TIN TỨC

Người quen, người biết gần gần, quanh quanh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-19 19:07:16
mail facebook google pos stwis
893 lượt xem

 BÀI HƯỞNG ỨNG CUỘC THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

LƯU THỊ LƯƠNG

Cũng nhờ mỗi ngày chăm chỉ đi bộ vài vòng trong công viên, đã nhiều năm nay, nên tôi được quen sơ sơ, biết chút chút với những người mà tôi sẽ kể lại dưới đây. 

Ngày công viên được phép mở cửa, cho dân chúng vào thư giãn sau mấy tháng dài phong tỏa, ai cũng sững sờ vì thấy bên kia hàng song sắt có hai cái công - ten - nơ màu trắng. Nhưng, điều gây chú ý hơn hết là còn có thêm hai cái bàn nhựa, một xanh, một đỏ, loại chuyên dùng ở quán bình dân, quán ven đường. Trên mỗi mặt bàn đặt một lư nhang sành, loại giá rẻ, bằng cỡ lòng bàn tay người lớn. Cả hai cái lư đều lô nhô, chặt cứng những chân nhang nhỏ rứt, phai màu mưa nắng.

Nhìn cảnh đó, tôi vòng tránh qua đường khác vì không thể nhìn. Buồn. Sợ. Đau thương. Ám ảnh chưa nguôi. Hai cái bàn thờ tự chế, tự phát, chơ vơ, lạc lõng giữa trời, trên khoảnh sân bê tông to rộng kia, gợi cho tôi những ngày đằng đẵng ở tịt trong nhà. Mỗi lần nghe tiếng xe cứu thương văng vẳng xa xa hoặc ào ạt vụt ngang qua ngoài đầu hẻm là mỗi lần thấp thỏm, phập phồng, lo âu trào lên, dội ngược trong lòng.

Tới khi không gian sau hàng rào trở lại bình thường như cũ, với mấy chiếc xe bốn bánh nằm ngang dọc, tôi cũng tình cờ được biết người đã dựng, đã bày ra hai cái bàn thờ sơ sài nọ. Đó là một cậu thanh niên hai mươi tuổi, vừa hoàn thành nghĩa vụ tham gia đội dân quân tự vệ. Hiện giờ, cậu làm nhân viên đóng gói trong một shop bán hàng online.

Trong mùa dịch vừa qua, cậu được điều đi phục vụ bệnh viện dã chiến. Nhiệm vụ là canh gác cổng, ngày ba bữa chia phần ăn, nhận đồ tiếp tế cho bệnh nhân đang điều trị trong đó… Rồi được tập huấn xếp đặt, di chuyển những bệnh nhân đã không vượt qua được đợt dịch nguy hiểm, dữ dội nhất thời đại này.  


Tặng quà hỗ trợ cho người mắc COVID-19

Cậu tên là QGL, nhỏ con, ốm yếu, cận thị, vậy mà không bị nhiễm vi-rút lần nào, dù đã từng trải qua mấy trăm ngày đêm, ở suốt trong bệnh viện dã chiến. Hỏi tại sao lập bàn thờ, nghĩ gì mà làm như vậy, cậu nhỏ nhẻ, lễ phép” “Dạ, mỗi lần khiêng ra, khiêng vào, con thấy mình nên thắp nén nhang cho người ta. Con chỉ biết đó là cách đối xử thông thường của người còn sống với người đã mất”. 

Câu trả lời ấy đã khiến tôi phải nhìn cậu thanh niên làm thuê ăn công tính giờ, có vẻ ngoài rất bình thường, bằng ánh mắt kính phục như nhìn những bậc hiền tài có tiếng tăm. Đơn giản vì nếu là tôi, ngoài chuyện chăm chăm sụt sùi, thương cảm những hương hồn quá cố cô đơn, quạnh quẽ, có lẽ tôi không biết lấy đại quanh đó một cái bàn, chạy quáng quàng đi kiếm lư nhang, bó nhang trong lúc phong tỏa ngặt nghèo đường phố; quán xá, cửa hàng lớn nhỏ đóng cửa và mọi sự bán mua đều bị hạn chế, thậm chí phải giấu diếm, lén lút.

Cũng từ chuyện đi bộ thể dục trong công viên, tôi được biết suốt mùa dịch, công nhân quét lá, tưới cây, nhổ cỏ dại, xén cành của công viên đều làm việc theo quy định chung “Ba tại chỗ”. Nam, nữ chia nhau ngủ trong nhà đồ chơi thiếu nhi, văn phòng. May mà, công viên có đầy đủ nồi niêu chén đũa (mỗi lần tổ chức hội chợ, công nhân có gian hàng ẩm thực). Rồi cử một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đi lại lo chuyện gạo rau, mắm muối. Mỗi ngày, họ vẫn đều đặn, cặm cụi làm phần việc được phân công trong không gian vắng teo, xanh thẫm như cánh rừng xa tít bên dòng sông, hay sau ngọn đồi, trong dãy núi nào đó khó lòng đi tới. Đang mùa mưa to gió lớn quật ngã đổ cây cành, công nhân công ty cây xanh vẫn có mặt, leo trèo, cưa cắt, tỉa tót, dọn dẹp kịp thời cho công viên sạch sẽ, an toàn.

Nói tới chuyện sạch sẽ, sực nghĩ tới ông đổ rác. Suốt mùa phong tỏa, thùng rác chung của xóm tôi vẫn được dọn đi. Vui mừng nhất là người làm công việc đó không ngày nào vắng mặt. Ông vẫn cười tươi, phô hàm răng xỉn màu có vài chỗ trống, hoàn toàn khỏe mạnh, phơi phới, an lành, như từ hồi trước tới giờ.


TP HCM triển khai lắp đặt 100 camera quét mã di chuyển nội địa trong những ngày chống dịch

Nhờ biết cậu thanh niên L, tôi cũng biết thêm chuyện của tài xế tên T.A.T. Nhà T. có mấy chiếc xe hơn bốn chỗ, chuyên đưa đón thiên hạ thuê, mướn đi du lịch, về quê, đi công chuyện trong ngày, dài ngày. Mùa dịch, không có khách, T. vẫn miệt mài chở gạo, trứng, mì gói, rau xanh… phân phát lòng vòng thành phố, hoặc trong nhóm đồng hương nào đó. Những chuyến xe từ thiện như vậy, khi thì chở giùm bạn bè, khi thì tự gia đình của T. làm. Thằng con trai to, cao, ưa nghe nhạc trữ tình, khoái coi đủ loại game show trên ti vi, chỉ giỏi lái xe, không biết tự hớt tóc, nên suốt mùa phong tỏa, đầu cổ nó bùm xùm, rậm rì như đóng vai người rừng trong phim, trong tuồng hát. Nghe mấy người làm chung shop online với L. chọc ghẹo như vậy, T. cười toe: “Mặc đồ bảo hộ, trùm đầu, che mặt, có ai biết là ai đâu mà sợ xấu”.

Trong nhóm đi từ thiện với má con T., còn có D.H (gọi theo pháp danh), một phụ nữ xấp xỉ 60 tuổi, ở nhà giữ cháu, khi nào có việc gia công đan, móc thì nhận làm kiếm thêm chút đỉnh. Trong mùa dịch, không chỉ đi với má con T., D.H còn đăng ký làm từ thiện ở phường, nơi chị đang sinh sống. D.H giải thích ngắn gọn: “Tại quen theo chùa làm việc này rồi”.

Nói về từ thiện, lại cần phải kể thêm một chuyện nhỏ tôi đã thấy ở cái siêu thị mini cạnh nhà. Hồi chưa phong tỏa nghiêm ngặt, ngày nào trước cửa siêu thị cũng có một hàng người dài cả trăm thước, một lần được vô ba người. Vô rồi mới biết cái bà cao lớn, nói năng rổn rảng nãy giờ là người trong nhóm phục vụ bữa cơm miễn phí hằng ngày cho công an, nhân viên trong phường. Họ dùng quán cơm chay bên chợ làm nhà bếp. Hèn chi, có bữa thấy rau muống chất một đống lớn bằng chiếc chiếu, mà để cái bảng viết chữ lớn bằng cái thanh dát giường “Không bán”. Sẵn đang kể chuyện cơm nước, lại có hai người kia nói thêm vào, bà hứa, trưa nay sẽ gởi cho tụi nhỏ bán hàng mấy phần. Thương lắm. Tụi nó phải ăn ở, tắm giặt, ngủ nghê tại cửa hàng từ hổm giờ rồi, mà cái nhà này cũ xì, xây đã sáu, bảy chục năm có dư.

Từ bà nấu cơm chay tình nguyện, tôi sực nghĩ tới chú công an khu vực. Suốt thời gian dịch bệnh, hầu như lúc nào cũng thấy mặt chú. Ngày ngày, chú túc trực ở chốt phòng khám chẩn đoán hình ảnh, khi thì chạy vòng vòng kiểm tra, chỉnh sửa những chỗ rào chắn bị bà con kéo ra để qua lại, khi thì đi theo nhóm lấy mẫu xét nghiệm trong xóm. Gặp mặt riết thành quen, tôi thân tình hỏi: “Thấy hồi này chú N. ốm bớt”. “Dạ, tại bị nhiễm, mới xong đợt cách ly 21 ngày”.


Xét nghiệm bóc tách F0 ngoài cộng đồng tại hẻm 182 Đề Thám, quận 1, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhớ lần đi chích ngừa COVID-19 mũi thứ hai, khi xuất trình tin nhắn với mấy người bảo vệ tổ dân phố canh gác, tôi thấy một thanh niên mặc đồ dân quân đứng trước cửa tiệm thuốc tây. Nhìn tay em xách một chùm bịch ni lông đựng thuốc là hiểu đi mua giùm bà con. Nhờ mình được phép ra đường mới biết. Trên từng dãy phố vắng tanh, không bao giờ vắng mặt những người làm nhiệm vụ xông pha cùng khắp, chỉ để giúp những người ở yên trong nhà.

Rồi lại nhớ tới chuyện, cả gia đình ông tổ trưởng đi bệnh viện dã chiến, bởi cô con gái lớn xung phong ra phường làm việc trong thời gian bùng dịch. Khi hết hạn cách ly, ông lại tiếp tục đi vào xóm, thông báo mọi người ra lấy mẫu xét nghiệm, hoặc phát mấy tờ phiếu đi chợ. Ngày tôi hoang mang xách giỏ đi cách ly, mắt mở không lên mà vẫn được thấy cảnh hai cha con ông hối hả đem vô hẻm nào bí xanh, bí đỏ, cà tím, đậu bắp, rau củ, kêu ới ới: “Mọi người lấy cho lẹ giùm. Trúng mưa, mắc bịnh nữa”.

Từ những chuyện sẻ chia trong làng xóm rất cảm động ấy, tới bây giờ, tôi vẫn chưa biết mặt cô bán hủ tíu mì hoành thánh kiểu Hồng Kông từng tham gia tổ phụ nữ, nhận đơn đặt hàng đi chợ, siêu thị giùm bà con trong phường. Hồi đó, cứ một, hai ngày lại thấy cô đăng tin nhắn trên Zalo, phường có thịt heo, rau xanh một phần 5 ký, ai mua sẽ được giao tận cửa nhà mới thu tiền. Có lần, tôi trách cô mua chưa đúng những gì tôi đã gởi, cô đã trực tiếp gọi tới phân trần, xin rút kinh nghiệm, rồi còn nhờ người phụ trách chính thức nói thêm nữa. Nghĩ lại, thấy mình bậy quá.   

Kể lể đã nhiều mà vẫn còn thấy thiếu, nên xin nói thêm chút nữa.

Lúc tôi ở trong khu cách ly, từ tầng mười hai nhìn xuống thường thấy những bộ quần áo xanh y tế đánh cầu lông buổi sáng, những người mặc thường phục đi dạo bộ buổi chiều. Vài bạn cùng phòng, vô bệnh viện trước tôi, tỏ ra sành sỏi: “Mấy người đó xung phong tình nguyện, nên mới được đi tung tăng khắp nơi thoải mái, không phải người bệnh như mình đâu”. Tôi đọc báo mỗi ngày cũng biết chuyện này rồi, nhưng giờ mới thấy tận mắt. Ở cái chỗ không ai muốn vào, vào rồi chỉ ngóng được ra cho sớm, vậy mà có nhiều người tự nguyện đi tới, ở lại, phục vụ, giúp đỡ. Nói rằng thật là quý quá, sao vẫn cảm thấy có mùi khách sáo nhàn nhạt thế nào. Họ cũng giống như chú tài xế nói nhiều đã đưa mình tới đây, vừa lái xe, vừa tâm tình. Ròng rã một ngày mấy chuyến tới lui, đeo bộ đồ kín mít từ đầu tới chân, mà loại vải này không thấm mồ hôi mới mệt. Ngày nào cũng ngồi trong ca - bin bít bùng, không bật máy lạnh, sau lưng toàn là người nhiễm bệnh, hằng hà sa số vi - rút đeo bám, quẩn quanh tùm lum mà đâu có nhìn thấy được. Ớn ợn riết rồi cũng quen. Vậy thôi. Sức tới đâu làm tới đó.

Cám ơn cuộc thi viết bút ký “Những hy sinh thầm lặng” đã cho tôi kể lại, viết ra những điều tôi đã may mắn được biết. Nhờ đó, tôi mới có nơi để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, hàm ơn, sự trân trọng những người quen biết quanh tôi đã sống, đã cống hiến, đã làm nhiệm vụ rất tận tình, vô cùng tự nhiên, thật lặng lẽ trong những ngày dịch bệnh toàn cầu đáng sợ, khó quên này. Dù họ chỉ là vô số những người bình thường hằng ngày nhìn thấy, mà ta chỉ gật đầu, cười mỉm, thay cho lời chào hỏi, hoặc buông ra đôi câu chuyện xã giao, cho phải phép lịch sự thông thường.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm