- Lý luận - Phê bình
- Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
Nhà thơ Trần Lê Khánh
Lục bát thiền dẫn dắt cả người viết lẫn người đọc vào những chiêm nghiệm nhẹ nhàng và sâu lắng. Vì vậy, lục bát thiền với hai thành tố “lục bát” và “thiền” cần sự suy tư và kết nối chặt chẽ. Nói cách khác, đó là phép cộng giữa đồng điệu và đồng cảm
Tập thơ “Đồng” của tác giả Trần Lê Khánh là một đường biên dài vo tròn lại của hành trình khai phá một hướng thơ ngắn gọn, gãy gập, xúc tích mà ông đã dày công thực hiện lần lượt qua các thi tập trước, bao gồm “Lục bát Múa”, “Dòng sông không vội”, “Ngày như chiếc lá”, “Giọt nắng tràn ly”, “Xứ - rung một ngọn mây” và “Ngàn bài thơ khác” (được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022).
Nếu đặt tập thơ “Đồng” trong sự tương quan của các tập thơ trước đó, tôi mường tượng ra hướng đi của nhà thơ, hẳn là đã rất dày công để khai mở và bảo vệ nó khỏi sự tác động của các thể, loại, bài thơ cùng hơi hướng khai thác của các thi nhân khác. Tôi dùng từ dày công vì tính đến nay thì “Đồng” là thi tập thứ 8 của Trần Lê Khánh, cả 8 tập thơ đều theo một con đường độc đạo duy nhất là: Ngắn. Dù là ngắn nhưng đủ, đủ trải cho tâm tư mình, đủ gợi cho người đọc và đủ chiêm nghiệm cho con chữ ông viết.
Xưa nay, điều đầu tiên thơ mang là tâm tư của nhà thơ, Trần Lê Khánh không ngoại lệ. Ở tập thơ “Đồng” cũng nhiều âu lo, nhiều tâm thức của ông phả vào câu chữ “nghe quen tiếng dế bao đời/ như cành củi mục tự rơi một phần” (Xứ 100). Có lẽ, đâu đó trong hành trình thơ, hành trình sống của mình, có lúc ông bế tắc, loay hoay tự hỏi lòng trên con đường vời vợi của thi ca. Và trong những đêm tối thừa mứa buồn bã ấy, ông giãi bày “ta đùn con chữ ra xa/ trên trang giấy trắng tay ta nằm buồn/ hoàng hôn trở dạ ven đường/ sinh ra gã ngốc trần truồng tâm can” (Xứ 16).
Lục bát là thể thơ rất dễ làm nhưng khó hay, dễ làm vì vần điệu của nó nhưng nếu sa vào vần điệu sẽ gò ép câu chữ, làm câu thơ đọc lên rất suông nhưng ít hoặc gượng nghĩa sẽ gần với ca dao, hò, vè hơn. Có người từng ví làm thơ lục bát như đi trên lưỡi dao lam, không khéo sẽ đứt ngay, nghĩ cũng có lý.
Ngoài sự dụng chữ đáp ứng yêu cầu vần điệu của quy định thể loại, người làm thơ lục bát còn phải có sự kiên định và sáng tạo riêng biệt trong mỗi ý, mỗi câu. Bởi lẽ, tiền nhân người Việt đã mòn chân trong khu vườn lục bát. Viết lục bát, mà lại theo đuổi lục bát thiền, đôi khi cũng là một sự liều lĩnh của người làm thơ.
Tập thơ “Đồng” của Trần Lê Khánh có tất cả 10 chương, gồm 100 bài lục bát vừa vặn nhưng không khó để khẳng định lục bát của Trần Lê Khánh là lục bát mới. Thơ ông mới trong cách nghĩ, cách triển khai, như việc ông tìm thấy ánh sáng của cuộc sống mình “trong ngôi đền của loài người/ một đốm lửa nhỏ bằng mười đêm trăng” (Xứ 13) hoặc “con cá đục thủng mặt hồ/ giấc mơ người mỏng như tờ giấy lanh” (Xứ 99).
Tập thơ "Đồng" do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
Cái mới của tập thơ “Đồng” không chỉ ở ý tứ, mà dường như nó còn được tiếp sức qua kinh kệ, qua sự thong thả mang hơi hướng thiền. Đọc qua 100 bài thơ, không khó bắt gặp những quang cảnh nhuốm màu thiền “nhà sư sửa lại hình hài/ ánh đèn sờ rớ lên vài chỗ quen” (Xứ 98) “bức tượng đã lớn trong chùa/ người loay hoay đặt cho vừa bóng trăng” (Xứ 20) hoặc “ngôi chùa leo đến lưng đồi/ thì nằm đó thở cùng tôi kiếp nào” (Xứ 74)
Tác giả Trần Lê Khánh đã làm thơ như dụng đạo. Tất cả bài thơ đọc xong, dù nặng nề hay trăn trở đến cuối cùng đều trôi qua nhẹ nhàng, như áng mây lửng lờ, nắng chiều về núi. Trong miên man lục bát thiền của ông, có bài thơ “Xứ 71” đã đọng lại tôi sau khi đọc. Thiền đó, đạo đó và cũng yêu thương đó, đời thường đó và trăn trở để tha thứ: “người về khoác chiếc áo tu/ mảnh vải quệt đất như mù đường xa/ chiều đã nhập vào cánh hoa/ và em chỉ ngắt đời ta một lần/ người khất sĩ bỗng dừng chân/ có kẻ quỳ xuống xin dâng tiếng cười/ kiếp này rồi kiếp nữa thôi/ là hết quá khứ của mười ngón tay”
Chủ đích viết lục bát thiền, nên thơ Trần Lê Khánh không quá xù xì. Dù có đặt vào một vấn đề nhân sinh hay triết lý, chữ nghĩa cũng đưa ra rất tự nhiên kết hợp ngôn ngữ đời thường. Chính vì sự kết hợp này, người đọc chiêm nghiệm về thi ca như một cơ hữu của hơi thở hàng ngày “sông còn giữ sóng nổi không/ bàn tay ta vỗ lên dòng nước xanh” (Xứ 08).
TRẦN ĐỨC TÍN