Truyện ngắn của BÍCH NGÂN
1.
Chiều, tự do. Ai muốn thăm thú nơi nào thì đi. Bích rủ Ngọc đến quán cà phê trước nhà Công Quán* cạnh bờ biển, nơi đôi lần chị đã đến.
Từ khách sạn đến quán cà phê gần hai hơn cây số. Bích ngoắc chiếc taxi đang chờ khách trước khách sạn. Ngọc ngăn: “Mình đi bộ đi, chị!”.
Hai người đàn bà thả bộ theo con đường chạy dọc theo bờ biền. Không một ngọn gió. Mặt biển như một tấm gương phẳng lặng in rõ hình bóng những đám mây trắng và những cánh hải âu. Những hòn đảo nhỏ xa xa như được nối với đảo lớn bằng một biển lụa thẳm xanh.
Ngọc đưa mắt về phía những hòn đảo lô nhô, nhìn mặt biển soi bóng mây trời, rồi đưa mắt nhìn những chiếc ca nô màu trắng neo đậu trên bến. Cô quay lại Bích: “Mình thuê ca nô ra đảo được không, chị?”. Bích nhìn mặt trời đang xô về hướng Tây: “Muộn rồi, em! Ra đó trở về sẽ không kịp buổi liên hoan văn nghệ”. Ngọc nói: “Mình vắng mặt cũng được mà, chị?”. Nghe giọng nói như nài của Ngọc, Bích khựng lại.
Cơn gió kéo tới. Mặt biển gợn sóng. Mấy chiếc ca nô như tỉnh ngủ, chao lắc, bập bềnh. Bích có cảm giác một ngọn gió mảnh như cọng cỏ dại ven đường đang di bò dọc sóng lưng. Chỉ cần Ngọc bước lên bất kỳ chiếc ca nô nào, là cô sẽ trôi, trôi xa. Bích nói:“Mình đi cùng đoàn, em à!”. Mắt Ngọc chợt tối như mặt biển thiếu ảo ảnh trời mây:“Nhiều lúc, em nghĩ, chỉ cần em đi đâu đó thật xa, đến nơi nào đó thật tĩnh lặng là em sẽ được gặp con gái em”.
2.
Ngọc làm giỗ một trăm ngày cho con gái trước chuyến ra Côn Đảo ba ngày. Con gái Ngọc bị nước cuốn trôi khi cùng nhóm bạn tắm biển. Suốt ba tháng qua, Ngọc chới với. Có đôi lúc cô suýt buông tay trước những đợt sóng cuồn cuộn của nỗi đau.
Đáp xuống sân bay Côn Đảo, đoàn văn nghệ sĩ lên xe ca đến thẳng nghĩa trang Hàng Dương. Gần một trăm con người tỏa ra, khấn nguyện, thắp hương trước những dãy mộ dọc ngang nằm trên một vùng đất thiêng linh. Ngọc mang theo bó hoa hồng màu vàng. Cô rút từng cành hoa đặt lên những ngôi mộ dọc theo lối đi dẫn đến ngôi mộ người liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu.
Mộ chị Sáu tràn hoa trắng dưới tán cây xanh trong nắng vàng rực rỡ. Ngọc đặt một nhành hoa hồng vàng giữa một rừng hoa trắng. Bông hồng vàng của Ngọc trở thành tâm điểm cho nhiều ống kính camera. Bích cũng kịp ghi được hình ảnh mang vẻ đẹp khó tả. Bông hồng vàng dưới ánh sáng chênh chếch trong không gian trầm mặc như một đốm lửa.
Ngọc, Bích, cùng mọi cúi đầu thắp hương trước mộ phần của người con gái được sinh ra từ miền đất đỏ giữa mùa hoa lê ki ma trắng muốt. Bất ngờ, từ đoàn văn nghệ sĩ đang lần lượt thắp hương, một giọng hát cất lên:“Mùa hoa lê ki ma nở/Ở quê ta miền đất đỏ/Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/Đã chết cho mùa... hoa lê ki ma nở/Đời sau vẫn còn nhắc nhở/ Sông núi đất nước ơn người anh hùng/ Đã chết cho đời sau...”.
3.
Khi xe di chuyển về khách sạn, Ngọc ngồi cùng dãy ghế với Bích. Cô nhìn ra phía cửa sổ, nơi mặt biển xanh thẳm như một mê cung dát ánh bạc lấp lánh. Xe chạy theo con đường quanh co giữa một bên là núi và rừng, một bên là biển và đảo. Thỉnh thoảng một vài con khỉ chạy nhanh qua mặt đường nhấp nhới nắng.
Lúc mặt biển khuất sau những rặng cây, Ngọc quay sang Bích, nói: “Con gái em cũng hát hay như cô bé vừa hát bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. Chợt Ngọc khe khẽ hát: “Mùa hoa lê ki ma nở…”. Tiếng hát, lời hát được người ngồi cùng xe, trước hết là Bích, tiếp đến những người ngồi cùng dãy ghế rồi tất cả những người ngồi cùng chuyến xe, hát: “…Chị Sáu đã hy sinh rồi/Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống…”.
Giai điệu bài hát như phập phồng nơi trái tim những người ngồi trên chiếc xe đang chạy chầm chậm theo con đường quanh co lúc ôm chân núi lúc men theo bờ biển dẫn về chỗ nghỉ.
Ngọc mở điện thoại đưa ra cho Bích xem:“Lúc nãy em chụp được cây lê ki ma cạnh mộ chị Sáu”. Bích cầm điện thoại của Ngọc, mở tấm ảnh rộng hơn. Cây lê ki ma vươn cao, nhiều cành mảnh khảnh đang nuôi thật nhiều trái chín vàng. Những trái lê ki ma be bé như quả trứng gà. Một vài quả còn xanh trông na ná quả cà na. Bích trả điện thoại cho Ngọc. Cô ngắm cây lê ki ma lủng lẳng trái một lúc rồi quay sang Bích: “Khi nào hoa lê ki ma nở, em lại ra đây”
4.
Quán cà phê trước nhà Công Quán đã không còn.
Khoảng sân trước đây đặt nhiều bộ bàn ghế cho khách uống cà phê giờ bỏ trống. Một chiếc xe ba gác, vài ba chiếc xe gắn máy nép dưới bóng mát của những tán bàng. Ngọc ngơ ngác. Bích cũng bối rối. Với chị, không gian thưởng thức cà phê thường được coi trọng hơn hương vị cà phê. Hơn nữa, quán cà phê nhà Công Quán nằm ngay dưới bóng mát những cây bàng xù xì to lớn vững chãi như một địa chỉ riêng biệt chỉ có ở hòn đảo xanh này, nơi từng là địa ngục trần gian. Những hốc sâu trên thân cây bàng cổ thụ trở thành “cây di sản” khiến Bích liên tưởng đến đôi mắt linh hồn của những người bị tra tấn đọa đày đến chết. Những đôi mắt vẫn mở trước bao biến thiên của tạo hóa và lòng dạ con người. Những đôi mắt như vẫn chưa một lần khép lại.
Minh họa: THÁI AN
Nhìn quanh không thấy bóng người, Bích kéo Ngọc bước vào nhà Công Quán. Ngôi nhà giản dị như đang ngủ ngon trước tiếng sóng vỗ đều đều vào bờ đá.
Vừa bước lên thềm, trước mắt Bích và Ngọc một cánh cửa khép hờ. Bích đẩy cửa. Phía trái, bên trên một cánh cửa, cũng khép hờ là dòng chữ “Phòng trưng bày lưu niệm nhạc sĩ Camille Saint Saëns”. Ngọc sững lại, rồi reo lên: “Ôi, có phải Camille Saint Saëns, nhạc sĩ thiên tài!”. Cô đẩy mạnh cánh cửa.
Cửa mở. Ánh sáng tràn vào căn phòng nhỏ.Trước mặt hai người đàn bà là bức tượng bán thân Camille Saint Saëns. Hình khối đường nét gương mặt nhạc sĩ vừa lóe sáng vừa mờ nhòe trong vệt nắng chói cuối ngày. Sau lưng bức tượng nhũ đồng, dòng chữ màu vàng nổi bật trên cái phông màu đỏ chiếm một khoảng tường là câu trích trong bức thư của Camille gửi Chúa đảo Jacquet trước khi nhạc sĩ rời đảo “…ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác được đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp…”
Hai người đàn bà tiếp tục im lặng khi xem cuộc đời, sự nghiệp và dấu ấn Côn Đảo được thu gọn thu nhỏ của Camille Saint: Những hình ảnh của thần đồng âm nhạc, abum ảnh gia đình và trên nền vải simili in hình những nốt nhạc và làm nổi 2 cây đàn piano và violoncelle là nhạc cụ mà nhạc sĩ thường dùng để sáng tác…Cả hai dừng lại trước chiếc tủ kính mà bên trong lưu giữ nhiều bản nhạc ngã màu theo năm tháng. Vở nhạc kịch Brunehilda dường như được phóng to hơn về cỡ kích. Đây là vở nhạc kịch bất hủ mà chương cuối được Camille Saint Saëns viết trong thời gian ông lưu lại trong không gian này, nơi chỉ cách chừng vài trăm mét là những dãy nhà tù dọc ngang mà thực dân Pháp giam cầm người yêu nước.
Bích bước về phía cửa sổ đang đóng. Một cửa sổ không chắn song. Chị đặt tay lên chốt cửa, xoay xoay. Không có dấu hiệu xê dịch. Có lẽ từ lâu cửa sổ này không mở. Bích hình dung lúc Camille Saint Saëns lưu lại đây, nhạc sĩ đặt bàn việc cạnh cửa sổ này và cánh cửa mở ra phía biển xanh trước mặt. Và có lẽ, trước cửa sổ nhìn ra đại dương lộng gió, nhạc sĩ nghe thấy tiếng lọc cọc của những xe bò, tiếng xiềng xích kéo lê trên mặt đường, tiếng roi quất vào da thịt, tiếng rên rỉ đớn đau, tiếng gào thét căm hờn và cả tiếng đàn kìm ai oán vẳng ra từ song sắt của nhà tù…để rồi tất cả thành thanh âm, thành giai điệu.
Ngọc sờ tay vào phím đàn piano đắp nổi trên tường. Cô di ngón tay lên những phím trắng đen. Ngọc như đang lướt tay lên những phím đàn. Rồi Ngọc dừng tay, ngập ngừng:“Lần cuối cùng…em được nghe con gái chơi đàn…lại chơi đúng bản “Thiên nga” của Camille Saint Saëns. Em không hiểu sao có được sự ngẫu nhiên kỳ lạ này…Em được gặp nhạc sĩ tại đây”
5.
Nấn ná thêm một lúc trong không gian lưu niệm nhạc sĩ Camille Saint Saëns, Bích và Ngọc rời nhà Công Quán, bước trở lại con đường ven biển.
Mặt trời đỏ rực lướt qua những hòn đảo nhấp nhô và nhuộm cả biển trời một màu hoàng hôn. Mấy chiếc ca nô bập bềnh trên sóng trông như những con thiên nga khoác những bộ cánh lung linh màu tía. Đôi chân Ngọc như bị vẻ đẹp cuối ngày ghị lại. Cô mở máy ảnh ghi lại hình ảnh lộng lẫy đang vùn vụt lướt qua. Bích giục: “Mình trễ hơn nửa tiếng rồi, em!”.
Khi còn một quãng nữa mới tới khách sạn, nơi tổ chức buổi liên hoan văn nghệ trước khi đoàn văn nghệ sĩ rời Côn Đảo, hai người đàn bà đã nghe vang vang tiếng nhạc, tiếng hát. Giai diệu, lời hát rộn ràng, tươi trẻ. Bích và Ngọc dừng chân khi nghe tiếng hát “…Kìa hoa lê ki ma nở đẹp thêm quê miền đất đỏ/Nơi đó sáng mãi tên người anh hùng/Bình minh đang rực sáng cho hoa kia nở/Mùa xuân lan tràn xứ sở…”. Ngọc lại câu nói khi ngồi trên xe: “Con gái em hát cũng hay như cô bé vừa hát”.
Hoàng hôn chưa tắt hẳn, bầu trời đã xuất hiện những vì sao.
-------
* Nhà Công Quán nằm trong quần thể kiến trúc thị trấn nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ XIX .
Nhà Công Quán trở thành di tích gắn liền với sự kiện tháng 3/1895 nhạc sĩ người Pháp Camille Saint Saëns đã đặt chân đến Côn Đảo và lưu lại đây một tháng. Thời gian lưu tại ngôi nhà này ông đã hoàn tất ba chương cuối vở nhạc kịch bất hủ “Brunehilda”.
Nguồn: Quân đội Nhân dân.