- Bút ký - Tạp văn
- Món của cha – Tạp văn của Trần Thế Tuyển
Món của cha – Tạp văn của Trần Thế Tuyển
Thuở ấu thơ, bậc song thân của tôi- dưới con mắt của lũ trẻ là những người nấu ăn tuyệt vời . Mẹ thì khỏi phải nói. Nhân con gái đi xa về, theo đơn đặt hàng của cháu, tôi đi chợ sớm nấu món mà hai chị em cháu ưa thích. Chợt nhớ đến Cha và những món người nấu cho chúng tôi ăn thuở xa xưa.
Cầy củ chuối
Bây giờ thì ít người ăn thịt thú cưng ấy. Nhưng xa xưa, đó là món ngon nhất trong khẩu vị của đại đa số, nhất là người Nam Định và các tỉnh phía Bắc.
Tôi nhớ mỗi lần đi “đánh đụng“ thịt cầy, cha tôi thường bảo tôi ra vườn đào củ chuối. Người dặn, con đào củ nào không già không non nhé?
Tôi đi khắp vườn và chọn bụi chuối xanh tốt nhất để đào. Mang về cha nhìn lắc đầu. Có khi người phải đích thân ra vườn tìm củ chuối cho ưng ý. Cha tôi về với tổ tiên đã trên 20 năm nay, tôi vẫn còn nhớ như in món cầy nấu củ chuối của Người. Món ấy vừa thơm mùi đặc trưng vừa béo ngọt trong cổ họng.
Sau giải phóng Sài Gòn, chúng tôi đón Người vào chơi. Một hôm hết giờ làm việc tôi phóng xe ra chợ Ông Tạ (trung tâm thịt cầy lúc bấy giờ) mua cân thịt cầy về nhờ cha nấu. Người bảo con thích nấu món gì ? Dạ củ chuối thịt chó ạ. Thế là tôi phóng xe vào cơ quan - nơi ấy có vài bụi chuối. Tôi hỳ hục đào bới. Chọn củ ngon nhất mang về và hy vọng cha khen. Thái củ chuối xong, người chép miệng: Tạm vậy không bằng củ chuối quê ta. Đúng vật, cả nhà ngồi quây quần quanh mâm cơm. Mùi thịt cầy xào củ chuối thơm nhức mũi . Chúng tôi khen ngon tấm tắc, còn cha chép miệng bảo tàm tạm thôi.
Ký niệm ấy cứ neo đậu trong ký ức chúng tôi mãi.
Sườn nấu chua ngọt
Đó là món do chính tôi nấu và các con tôi thích khi chúng còn thơ bé. Thời ấy, cả nước đói. Đói đủ thứ. Có điều kiện chọn thịt chúng tôi chọn miếng nào có nhiều mỡ nhất. Cơ quan mua được ít thịt heo xô (cả xương) từ phòng quân nhu quân khu. Tôi nài nỉ cho miếng sườn để về nấu món chua ngọt cho con. Trên đường về tôi tạt qua chợ đường tàu mua nào cà chua, me, rau thơm…
Và món chua ngọt ra đời như thế. Tôi hì hụi chế biến. Hai đứa con gái bé nhỏ của tôi như đôi chim đang chờ mẹ mớm mồi. Khi nổi lửa mắt chúng không rời bếp. Mùi thơm từ món sườn xào chua ngọt làm chúng đứng ngồi không yên. Chắc các con tôi cũng giống cha của chúng khi ngồi xem ông nội nấu món cầy xào củ chuối
Và chỉ chờ thế thôi, khi cha cho nếm thử một miếng…
Ngày cuối tháng cuối năm Giáp Thìn con gái út ét của chúng tôi đưa gia đình về ăn tết vừa rời sân bay Tokyo con đã nhắn tin: Ông ngoại nấu cho con hai món: Sườn xào chua ngọt và rau muống xào tỏi. Bốn giờ sáng thức dậy tôi khẩn trương ra chợ. Không phải chợ Đường Tàu xưa kia mà chợ truyền thống mang tên Nguyễn Đình Chiểu. Tôi chọn quầy bán thịt heo có uy tín nhất. Bán cho tôi nửa ký sườn non về xào chua ngọt cho con gái ở xa về. Xào kiểu Bắc phải không chú? Vừa hỏi anh chàng chủ quầy vừa lục tìm cho tôi miếng sườn ngon nhất. Xong, anh ta chỉ cho tôi đến mua gia vị tại quần bán rau củ quả. Chú đến đó cứ nói nấu sườn heo chua ngọt kiểu Bắc là bà ấy sẽ bán cho chú đầy đủ.
Anh chàng bán thịt nói thế. Nhưng tôi nấu kiểu các con tôi ưa thích. Cứ thế mà làm. Vài quả cà chua, ít me chua, rau thơm và gia vị.
Bây giờ thì món ăn truyền thống khoải khẩu của con gái tôi đã xong. Tôi bày mâm cơm với món con tôi ưa thích: sườn heo chua ngọt và rau muống xào tỏi.
Thư một miếng con gái tôi tấm tắc: ông ngoại tuyệt quá, Vị đậm đà khó quên như ngày xưa.
Nhân câu chuyện món sườn heo xào chua ngọt tôi ngộ thêm rằng, song thân sinh thành, dục dưỡng. Ký ức lại tuỳ thuộc vào mỗi người. Dĩ bất biến ứng vạn biến. Không chỉ trong ký ức mà còn nhiều thứ, trước hết là văn hoá (bao gồm văn hoá ẩm thực) cần “cái gì giữ phải giữ cho bằng được. Cái gì có thể thay đổi thì cứ thay đổi. Cốt lõi cái thay đổi ấy để “dĩ bất biến” hơn .
Sài Gòn, chiều 31-12-2024.