- Truyện
- Chờ đợi hóa thân | Truyện ngắn Đặng Chương Ngạn
Chờ đợi hóa thân | Truyện ngắn Đặng Chương Ngạn
ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN
Trước đây, khi còn sống, anh luôn nghĩ: nếu phải chết anh muốn được rời thế giới này theo nghi lễ đơn giản nhưng có chút ý nghĩa với người đã mất: Anh nằm đấy trong một chiếc áo quan phủ đầy hoa. Chiếc áo quan trổ một cửa sổ để mọi người đến viếng có thể nhìn mặt anh lần cuối…
Trên sân khấu kia, có một chiếc mic, những người thân, bạn bè, đồng nghiệp… sẽ bước đến đó, nói ít lời vĩnh biệt với người đã khuất trước khi anh được chuyển lên xe tang về thế giới bên kia. Anh tin Hoàng dù hết sức bận rộn cũng sẽ rời giảng đường để đến lễ tang, vẫn đúng giờ không sai quá 5 phút và vẫn luôn đưa mắt theo thói quen nhìn vào cổ tay, nơi đeo chiếc đồng hồ điện tử. Hoàng sẽ bước đến chiếc mic kia, nói về anh trong cơn nấc: “Hôm nay, tôi đến đây cùng các bạn để tiễn biệt một nhà văn 29 tuổi. Nếu anh ấy không đột ngột ra đi vì dịch giã, anh ấy sẽ là một nhà văn lớn, một nhà văn vĩ đại của thế kỷ 21 này. Những gì anh ấy viết rất mới mẻ, là những ý tưởng mới lạ, những khám phá về bản thể con người, bản chất của sự sống…mà chưa một nhà văn đương đại nào nghĩ tới, chưa nói là đã viết. Tôi nhìn thấy sự ngạc nhiên của các vị khi nghe điều này, vì ở đây, tất cả chúng ta biết anh ấy chỉ với tư cách một kỹ sư cơ khí, là trưởng phòng kỹ thuật của hãng ô tô, một chuyên gia về máy-gầm ô tô, nhưng tôi- với tư cách là một người bạn lâu năm, từng tham gia bút nhóm với anh ấy khi còn học phổ thông, tôi biết anh ấy với một nhân dạng khác: nhà văn Phạm. Chỉ tiếc các tác phẩm của nhà văn vẫn còn ở dạng bản thảo, chưa xuất bản nên quý vị chưa được đọc…”
Anh sẽ thấy vẻ ngơ ngác của các đồng nghiệp, họ không bao giờ biết, dưới chiếc áo xanh, chiếc nón bảo hộ màu cam, con người ngày ngày tỉ mẩm với từng cái đinh ốc, cái roong máy kia là một nhà văn luôn suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc sống. Họ không ngờ, cái bàn tay thô ráp ấy tưởng chỉ có thể vẽ hình khối các chi tiết máy - gầm ô tô, mỗi đêm lại cắm cúi gõ từng từ, từng từ, từng trang, từng trang… cho những cuốn tiểu thuyết dày ngàn trang giấy.
“Xin vĩnh biệt bạn thân, vĩnh biệt nhà văn Phạm!”- Hoàng sẽ vừa đi, vừa gạt nước mắt khi bước xuống.
Chắc chắn Sin sẽ bay từ Mỹ về, trong một chuyến bay gấp gáp muộn màng, từ sân bay tới thẳng lễ tang và bước lên sân khấu với bộ mặt chưa hết thảng thốt: “Người nằm ở đây, là người đã sinh ra tôi lần thứ hai. Anh ấy, đã bị cắt một nửa lá phổi trái khi nhảy ra cứu tôi trong một tai nạn xe máy. Nếu không có anh ấy, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội đứng đây để nói những lời này. Vào cái ngày khủng khiếp ấy, gã điên trong đám đua xe đã lao vào tôi, một đứa bé bảy tuổi đứng chơi trước hiên nhà. Anh ấy nhào tới đẩy tôi ra, nhưng anh ấy đã nhận hết cú đâm kinh hoàng ấy.
Xin vĩnh biệt người cha thứ hai của con, xin vĩnh biệt!…”
Có thể Nga …Nhưng nàng sẽ không nói gì. Nàng không quen nói trước đám đông. Nàng sẽ đứng ở đấy và khóc. Nước mắt chảy tràn hai bên má. Nàng chỉ biết đến anh, chàng trai dỏng cao, khoẻ mạnh, từ khi cùng làm chung công ty chưa bao giờ để đồng nghiệp có cơ hội ghé thăm ở bệnh viện. Trong mắt nàng, anh là một kỹ sư máy- gầm tận tuỵ công việc và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Có thể anh là một người đàn ông có vấn đề về giới tính, nhưng đã sống chân thành, cởi mở…và luôn thấu hiểu nàng…
***
Bây giờ, anh đang rời thế giới này.
Không có hoa.
Không có bất cứ người thân nào bên cạnh.
Không có ai nói lời vĩnh biệt.
Một chiếc ford cứu thương với ba chiếc hòm đều bằng gỗ ván ép rẻ tiền đang kẹt trong dòng xe đến lò thiêu xác HOÁ THÂN. Dù sao, anh và hai cái xác này vẫn còn may mắn chán, vẫn còn được đưa đến trạm cuối cùng bằng một chiếc xe cứu thương đời mới. Ngay trước anh, là một chiếc công nông, thứ xe dùng để chở cát, đá xây dựng, từ lâu không còn được phép lưu hành ngoài đường quốc lộ đang cõng hai cái hòm gỗ, sau xe anh, chiếc xe tải 1,5 tấn chở luôn ba cặp, sáu chiếc quan tài, cặp trên cùng cao vượt cả thùng xe phải chằng giữ bằng sợi dây thừng.
Bác tài bỏ ca bin chạy lên phía trước hỏi chuyện mấy lái xe khác, nghe ngóng tình hình rồi quay về tắt máy, đóng cửa chiếc ford, gọi điện thoại cho ai đó: “Nhanh nhất phải ba tiếng nữa mới qua cổng. Xe xếp hàng cả cây số. Chuyến trước kẹt hai ngày. Chuyến này còn kẹt hơn. Ngày nào, quanh mình cũng đầy xác chết. Anh bị trầm cảm mất!...”. Bác tài chán nản, ngồi bệt xuống bên vệ đường, đốt thuốc mù mịt.
Bên cạnh anh, bác sỹ Nguyễn Tuấn (anh biết tên ông nhờ tờ giấy A4 dán đầu áo quan) diện nguyên áo choàng trắng nằm mê mệt, vẫn chưa hồi tỉnh. Còn áo quan bên kia là của một vị quan chức, comple đen, thắt cà vạt xanh, cỡ khoảng năm mươi tuổi, mặt đỏ, tóc nhuộm đen, bụng phệ. Giọng khản đặc vẫn gào lên với ai đó về chuyện: Sao ông ta phải chết? Sao lại đưa ông ta đi thiêu? Với chức vụ của ông ta phải có một lễ tang quốc gia, phải có hàng ngàn vòng hoa viếng, ít nhất phải được nằm ở Nhà Vĩnh Biệt số 8 Lê Quý chứ!...
Anh thử bước xuống khỏi chiếc ford. Thật lạ, anh đi nhẹ nhàng như bay ấy, không cảm thấy sức nặng cơ thể đè lên đôi chân mình. Hễ anh hơi nhún chân thì cả cơ thể nâng bỗng lên, nhẹ như một cục bông gòn vậy. Kỳ lạ thật! Nhìn lại cái quan tài bằng ván ép, xác anh nằm trong đấy, thân thể ngay đơ, quấn chặt trong mấy lớp nilon dày, mắt nhắm nghiền, da mặt nhăn nhúm tái nhợt như vừa được lôi lên từ hồ, ao do sặc nước. Ô, anh nhận ra thực trạng của mình lúc này: anh đã chết và cái đang bay ra khỏi xe chính là phần hồn của anh, linh hồn anh, bảy vía của anh, còn thân xác anh thì đang bốc mùi, tan rữa dần trong cái áo quan gỗ rẻ tiền kia.
***
Việc đầu tiên anh phải trở về nhà. Nói đúng hơn, anh phải về căn phòng trọ, nơi anh và cô em gái thuê năm năm nay, kể từ khi em gái từ quê vào học thi đại học. Anh có thể là khách trọ lâu nhất, chung thuỷ nhất trong khu nhà của Thím Trúc, không rời bỏ cả khi chủ tăng giá. Không rời đi chỉ vì anh có quá nhiều sách, nghĩ đến việc chuyển nhà, xếp lại mớ sách kia là anh đành từ bỏ ý định thay đổi chỗ ở, đành chấp nhận việc bị cắt cổ thêm chút ít. Hơn nữa, khu trọ ấy gần trường Ngoại Thương em gái đang theo học.
Khu trọ ấy, bây giờ đã căng dây phong toả phía trước, nội bất xuất, ngoại bất nhập, nếu không có lý do chính đáng. Một người dân phòng áo xanh ngồi canh ngay phía trước. Với anh thì việc canh phòng, đám dây nhằng nhịt kia, chẳng có ý nghĩa gì, anh lướt qua trước anh ta như một làn gió. Vân vẫn có mặt trong phong trọ, như vậy, em chưa bị đưa đi cách ly khi anh trở thành F0. Nhận được tín hiệu ấy, anh không vào nhà nữa, anh phải đến gấp một địa chỉ trước khi quá muộn, đó chính là trung tâm cách ly, nơi sáng nay anh thành F0 và ngay đấy được chuyển qua bệnh viện dã chiến rồi đi thẳng một mạch xuống nhà xác. Chiều nay, tên anh sẽ được cập nhật vào danh sách F0 báo cáo trước cuộc họp giao ban và cả hệ thống chống dịch sẽ kích hoạt: những người liên quan với anh sẽ thành F1, Vân em gái anh sẽ thành F1, các đồng nghiệp ở nơi làm việc của anh sẽ trở thành F1… và họ sẽ phải vào khu cách ly tập trung trong đêm.
Anh biết anh hoàn toàn không bị lây nhiễm khi đi cách ly, vậy anh không thể làm lây nhiễm virus cho ai cả. Anh bị nhiễm covid là do lây nhiễm chéo ngay trong trung tâm khi ở chung với F0 trong không gian chật hẹp và cả trăm người xài chung nhà vệ sinh nhỏ tý như mắt muỗi.
Giống như sự di chuyển trong tiểu thuyết viễn tưởng, anh đến được nơi cần đến ngay khi nghĩ tới địa chỉ đó. Anh có mặt trong phòng trực ban của trung tâm cách ly-bệnh viện dã chiến. Anh anh đã sống hai tuần qua ở đây. Bản báo cáo đã hoàn tất, đang hiển thị ngay trên màn hình máy tính, vị bác sỹ trực ban chắc còn chờ vài số liệu cuối ngày từ các khoa lên sẽ cập nhật gửi đi. Anh thử đưa tay gõ vào bàn phím. Trời, anh có thể tác động vào các phím chữ mầu đen trên cái máy tính Dell. Đây rồi, tên anh trong danh sách những bệnh nhân F0, cái tên đó được liên kết đến một trang khác là các bản khai quan hệ tại công ty, gia đình, nơi tạm trú, lịch trình di chuyển…và hồ sơ các F1, F2 liên quan đến F0 Phạm Hoàng Nam. Hơi khó khăn, nhưng chỉ trong 5 phút, anh đã xoá hết tất cả các bản khai và anh trở thành một bệnh nhân vô gia cư không có bất cứ thông tin và mối quan hệ nào. Rồi sẽ có một ngày, khi tra cứu lại, họ phát hiện và ngạc nhiên về sự nhầm lẫn kỳ quái này. Các thông tin liên quan đến anh sẽ được cập nhật lại, nhưng lúc đó mọi chuyện đã khác rồi.
Anh cần đến ngay nơi thứ hai, chính là phòng làm việc của anh. Phòng làm việc đã được khử trùng và niêm phong kín. Mọi thứ vẫn nguyên như trước khi anh bị đưa đi cách ly. Có chăng chỉ những hồ sơ sữa chữa cần giải quyết đã được chuyển cho nhân viên khác. Chiếc máy tính bàn của anh đã tắt nguồn, anh cần khởi động lại. Việc bật nút nguồn phải gắng sức nhiều, khó khăn hơn thao tác lên bàn phím, nhưng cuối cùng thì màn hình cũng đã sáng và con trỏ nhảy tưng tưng trên đó. Việc đầu tiên, anh sẽ chuyển hết tiền từ tài khoản của mình qua cho em gái. Thường việc này đòi hỏi anh phải nhập mã OTP được ngân hàng gửi qua điện thoại. Khốn thay, cái điện thoại của anh đang nằm trong kho ký gửi bệnh viện và lúc này đã hết pin. Anh có thể bay tới đó nhưng không thể mang nó ra từ két sắt để xạc pin được. May mắn, anh nhớ ra, trước đây anh đã cẩn trọng đăng ký nhận mã OTP qua cả địa chỉ email. Việc chuyển tiền hoàn tất, anh viết cho em gái một bức thư. Có thể, Vân sẽ nhận được ngay tối nay khi mở máy.
“Khi em đọc email này, anh không còn nữa. Anh bị lây nhiễm vào tuần thứ hai trong khu cách ly và ra đi ngay vì phổi anh bị ngạt, không thở được. Em đừng khóc, em hãy bình tĩnh để đọc những dòng anh viết.
Trong tài khoản em là tất cả tiền của anh vừa chuyển qua. Số tiền này anh dành dụm gửi ngân hàng với dự định ít năm nữa sẽ mua một căn chung cư gần nơi anh làm việc. Nay thì không thể …để giành thêm nữa. Em hãy dùng nó chi phí cho việc học tập trong hai năm tới ở trường đại học, phần còn lại mua một căn chung cư nhỏ ở ngoại thành. Từ nay, em hãy tự lo cho mình khi không còn anh bên cạnh.
Lúc này, em không thể rời khỏi nhà, không thể đến để tiễn đưa anh. Họ sẽ thiêu anh tại lò thiêu Hoá Thân. Bình thường sau khi thiêu, tro cốt anh sẽ được chuyển tới cho em. Nhưng do anh đã xoá hết thông tin về anh nên anh đã trở thành xác chết vô thừa nhận. Sau này, em hãy đến lò thiêu Hoá Thân tìm tro cốt theo tên anh và hãy rải hết xuống sông em nhé! Hãy lưu giữ và bảo quản giúp anh những tập bản thảo. Em hãy liên hệ với Hoàng bạn anh và tìm một cơ hội để xuất bản. Những gì anh viết không phụ thuộc vào thuộc tính thời gian, nên em không cần phải lo xuất bản nó ngay lúc này, từ từ 20-30 năm sau vẫn được. Khi hết dịch, em hãy tập trung cho cuộc sống của em: học xong đại học, ổn định công việc, kết hôn, nuôi dạy con cái…Hãy sống thật hạnh phúc em gái nhé! Hãy sống cả phần anh trai em không còn được sống!”
Anh lượn qua nhà để vĩnh biệt em gái lần cuối. Nó vẫn đang lắng xắng với cái bếp dầu cho bữa cơm chiều. Cái latop vẫn gập nắp đặt trên bàn…Anh đưa tay lên màn hình cái điện thoại nó cầm trên tay nhưng không sao ấn được vào bàn phím để viết ít dòng chào nó. Anh biết rằng khi làm những việc vừa rồi, linh hồn của anh đã tiêu cạn sinh lực, nếu không nhanh trở về, hồn anh sẽ không còn kịp nhập vào thân xác, anh sẽ bị mắc cạn trên thế gian này như rất nhiều hồn ma vất vưởng, không thể siêu thoát…Anh đành dừng lại trước lối cửa nhìn cô em gái thêm ít phút, rồi vội quay về với cái xác của anh nằm trong cái quan tài ván ép rẻ tiền, trên chiếc xe ford cứu thương đang dịch dần từng tý đến cổng nhà thiêu xác…
***
Khi anh về đến chiếc xe cứu thương, vị bác sỹ đã hồi tỉnh, ông đang ngồi ngay trên áo quan của mình với bộ mặt buồn ngơ ngác. Chiếc xe cứu thương đã lăn bánh đến gần cổng lò thiêu, vượt qua hai thân xe, nó đã vào được khuôn viên Hoá Thân. Vị bác sỹ vui mừng khi thấy anh xuất hiện. Anh mỏi mệt nằm xuống chiếc áo quan.
“Cậu đi đâu vậy? Không sợ hồn lìa khỏi xác à?”
“Tôi về nhà vĩnh biệt cô em gái!”.
“Tôi chẳng có thể vĩnh biệt ai. Cô con gái đang du học và bà vợ đi theo nó. Hồn tôi không thể bay mấy ngàn km qua biển? Mà cậu bay được à ?”
“Nghĩ nơi cần đến. Là hồn mình tự tới đó!”
“Tôi đã nghĩ một nơi cần tới, đã bay, nhưng chỉ đến trần xe là rơi xuống. Càng cố càng thấy mình như sắp tan vụn ra. Ông kia (bác sỹ đưa mắt qua vị quan chức đang nằm mê mệt trong cỗ áo quan, chỉ đưa mắt đờ đẫn nhìn qua khi anh về) còn không nhấc thân xác lên nổi. Cậu nghĩ một cái là bay được ư?”
“Bay. Đúng vậy. Chỉ trong nháy mắt. Nay thì không thể, năng lượng kiệt rồi!”
Ông bác sỹ nhìn chằm chằm vào anh rất lâu, như đang mổ phanh anh ra theo nghề phẫu thuật tim của ông:
“Này, chàng trai, có vợ chưa, con chưa? Chưa à? Có em út gì chưa? Cũng chưa à …Chán thế! Nè, khi còn sống, tôi ngoài chuyên môn bác sỹ phẫu thuật tim thì lĩnh vực tôi nghiên cứu nhiều nhất chính là linh hồn đấy ông bạn trẻ. Linh hồn chúng ta tồn tại như thế nào. Chúng ta sẽ về đâu sau khi chết! Có thể ở lĩnh vực này, tôi uyên bác trên cả cái danh giáo sư của tôi đấy!”
Anh cảm thấy hơi buồn cười khi nghe ông ta khoe bằng cấp lúc này. Khi mọi thứ trên trần gian đã chỉ còn là những tờ giấy lộn với người đã mất. Nhưng ông giáo sư lại nhìn chằm chằm vào anh với đôi mắt mở to soi mói tò mò:
“Hỏi thật: khoản đó với đàn bà thì cậu thế nào?”
“Chưa một lần! Thưa giáo sư!”
“Cậu sống kiểu đéo gì thế nhỉ? Nói như thế chả thằng chó nào nó tin, trai 29 tuổi, chưa một lần! Cái đó của cậu có vấn đề à? Tệ thật, tôi cũng toi rồi, nếu còn sống, tôi sẽ giúp cậu! Tôi có mấy thằng bạn ở bên Nam khoa tay nghề rất khá…”
Anh quát vào mặt ông bác sỹ:
“Vớ vẩn! Cái đó của tôi không như ông nghĩ! Nó hoàn toàn bình thường. Có khi còn tốt, cực tốt. Đôi khi chỉ cần ngửi thấy mùi hương đàn bà thoáng qua nó đã cẫng lên như mấy ông uống một lúc hai liều viagra đấy!”
Ông bác sỹ Tuấn suy tư giây lát:
“Tôi hiểu. Tôi hiểu. Cậu chưa một lần, cậu còn là trai tân…Hừm! Phải cậu là một linh hồn trong sạch. Tôi hiểu tại sao linh hồn cậu có thể bay bổng nhẹ nhàng như vậy. Có nhiều tội lỗi như tôi giờ không thể bay qua trần nhà, còn ông quan chức kia thì chỉ kéo lê cái xác trên mặt đất. Trong nghiên cứu của tôi: Cậu thuộc nhóm thiên thần…linh hồn trong suốt…! Kiểm chứng này, làm cho tôi có cứ liệu để hoàn tất phần nghiên cứu về các linh hồn. Tại sao những người chết trẻ, còn trinh tiết có những khả năng đặc biệt…”
Anh thiếp đi vì mệt không thèm nghe ông bác sỹ giáo sư chuyên gia nghiên cứu về linh hồn lải nhải nữa. Hừm, anh là thiên thần nên linh hồn trong suốt nhẹ tâng có thể bay bổng. Ừa, anh 29 nếu tính theo tuổi mụ thì đã 30. Giờ anh ngỏm vì covid, chẳng bao giờ còn có cơ hội biết chuyện đó nữa. 30 tuổi anh vẫn chưa cùng ai. 22 tuổi trở về, trước khi tốt nghiệp đại học, có lẽ vì khó khăn nên chỉ lo học. Hết giờ ở giảng đường lo đi tìm việc kiếm cơm, gửi tiền về cho mẹ nuôi em…Tối tăm mặt mũi, gục mặt lo mưu sinh không còn thời gian để tơ tưởng tới. Sau 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, lo kiếm việc, lo học thạc sỹ, thời gian còn lại chúi mũi vào sách. Đọc. Đọc triền miên…Rồi vẫn cắm đầu kiếm sống, chút thời gian rảnh nuôi mộng văn chương. Vẫn mơ trở thành nhà văn đấy. Nhà văn phải sống mẫu mực, đẹp…Tâm hồn phải đẹp như những gì mình viết…Chỉ mấy tháng trước đây, khi chuẩn bị in cuốn tiểu thuyết đầu tiên, anh mới tiếp xúc với mấy ông nhà văn ngoài đời thực: cà phê, nhậu giao tiếp. Anh lờ mờ nhận ra hình như chỉ có nhân vật của nhà văn đẹp, còn nhà văn sống thực thì cũng tầm thường, thậm chí lì lợm, ích kỷ, tham và hèn hèn nữa…Khi ấy, hoang mang, buồn ghê gớm. Chính hoang mang và buồn, nên cuốn tiểu thuyết chỉ cần viết lại ít trang là hoàn tất để in, anh đã bỏ bừa đấy mãi không xong.
Chuyện ấy, thật ra anh có rất nhiều cơ hội. Anh là một con người nghiêm túc ư. Phải. Anh đã sống nghiêm túc. Người đàn ông của anh có vấn đề ư? Hoàn toàn không! Có lẽ anh sợ, nỗi sợ mơ hồ. Sợ đó là cái bẫy của sự ràng buộc và anh không còn cơ hội để thoát ra, tìm thấy tình yêu…Anh sợ một sinh linh ra đời không đúng lúc, khi anh chưa có gì để đảm bảo tương lai cho sinh linh ấy. Nỗi sợ đó đã cuốn anh đi…
Mới đây thôi, dịp tháng năm, anh và Nga đi xem phim. Ra khỏi rạp đã 11h30, trời dông, mưa như trút. Dù đã trú trong hàng hiên vẫn bị mưa quật ướt như chuột. Quá nửa đêm, vẫn mưa không dứt. Nga nói rằng nàng sẽ bị cảm lạnh nếu cứ mặc áo ướt. Lần nào gặp mưa nàng cũng bị ốm mấy ngày. Rồi hai đứa đẩy xe máy băng qua đường vào khách sạn đối diện bên kia. Cả hai cởi bỏ ngay quần áo mang đi giặt, vò, vắt ráo nước, treo trước cái quạt đứng để hong khô. Khi đó, cả hai nhận ra mình đang trần như nhộng vội kiếm chiếc khăn tắm quấn quanh người. Phòng khách sạn chỉ có một cái giường đôi. Đêm ấy, anh và Nga ngủ chung giường. Anh nằm im cả đêm không ngủ. Sáng, Nga lẳng lặng rời phòng khi anh chợp mắt…Gặp lại ở công ty, nàng nhìn anh với một đôi mắt rất lạ, dường như có chút căm giận, dường như có gì đó ngờ ngợ.
***
Trời sáng, đã là ngày thứ hai anh vĩnh biệt thế gian này!
Vị bác sỹ nói rằng ông ấy số 665 và anh số đẹp 666, vị quan chức to, rất to số 664. Đó là số thứ tự chờ vào lò thiêu. Ông ấy đã nhìn thấy danh sách thiêu sau khi gắng bò mấy vòng quanh cái đài Hoá Thân. Danh sách ấy nằm trên bàn ở phòng trực của đài. Cái bàn khá cao, linh hồn trĩu nặng tội lỗi của ông ấy phải cố gắng gượng đến lần thứ tư mới nhìn được mớ giấy trên mặt bàn. 666 là một số rất đẹp. Lộc-lộc-lộc đấy. Hừ, nhảm thật, chết với một số đẹp!
Năm ngày vừa rồi mỗi ngày có 300-400 xác được chở tới đây, nhưng công suất chạy tẹt ga của 20 lò thiêu Hoá Thân 24h/24h cũng chỉ được khoảng 250. Vậy mỗi ngày tồn lại trung bình 100 xác. Năm ngày 500 xác. Xe anh đến đây vào ngày thứ sáu nên được đánh tiếp số thự tự xếp hàng 664,665,666. Tính theo công suất thiêu, xe anh còn phải chờ tiếp hai ngày kể từ thời điểm này mới đến lượt. Ông bác sỹ sau bài tính rất chi tiết còn cười buồn: số dư nếu lớn hơn sẽ cho vào container lạnh để xử lý sau. Anh em mình vẫn may mắn được xếp hàng chứ không bị nhập vào số lưu kho lạnh đấy!
Vị bác sỹ đã mệt phờ. Ông ngồi lặng im bên chiếc áo quan của mình.
Nhìn hết cả dòng xác xếp hàng hình như chỉ có ông là bác sỹ, anh không ngăn được điều mình muốn biết:
“Ông bác sỹ, chuyên môn cao, thuốc men đầy trong tay, sao ông lại chết?”
Ngạc nhiên phải không bác sỹ diệt covid lại bị covid diệt? Cậu không biết cả tháng này chúng tôi trần mình ra chống dịch. Không có thời gian để ăn, uống, tắm giặt…Tất cả bọn tôi phải làm gấp 5, gấp 10 công suất ngày thường. Nhiều hôm xong việc tôi không đi mà bò trên sàn về chỗ nghỉ. Nhưng vẫn nhiều bệnh nhân bị bỏ rơi, chúng tôi không kịp cứu vì bệnh nhân tăng lên gấp 20-30 lần ngày thường…”
“Có lẽ tôi đã nhiễm covid từ tuần trước, đã ho, sốt, đau họng…nhưng công việc cuốn đi, thuốc đầy ngăn bàn mà cũng không kịp uống. Khi tôi gục xuống bất tỉnh thì phổi đã đông cứng. Không chạy chữa gì được nữa. Gục xuống vào cuối buổi sáng, thì chiều tôi đã được đưa vào nhà xác xếp hàng ngay sau cậu để lên chiếc xe cứu thương này đến lò thiêu. Còn cậu sao lại đi?”
Anh thở hắt ra:
“Tôi chết oan vì lỗi các ông! Chỉ vì một ông quan tỉnh dương tính covid khai lịch trình chở người tình của hắn có ghé qua sảnh cao ốc mà camera xác định tôi cũng có mặt lúc ấy (ghé thăm một người quen). Dù tôi đứng cách ông ta mấy chục mét, không có tiếp xúc gì, cũng bị liệt vào F1 đưa đi cách ly. Tôi bị tống lên xe không kịp mang theo bất cứ thứ gì ngoài bộ quần áo mặc trên người và cái điện thoại. Một tuần sau, tôi thành F0, nhập viện của ông. Nhập buổi sáng đầu giờ chiều tôi chầu ông vải vì thiếu máy thở mà phổi tôi quá yếu, sau một lần bị xe tông bị cắt mất 1/3”.
“Đúng cậu chết oan. Cách ly F1 cả trăm người dùng chung một wc. Chỉ một mống dương tính thì tất cả sẽ bị lây nhiễm”
“Một quy trình sai. Tai hại! Xin chia buồn với cậu! Cái quy trình ấy đã nhân luỹ thừa số bệnh nhân dương tính nhập viện. Những ngày qua, tôi đã đau đớn nhìn người bệnh ra đi. Họ ra đi oan uổng vì thiếu thuốc, thiếu bác sỹ, thiếu máy thở, vì phác đồ điều trị không phù hợp…Mẹ khiếp chưa khi nào tôi thấy mình bất lực như những ngày qua!”
Ông bác sỹ bật khóc. Anh không chịu được nước mắt nên quyết định rời khỏi quan tài, bay dọc theo đoàn xe chở xác trước lò thiêu…
***
Bây giờ, anh đang đến nhà ông bác sỹ.Rất dễ để tìm. Hoá ra cái phòng khám bệnh làm thêm ngoài giờ của ông, anh chưa một lần ghé nhưng nhiều lần đi qua, đập vào mắt cái biển to bự chảng với dòng chữ mang đầy chất quảng cáo giáo sư bác sỹ Nguyễn Tuấn cũng to bự chảng, chạy xe nhanh, liếc mắt qua đã bị đập thẳng vào con ngươi. Lần nào, cũng thấy cả một dòng người ngoằn ngoèo rồng rắn xếp hàng chờ trước phòng khám. Chỉ cần đếm số người nhân với giá khám 300,000 đồng/lần đã thấy thu nhập khủng của ông gíao sư mỗi tối.
Sáng nay, khi anh vừa lượn một vòng về, ông bác sỹ đã bươn qua chỗ anh:
“Lại có sức bay như hôm qua rồi hả?”
“Vâng. Hồi sinh ạ!”
“Đúng. Linh hồn một gã trai tân!”
Ông bác sỹ lẩm bẩm, rồi nhìn thẳng vào mắt anh:
“Cậu muốn làm một việc nghĩa, cứu hàng ngàn người không?”
Anh chưa trả lời, ông bác sỹ đã tiếp:
“Tôi đã soạn sẳn một bức thư. Đúng ra đó là một bản kháng nghị, à…một đề xuất khoa học về việc chữa trị covid mà tôi đúc kết qua nghiên cứu hồ sơ hàng trăm trường hợp tử vong và được chữa khỏi. Tôi đã định gửi đi mấy ngày trước…”
“Sao ông không gửi?”
“Cũng có chút e ngại. Tôi sợ người ta nghĩ tôi chống lại chủ trương chung, vì tôi kiến nghị chấm dứt ngay việc cách ly F1, cho F0 điều trị ở nhà, không coi F0 là người bệnh, chỉ coi là người bị lây nhiễm virus covid. Bệnh viện chỉ chữa trị các F0 đã phát bệnh!”
Lời ông bác sỹ chọc ngay vào nỗi đau, sự phẫn nộ của anh:
“Đồ hèn! Ông không dám lên tiếng vì sợ vỡ nồi cơm chứ gì! Vì những thằng như ông mà tôi bị toi mạng, hàng ngàn người bị chết oan uổng đấy! Mà cái điều ông nói, chẳng cần chuyên môn nghề y, một thằng kỹ sư máy-gầm như tôi chỉ quan sát ở trung tâm cách ly cũng đã thấy: cưỡng bức hàng ngàn người vào một không gian hẹp chỉ tổ thúc đẩy covid lây lan nhanh, biến F1 không bị lây nhiễm thành F0 dương tính ”
“Hừm. Tôi đúng là một bác sỹ có nhiều tội, làm nhiều việc xấu nên linh hồn không thể bay lên quá trần cái xe này. Tôi đã cứu hàng ngàn bệnh nhân, nhưng thú thực, tôi cũng đã móc túi hàng ngàn bệnh nhân để làm giàu. Tôi đã ăn vào từng cái van tim, từng cái stent…để làm ngơ cho bọn cung ứng vật tư y tế thế hàng tương tự nhưng chất lượng có thấp hơn chút đỉnh. Phải, tôi đã cướp đi một chút tuổi thọ của người bệnh sau khi cứu họ sống. Phải linh hồn tôi như một đám mây xám, không trong suốt như anh bạn. Nhưng anh bạn hãy mở mắt ra nhìn xung quanh lò thiêu, nhìn suốt dãy xe chở xác ngoài kia xem, có mấy linh hồn xám được như tôi. Nhiều linh hồn trẻ hơn cả anh bạn cũng chỉ bay là là mặt đất…Hừm, chỉ có anh bạn, đồ quái thai, sống kiểu gì vậy, ba mươi tuổi còn trai tân, linh hồn trắng như tuyết …Chẳng chút hoà nhập... Đồ quái thai! Phải tôi là một bác sỹ có nhiều tội. Nhưng tôi không có lỗi gì về cái chết của anh và hàng ngàn người khác bị lây nhiễm chéo ở khu cách ly. Đấy là tội của ai khác. Còn tôi, trong cả năm qua, tôi không phạm tội nào, tôi đã làm việc đến cạn kiệt sức khoẻ, và trả cả mạng sống của mình để cứu bệnh nhân!”
Ông bác sỹ gần như tiêu hết nặng lượng vì nổi giận. Sau đó, cả hai im lặng rất lâu. Rồi ông bác sỹ thì thầm, thì thầm:
“Phải, tôi hèn! Hèn…Thôi không cần nói nữa, vấn đề lúc này, anh có giúp tôi cứu hàng ngàn người khác không? Tôi cần chuyển cái kiến nghị ấy đến những người có trách nhiệm…”
“Kiến nghị. Thôi đi bác sỹ!…Cái thứ đó tôi thấy nhiều, các quan chức không bao giờ biết lắng nghe. Mà cái kiến nghị với nội dung như ông nói, tôi cũng có thể soạn ra cả mớ.”
Nén tức giận, tôi quay lại thì thầm vào tai ông ta, vị bác sỹ cười buồn:
“Tôi tin cậu soạn ra được cả mớ, nhưng gửi từ tên cậu, một kỹ sư máy-gầm, chẳng ma nào nó nghe…Nhưng email đó được gửi từ tên tôi giáo sư tiến sỹ Tuấn họ sẽ nghe đấy!”
“Ông ngoẻo rồi…”
“Ở bệnh viện họ biết tôi chết, nhưng các quan chức thì chưa. Hơn nữa với tính nghễnh ngãng của họ. Khi nhận được email, họ nghĩ tôi gửi đi trước ngày chết, lúc tôi còn sống”.
Khi anh sắp khinh công thì người đàn ông quan chức, ớ lên một tiếng lớn, làm anh và ông bác sỹ đều quay đầu lại. Ông ta chỉ chỉ vào anh. Cả một mớ âm thanh ngạt thở, không rõ tiếng, đứt hơi…nhưng vẫn có thể hiểu được: ông ta đã ghe câu chuyện linh hồn bay của anh, ông ta muốn anh ghé qua nhà, ghé qua văn phòng làm việc của ông, nói với mọi người phải tổ chức một lễ tang quốc gia, tiêu chuẩn ông được quàn ở Nhà Vĩnh Biệt số 8 Lê Quý và ông muốn địa táng tại nghĩa trang An Viên, nơi ông đã bỏ ra cả trăm tỷ chuẩn bị ngôi nhà vĩnh cửu của mình…Vị bác sỹ lắc đầu và cố giải thích cho ông ta hiểu: lúc này vì dịch, ai bị dương tính với covid chết cũng phải hoả táng, không được địa táng, kể cả sếp ông ta, và cao hơn sếp ông ta. Rồi khoát tay ra hiệu cho anh hãy cứ bay đi.
“Chìa khoá nhà tôi để dưới chậu hoa thứ ba tính từ cổng qua phải. Còn máy tính, email, các tập tin tôi luôn để mở...”. Anh suýt phì cười. Với anh chìa khoá nhà, khoá phòng…nào có ý nghĩa gì. Nếu có anh cũng không đủ sức để tra chìa vào ổ và mở. Anh bay như gió, đâu cần mở cửa để vào nhà.
Một ngôi nhà như trong mơ, một căn phòng làm việc như trong mơ. Có lẽ, ông bác sỹ đã đổ vào đây rất nhiều tiền kiếm từ những người bệnh khốn khổ, từ những cái van tim không đủ chuẩn, từ những cái stent nong mạch máu không đủ chuẩn…Phòng làm việc của ông có diện tích đủ cho cả đám nhân viên phờng kỹ thuật máy-gầm của anh. Có đến 3 chiếc máy tính bàn hiệu quả táo (mà anh đã dự định mua mấy lần khi nghe báo giá lại thôi) đang ở trạng thái ngủ, chỉ cần chạm khẽ vào phím bất kỳ là bừng sáng. Anh ngồi vào cái máy tính ngay ô cửa sổ (ông bác sỹ dặn thế). Việc đầu tiên gửi đơn kiến nghị. Nó đã hoàn tất, đã được lưu trong mục nháp, anh chỉ cần kích chuột gửi đi.
Danh sách địa chỉ email những người nhận thư làm anh kinh hãi. Đúng tất cả các vị quan chức trong trong ngành y, tất cả giám đốc các bệnh viện lớn, khoảng ba chục địa chỉ là các vị đại biểu quốc hội. Đúng! Như ông giáo sư nói: vấn đề là thư được gửi từ ai để được đọc. Anh dừng ít phút để tìm tên ông giáo sư trên google. Một người quá nổi tiếng trong ngành y, đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bằng bàn tay phẩu thuật tài hoa của mình, tên luôn xuất hiện ở các cuộc hội thảo về tim mạch. Anh đã không biết đến núi Thái Sơn vì suốt ngày chỉ quan tâm đến máy-gầm…Đọc đoạn cuối cùng cuối đơn kiến nghị làm cho anh hết giận, hết khinh thường ông bác sỹ: “Tôi kiến nghị giải pháp chống covid này không gì ngoài mục đích cứu sống các bệnh nhân, giải toả các áp lực điều trị đang dồn lên tuyến trên và chính áp lực này đã gây tổn hại đến lực lượng chống dịch, gián tiếp giết chết người bệnh…Tôi sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm nếu giải pháp của tôi sai. Tôi chấp nhận bị thu hồi tất cả bằng cấp, danh hiệu, chức vụ. Chấp nhận bị đuổi khỏi ngành và cả việc bị truy tố trước pháp luật.”
Năm lần enter cho cách nhóm nhận thư. Anh đã hoàn tất công việc quan trọng nhất.
Bây giờ là email thư bác sỹ gửi cho con gái. Nhưng, tại sao ông bác sỹ không gửi thư cho vợ ông ta nhỉ. Anh dễ dàng tìm ra địa chỉ email của vợ bác sỹ. Ừ, có thể ông ấy quên, hoặc không muốn phiền mình. Nhưng đó là một lá thư cần gửi. Anh đọc lướt qua nội dung trao đổi những lá thư gần đây của họ và soạn một email với cách viết đúng giọng ông bác sỹ: “Hãy cẩn trọng để bảo vệ em, bảo vệ con qua mùa dich. Đừng buồn khóc nhiều về anh. Hãy vui vẻ sống và nếu gặp người tốt em hãy đi bước nữa!”
Việc cuối cùng của anh, gửi email cho con gái bác sỹ. Cái đồng hồ trên tường điểm chuông cho anh biết đã qua ngày thứ ba hai tiếng đồng hồ, kể từ khi tên anh được ghi vào sổ tử. Theo tính toán của anh với tốc độ thiêu của lò rạng sáng nay sẽ đến lượt ông bác sỹ và anh. Chậm nhất trước 5h00 sáng anh phải quay về với phần xác của mình.
Những thao tác trên máy tính của anh đã trở nên khó khăn chậm chạp. Phải nhiều lần nhập mới được một chữ cái. Anh biết giới hạn còn lại của linh hồn mình. “Vĩnh biệt con gái yêu quý của ba. Con có thể tự hào về một người cha bác sỹ cả năm qua đã hết mình chống dịch, cứu người. Và hôm nay, ba đã dũng cảm gửi đi bản kiến nghị đề xuất về giải pháp chống dịch covid mới. Nếu được thực hiện sẽ cứu được rất nhiều người…Chắc chắn con và mẹ sẽ qua được khiếp nạn này của loài người. Hãy sống phần đời còn lại cho hàng ngàn người đã bị covid cướp mất con nhé. Hãy trân trọng từng ngày được sống con yêu nhé !
Hôn con rất nhiều…”
Ghi chú chung cho cả hai bức email: Thư này, bác sỹ đã soạn sẵn trước đây mấy ngày nhưng chưa kịp gửi đi thì ông bị đột quỵ trong lúc đang làm việc. Bác sỹ đã ra đi lúc 14h30 ngày…tháng 7 năm 2021. Được hoả thiêu tại lò thiêu Hoá Thân, tro cốt sẽ được chuyển về địa chỉ nhà riêng. Xin được chia buồn cùng gia đình, cùng chị và cháu! Bác sỹ đã tận tuỵ vì bệnh nhân đến phút cuối cùng. Ông xứng đáng với danh hiệu một bác sỹ anh hùng !”
Khi ấn vào nút “sent”gửi email, anh đã mệt đến lim đi thoáng chốc.
***
Khi anh quay về đến lò thiêu. Xe cứu thương đã rời đi. Chiếc quan tài chứa cái xác của anh đã được đưa từ xe cứu thương ra, xếp ngay trước lò thiêu số 12, trong lò quan tài ông bác sỹ gỗ đang phần phật cháy, còn quan tài và thân xác ông quan chức đã thành tro bụi, được bốc vào khu chờ tàn than nguội để đóng vào bình tro cốt.
Rất lạ, anh không nhìn thấy bóng dáng cả hai: ông bác sỹ và ông quan chức. Không lẽ linh hồn họ đã thăng thiên về miền cực lạc, không lẽ linh hồn họ đã thiêu cháy cùng thân xác. Còn sống nhà nghiên cứu về linh hồn Giáo sư Nguyễn Tuấn chắc chắn sẽ sốc, hoang mang cực độ…
Anh nhập vào thân xác mình…Sau khi chết con người còn lại gì với anh cũng chẳng có gì quan trọng nữa. Anh đã cố gắng nhiều năm qua sống tốt trên trần thế, ngày hôm nay, anh đã gắng sức làm những việc có thể làm cho những người sống…Chỉ ít giờ nữa thôi, thân xác anh sẽ bị thiêu cháy thành tro bụi. Linh hồn về đâu, anh cũng không còn bận tâm…!
Sài Gòn- thanh minh 2022.
(Truyện đăng Nhà văn & cuộc sống số 14)