TIN TỨC

Đào Bá Đoàn - Người đi bỏ mặc nhân gian (phần 2)

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
658 lượt xem

Phùng Văn Khai

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Văn xuôi của chúng ta kể từ cái mốc sau Đổi mới (1986) về cơ bản đã có những tìm tòi thể hiện nhưng thực sự đổi mới về thi pháp thì còn khá tự phát và từ đó dường như chưa có được thành tựu nào nổi trội ở mặt này. Với hai tiểu thuyết Những mảnh vỡ và Đường không hết lối đã hoàn thiện và ra mắt độc giả cùng vài chục truyện ngắn trong tập Rượu của thời chưa sinh và một số truyện ngắn in rải rác trên các tạp chí, báo trong và ngoài nước, các trang báo mạng đã cho thấy rõ ràng một nỗ lực cách tân về thi pháp của Đào Bá Đoàn trong từng đoạn văn, truyện ngắn, tiểu thuyết.

Nhà văn Đào Bá Đoàn

Văn chương Đào Bá Đoàn đã bứt phá về mặt hình thức vượt lên những người đồng thời với anh nhưng không vì thế mà nó gây được sự chú ý lập tức của giới phê bình, những người sáng tác trong giới. Tôi không trả lời được câu hỏi này. Văn chương ở chúng ta có những lúc rất kỳ cục và những gì lấp lánh thực sự, đáng ghi nhận thực sự lại thường rơi vào im lặng còn những thứ la làng, rỗng tuếch, dị hợm lại dường như được tung hô.

Nhưng thực ra tôi gắn với anh nhiều nhất, thuộc nhất, bộc lộ đến đáy nhất lại là ở trong đời sống thường nhật.

Điều đó cũng khá lạ lùng. Khác cơ quan, khác nhiều thứ như gia đình, sở thích, tính nết, quan điểm, bè bạn… nhưng cũng chẳng hiểu bằng lý do nào lại cứ luôn dính dấp vào nhau, có những lúc như những kẻ đồng tính đến thế. Một cuộc chơi thường kéo dài có khi đến cả tuần, lê la, lang bang vùng đất này sang vùng đất khác. Có khi hứng chí bắt xe, nhảy tàu vào tận Tây Nguyên, đi biên giới nằm nghe mang tác chán lại xuống suối bắt cá rồi thì đêm đi săn ngày uống rượu mãi cũng nhàm lại xuôi xuống Sài Gòn đèn xanh đèn đỏ áo dây áo mảnh tùm lum văn nghệ cũng lại chán lại bắt xe ôm ra bến tàu cưỡi tàu cánh ngầm xuống Vũng Tàu leo lên xe của nghệ sĩ bạn bè học Đỗ Mão lượn mấy vòng bán đảo cởi quần áo nhao xuống biển bơi loanh quanh mấy hôm ngắm Tây ta nồng nỗng rồi thì nào có bớt được cô đơn cô độc cho cam dẫn đến ông chẳng bà chuộc dằn dỗi bỏ vé máy bay bắt xe định chia loan rẽ thúy rồi thì xé vé xe ô tô nâng chén rượu làm lành thảy là đã biết bao lần.

Anh đã có những ứng xử tinh tế, thậm chí tài tình với những người chiến sĩ nơi biên giới. Khi ấy trong đêm rừng mưa rét thời khắc cuối năm, những người lính chụm vào nhau bên gộc củi cháy hồng. Những câu chuyện cuộc đời được đem ra rí rách bên ché rượu khi thơm nồng khi đắng chát. Nước mắt đàn ông rơi lèo xèo xuống tàn lửa bỏng. Họ kể về một đồng đội của họ, một gã đàn ông ưa thích săn bắn đã bị rừng thẳm báo thù bằng cách tước đi toàn bộ phần làm giống làm má của con người. Bi kịch từ đó cứ liên tiếp giáng xuống con người táo tợn ấy. Mất việc làm, mất nhà cửa, mất những người thân yêu nhất và cuối cùng là mất niềm tin và cuộc sống. Tôi không tham gia vào câu chuyện chỉ nằm im nhìn ra phía ngoài trời đang ngày càng đen đặc và gió vùng biên ải thổi dồn mỗi lúc gào rú đập thình thình trên những mái tôn rách nát. Những người lính ở đây luôn ít nói. Nhiều người đã lớn tuổi nhưng chưa có gia đình riêng và hoàn toàn có thể khó thực hiện điều ấy vì những lý do khách quan và chủ quan và cơ bản nhất là do chính họ. Họ dần dần như rời khỏi những ồn ào náo nhiệt, tranh giành, vồ vập sống còn của cuộc sống. Anh ngồi im, lúc này sao tôi thấy anh giống họ quá. Họ như lẫn vào nhau, lẫn vào sương khói nơi biên giới hoang vu. Đêm dần tàn. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Khi cặp mắt cay xè líp nhíp mở ra vẫn thấy bóng những con người in sững trên vách gỗ. Họ đã thì thầm trò chuyện với nhau suốt đêm. Về nỗi cô đơn tiền kiếp của con người? Về một tương lai, một chân trời mới? Chỉ biết rằng trong suốt hành trình dọc tuyến biên giới những ngày đông giáp tết ấy, những người lính như bị anh hấp dẫn và chính họ hấp dẫn lại anh đến mức có lúc tôi như phát ghen lên.

Như mọi chuyến đi, cuối cùng chúng tôi cũng phải trở về nhà.

Nhưng anh sẽ trở về đâu trong cái thành phố hỗn độn mênh mông ấy?

Tôi thấy anh lần chần, nấn ná, tuồng như không muốn trở về nữa. Tôi bàng hoàng. Con người khi không còn muốn trở về nơi ra đi của mình, cho dù chỉ là một chuyến đi, cho dù nơi trở về cũng chỉ là một điểm thuê mướn bọt bèo thì cũng là một điều khủng khiếp. Gánh nặng cô đơn và cao hơn thế, sự cô độc lúc nào cũng như săn tìm truy bức anh. Trong các sáng tác của mình, điều đó luôn hiện lên lồ lộ. Anh bộc lộ cái tôi rất quyết liệt nhưng luôn theo cách riêng của mình và không lẫn với ai.

 

Khi sinh ra, tôi không biết đi mà chỉ biết bò. Động tác cũng thật kỳ lạ, cứ phải vặn vẹo đến nhăn nhó vì đau đớn thì mới di chuyển nổi thân xác. Một cái vệt nhớt ngoằn ngoèo vạch lên trên một nền đất trắng xóa. Tôi đau đớn nhận ra mình hoàn toàn một mình. Tứ phía hoang vu và ác độc. Tứ phía như đều có những con mắt thao láo hằn học và giễu cợt. Có gì như chờ đợi tôi kiệt sức để khẳng định một sự thắng thế lý tưởng. Mà thực chất cái âu lo đã tràn tới ngấm vào trí não khiến tôi chỉ muốn gục xuống mà khóc. Niềm phấn khởi đủng đỉnh ở phía xa xôi, cũng ngạo nghễ giống một tiều phu không thiết nhìn ngắm sự sống và cuộc đời, vì cho rằng mình duy nhất tồn tại bằng vô ưu không hình sắc và định lượng thời gian. Điều cay đắng là những hạt cát cũng chẳng muốn bám vào tôi, dửng dưng như sự khinh bỉ không cần nguyên cớ. Không có nước mắt. Không. Không hề có nước mắt. Ngay từ những phút đầu tiên đã không hề có nước mắt. Loãng nhạt và trống hoác. Một cảm giác se sắt từ từ xâm chiếm khiến những tiếng đập ngắt đoạn như phân tách thực thể làm nhiều hạt nhỏ rồi cố tình không muốn kết dính. Im lặng thì bền vững còn mẫn cảm thì tơi bời. Ba mươi ngày không bằng một phút thậm chí ba trăm ngày cũng không bằng một phút. Thế mà đã có truyền tụng rằng, sự gắn kết để sinh thành vốn khó khăn và đau đớn, khoái cảm chảy tràn trong từng ống máu và tế vi đến mức muốn tự tử. Đấy. Niềm tin khó đạt được, ngay từ hơi thở đầu tiên giao hòa với đất trời. Thân thể nhiệt hạ, linh cảm rã rời một tình yêu mỹ lệ. Tôi cố rướn. Dù sao cũng phải công nhận, khát vọng tiến lên phía trước là có thật, mặc dù phía trước ấy hoang vu và đầy bất trắc. Sự ngây thơ cũng vậy, tôi đã tiêu pha nó từ trong bụng mẹ, hơn thế, từ khi chưa có cuộc giao hoan, nó đang ở cả trong hai phía với những nỗi khát hoàn toàn ích kỷ; khi chập làm một thì tự thân đã rất hoang toàng cho nên không thể nào tiết kiệm. Tôi lại cố rướn. Oằn mình để mà rướn được. Nhưng mà vẫn khó khăn lắm. Tiếng thở nghe rõ quá, lớn như tiếng rít của mãnh cầm hoặc khúc cứa của hai miền hoang vắng. Tiếng thở buồn nản. Tiếng thở nhũn nhùn vào lúc trí lực teo đi như hạt vừng. Tiếng thở lại mảnh như sợi tơ bay vào không khí. Rồi tiếng thở lại to dần, lại một lúc như tiếng cọ nhau (lần này thì) của mãnh cầm và hoang biệt. Tôi không muốn chết. Đó là chân lý vừa chợt lóe sáng trong phút hiểm nguy nhất của tính mạng và linh hồn. Để chứng minh (cho ý tưởng), tôi dồn tất cả sức mạnh để làm cho cái mẩu con con nhòn nhọn ở phía chót cùng được động đậy. Rồi khi nó động đậy được thì hét toáng lên (tất nhiên là tiếng hét chỉ vang trong thân thể tôi), liền giải tỏa được một niềm tuyệt vọng đang sắp đóng tảng như băng ở Bắc cực. Tôi cố gắng tiết ra được một nhúm nước bọt. Lẽ thường sẽ phải thở phì phì ra xung quanh để đánh dấu vương quốc của mình, đồng thời tỏ oai, chứng thực sự tồn tại riêng tư trong vũ trụ. Nhưng, để nuôi sống tức thời thân thể, tôi chẳng có gì khác, đành phải nuốt trôi nó (cái đám nước bọt). Cổ họng bỏng rộp, như được tưới nước lạnh. Từng mạch nhỏ giãn nở và đó chính là cái khoái cảm đầu tiên của tôi với cái thế giới hỗn độn và nghiệt ngã này. Con mắt vốn nhỏ bây giờ được khép lại để hưởng thụ cái giây phút tột đỉnh sơ khởi và cũng là sự khám phá mê loạn tinh khôi. Tự thương ư? Không. Tôi chả biết gì về cái điều khó hiểu ấy. Cảm giác thật là bén nhạy. Cảm giác cho rằng mình vẫn còn sống. Chút mê tơi vồ lấy sau dục vọng đầu tiên đã được thỏa nguyện phần nhiều bằng trí tưởng tượng. Sinh khí như hơi nước bốc ra từ những tế bào bé nhỏ. Tôi đã không chết, mặc dù âu lo đã thành ám ảnh.

 (Hãy bò đi)

 

*

*      *

Trong các cuộc đi, một cuộc chúng tôi bị kẹt ở một ngôi đình cổ trong một trận lụt khiến tôi bắt đầu rộn lên những thắc mắc và muốn tìm hiểu về tính bí ẩn và kỳ quái của anh. Chúng tôi đốt những bó rơm còn sót lại trên sàn căn phòng nơi mé sau của đình. Cô gái cao lêu đêu như một cây sào và anh đã bằng một tài vặt tóm được những chú cá mê mải giỡn nước ngao du trên sân đình quăng vào đám lửa. Tôi và một anh bạn Tổng Biên tập Tạp chí văn nghệ địa phương mải chuyện với cụ thủ từ về những đặc điểm của chùa vùng châu thổ. Cơn chuyện đang xoắn bện thì phát hiện ra đôi kia đã dắt nhau đi đâu mất và mùi cá chín thơm lừng ở ngay bên cạnh. Trên tàu lá chuối rách tướp nham nhở do bão đánh, hai con cá quả chín vàng cùng một nắm muối và nậm rượu như hiện từ dưới đất lên. Quà hối lộ của lũ kia đấy. Chúng tôi sà vào và bắt đầu nhâm nhi trong bóng tối chạng vạng bốn bề đổ xuống. Nhìn từ ngoài, chỉ thấy hơi nước bốc nghi ngút và mùi cá nướng thơm lừng và nếu ai chỉ nhìn lướt sẽ tưởng như một ban thờ với mấy ông tượng động đậy trong mờ mịt khói hương.

Nhưng đôi kia dắt nhau đi về đâu? Một gã nhà văn tính nết ẩm ương và một cô gái quê chất phác hiền lành cả đời không bước chân khỏi phố huyện dắt nhau đi trong một đêm nước vây tứ phía thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tính gã này lại rất ưa thích đàn bà con gái. Đây lại là chốn thanh bình của vùng quê cổ vẫn sót lại tàn dư phong kiến. Tôi và anh Tổng Biên tập thấy khó xử quá. Chỉ cụ thủ từ cứ ngồi im lặng, mắt dõi ra phía ngoài hồ nơi nước dâng ngập sân đình bình thản như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đứa cháu cụ, kẻ mồ côi từ tấm bé ấy được cụ giáo dưỡng không bằng những lề thói hà khắc mà luôn được bồi đắp bằng sự khai tâm, dưỡng thiện ở đời. Chúng tôi chưa đạt được sự tĩnh lòng như ông cụ và đằng nào thì cái gã trời đánh kia thì cũng đã rời khỏi đây rồi. Chúng có cuộc đời của chúng. Chúng có niềm tin và trách nhiệm với cuộc đời. Chúng tôi cứ ngồi thế cho đến sáng.

Rồi thì cũng chả cháy nhà chết người gì.

Buổi sáng, gã trời đánh và cô gái tươi mởn bên nhau trở về căn nhà nhỏ của anh Tổng Biên tập. Thấy bọn chúng có vẻ thách thức cả trời đất như thế chúng tôi bèn xách xe máy tránh đi, nhằm nơi phố huyện, nhằm nơi ồn ào nhất mà tiến đến mặc kệ đôi mình trong căn nhà nhỏ với những xử lý sinh hoạt tùy thích. Gã vốn thích tự do thì đây coi như một món quà mà con người mạn phép thay mặt tạo hóa kính dâng chúng.

Công cuộc mưu sinh kéo chúng tôi đi.

Một tháng, rồi hai tháng, không thấy gã nhắc gì về cô gái nơi thôn mạc kia. Một cuộc tình chớp nhoáng? Một bông hoa bất chợt dọc đường hay muốn cho nhau một bất ngờ, một niềm vui có tính toán? Chịu. Với gã này, tất cả phỏng đoán chỉ là thừa. Và tôi, tôi cũng chẳng tội gì đi sâu vào đời riêng của gã. Tôi chỉ quan tâm đến văn chương gã, cái đã khuất phục tôi và không ít bạn bè sáng tác đồng thời.

Bây giờ, đã gần hai mươi năm tôi cũng chưa hỏi gã cái việc đêm hôm ấy. Tại sao chúng ta phải thóc mách vào những riêng tư của nhau trong khi cuộc sống còn có nhiều hấp dẫn, vật lộn để sinh tồn.

 

*

*     *

Một đoạn tôi viết về anh:

... Họ Đào ở căn nhà ổ chuột cuối ngoại ô. Nhà dột và rất nóng. Trời lạnh thì heo hút như nhà mồ. Ở đó có mấy ả sồn sồn không chồng con, không để ý kỹ không ai biết làm nghề gì, chỉ thấy họ luôn biến đi từ lúc nào, gần sáng mới trở về, luôn phờ phạc, ủ rũ, lo âu, luôn hãi sợ cái gì và thở dài. Có đêm đã khuya, hôm ấy dường như không ai đi làm, những người đàn bà lôi họ Đào đang ngủ dậy bằng được và mời uống rượu, có lẽ là sinh nhật một ả nào đó. Những người đàn bà hôm ấy ăn mặc tươm tất, nhà cửa gọn gàng nhưng cũng không giấu nổi thân phận của mình, nài nỉ ông nhà văn dở dở ương ương có đôi lời khai mào về cuộc đời này, trong hôm nay, về tương lai của chúng em. Họ Đào dụi dụi mắt, ngơ ngác nhìn ra xung quanh, dần dần hiểu được tình thế. Nhấp một ngụm rượu chua loét, gã thong thả nói, nửa nghiêm nghị, nửa hài hước. Những người đàn bà lắng nghe, ai cũng chăm chú, một lúc lại cười ré lên. Một lúc có người khóc rấm rứt, người ngặt nghẽo cười. Đám chúng sinh tội nghiệp không ngờ có một ông thánh sống ở bên mình bao năm tháng mà không biết. Hóa ra ông ấy biết hết chuyện của chúng mình, đời sống và suy nghĩ của chị em ta, cả cái nghề mà người đời vẫn dè bỉu là bẩn thỉu, hèn hạ, rác rưởi kia ông ấy cũng biết. Ông ấy biết và ông ấy còn biết thông cảm cho chị em ta thì không cười khóc khóc cười làm sao được. Chị em ơi, cứ cười khóc cho thoải mái đi, ông ấy hiền lắm. Có khi ông ấy cũng bị săn đuổi, bầm giập giống chị em ta. Ngành nghề đôi bên cũng gần nhau lắm. Họ Đào mỉm cười, gã biểu dương chị em ở đây có tinh thần đoàn kết nội bộ. Khu nhà này đã bao năm không có nạn trộm cắp. Đồ đạc của ai người ấy dùng, thiếu thì xin, xin thì cho chứ không có kiểu thó của nhau, càng không ai to tiếng với ai như thế là có văn hóa đấy. Mọi người hôm ấy mới biết, đã không ít lần họ Đào lặng lẽ trả tiền điện tiền nước cho một số chị em bị đau ốm, khó khăn khi chủ nhà hoạnh họe. Chị em ứa nước mắt nhìn người đàn ông nhỏ bé, hiền từ, suốt ngày hý hoáy, lọc cọc bên chiếc máy vi tính cũ kỹ, ẩm mốc, đã bao năm nay lặng lẽ như cậu học sinh ngoan câm điếc bẩm sinh. Ở xung quanh mình, luôn có biết bao điều mới lạ. Những người đàn bà liên tiếp rót rượu ra chúc gã, lời chúc ngây ngô, chân thực. Ai cũng xúc động, nước mắt gã cũng rịn ra. Rượu cay quá. Tình đời cay quá. Những chén mừng này hãy cùng nhau uống cạn. Nào, uống cạn! Bể dâu này hãy cùng nhau vượt qua. Nào, vượt qua! Từ bây giờ ông anh là đại ca của chúng em, thủ trưởng của chúng em, ông anh thích gì chúng em chiều tất, chúng em sẽ luân phiên hầu hạ ông anh đến nơi đến chốn trong cuộc đời còn lại của mình, ông anh nhé. Thôi từ mai, ông anh không phải đi đâu cả. Cứ ở tại gia đây thôi. Cuộc đời chúng em đây đã là bao nhiêu kho thực tế rồi cần gì phải đi tìm hiểu thêm ở đâu nữa. Chúng em sẽ kể về cuộc đời mình cho ông anh mà ghi chép lại cho đời sau, cho con cháu chúng nó biết, không mai kia chúng nó tưởng đời chúng mình sung sướng lắm, ăn không ngồi rồi, ăn trên ngồi trốc lắm phải không ông anh. Thôi, từ rày trở đi ông anh không phải đi làm ăn gì cả, cứ ở nhà viết lách, chúng em nuôi. Nhìn cái tạng ông anh, ăn uống mấy nả, cả cái chuyện kia nữa ông anh cứ yên trí, tha hồ thoải mái, muốn đứa nào cũng được. Chúng em thấy ông anh cũng là người có nghĩa khí nên mới mong muốn thế chứ thằng khác đừng hòng. Tẩn thì phải nôn ra. Như thế có được không hả các chị? Nào, cạn! Tất cả bát chén giơ lên, va lanh canh. Những người đàn bà ngấm men say, mắt sáng rực lập tức reo lên, vỗ tay đón chào một sự kiện lạ lẫm, hi hữu xảy ra ở cuộc đời mình. Mà thế thật, suốt đời họ toàn phải lo lắng, đối mặt, gánh chịu những cộc cằn, chửi rủa, bị ăn cướp, ăn quỵt và hãm hiếp, có bao giờ được nghe những điều nhẹ nhàng, phải trái, thông cảm, yêu thương, hiểu biết và chia sẻ với thân phận họ. Những người đàn bà ở đây ai cũng từng đi từ nỗi đau này sang nỗi đau khác, lường gạt này sang lường gạt khác, hãm hiếp, bắt bớ, đánh đập triền miên. Chỉ đến khi họ lẩn được về đây, ngôi nhà này, mới phần nào yên hàn, một yên hàn tạm bợ, phập phù, đầy lo lắng. Hôm nay, họ tình cờ biết đến những thân phận khác, những con người ngay bên cạnh, cảm thông cùng họ, chia sẻ và hiểu biết tất thảy những gì về họ. Quan trọng hơn, người ấy không coi thường họ, sẵn sàng tham dự vào cuộc vui cùng họ, và cười, và khóc cùng chị em. Chỉ có thể là Phật là Thánh mới làm được điều ấy. Anh ơi! Chúng em cảm ơn anh nhiều lắm. Chúng em cảm ơn đời. Chúng em cảm ơn lắm lắm. Cứ thế, những người đàn bà say bắt đầu ê a hát, đủ mọi loại giọng, đủ mọi sắc thái, ái, ố, hỉ, nộ chen chúc vang lên. Họ Đào cũng hát, hôm nay gã hát rất hay, từng câu từng chữ tròn vành, rõ tiếng. Bài hát về cuộc đời đầy sóng gió của một gái giang hồ và chàng trai trong mộng. Người tình trong mộng bỏ đi, cô gái thay vì trẫm mình xuống dòng sông mù quáng đã kịp thời tỉnh ngộ, đến với vùng đất mới làm lại cuộc đời mình. Và chính dòng sông mà cô gái định trẫm mình, đã dang rộng vòng tay chở che, vỗ về, đón cô đến vùng đất mới. Như nghe được cả tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi và trái tim yêu cuộc sống của cô gái đập dạt dào. Những người đàn bà nắm tay nhau, nhảy múa xung quanh họ Đào, nhảy miên man theo lời bài hát cũng miên man tưởng chừng không bao giờ dứt. Đêm ấy, khu nhà đổ nát như một lâu đài lung linh, huyền ảo, không có thật ở trần gian. Ước gì đêm nào cũng như thế nhỉ. Rồi gần sáng, tất cả lăn lóc say, cả ông anh cũng say li bì, nằm ngổn ngang cùng với mấy cô em. Cũng chả ai để ý, vì khu nhà thông thường ban đêm chỉ họ Đào lặng lẽ, tí tách bên máy tính, còn các cô em thường đi những đâu đâu, tảng sáng mới về. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Họ lăn ra, ôm nhau ngủ. Khu nhà chìm vào im lặng. Cái âm thanh duy nhất là tiếng khóa cửa lạch xạch của họ Đào, và khi sáng hẳn tiếng xe máy nổ bành bạch thả làn khói xám vào trong giấc ngủ của các cô em vẫn đang say lăn lóc, li bì không biết trời đất gì nữa. Sau cái đêm diệu kỳ ấy, rốt cuộc sự việc đâu lại vào đấy. Chả ai hầu hạ gì ai. Ông anh vẫn lụi cụi công việc của mình. Mấy cô em cũng vậy, họ điềm nhiên lao vào cuộc đời riêng, đam mê riêng của họ. Ông anh là người tốt bụng, hồn nhiên chứ không phải thánh thần. Một lần, vào tảng sáng, có gã ma cô dìu một cô em bê bết máu về quăng ngay đầu nhà. Nghe tiếng động, đang kỳ cạch bên máy tính, ông anh ngáp ngắn ngáp dài đi ra tìm hiểu sự tình. Người cô em mềm nhũn, máu me be bét. Lôi vào trong phòng, ông anh dùng phích nước gột rửa, lau mặt mũi cho cô em rồi đặt lên giường đắp tấm mền ẩm mốc, hôi rình cố hữu của mình. Cô em ú ớ, khe khẽ rên rồi lăn ra ngủ. Ông anh nín lặng thở dài, lạch xạch dắt xe đi làm sớm. Chiều về, không thấy cô em đâu. Không một lời cảm ơn. Không một dòng địa chỉ. Chiếc máy tính cậm cạch, chiếc quạt cũ sứt sẹo và chiếc đồng hồ treo tường đã bị tháo đi không một lời nhắn gửi. Cũng lặng lẽ như không, ông anh quay xe, đi về phố máy tính cũ, rước về một chiếc. Mấy đêm tiếp đó, điện phòng ông anh bật sáng cả đêm. Ông anh ngồi đăm chiêu, bóp đầu bóp trán khôi phục lại số bản thảo cũ, thỉnh thoảng nhăn nhó, miệng lẩm bẩm điều gì đó, như là chửi rủa trí nhớ tồi tệ xuống cấp của mình.

...

Nỗi đau có thật không, tôi cũng không biết nữa?

Nhưng đó là anh.

(Còn tiếp)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm
Con người Chí Phèo
Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.
Xem thêm