TIN TỨC

Hơn cả một tượng đài

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-06-09 05:50:18
mail facebook google pos stwis
2949 lượt xem

 CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

NGUYỄN MINH NGỌC

Về quê hương địa đạo Củ Chi, ghé vào xã Phước Hiệp, thăm Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành. Người dân quanh vùng thường gọi má bằng những cái tên thân thương: “Má Tám Rành”, “Bà mẹ Củ Chi”, “Bà mẹ Đất thép”, “Bà má Dũng sĩ”. Ngoài ra, do ghiền trầu từ thời trẻ, nên má còn được gọi là “Má Tám Trầu”.

Tuổi thơ nhọc nhằn

Cô bé Rành chào đời năm 1900 trong một gia đình nông dân nghèo, sẵn có truyền thống yêu nước ở ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Bấy giờ, ở Nam kỳ, hội kín phát triển mạnh, đặc biệt là phong trào “Thiên Địa hội” của Phan Xích Long nổ ra tại Sài Gòn đã có tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân. Năm 1913, người cha của Rành bị thực dân Pháp bắt vì tội “làm quốc sự”, bị đày ra Côn Đảo và biệt tích. Nhà chỉ có hai anh em, quá nghèo và cực khổ, nên người anh của Rành đi ở trừ nợ từ trước. Ngày ngày, Rành đi mò tôm, xúc cá, mang ra chợ kiếm cái đắp đổi qua ngày. Nỗi đau mất cha còn chưa kịp nguôi ngoai, thì người mẹ đột ngột qua đời. Với món nợ truyền kiếp, nhưng “gia sản” chỉ có căn lều rách te tua như lều vịt, nên dù mới 14 tuổi, Rành bị tay xã trưởng cho người lôi về nhà hắn. Quãng đời đi ở đợ làm công, đói rách, cơ cực không sao kể xiết. Nhưng cô bé Rành cứ thế vụt lớn lên thành một thiếu nữ biết tự trọng, giàu tình cảm và cứng cỏi.

Mười tám tuổi, Rành gặp anh hương sư Nguyễn Văn Cầm (Tám Cầm), quê ở ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An, về dạy học trong vùng. Rồi họ nên vợ, nên chồng. Hai năm sau, tại ấp Trại Đèn, đứa con trai đầu lòng chào đời. Rồi anh Tám được cử về miền Tây trông coi một ngôi trường vừa mới mở. Tại đây, Tám Cầm gặp được những người cùng chung chí hướng, yêu nước, ghét Tây.

Dâng hiến cho cách mạng và kháng chiến

Trong vòng 22 năm (1920-1942), má Nguyễn Thị Rành sinh hạ 10 người con, 8 trai, 2 gái. Năm 1941, thầy giáo Cầm quyết định nghỉ dạy để có điều kiện hoạt động cách mạng, tham gia Việt Minh. Vợ chồng má luôn giáo dưỡng con cái biết sống tử tế, giàu tình thương và có nghĩa khí; anh chị làm gương cho em út. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, thực dân Pháp trở lại gấy hấn, đánh chiếm Sài Gòn, rồi mở rộng ra toàn xứ Nam bộ. Nguyễn Văn Dúng, người con lớn đã giấu cha mẹ gia nhập bộ đội, anh được phân công làm Xã đội trưởng xã Phước Hiệp. Má nói với đàn con: Đứa nào lớ quớ theo giặc, tao chém! Năm 1947, má Tám Rành tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc xã. Trong lúc chỉ huy anh em đánh bọc hậu một đơn vị địch, anh Hai Dúng hy sinh, để lại người vợ trẻ và đứa con trai. Thương con đứt ruột, má xót xa cho con dâu còn quá trẻ và đứa cháu đích tôn thơ dại. Nhưng không gì cản được các con của má lần lượt nối tiếp nhau cầm súng đánh giặc. Năm 1954, má Nguyễn Thị Rành làm Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ và là Chính trị viên Xã đội Phước Hiệp. Những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, vợ chồng má nhận thêm một tin xé ruột: người con thứ 2 là Nguyễn Văn Sóc, tiểu đội trưởng đặc công hy sinh tại Long An.

Trong thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam, Củ Chi là một trong những nơi bị địch đàn áp khốc liệt, nhất là sau khi có đạo luật phát xít 10/59, Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam. Ngoài việc tham gia “đội quân tóc dài”, đấu tranh trực diện với địch, má Tám còn đào hầm nuôi giấu cán bộ, tiếp tế cho du kích… Địch bắt nhốt má nửa tháng trời tại đồn quận lỵ Củ Chi, để hòng dụ Nguyễn Văn Vé người con thứ 4 ra hồi chánh. Và thêm một khúc ruột của má bị cắt lìa, chiến sĩ du kích Năm Vé anh dũng hy sinh. Nuốt nước mắt vào trong, vợ chồng má kêu cả đàn con đến trước thi hài của Năm Vé và nói như dao chém đá: “Mấy đứa bây coi gương của anh Hai, anh Ba, thằng Năm. Coi đó mà trả thù cho tụi nó!”. Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, gần giáp Tết, má Tám Rành cùng một số người trong Hội Mẹ chiến sĩ được mời dự hội nghị do Huyện ủy Củ Chi tổ chức bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Ngắm lá cờ nửa đỏ nửa xanh, lòng má bừng lên một tinh thần mới!

Năm 1965, Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Cùng với việc xây dựng căn cứ Đồng Dù, địch tăng cường chà xát, biến Củ Chi thành vùng trắng, bình địa. Sau khi bẻ gãy 2 trận càn với quy mô cực lớn là Crimp (Cái bẫy) và Cedar Falls “bóc vỏ trái đất”, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn Miền lần thứ 2 (tháng 9/1967), Củ Chi được tặng danh hiệu “Đất thép Thành đồng”. Cùng trong năm này, má Rành ba lần nhận tin dữ. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hè, người con thứ 5 bị địch khui hầm, trúng đạn chỉ cách nhà mẹ chừng vài trăm thước. Tiếp đến, đứa cháu nội Nguyễn Văn Rưng (con anh Hai Dúng), tiểu đội phó đặc công, hy sinh. Người con thứ 8, Nguyễn Văn Nâng, Xã đội trưởng Phước Hiệp bị pháo địch dập trúng. Là chính trị viên xã đội, má nuốt nước mắt, cắn chặt môi, nén lòng để giữ vững tinh thần cho các chiến sĩ du kích tiếp tục chiến đấu.

Tết Mậu Thân 1968, ông giáo Tám đau yếu phải về quê nội dưỡng bệnh. Một mình má Tám sửa soạn ban thờ cúng gia tiên. Trước 5 bát nhang, má lầm rầm khấn: Các con sống làm chiến sĩ, chết anh hùng vì dân vì nước, ráng phù hộ cho anh em đánh giặc. Rồi má lấy chéo khăn rằn chấm nước mắt… Ra giêng, má Tám Rành đứt đoạn thêm hai khúc ruột nữa. Chiến sĩ Nguyễn Văn Sướng, con thứ 7, vừa ngã xuống; tiếp đến Nguyễn Văn Huội, con thứ 6 hy sinh trong trận nhổ đồn địch ở An Nhơn Tây. Nhận tin dữ, má ôm con dâu và đứa cháu nội (con Bảy Huội) vào lòng, ngỡ mình không sống nổi. Bọn ác ôn đưa má Tám về đồn, giở trò dọa dẫm đủ đường, suốt tuần lễ, má không ăn, chỉ nhai trầu, uống nước cầm hơi. Cuối cùng chúng đành chào thua và thả bà Tám Trầu “cứng cổ”. Huyện ủy, Huyện đội Củ Chi lo cho sự an nguy của má Tám, nhưng má không chịu. Má nói với anh em, tụi bây báo với cấp trên, Tám Rành này còn giọt máu cuối cùng vẫn một lòng một dạ với cách mạng!

Đầu năm 1969, trong một trận đột nhập căn cứ địch, quân ta diệt nhiều tên. Khi đơn vị lui quân, chiến sĩ Nguyễn Văn Luông, người trai út của má Rành ở lại cản hậu và trúng đạn. Trước tột cùng nỗi đau, cả 8 người con trai cùng đứa cháu đích tôn hy sinh, năm sau, ông giáo Tám Cầm về với ông bà tổ tiên. Năm 1970, thêm đứa cháu ngoại là chiến sĩ Huỳnh Văn Cường, con chị Nguyễn Thị Săng (con thứ 3 của má), hy sinh tại Mộc Hóa, Long An.

Dường như má Rành đã khô kiệt nước mắt. Con người má quánh đặc nỗi đau. Nhưng không chỉ lao vào hoạt động, má như cây cột trụ làm chỗ dựa vững chắc cho con dâu, con gái kiên cường sống. Ngày 29/4/1975, từ sáng sớm má Tám đã xuống đường. Má treo cờ đỏ sao vàng lên ngọn cây điệp ở đầu ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp, mở màn cho cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân xã nhà.

Tượng đài bất tử

Ngày 6/11/1978, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Thị Rành, vì đã “làm được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Ngày 26/1/1979, má Tám Rành qua đời. Năm 1983, vợ chồng má được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đến năm 1994, má Rành được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có 8 người con và 2 cháu nội, ngoại hy sinh cho Tổ quốc. Để ghi nhớ công ơn của “Bà mẹ Đất thép”, Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định chọn con đường đẹp nhất Củ Chi mang tên Nguyễn Thị Rành. Đường dài gần 20km, từ ngã rẽ quốc lộ 22 thuộc ấp Bàu Đưng, xã Tân An Hội, kéo qua Trung Lập Hạ, Nhuận Đức, An Nhơn Tây và kết thúc tại điểm đầu tỉnh lộ 8, xã Phú Mỹ Hưng. Trên con đường này, có một trạm y tế mang tên má Tám.

Đại hội đại biểu Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX (2011-2016) ra nghị quyết chọn công trình Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Rành là 1 trong 6 công trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2011-2016. Công trình được khởi công từ tháng 7/2012 và khánh thành cuối tháng 1/2013 trên nền nhà cũ của má. Giai đoạn 2 mở rộng  được hoàn thành vào tháng 10/2016, với tổng diện tích 5.609 m2. Kinh phí xây dựng do cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ 24 quận, huyện, các đơn vị và Mạnh thường quân đóng góp. Bên trong nhà có phù điêu chân dung má Tám Rành. Phía trên bàn thờ là ảnh Bác Hồ với câu nói của Người: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ hai miền Nam - Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Tiếp đến là bài vị thờ chồng má, cùng 8 con trai, 2 cháu liệt sĩ. Phía trước trang thờ, trên hai cột được chạm khắc cặp câu đối: “Trước sau một dạ anh hùng, quê nghèo đất thép; Con cháu mười người Liệt sĩ, tay trắng lòng son”. Gia tài của “Bà mẹ Củ Chi” được lồng trong tủ kính là 5 cái chén đĩa, 1 cây đèn bão, 1 cái cối giã trầu bằng đồng bé tẹo và một xấp dày giấy báo tử… Chỉ vậy thôi, nhưng dân tộc này, đất nước này sẽ trường tồn mãi mãi bởi những người mẹ như má Nguyễn Thị Rành. Mất con nhưng còn nước! Đức hy sinh của má Tám Rành không gì sánh nổi, vâng, có lẽ nó còn hơn cả một tượng đài!

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP.HCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm