TIN TỨC
  • Truyện
  • Cái tượng ông địa | Võ Trần Nhã Nguyên

Cái tượng ông địa | Võ Trần Nhã Nguyên

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1399 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

VÕ TRẦN NHÃ NGUYÊN
 

Tất cả là tại cái tượng ông Địa.

Ông thì quát tháo, bà thì ngồi khóc, mẹ thì rên rỉ, cậu Ba huơ tay múa chân, anh Trung thì chẳng thấy đâu còn mình thì bị đổ lỗi.

“Là con Na làm chứ gì!”. Ông quát, mặt đỏ lừ như say rượu. “Cái con Na lúc nào cũng táy máy, đụng vô cái gì là bể cái đó!”.

“Thôi ông ơi! Đừng có nóng!”. Bà năn nỉ.

“Ai bảo con Na làm. Bố có thấy nó làm đâu? Có khi là thằng Trung làm đó chớ!”. Mẹ tôi trợn trừng.

Cậu Ba huơ tay: “Chị nói cái gì thế? Thằng Trung năm nay 17 tuổi rồi! Sao chị so với con Na được! Con nhỏ mới 8 tuổi, táy máy là chắc rồi!”.

Ông phụ họa thêm: “Đúng, đúng”.

“Tôi hiểu rồi!”. Mẹ vừa la toáng lên vừa vỗ tay đồm độp. “Là cháu đích tôn cơ mà! Cháu đích tôn! Tí là tôi quên mất cơ đấy!”.

“Mày nhá! Từ bé đến giờ cái tính nói chuyện không liên quan vẫn không đổi! Hễ mà mày chĩa cái mỏ mày vào bất cứ chuyện gì là cứ coi như mày sẽ phán cái câu chả liên quan gì đến cái chủ đề bọn tao đang nói!”.

“Con như thế hồi nào!”.

“Chị lúc nào chả thế!”.

“Mày chết với tao!”. Mẹ lao tới túm mớ tóc cấy mấy chục triệu của cậu Ba mà kéo. “Mày chết!”.

“Má! Má ơi!”. Cậu Ba la toáng lên.

Bà chạy lại kéo mẹ ra, ông lại la hét, cậu Ba la hét, ai cũng la hét...

Cơ mà, con búp bê mới mua của mình đâu rồi?

 

Thằng Trung (vài phút trước)

Nhà ông tôi có cái tượng ông Địa. Và ai cũng biết một điều về cái tượng đấy: Đụng vào nó là chết.

Vậy nên khi tôi lại đứng đây với cái thân ông địa dưới đất và cái đầu đứt lìa của ông Địa trên tay tôi không thể nói dối là mình không có chút sợ hãi. Rất sợ là đằng khác.

Mọi chuyện bắt đầu khi bố bảo tôi thế này: “Ê Trung, mày qua bên phòng khách nhỏ lấy cho tao cái ghế xếp nhanh lên”.

Và như mọi khi, tôi vẫn ngồi lì đó bấm điện thoại và đợi tới khi bố tôi chửi đổng lên.

Tượng ông Địa được đặt trong phòng khách nhỏ. Tôi cá mục đích chính của ông khi trưng tượng ông Địa ở phòng khách nhỏ là để ông có thể khoe nó cho bất kì người khách nào ghé thăm nhà (toàn là mấy ông già). Mà theo tôi thì bức tượng cũng chẳng có gì đáng khoe.

Tôi lê bước vào phòng, dò mắt xung quanh phòng để tìm cái ghế xếp... Kia rồi, cái ghế xếp đặt tựa vào tường ngay kế bên cái tủ để bức tượng. Tôi bước tới và chật vật lôi cái ghế ra.

Cái ghế nặng hơn tôi tưởng. Tôi quờ quạng ngay khi nhấc cái ghế lên, tôi phải đổi thế cầm ghế liên tục để sao cho thuận tay...

“Choang!”.

Bụng thót lên, tôi từ từ quay qua và thấy cái đầu ông Địa lăn lóc ở dưới sàn. Trong lúc tôi quơ cái ghế qua lại hẳn nó đã đập vào bức tượng.

Và thế là tôi làm điều thông minh nhất trên đời: Bỏ chạy lên lầu và xem như chuyện này chưa từng xảy ra.

 

Bà Vương (khoảng 20 phút trước)

Lão chồng tôi có cái tượng ông Địa.

Và tôi căm ghét cái tượng đó.

Lão xun xoe cái tượng như một ông sếp lớn. Từ khi mấy đứa con còn nhỏ lão đã dặn miết câu này: “Đừng có đụng vào cái tượng”. Mỗi khi tôi dọn dẹp phòng khách nhỏ cũng phải chừa cái tượng lại vì lão lúc nào cũng tự tay lau nó. Có lần, cũng là lần duy nhất, tôi lau cái tượng, lão chửi um lên như trời long đất lở. Từ đó tôi ngán quá nên cũng không dám đụng vô cái tượng nữa.

Lão chẳng bao giờ hé môi với tôi ai cho lão tượng ông Địa. Tôi biết lão không mua vì tôi nắm các khoản chi tiêu trong nhà. Nhưng sau 30 năm chung sống từ khi lão đem bức tượng về, lão vẫn không nói. Tôi biết tánh lão vừa hẹp hòi vừa kẹt sĩ vừa gái gú, nói rằng tôi chịu đựng để sống với lão cũng không ngoa. Thậm chí tôi còn bỏ qua cho việc lão có đứa con riêng và nhắm mắt làm ngơ việc lão đều đặn gởi tiền con bé ấy. Nhưng sự thật là tôi còn chịu đựng cái tượng của lão hơn cả lão. Ai tặng lão? Tôi không biết. Tôi muốn biết. Bạn bè lão? Hay cấp dưới? Lão nói ra thì có chết thằng Tây nào đâu? Vấn đề là nguồn gốc bức tượng đáng ngờ nên lão mới giấu. Có tội có đồ thì mới giấu giấu giếm giếm.

Chắc tôi sẽ ghét cái tượng ông Địa tới lúc chết nếu 2 năm trước tôi không đi gặp ông Mai Lang. Ông ấy là thầy bói nổi tiếng nhứt, giỏi nhứt. Tôi biết được ông ấy nhờ bà bạn thân giới thiệu, bà ấy đám cưới con gái, phong thủy nhà cửa... nói chung là trước khi làm bất kì chuyện gì cũng đều hỏi ý ông Mai Lang. Mà chuyện nào cũng thành công tốt đẹp. Cái ông ấy đúng là giỏi thật ấy nhá. Tôi chưa mở mồm nói câu nào mà ông đã biết nhà tôi có tiền khá giả, lão chồng chức cao, con cái phát đạt. Ông nói gia đình tôi phước lớn, đã kinh qua nhiều kiếp là hoàng tộc ở các nước. Và khi tôi giãi bày cho ông nỗi bức xúc về cái tượng ông Địa, ông bảo thế này: “Nhờ cái tượng đó con cái chị mới được như ngày hôm nay. Ông Địa mang lại may mắn, tiền tài. Chị đừng ghét”.

Và thế là tôi hết ghét cái tượng.

Nhưng khổ nỗi ngay khi tôi hết ghét tượng ông Địa thì đập vào mắt tôi lúc này là cái thân không đầu của bức tượng.

Xém chút nữa tôi đã hét lên. Toàn thân run rẩy, tôi lao đến chỗ bức tượng. Kế bên cái thân tròn không đầu cái đầu, hoàn toàn đứt lìa và nằm đó tự nhiên như một trái banh màu xanh. Tôi quỳ sụp xuống, khóc nức lên.

Đây là một điềm báo! Một điềm báo khủng khiếp nhứt!

Tôi cúi xuống khấn bức tượng đứt đầu, vừa khấn vừa khóc.

Nếu lão chồng tôi biết được thì lão sẽ điên tiết đến mức nào cơ chứ? Nghĩ tới điều đó, tôi vực dậy bản thân trong cơn hoảng loạn: Lão sẽ không biết. Chuyện đã rồi, tôi tìm đến ông Mai Lang để nhờ giúp đỡ sau, nhưng giờ, tôi phải làm chuyện cần làm.

Thế là tôi lấy hộp keo trong tủ, đổ lên cổ tượng, gắn cái đầu vào và vái lạy thêm 3 cái để ông Địa tha thứ cho hành động của tôi.

 

Cô Hà - mẹ Na (khoảng 1 tiếng trước)

Bố tôi có cái tượng ông Địa.

Nếu như có ai đó hỏi tôi ấy: “Nếu như chị muốn đập một món trong cơn giận thì chị sẽ chọn cái gì?”.

“Thưa các anh các chị các ông các bà... cái tượng ông Địa của bố tôi”.

Tôi ấy nhá, cả đời chỉ có một mong muốn duy nhất: Tôi không muốn phụ thuộc vào bố tôi. Tôi không muốn xin xỏ ổng như thằng em trai bạc nhược của mình. Tôi muốn tiền tài và danh vọng, tuy nhiên là phải do chính tay tôi tự gây dựng cơ.

Tôi biết ông ta chẳng quan tâm gì tới hai đứa con gái tôi mà chỉ biết có mình thằng Trung bất tài đó. Bao nhiêu năm qua dù con gái lớn của tôi có học hành xuất sắc đến mấy thì tất cả những thành tích cũng giống như những nạn nhân bị làm mờ mặt trên tivi. Tôi biết ông ta chẳng thương yêu gì mẹ tôi. Tôi biết cứ mỗi lần nhà tôi họp mặt đầy đủ, ông ta lại gọi thêm một người khách lạ hoắc nào đó đến, cốt để khoe khoang số thu nhập của chúng tôi và hình ảnh một gia đình đùm đuề hạnh phúc.

Nhưng tôi không biết về bức tượng. Tại sao ông ta lại quý nó đến thế? Tại sao ông ta không muốn nói ra nguồn gốc của nó? Tại sao ông ta cứ điên tiết lên mỗi khi một ai đó trong nhà chạm vào bức tượng? Sao ông ta có thể quan tâm đến một bức tượng hơn cả con gái ruột của mình?

 Ghét thì ghét thật ấy, nhưng, tôi thề là tôi không hề có ý định đập gãy cổ bức tượng.

... Đó là cho đến khi tôi và bố tôi cãi nhau. Ngày hôm nay đáng lẽ ra phải là một buổi tụ họp gia đình thật sự đầu tiên của gia đình tôi vì chẳng có một vị khách lạ hoắc nào ghé thăm cả. Nhưng ông bố tôi lại phá hỏng tất bằng cách gọi tôi vào phòng riêng và bảo rằng ông ta muốn tôi giúp cho nhỏ con rơi của ông ta.

Sau một trận cãi vã long trời lỡ đất với ông ta, tôi bỏ ra khỏi phòng, đi vô phòng khách nhỏ để tránh mọi người. Bức tượng ông Địa nằm trên tủ, nở nụ cười tươi rói như đang chế nhạo tôi. Tất cả những gì tôi làm trong đời, tất cả những nỗ lực, những cố gắng, tất cả... chỉ để một ngày bố tôi sẽ công nhận tôi, dù tôi biết ngày đó sẽ chẳng bao giờ đến. Nhưng tôi vẫn cố. Và giờ tôi nhận được gì? Nhận được cái sự thật cay đắng là bố luôn quan tâm đến đám con rơi con rớt đó hơn tôi, đến thằng em ngu đần hơn tôi (chỉ vì nó là con trai) và... đến bức tượng ông Địa hơn tôi.

Trong cơn thịnh nộ, tôi nhặt cái vợt cầu lông cũ nằm trong góc nhà tiến lại chỗ cái tượng, quất một cái vào cái đầu tròn bóng loáng của nó. Cái đầu bay ra dễ dàng hơn tôi nghĩ và lăn lóc xuống sàn.

Vừa thích thú vừa kinh sợ, tôi nhặt cái đầu tươi cười ấy lên và để kế bên cái mình béo của nó, lòng chưa bao giờ thỏa mãn hơn khi nghĩ tới gương mặt bố tôi lúc ông ta thấy “tuyệt tác” này.

 

Ông Vương (khoảng 3 tiếng trước)

Tôi có cái tượng ông Địa.

Có thể mấy người chẳng ai tin, nhưng tôi cũng từng bị đánh đòn, từng bị đuổi việc và từng yêu như mọi người khác. Tôi sinh ra trong một gia đình đông con nghèo khó, tuy nhiên ông trời đã giúp mẹ tôi đỡ vất vả bằng cách cho 8 trong số 10 người con của bà chết đi... đó là bà thường vừa nói với tôi vừa mang một nụ cười đau đớn trên gương mặt đen sạm. Tôi sinh ra trong thời khổ sở và cơ cực vì thế tôi có quý trọng đồng tiền hơn những người khác một chút. Có những ký ức tôi không thể quên: tiếng rao bán khoai của mẹ vang vọng khắp phố, những bữa ăn chỉ có độc cơm chan nước mắm, những đám tang không thể tổ chức cho đàn em xấu số của tôi... tất cả là một động lực, một động lực để mỗi khi tôi cảm thấy tôi không thể tiếp tục, tôi sẽ lại nhớ về chúng và làm việc, làm việc và làm việc. Tôi rời quê lên thành phố, để lại người mẹ già lú lẫn cho đứa em gái độc thân chăm sóc (và độc thân mãi tới sau này nhưng đó không phải lỗi của tôi vì để con bé sống với một bà già mà là do chính bản thân nó kém cuốn hút). Tôi bắt đầu từ những công việc tệ hại và thấp kém nhất nhưng sau đấy nhờ tham vọng, nỗ lực và trí khôn, tôi đã vươn lên trên đỉnh cao của xã hội hay nói đơn giản hơn, là làm giàu thành công. Dù giờ đây mẹ tôi đã qua đời nhưng trước đó tôi vẫn kịp cho bà một cuộc sống mà tôi hằng mơ ước cho gia đình tôi khi xưa: một trang viên khổng lồ ngay vùng quê và một nghĩa trang riêng cho tất cả những đứa em của tôi với những ngôi mộ to nhất và đẹp nhất vùng. Nhưng con em già ngu ngốc của tôi lại chẳng mang ơn tôi mà còn cằn nhằn tôi vì không bao giờ về thăm mẹ, rằng mẹ đau chân khi ở trong căn nhà quá lớn. Và khi tôi bảo rằng tôi sẽ cho xây luôn một cái thang máy trong nhà thì nó giận dữ cúp máy. Đó là lí do nó chẳng có nổi một thằng chồng quèn.

Đương nhiên tôi đã đánh đổi nhiều thứ để đạt được như bây giờ: tự do, lương tâm và tình yêu. Tôi từng yêu, một lần. Nàng cùng quê với tôi, là bạn với tôi từ thuở tấm bé. Nhưng nhà nàng khá giả hơn tôi rất nhiều. Khi tôi còn là một thanh niên, tôi đã từng mơ, mơ lấy nàng và xây dựng một gia đình hạnh phúc ngay tại quê tôi. Có lẽ nếu tôi thật sự lấy được nàng, tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc đi lên thành phố lớn. Tuy nhiên như bao thanh niên khác, tôi vỡ mộng. Nàng không thể có con. Và tôi biết chuyện đó chứ. Với tôi, chuyện đó không quan trọng. Tôi yêu nàng, yêu nàng đến mức dù nàng có yếu ớt tới mức nào, bệnh tật tới mức nào, tôi sẽ vẫn yêu nàng.

Nhưng mẹ tôi, người đã mất những đứa con của mình, không thể nào chấp nhận việc bà không có một đứa cháu nào. Tôi cố gắng thuyết phục bà, thậm chí chống đối bà nhưng bà vẫn không hề nhượng bộ. Đáng lẽ tôi có thể chỉ mặc kệ mẹ tôi và lấy nàng, nhưng những ký ức đau khổ không thể tha cho tôi, những ký ức mà ở đó chúng tôi sống trong nghèo đói và nước mắt của mẹ. Nếu tôi lấy nàng, tôi sẽ phục thuộc vào gia đình nàng, vào vùng đất lạc hậu này. Nếu tôi lấy nàng, tôi sẽ mãi là thằng nhóc họ Vương tầm thường, đi làm những công việc tầm thường. Nhưng quan trọng nhất, tôi cảm giác bản thân mình mắc nợ mẹ vì những đau khổ mẹ phải chịu để chăm nom cho cái mồm đói của tôi. Cưới nàng đồng nghĩa với phản bội mẹ.

Và thế là tôi bỏ đi. Tôi trở nên thành công, đúng thế. Tôi cũng lấy một cô vợ mà tôi chắc chắn có thể sinh con và có một gái một trai, đúng thế. Tôi cho mẹ một cuộc sống mà bà mong muốn, đúng thế. Nhưng tất cả những thứ tôi đạt được có vẻ không thuộc về tôi. Tôi cố làm vì mẹ, vì quá khứ của mình và rồi tôi đã làm gì cho bản thân mình? Tôi có thứ gì mà tôi thật sự muốn trong tay mình không? Tôi tìm đến những người phụ nữ khác và chẳng gì có thể thỏa mãn được cơn khát vô đáy của tôi. Tôi tìm gì trong đôi mắt ướt át của những người phụ nữ đó?

Và rồi bức tượng xuất hiện.

Tôi đã cố tìm gặp lại nàng trong một lần về lại quê. Nàng trông thật khác, thậm chí còn gầy yếu và bệnh tật hơn xưa. Chồng nàng chết vài năm trước và nàng ở một mình với bà dì già cáu bẳn. Khi chúng tôi chia tay, nàng bảo rằng tôi đừng bao giờ tìm nàng nữa và tặng cho tôi một bức tượng thờ ông Địa bằng ngọc thạch, thứ đắt giá duy nhất còn lại trong nhà nàng sau khi cha mẹ nàng mất. Lòng nặng trĩu, tôi cầm bức tượng về và trân quý nó như một bảo vật.

Tôi đặt nó trong phòng khách nhỏ để tôi có thể cho các vị khách ghé thăm thấy vẻ đẹp đắt giá của nó, để đôi khi tôi có thể nhìn ngắm nó mà không bị bà vợ béo ụ tọc mạch làm phiền, để hai đứa con nghịch ngợm của tôi không thể đụng tới nó. Từ ngày có bức tượng, tôi càng phát đạt hơn. Tôi tìm hiểu trên mạng và biết rằng bức tượng này là bức tượng cổ quý giá, làm từ loại ngọc đặt biệt hẳn đã mang đến nguồn năng lượng tốt cho tôi. Tôi lại càng cảm động và nhung nhớ nàng hơn nhưng không tài nào dám đi tìm nàng. Nếu tôi gặp nàng lần nữa, tôi sẽ không kìm được mà bỏ hết tất cả mọi thứ tôi có để đi theo nàng, và tôi đoan chắc nàng cũng thế.

Nhưng hôm nay quả là một ngày đặc biệt không dễ chịu. Con bé con rơi của tôi với một người phụ nữ nào đó mà tôi không nhớ tên gọi điện cho tôi. Tôi muốn giúp con bé. Nhưng than ôi, giờ tôi đã về hưu mất rồi, còn thằng con trai lại chẳng phải sếp lớn trong chỗ làm, chỉ còn một người tôi có thể nhờ mà tôi không muốn nhờ nhất. Tôi mệt mỏi đi ra phòng khách nhỏ, ngắm bức tượng ông Địa cho khuây khỏa. Mới hôm qua tôi còn cho người lắp một hệ thống đèn pha ngay trên tượng nhưng chưa kịp thưởng thức nhiều cách đèn tôn lên vẻ đẹp của tượng thì lại phải đi đám bên nhà bà vợ. Vì vậy với tôi đây là giờ phút thích hợp và riêng tư nhất, khi vợ tôi thì vắng nhà để mua đồ còn con cháu tôi thì chưa đến, để bật đèn và ngắm tượng.

Tôi bấm công tắc. Đèn vàng ấm áp pha xuống từ trên và đàng sau lưng tượng, khiến bức tượng như đang tỏa ra một vầng hào quang thần thánh tuyệt đẹp. Tôi hạnh phúc lại gần săm soi bức tượng, từ đường cong tuyệt tác trên cái bụng tròn cua ông Địa. Chợt, tôi thấy thứ gì đó!

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy một vết lạ trong bàn tay của bức tượng. Đèn pha từ phía sau làm bức tượng trở nên trong suốt, đó là lí do vì sao tôi thấy cái vết mà trước đây tôi chưa từng thấy. Vết đó dài và trắng, trong như một tờ giấy bị cuộn lại. Tôi chạy ngay đi lấy cây tăm, chọt vào cái lỗ hở nhỏ giữ bàn tay trái nắm hờ của tượng: một cuộn giấy nhỏ rơi ra. Tim tôi, trái tim già cỗi của tôi, lần đầu tiên đập loạn lên vì lí do khác ngoài bệnh nhồi máu cơ tim. Tôi cầm cuộn giấy bằng những ngón tay run rẩy và mở nó ra. Bên trong nắn nót những chữ nhỏ, chữ của nàng:

Em rất vui khi gặp lại anh. Chúng mình từng rất hạnh phúc, cám ơn anh.
Và em xin lỗi vì bức tượng này là đồ giả. Mà chắc anh hẳn phải biết rồi.

Tôi đặt tờ giấy lên bàn. Tôi dùng hai tay nâng bức tượng lên cùng lúc nhận ra màu tượng thật giả, tượng không đủ nặng đúng như tượng làm bằng đá quý, nó quá lạnh để có nguồn năng lượng tích cực, và ném thẳng xuống sàn. Đầu của tượng đứt lìa, văng ra khỏi thân. Tôi thở hồng hộc, đặt tượng lên tủ lại,  gắn cái đầu vào, trong đầu định sẽ đổ lỗi cho một ai đó vì tôi không muốn ai trong nhà biết chính tôi làm bể bức tượng ông Địa sau những gì tôi bắt họ chịu đựng vì nó.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm