- Truyện
- Pháo hoa cổ trấn – Truyện ngắn Tống Phước Bảo
Pháo hoa cổ trấn – Truyện ngắn Tống Phước Bảo
Cô cúp điện thoại và nghe lòng mình trống rỗng một cách lạ kỳ! Đêm đó trong giấc mơ với xứ mây này. Cô mơ về một ngày hội trấn cổ với bập bùng lửa thiêng, trai gái đủ mọi sắc tộc từ những bản làng kéo về. Muông chim tụ hội ríu rít vang động thinh không. Mùa gió thổi tung những lời khấn cầu của dân bản. Gió thổi những cánh hoa đỏ bay phấp phới trên không trung rồi rơi xuống đất. Cô nhặt những cánh hoa hình trái tim lên. Những cánh hoa chợt tan vào tay cô.
Nhà văn Tống Phước Bảo
Chuyến xe đưa cô đến thị xã chỉ mới hơn 4 giờ sáng. Cái lạnh xộc ngay vào người cô tức thì. Từ thành phố nắng để đến thị xã mây, cô phải đón chuyến bay ra Bắc, lại thêm chặng hành trình ngất ngứ trên xe mà chẳng chợp mắt được. Thị xã hãy còn ngủ. Tháng chín vắt những đường sương mỏng mảnh chầm chậm trôi. Đêm hãy còn bảng lảng mù mờ nhân ảnh. Ánh đèn vàng hiu hắt soi bóng đổ dài trên con dốc. Bóng người lồng vào bóng cây như thể một cái ôm. Gió nhẹ mơn lá. Lá hát xì xào bài ca gọi ngày mới. Ngày mới chưa tới. Cô đứng đợi ngay nhà thờ đá. Chiếc va li, cái ba lô và ánh mắt thấp thỏm.
Trời bắt đầu rạng. Sương vẫn bao quanh cô. Bộ đồ thấm sương ướt vào da thịt. Điện thoại nhiều cuộc vẫn không ai bắt. Cô từ háo hức khi đặt chân xuống xe đến lúc này là hoang mang và lo sợ. Lạc ở một nơi núi cao vun vút, mờ ảo mây giăng, trùng điệp cây cối và những lũng sâu hun hút là điều cô đang nghĩ ngợi.
Khi cơn lạnh tưởng chừng như nuốt chửng cô thì đằng đông ánh dương nhô lên, lóe màu cam điểm vào thâm u xám xịt của đêm một nét bình minh. Ánh đèn xe chiếu vào bậc thềm nơi cô đang nhảy lóc cóc chân sáo. Cô quay lại nhìn. Sapa đón cô bằng nụ cười và cái gãi đầu, cùng lời thanh minh. Cô chào Sapa bằng cặp mắt đỏ hoe.
*
Cô ngồi cùng ông Viện trưởng giữa cơn mưa ì đùng giăng kín trời chiều. Xấp tài liệu được đẩy về phía cô. Tờ giấy quyết định phân công cô đi nghiên cứu trước mặt. Ông Viện trưởng thở dài, đó là một công trình còn dang dở, ngó qua ngó lại chỉ mình cô có thể làm tiếp. Cô lắc đầu đẩy tất cả về phía Viện trưởng. Cô chưa là gì so với sự đồ sộ của công trình này. Đã bao năm qua chưa ai tìm ra lời giải đáp. Cô cũng chưa từng nghiên cứu về nó. Chưa một lần cô nghĩ mình sẽ đến nơi này. Cô sợ ngay cả chính mình kham không nổi thì lại phí hoài thời gian, công sức lẫn tiền bạc cho chuyến nghiên cứu. Mưa vẫn hắt những hạt nước bám vào ô cửa kính. Gió quật tán lá uốn cong rồi đong đưa bên ngoài. Những chiếc lá vàng rơi lả tả.
Cô ba mươi, tấm bằng tiến sĩ khảo cổ đưa cô về Viện này như một sự tươi trẻ cho Ban nghiên cứu. Mọi người chặc lưỡi bảo có khi cô dại đấy. Thanh xuân phơi phới, bên ấy giữ lại, sao cô quay về. Gì chứ khảo cổ xứ mình quanh quẩn thế thôi. Chẳng phát triển nổi đâu. Có lần sau buổi hội thảo, ngồi bên dòng Thủ Thiêm nhìn về phía trung tâm thành phố. Ông Viện trưởng hỏi cô sao lại chọn khảo cổ. Cô cười buồn nhìn ra phía nhánh lục bình miên di theo dòng nước đang ròng. Sao phải có lý do cho những chọn lựa của cuộc đời? Cô chẳng yêu khảo cổ như các nhà khảo cổ hay trưng trổ mình lên trong các phải phỏng vấn. Mỹ từ và sự bóng bẩy đó không phải là thế giới của cô. Cô cũng không nghĩ mình đến với khảo cổ. Chỉ là cô muốn đi tìm lời giải cho những xấp tài liệu chưa hoàn thành. Cuộc đi tìm đó, dắt cô vào hình trình khám phá. Dần dà cô lạc trong mớ bòng bong của chính mình. Cô chọn phải học, học để biết gỡ những mối rối mà mình chẳng thể tìm ra cách. Mọi con đường dẫn cô đến với nghề đôi khi là duyên số, hay cũng có khi là một sự an bài nào đó của cao xanh.
Chiều vẫn trút mưa. Ông Viện trưởng đứng lên và lục trong ngăn tủ một bức vẽ. Nét vẽ bằng bút chì mờ mờ ảo ảo trên giấy đã ố vàng theo năm tháng. Cuối bức hình có ghi vài dòng lưu lại ngày tháng năm. Cô cầm bức vẽ. Ngoài trời vần vũ những sấm chớp. Cô không nói gì, lẳng lặng cầm xấp tài liệu, giấy giới thiệu và đóng cửa phòng. Mọi việc còn lại ông Viện trưởng sẽ thu xếp.
Đêm hôm đó cô tìm vội vé máy bay cho chuyến sớm nhất để đi về phương Bắc. Cô lục tung các tài liệu về thị xã mây này và đọc ngấu nghiến. Những ký tự cổ, những bức vẽ xưa cũ, những bãi đá huyền bí. Tất cả vang lên trong đầu cô những thanh âm vẫy gọi.
*
Cô bắt đầu từ Tả Van, một bản làng cách xa trung tâm thị xã hơn mười ki lô mét. Tả Van nằm trong thung lũng Mường Hoa, lưng bản tựa vào dãy Hoàng Liên Sơn, phía trước mặt là con suối Hoa uốn lượn. Cậu trai trẻ bảo cô cứ ở đây, căn phòng nhỏ trong một homestay đặc trưng của người Giáy. Cậu trai đâu mới hai sáu, nước da ngăm đen, có nụ cười tươi rói. Cậu bảo homestay này là do mình tạo nên. Ngôi nhà nằm trên một triền dốc thoai thoải đủ để nhìn những ruộng nước mùa vàng lúa chín. Hay có thể ngắm con suối Hoa quanh co uốn lượn dát bạc lấp lánh mỗi khi trời đứng nắng. Bữa sáng đầu tiên của cô bên ly trà nóng cùng câu chuyện của chàng trai lai Kinh và Giáy này.
Cậu trai bảo bố người Giáy ra Hà Nội học theo biên chế của xã rồi rước được cô gái Thủ đô về đây luôn. Thế mà cậu trai cũng ra Hà Nội học về du lịch theo sự khuyến khích của bản, lúc du lịch đang ồ ạt phát triển. Vậy mà ngày về vẫn trắng tay. Cậu trai trẻ cười, vẫn cái gãi đầu quen thuộc như khi cô gặp lần đầu.
Cô đảo quanh căn nhà, ngó mông lung. Chàng trai Giáy chừng như hiểu ý liền diễn giải. Ngôi nhà này chắc cũng trăm tuổi đó cô, từ hồi ông rồi đến bố và giờ giao lại cho tôi là con út. Nhà của người Giáy thường cao hơn nhà của người Mông hay người Dao sống chung ở trên núi này. Tính từ đất lên đến xà ngang cũng phải một mét tám. Nhà phải có ba gian. Gian giữa to nhất để thờ cúng và tiếp khách khứa. Hai gian bên cạnh nhỏ hơn. Theo những cái chỉ tay là những lời giải thích cặn kẽ. Cô ngồi nghe và gật gù.
Tháng chín treo nắng lên những ruộng lúa vàng hươm. Mùa thu mênh mang ở vùng lũng sâu này cho cô một cảm giác bình an chi lạ. Những con đường vào Tả Van mùa này ghi dấu chân của lữ khách. Khách nội thì đi theo đoàn, mướn xe gắn máy chạy vòng vèo. Khách Tây ba lô thì đúng nghĩa chiếc ba lô đeo vai, đi bộ dọc ngang Tả Van. Nắng nối nắng. Gió bước gió. Lá xanh ngát. Hoa bừng sắc. Và say. Người say chẳng phải vì rượu mận Máu Chó trứ danh bản này, mà say vì giữa trùng điệp thâm sâu, cái đẹp trở nên đằm đẵm quấn quyến lòng mình.
*
Cậu trai trẻ chẳng hiểu vì sao cô mê mẩn những tảng đá. Đá to đá nhỏ. Đá vẽ hình, đá khắc chữ. Thoảng khi vẫn có người lên đây nghiên cứu y hệt cô. Nhưng hình như không được gì. Hoặc chẳng có duyên khám phá. Khách du lịch thì cứ chụp choẹt những tấm hình rồi về. Còn giới nghiên cứu thì nằm dí lên ngẫm nghĩ. Họ nói về bãi đá cổ. Họ nói về những dấu tích của một nền văn mình xưa cũ. Chuyện này từ đời ông, đến đời bố, và giờ là cậu.
Đường từ Tả Van Giáy vào đến bản Pho có bãi đá cổ khúc khuỷu quanh co uốn lượn. Chiếc xe máy đôn dên và xoáy xupap chạy mạnh lắm mới có thể đi ngon lành như vậy. Cô ngồi phía sau nhìn mùa lúc lỉu vờn nắng lên thung sâu. Bãi đá được phát hiện bởi một nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Bãi đá với hai trăm tảng lớn nhỏ được biết bao nhiêu người đưa ra giả thuyết về một nền văn hóa Đông Sơn của thời kỳ đầu. Nhưng cũng có tư liệu so sánh hình khắc và nét vẽ như một bản đồ của người Mông. Nhiều tảng đá như những trận đánh xưa ghi dấu tích thời chống giặc phương Bắc tràn qua. Cũng có giả thiết khi so sánh các chữ cổ khắc lên đá vuông với nét song song như chữ của người Nôm Dao. Quá nhiều tư liệu, quá nhiều giả thuyết, thậm chí những câu chuyện u linh của ngày xưa cũng phả vào bãi đá những huyền tích khiến cô rối trí.
Cả ngày rã rời, cô về lại với đêm, bắt đầu ngồi vào bàn làm việc, so sánh và ghi chép. Những truyền thuyết về tảng đá bố, những câu chuyện về đá chồng, đá vợ khiến cô liên tưởng đến một xã hội xưa với sự quần tụ hạnh phúc và những bài học được khắc ghi lại trên đá như lời răn dạy thiêng liêng lưu truyền cho con cháu tộc người mai sau. Như chính lúc cô cầm được tập tài liệu. Ngó xuống dòng tên và nhận bức tranh vẽ. Cô thấy đâu đó mọi sự hạnh ngộ trên đời này kì thực là vì duyên mà đến với mình. Những trầm tích của cổ trấn này có nhất thiết phải khai phá tầng tầng lớp lớp lên để thấu hiểu?
Tiền nhân mở cõi luôn có những bí ẩn để lại cho con cháu nhưng cũng có những bí ẩn cứ theo thời gian năm tháng mà nắm níu lòng người. Đôi khi đó cũng là chủ đích của người xưa. Thoảng khi cô nghĩ, càng bí ẩn, càng không thể khai phá thì lại càng khiến thế hệ mai sau trân quý và gìn giữ. Mọi bí ẩn sẽ trở nên bình thường một khi con người ta đã tận tường. Huyền cổ luôn là ẩn số mê dụ. Phải chăng chính cái ẩn giấu vào đá mới khiến cổ trấn xưa thu hút bao người đến, tạo nên một Sapa như bây giờ. Lịch sử luôn có giá trị và tiền nhân luôn quyện vào hồn đá nơi này để khiến Sapa ngày càng lung linh trong lòng người, nhưng vẫn là một Sapa luôn ẩn chứa điều cần khám phá. Có vậy mới lưu dấu chân biết bao người.
Cô bước ra phía trước nhà sàn, đêm Tả Van lạnh nhưng gió cứ phảng phất một hương thơm cỏ cây dịu ngọt. Cậu trai trẻ nghe tiếng lục tục khi cô tìm cách nấu nước pha lại ấm trà đã nguội liền bước ra. Ngày thứ bảy ở nơi này, không phải cô chẳng thể quen với giấc ngủ nơi lạ mà cô thấy mình rối bời trong mớ bòng bong ngữ liệu cổ, trong những hình vẽ khó xác định. Những khi đầu mình trĩu trịt cô hay chọn thả lỏng mình với đất trời, lắng nghe tiếng chim muông, về với những xì xào lá gió để khoan thai làm dịu đi những mông mênh chênh chao trong trí não mình.
Cậu trai đến, ngồi cạnh bên cùng ấm trà nóng nghi ngút khói. Cô đừng thức khuya đến thế. Chuyện bãi đá cổ đâu phải một sớm một chiều mà có thể giải mã. Tám chục năm nay người ta đã làm, mà vẫn cứ chỉ là giả thiết, chẳng cứ liệu nào thuyết phục hoàn toàn hết. Mà tôi thấy sao phải tìm hiểu, bãi đá cổ là bãi đá cổ thế thôi. Những truyền thuyết của chúng tôi ở đây, sống mãi với đất trời. Đôi khi chính những điều bí ẩn còn chưa khám phá mới làm nên vẻ đẹp huyền ảo của Sapa. Sapa đâu chỉ có mây, có ruộng lúa nước mà còn có cả trăm ngàn thứ để đến và thích.
Lúc tôi mới 5 hay 6 tuổi gì đó, nhớ có lần một ông khảo cổ tìm đến bố, cũng lại ở nhà tôi khoảng thời gian dài, ông đắm đuối với bãi đá cổ, phải nói là mê mẩn. Ông tìm ra được một tảng đá lớn khắc toàn kí tự, khác với các tảng đá phần lớn khắc hình vẽ. Ông lặn lội lên tới vùng giáp ranh biên giới của hai xã Hầu Thào và Lao Chải. Có hôm ông băng qua các con đường mòn, qua các thửa ruộng bậc thang lên tận bản Hầu Chư Ngài.
Có đêm ông ngồi uống rượu mận Máu Chó với bố tôi, ông bảo mình khám phá ra mấy cái hình tròn khắc vạch tương đối giống cấu trúc hoa văn thời kỳ văn hóa Hoa Lộc, có thể tượng trưng cho mặt trời. Rồi các đường vạch ngắn hoặc có thể kéo dài ôm lấy viên đá dường như thể hiện những cánh đồng, hoặc thửa ruộng bậc thang. Các hình vuông, chữ nhật đục chìm là nhà cửa hoặc tượng trưng cho khu dân cư sinh sống… Ông bảo có thể là một cổ trấn đa tộc sống chung chan hòa với nhau.
Những ngày không đi bản vì mưa ông hay vẽ. Ông vẽ những bức tranh Sapa bằng bút chì trên nền giấy tập trắng mà đẹp hút hồn. Có lần ông ngồi ăn cơm cùng tôi ông bảo Sapa ngày xưa, có những mùa hoa tung trời đỏ rực. Ông nói tảng đá trên Hầu Chư Ngài vẽ về những ngày hội cổ trấn rất đẹp. Một trưa ngủ cùng tảng đá. Đá mách ông như thế. Đá đã vẽ trong mộng tưởng của ông một ngày thật đẹp của cổ trấn. Nhưng, có lần ông đi mãi chiều hôm vẫn chưa thấy về, bố tôi cùng dân bản chạy đi tìm, có lẽ do không quen đường trơn và núi đá hiểm nguy nên ông bị té ngã bất tỉnh. Tôi nhớ bố lấy chiếc xe đưa ông lên thị xã, người ta chuyển ông ngay trong đêm về Hà Nội. Bẵng đâu tuần lễ bố bảo ông khảo cổ mất rồi. Trong mớ hành lý bố đóng lại để chuyển cho người nhà ông ấy chỉ vài bộ đồ, tập tài liệu và những bức vẽ.
Cô ngồi lắng tai nghe cậu trai trẻ. Đêm buông màn sương mờ ảo nơi núi rừng. Tháng chín vẫn se lòng với những cơn gió chùng chình. Sapa luôn ẩn giấu trong lòng muôn vàn câu chuyện kể. Núi rừng này, biến thiên thời cuộc cũng chẳng thể thay đổi nét u hoài huyễn hoặc nhưng đầy quyến dụ. Đêm rất sâu, lòng cô rất đầy.
*
Cô vẫn đi, cạnh bên luôn có cậu trai trẻ. Đôi lần cô bảo đường xá giờ trải nhựa đã thuận tiện. Những cung đường núi cũng đã mở rộng. Cô có thể tự chạy. Cậu còn nhiều công việc, không gì phải cứ chăm chăm chở cô hoài. Cậu trai trẻ cười nhẹ tênh. Nhẹ như gió giữa mùa vàng lúa chín. Gió hây hẩy lên tầng trời những tia nắng dìu dịu. Nắng thu mơn man lên cây cỏ hoa lá đất này những ngọt ngào thảo thơm. Sapa khoác lên tấm áo thu đẹp một cách mộng mị mà mê đắm.
Những ngày cuối tuần cô không đi khảo cứu, bởi bãi đá khi đó dập dìu khách du lịch tìm đến. Cô chọn ở nhà, pha tách trà và nghe núi đồi trở mình giấc sáng, nghe chim muông gọi bầy chiều hôm, nghe bếp cơm thơm lừng mùi gạo mới. Cậu trai trẻ dạo này tất bật cho kỳ lễ lớn của Sapa. Đôi lần cậu chạy lên thị xã rồi về cười tươi tắn. Năm nay thị xã làm lớn. Năm nay nhiều chương trình. Năm nay chắc chắn rất đẹp. Thế lúc đấy cô còn ở lại với Sapa không? Câu hỏi của chàng trai trẻ khiến cô lừng khừng. Cô chỉ mỉm cười bâng quơ rồi quay nhìn con suối Hoa. Suối vẫn uốn lượn quanh Tả Van. Con suối ngọt lành bao đời nay tận tuy đem đến những mùa lúa chín, những mùa hoa đẹp, những mùa đời người bình an đi qua năm tháng.
Cậu trai trẻ thôi không hỏi, nhưng ánh mắt nhìn vào góc nghiêng trên gương mặt cô đã bắt đầu đỏ lửng lên. Hệt như cái hôm cậu trai chở cô đến đá chồng, đá vợ. Cậu ngó vào những hoạ tiết khắc lên đá rồi thắc mắc. Cô quay mặt đi nhẹ nhàng giải thích. Những hình nam nữ giao phối, vẽ kĩ vào các bộ phận sinh dục, các đường vạch song song tựa như những quẻ Kinh Dịch.Rồi cô cắm cúi chụp hình, tra tư liệu, ghi chép. Thoáng bất giác thấy lòng mình nóng ran. Quay qua chợt bắt gặp ánh mắt cậu trai trẻ. Trời hôm đó, nắng như rót mật vào lòng Sapa.
*
Đã là ba tuần cô đến với rẻo cao trùng điệp núi non này, trong những cuộc điện thoại gọi về báo cáo cùng ông Viện trưởng cô luôn cố gắng cập nhật nhiều nhất những khảo cứu mà mình đã ghi nhận được. Mỗi một tảng đá là một câu chuyện kể. Mỗi một câu chuyện kể luôn mang trên mình nó một sứ mệnh với mảnh đất này. Từ một cổ trấn xa xăm nào đó của một nền văn minh hơn 900 năm trước, cứ liệu dựa trên hình vẽ và kí tự khắc trên đá vẫn chưa nói lên điều gì về Sapa. Duy chỉ có một điều cô biết, đá muôn đời vẫn thiêng, như núi rừng nơi này vẫn sẽ luôn huyền bí. Bởi chính đất này, tình người nơi này sẽ là thứ khiến người ta phải quay về. Chẳng phải truyền thuyết gì cả. Đất tự thân có một hồn thiêng mà anh linh tiền nhân ẩn vào đó để đất này ngày càng tươi tốt.
Khảo cổ sẽ khai phá được, trăm năm sau, hay ngàn năm nữa, hoặc cũng có thể là mãi mãi. Thời gian với huyền cổ nơi thị trấn xưa đã dừng lại đâu đó ở một giao thời của đất trời. Sapa bây giờ là một thị xã mới. Nơi con người ta sống giữa đất trời bằng thứ hạnh phúc rất đỗi bình an. Nơi mây và gió quyện lấy nhau. Nơi mà đủ nhân duyên ắt sẽ hạnh ngộ. Ông Viện trưởng ngập ngừng trong điện thoại hỏi về bức vẽ đã trao cô. Cô lẳng lặng chẳng nói gì. Chỉ nghe tiếng gió thổi vun vút qua những tán xanh của rừng. Rừng thâm u luôn biết ôm ấp những huyền bí mà đâu ai lý giải nổi.
Ông Viện trưởng bảo vài phát hiện của cô, nó như chữ viết khoa đẩu của một nền văn hóa cổ Đông Sơn. Có những phát hiện từ cô tra lại với họa tiết trên trống đồng Đông Sơn rất khớp. Và nếu như thế hoàn toàn kết thúc cho bản tài liệu kia. Cô có thể về. Lịch bay do cô tự chọn. Văn phòng sẽ sắp xếp chuyến về cho cô.
Cô cúp điện thoại và nghe lòng mình trống rỗng một cách lạ kỳ! Đêm đó trong giấc mơ với xứ mây này. Cô mơ về một ngày hội trấn cổ với bập bùng lửa thiêng, trai gái đủ mọi sắc tộc từ những bản làng kéo về. Muông chim tụ hội ríu rít vang động thinh không. Mùa gió thổi tung những lời khấn cầu của dân bản. Gió thổi những cánh hoa đỏ bay phấp phới trên không trung rồi rơi xuống đất. Cô nhặt những cánh hoa hình trái tim lên. Những cánh hoa chợt tan vào tay cô. Tay cô lưu lại một vệt đỏ lửng. Cô giật mình thức giấc. Dường như trong bóng tối đen kịt của đêm, cô thấy tay mình ướt nước. Một thứ nước vừa tan ra tạo viền tim nơi bàn tay. Viền tim cũng đỏ lửng.
*
Cô không đến thị xã mây này từ ngày bố mất. Với cô nơi đây đã mang đến cho mình một niềm đau. Khảo cổ như một phần số đời cô định sẵn bởi ngổn ngang nơi căn phòng bố là những xấp tài liệu chưa trọn vẹn. Ngày cô cầm tập tài liệu về bãi đá cổ, cô đã quyết lòng từ chối. Cô có thể đi mọi nơi để hoàn thiện di nguyện cho bố. Riêng đất này, cô không đến vì sợ nỗi đau sẽ dày vò mình. Nhưng, cầm bức vẽ của bố khi ông Viện trưởng trao, cô tin bố còn có điều gì ẩn giấu nơi đất này. Bức vẽ như một sứ mệnh khiến cô lên đường. Cô không kể cho cậu trai trẻ hướng dẫn nghe. Bởi lẽ đó là điều cô còn đang tự hỏi. Và cô cũng chưa báo ngày về, bởi lòng cô còn ngổn ngang điều chưa xác thực.
Đêm rộn ràng của kỳ lễ lớn kỉ niệm du lịch Sapa, cô theo chân cậu trai trẻ từ Tả Van về quảng trường. Cả con phố tấp nập khách du lịch. Từ mọi ngả đường, Sapa lung linh, lộng lẫy nét kiều diễm của thị trấn mây. Trong tưng bừng không khí đó, Sapa hiện lên trong mắt cô như một sự thức giấc sau cơn mộng huyền. Giấc mơ với những cánh hoa rơi tựa như pháo hoa lấp lánh trên nền trời đen tuyền của đêm mùa thu tháng chín. Cậu trai trẻ đứng cạnh cô, thân ảnh bao trùm lấy vóc dáng cô giữa trùng trùng người đang đổ về quảng trường. Pháo hoa rơi rồi pháo hoa về đâu? Cô chẳng biết, Sapa chẳng biết, chỉ duy nhất một điều cô có thể cảm nhận, khung cảnh này hệt như bức vẽ bố đã để lại. Một Sapa rạng rỡ. Trong bức vẽ đó, cô gái khẽ đưa tay hứng những chùm pháo hoa. Phía sau, bóng lưng chàng trai như đang hôn lên làn tóc mây. Trong bức vẽ đó một cánh tay đang ngập ngừng tìm một cánh tay. Một bờ vai đang ngập ngừng tìm một bờ vai.
Đêm nồng nàn say khướt. Đêm chợ tình lúng liếng. Đêm giao hòa hai bờ môi mềm. Khắc giây gió hôn mây tưởng như đêm Sapa là bất tận.
Theo Tống Phước Bảo/ VNCA