TIN TỨC
  • Truyện
  • Trôi về phía nào cũng buồn – Truyện ngắn của Đào Ngọc Vinh

Trôi về phía nào cũng buồn – Truyện ngắn của Đào Ngọc Vinh

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
590 lượt xem

Chị Hai điện thoại kêu tôi về gần một tuần nay mà bây giờ tôi mới có mặt ở đây. Chị không giận lẫy như mọi lần, mà nhẹ nhàng.

– Vất vả dữ hả em, kiếm sống được không?

Tôi cười.

– Giàu có gì  cái thằng viết văn nửa mùa như em,  thì cũng phải bươi quào sống cho qua ngày vậy mà. Ờ, chị điện thoại cho em gấp có chuyện gì không?

– Nhớ mầy điện về chơi, chứ nồi bún riêu của tao lúc này ít có ế lắm, không có để hưởng “sái” đâu em à.

Nhà văn Đào Ngọc Vinh 

Nhắc chuyện bún riêu tôi mới nhớ, hồi còn ở nhà, mỗi lần chị Hai bán bún riêu ế đều chạy qua kêu tôi: Mầy chạy qua phụ chị mầy chuyện này cái coi. Tôi lật đật chạy qua thì thấy chị dọn một bàn nào bún, rau, nước mắm, giá sống…

– Ăn đi, bữa nay chị em mình ăn bún trừ cơm. Trời quên, chưa trụn cho mầy mớ chuối bào. Cái thằng gì mà ngu hơn bò, không bao giờ chịu ăn rau sống.

Ăn bún riêu của chị riết, khi đi xa, thèm một tô bún riêu, tôi ăn cho nhớ mùi chứ không thích. Tô bún riêu của chị rất đặc biệt, không để thịt hoặc giò heo, cũng không để gan phèo như bây giờ, mà chỉ để một ít thịt cua đồng, vài miếng huyết vịt và thêm vài lát cà chua. Vậy mà ngon, nó không lẫn với thứ bún riêu bày biện cầu kỳ thường thấy ở các quán bình dân hay cả những nhà hàng cao cấp, nhưng dễ nhớ, dễ ghiền. Điều đặc biệt cũng là bí quyết để nồi súp bún riêu của chị thơm, ngọt, là chị lấy nước cua đồng, sau khi vớt thịt cua xong, làm nước súp. Nước cua ngọt thơm tự nhiên, thêm chút gia vị vừa đủ là có một nồi bún riêu truyền thống ngon lành.

– Bỏ cái kiểu ngồi nói chuyện mà dòm đâu đâu đó đi nghen. Nói thiệt coi, gần đây viết lách ra sao, có mập lên được “trăm cà ram” nào không?

– Chị chọc quê em hoài. Viết lách thì tàm tạm, còn mập, chị nhìn sao mà hỏi lắt léo vậy?

– Thì hỏi để cho có chuyện vậy, chứ nhìn mầy là biết nấu không ngọt nồi nước súp! Ráng chịu, ai biểu lủi đầu vô ba cái văn chương phù phiếm rồi đâm ra hoang tưởng, rằng mình đang ở tận mây xanh. Nói nào ngay, đó không phải là một cái nghề xấu, nhưng muốn tồn tại, phải có tài, em à! Lừng khừng như mầy, đói teo ruột. Sao, hôm rồi mầy nói viết về mấy tay đặc công thuỷ, có chi tiết gì vui không, kể chị nghe coi.

– Tưởng chị nhớ em thiệt, ai dè kêu em về để “khai thác” tư liệu! Chị vẫn còn mong tin tức anh Năm à?

Gương mặt chị đang vui bỗng buồn xuống cái rụp, buồn héo đi, buồn như ai đó vừa hất đi nồi bún riêu của chị. Tôi giận mình, lẽ ra không nên hỏi câu vừa rồi, đó là nỗi đau của chị. Nhưng chiến tranh (cứ đổ thừa vậy), mọi sự mất còn xảy ra trong chớp mắt. Bốn mươi năm, người đàn bà sáu mươi tuổi vẫn còn đau đáu về cái thời bom đạn ác liệt.

***

– Bún riêu đây. Bún riêu ngon tới… rún, đây!

Giọng cô gái tuổi độ mười chín, đôi mươi vừa ngọt vừa lém lỉnh khiến nhiều người qua đường thích thú, tò mò. Anh Năm, người lý lắc nhất trong tiểu đội đặc công nói giọng trêu ghẹo.

– Bún riêu bán tô, bán chén, hay bán… bụng vậy em?

Hơi bĩu môi, và cô Hai để gióng gánh xuống đất.

– Anh ấy ơi, anh ăn bằng cái gì, em bán bằng cái đó. Giả tỷ anh có muốn ăn bằng… “miểng vùa”, em cũng  bán luôn!

Cả tiểu đội đồng loạt cười rần làm cho anh Năm quê mặt. Nhưng vốn là người nhạy bén, anh Năm nhanh nhảu trả đủa.

– Em bán… cái gì, anh mua… cái đó. Bởi, em ăn được thì anh ăn cũng được, phải không mấy ông?

Những anh lính trẻ măng vỗ tay đôm đốp, cổ vũ cho câu phản hồi đầy ý nghĩa của bạn. Không vừa, cô Hai thản nhiên “quật” lại.

– Cái anh muốn mua thì em khó bán, cái em muốn bán thì anh khó mua. Thôi vầy, em chỉ bán bún riêu bằng tô, lỡ kêu em lại rồi, anh ủng hộ em vài tô nghen, không thì… mất mặt đàn ông lắm. Phải không mấy anh?

Bị cú “trả đòn” choáng váng, anh Năm hết đường chống đỡ. Lại thêm đám bạn hùa nhau “phạt” vì tội làm mất mặt cánh mày râu! Lần đó, anh Năm phải kéo từng người bạn ra hỏi mượn tiền mới đủ trả tiền chầu bún riêu thua… cô Hai. Đó là những ngày cuối  tháng năm, năm một chín sáu mươi chín, vùng giải phóng ven sông Cổ Chiên tạm yên sau chiến dịch Mậu Thân đẫm máu. Nhưng phía bên kia vùng tạm chiếm, tình hình vẫn vô cùng  căng thẳng. Thời gian này ở nhà má Hạnh tự dưng xuất hiện một cô cháu gái trẻ trung, xinh đẹp. Đã thế, cô còn rất tháo vát, nhanh nhẹn, đặc biệt là cô leo dừa không thua cánh đàn ông. Chỉ mấy ngày sau, người ta thấy cô xách thùng, quảy cù ngoéo ra đồng móc cua. Và ngày sau nữa, gánh bún riêu có mặt trên đường mòn dài theo ấp Một vốn là vùng giải phóng, cho tới ấp Bảy, khu vực giặc tạm chiếm.

Có Lần đám lính ở bót Thầy Minh vừa có ý chọc ghẹo, vừa có ý dò xét cô gái lạ mới xuất hiện.

– Em ơi, nước bún riêu nấu bằng thứ gì mà ngọt quá vậy?

Tay làm, nhưng miệng cô Hai vẫn cười đưa đẩy.

– Dạ, bằng nước cua chứ không lẽ bằng nước…Mà nói nhỏ mấy anh nghe cái này, loại cua của em cái càng nó vừa bự, vừa bén lắm nghen, chọc nó, coi chừng nó kẹp sứt… tay à!

Hiểu được ẩn ý của cô gái lạ, nhưng đám lính làm tĩnh, giả bộ nghiêm mặt.

– Nói kiểu này là giọng điệu của mấy con Việt cộng con nè, khám nó tụi bây.

Linh cảm tụi lính chuẩn bị giở trò, cô Hai giả lả.

– Thôi mà mấy anh, trước lạ sau quen, em làm ăn lương thiện thiệt mà. Còn vụ cái càng cua, em cũng nói thiệt luôn.

Cô Hai xách cái túm càng cua kình đã luộc đỏ lói đưa trước mặt bọn lính.

– Để làm quen, em biếu mấy anh mớ càng cua này về nhậu chơi, mà phải có điều kiện à nghen.

Bọn lính thò lõ nhìn cái túm càng cua, thật hấp dẫn. Món này mà đập vỏ, chấm với muối tiêu chanh thì ngon… bỏ “dì Út”. – Một tên lầm thầm.

Đã xiêu lòng, nhưng sự cảnh giác cao độ của những kẻ được huấn luyện kỹ lưỡng, không cho phép đám lính lơ là. Một tên có vẻ cầm đầu lên tiếng.

– Điều kiện gì vậy em gái? Đừng có nói là ngược lại em sẽ cho tụi anh một “trái” để đổi lại túm càng cua kia nghen.

Cô Hai cười hiền lành.

– Mấy anh giỡn hoài, điều kiện của em dễ ợt hà. Mỗi ngày mấy anh ủng hộ em ít tô bún riêu, em biếu mấy anh mớ càng cua, cả hai đều có lợi, mấy anh thấy được không?

 

Một chút dò xét, một chút nghi ngờ, rồi những gương mặt giãn ra trơ trẽn trước những lời lẽ đầy đường mật của cô gái trẻ đẹp. Chúng bu quanh gánh bún riêu, nhu cầu ăn thì ít, giành nhau lấy lòng cô gái là chủ yếu. Nói như vậy không có nghĩa là con mắt thứ ba của bọn chúng không đề phòng mọi hành động của cô gái lạ. Cứ thế, ngày ngày gánh bún riêu cứ rảo từ đầu trên tới xóm dưới, từ phía “Việt cộng” qua phía “quốc gia”, chỗ nào cô Hai cũng làm vừa lòng những người mới quen, đã quen, hay rất quen thuộc. Một ngày mà cô Hai bận chuyện gì đó, không có tiếng rao ngọt ngào, lém lỉnh thì nhiều người chờ, nhiều người nhớ, trong đó có anh Năm ở tiểu đội đặc công.

– Cười cái gì vậy, thằng quỷ? Lại nhớ đến chuyện tao chọc cho đám lính ở bót Thầy Minh tức sôi đờm hả?

– Nhớ chuyện khác nhưng dính dấp tới chi tiết đó.

– Biết rồi, cũng vì vậy mà tao đau tới bây giờ. Chị nói thiệt với mầy, trong chiến tranh, cơ hội cho những người yêu nhau có dịp bày tỏ tình cảm với nhau gần như bằng không.

Nghe chị nói mà tôi đau, đau cho sự có không phận người. Với tôi, chị không phải là họ hàng thân thích, không máu mủ thiêng liêng, nhưng tôi thương chị thiệt nhiều, thiệt sâu. Thích chị mỗi khi vuốt mũi tôi phán một câu xanh dờn.

– Tướng mầy lớn lên làm được hai chuyện: Một là hái trái cây cho người khác không cần bắc thang, hai là, đem… cạo gió cho thiên hạ, khỏi chê!

Tôi không hề giận cái kiểu chê sát ván của chị, bởi chị lúc nào cũng cà rỡn được, nhưng khéo và thông minh. Như lần đám lính ở bót Thầy Minh khi ngồi quanh gánh bún riêu của chị, một trong những tên trong đám lên tiếng.

– Bây giờ tụi anh hỏi thiệt, em cũng phải trả lời thiệt nghen. Trong đám bọn anh, em chọn anh nào?

Giả đò lấy nón lá che mắt mắc cỡ, nhưng trong đầu chị Hai đã sắp sẵn một cách đối phó với bọn lính. Quạt quạt nón lá làm như e lệ, chị nói thủng thẳng.

– Như vầy, anh nào muốn làm chồng em, giơ tay lên?

Cả bọn không ai bảo ai, tranh thủ hí hửng giơ tay, như sợ mất lượt mình. Nhìn quanh, làm như khó chọn lựa, cô Hai cười tủm tỉm.

– Rồi, ai chịu làm con em để tay xuống.

Tình huống này làm cho bọn lính dở khóc, dở cười. Bọn chúng nhìn nhau… cầu viện! Đợi cho bọn chúng vừa đủ mất mặt với nhau, chị nhẹ nhàng hoá giải.

– Coi kìa, giỡn với mấy anh chút thôi, không giao giận nghen. Nói thiệt, mấy anh ai cũng đẹp trai, dễ thương, chọn ai, bỏ ai em cũng tiếc. Ngặt nỗi, mẹ em vẫn còn đau bệnh liên miên nên chưa dám nghĩ đến chuyện chồng con. Sau này anh nào thiệt lòng (chứ mà dối gian là em cho cua kẹp… à nghen), anh nào thiệt lòng thiệt dạ thì để em về… thưa lại với mẹ em.

Vậy là huề cả làng. Bọn lính lại vui vẻ ăn uống rồi bàn chuyện trên trời dưới đất, quên khuấy đi mình vừa bị một cú chơi xỏ nát mặt.

Mấy ngày sau, chị cũng định đem cái “chiêu” mình mới khám phá ra để áp dụng với anh em tiểu đội đặc công. Lần này không phải là bẻ mặt anh em, mà để chọc tức cái anh Năm, miệng thì bài hãi, nhưng nhát như thỏ đế! Tất cả đều giơ tay khi chị hỏi ai muốn làm chồng (chị biết, trong những cánh tay giơ lên, có một số cánh tay giơ thiệt). Đột nhiên, chị nhìn ngay mặt anh Năm, nở một nụ cười đầy ngụ ý.

– Ai muốn làm con em để tay xuống.

Những anh lính còn đang ngơ ngác trước tình huống đột ngột này, thì anh Năm bỗng dưng buông tay xuống cái rụp với gương mặt lí lắc và tỏ ra bí hiểm. Chị nhìn anh Năm lom lom, vừa ngạc nhiên, vừa tò mò. Anh Năm thì cười chúm chím.

– Tôi đồng ý làm con, nhưng, làm con thì mẹ phải cho tôi… uống sữa à nghen!

Những tiếng cười đồng loạt rộ lên. Họ khoái chí vì thoát được cái bẫy của chị Hai thì ít, quan trọng là thán phục sự thông minh đột xuất của anh Năm. Chị bỏ gánh bún riêu, chạy một hơi về nhà má Hạnh ngồi khóc tức tưởi. Sau lần đó, đi đâu gặp, mấy anh lính đặc công cũng khoanh tay, gật đầu làm chị vừa mắc cỡ, vừa ấm ức. Và rồi, trong đầu chị nãy sinh một cách trả đũa, mà mục tiêu chính là anh Năm, người đã “đánh sập” kế hoạch của chị. Cơ hội đến, anh Năm vừa khoanh tay, chị chận ngang.

– Khoan… ông. Đã là con thì phải nghe lời mẹ, đúng không? Bây giờ tôi lệnh cho ông phải vả mình hai cái vì dám hỗn xược với… mẹ!

Chưa chịu thua, anh Năm vẫn còn chống chế.

– Nhưng mà chưa cho tôi… uống sữa.

Mắc cười cái cách đối phó hơi trẻ con của anh Năm, nhưng chị Hai làm tỉnh.

– Nín, ai biểu lì lợm, bỏ đói luôn.

Nói xong, chị ngoe nguẩy quảy gánh bỏ đi, để anh Năm một mình đứng thừ ra nhăn nhó. Khi chị kể cho tôi nghe đến đó, chị bụm miệng cười mà nước mắt rưng rưng. Cái kiểu cười mà đau thấu gan thấu ruột. Và lúc nào chị cũng kết thúc câu chuyện bằng một câu đùa rất đàn bà: mẹ, đàn ông làm khổ đàn bà nhiều hơn đàn bà làm khổ tụi bây! Tôi phì cười, cười mà cũng nhoi nhói, đau đau. Mỗi lần như  vậy tôi lại nhớ lần đầu tiên chị tới xóm tôi bằng chiếc tam bản với cái rèm lá rách bươm. Và tiếng rao: bún riêu đây… Tiếng rao kích thích sự tò mò của dân xóm Vàm, vốn quen với những người buôn bán định vị ở chợ chồm hổm. Từ đó, cứ mỗi sáng, tiếng rao lại xuất hiện trên sông và “trôi” mải miết theo con kênh dài hun hút. Rồi một ngày chị cắm sào ngay bến nước nhà tôi, len lén, ngập ngừng, xin ngoại tôi cho cất tạm cái chòi ngoài doi dất để ở ít tháng.

– Sao không phải một năm, hai năm mà lại “ít tháng”? – Ngoại tôi hỏi.

– Dạ, như vậy đủ rồi.

Sau này tôi mới hiểu hai chữ “đủ rồi” của chị. Còn lúc đó, tôi vui mừng vì mình có thêm một hàng xóm, trong đó có sự “tính toán” của thằng con nít thích ăn bún riêu mà ít khi có tiền. Nhưng chị không ở lại “ít tháng” như chị nói, mà ở lâu hơn. Ngoại tôi cũng không đuổi chị như bà hù doạ mỗi khi bà nổi buồn bất chợt, cho đến khi bà mất. Vậy là, chị ngẫu nhiên trở thành một thành viên bất đắc dĩ của gia đình tôi mặc dù không sống cùng một nhà. Tôi lớn lên cùng tiếng rao của chị, cùng những thăng trầm đời chị. Cho đến một ngày, nghĩ tôi đủ hiểu những uẩn khúc đời người, chị thì thầm.

– Mầy biết chị bôn ba ở những dòng sông miền Tây này bao nhiêu lâu rồi không? Và tại sao lúc đó chị chỉ xin ngoại ở lại “ít tháng” mà không phải nhiều hơn?

Tôi đùa.

– Tại chị là một loài cá di cư theo mùa.

Chị cú nhẹ vào đầu tôi và nói rằng lớn lên mầy sẽ khùng với chữ nghĩa. Rồi chị giải thích với tôi rất ngắn gọn: tại chị đang tìm một người. Ừ, một người. Biết đâu trong mênh mông cõi người ta này, có ngày “người ấy” sẽ nghe được tiếng rao của chị? Biết đâu (chị nói câu này trong rơm rớm nước mắt), chị tìm được một chút vết tích của “người ấy”. Vậy mà, mọi thứ vẫn biền biệt, làm như “người ấy” của chị chưa hề hiện diện trên cõi đời này, trong cuộc chiến tranh này. Cho tới khi chị “trôi” tới xóm tôi, nghe kể có một cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt giữa các bộ đội đặc công thuỷ và tàu chiến của giặc ở ngay khúc sông này, chị dừng lại. Dừng lại để ngơ ngác kiếm tìm, như người đi đường dừng lại ngơ ngác tìm một tiếng động nào đó trong vô thức và mơ hồ. Hy vọng rồi tuyệt vọng, chị bám  vào cái doi đất của ngoại tôi, mong mỏi một điều gì đó xa xăm, như người ta mong mỏi tiếng máy tàu trong đêm thanh vắng, nó chợt gần, chợt xa rồi mất hút.

– Sao rồi? Viết về mấy tay đặc công có gì hay, kể chị nghe coi.

– Có nhiều chuyện hay nhưng… buồn. Buồn  vì còn nhiều người chưa tìm được tư liệu.

– Nhiều là bao nhiêu, là những ai, có danh sách lưu trữ không?

– Có danh sách nhưng chắc vẫn còn sót.

Chị thở dài, cái kiểu thở dài dễ đoán được tâm trạng. Chị buồn, phải thôi, dù chị không nói, nhưng khi nghe tin tôi thu thập tư liệu để viết về các chiến sĩ đặc công của tỉnh, chị vui ra mặt. Và bây giờ tôi đã buồn khi vô tình làm chị vui, chị hy vọng. Chị nhìn tôi ủ rũ.

– Phải chi hồi đó tao bạo mồm, bạo miệng, đừng sĩ diện, đừng “đanh đá”, chắc cuộc đời tao sẽ nghe được một tiếng “thương”, nghe một lần thôi từ miệng người mình yêu, thì bây giờ tao không phải bới nát các dòng sông miền Tây này để tìm kiếm. Đằng này, mặc dù rất thích cái tính “cà chớn” của thằng chả, nhưng miệng lúc nào cũng chọc tức, chọc quê làm sao người ta dám tấn công? Cái ngày cuối cùng ổng đóng quân ở gần nhà má Hạnh, tao thấy thái độ ổng khang khác, cứ “rình” tao hoài. Tao nóng mũi dừng lại trừng mắt.

– “Con”… chuyện gì vậy?

Mắt thằng chả là lạ, miệng lắp bắp rồi hỏi một câu lãng xẹt.

– Bún riêu hết chưa?

Nghe thằng chả hỏi cơ mà tao mắc cười đến nôn ruột. Tao nguýt ngang.

– Vô duyên, nếu hết thì tôi rao bán cái gì? Nè, ông mà còn lạng quạng chặn ngách chặn ngõ thì tôi… bỏ đói tới già, nghen.

Không biết lúc đó nghĩ gì mà tao bạo dạn như vậy. Giờ nhớ lại, phải chi lúc đó thằng chả “khôn” một chút, chắc là mọi chuyện sẽ đổi khác, chắc tao đã nghe được một tiếng “thương”. Vậy mà thằng chả cứ đực mặt ra nhìn tao chằm chằm. Tao sợ thằng chả bắt được cái hớ của mình, nên lủi nhanh. Chừng chiều về nhà, má Hạnh nhìn tao mếu máo.

– Mấy đứa đi rồi.

Tao ngơ ngác.

– Ai? Đi đâu?

– Tụi thằng Năm đi rồi. Nghe nói chuẩn bị cho một  chiến dịch gì đó quan trọng lắm. Ờ, thằng Năm có nhắn lại, nó nói nó thương mầy và hẹn…

Tao không khóc, không rơi một giọt nước mắt, nhưng ruột gan thì cứ cuộn lên. Tao chạy ra sân bứt nát mấy bụi bông cúc trắng cho đã nư giận. Nghe nói ổng vào nhóm đặc công thuỷ. Làm sao biết được chiến đấu ở con sông nào, miền Tây có hàng ngàn con sông lớn nhỏ. Rồi mọi chuyện cũng phải dằn lại, bởi kế hoạch đánh bót Thầy Minh của tao và đồng đội đã đến ngày khởi quả.

***

Hôm Ban biên tập quyển sách về bộ đội đặc công của tỉnh họp sơ kết công trình, bên tỉnh đội có gởi thêm danh sách năm chiến sĩ đặc công nữa để chúng tôi sưu tầm tư liệu. Trong số đó, tôi chú ý đến tên Phạm Văn Năm và nghĩ ngay đến chị Hai. Biết đâu được. Tôi đề nghị với Ban biên tập được viết về vị anh hùng này, rồi quảy gói phóng nhanh về tìm chị Hai. Trên đường đi, tôi thoả sức tưởng tượng, rằng mọi chi tiết về vị anh hùng nằm trong xấp tư liệu tôi đang giữ sẽ giúp người đàn bà sáu mươi tuổi có được một hy vọng? Tôi dừng lại bên doi đất quen thuộc, căn nhà lá cũ kỹ đóng cửa im lìm. Vạt nắng chiều chiếu xiên qua nền đất đóng rêu tạo thành một mảng màu kỳ lạ. Có tiếng ho khúc khắc, tôi quay lại và bắt gặp giọng nói khàn đục của ông cụ Tám hàng xóm.

– Nó đi rồi, đi một tuần nay.

– Đi đâu?

– Ai biết. Nó nghe đài nói con sông gì đó bên Trà Vinh có một trận đánh dữ dội trên sông giữa ta và địch. Vậy là chiều đó nó cuốn gói xuống xuồng chèo đi. Nó đi một khoảng xa mà vẫn còn ngoái đầu cười chào tạm biệt mọi người, hình như nó đang vui.

Bây giờ là cuối mùa lũ, đám lục bình ngang tôi, bình thản, an nhiên. Trong mênh mông sông nước ấy, tôi nghe như có tiếng rao: “Bún riêu đây” bảng lảng cuối chiều. Và, tôi chợt thầm nghĩ, chắc chị trôi về phía nào cũng buồn.

ĐÀO NGỌC VINH

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm