- Bút ký - Tạp văn
- Ngoảnh lại…
Ngoảnh lại…
Tạp văn của BÍCH NGÂN
Xong những cuộc hội họp hai ngày liền, tôi chỉ còn vài giờ lưu lại Hà Nội trước khi trở vào Sài Gòn.
Vài giờ… con người luôn câu thúc bởi thời gian. Và con người, cũng bị nhốt vào cái lồng rộng hẹp của càn khôn mà thời gian khi là sợi dây buộc ràng, khi lại như chiếc mỏ sắc nhọn của loài chim gõ kiến, những chiếc mỏ bổ tới tấp tấp vào thân cây với nhịp độ và tốc độ không đổi.
Đời người có lẽ không khác đời cây mà thời gian vừa bình thản vừa miệt mài, cứ bóc dần, bóc dần, từng mảnh. Bất giác, tôi sờ vào da thịt mình. Và nhận ra sự khô rát giá lạnh của ngày đông, của tháng năm đang hiện diện. Và cũng chợt nhận ra, chỉ có sự xê dịch mới có thể có được cái cảm giác thoát khỏi sự giam cầm ngột ngạt của cái lạnh, của những tích tắc đều đều giữa những bước tường. Tôi gọi taxi. Tài xế hỏi: “Chị đi đâu?”. “Cho tôi ra Hồ Gươm”.
Hồ Gươm, ngày Giáng sinh, 2023. Ảnh BN
Hồ Gươm, đúng đêm Giáng sinh năm trước, status với cái tít Người tình, tôi viết: “Cái cảm giác nôn nao của hẹn hò. Mặc đẹp nhất có thể. Trang điểm dễ coi nhất có thể. Bước đi uyển chuyển nhất có thể. Nhịp đi dường như theo nhịp đập của quả tim bướng bính trẻ, lỳ lượm trẻ, bất chấp thời gian giày xéo thô bạo lên thịt da…Cái cảm giác tận hưởng những phút giây đắm đuối đơn phương khi đối tượng yêu ngàn tuổi vẫn hồn nhiên khoác trên mình chiếc áo lung linh diêm dúa của ánh đèn đêm và hào phóng ban tặng sự quyến rũ nhập nhòa sáng tối”
Hồ Gươm sáng Giáng sinh năm nay không lung linh bởi ảnh đèn đêm, lại hiện lên vẻ đẹp cũ xưa, trầm mặc, hồn hậu, chất phác, vừa tĩnh lặng lại vừa xao động. Lạnh 9 độ. Gió riết róng. Mặt hồ dậy sóng. Nhiều chiếc ghế đá ven hồ không người ngồi. Chiếc ghế đá gần quán cà phê “Bốn mùa” có hai người đàn bà mặc ấm ngồi bên nhau, mắt hướng về phía Tháp Rùa. Tôi chọn chỗ ngồi, gọi tách cà phê Espresso.
Cà phê chưa kịp bốc khói đã vón lại và ngấm lạnh. Cái lạnh của đất trời không đóng băng được cảm xúc trong tôi. Tôi mở trang notes của điện thoại và bấm phím chữ: “Ta nắm níu cái rét run Hà Nội /Mặt hồ Gươm phút tĩnh lặng cồn cào /Và cơn gió xô ta về phương nhớ /Những hoàng hôn nhuộm tím Tháp Rùa…Ta ngồi xuống chiếc ghế giờ quá rộng /Mà hồn ta chiềc lá nhỏ ven hồ /Nhỏ thật nhỏ mà không ngừng lay động/Trôi dạt về phía thương nhớ đầy vơi…
Những ngón tay cóng lạnh, tôi không thể tiếp tục gõ lên phím chữ. Đút hai tay vào túi áo bông, hớp một ngụm cà phê lạnh, hướng mắt về phía Tháp Rùa. Sự trầm mặc mà xao động của ngày Chúa Jesus giáng sinh và sự vội vã âm thầm của những ngày cuối năm, dường như khiến tôi không chỉ nhìn về phía trước, con đường phía trước, tháng ngày phía trước với không ít lo toan nhọc nhằn cho ngày mới, năm mới, mà còn nhìn lại, ngoảnh lại…
Nhìn lại, chỉ xoay đầu 45 độ nhìn về hướng Nhà thờ Lớn Hà Nội, cách chừng ít phút đi bộ, chín tiếng đồng hồ trước, tôi tìm hơi ấm trong tiết trời lạnh buốt khi nhâm nhi tách cà phê bên hông Nhà thờ để được nghe giọng hát quá đỗi thiết tha “…I just want you for my own/ More than you could ever know/Make my wish come true/All I want for Christmas is you/You, baby…”. Tiếng hát vút cao, bay bổng. Thanh âm, lời hát, giai điệu chất ngất từ lồng ngực, từ trái tim khiến không gian Giáng sinh cứ lan ra, tỏa ra, từ vòm nhà thờ, phố Nhà thờ, những con phố cổ dọc ngang, những hàng cây cổ thụ, đến Hồ Gươm, xoắn xít quanh Tháp Rùa…dường như tất cả trở nên lung linh hơn, sống động hơn, rộng lớn hơn bởi khát vọng tình yêu da diết không chỉ từ ca từ, từ giai điệu. Chúa hiện thân cho tình yêu. Tình yêu say đắm nhất, thứ tình yêu có thể chắp cho con người có thêm đôi cánh khiến họ vượt qua nhọc nhằn gai chông, vượt qua những giới hạn của kiếp người hữu hạn để có thể có được những giây phút thăng hoa, luôn là tình yêu lứa đôi, tình yêu làm nên sức sống thanh xuân của đời người, của đất trời.
Trước Nhà thờ Lớn Hà Nội, đêm Giáng sinh, 2023. Ảnh BN
Ngoảnh lại, chợt nhớ, những khoảnh khắc khó có thể lặp lại trong cuộc đời mà tôi được một lần hiện diện; đó là khoảnh khắc cúi xuống trước ngôi sao bằng bạc 14 cánh, nơi theo Thánh kinh, Đức trinh nữ Maria hạ sinh Chúa Jesus; ngôi sao bằng bạc đặt trên nền đá cẩm thạch trong Vương cung Thánh đường Nhà thơ Giáng sinh tại thành phố cổ Bethlehem thuộc Palestine, một quốc gia vẫn đang tìm hình của đất nước mình.
Ngôi sao 14 cánh - nơi Jesus Chirist chào đời. Ảnh BN
Khoảnh khắc đó, nửa năm sau, vẫn còn vương lại trong tôi sự ấm lạnh từ dòng người khắp bốn phương trời đang lần lượt cúi xuống nơi từng đặt cái máng cỏ, cái máng cỏ đơn sơ có lẽ cũng không khác cái ổ rơm mà người nghèo khó từng làm chiếc nôi ủ ấm cho một sinh linh chào đời, để rồi trong tiếng chuông trầm vang từ Nhà Thờ Lớn Hà Nội, tôi gõ lên phím chữ: “…Hơn hai ngàn năm sau tôi đặt chân đến nơi Chúa giáng thế/Như vẫn còn đâu đây tiếng khóc chào đời/ Vách đá lạnh, ngôi sao 14 cánh cũng lạnh/ Bởi lòng tham còn trải khắp địa cầu/ Và khói lửa hận thù vẫn ngùn ngụt cả nơi Chúa tái thế…”
Ngoảnh lại, thăm thẳm thời gian, Chúa Jesus ngay cả khi tái sinh và giáng thế vẫn mang vác cây thập giá trên vai, vẫn trĩu nặng nỗi đau do lòng tham và chiến tranh. Chiến tranh và lòng tham vẫn đang là anh em song sinh khắn khít phổng phao to lớn bất chấp việc đẩy một phần nhân loại vào chỗ chết chóc, bệnh tật, đói nghèo.
Ngoảnh lại, những bụi hồng trước nhà thờ Giáng Sinh vẫn tiếp tục cho chồi, cho lộc, những bông hoa tiếp tục cho sắc cho hương; những người Do Thái, người Ả Rập vẫn ngồi đọc sách trong những khoảnh khắc yên bình nơi Nhà thờ, nơi thư viện, nơi góc nhỏ mái ấm gia đình với khao khát cuộc sống bình yên, khao khát ngắm lộc chồi sinh sôi trước mái hiên tràn nắng.
Hoa hồng trước Nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem. Ảnh BN
Ông cháu đọc sách trong nhà thờ đặt lăng mộ của tổ phụ Abraham ở phố cổ Hebron, cách Jerusalem 30 cây số. Ảnh BN
Và ngoảnh lại, tôi như được hít hà mùi thơm từ tách cà phê mà nhà thơ Mahmoud Darwish rót ra từ ấm cà phê trong gian bếp của mình cùng những câu thơ nhắn gởi của thi nhân trong bài thơ “Nghĩ tới người khác”: “Khi bạn chuẩn bị ăn sáng hãy nghĩ tới những người khác/ và đừng quên cho bồ câu ăn/ Khi bạn tiến hành chiến tranh, hãy nghĩ đến người khác/ đừng quên những người muốn hòa bình/ Khi bạn ngủ và đếm những hành tinh khác/ hãy nghĩ đến những người không có nơi để ngủ…Và khi bạn nghĩ tới những người xa lạ, hãy nghĩ tới bản thân/ và thầm thì, tôi ước mình là ngọn nến trong bóng tối”
Chiếc bàn viết của nhà thơ Mahmoud Darwish (1941-2008) trong Bảo tàng mang tên ông tại Ramallah. Ảnh BN
Ngoảnh lại, biết bao vui buồn. Ngoảnh lại, niềm vui thoảng qua. Tiếc nuối, ray rức vương lại. Ngoảnh lại, nhiều khi ứa nước mắt vì những chồi, những nụ và cả những bông hoa rực rỡ úa tàn mà ta chưa kịp ngắm nhìn, chưa kịp hít thở thật sâu vào lòng ngực mùi hương và sự dâng hiến âm thầm.
Ngoảnh lại, nhiều khi giật mình vì khoảng trống mênh mông của sự mất mát, mất mát cày xới giày vò bởi sự nông sâu hời hợt của chính mình.
Ngoảnh lại, nhiều khi lạnh gáy. Sự vô cảm vô tâm dẫu được ngụy trang bằng chuỗi chuỗi mỹ từ dường như lúc nào cũng chầu chực như con thú đói, sẵn sàng nuốt chửng tất cả, chỉ để no nê cái xác phàm.
Tác giả đứng bên chiếc giường thuở sơ sinh của Chúa Jesus trong nhà thờ Giáng sinh ở Bethlehem.
Và ngoảnh lại, ngoảnh lại… khi chưa biết “nghĩ đến người khác” và chưa biết giới hạn của chính mình, chưa ước lượng được được trọng lượng khổ đau mà chúa Jesus mang vác, chưa thấu được lẽ mất - còn của kiếp nhân sinh, chưa cảm nhận được những giá trị tinh thần vô giá còn bỏ lại phía sau lưng, thì dù có mọc được đôi cánh và sải cánh chim trời, con đường phía trước vẫn đầy ắp mây mù và giá lạnh.
Sáng 25/12/2023
BN
Bài đăng Người Đô Thị Tết Giáp Thìn 2024