- Truyện
- Tình người bến nước vòng cung | Nguyễn Xuân Mẫn
Tình người bến nước vòng cung | Nguyễn Xuân Mẫn
NGUYỄN XUÂN MẪN
Đến đầu phố chợ, dòng sông uốn mình quẩn lượn dịu dàng vào bờ thành hình vòng cung lớn rồi mới chảy xuôi. Ở hai đầu của vòng nước quẩn là hai bãi cát như hai con trai khổng lồ nhô ra làm bạn với dòng nước. Những ngày nước lớn, hai con trai cát lặn xuống để cái vòng cung nước được phình to hơn nhưng dòng chảy vẫn êm ả.
Bờ đối diện ở phía bên Trung Quốc cũng có một bến thuyền, vì vậy từ bao đời vòng cung nước quẩn trở thành bến đậu của thuyền bè cho hai bến qua lại. Sự mưu sinh của mỗi người trên bến đã xếp đặt trật tự nơi thuyền bè cư ngụ. Phía thượng nguồn là những nhà nổi mở hiệu karaoke, cà phê, giải khát và các cái giải… khác cho những kẻ có nhu cầu. Tiếp đến là chòm mấy chục thuyền sắt lắp máy Koler chở hàng đường dài xuôi ngược hoặc qua sông sang Trung Quốc. Cuối bến là nơi ngụ cư của những con thuyền chài lưới, giăng câu đánh cá. Cuộc mưu sinh trên bến nước vòng cung phần nhiều vào buổi tối. Khi trời chiều thu dần những vệt nắng vàng yếu ớt để nhường lãnh địa cho những giọt sương li ti sà xuống mặt sông, tôm cá tung tăng gọi nhau đi kiếm ăn, nên xóm chài nhộn nhịp đưa thuyền ngược xuôi dòng sông. Chừng một giờ sau, những chiếc loa trên mọi nhà nổi đua nhau mở hết công suất, tuôn ra các bản nhạc vàng ẻo lả mời gọi khách. Bến giữa là thuyền chở hàng, thường khua nước muộn hơn bởi trong màn đêm, khi lực lượng tuần tra không thể quan sát hết được hàng lậu và người qua lại biên giới bất hợp pháp.
Không thuộc nhóm quanh năm tanh tưởi, suốt ngày cá tôm nhưng cũng chẳng được vào hạng nhà nổi hàng chìm, thuyền nhà tôi nằm giữa bến với hàng chục thuyền chở hàng. Tỉnh Lào Cai tái lập, nhiều người đổ xô lên làm ăn bằng đủ thứ nghề. Bỏ nghề làm thuê cho thuyền hút cát, bố tôi bán phăng vườn cây ăn quả có căn nhà gỗ xoan lợp cọ nằm sát bến đò Then. Hai sào bãi phù sa màu mỡ ấy cũng chỉ đủ tiền mua chiếc thuyền tôn lắp máy đuôi tôm 40 mã lực. Khi chủ thuyền cũ giao tay lái, bố tôi rít trong kẽ răng: “Con khốn! Mày muốn chết đói rục xương thì ở lại với quê cha đất tổ. Còn tao chỗ nào kiếm ăn được, đấy là quê!”. Nhìn ngôi nhà đã thuộc về người khác, mẹ tôi đành chùi nước mắt bước lên thuyền. Xuôi xuống ngã ba Hạc Trì rồi ngược sông Thao hai ngày đêm, thuyền nhà tôi cập bến vòng cung nước quẩn này. Bố tôi khuân mươi bó lá cọ và mấy bó tre xếp sẵn trong thuyền, dựng tạm túp lều trên bến. Bữa cơm đầu tiên trên bến mới, hễ mẹ tôi bưng bát cơm lên là nôn ọe. Nghe tiếng bố tôi quát mắng, một bà bạn thuyền nói với sang: “Chắc nhà chị có nghén!”. Hơn 8 tháng sau, khi hai người đang chở hàng qua sông, mẹ tôi chuyển dạ cho tôi cất tiếng làm người. Cắt rốn cho tôi xong, bố quẳng tòm cái nhau thai của tôi xuống sông nhưng lạ thay nó lại bị nước quẩn đưa dạt vào bờ rồi vướng vào gốc sậy, làm mồi cho cá thi nhau rỉa.
Cũng như nhiều đứa trẻ ở đây, tôi không có giấy khai sinh, chẳng có hộ khẩu và cũng chưa nhìn thấy cổng trường học. Bù lại, tôi và chúng nó có rất nhiều bạn bè trên chợ và trong phố vì cùng đá bóng, đánh khăng và tắm sông. Đứa nào cũng quý tôi vì tôi bơi lặn giỏi, dạy chúng tập bơi và từng cứu nhiều đứa suýt bị chết đuối. Thấy tôi dán mắt vào các dòng chữ trên vỏ thùng đựng hàng, những đứa được đến trường dạy tôi nhận mặt từng chữ cái và cách ghép lại với nhau để đọc. Nhờ bạn bè dạy, tôi đọc thông viết thạo rồi làm được các phép tính phân số và phần trăm. Biết nhà tôi nghèo, nhiều đứa còn giúp tôi nhặt nhạnh vỏ chai bia, sắt vụn, bìa các-tông để bán lấy tiền.
Vui với bạn bè nhưng tôi lại gặp nhiều chuyện đau lòng. 7 tuổi, tôi biết nấu cơm thì mẹ bị bệnh hậu sản qua đời. 10 tuổi, tôi phải xuống thuyền phụ giúp bố chở hàng mỗi đêm. 12 tuổi, tôi đã thành thạo lái thuyền chở đầy ắp hàng, lách qua những xoáy nước quay chóng mặt. 15 tuổi, bố tôi ho liên miên khạc ra máu. Nhờ mấy người trên bến chở bố vào bệnh viện mới biết ông bị ung thư phổi quá nặng. Lòng tận tụy của các bác sĩ chỉ giúp bố tôi lưu lại thế gian được 20 ngày. Giữa hai cơn đau của những ngày cuối đời, cứ dặn đi dặn lại tôi một điều: “Nghề sông nước phải bon chen vất vả bởi lênh đênh không giữ được đồng tiền, con phải đi tìm nghề khác mà sinh sống!”. Bố mất nhưng tôi vẫn phải bám lấy thuyền kiếm sống và mong mỏi chờ thời rời bến vòng cung nước quẩn. Đêm đêm tôi vẫn phải chở hàng lậu và cả chở người đi lại trái phép. Miếng cơm manh áo và sự răn đe lẫn dỗ dành của cánh làm ăn phi pháp theo luật ngầm như chiếc neo đời không cho tôi rời bến nước vòng cung. Mỗi lần có khách gọi chở hàng sang Trung Quốc lúc đêm khuya, tôi lại tặc lưỡi chỉ đi nốt chuyến này thôi. Nhưng nghĩ là một chuyện và làm lại bị bẻ lái theo hướng khác. Lần nào tôi tìm cách từ chối chở hàng đều nhận được sự đe nẹt xa xôi rằng: “Bố mày lúc sống thua bạc còn nợ tao 80 triệu đồng chưa trả...”. Hoặc là: “Những chuyến hai bố con mày chở người bị bán ra nước ngoài đều bị biên phòng họ ghi sổ, không có chúng tao thì bố con mày tù mọt gông!”. Đôi khi lại là sự dỗ dành ngon ngọt: “Chở nốt cho cô chuyến này có mỗi bốn đứa cháu gái cô sang bên kia sông đi chơi thôi mà, cô sẽ trả công cao gấp 5 lần chở hàng!”. Tôi thầm trách bố đã ném cái nhau thai của tôi xuống đoạn sông này nên tôi không thoát được cái vòng cung nước quẩn. Nào ngờ…
Đêm đã khuya lắm, khi chuyến hàng chở sang bên kia sông vừa được bốc lên hết, tôi đang nổ máy để về thì một bóng đen lao vụt xuống thuyền, kèm theo là tiếng người con gái nói gấp gáp trong hơi thở: “Anh! Anh cho thuyền nổ đi nhanh kẻo người ta bắt!”. Tôi tưởng họ đuổi bắt mình chở hàng lậu nên vội vàng tăng hết ga, cho thuyền chạy. Chừng mấy phút sau thì trên bến phía Trung Quốc có tiếng chửi bới la hét: “Tiên sư con khốn nạn, mày cứ lên bờ đi, chúng tao có người đợi sẵn rồi, không thoát được đâu con ơi!”. “Cháu Hoạt ơi! Có phải con nhóc ấy nhảy lên thuyền cháu không! Cháu chở nó vào bờ, chú sẽ trả gấp 5 lần một chuyến hàng nhá!”. Nhận ra tiếng lão Khải sẹo gọi tên mình, tôi biết ngay bọn họ đã biết cô gái nhảy lên thuyền tôi. Từ lúc bố tôi còn sống, và cho đến bây giờ, lão thường thuê thuyền nhà tôi chở người qua sông, lúc lão bảo mấy cô gái là người nhà, là họ hàng ở quê lên sang chơi bên Trung Quốc nhưng chẳng bao giờ thấy con cháu lão lên thuyền nhà tôi trở về. Tiếng lão Khải sẹo vừa dứt là tiếng mụ Luân còi the thé: “Cháu nhớ nhá, chú nhà cô đang chờ ở bên đấy. Cháu giao con bé này cho chú, dứt khoát cô xóa món nợ hơn 25 triệu đồng của bố cháu chưa trả!”. Lại nghe thằng Kiên chột lớn tiếng: “Mày để sổng con bé ấy thì liệu hồn đấy Hoạt ơi!”.
Chợt tiếng máy thuyền nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn, không điều khiển nổi, mới nhớ ra khi đi chưa đổ thêm dầu, tôi đành lái thuyền bằng chèo tay. Thấy thuyền tắt máy, người con gái hoảng hốt: “Em lạy anh cho em xuôi một đoạn. Anh chở em vào bến thì em nhảy xuống sông chết cho thoát nhục!”. Tôi nghĩ nhanh: Nếu cô ta lao mình xuống sông tự vẫn thì bọn chúng lại vu cho tôi bán cô gái cho kẻ khác, và cả việc tôi đưa cô ta vào bờ giao cho chúng thì công cứu người của tôi thành vô nghĩa. Vả lại, những món nợ của bố tôi, mà những kẻ xảo quyệt kia vẫn nói mồm làm sao tôi biết được đúng hay sai… Hai ý nghĩ ấy tiếp sức cho tôi khua mạnh mái chèo cùng dòng nước chảy đưa thuyền xuôi nhanh hơn.
Chừng hai tiếng đồng hồ, quá mệt và đói, tôi đành cho thuyền ghé vào một bãi soi giữa sông nghỉ tạm. Rất may đây là bãi ngô đang kỳ hạt đông sữa. Rẽ sâu vào giữa bãi, chúng tôi thấy túp lều không có người. Bụng đói cồn cào giục chúng tôi bẻ trộm mấy bắp ngô liều đốt lửa nướng ăn rồi mỗi người nằm ra một bên sàn lều. Dẫu rất mệt nhưng mấy bắp ngô luộc đã tiếp sức cho chúng tôi tỉnh táo và còn một điều chúng tôi cần phải tỉnh táo vì đã biết nhau gian ngay thế nào đâu nên hai người đành phải thức để tìm hiểu ngọn ngành của người kia.
… Làn sinh ra trong một gia đình công nhân nông trường Mộc Châu bên Sơn La. Làm vợ hơn chục năm, mẹ Làn mới sinh được cô rồi không lần nào thai nghén nữa. Vỡ mộng có con trai nối dõi tông đường, bố Làn sống lang chạ với ba bốn người phụ nữ nữa nhưng họ cũng chỉ sinh toàn con gái nên ông lao vào nghiện ma túy. Đi tìm bò lạc đàn, chẳng may mẹ Làn bị ngã xuống vực, mãi hai ngày sau người ta mới tìm thấy xác người nữ công nhân chăn bò xấu số đang bị ruồi nhặng bâu đầy thân thể. Cô bé 7 tuổi mồ côi mẹ, đành về ở với bố và người mẹ ghẻ có 3 đứa con gái nhưng chỉ 1 đứa là cùng dòng máu với Làn. Lấy cớ trường xa, bố bắt cô nghỉ học ở nhà trông con của mẹ ghẻ. Làn 13 tuổi đã phổng phao như thiếu nữ. Mang tiếng cho Làn đi làm con nuôi nhưng thực ra bố Làn bán cô cho một tay buôn lậu ma túy để lấy thuốc dùng. Nào ngờ Làn trở thành đồ chơi không chỉ riêng của ông bố nuôi khốn nạn mà cho cả đồng bọn chúng, hết phục vụ thằng này lại đến đứa khác. Năm năm liền Làn mấy lần cố tìm cách bỏ trốn nhưng đều bị bắt lại. Một hôm bọn chúng sang bên Lào mua ma túy, nhưng vừa về đến biên giới, cả bọn đều bị tóm gọn cùng gần 100 bánh hêrôin. Một buổi trưa Làn đang chuẩn bị rời khỏi căn nhà tủi nhục này thì có chiếc xe tải bị hỏng dừng trước cửa. Người lái xe phải sửa suốt hai tiếng đồng hồ nên nhờ Làn nấu cơm ăn trưa. Nghe Làn kể sự tình, người lái xe ngon ngọt hứa với Làn sẽ đưa cô đi làm nhân viên bán hàng trên Lai Châu. Tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa, tưởng thoát thân nào ngờ thằng lái xe đã lừa bán Làn cho một tên buôn người rồi cô bị đưa sang Trung Quốc. May mà gặp được Hoạt cứu giúp.
Trời tang tảng sáng, tôi bừng tỉnh giấc bởi lưng bị ướt. Tôi giật mình nhận ra nước lũ về mấp mé sàn lều. Cùng lúc, phía góc lều bên kia Làn cũng vùng dậy. Nhìn ra không thấy thuyền, mà khi ghé vào đây, tôi đã cẩn thận buộc vào gốc cây sung ven bãi soi. Nước mỗi lúc một dâng cao, tôi bơi vào bờ thì chẳng khó khăn gì nhưng làm sao để đưa Làn vào được. Nhìn mấy ống vầu làm sàn nằm, tôi bật ra ý định đánh liều dỡ rồi lấy dây sắn dại buộc vào làm bè dìu cô gái. Cẩn thận hơn, tôi lấy dây sắn to hơn ngón tay buộc một đầu dây vào bè, đầu kia buộc ngang ngực cô rồi dìu, chừng nửa tiếng sau chúng tôi vào tới bờ an toàn. Tôi bảo Làn: “Cô đi đâu thì tùy, còn tôi phải đi tìm thuyền!”. “Không! Anh ơi, lạ nước lạ cái, em biết đi đâu bây giờ, thương em, anh cho em theo với, miễn là đừng đưa em về trên bến chợ!”.
Hai chúng tôi đi dọc sông, dòng nước cuồn cuộn càng làm tôi thêm rối trí, chiếc thuyền là cả gia tài của tôi và 10 triệu đồng tích cóp, tôi đều giấu trên ấy. Mãi chiều tà, nhìn phía hạ lưu có cây cầu xi măng, chúng tôi ghé vào ngôi nhà gần đó, bà chủ nhà cho biết chừng một hai giờ chiều, có chiếc thuyền sắt mái lợp lá cọ bị trôi, va vào trụ cầu chìm nghỉm. Chắc bây giờ bị dòng nước đẩy đi xa lắm rồi. Nghe tôi kể lại khi hai người neo thuyền chờ cửu vạn bốc hàng lên thuyền chở đi xuôi, chúng tôi lên bờ để ăn cơm, khi xong bữa ăn thì không thấy thuyền đâu nữa mà nước thì quá xiết. Tưởng chúng tôi là hai vợ chồng, bà cụ chủ nhà chân tình: “Thôi đành vậy, của đi thay người cô chú ạ! Mong cho trời Phật phù hộ để cô chú không bị rủi ro nữa, mà đã có mấy cháu rồi, thôi tìm cách khác mà nuôi chúng nó!”. Làn che miệng tủm tỉm cười: “Dạ, chúng cháu chưa có con cái gì đâu ạ!”. Bà cụ chủ nhà thương tình bảo: “Trời tối rồi không đi đâu nữa, cô chú ở lại đây, tôi đi nấu cơm cho mà ăn, vợ chồng cứ vào buồng bên phải mà nghỉ, đấy là buồng vợ chồng con trai tôi đang làm tận Hà Nội. Khi nào cơm chín tôi gọi!”. Cụ nói thế nhưng Làn vẫn xăng xái nấu ăn với cụ và bảo: “Tối nay cháu muốn ngủ với bà cho vui!”.
Sáng hôm sau chia tay bà cụ, chúng tôi ra đường. Sợ tôi bỏ lại, Làn cứ nắm chặt tay tôi. Chúng tôi còn đang dùng dằng bàn tính nên đi đâu thì có chiếc xe con màu trắng dừng lại. Người lái xe hạ cửa kính ngó đầu ra hỏi: “Có phải Hoạt đấy không?”. Tôi nhận ra đó là Chính, người bạn thiếu thời…
… Chính thi đỗ vào trường đại học Nông nghiệp khoa Trồng trọt, gia đình Chính cũng chuyển về quê ở ngoại thành Hà Nội. Ra trường, Chính không vào viện nghiên cứu ở Hà Nội theo sự sắp xếp của bố mà lên tận xã Nậm Sa trên vùng cao Sa Pa thuê đất mở trang trại trồng cây ăn quả ôn đới rồi lấy vợ. Hôm nay về tỉnh dự cuộc hội thảo khoa học về phát triển cây ăn quả ôn đới ở vùng cao Lào Cai, Chính ngược về trạm thì tình cờ gặp tôi. Nghe tôi kể sơ qua chuyện gia đình và cuộc hội ngộ của tôi với Làn, Chính tươi cười: “Thế này nhá! Hai bạn lên xe đi Nậm Sa với mình. Vợ chồng mình đang có 10 hécta cây ăn quả ôn đới nhưng cách nhau tới năm sáu cây số. Vì nhiều việc quá nên có 3 hécta lê tai nung và đào Pháp bọn mình không làm xuể, đang có ý định nhượng lại cho người khác. Mình sẽ lăng sê cho hai bạn với giá 0 đồng để nhớ lại ngày mình học xong lớp 5, nếu không có cậu thì…”. Lúc này tôi mới nhớ lại chuyện của ngày xưa ấy…
… Tổng kết năm học, Chính đạt học sinh giỏi cấp tỉnh nên bố mẹ thưởng cho quả bóng đá, theo sở thích của nó. Đường phố đông người đi lại, sân vận động lại xa nên Chính rủ bạn bè xuống bãi cát bên vòng cung nước quẩn chơi trận bóng mở đầu cho mùa hè được nghỉ ngơi thoải mái. Trận đá bóng đang diễn ra sôi nổi thì chẳng may một người bạn đá quả bóng rơi xuống sông, Chính vội vàng lao ra vớt nhưng nước chảy đẩy quả bóng trôi ra xa bờ, Chính nhoài người theo chẳng may bị dòng nước cuốn. Nghe tiếng kêu cứu, tôi đang trên thuyền, bèn lao xuống bơi theo và túm được tóc Chính lôi vào bờ. Sau lần chết hụt, Chính trở thành người bạn thân thiết với tôi và cũng là người tận tình nhất dạy tôi học chữ.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM