TIN TỨC
  • Truyện
  • Bay lên nào | Tiến Luận

Bay lên nào | Tiến Luận

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
339 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

TIẾN LUẬN

Mặt trời đã lên khỏi rặng tre. Những tia nắng đầu thu rực rỡ lênh láng trên những khóm cây, chảy tràn xuống con ngõ nhỏ vào đến sân nhà, cũng là lúc lão Phòng đi đánh sập chim ngói về. Lão dựng xe đạp bên gốc cây, rồi tháo chiếc lồng buộc ở sau xe đặt giữa sân. Lão hả hê gọi: “Cô Thụy đâu rồi ra mà xem này!”. Thụy buông vội bát đũa bước ra nhìn chiếc lồng chim chật cứng, dễ đến vài trăm con. Con màu hồng, con màu xanh, đôi mắt tròn xoe đen nhánh ngây ngô như đứa trẻ. Chúng nháo nhác chen chúc nhau cố thò mỏ ra khỏi nan lồng. Thụy buông một câu chẳng ra khen, cũng chẳng ra chê: “Nhiều thế!”. Lão Phòng bảo: “Hôm qua có mấy bác đại gia từ thành phố về. Họ đã từng ăn nhiều của ngon, vật lạ. Giờ lại thèm những thứ ở quê như: cào cào, bọ xít, ếch nhái, cua đồng và chim ngói. Tay trưởng đoàn đặt mình một bữa thịt chim. Thật là may mắn, ông trời phù hộ đêm qua nổi gió mùa, nên sáng nay có những đàn chim bay rợp một khoảng đồng”. Nói xong, lão chỉ vào lồng chim: “Cô bắt chúng nó ra làm thịt cho tôi”.

Thụy thấy ớn lạnh nổi da gà. Những sợi lông tơ trên má, trên hai cánh tay dựng đứng lên. Thụy rất sợ giết chim. Những ngày Thụy mới về ở với lão, thường là lão Phòng làm thịt chim. Lão bảo Thụy: “Đứng mà xem tôi làm. Lần sau tự làm nhá!”. Thụy đứng tần ngần nhìn lão đưa hai ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt lấy mỏ con chim cho đến chết. Cũng có khi con chim chưa chết lão cũng cầm hai cẳng cho nó chúc đầu xuống rồi hơ vào lửa để thui sạch hết lông tơ, khiến nó đau đớn giãy đành đạch, làm cho Thụy khiếp vía!

Nhìn mặt Thụy tái xanh tái xám, lão hỏi: “Cô sợ à?”. Thụy năn nỉ xin lão: “Anh bảo em làm gì em cũng làm, còn bảo em giết chim thì em sợ lắm!”. Đôi mắt trắng dã của lão trợn trừng: “Giết chim chứ có giết người đâu mà cô sợ. Trưa đến nơi rồi. Mau tay lên kẻo làm nhỡ người ta. Đây là dịp may mình gặp được khách sộp. Chà! Bọn tiêu tiền chùa  này sẽ là cơ hội cho mình làm ăn đây”. Biết nói không, lão sẽ nổi cáu, Thụy đành lặng lẽ xách lồng chim ra bờ ao. Thụy thò tay tóm một con màu hồng béo mũm. Nó rúc cái đầu tròn tròn lông mượt như nhung vào lòng bàn tay Thụy buồn buồn. Đôi chân giãy đạp bứt được một bên cánh ra ngoài đập phành phạch. Tý nữa Thụy làm xổng một con chim, khiến lão Phòng lườm Thụy một cái rõ dài. Thụy lấy hết can đảm bẻ quặt đôi cánh con chim ngói ra đằng sau, rồi tréo hai cánh nó lại. Lẽ ra phải bóp mỏ cho nó chết rồi mới nhổ, vì sợ nên Thụy cứ để nó sống mà vặt từng nhúm lông ra. Con chim ngói bị đau giẫy giụa. Thụy thầm thì: “Ta hóa kiếp cho mày để chóng được làm người. Song mày chết chẳng biết có làm người được không, chứ giết mày thì ta thương lắm”. Thụy ứa nước mắt rồi đưa hai ngón tay bóp chặt vào mỏ nó. Con chim ngói bị nghẹt thở, hai chân chới với trên không, giãy giụa cố thoát ra khỏi tay Thụy. Lát sau cổ nó nổi chướng lên từng cục căng ra như cái bong bóng. Cái ức nó mới đầu còn phập phồng, sau đó chướng lên. Hai mắt mở to thao láo ngỡ ngàng nhìn Thụy như trách cứ: “Tôi có tội tình gì mà chị giết tôi?”. Thụy phải quay mặt đi. Con chim ngói giãy giụa một lúc rồi yếu dần. Đôi mắt nó từ từ khép lại. Đôi chân thẳng đơ.

Lão Phòng đã bước lên bậc cửa, song vẫn ngoái lại nhìn Thụy. Lão hài lòng, nhếch mép cười: “Có thế chứ. Tạo hóa có sinh, có diệt. Sinh ra con ngóe là để nó ăn con sâu, cái kiến; sinh ra con rắn là để nó ăn thịt con ngóe; con rắn lại làm mồi cho con trăn, con lợn; đến lượt con người lại ăn thịt con lợn… Cứ thế mà suy ra các loài chim đều là món ăn của con người cơ mà!”. Lão khoái chí cười khùng khục rồi bước vào nhà. Thụy vơ những con chim mới nhổ lông cho vào rổ. Nhìn chúng trụi húi lông, da tím tái. Mắt con nào cũng lồi ra. Thụy giật thót khi sờ vào con chim bên dưới đã chết cứng, lạnh như đá. Cái lạnh của sự chết chóc đến rợn người ấy khiến trái tim Thụy thảng thốt đập liên hồi. Thụy vừa thương vừa sợ chân tay bủn rủn. Thụy đưa mắt nhìn lão Phòng đang sửa soạn dao thớt mổ bụng chim. Lại nghĩ mới đêm qua đôi bàn tay to sều ấy của lão lần mò trên khắp cơ thể Thụy mà rùng mình ghê tởm.

*

Thụy về làm vợ lão Phòng cũng là sự cùng bất đắc dĩ. Năm ấy Thụy từ quê lúa Thái Bình ra mỏ tìm việc làm giữa lúc hòn than đang mất giá, nên không nơi nào tiếp nhận. Đang lúc chơ vơ giữa quê người đất khách thì gặp cô bạn cùng quê mách mối đưa Thụy đến làm cho một quán hát karaoke “Hát cho nhau nghe”. Thụy là người có nhan sắc, nhưng bấy lâu nay sắc đẹp của Thụy ẩn giấu trong bộ quần áo rộng thùng thình. Nay được phấn son, da dẻ thêm trắng trẻo. Mái tóc dài thướt tha vấn kiểu quê mùa, nay được cắt ngắn uốn lượn. Hằng ngày tiếp khách bà chủ bắt Thụy phải mặc quần đùi hoặc váy ngắn, người ta mới nhận ra sự nổi trội của gái quê trinh trắng, hồng hào. Một cái đẹp chân mộc khoẻ khoắn tràn đầy sức sống chứ không bây bấy ẻo lả, bợt bạt như gái thành thị.

Công việc những ngày đầu cũng nhàn hạ, chỉ có tiếp rượu bia với khách, hát với khách. Khách bá vai, bá cổ, hôn tay, hôn má, chép miệng một cái cũng cho qua. Đến hôm bà chủ bắt Thụy phải tiếp khách làng chơi. Bấy giờ Thụy mới ngã ngửa người hiểu ra cái quán hát karaoke của mụ Nhã là cái quán bán dâm. Thụy muốn trốn mà không sao trốn được. Suốt ngày phải tiếp khách. Toàn những quan chức đại gia. Họ chỉ thích đến cửa hàng “Hát cho nhau nghe” bởi có Thụy - cô gái quê trẻ trung xinh xắn, hát hay làm cho  nhiều cửa hàng trong phố mất khách. Họ tức tối, ganh ghét, thù hằn thuê kẻ côn đồ đón đường tạt a-xít vào mặt. May mà Thụy tránh được. Qua cơn nguy hiểm Thụy mới nhận ra lòng ghen ghét, đố kị trong sự cạnh tranh là mối đe dọa luôn rình rập Thụy. Giữa lúc Thụy đang hoang mang kinh hãi thì một đêm nhà chức trách ập vào bắt cả lũ, đưa Thụy cùng đồng bọn đi cải tạo. Hai năm mãn hạn, Thụy được trả tự do. Người ta thì có người thân đến đón, Thụy chẳng có ai. Một mình vai ba lô, tay túi xách lững thững bước đi trên con đường phố vắng. Biết đi đâu, về đâu? Về nhà thì cha mẹ không còn. Hơn nữa tránh sao khỏi những lời ong, tiếng ve. Nhục lắm! Đầu óc rối bời, bước chân vô định, Thụy đi tới một bến sông có con đò đang chờ khách. Một người đàn ông xách lồng chim, vác lưới định bước xuống đò. Nhìn thấy Thụy, anh ta reo lên: “Cô Thụy đấy ư? Được sổ lồng rồi à?”. Thụy nhận ra lão Phòng. Thụy quen lão Phòng trong những ngày ở trại giáo dưỡng. Thụy hỏi “Vì sao phải vào tù?”. Phòng bảo là do đánh bạc. Thế rồi lão kể cho Thụy nghe một canh bạc nhớ đời của lão: hôm ấy con thuyền chã tôm chở năm con bạc thả trôi trên sông. Không hiểu sao canh bạc ấy vận đỏ lại đến với lão. Lão vét nhẵn túi của bốn con bạc kia. Đang hí hửng vì đầy căng hai túi tiền thì bất ngờ bị 4 con bạc thua xúm lại vật ngửa lão ra cướp lại sạch sành sanh, rồi đứa cầm tay, đứa cầm chân quẳng lão xuống sông. Lão cố vẫy vùng bơi vào bờ, nhưng gió to, nước ngược làm lão mệt lử không nhấc tay lên khỏi mặt nước được nữa. Đang dập dềnh như con thiềng liễng giã gạo thì một con tàu tuần tiễu của công an chạy tới vớt được lão lên rồi đuổi theo con thuyền chã tôm bắt nốt những con bạc còn lại. Thụy nhìn gương mặt lão có vẻ hiền hiền trừ hai con mắt sâu, đen khi ngước lên như hai hình tam giác là tỏ ra sắc sảo. Sống trong những ngày dài lê thê trong trại giam cô đơn, trống trải và nỗi sợ hãi mơ hồ, con người ta mới động lòng trắc ẩn, mới ân hận những việc mình làm và thèm khát một khung trời tự do, nên con người muốn xích lại gần nhau để an ủi, sẻ chia. Thụy đã quen thân với lão Phòng. Từ ngày lão được ra khỏi trại giam, Thụy không hay tin tức gì về lão. Nào ngờ hôm nay lại gặp lão tại bến sông này.

- Bây giờ em về đâu? - Lão Phòng hỏi.

- Em muốn về quê nhưng còn ngại…

- Em về quê liệu có sống được không? Người ta sẽ ghẻ lạnh, tiếng bấc

tiếng chì làm sao mà ngẩng đầu lên được.

Thụy im lặng. Hai giọt nước mắt lăn trên má. Lão Phòng nói tiếp:

- Tôi thật lòng nói với em, tôi đã có một đời vợ. Khi tôi vào tù thì nó bỏ tôi luôn. Em về ở với tôi, em sẽ không phải làm ruộng chân bùn tay lấm. Em chỉ đi chợ bán chim cũng đủ tiêu xài. Quê tôi gìờ cũng dễ làm ăn lắm vì đã có cây cầu bắc qua sông và có đường cao tốc đi qua, thuận lợi cho khách du lịch thăm thú. Chúng mình sẽ mở một quán ăn đặc sản - thịt chim.

Vừa qua một chuỗi ngày đắng cay tủi nhục, Thụy càng thấm thía nỗi buồn trống vắng cô đơn. Thụy mường tượng mình như con thuyền không lái tròng trành trước muôn ngàn con sóng dữ. Thế là chẳng đắn đo gì nữa, Thụy bằng lòng về ở với lão Phòng…     

*

Quê lão Phòng là một vùng đảo trù phú, 4 mùa cây cối xanh tươi, lại gần biển, gần rừng nên chim từ rừng bay xuống, từ biển bay vào nhiều vô kể. Đánh bắt chim là một thú vui, cũng là nguồn thu nhập đáng kể của dân vùng đảo. Trong số những người đánh chim “hay” nổi tiếng có lão Phòng.

Mùa xuân, lão đi đánh sập chim gáy. Mùa hạ, lão vác lưới lên rừng lùng đánh chim xanh. Sang tháng 8 có gió heo may rải đồng là mùa chim ngói. Chưa ai nhìn thấy tổ chim ngói, cũng chưa ai nhìn thấy chim ngói non bao giờ. Chỉ biết rằng chúng bay từ biển bay vào chỉ khi có gió mùa đông bắc. Có người bảo chúng là loài chim di trú từ các miền đảo cực bắc xa xôi bay đi tránh rét. Có người bảo chim ngói là do con cá mòi lột xác mà ra. Bằng chứng là con chim ngói nào cũng có một đường viền đen quanh cổ y hệt con cá mòi. Với người săn chim thì lại bảo chim ngói không có mật nên dại không nhớ chóng quên. Thì đấy! Ai không tin hãy đi xem những người đánh sập chim thì biết. Đàn chim vừa bị úp lưới ở bàn này, còn sót con nào hốt hoảng bay đi đến bàn kia thấy các bạn chim vẫy vẫy cánh là sà xuống ngay. Dại ơi là dại!

Lão Phòng bảo: “Toàn những anh nhắm mắt nói mò”. Con chim ngói cũng có trí khôn và tình cảm như ai. Chẳng qua là nó đang sống ở những vùng đảo xa xôi, người yêu quí chim, chim thân thiện với người. Chúng tự do bay nhẩy, tự do kiếm mồi. Chúng đâu biết rằng những con người ở đất liền lại độc ác, thâm hiểm dùng chính đồng loại nó để làm những con mồi dụ dỗ nó sa lưới?

Lão Phòng có những con mồi được tuyển chọn rất công phu. Vào tiết tháng 5, tháng 6, trời nắng chang chang, lão chọn trong chuồng những con chim ngói màu hồng, lông mượt, đuôi dài, mình thon, mịn màng như bắp chuối trổ nải rồi dùng sợi dây dứa dại khâu hai mắt nó. Xong, buộc sợi dây len vào chân với chiếc cọc cắm ngoài sân. Con chim ngói đứng trên hòn đất ngoài trời nắng chang chang không chịu được giãy giụa bước xuống. Hai chân nóng như phải bỏng, nó phải vội vàng nhẩy lên mô đất. Chỉ một lát thôi nó lại bước xuống, nóng chân là vội vã bước lên. Cứ thế nhiều lần thành quen không giãy giụa nữa, chịu đứng yên - nó đã trở thành con chim mồi. Trong những con chim mồi đó, lão lại chọn con chim nào có đôi cánh dài bay khỏe làm con chim mồi tung. Con chim nào chịu đứng gan lì làm con mồi bàn, mồi xoè. Lão Phòng thường đi đánh chim một mình. Những hôm động trời gió bấc chim sẽ bay nhiều, lão mới bảo Thụy đi trợ giúp.

Buổi sáng hôm ấy hai vợ chồng lão Phòng xách lồng, vác lưới lên cánh đồng thôn Thượng. Đặt lưới xong trời cũng vừa sáng. Lão đứng bên ngoài chòi lá hướng mắt về phương đông. Mặt trời đã ló sau rặng tre. Từng cơn gió thu se lạnh thổi dạt những đám mây trôi để lại cho bầu trời một màu xanh ngăn ngắt. Lão Phòng thì thầm: Sáng nay động trời nhất định chim ngói sẽ bay về nhiều. Thế mà trông mãi chỉ thấy đàn chim móc còng, lão mới sực nhớ ra hôm nay nước kém có thể chim ngói sẽ ít bay hơn. Lão đưa bàn tay lên che nắng cho đỡ chói mắt, rồi lại căng mắt ra nhìn về phương Đông. Bỗng xuất hiện những chấm đen li ti như một đám bụi. Mỗi lúc một rõ dần, cho đến khi nhìn rõ những cái đầu tròn tròn, xinh xinh của đàn chim ngói, lão mới cầm con mồi tung, tung lên không. Con mồi tung vỗ cánh bay cao. Nó bị giới hạn của sợi buộc chân, nên đến độ cao non chục sải tay thì dừng lại vẫy cánh. Con chim đầu đàn nhận ra đồng loại, tưởng bạn mời gọi xuống ăn mồi, nên quay đầu lại. Cả đàn bay theo. Ngồi trong chòi lá, lão Phòng lần lượt giật dây từng con mồi bàn. Mới có 3 con bay lên, đàn chim đã rào rào hạ cánh xuống. Lão Phòng giật tiếp dây con mồi xòe. Chiếc cần tre buộc chân con mồi xòe nâng lên, hạ xuống đôi cánh nó rập rờn y chang con chim vừa tiếp đất. Thế là cả đàn sà xuống như lá rụng mùa thu. Lão Phòng kéo mạnh dây bồng. Hai cánh lưới từ mặt đất vút lên như hai cánh tay khổng lồ chụp xuống. Ước đoán đến già nửa đàn chim đã nằm gọn trong lưới.

Nghe tin lão Phòng đánh bắt được nhiều chim ngói, khách đến cửa hàng ăn rất đông. Lão Phòng phải thuê người nhổ lông chim làm thịt. Người băm viên đồ xôi, người kẹp từng con chim vào hai thanh tre làm chả nướng trên bếp than hồng. Từng giọt mỡ lèo xèo rơi xuống thơm nức mũi. Lão Phòng bảo Thụy phải môi son, má phấn, mặc váy ngắn, áo thun. Hôm ấy có 3 vị đại gia nhậu nhẹt tới khuya, nói năng cợt nhả. Một gã nắm lấy cổ tay Thụy hát: “Cầm tay anh nắn cổ tay/anh nắn, anh bóp, anh day cho tròn…”. Gã quàng tay ôm lấy Thụy hôn chụt một cái vào má. Thụy vùng vằng gỡ tay gã ra đang định tát vào mặt gã một cái thì lão Phòng chạy vào kéo Thụy ra ghé vào tai nói nhỏ: “Em chiều hắn một tí ti thôi chứ có mất gì của bọ”. Thụy chạy về phòng đóng chặt cửa lại…

 *

Đêm ấy cũng như nhiều đêm sau nữa Thụy cảm thấy bất an. Nhớ cái hôm đi đánh sập chim với lão Phòng, Thụy mới ngộ ra nhiều điều. Những con chim mồi tung, mồi bàn, mồi xòe của lão Phòng đã dẫn dụ đàn chim ngoài trời sa lưới mà người ta gọi chúng là những con chim mồi! Con chim mồi biết nghe lời chủ, có nhiều mánh khoé dẫn dụ bạn, người ta gọi là chim mồi hay. Suy ra chim mồi càng hay càng hại nhiều đồng loại. Bất giác Thụy nghĩ đến cô bạn gái cùng quê dẫn dụ Thụy vào quán hát. Giờ về làm vợ lão Phòng, lão lại muốn dùng Thụy để làm con mồi dẫn dụ khách! Bao năm bươn bả đi tìm hạnh phúc, mà hạnh phúc với Thụy chỉ là một giấc chiêm bao. Cuộc đời đắng cay, tủi nhục của Thụy suy ra cũng chỉ là con chim mồi! Một ý nghĩ chợt đến “phải thoát khỏi sự trói buộc để như con chim tung cánh trong bầu trời tự do”. Thụy trở dậy thu xếp quần áo cho vào ba lô rồi rón rén bước ra ngoài sân. Trời mới tang tảng sáng. Lão Phòng vẫn miên man trong mộng mị. Tiếng ngáy của lão khè khè như con lợn bị chọc tiết. Thụy đến chiếc lồng nhốt những con chim mồi thủ thỉ với chúng: “Chúng mày là những con chim mồi hay. Từ khi về với lão Phòng đến nay chúng mày đã dụ dỗ được bao nhiêu các bạn? Biết không?”. Lũ chim mồi giương đôi mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn Thụy rồi chúng sù lông cánh, chúc mỏ xuống như người nhận lỗi. Thụy thò một ngón tay vào lồng nâng mỏ một con chim ngói lên: “Giờ ta thả cho chúng mày về với bầu trời nhé!”.

Thụy mở cửa lồng bắt từng con chim ngói tung lên không và nói: “Bay lên nào!”. Từng con một bay đến đỗ trên ngọn tre trước nhà. Hình như chúng cũng có điều gì lưu luyến nên đậu chụm lại với nhau làm cho cành tre cong xuống như một dấu hỏi lớn. Thụy phải giơ tay: “Bay lên, bay lên đi!”. Lúc ấy lũ chim mới rào rào vỗ cánh bay ra phía cánh đồng. Thụy cũng theo cánh chim ra khỏi làng thì mặt trời cũng vừa ló rạng đỏ ối một vầng đông.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng mõ trong ngõ cụt - Truyện ngắn Kim Uyên
Trước đây, vợ lão Nam thường tụng kinh gõ mõ hai lần trong tháng, vào sáng mồng một và ngày rằm. Đầu năm nay nhân ngày rằm tháng giêng mụ mời một thầy chùa về làm lễ lớn, sau ngày đó mụ Nhung chăm tụng kinh hơn. Việc này khiến mọi người trong khu ngõ cụt không hài lòng, đặc biệt là các nhà liền kề với nhà lão Nam vì tiếng gõ công cốc nổi lên lúc năm giờ sáng.
Xem thêm
Bài điếu văn của lão Tân - Truyện ngắn Kim Uyên
Lão Tân thấy nhà đám náo động thì đứng dậy thất thểu ra về. Vừa đi lão vừa suy nghĩ căng thẳng lắm, lão chưa biết viết thế nào để hoàn thành bài điếu văn về ông chủ tịch cho em trai đọc vào lúc di quan sáng mai.
Xem thêm
Chạm mặt voi rừng - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những cơn gió trong rừng già bao giờ cũng khác với cơn gió bình thường. Trước khi đưa bàn tay mát rượi mơn man lên làn da, mái tóc chúng ta, gió thể hiện vũ khúc của mình bằng tiếng reo ầm ĩ như có hằng trăm, hằng ngàn con nai cùng chạy, làm các cành cây nghiêng ngã, xô đập vào nhau rầm rầm.
Xem thêm
Hai người mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Truyện hay về người mẹ Việt Nam
Xem thêm
Bắt cá trên cao nguyên - Truyện ngắn của Hồng Chiến
H’Lê làm lớp trưởng lớp 9A1, người dân tộc Êđê có nước da bánh mật, mặt trái xoan, tóc xoăn tự nhiên tạo nên một vẻ đẹp huyền bí. H’Lê học cùng lớp nhưng hơn Thanh một tuổi, người rắn chắc, khỏe mạnh ra dáng một thiếu nữ. Còn Thanh sinh ra, lớn lên ở ngoại ô thành phố, quanh năm nghe tiếng gầm của sóng biển.
Xem thêm
Bản năng kép - Truyện ngắn Phùng Phương Quý
Ta nắm tay đấm vào đầu để nhớ lại. Đuổi ngay cái dự án khu công nghiệp ra khỏi bộ nhớ. Mười phần trăm là cái gì. Mười lăm phần trăm cũng chả là cái gì. Lại hai mươi à? Cút xéo ngay cái phần trăm hoa hồng của chúng mày. Tao đếch cần! Tao thích bia hơi, thích tăng gô...
Xem thêm
Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn
Ba đang ngồi đọc lại những trang viết về cuộc trò chuyện của cha con mình từ bấy đến nay. Và ngẫm ngợi lại những gì đã xảy ra trong chuyến Đông Du định mệnh.
Xem thêm
Bóng chim tăm cá – Truyện ngắn Phùng Phương Qúy
Con đò cố lách qua đám lục bình rin rít, cố nhoi lên từng thước. Khói dầu máy phun mù mịt phía sau, khét lẹt. Hai Loan ngồi bên bao mì mót, lấm láp mủ, đất. Mái tóc rối bù, cần cổ vươn về cuối sông, sắp dài thành cổ cò. Vậy mà chiếc xuồng cũ của chồng không thấy xuất hiện.
Xem thêm
Người viết sử | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Nguồn: Văn nghệ số 35+36 (ngày 2/9/2023)
Xem thêm
Mộ tổ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương tổ chức năm 1994.
Xem thêm
Chè chốt Truyện ngắn của Lê Na  
Lần đầu tôi gặp em, một ngày chớm đông. Em mặc chiếc áo len cộc tay màu hoa mười giờ. Màu hoa ấm áp làm sao. Tôi như được trời cho duyên cớ ấy. Thỉnh thoảng hai cái xe đạp ngược chiều lại chạm nhau. Có lẽ chẳng bao giờ em để ý đến tôi, còn tôi thì ngóng đợi đến mỏi mòn. Dẫu chỉ lướt qua nhau, tôi vẫn bị hút hồn bởi đôi mắt ấy. Đôi mắt ngơ ngác, lung linh như được vẽ bằng sương mai. Màu áo len hắt ánh hồng lên má. Đâu có son phấn gì, một cô gái đậm chất quê. Bầu má mịn màng, non tơ. Tôi đã vô cớ nhớ em, một người dưng, giữa ngàn vạn người tôi gặp.
Xem thêm
Tình yêu cao thượng | Truyện ngắn của Nguyễn Thanh
Nguyễn Thanh, nguyên Tổng thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ
Xem thêm
Chờ đợi hóa thân | Truyện ngắn Đặng Chương Ngạn
Tác phẩm đăng Nhà văn & cuộc sống số 14
Xem thêm
Tu hú gọi bầy | Truyện ngắn Lệ Hồng
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 86 (ngày 10/8/23)
Xem thêm
Tâm “điếu văn” – Truyện ngắn Phùng Chí Cường
Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật của một đời người. Sinh thì có hạn nhưng tử thì bất kỳ không ai có thể định trước được. Có những người vừa mới cách đây không lâu vẫn còn cười phơ phớ, thế mà đùng cái lăn ra chết bất đắc kỳ tử.
Xem thêm
Thẻ nhà văn | Bích Ngân
Truyện đăng Tuổi Trẻ Cười
Xem thêm
Chó robot | Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện đăng Văn nghệ quân đội
Xem thêm
Gấu Ngựa - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những chú Voọc có chiếc đuôi dài hơn thân mình, trắng muốt đưa hai tay bám lấy cành cây như người đánh đu, cất tiếng hú vang động cả bầu trời. Loài Voọc ở đây lạ lắm: mặt có lông màu trắng; đầu, lưng và tứ chi lông đen thui; vùng bụng lại có lông màu bạch kim. Chúng sống thành từng đàn năm bảy chục con, mỗi sáng sớm kéo nhau đi ăn, hoặc chiều về lại hò hét, gọi nhau inh ỏi. Chúng thích ăn lá cây khác với họ nhà khỉ chỉ thích ăn quả. Có lẽ bầy Voọc chưa bao giờ gặp người nên thấy H’Chi đi một mình chúng nhìn chằm chằm rồi đua nhau đuổi theo, quăng mình từ cành này sang cành khác như người làm xiếc.
Xem thêm
Thị trấn biết cười – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Rừng nối đất. Cây nối gió. Mưa nối lạnh. Và cô đơn nối những con người chẳng biết cười gần với nhau.
Xem thêm
Cây mẫu đơn hoa đỏ – Truyện ngắn của Hồ Loan
Cơn ho sặc sụa của ông khiến bà bừng tỉnh. Cơn ho như thể lấy cả buồng phổi của ông ra ngoài. Đưa tay dụi vội hai mắt, bà lập cập tiến ngay lại, một tay vỗ lưng, một tay vuốt ngực cho ông:
Xem thêm