trang sách mới ánh màu phượng bay
Nhớ xưa em vẫn chào thầy
Nụ cười tươi nở thắm đầy niềm tin
Nhớ xưa ánh mắt em nhìn
Từng như tia nắng dịu êm tim thầy.
Thời gian… màu tóc thầy thay
Còn em, đâu nét thơ ngây thuở nào?
Hình như em có niềm đau
Ước mơ ngày ấy tan vào thời gian
Hay là đời lắm lo toan
Làm bao kỷ niệm héo tàn trong em?
Hay là em mãi bước lên
Trường xưa lớp cũ lỡ quên nhớ về?
Thì em ơi, cứ đi đi!
Cầu cho thuyền ấy ngày kia đến bờ.
Giữa ngày em thoả ước mơ
Bên chùm hoa tặng, có thơ của thầy.
Lời bình của Lê Xuân:
NỖI ĐAU THẦM LẶNG CỦA NGƯỜI THẦY
Cuộc đời dạy học của mỗi người thầy đều có những niềm vui nỗi buồn gắn với những kỷ niệm. Nhà văn, nhà giáo Đặng Hiển còn nói tới một nỗi đau: “Xa lạ” bằng 22 câu lục bát dự thi trên báo Giáo dục & Thời đại. Đó là nỗi đau thầm lặng của một người thầy trước sự xuống cấp về mặt đạo đức của một học sinh: khi gặp thầy giáo cũ không chào, làm ngơ như một kẻ xa lạ, dù đó chỉ là một hiện tượng cá biệt. Thầy đã ngỡ ngàng nhận ra người học sinh cũ, như vừa quen vừa lạ:
Vì sao lại thế em ơi
Hình như thầy đã một thời dạy em
Vì sao ánh mắt em nhìn
Như người xa lạ gặp trên xe tàu?
Người ta thường ví người dạy học như người lái đò chở khách qua sông, khách có người quên, người nhớ cũng là lẽ thường tình. Còn người thầy bao giờ cũng nhớ về những học sinh ở hai dạng: học giỏi xuất sắc và những học sinh cá biệt. Điều đáng nói ở đây là người học trò cũ khi còn học với thầy không phải là một học sinh hư. Trong ký ức của thầy vẫn in đậm nét về những kỷ niệm đẹp với người học trò xưa, rất hiền và ngoan ấy:
Thầy trò xưa đã nghiêng đầu
Trên trang sách mới ánh màu phượng bay
Nhớ xưa em vẫn chào thầy
Nụ cười tươi nở thắm đầy niềm tin
Nhớ xưa ánh mắt em nhìn
Từng như tia nắng dịu êm tim thầy.
Thầy nhớ rất rõ từ nụ cười đến ánh mắt của em, chỉ có điều thầy không gọi tên ra thôi. Chính em là niềm an ủi, niềm tự hào của thầy một thuở. Nếu như ở bốn câu thơ đầu điệp từ “vì sao” như những câu hỏi tu từ xoáy sâu vào tâm can người đọc hiện tại, thì bốn câu tiếp tác giả điệp lại “nhớ xưa” đưa ta về quá khứ làm sống lại những ấn tượng đẹp của tình thầy trò xưa. Và tiếp theo lại là những giả định, những dấu chấm lửng, chấm hỏi, đưa ta từ cõi mơ tốt đẹp ở quá khứ trở về với thực tại chua xót:
Thời gian… màu tóc thầy thay
Còn em, đâu nét thơ ngây thuở nào?
Hình như em có niềm đau
Ước mơ ngày ấy tan vào thời gian
Hay là đời lắm lo toan
Làm bao kỷ niệm héo tàn trong em?
Thầy ngỡ ngàng trước người học trò “xa lạ” và cứ cố tìm một lời giải đáp ở những từ “hình như”, “hay là”, “hay là” v.v… để đổ lỗi cho thời gian hay cho cuộc đời bạc bẽo? Đó là lý do khách quan ư? Và thầy cũng không loại trừ điều “xa lạ” ấy có lý do chủ quan ở chính người học trò:
Hay là em mãi bước lên
Trường xưa lớp cũ lỡ quên nhớ về?
Những câu thơ như chính lời nói, lời tự hỏi lòng mình trong cuộc đời dạy học, và liệu thầy có lỗi gì trong chuyện này không? Rõ ràng thầy chưa khẳng định, mà chỉ đăït ra câu hỏi về con đường công danh mà người học trò kia đang hãnh tiến. Còn với trường, với lớp, với thầy và bạn, có lẽ em chỉ “lỡ quên” mà thôi, chứ chưa hẳn em đã quên? “Lỡ quên” là cách nói để biện hộ cho một thiếu sót không chủ ý. Đã “lỡ quên” thì vẫn có thể thời cơ để sửa chữa. Song trong tâm tưởng của thầy vẫn có hơn một lần vị tha cho đứa học trò cá biệt ấy. Thầy vẫn động viên, vẫn cầu chúc cho bước đường công danh của em toại nguyện:
Thì em ơi, cứ đi đi!
Cầu cho thuyền ấy ngày kia đến bờ.
Giữa ngày em thoả ước mơ
Bên chùm hoa tặng, có thơ của thầy.
Hai tiếng “đi đi”! là một lời động viên ư? Đó còn là một lời đuổi khéo, như muốn nhổ đi một cái gai trước mắt. Em bước lên bậc thang danh vọng như thuyền kia cập bến, em sẽ thoả ước mơ, sẽ sống trong ánh hào quang với những lời tung hô, với muôn màu hoa tặng. Và em sẽ nhận được một món quà đặc biệt trong ngày vui ấy: đó là bài thơ “Xa lạ” của thầy.
Nỗi đau thầm lặng của thầy ở đầu bài thơ bị dồn nén và tới câu kết bật ra như một lời chúc tụng vừa mỉa mai chua chát kiểu của Tam nguyên Yên Đổ, vừa đầy lòng nhân ái vị tha, vừa làm thổn thức bao trái tim nhà giáo và học sinh. Ta như thấy hiện lên cái cười ruồi, mang chất uy-mua của thầy, làm ta nghĩ tới cái lắc đầu xót xa cho nhân tình thế thái, trước những băng hoại về sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận học sinh. Bài thơ như một lời kể tâm tình mà có sức vang xa, gợi lớn. Chỉ có những người thầy nặng lòng với sự nghiệp “trồng người” mới có được những vần thơ toả sáng như thế.
LÊ XUÂN
(Hội viện Hội Nhà văn VN, nguyên giáo viên Văn trường THPT chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ)