- Truyện
- Trăng thẩm én/ Nguyễn Xuân Mẫn
Trăng thẩm én/ Nguyễn Xuân Mẫn
NGUYỄN XUÂN MẪN
Khoảng 3 giờ chiều, chuyến xe khách lên huyện miền núi Qùy Châu dừng lại ở bờ con suối lớn chờ phà, khoác ba lô xuống xe, Xiên đi vào cánh đồng lúa đang thì con gái. Trong nắng xuân, từng đàn chim én, chao mình sà xuống cánh đồng rồi lại ríu rít gọi nhau bay vọt lên không trung. Nhìn qua cánh đồng là dãy núi khoe ra vách đá trắng như hình con chim én đang vươn lên trời. Gần đó là những mái nhà nằm yên ả dưới tán cây. Xiên mừng thầm: Không nhầm được, đúng bản Thẩm Én của người Thái kia rồi! Dù chưa bao giờ đặt chân đến nhưng trong đầu Xiên không quên được tên bản Thái nằm dưới vách đá kia và cả đường đi đến đó, do anh được nghe kể rất kỹ cách đây đã 8 năm…
… 8 năm trước, cũng một buổi chiều, học xong lớp tập huấn cán bộ trung đội ngoài hậu cứ mặt trận, Xiên cùng 5 cán bộ trung đội trong tiểu đoàn trở về đơn vị để kịp ngày N nổ súng mở màn chiến dịch. Mọi người động viên nhau đi nhanh về trạm giao liên KB trước khi trời tối. Bỗng tổ trưởng Ngô Phách đi đầu giơ tay lên cao hướng lòng bàn tay về phía sau, là ám hiệu báo có địch. Cả 6 người nhanh chóng tản ra dàn thành hàng ngang thì phía trước và cả hai bên, địch đã bắn xối xả. Tiếng lựu phóng nổ cắc đoành, tiếng AR15 rèn rẹt. Biết lực lượng ta ít, bọn địch bắn uy hiếp khép chặt vòng vây rồi hò hét nhau bắt sống. Ngô Phách truyền mật lệnh phải bằng mọi cách thoát vòng vây. Cùng lúc, 6 quả lựu đạn tung ra các hướng có địch, kèm theo tiếng thét: “Đại đội! Xung phong!”. Vài ba tên chết gục ngay tại chỗ, mấy đứa bị thương kêu la thảm thiết làm cho bọn chúng hoảng loạn rơi vào thế bị động. Lợi dụng khi đó, cả 6 người bật dậy chạy thoát khỏi vòng vây của địch, mặc cho đạn bay chiu chíu. Mãi sau này về đơn vị Xiên mới biết trận đảo ngược thế cờ ấy có 3 tên địch phải đền mạng và 8 thằng khác bị thương. Cả 6 cán bộ trung đội ta đều an toàn.
Thoát vòng vây địch nhưng Xiên bị lạc, càng đi trong rừng càng mất phương hướng, không hề gặp một lối mòn hay dấu vết của người. Nắm cơm mang theo từ lớp tập huấn chỉ ăn được một nửa rồi bị thiu đành phải bỏ. May mà anh sinh ra và lớn lên ở rừng núi Lào Cai nên biết được những cây quả hay củ trên rừng ăn được. Tuy không bị đói nhưng trong bụng lúc nào cũng cồn cào, người mệt rã rời. Tới ngày thứ 9, Xiên mừng thầm khi nhận ra khóm sâm chân gà, thân cây có đốt rất ngắn, lá nhẵn và dài hơn gang tay, củ choãi ra xung quanh như ngón chân gà. Ngày ở nhà đi rừng đào dăm bảy củ sâm này ăn không bị khát nước mà mệt mỏi cũng biến mất. Vừa cạo sạch củ đầu tiên đưa lên miệng, Xiên giật mình nghe tiếng hô đanh gọn nhưng thanh nhỏ: “Giơ tay lên!”. Anh ngẩng lên nhìn, trước mặt Xiên cách chừng chục bước chân, một cô gái đội mũ tai bèo chĩa nòng khẩu AK đen ngòm về phía anh. Xiên vội vàng kêu: “Đừng bắn! Tôi bị lạc!”. Khi nghe Xiên trình bày, cô gái cười: “Bây chừ anh theo tui, ban nãy nếu anh nỏ nói giọng Bắc, đeo bòng, mặc đồ giải phóng rách tơi tả, chắc chắn tay tôi đã lẫy cò rồi!”. Cô gái dẫn Xiên đi khoảng nửa tiếng tới hang đá nằm nép mình dưới rừng già. Cửa hang cao rộng chừng như cửa đi của nhà người Dao quê anh nhưng càng vào sâu, lòng hang càng rộng. Cô gái cho biết đây là kho quân khí dự trữ cho chiến dịch lớn, 2 năm nay từ ngày cô vào đây làm nhiệm vụ chưa bao giờ xuất kho. Tổ coi kho có 3 chị em đều quê Nghệ An. Cô tên là Lả, người Thái tận huyện miền núi Quỳ Châu. Hoàn ở Đô Lương, còn Liên người vùng biển Diễn Châu. Là lính mới vào chừng hơn 3 tháng, sáng nay hai người kia phải về tổng kho để lấy gạo.
Chừng nửa đêm, khi Lả còn đang chập chờn chưa ngủ được thì nằm giường của Liên phía bên kia, Xiên lên cơn sốt, mỗi lúc một mê man bất tỉnh nói lảm nhảm yếu ớt nên Lả lo sợ. Nếu có Hoàn và Liên ở nhà thì mọi chuyện đỡ khó khăn. Chừng năm sáu tuổi, Lả thường theo mẹ đi hái thuốc nam trong rừng chữa được cả sốt rét, có lúc được đi theo mẹ đắp thuốc cho người đau ốm. Trước khi lên đường nhập ngũ, Lả được mẹ cho uống thuốc nam phòng sốt rét, lại dẫn lên rừng chỉ cho biết từng loại cây cách dùng ra sao để thành thuốc chữa bệnh. Trong mê sảng, người lính lảm nhảm khi nói tiếng Kinh, lúc là tiếng gì đó chưa bao giờ được nghe nên Lả càng hoảng loạn. Dù vẫn nhớ nơi có những cây thuốc gần hang nhưng giữa đêm khuya rừng già đen sẫm như mực, không thể biết chỗ nào. Nếu đốt đuốc ra tìm, chẳng may thám báo phát hiện thì rất nguy hiểm. Mờ sáng Lả mới ra được cửa hang dù trời chưa sáng hẳn nhưng Lả vẫn nhớ nơi những cây thuốc đã được cô tìm thấy mà chưa dùng đến. Nhớ lời mẹ dặn lá lưỡi bò hai mặt có chấm nhỏ li ti, sờ vào nham nháp. Thứ lá đó chưa đủ cắt cơn sốt mà phải lấy hai thứ nữa. Cây sài tím lá nhỏ như móng tay chỉ mọc trong khe đá dùng cả thân, lá và rễ. Dâu rừng vàng gần như dâu tằm chỉ hái búp non, loại này khi hái phải quay mặt đi, hai tay cầm ra sau lưng vò nát rồi lấy lá lưỡi bò gói kín, tuyệt đối không được phả hơi thở vào mới giữ được thuốc.
Nắm lá rừng của Lả được giã vắt nước cho uống và dùng bã đắp gan bàn chân và gan bàn tay, chừng gần trưa thì Xiên đỡ sốt rồi sáng hôm sau dứt hẳn nhưng rất mệt mỏi, thở cũng mệt nhọc tưởng chừng đứt hơi, khắp mình mẩy đau ê ẩm. Nghe tiếng chim kêu ríu rít từ trên cao nhưng anh chỉ thấy xung quanh tối đen như mực. Dần dần Xiên nhớ ra đây là hang đặt kho vũ khí mà anh được cô gái dẫn về. Ngửi thấy mùi khói lan trong hang, bụng Xiên đói cồn cào. Vừa lúc đó bàn tay nhỏ nhắn của cô gái đặt lên trán rồi giọng nói nghe nằng nặng: “Anh mần em hết hồn. Anh mơ toàn nói tiếng chi rất lạ em nỏ nghe khi mô. Còn ít gạo, em đang nấu cháo ngoài tê, chờ cháo nhừ, em lau người cho anh kẻo mồ hôi nhớp nhúa quá!”.
Sau 3 ngày sức khỏe hồi phục, anh xin Lả cho về đơn vị. Nhìn người lính da dẻ xanh mét như tàu lá, Lả quả quyết: “Anh chưa đi được mô, còn phải dùng thuốc mấy bữa cho cắt cơn. Như anh nói vào chiến dịch rồi, bây chừ đơn vị nỏ còn ở nơi cũ, anh biết mô mà tìm!”.
Những ngày tiếp theo, cả hai người thấy thời gian dài đằng đẵng bởi mỗi người theo đuổi một suy nghĩ khác nhau. Lả nhẩm tính số gạo còn lại hai người ăn cháo dè sẻn cũng chỉ nổi hai ngày, mà sao Hoàn và Liên chưa thấy về, không rõ có chuyện gì bất trắc? Xiên lại suy tư không rõ bây giờ đơn vị đang ở đâu, chiến dịch đã bắt đầu từ khi nào…? Mấy lần Xiên đã định trốn đi nhưng Lả đều biết trước nên giữ lại.
Đêm khuya, cả khu rừng chìm trong giấc ngủ, từ ngoài xộc vào trong hang mùi hôi rất khó chịu, kèm theo tiếng ịt ịt. Nằm giường bên kia, Lả lao sang ôm chặt Xiên run rẩy, giọng líu lại… B…b…e…e…o…o…! Ngày còn ở nhà Xiên đã là thợ săn giỏi nên nghe tiếng ịt ịt và ngửi mùi hôi, anh biết ngay đó là con lợn lửng đực. Loại này khi săn bắn được, phải cắt bỏ ngay bộ tinh hoàn của nó và lúc xả thịt ra phải bọc trong cỏ hoặc rơm rạ khô chôn xuống hố lấp kín đất chừng hai ba tiếng mới hết mùi hôi. Nếu không phải giữ bí mật cho kho vũ khí, chắc chắn Xiên đã ra cửa hang bắn con lợn lửng kia rồi. Từ đêm ấy, Lả bắt Xiên phải nằm chung giường…
Không thể nằm mãi ở kho, Xiên lặng lẽ ra đi trong một đêm, sau khi Lả say mê mệt vì hai người vừa qua cuộc giao hoan. Gần sáng anh ra tới con đường mòn nhập vào một đơn vị hành quân đi vào bổ sung cho chiến dịch.
8 năm ròng, dù trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt trên khắp chiến trường Tây Nguyên rồi xuống Đồng Tháp Mười, miền Nam hoàn toàn giải phóng Xiên trở về quê chuyển ngành vào cơ quan huyện. Bố mẹ nhờ người làm mối tìm vợ cho anh, mọi người trong các cơ quan cũng giục: Giáo viên, y tá trong huyện nhiều cô mê bộ đội chuyển ngành lắm đấy! Không phải anh không nghĩ đến chuyện vợ con nhưng hình ảnh cô bộ đội thủ kho ngày trước không phai mờ trong đầu óc Xiên được. Nếu không có Lả, thì trận sốt rét đã đưa Xiên về với tổ tiên từ ngày ấy rồi. Cũng nhờ có Lả mà suốt những ngày trong chiến trường chỉ ở rừng, bị muỗi đốt dày khắp mặt mũi chân tay nhưng Xiên không hề bị sốt rét. Được cơ quan cho nghỉ phép, Xiên khoác ba lô lên tàu vào ga Vinh rồi lên bản Thẩm Én này. Vừa đến đầu bản, Xiên gặp bà lão người Thái. Nhìn anh bộ đội, bà lão hỏi: “Bộ đội ngày trước đóng quân ở nhà ai trong bản đấy?”. “Cháu không đóng quân ở đây nhưng cháu muốn tìm nhà cô Lả!”. “Ô! Lả thì nhiều lắm, vì con gái út của người Thái thường gọi tên là Lả mà!”. “Lả đi bộ đội!”. “Bản này có bốn đứa Lả gái đi bộ đội, có biết nó họ gì?”. “Lường Thị…”, Xiên chưa kịp nói hết câu, bà lão đã ngân ngấn nước mắt: “Con gái là Lả của họ Lường chỉ có mình con me thôi, nhưng mà nó hy sinh lâu rồi! Anh ở bộ đội với nó à? Có đứa cùng đơn vị nó đang ở với mẹ đấy, cả hai mẹ con nó!
Tối hôm ấy ngôi nhà sàn mẹ Ính chật ních người đến chơi. Ai cũng cảm động vui cười nhưng trong mắt ngấn lệ khi nhắc tới người con gái của bản đã anh dũng hy sinh. Người đòi Xiên kể chuyện chiến trường, người hỏi hòa bình đã 3 năm, sao bây giờ mới về đây. Người bảo từ nay thằng Bình thấy bố rồi. Bộ đội về đây làm rể cũng tốt lắm đấy, từ ngày o Hoàn lên Thẩm Én xin làm con gái, mấy người đến yêu nhưng nó chẳng đồng ý ai nào. Người bảo hết bộ đội về làm cán bộ huyện à! Huyện đây còn thiếu nhiều cán bộ lắm, chuyển về đây thôi, từ nhà ra huyện đi bộ có tiếng đồng hồ…
Trăng rằm tháng 2 lên tới đỉnh đầu mọi người mới lục tục ra về, mè Ính cũng kêu mệt đi nằm. Dọn dẹp xong, Hoàn đưa Xiên ra ngồi bên sàn đầu cầu thang rồi kể cho Xiên nghe:
… Hai người ra lấy gạo lại đúng lúc có đợt tập huấn bảo quản và sử dụng vũ khí. Xiên đi đêm hôm trước thì chiều hôm sau Hoàn và Liên về. Một tháng sau, không thấy có chuyện của con gái, Lả ôm chầm lấy hai bạn mừng rỡ: “Các o ơi! Mình, mình đang giữ cho anh nớ giọt máu đó. Thật mà. Từ bữa anh nớ bỏ đi, mình cứ thấy thương thương anh còn trẻ, trong chiến tranh chộ bom đạn ùng oành, biết mô mà lường. Bây chừ anh nớ có hề chi thì… Anh nớ là Lò Vần Xiên, ở bản Ky Quan San của người Dao đỏ tận Lào Cai, mình đã ghi vô sổ tay rồi!”.
Thằng bé ra đời trong niềm vui của cả 3 chị em. Họ bàn nhau rồi đặt tên cho nó là Bình vì mong ngày hòa bình thống nhất sẽ đến gần. Người nào cũng nhận mình là mẹ nó, thay nhau ôm ấp, chuyền nhau bế ẵm thằng bé.
Thằng Bình lẫm chẫm biết đi, Liên ở nhà trông nó và nấu cơm, còn chị Lả và Hoàn ra rừng hái măng. Sợ bị thám báo phát hiện, hai người phải lấy dao găm khoét sâu xuống đất, không bẻ giữa chừng để trơ gốc, rồi lấy lá khô mục vùi lại, bẹ măng cũng vùi xuống như thế. Chừng gần trưa, hai chị em rẽ rừng về, bất ngờ nhìn thấy 3 tên thám báo đang lần theo đường mòn dẫn vào hang. Nếu để chúng phát hiện ra cửa hang sẽ rất nguy hiểm vì hàng trăm tấn vũ khí đang chờ chiến dịch lớn. Nếu hang bị lộ, tức khắc máy bay trực thăng địch sẽ bay ra đổ quân xuống và kho vũ khí sẽ bị chúng vét hết, nếu không cũng bị chúng cho nổ tung. Đến mức đó, 3 người con gái có gan dạ đến mấy cũng không thắng được kẻ thù. Cuộc chiến đấu âm thầm này bắt 3 chị em không được phép hy sinh như thế, mà phải tìm cách giữ mạng sống và giữ kho. Chị Lả ra lệnh phải chặn đánh chúng ngay lập tức. Chị giao cho Hoàn ngắm bắn trúng thằng đi sau đeo máy điện đàm rồi quét lên phía trước, còn chị thì ngược lại, nhằm diệt thằng đi đầu cầm tiểu liên cực nhanh rồi rê súng ra phía sau diệt thằng thứ hai cầm khẩu phóng lựu, nhưng phải để chúng vào thật gần mới bắn. Khi 3 tên thám báo cách chừng mươi bước, tức thì hai loạt súng găm trúng đội hình địch, 2 thằng giãy đành đạch. Vọt qua xác đồng bọn, thằng đi giữa quay đầu chạy. Lả lao lên đuổi theo. Ngó đầu quay lại thấy phụ nữ, nó quay nòng khẩu phóng lựu bóp cò. Quả phóng lựu nổ cách chị Lả chừng bước chân tung khói mù mịt, chị lảo đảo nắm cành cây nhưng rồi gục xuống. Từ phía sau Hoàn kịp thời lia loạt AK kết liễu đời tên địch. Lả bị những mảnh đạn găm vào bụng vào đùi lỗ chỗ, máu chảy đầm đìa. Nghe súng nổ, Liên vội vàng xách súng ra. Hai chị em ôm Lả về hang, khi mặt trời ngả sang chiều, Lả lịm dần lịm dần rồi tắt thở. Hoàn và Liên mai táng cho Lả xong cũng phải chôn 3 tên địch và xóa mọi dấu vết cuộc nổ súng vì sợ rằng bọn thám báo khác phát hiện.
Hoàn và Liên ra ngoài hậu cứ tìm đơn vị nhưng nơi vẫn ra lấy lương thực và báo cáo tình hình đã bị bom B52 cày xới tung tóe, hố bom chồng hố bom. Những ngày Lả chưa hy sinh đã hướng dẫn Hoàn và Liên những thứ gì ở rừng nuôi sống người nên ngày ngày Hoàn và Liên đi đào củ mài, củ nâu và kiếm hoa quả về nuôi 3 miệng ăn. Ba tháng sau khi Lả hy sinh, trong lần Liên đi lấy củi, vì kéo khúc củi bị mất đà, Liên rơi xuống vách đá, đầu bê bết máu. Không thấy Liên về Hoàn đi tìm mãi chiều tối mới thấy xác Liên đang bị kiến bu đầy, máu khô đen lại.
Khi thằng Bình đã lên 3, hai ông lão người Vân Kiều đi lần theo hướng ong bay tìm tổ lấy mật, lại đúng vào đỉnh núi trên hang vũ khí. Hai ông lão cho biết hơn năm trước, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phải chịu ký với ta Hiệp định Paris, chúng không dám ném bom ra miền Bắc nữa. Ba ngày sau, 2 ông già trở lại dẫn theo 2 cán sự huyện đội và 3 chiến sĩ. Mẹ con Hoàn được đón về huyện đội rồi được đi an dưỡng. Hài cốt của Lả và Liên được chuyển về nghĩa trang của huyện. Cuối năm 1974, kho vũ khí được vận chuyển vào chiến trường miền Nam góp phần làm nên cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975 lịch sử.
Được phục viên, Hoàn đưa thằng Bình về quê. Bố mẹ đã qua đời trước khi Hoàn đi bộ đội. Căn nhà tranh vách đất có vợ chồng con cái đứa em trai đang ở. Sau khi xuống Diễn Châu thăm gia đình Liên, Hoàn lên bản Thẩm Én tìm nhà Lả. Thương cảnh bà mẹ Lả thui thủi một mình vì hai anh em Lả đi bộ đội đều hy sinh, vả lại dưới quê nhà cửa chật chội, làm ăn vất vả nên Hoàn đưa thằng Bình lên ở trên này, bây giờ nó đang học trường thiếu nhi dân tộc. Mấy lần Hoàn định lên Lào Cai nhưng bà mẹ Lả đau yếu, phải đưa đi viện liên miên. Vài tháng nay người cụ khỏe ra, mỗi bữa ăn được 3 bát cơm, tối đến ngủ ngon giấc. Cụ bảo ma con Lả bảo mẹ cố chờ bạn chúng bay về.
Hoàn kể chuyện xong, mặt trăng đã xế về dãy núi phía tây, rải xuống vùng Thẩm Én màu vàng dịu nhạt. Vào trong nhà lấy ra cuốn sổ tay nhỏ đã úa vàng, Hoàn bảo đây là cuốn sổ của chị Lả ghi họ tên và quê quán của anh.
Tháng 6/2022