TIN TỨC

Trên chuyến tàu về quê ăn Tết

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1626 lượt xem

 

(Nguyên tác: il mio ritorno in paese)
Bản dịch của Trương Văn Dân

Mệt mỏi! Chiếc xe lửa liên tục dằng xóc tạo nên những va đập trên lưng làm toàn thân tôi ê ẩm. Có lúc cơn mệt nhọc đã làm tôi thiếp đi trong một giấc ngủ ngắn, rồi giật mình thức giấc vì cái đầu lắc lư, đập lên thành toa, đau điếng.

Nhà văn - Dịch giả Trương Văn Dân

Nhưng không phải cơn mệt mỏi hay sự thiếu tiện nghi đang làm tôi khó chịu mà chính là cảnh hành khách bị nhồi nhét trên toa. Nhiều người bị chèn ép, nửa nằm nửa ngồi giữa những hành lý ngổn ngang: vali, giỏ xách, thùng giấy được bó, cột sơ sài. Ngoài tiếng ồn còn có thêm tiếng khóc inh ỏi của các bé. Đó đây lốn nhốn những thân hình lèn sát vào nhau để chống lạnh hay để làm giảm sự cứng rắn của những thanh gỗ ghép làm lưng dựa và ghế ngồi.

Bao nhiêu nhọc nhằn mà hành khách phải trải để có được vài ngày vui Tết với những người thân! Nhiều người trong số họ đã phải làm việc tất bật suốt một năm dài, chắt chiu để có thể dành dụm được ít tiền trang trải cho chiếc vé về quê ăn Tết. Mà mua được một chiếc vé trong những ngày cuối năm là có thể tự xem mình may mắn, là đạt đến đích sau những vật vã, lăn lộn giữa muôn vàn khó khăn, chen lấn.

Niềm hạnh phúc ấy thật nhỏ nhoi, dù đổi lại là một chỗ ngồi chẳng mấy tiện nghi. Nhưng chắc chắn có người vẫn đang nghĩ là dù có phải bó gối ngồi nép mình trong suốt chuyến đi trên băng gỗ cũng vẫn hơn là phải ép xác trên những chuyến xe đò nguy hiểm, nhồi nhét người lẫn đồ vật, có khi có cả gà vịt, xe máy dưới ánh nắng gay gắt ban ngày và cái lạnh buốt giữa đêm khuya.

Và, trong những ngày này, dù chọn bất kỳ phương tiện nào, giá vé cũng có thể tăng gấp hai, gấp ba… những ngày thường! Thế nhưng các hành khách cũng đành phải chấp nhận vì trong những tình huống dù xấu đến đâu con người vẫn phải bám vào một lý do gì đó để tự cho là mình may mắn.

Đây là tất cả những ý nghĩ đã chồng chất lên nhau trong đầu tôi giữa những cơn ngủ gật. Tôi đã may mắn lắm mới có được một chỗ ngồi trên toa tàu này, ngay lúc cảm thấy mình tuyệt vọng và sắp sửa từ bỏ ý định về quê ăn Tết. Tôi không muốn nhớ đến những tằn tiện của mình để có thể góp nhặt được số tiền, bước đến quầy mua chiếc vé ước ao… rồi bẽn lẽn biết vẫn chưa đủ vì những ngày cận Tết giá vé đã tăng! Hoàn toàn tuyệt vọng! Phải làm gì bây giờ? Làm sao tôi có thể tìm được số tiền còn thiếu trong ngần ấy thời gian?

– Chiều tôi sẽ quay lại!

Tôi nói thế nhưng không tin là mình có thể quay lại! Rồi, như một phép lạ, cuộc gặp tình cờ với một người bạn cũ… và đây là những tờ bạc còn thiếu để có thể mua được tấm vé tàu mơ ước.

Đã 3 năm rồi tôi không thể về quê và nhiều lúc tôi cảm thấy mình có tội vì không gặp mẹ trong suốt quãng thời gian ấy. Mỗi lần nói chuyện với bà qua điện thoại tôi thường cố kìm lòng không khóc để bà khỏi nhận ra là trong lòng tôi đang đau đớn xiết bao. Chẳng những không khóc tôi còn cố vui cười nhiều hơn bình thường, khen ngợi và chia sẻ về những gì bà kể, dù trong đầu tôi lúc nào cũng chất đầy lo lắng về một tương lai vô định. Qua đường dây điện thoại, nghe giọng nói của mẹ tôi thường hình dung đến đôi mắt trũng sâu của bà, người mẹ chất phát và đơn giản, nhớ đến đôi bàn tay xương xẩu và sần sùi, mỗi ngày mỗi khô khốc từ mưa nắng sau nhiều năm phơi người trên đồng ruộng.

Mẹ tôi thường lạnh lùng và nghiêm khắc nhưng đôi lúc mẹ cũng hết sức ngọt ngào. Cách đây vài tuần, trước khi tôi bước lên toa tàu này, mẹ có gửi cho tôi một bức thư, mà giờ tôi vẫn còn mang theo bên mình. Nó như một hòn than đỏ và nóng bỏng đang âm ỉ trong túi áo của tôi, những lời bà viết giờ tôi đã thuộc lòng, như thể đó là những dấu ấn bằng lửa in hằn lên tâm trí.

“Con yêu thương! có bao điều mẹ muốn nói với con, vì mẹ hiểu là trong lòng con đang chất chứa rất nhiều nỗi đau… Điều làm mẹ đau lòng nhất là mẹ không thể làm gì được cho con, bởi mẹ ở quá xa và một bà già quê dốt nát như mẹ thì đâu biết có gì về những chuyện trong một thành phố lớn; Thế giới ấy quá xa lạ với trí óc của mẹ… Từ lúc sinh con ra mẹ chẳng cho con được gì… mẹ không biết là mình còn thời gian để có thể cùng đón một cái Tết nữa bên nhau… Nhưng dù sao mẹ cũng cảm ơn con đã hiện diện ở cuộc đời này”.

Phải chi đó là một bức thư nguyền rủa và oán trách vì tôi không thường xuyên gọi về thăm mẹ… rồi ý tưởng là sẽ không còn thời gian để cùng mẹ đón ông bà trong những ngày đầu năm làm lòng tôi tơi bời và đau khổ. Bức thư ấy, đọc đi đọc lại nhiều lần rồi bỏ vào túi áo, thực tình là tôi không hề chờ đợi. Và chính vì bức thư đó mà lần này tôi đã cố gắng hết sức để có thể về thăm nhà.

Tôi nghĩ đến tất cả những điều này trong lúc chiếc xe lửa vẫn tiếp tục lao tới. Trong đêm những tiếng ồn trong toa như bị làm nhỏ lại, bị che lấp bởi tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt. Tuy nhiên cuộc hành trình cũng có nhiều lần dừng lại, rất lâu, trong bóng tối, để xe lửa có thể tránh những chuyến tàu ưu tiên. Nơi chờ đợi là những bãi đậu có đường ray phụ, nằm giữa vùng quê hay núi rừng hoang vắng. Thỉnh thoảng tôi có nghe tiếng khóc của một vài em bé, tiếng hát ru con của các bà mẹ, vài tiếng nói thì thầm hay tiếng ngáy của vài người khách. Những khoảng không gian ban ngày bỏ trống như lối đi chính giữa, giờ đây đã được lấp đầy bởi những thân người nằm la liệt, họ xem nơi đây là một chỗ ngủ khá tiện lợi, chỉ cần trải lên sàn một vài tờ báo. Ở phía xa hơn tôi còn nhìn thấy mấy anh bộ đội, đang ngồi chơi bài với mấy chàng sinh viên, thỉnh thoảng cười lên vui vẻ. Các anh mặc áo thun ba lỗ màu xanh, chiếc áo đồng phục đã được cởi ra và gấp cẩn thận với chiếc mũ lưỡi trai, đặt trên giá hành lý để khỏi bị nhàu nhò trong cuộc hành trình.

Trước mặt tôi có một cô gái đang nghiêng mình, ngồi áp đầu vào ngực bạn trai bên cạnh. Cô ta đang ngủ, còn anh bạn thì đang ôm cô vào lòng dù thế ngồi không mấy thuận tiện cho lắm. Thỉnh thoảng anh cúi xuống nhìn cô gái hay kéo lọn tóc dài của cô đang rớt xuống phủ mặt. Cảnh âu yếm đó thật dễ thương, và lòng tôi bất chợt dấy lên một chút ganh tị. Trong một thoáng tôi ước muốn là mình cũng được yêu thương và che chở… muốn đổi cuộc đời tôi với cuộc đời cô ấy… nhưng giật mình vì ý nghĩ ích kỷ này thật bất công cho cô gái, có thể tôi sẽ có một cuộc đời tốt đẹp hơn… nhưng tội nghiệp, cô ta sẽ mang lấy tất cả những bất hạnh của đời tôi!

Tôi nhắm mắt cố ru mình vào giấc ngủ cùng với ước mơ là khi mở mắt sẽ bất ngờ nhìn thấy mình ở một nơi khác, trong một thế giới khác, xa thật xa với tất cả những điều đang làm tôi lo nghĩ và khổ đau.

Bao nhiêu lần rồi, mẹ ơi, con vẫn chưa dám kể cho mẹ biết! Con cũng chưa dám kể với mẹ là con đã làm như thế nào để có thể trở về nhà đón tết cùng mẹ. Bao nhiêu đêm rồi, con về nhà rất trễ sau khi làm hàng nghìn công việc, bao nhiêu cánh cửa đã dập trước mắt con, từ những người chỉ cần búng ngón tay là có thể giúp được con. Có một thời gian con tìm được một việc làm mà con tưởng là đã giải quyết được vấn đề của mình. Buổi sáng con có thể đến trường đại học còn buổi chiều và buổi tối phục vụ trong một nhà hàng. Tất cả trôi qua bình yên cho đến một hôm, một thực khách, sau một chầu say xỉn, đã giở trò bông lơn rồi sàm sỡ, sờ soạn lên người con.

Bằng tất cả sự bình tĩnh và dịu dàng con đã yêu cầu ông ta không nên làm thế nhưng chỉ làm ông ta giận dữ thêm lên. Con không biết điều gì đã đến trong đầu ông ta, mà, như trong một cơn điên, ông hất đổ nồi lẫu đang sôi vào người con. Cho đến lúc này con vẫn còn nghe tiếng thét của mình và tiếng còi hụ của chiếc xe mang con đi cấp cứu. Và sau đó, khi trở về nhà, con tháo gỡ tất cả các gương soi và phủ kín các cửa kính trong cái ổ chuột gọi là “nhà” của con. Con không có đủ can đảm để nhìn khuôn mặt mình bị biến dạng, cái đầu không tóc và một cánh tay bị bong da. Sau đó, chừng gần một năm dài tóc mới mọc lại và một chiếc thẹo xấu xí nằm trên khuôn mặt để nhắc con nhớ đến câu chuyện đau lòng đã xảy ra…

Về sau con đã tìm mọi cách để che dấu cái thẹo kinh khủng ấy với những lọn tóc uống quăn và phủ xuống mặt. Con thường chọn chỗ ngồi bên góc, cạnh cửa sổ để không ai nhìn thấy. Tuy vậy, thỉnh thoảng con vẫn nhìn thấy bóng mình hiện trên mặt kính rồi phải giật mình cố nghĩ là mình đang nhìn một ai khác. Một cái “tôi” của con thuộc về quá khứ mà con phải mang theo.

Có một quãng thời gian con gần như không đủ can đảm bước ra khỏi nhà. Nhưng dần dà tóc cũng mọc lại, và con đã có thể đi dạo mà không sợ bị người ta nhìn thấy. Rồi về sau con tìm được một việc làm khác vào buổi sáng sớm hay buổi chiều tàn, những công việc không cần ngoại hình xinh đẹp: quét dọn và lau chùi trong các văn phòng. Bằng cách ấy con đã có thể dành dụm tiền để trang trải cho chuyến về quê và đáp ứng lời kêu gọi của mẹ.

Một cú giật mạnh và chiếc xe lửa bắt đầu chạy lại sau nhiều lần ngừng tương tự. Tôi mở mắt và nhìn thấy ánh nhìn của một trong mấy chàng sinh viên lúc nãy chơi bài với các anh bộ đội. Trước đó tôi cũng đã nhận biết sự chú ý của anh ta, nhất là lúc tôi giả bộ ngủ. Thấy tôi đang ngủ nên có lẽ anh ta mạnh dạn hơn và tôi đã cảm nhận đôi mắt của anh ngừng lại khá lâu trên người… chỉ vài phút và khi tôi bất thần mở mắt làm anh giật mình quay nhìn về hướng khác.

Tôi có thể ngay lập tức tháo gỡ cho anh ta những ảo ảnh bằng cách chìa ra khuôn mặt có chiếc thẹo của mình. Chắc chắn đó sẽ là một cú sốc cho anh!

Nhưng có quan trọng gì đâu!… Tôi cứ để anh ta tự do nhìn ngắm và cũng không muốn phá huỷ cái cảm xúc về một câu chuyện đẹp đang hình thành trong trí tưởng của anh. Và làm thế khác nào tôi cũng từ bỏ cho mình một niềm hạnh phúc trong một cuộc đời khác.
Trời bắt đầu sáng, bình minh đang lên, và toa tàu cũng bắt đầu sinh động. Có tiếng điện thoại reo, tiếng nói chuyện thì thầm trộn lẫn với tiếng khóc của trẻ con… Một vài người khó nhoc, vừa vịn vừa đi, tránh các thân thể nằm trên lối đi để tìm đường ra toilet.

Có lẽ cũng là lúc tôi phải duỗi chân một chút và đi rửa mặt. Anh chàng sinh viên hay e thẹn lúc này đang còn ngủ và trời cũng chưa sáng lắm để anh ta có thể nhìn thấy vết sẹo trên mặt tôi.

Vượt qua bao chướng ngại, tôi đi cẩn thận và cố gắng tránh không dẫm phải ai trên đường đi.

Khi quay lại, tôi đi theo lối cũ nhưng lần này dễ hơn vì đã có vài người thức dậy, lên ngồi trên băng, đỡ em bé đang nằm trên ghế hay xích ra ngồi ở trong góc. Một vài người mở hành lý, tìm vật gì trong túi xách hay trong các thùng, gói đặt dưới ghế rồi lôi ra một chai nước hay vài thứ đồ ăn…

Có lẽ chì vài phút nữa sẽ có người đẩy xe đi bán cà phê và các thức điểm tâm. Ừ, một tách cà phê nóng lúc này có thể giúp tôi sưởi ấm bên ngoài lẫn bên trong. Bao nhiêu lâu rồi tôi không hề biết thế nào là tình yêu, niềm vui hay tình cảm… trong tất cả mọi thứ tôi làm không có tình yêu và trong cuộc đời tôi chưa bao giờ có niềm vui và cũng chẳng hy vọng là sẽ có trong tương lai.

Mà đủ rồi! Chỉ còn vài giờ nữa là tôi sẽ đến nơi. Hai bạn trẻ ngồi trước mặt tôi bây giờ cũng đã thức, cô gái đang soi guơng để chải lại mái tóc trong khi anh bạn đùa giỡn, lấy tay kéo những lọn tóc vừa được chải và bó vào một cái đuôi dài. Có lẽ họ chỉ trẻ hơn tôi chừng vài tuổi mà trông họ hồn nhiên như trẻ thơ trong khi tôi lụ khụ như một mụ già.

Anh chàng sinh viên lúc này cũng đã thức giấc. Anh mở mắt nhìn tôi giống như một em bé vừa thức dậy trong đêm Giáng Sinh và nhìn thấy những món quà của ông già Noel mang lại. Rất tiếc là tôi không thể nói với anh là mình rất muốn được là một món quà cho anh, lời hứa về một tương lai bình an và tươi sáng.

Thế nhưng tôi cũng dịu dàng nhìn lại anh và mỉm cười, như thể cám ơn anh về phút giây lãng mạn và đầy những ảo ảnh mơ mộng này.

Cuối cùng rồi chiếc xe bán cà phê cũng đến. Tôi gần như không nhận biết vì lúc đó cũng đang ngủ gà ngủ gật. Tôi lục túi xách chuẩn bị ít tiền để khỏi mất thời gian khi chiếc xe đẩy đến gần.

Cô gái bán hàng bước đến, nhưng tôi chưa kịp gọi thì cô ta đã mang đến cho tôi ly cà phê bốc khói và trong lúc tôi đưa tiền thì cô mỉm cười nhìn tôi rồi chỉ tay về phía chàng sinh viên:

– Đã thanh toán rồi! Anh ta mời chị cà phê. Chúc chị vui vẻ!

Tôi gật đầu cảm ơn. Có lẽ anh ta không đến nỗi nhút nhát như tôi tưởng. Nhưng bây giờ chỉ còn ít phút nữa thôi và tôi cần phải chấm dứt cái trò chơi trốn tìm này trước khi nó trở thành khó xử. Và có lẽ anh chàng sinh viên kia cũng đã hiểu rằng tôi chưa “ngã” nên, hơi thất vọng, anh ta cũng bắt đầu thu xếp hành lý.

Mấy anh bộ đội lúc này cũng đã mặc đồng phục, họ đang vuốt tóc vừa thấm nước khi rửa mặt ngoài bồn và đang ngắm mình vào tấm kính trên thành xe lửa để sửa chiếc mũ. Tôi cũng nhìn ra ngoài, những cánh đồng thẳng tắp, xóm làng và những mái nhà tranh, cảnh thôn quê với những con đường nhỏ có đàn vịt đang lạch bạch ra ao. Lúc còn ở thành phố, tưởng nhớ về màu sắc ở thôn quê, đến những màu xanh lá mạ và màu vàng của mùa lúa chín thường làm lòng tôi dịu lại. Rồi tôi nghĩ đến màu nước lấp lánh trên những dòng sông, đến những đồng ruộng trâu cày trước mùa gieo mạ rồi nhớ đến những phụ nữ chân lấm tay bùn suốt ngày phơi mình trên đồng ruộng… rồi tôi còn nhớ đến những cánh cò trắng bay lượn trên bầu trời xanh lơ trước khi đáp xuống… hay những đám lúa bị gió làm cúi rạp mình trông như biển xanh đang gợn sóng… ôi, thân thiết biết bao bầu trời của tuổi thơ, nó hằn lên tâm trí tôi càng thêm sâu đậm từ ngày tôi phải rời xa để sống trong thành phố.

Và chính vì những hình ảnh thân thiết này mà tôi phải về quê, để tìm lại cảm xúc ngày nào, như có thể uống cạn nó để có thể tiếp tục đi tới.Tôi muốn tìm lại vài phút giây hạnh phúc, bình an và được ngã vào vòng tay của mẹ thêm một lần nữa. Tôi hình dung đến phút giây cảm động này trong khi chiếc xe lửa đang bắt đầu vào sân ga và chợt mỉm cười khi thấy chàng sinh viên đang tiến đến gần, lúc này dường như anh không còn vẻ nhút nhát mà có lẽ đang chuẩn bị tấn công.

– Tôi có thể mang giùm chiếc vali cho cô không? Anh hơi ngập ngừng nói với tôi.

Đột nhiên tôi cảm thấy mình thật lạ và dường như chiếc thẹo trên mặt tôi cũng vừa biến mất, có gì quan trọng đâu… nó chỉ hiện diện trong hồn tôi… nhưng trong thế giới này còn có nhiều chuyện trầm trọng hơn nhiều, còn tôi thì chỉ muốn có được một tẹo hạnh phúc. Tôi chuyển chiếc vali cho anh, hai bàn tay chúng tôi chỉ tình cờ chạm nhau mà tác dụng như một sự chạm điện. Tôi ngước mắt nhìn anh và thấy anh cũng đang nhìn lại tôi. Và dường như anh không có vẻ giật mình:

– Đừng bận tâm! Với tôi, cô vẫn còn đẹp lắm!

T.V.D

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm