- Thơ vui Vươn Thẳng và cảm nhận
Thơ vui Vươn Thẳng và cảm nhận
PHẠM PHƯƠNG LAN
Nói đến thơ, người ta thường hay nghĩ đến những bài thơ tình chan chứa yêu thương, ủy mị si tình đến nghẹt thở hoặc là áng thơ mang hơi hướm chính trị xã hội, thể hiện nhân sinh quan của tác giả về những vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội. Ấy vậy nhưng có một dòng thơ ít thấy được nhắc đến trong đời sống văn học, nhưng lại có một sức sống rất mãnh liệt trong đời sống thường nhật, nó tồn tại như một liều thuốc tinh thần quý giá. Đó là thơ vui.
Sáng tác dòng thơ vui này thật không dễ. Nó đòi hỏi người viết luôn phải có cái nhìn lạc quan, tư duy hài hước và những phát hiện tinh tế. Nhà thơ Vươn Thẳng đã khá thành công trong mảng sáng tác này.
Những bài thơ anh viết, mang đến cho người đọc những tiếng cười, ý nhị có, sảng khoái có, vấn đề xã hội hay những khúc mắc “vợ chồng” đều được khai thác một cách triệt để và hóm hỉnh.
“Năm xưa còn chức còn quyền
Tiền nhiều như thể quân Nguyên thuở nào
Lắm em xinh đẹp mời chào
Có em mê mẩn ngọt ngào đòi yêu
Từ khi đến tuổi về hưu
Tiền lương ít ỏi chắt chiu hằng ngày
Các em cao chạy xa bay
Vô tình gặp lại mặt mày tỉnh bơ”
(Cao chạy xa bay)
Cũng là thói đời, nhưng trong bài Hết quan hoàn dân, tác giả Vươn Thẳng lại đề cập đến một khía cạnh khác, và là một lời cảnh tỉnh khéo léo cho những ai đương chức đương quyền.
“…Còn chức xin chớ tham lam
Nịnh trên, nạt dưới, lòng ham kịch trần
Hết quan rồi lại hoàn dân
Mọi người xa lánh muôn phần khổ đau.”
Các tình huống ứng xử thông thường cũng được tác giả đưa vào thơ một cách dí dỏm như bài Nội quy Hội nhậu, Bị mắng oan “Có bà đêm mổ ruột thừa/ Sáng thầy thuốc hỏi “địt” chưa hở bà/ Bực mình bà mắng bà la/ Này ông bác sĩ, ông già còn dê…”, hay bài Bốn ngoại “Sếp tôi tuyển nữ nhân viên/ Yêu cầu bốn ngoại dành riêng cho mình/ Thứ nhất phải có ngoại hình/ Thứ hai ngoan ngoãn ngoại tình với ông/ Thứ ba ngoại ngữ phải thông/ Thứ tư ngoại tệ cũng không chối từ…”,… Mỗi bài thơ là một tiếng cười hết sức sảng khoái nhưng chứa đựng những bài học đầy ẩn ý sâu xa.
Mối quan hệ hàng xóm láng giềng, sự chanh chua của phụ nữ cũng không nằm ngoài góc nhìn hài hước của tác giả Vươn Thẳng. Đặc biệt trong bài Chửi nhau “lòi ruột”, tác giả đã đưa
ra một tình huống cực kỳ đắt giá, nó đẩy tính hài hước của câu chuyện bằng thơ này lên đến đỉnh điểm cao trào. “…Hết chửi đứng, lại chửi ngồi/ Khua tay múa cẳng đến hồi chổng mông/ Kéo quần lồ lộ tồng ngồng/ Một bà mệt quá, nhờ chồng chổng thay/ Bà kia chểnh mảng không hay/ Đến khi ngoảnh lại tưởng bày ruột ra…”. Ở bài Hiểu lầm, tác giả lại sử dụng nghệ thuật chơi chữ đồng âm để tạo ra sự hiểu lầm, làm cho người đọc không khỏi bật cười sảng khoái. Cái hay đạt được ở bài thơ này còn là cách xây dựng hình ảnh cô gái thông minh, lém lĩnh để trị những anh chàng hống hách, cửa quyền.
Trong thơ vui Vươn Thẳng, tình yêu nam nữ và quan hệ vợ chồng luôn là đề tài có nhiều “đất” để khai thác nhất.
Nếu như ở bài Không phải là “thầy” hay bài Có ai bán thuốc giữ chồng, tác giả dùng tiếng cười thay tiếng thở than cho các bà vợ “Nói ra sợ chị em cười/ Nhịn chi cũng được, nhịn “chơi” thì đừng.”; “Rằng lâu thì thật là lâu/ Nhưng mà chợt chạt thêm rầu người ta…” thì bài Oan uổng một chai, Động phòng, Anh quá vội vàng… lại mang đến cho độc giả tiếng cười từ những tình huống khó đỡ dở khóc, dở cười của nhân vật trữ tình trong câu chuyện thơ.
Với 200 bài thơ vui là gần 200 câu chuyện tiếu lâm chủ yếu lưu truyền trong dân gian mà Vươn Thẳng đã dày công sưu tầm và diễn giải thành thơ dí dỏm và kết thúc nhẹ nhàng. Ngoài ra Vươn Thẳng còn nhại thơ của một số tác giả nổi tiếng như: Anh hàng xóm (Nguyễn Bính); Bồ và vợ (Xuân Quỳnh); Bồ và rượu (nhại Kiều của Nguyễn Du); Đời bia rượu (Tố Hữu)…
Tuyển tập 200 bài thơ vui của nhà thơ Vươn Thẳng thực sự là một kho “thuốc bổ”. Với nghệ thuật chơi chữ đồng âm, nói lái, ví von, so sánh, đặc biệt là cách sử dụng linh hoạt, điêu luyện yếu tố “thanh – tục – tục – thanh” trong ngôn ngữ dân gian, tác giả đã mang đến không chỉ những tiếng cười, xoa dịu đi những lo toan, mệt nhọc của đời thường mà còn lồng vào đó những thông điệp, những bài học quý giá cho cuộc sống.
Một số cảm nhận của bạn đọc
ĐÙA BẰNG THƠ
Đọc Thơ Vui của Vươn Thẳng điều dễ nhận thấy, tác giả là người lạc quan yêu đời và thích đùa. Điều đặc biệt là đùa bằng thơ, phần lớn là thể lục bát. Vươn Thẳng viết lục bát khá chuẩn cả về vần và điệu nên đọc khá suôn sẻ. Phải ghi nhận khả năng lục bát hóa các chuyện tiếu lâm rất cao, nên nhiều bài đã chuyển hết tình tiết của câu chuyện đến với bạn đọc. Bên cạnh đó, tác giả sử dụng khá thành công ngôn ngữ của thơ vui, nên từ nội dung đến hình thức, giúp bạn đọc tiếng cười thoải mái.
Đại tá nhà thơ Vương Trọng
THƠ VƯƠN THẲNG
Thơ Vươn Thẳng khoái chọc cười
Tứ thường không mới nhưng khơi lắm trò
Đọc thơ sẽ hết nằm co
Bật lên mấy tiếng hơ hơ một mình
Từ chuyện đời đến chuyện tình
Lập lờ phương ngữ rối tinh nghĩa hàm
Anh ưa lái dọc lái ngang
Lái mây lái gió... khối nàng bổ xiêu...
TS nhà thơ Nguyên Hùng
THUỐC TIÊN ĐÂY RỒI
Tôi nay xấp xỉ bách niên
Gặp thơ Vươn Thẳng, thuốc tiên đây rồi
Đọc thơ không thể không cười
Xua tan mỏi mệt, thấy người khỏe ra
Chuyện cười như khúc tình ca
Đọc thơ Vươn Thẳng vỡ òa niềm vui.
Đông Hà (Nguyễn Đức Biền)
99 tuổi, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức
VƯƠN THẲNG NGƯỜI CÓ DUYÊN KỂ CHUYỆN TIẾU LÂM BẰNG THƠ
Phàm những chuyện vui cười (tiếu lâm) hiện đại hay hậu hiện đại khi đã lọt vào tai, mắt bác Nguyễn Văn Thưởng thì sớm muộn gì cũng được bác chuyển hóa thành thơ. Xưa nay, những người kể chuyện bằng thơ thường dùng thể thơ 5 chữ , hoặc 4 chữ (vè) Ai cũng biết lục bát là thể thơ dễ làm, khó hay - Nếu vốn từ ngữ không phong phú hay nói cách khác là không cao tay, sẽ rất dễ thành vè. Vậy mà Nguyễn Văn Thưởng dám Vươn Thẳng chỉ dùng mỗi độc chiêu lục bát để cho ra đời hàng mấy trăm bài thơ vui. Mỗi bài đều có cách thể hiện hóm hĩnh, duyên dáng, hài hước…gây được lý thú cho người đọc, người nghe. Vươn Thẳng xứng danh là “Nhà tiếu lâm sáu-tám” Xin chúc ông mãi trẻ, không ngừng sáng tạo, góp cho đời những niềm vui, dẫu chỉ là chốc lát .
Nhà thơ Tùng Bách
ĐỌC THƠ VƯƠN THẲNG
Đọc thơ Vươn Thẳng xong rồi
Dẫu buồn cũng thấy trong người vui ra
Thơ anh viết chẳng đâu xa
Toàn chuyện ngoài phố, trong nhà chứ đâu!
Điều người ta kể cho nhau
Đến anh, chuyển thể thành câu... thơ cười:
Trăm năm số kiếp con người
Tình duyên rắc rối, cuộc đời nhiễu nhương…
Lời thơ châm biếm dễ thương
Giống như thi sĩ Xuân Hương thuở nào
Thơ anh đậm chất ca dao
Dịu dàng cô Tấm, nghêu ngao thằng Bờm
Hoa tươi chưa hẳn đã thơm
Bánh ngon không thể thay cơm hàng ngày
Thơ cao sang chắc gì hay
Riêng tôi thích thể thơ này. Thế thôi!
Bs. Trần Thanh Chương
Hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ.