TIN TỨC
  • Truyện
  • Vết chân mèo trên thành cửa sổ | Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Quỳnh Như

Vết chân mèo trên thành cửa sổ | Truyện ngắn dự thi của Lê Thị Quỳnh Như

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
851 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Lan thức dậy vào 5 giờ sáng như thường lệ.

Con bé cho gà ăn, quét dọn nhà cửa rồi đạp xe ra đầu ngõ mua về hai phần bánh ướt cho bố và mẹ. Nó hoàn thành mọi việc một cách yên lặng, sau đó đạp xe hướng về phía thành phố trước khi mẹ kịp thức giấc và bắt đầu cằn nhằn về tiết học đầu tiên của nó khiến con bé không thể ra đồng phụ giúp bà như thế nào. Từ đây đến trường đại học cách nhau đến gần 20 cây số, coi bộ hôm nay nó phải đến trễ rồi. Tôi nhớ lại thời khóa biểu của nó, sáng nay là tiết Triết học, cô Minh Chung khá là dễ tính, hồi đó gần như buổi nào của cô tôi cũng đi trễ.

Mẹ thức dậy sau khi con bé rời đi tầm 10 phút. Bà muốn tìm Lan nhưng chỉ thấy tôi đang ngồi trước cửa, lập tức liền khua cây chổi trong tay vừa đuổi vừa chửi tôi là đồ xui xẻo. Mặt trời đã lên cao, tôi ngáp một cái, thầm nghĩ tìm một chỗ mát mẻ làm một giấc tới chiều có vẻ là một ý tưởng không tồi. Khi không có Lan ở nhà mẹ sẽ không cho tôi ăn, mà dạo này con bé có vẻ rất bận rộn với việc làm thêm lắm.

Khi Lan trở về trời đã tối mịt. Con bé trông rất mệt mỏi, nhưng mà mẹ tôi dường như chẳng để tâm.

“Mày làm gì mà giờ mới về?”.

Lan cởi cặp sách:

“Con đi làm thêm”.

“Thế lương tháng vừa rồi đâu? Ngày nào cũng đi mất tăm mặt mũi, tiền đâu hết rồi mà không đưa về nhà được đồng nào?”.

Lan quay lưng về phía bà, lấy ra từng quyển sách xếp vào chiếc bàn học cũ kỹ nó ngồi suốt mười mấy năm trời.

“Tiền hai tháng này con phải đóng học phí, tháng sau nữa sẽ đưa cho mẹ”.

Mẹ nghe vậy thì lập tức nhăn mặt:

“Hai tháng? Học phí gì mất những hai tháng? Tao nói với mày bao nhiêu lần, ở nhà giúp tao với bố mày phơi lúa. Đi bưng bê cà phê gì đó ngày nào cũng tối mịt mới về mà có đưa cho tao được đồng nào đâu!”.

Bà còn muốn cằn nhằn thêm nữa thì Lan đã không thể chịu được mà ngắt lời:

“Mẹ, con còn đi học nữa nên không làm được nhiều, đóng học phí xong còn lại đều đưa cho mẹ hết mà. Con mệt lắm rồi mẹ đừng nói nữa được không?”.

Mẹ tôi lập tức sừng cồ lên:

“Tao là mẹ mày mà tao còn không được dạy mày à? Đi học tốn thời gian thì mày nghỉ quách đi, tao với bố mày có bảo mày đi học đâu, ở nhà kiếm thằng chồng giàu rồi cho nó nuôi còn không chịu…”.

Bố đang ngồi coi thời sự ở phòng khách rốt cuộc không chịu nổi ồn ào mà mắng lớn:

“Cãi nhau thì ra vườn cãi, điếc hết cả tai!”.

Mẹ lúc này mới nhăn nhó mà trở lại phòng khách, tiếp tục việc tách hạt sen còn dang dở. Lan lầm lũi đi sang gian bếp. Trong nồi chỉ còn lại một ít cơm nguội, nhìn thôi đã biết là chẳng đủ no. Con bé thở dài, đun nước pha mì tôm ăn. Còn ít cơm kia nó trộn cùng với vụn cá kho dính lại dưới đáy nồi, có vẻ đó là bữa tối dành cho tôi rồi.

Lan nhìn thấy tôi đang đứng ở cánh cửa thông giữa bếp và vườn, vẫy tay gọi:

“Tới đây!”.

Tôi không dám vào nhà, nếu mẹ thấy thì sẽ lại cầm chổi đuổi đánh tôi mất. Con bé cũng hiểu, nó cầm bát cơm nguội đã trộn đi ra vườn rồi ngồi xuống cạnh tôi.

“Ăn đi này”.

Tôi vừa định nhắc nó vào ăn mì kẻo mì nở hết thì thấy con bé ôm đầu gối mình, nước mắt rơi lã chã. Nó khóc rất im lặng, chỉ có ánh sáng hắt ra từ cửa sổ phòng bếp giúp tôi thấy gương mặt cực kỳ tủi thân của đứa em gái bình thường rất bướng bỉnh này.

Tôi dụi đầu vào nó, muốn hỏi vì sao nó lại khóc. Nó nói bằng giọng run run:

“Tiền chạy bàn đám cưới bữa trước không đòi được. Nay tao đi đòi còn suýt bị bọn họ đánh…”.

Tôi cũng không quá bất ngờ, chỗ đó ngày xưa tôi cũng bị lừa một lần. Lúc con bé nói muốn đi làm tôi đã định ngăn cản, tiếc là giờ con bé không nghe hiểu lời tôi nói nữa rồi.

Lan chỉ nói có nhiêu đó rồi im lặng chùi nước mắt. Xưa giờ nó đã thế, bị đau cũng không kêu với ai, lúc nào cũng chỉ có một mình tự chịu đựng. Con bé khóc không lâu, một lúc sau liền đi vào giải quyết tô mì đã trương phình lên một cách sạch sẽ. Ăn no rồi ngủ một giấc, mọi chuyện rồi sẽ có cách giải quyết, con bé vẫn luôn sống theo phương châm này. Tôi rất ngưỡng mộ nó, đứa em gái này của tôi mạnh mẽ biết bao!

*

Dạo này mẹ hay dẫn một tên thanh niên trẻ đến nhà. Bà nói muốn giới thiệu đối tượng cho Lan. Tôi biết thằng này, tên là Bảo, sinh cùng năm với tôi. Lúc đi học bọn tôi học khác lớp, nhưng nó đã nổi tiếng cả khối vì chuyện ăn chơi trai gái. Nhà nó giàu, thường xuyên mang theo đến lớp mấy cái điện thoại đời mới nhất khoe khoang với lũ con gái. Lúc tôi và nó lên lớp 12 thì Lan cũng vào cấp 3, con bé xinh xắn lại học giỏi nên lập tức thành đối tượng để thằng Bảo tán tỉnh. Cũng vì thế mà tôi đấm xịt máu mũi nó một lần, tôi cá là đến giờ nó vẫn còn mang thù chuyện đó.

Lan tất nhiên cũng không ưa nó nốt. Chưa kể sau khi tốt nghiệp cấp 3 nó không học hành gì thêm mà cả ngày ăn chơi đàn đúm, đua xe hút chích cá độ không cái nào thiếu. Nhưng mẹ tôi cứ cố tình dẫn nó đến rồi tạo điều kiện để nó ở riêng với Lan. Con bé phiền quá nên cố tình nhận thêm vài việc làm thêm, ngày nào cũng tới khuya mới về.

Nó là con gái, lại chỉ có một chiếc xe đạp cọc cạch nên tôi lo lắng về khuya như vậy sẽ gặp nguy hiểm. Ngày nào tôi cũng ra đầu xóm chờ Lan rồi leo lên xe để con bé đèo về, con bé cũng rất vui khi tôi làm vậy. Dưới ánh đèn đường, hai chúng tôi trên một chiếc xe đạp đón gió đêm, cảm giác ấy yên bình vô cùng.

Nhưng có người lại cứ phải cố tình phá vỡ thời gian vui vẻ hiếm hoi của bọn tôi. Thằng Bảo không thể gặp được Lan vào ban ngày nên giờ đã chờ lúc em ấy đi làm về rồi nhảy ra chặn đường. Nó cứ lôi lôi kéo kéo, còn Lan thì giằng ra không được. Tôi tức mình nhảy tới cào vào mặt nó, bị nó dùng tay hất sang một bên, suýt thì lăn xuống cống.

Tôi của bây giờ yếu đuối quá rồi.

Lan thấy tôi bị đánh thì nổi điên lên túm lấy mớ tóc vàng hoe trên đầu thằng Bảo giật mạnh, sau đó vô cùng tàn nhẫn mà đạp một phát vào giữa hai chân nó. Tôi nhìn mà cũng cảm thấy đau giùm.

Không nói đến chuyện tối đó thằng Bảo làm sao mà bò về được nhà, sáng hôm sau mẹ nó đã sang nhà tôi làm bù lu bù loa lên. Mẹ tôi lúc đấy đang thái cây chuối cho heo ăn, bị người kia quát xối xả vào mặt.

Nào là: “Chị xem cái đứa con gái nhà chị làm ra chuyện gì, trần đời chưa thấy đứa nào mà mất dạy như thế. Thằng Bảo nhà tôi để mắt đến nó là phúc đức của nó, nó không biết ơn thì thôi còn dám đánh người, cái thứ nghèo kiết lại còn đanh đá như nó tôi chống mắt lên xem em ai dám lấy!”.

Rồi thì: “Học đại học rồi để làm gì, đàn bà đằng nào chẳng phải lấy chồng sinh con, học nhiều để đè lên đầu lên cổ thằng chồng à?”.

Lan ngồi trong phòng ngủ đeo chiếc tai nghe rẻ tiền tôi tặng cho nó năm cuối cấp, bật nhạc trong chiếc điện thoại cảm ứng đã nứt màn hình đến mức cao nhất nên không nghe tiếng chửi bới bên ngoài, nhưng tôi thì phải nghe rõ mồn một.

 Nghe chửi rất là không vui, nhưng điểm tốt là sau trận chửi đó có vẻ thằng Bảo không quấy rầy Lan nữa. Sau khi mẹ Bảo ra về, mẹ tôi một tay cầm sẵn cây dao thái chuối, một tay cầm chổi xông vào phòng nhằm vào Lan mà quật tới tấp. Con bé trốn vòng quanh nhưng cũng bị cán chổi đánh trúng không ít, nó đau đến trào nước mắt.

“Mày có giỏi thì đứng im đấy cho tao. Ngày mai sang nhà thằng Bảo xin lỗi, nó không tha lỗi thì mày đừng có vác mặt về!”.

“Từ nay không có học hành gì nữa hết, ở nhà giúp bố mày ra ruộng, mày ra khỏi cửa tao chặt gãy chân mày!”.

“Nếu biết mày là con gái thì tao đã bóp chết mày từ trong bụng rồi. Cho mày ăn cho mày học rồi mày làm thế đấy hả, thứ mất dạy!”.

Những câu mắng chửi cay nghiệt khiến Lan nghe không nổi nữa, gào lên:

“Mất dạy cũng là do bà dạy!”.

Mẹ không ngờ con bé lại dám lớn tiếng với bà như thế:

“Bây giờ mày còn học được cãi cha cãi mẹ nữa hả? Chửi mày là muốn tốt cho mày thôi, mày không nghe đến lúc không có thằng nào thèm cưới thì mặt mũi bố mẹ mày vứt cho chó ăn à! Tao mang nặng đẻ đau, tao nuôi mày lớn làm gì không biết, dòng bất hiếu như mày thì chết đi cho rồi!”.

Lan sững sờ, không thể tin được những lời lẽ tàn nhẫn như vậy lại có thể phát ra từ miệng của một người mẹ. Còn tôi không ngạc nhiên lắm, lời lẽ độc địa hơn tôi đã từng nghe qua rồi. Tình thân có thể là thứ ấm áp nhất, đáng tin cậy nhất trên đời, nhưng cũng vì thế mà nó cũng có thể trở thành con dao sắc nhọn nhất đâm vào tim người ta.

“Sao mẹ có thể độc ác như vậy hả mẹ? Chính vì mẹ như vậy nên anh Hai mới…”.

Con bé chưa nói hết thì đã bị một thứ bay vụt qua một bên đầu làm cho giật mình. Mẹ tôi tức điên rồi, bà ném luôn con dao trong tay về phía con bé. Mẹ hình như cũng không ngờ được mình vừa làm ra việc gì, đứng ngơ ngác. Lan sợ đến mức môi trắng bệch, cả người run rẩy chạy thẳng ra ngoài.

Tôi chạy theo con bé đến tận bãi ruộng của nhà bọn tôi, Lan ngồi thụp xuống khóc nức nở. Tới khi mảnh trăng khuyết treo cao trên đỉnh đầu, Lan ngừng khóc, cặp mắt còn vương nước nhìn thẳng về ánh đèn thành phố phía xa như vừa đưa ra quyết định gì đó cực kỳ quan trọng.

Lúc bọn tôi về thì bố mẹ đều đã đi ngủ, nhưng cổng và cửa chính chỉ đều khép hờ.

Lan nhẹ nhàng bước trong bóng tối, đi vào phòng lôi ra chiếc ba lô du lịch cỡ lớn rồi nhét tất cả những gì có thể nhét vào. Nó không dám lang thang bên ngoài vào nửa đêm nên đợi đến tờ mờ sáng mới rời đi, một đêm thức trắng.

Lúc ra khỏi cổng, nó quay lại hỏi tôi:

“Đi với tao không?”.

Tôi đồng ý để Lan ôm tới tận đầu xóm, nhưng tới đây thì chỉ đành nhảy xuống, lùi về. Lan nhìn tôi buồn bã:

“Đồ phản bội…”.

Tôi không cách nào giải thích cho con bé hiểu được, chỉ có thể nhìn bóng lưng nó biến mất nơi góc đường. Tôi không thể rời khỏi nơi này được, đây có lẽ là hình phạt dành cho kẻ đã tự kết liễu cuộc đời mình.

Tôi trở về nơi mình từng coi là nhà, chờ bình minh lên. Khi bố mẹ phát hiện ra đồ đạc của Lan đã không còn nữa thì cả hai đều tức giận nhưng lại không có người nào để xả vào. Mẹ thẫn thờ, mỏi mệt mà lầm bầm:

“Sao đứa nào cũng như thế…”.

Bố tôi nhịn đến mức nổi gân trên trán, mãi mới có thể gằn giọng nói:

“Xem nó đi được đến lúc nào!”.

Một tháng, hai tháng rồi sáu tháng, Lan vẫn không trở về, chỉ thỉnh thoảng thấy chuyển phát nhanh đưa đến một phong bì thư có chứa tiền. Bố mẹ đều cố tỏ vẻ như không hề để ý, nhưng thỉnh thoảng họ cũng sẽ nhìn chằm chằm ra cổng một cách ngẩn ngơ. Bố tôi đôi lúc sẽ cầm điện thoại ngồi thật lâu, nhưng sĩ diện vẫn cứ ngăn ông không bấm nút gọi.

Không còn Lan cho ăn nữa, tôi đành phải đi ăn vụng của nhà khác. Hôm thì bị người đuổi đánh, hôm thì bị chó rượt, quả nhiên sống trong hình hài nào cũng không dễ dàng. Tôi chợt nghĩ, tôi đang làm gì ở đây nhỉ. Lan cũng đi rồi, tôi ở lại đây cũng còn ý nghĩa gì nữa đâu.

Bất chợt tôi cũng sẽ nghĩ đến một người khác. Dù tôi đã cố ngăn bản thân mình nhớ đến người ta rồi, nhưng đôi khi cũng không thể nhịn được mà chạy sang ngó xem người đó có về thăm nhà hay không. Người đó đi học ở thành phố lớn rồi, cách đây rất xa. Người ta có chí lớn, quyết đoán còn không ngại khó ngại khổ, đâu giống đứa vô dụng là tôi.

Có lẽ trời cao thương tôi si tình, mùa hè năm đó cho người kia về nhà ở một tháng. Tôi vốn nhát gan, chỉ dám ngồi trên cửa sổ ngắm người ta ngủ. Thỉnh thoảng người đó cũng sẽ nhìn thấy dấu chân tôi để lại trên thành cửa sổ rồi đưa mắt tìm xung quanh, nếu thấy tôi ngồi gần đó sẽ nhếch miệng cười một cái. Tôi chỉ cần thế là đủ rồi.

Người đến rồi người lại đi, bố mẹ tôi sau một năm đã già đi trông thấy. Chỉ còn tôi vẫn băn khoăn không biết mình đang còn chờ đợi điều gì. Rồi một ngày lạnh lẽo của tháng 12, tôi thấy Lan trở về.

Con bé không trở về một mình mà còn dẫn theo một người nữa, người này tôi biết. Nam là thằng bạn thân nhất từ khi lên đại học của tôi, nhưng từ lúc tôi tiết lộ bí mật lớn nhất của mình cho nó thì tôi không còn dám chắc về điều này nữa. Bố mẹ tôi còn tưởng nó dẫn bạn trai về nhà, đang định lên giọng thị uy thì con bé bình tĩnh mà nói ra một câu.

Tới lúc Lan nói ra câu ấy, tôi mới biết mình đang chờ đợi điều gì.

Hóa ra con bé vẫn không ngừng đi tìm tôi, cả thằng Nam cũng thế. Tôi không biết làm cách nào mà hai đứa nó tìm được, tôi tự cảm thấy bản thân mình đã chuẩn bị rất kỹ càng rồi. Nhưng cũng như cách tôi không thể hiểu được tại sao mình còn vương vấn tại nơi này, có lẽ trong thâm tâm tôi vẫn hy vọng họ sẽ tìm được chăng.

Mẹ tôi không tin mà hỏi đi hỏi lại mấy lần, Nam kiên nhẫn trả lời từng vấn đề một. Tới khi không còn gì để hỏi nữa bà mới chịu chấp nhận sự thật mà suy sụp. Bố tôi  từ đầu đến cuối nói không được mấy câu, cứ trầm ngâm hút thuốc. Ông vẫn cứ tiếc lời như vậy khiến tôi đôi khi cũng nghi ngờ, hay ông thật sự vốn chẳng có cảm xúc gì để nói ra cả.

Bố mẹ muốn đưa tôi về, Lan chỉ nhếch miệng cười:

“Đuổi đi rồi thì làm sao mà về được nữa”.

Nam ngồi cạnh hơi nhấp nhổm, cứ có vẻ muốn khuyên ngăn nhưng rồi lại thôi. Hai đứa chỉ ngồi gần một tiếng đồng hồ, sau đó rời đi một cách dứt khoát. Tôi biết, đây là lần cuối cùng con bé về lại căn nhà này.

Tôi không đợi được tiếng khóc lóc hối hận, lời xin lỗi nghẹn ngào hay trống kèn rình rang. Cũng không bất ngờ lắm, vì trong thâm tâm tôi đã biết những điều đó sẽ không diễn ra. Suy cho cùng, bố mẹ tôi vẫn có cái sĩ diện mà họ cần gìn giữ.

Chỉ là đôi khi tôi vẫn tiếc nuối, nếu lúc ấy tôi đợi Lan về rồi mới trò chuyện với bố mẹ, hoặc khi tôi bước ra khỏi cánh cổng kia có một bàn tay giữ tôi lại, hay lúc tôi đứng trên chiếc cầu vắng vẻ kia có ai đó tình cờ đi ngang qua, thì mọi chuyện liệu sẽ khác đi không?

Nhưng tất cả chỉ là nếu như, đã qua thì không thể quay lại được. Có lẽ đã đến lúc tôi tự buông tha chính mình khỏi những vấn đề không có lời giải đáp này rồi.

Tôi ngồi trên thành cửa sổ phòng cũ của mình, ngửa mặt ngắm trời đêm. Ánh sáng thành thị che khuất những vì sao, chỉ còn ánh trăng nhàn nhạt. Nếu tôi vượt lên khỏi tầng khói bụi kia có lẽ sẽ lại thấy được những ngôi sao lấp lánh đầy hy vọng như thuở nhỏ nhỉ?

Tôi thả hồn mình cho gió đêm cuốn lên thật cao, khi nhìn xuống, chỉ còn thấy một chuỗi dấu chân mèo trên thành cửa sổ.

L.T.Q.N

Bài viết liên quan

Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm