TIN TỨC
  • Truyện
  • Người trang điểm xác chết | Hoàng Nghĩa

Người trang điểm xác chết | Hoàng Nghĩa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-28 10:36:19
mail facebook google pos stwis
1369 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

HOÀNG NGHĨA

“Một đám tang to tổ bố bà ạ!” - Con bé phụ họa bằng việc dùng hai tay vẽ một vòng tròn lớn vào khoảng không trước mặt. “Mẹ bảo được bo 2 củ. Bố xin 50 nghìn đánh lô. Mẹ bảo: Lượn”. Nói đoạn, con bé cười làm văng cả cháo đỗ đen qua khe hở của chiếc răng sún lên mặt bà nó ngồi ngay cạnh. Bà cụ già mang gương mặt thiểu não, cơ mặt không chút biến đổi. Bà thở dài, rót cho đứa cháu cốc nước nụ vối pha loãng. Hai bà cháu tựa ghế đá, nhìn ngắm những mảnh vụn của bầu trời mùa đông qua tấm rào kẽm B40. Phía xa, vút qua con đường rải nhựa xe cộ tấp nập là khu nghĩa trang rộng với một nhà tang lễ án ngữ cổng vào. Ở đấy là thiên đường dành cho người chết.

Căn hộ tập thể cũ chưa đến 40m2 được cơi nới, ngăn tách bằng mọi vật liệu sẵn có để tạo thành hai không gian riêng biệt. Mọi sinh hoạt thường ngày của 4 con người, 3 thế hệ nhà bà Liễu diễn ra trong đó. Căn hộ thuộc khu tập thể nghệ sĩ tuồng được nhà nước phân cách đây 40 niên. Nhìn phía ngoài, khu tập thể như chiếc váy vá chằng vá đụp, cơi nới chuồng cọp, lồng chim đủ kiểu.

*

Nguyệt lặc lè tay xách nách mang đủ thứ đồ ăn, leo 4 tầng cầu thang bộ. Con bé sà vào mẹ ngay khi nghe tiếng bước chân quen thuộc. Mặt Nguyệt nhễ nhại mồ hôi, thở không ra hơi sau một hồi gắng sức. Gương mặt bé Thu nở bừng như nụ hoa ban sớm khi nhận túi thịt xiên và bánh rán vừng. Bà Liễu được con gái mua cho chiếc bánh giò nóng làm quà chiều.

“Hai bà cháu ngắm gì mà say sưa thế?” - Nguyệt hỏi như chỉ để phá tan bầu không khí có phần trầm lặng. Bà Liễu từ tốn, chầm chậm thưởng thức món bánh giò và nước nụ vối ưa thích. Vẫn giữ thái độ vô định như vốn có. Bà chưa lên tiếng, bé Thu đã nhanh nhảu: “Ngắm người chết mẹ ạ! Bà bảo, người chết là bình yên nhất!”. Nghe thế, Nguyệt chỉ biết gượng cười. Bé Thu loi choi xách đỡ mẹ bó rau cải xoong. “À mẹ ơi! Bố Thiên dặn là hôm nay về muộn đấy. Bố phải làm ca tối. Bố bảo mẹ không phải phần cơm”. Nguyệt khẽ thở dài, nhìn xuống túi tiết vịt còn tươi đỏ lòm như cánh hoa gạo. “Thiên gì mà suốt ngày chui rúc dưới mương, dưới rãnh. Chả bao giờ ngóc đầu lên được!”, cô lẩm bẩm khi xách đống đồ ăn vào nhà. Thường vào chiều thứ sáu, Nguyệt sẽ ghé qua chợ mua sẵn đồ ăn cho những ngày sau. Hôm nay cũng là một dịp đặc biệt nên cô thết chồng món tiết canh khoái khẩu. Nhưng khi nghe con gái truyền đạt lại lời bố nó, mặt Nguyệt hơi chùng xuống.

Nguyệt đến với Thiên ở cái tuổi có thể gọi là quá lứa lỡ thì. Một cô gái tuổi 36, không xấu cũng không đẹp nhưng lại làm cái việc mà không mấy chàng trai dám đến gần. Nhưng Thiên bất chấp. Anh bập vào cô như thiêu thân lao vào đèn cao áp, và chấp nhận đời ở rể. Một chàng trai quê như anh cũng là của hiếm. Tuy có ham chơi một chút nhưng chăm chỉ và chiều chuộng vợ con. Thiên ít hơn vợ tận 4 tuổi, chính cái bản tính vô ưu của anh nên mọi công việc lớn bé trong nhà đều do Nguyệt cáng đáng. Nói tóm lại vợ là nóc nhà, và anh phải nộp lương tháng. Cưới nhau 4 năm thì cái Thu ra đời. Cuộc sống gia đình có thêm nhiều màu sắc. Hôm nay là tròn 10 năm ngày Nguyệt và Thiên về chung nhà, sau đó 2 ngày cô chính thức tròn 46.

Chồng Nguyệt về đúng lúc cả nhà chuẩn bị dọn cơm tối. Một tay ôm bó hoa lớn tướng, tay kia xách hộp bánh mà chưa có cái nào cùng kích cỡ từng hiện diện trong căn nhà này. Mặt đầy hí hửng, Thiên lên tiếng: “Bình rượu mơ của bố đâu rồi!”. Bé Thu mặc kệ mẹ đang sấy tóc, chạy tót ra ôm rịt bố nó, dang tay đỡ hộp bánh. Nó liến thoắng: “Bố Thiên ơi! Tối nay nhà mình có giỗ đấy. Mà bố bảo làm ca đêm, tối muộn mới về cơ mà”. Với con bé, cứ hôm nào nhà có nhiều đồ ăn ngon là có giỗ, bởi nó đã vài lần được dự đám cỗ như thế. Thiên chỉ ậm ừ trả lời con, rồi ôm bó hoa đến chỗ Nguyệt ngồi. “Hoa với chả hoét. Lại tổ ba bữa ném thùng rác”. Nói vậy, nhưng hai má cô chợt bừng lên, trong lòng thích thú lắm. Phía phòng bên cạnh, bà Liễu đang sửa soạn gì đó. Nguyệt gọi cái Thu, bảo vào mời bà ra ăn cơm.

Bé Thu phớn phở nhất nhà. Cả tối nó như con chim non, nhảy nhót, hát ca không ngớt. Nó lấy làm lạ khi mẹ hôm nay lại đánh phấn, môi phơn phớt hồng cánh sen. Lại cứ tỏ ra bẽn lẽn, sượng sùng khác thường ngày. Bố nó bê bình rượu ngâm còn vương tơ nhện trong hộc tủ ra nhân ngày đặc biệt. Bà Liễu cũng vui vẻ và hay nói hơn ngày thường.

Giữa lúc Thiên đang tận hưởng cái tinh túy từ bát tiết canh vịt vợ làm, và chất cay nồng từ rượu chuối hột ngâm lâu năm. Nguyệt khẽ cười và hỏi chồng sau khi ngó thấy chiếc bánh kem lớn tướng trên nóc tủ bếp. “Anh lại lấy tiền của em trong ngăn kéo đấy à!?”. Thiên khẽ giật mình, bụm tiết trong mồm nhai dở bị sặc vì đúng lúc cắn phải miếng ớt to, anh hắt xì bắn cả lên người bé Thu ngồi cạnh. Nó chun mũi lườm bố, đoạn nhìn bà và mẹ: “Đấy là ngậm máu phun người à mẹ!”. Cả nhà cười vang, không khí gia đình Nguyệt lâu lắm rồi mới có một ngày vui như thế!

Tối đó, bé Thu rúc vào đòi nằm cùng bố mẹ. Thường ngày nó nằm với bà ở phòng bên. Con bé nhất định nằm giữa, không cho bố mẹ sát nhau. Vì mai là cuối tuần, Nguyệt được nghỉ, Thiên làm ca chiều nên cả hai trò chuyện mãi khuya muộn. Những biến cố cuộc đời từ xa xưa hay trong 10 năm gắn bó của vợ chồng Nguyệt được hâm nóng trở lại. Bé Thu nằm hóng, thi thoảng hỏi chêm một câu khi bắt gặp mẩu chuyện mà nó tò mò.

*

Nguyệt đến với nghề trang điểm cho người chết hết sức tình cờ. Ban đầu cô làm trang điểm cô dâu cho một tiệm áo cưới. Từ bé, trong những lần theo mẹ đến nhà hát tuồng đã hun đúc trong Nguyệt ước mơ được làm đẹp cho người khác. Bà Liễu - mẹ Nguyệt vốn là người chuyên vẽ mặt cho các nghệ nhân tuồng cổ ở nhà hát. Lâu dần, duyên đến, bà trở thành một nghệ sĩ tuồng cổ có tiếng. Một thời, khắp các đoàn tuồng phía Bắc ai cũng biết đến vai diễn Liễu Nguyệt Tiêm trong vở “Đoàn Phi Phụng” do bà thủ vai. Cái tên bà dùng để đặt cho cô con gái duy nhất cũng bắt nguồn từ vai diễn ấy. Bố Nguyệt là một vị thiếu gia giàu có bị mê hoặc bởi nhân vật ấy. Ông biệt tích ngay sau khi biết tin nữ nghệ nhân hát bội mang thai đứa con của mình. Mối tình bị gia đình nhà trai kịch liệt phản đối vì cô gái lỡ mang phận xướng ca vô loài. Đến tuổi ngoài 50, liên tiếp nhiều biến cố xảy ra, đặc biệt sau một tai nạn ngã sân khấu dẫn đến tai biến khiến sức khỏe bà suy yếu. Nghiệp đoạn, nữ nghệ sĩ hát tuồng cổ phải về hưu non với nhiều uẩn ức không thốt nên lời. Dẫu rằng chỉ cần một hai lần hội diễn nữa, bà sẽ đủ thành tích để xét danh hiệu NSND cùng nhiều điều hứa hẹn khác.

Trong một lần, con gái người chị chơi thân gặp tai nạn giao thông, không may qua đời. Người chị ngỏ ý muốn con gái được xinh đẹp nhất có thể trước khi sang thế giới bên kia, nhưng không có ai làm. Chính Nguyệt đã giúp chị hoàn thành tâm nguyện ấy sau nhiều đắn đo. Nghề trang điểm cho người chết đã đến từ hồi đó, khoảng lúc Nguyệt 22 tuổi. Hàng ngày, Nguyệt vẫn làm hành chính tại nhà tang lễ quận thuộc khu nghĩa trang bên kia đường, đối diện dãy nhà tập thể gia đình cô ở. Những ngày cuối tuần hoặc sau giờ nghỉ nếu có mối làm riêng, Nguyệt đều nhận. Trang điểm cho người chết là một nghề đặc thù, rất ít người theo được, bởi không phải ai cũng dám làm. Làm cái nghề này phải có thần kinh thép. Nguyệt vẫn nhớ, sau lần đầu tiên tiếp xúc với người chết, cô nhịn ăn mất 3 ngày. Nếu vì mưu sinh, Nguyệt đã không chọn nó. Cô đơn giản nghỉ rằng, đấy là công việc mình nên làm. Nguyệt muốn ai cũng được xinh đẹp, tươi tắn nhất trước khi sang thế giới khác. Lâu dần, Nguyệt đã trở thành một người chuyên trang điểm xác chết có tiếng. Cô có thể phục dựng được những gương mặt biến dạng vì tai nạn giao thông, chết do đuối nước hay để lâu ngày. Nguyệt vẫn nuôi ước mơ sau này mở hẳn dịch vụ trang điểm dành cho người chết và đào tạo nhiều người mới theo nghề. Ở cái thành phố có đến hàng chục triệu dân này nhưng người làm nghề như Nguyệt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cũng chính công việc này đã se duyên cho cô gặp Thiên, anh chàng công nhân chuyên móc cống của công ty môi trường đô thị. Gầy gò nhưng vui tính, đôi mắt sáng và có phần liều lĩnh. Một chiều đi thông cái cống lớn bị tắc, trong khi đồng nghiệp chạy mất dép vì phát hiện xác chết vướng vào đoạn cống thắt nút cổ chai thì anh điềm tĩnh trao nạn nhân xấu số cho những người đến từ nhà tang lễ quận, trong đó có Nguyệt.

Quen biết, tìm hiểu rồi đến với nhau như một lẽ tự nhiên. Bé Thu ra đời vào một ngày mùa thu trong xanh. Quanh năm suốt tháng cắm mặt dưới cống rãnh, chưa biết đặt tên con là gì thì nó đã ra đời. Ngửa mặt nhìn trời bỗng anh chàng công nhân môi trường, quần áo vẫn còn lấm lem nghĩ ra hai chữ Thiên Thu. Một cái tên đẹp, bà Liễu đã nói vậy khi lần đầu đón cháu từ tay con rể. Con bé lớn lên hồn nhiên như cây cỏ, trong tình yêu thương vừa đủ của 3 con người lầm lũi, khắc khổ, lo toan những mưu sự riêng. Ngoài 3 tuổi nó đã biết hát một vài câu tuồng cổ bà dạy, biết nói bi bô theo lời bố mẹ. Bố nó thường bảo bà là nghệ sĩ tuồng về hưu, mẹ nó là chuyên gia mếch-ắp (make-up - trang điểm, cho người sống hay người chết thì không nói) còn bố làm em-xi (MC - móc cống). Cả nhà là nghệ sĩ và bé Thu lớn lên trong môi trường đầy ắp không khí nghệ thuật.

10 năm trôi qua như chớp mắt. Cái nghề ở gần người chết nhiều hơn người sống của Nguyệt khiến gia đình cô co cụm lại, tách biệt với thế giới bên ngoài. Ban đầu Nguyệt giấu nhẹm, nhưng đâu giấu được mãi. Ai cũng nhìn cô với ánh mắt nghi kỵ. Bà con lối xóm xa lánh dần. Họ như muốn đóng cửa mỗi lần Nguyệt bước qua nhà. Anh em, họ hàng ở quê cũng vậy. Chỉ những dịp ma chay hay giỗ chạp, vợ chồng Nguyệt mới tạt về một lúc rồi lên luôn. Vào những dịp lễ Tết, không dám đến chơi nhà ai. Tất nhiên là không ai dám qua nhà. Họ sợ. Họ bảo người Nguyệt toát lên mùi tử khí. Nếu vào nhà sẽ đen đủi. Từ lâu, cô đã làm quen với điều đó. Còn Thiên, anh vẫn miệt mài với công việc MC (móc cống), và đem tiền về cho vợ - mỗi cuối tháng. Thi thoảng cần dăm ba chục ghi con lô hay có dịp đặc biệt như hôm nay lại xin vợ hoặc tự mở ngăn kéo - nơi Nguyệt để tiền đi chợ mà chọn lấy.

Bé Thu đã rúc vào nách bố ngủ tự bao giờ. Nguyệt khẽ nhìn chồng cũng bắt đầu ngáy ro ro. Bên ngoài, đêm cuối đông như một bà cô già đương ngái ngủ.

*

Covid-19 tràn qua như cơn bão. Nó cuốn hết mọi ồn ào, náo nhiệt thường ngày. Cuốn đi những gũi gần, thân thuộc, tiệc tùng, chè chén… Nhà đóng cửa với nhà, người cách ly với người. Đường phố vắng hoe hơn cả ngày mùng 1 Tết. Những ngày đầu bùng dịch, nạn nhân của nó khác nào con hủi. Bị mọi người xa lánh, kì thị. Cả thành phố dậy lên mùi chanh sả. Khắp nơi giăng dây, lập chốt. Rất nhiều năm sau này, chắc hẳn ai nấy cũng sẽ còn nhớ đến một thời như thế.

Gia đình Nguyệt không tránh khỏi vòng xoay điên cuồng ấy, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Đầu tiên là bé Thu nghỉ đến trường mầm non nhưng may đã có bà Liễu trông đỡ. Thiên làm công việc đặc thù nên vẫn chia ca làm như ngày thường. Riêng Nguyệt, khó khăn trăm bề. Lúc này, người ta quan tâm đến người sống hơn là chăm lo cho người chết. Nếu không may qua đời vì Covid-19, nạn nhân xấu số sẽ nhanh chóng được hỏa táng, bỏ tro cốt vào lọ rồi đem về cho người thân. Bởi vậy, đã có không ít người khi chia tay gia đình thì tươi tắn, khỏe mạnh nhưng lúc về chỉ là những mảnh xương vụn trong hũ sành. Thời điểm này, Nguyệt tích cực tham gia công tác tình nguyện viên, hỗ trợ các bệnh viện tuyến đầu chống dịch hay kêu gọi quyên góp, chở lương thực - thực phẩm đến các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến. Chính trong những ngày ấy, Covid-19 đã tấn công, thâm nhập vào gia đình Nguyệt. Lúc này, vắc-xin chưa được phân bổ nhiều nên mọi người chống lại dịch bệnh bằng kháng thể tự thân là chính.

Cái gì đến rồi cũng đến. Nguyệt đón nhận có phần bình thản. Cô tự nhốt mình vào một phòng ngay khi que test nhanh lên 2 vạch. Bé Thu được chuyển giao cho bà Liễu. Thiên ngủ lại chỗ làm, ban ngày anh lại nhà đem theo gạo thịt và thuốc thang cho vợ và 2 bà cháu. Một tuần trôi qua với Nguyệt cũng khá nhanh, như một trận cúm hay sốt siêu vi vậy. Nhưng Nguyệt lo lắng thực sự khi bà Liễu bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của người bệnh. Mẹ cô là cả một tổ hợp bệnh nền với cao huyết áp, tiền sử hen suyễn, đặc biệt là di chứng của trận tai biến nhiều năm về trước khiến sức khỏe bà ngày càng suy yếu. Con virus tấn công bà Liễu quá nhanh. Chỉ trong cùng ngày xe cấp cứu của bệnh viện đã hú còi inh ỏi đưa bà đi ngay trong đêm. Lúc ấy, Nguyệt như người mất hồn. Bé Thu bảo với bố nó rằng: “Trông mẹ như xác chết!”.

Bà Liễu mất sau 5 ngày thở máy. Nguyệt không dám tin là sự thật. Sao không phải ai khác, mà là mẹ cô? Sao bà có thể rời bỏ dễ dàng đến vậy? Biết bao người cũng nhiễm nhưng vẫn bình an vô sự? Nguyệt tự trách bản thân, chính cô đã đem bệnh về cho mẹ.

Nhà tang lễ quận không một bóng người. Gian phòng dành cho người chết lạnh ngắt, tranh tối tranh sáng. Nguyệt đã quá quen với khung cảnh này. Nhưng hôm nay rất lạ. Cô bước hẫng liên tục. Lên những bậc cầu thang quen thuộc nhưng mấy lần suýt ngã. Lâu lắm rồi cô mới có lại cảm giác sợ. Sợ hãi thực sự. Như lần đầu tiếp xúc với xác chết.

Bà Liễu nhỏ thó, nhăn nheo nằm trên giường lạnh. Trông bà là một thực thể hoàn toàn khác so với lúc còn sống. Gương mặt toát lên sự vật vã, đau đớn trong những giây phút cuối đời. Nguyệt đã mất khá nhiều thời gian thuyết phục ban quản lý nhà tang lễ để được thực hiện tâm nguyện này. Biết bao lần cô vô tình thấy mẹ ngồi thần trước gương, tự vẽ mặt. Hay vuốt ve bộ trang phục của nghệ nhân tuồng cổ cất kín trong hòm thiếc. Lấy ra, khoác lên người, ngắm nghía rồi lại cất vào. Bằng bất cứ giá nào, mẹ Nguyệt cũng phải đẹp. Phải là chính mình để sang thế giới bên kia.

Nguyệt chậm rãi mở túi đồ nghề, phấn son, sáp, chì, cọ, mi giả, dũa móng… cùng chiếc túi đựng phục trang hát bội đã được giặt sạch, sấy khô nghiêm ngắn. Cô tỉ mẩn cắt dũa móng, làm tóc, nối mi giả cho mẹ. Nguyệt nhẹ nhàng dùng khăn giấy lau chất nhờn trên gương mặt người chết, cô cẩn thận bôi từng lớp kem nền, phấn lót. Trang điểm cho người chết kì công hơn rất nhiều so với người sống, bởi thần sắc lúc này đã không còn. Nghệ sĩ tuồng cổ lại càng công phu hơn nữa vì phải tô vẽ đậm, sắc sảo từng đường, từng nét. Nguyệt mường tượng ra dung mạo nhân vật Liễu Nguyệt Tiêm. Nhớ lại những lần theo mẹ đến nhà hát, nhìn cách mẹ vẽ mặt cho nghệ nhân tuồng cổ hay tự vẽ cho mình. Màu đỏ son là người anh hùng, trí dũng, nghĩa khí. Màu xanh dành cho kẻ xảo quyệt; màu đen của người chất phác, bộc trực; rằn ri là kẻ hung ác, bạo tàn. Còn phần nền da mặt trắng là người sáng trong, nhân hậu. Mẹ cô - Liễu Nguyệt Tiêm đích thị là người trong sáng và nhân hậu. Một đời tần tảo nuôi con, gặp phải gã đàn ông si tình nhưng phụ bạc. Một đời quạnh hiu, vò võ và khi chết đi cũng cô độc, không một người thân thích kề bên. Chưa bao giờ Nguyệt khóc nhiều như thế. Nước mắt cô rơi loang lớp phấn nền trên gương mặt mẹ. “Người chết sẽ được bình yên”, mẹ cô từng nói vậy. Nhưng Nguyệt tự hỏi, liệu mẹ có thực sự được bình yên!?

Mất hơn 3 tiếng đồng hồ để Nguyệt hoàn thành công việc. Cô gần như kiệt sức. Mặc cho mẹ bộ trang phục của nghệ nhân tuồng cổ, mũ mão đính tua rua cùng đôi hài như 2 chiếc thuyền ngày xưa cô thường hay tinh nghịch. Nguyệt đứng ngắm mẹ hồi lâu. Trước mắt người trang điểm xác chết, bà Liễu không còn là một tử thi lạnh ngắt mang gương mặt đớn đau, sầu não nữa. Trên giường là liệt nữ trung trinh Liễu Nguyệt Tiêm khẽ nở nụ cười mãn nguyện, dung nhan bừng sáng. Bà chỉ như đang vờ ngủ. Nguyệt đặt lên trán bà nụ hôn cuối.

*

Ở cổng chính nhà tang lễ, người bảo vệ trực đêm gà gật kéo cánh cửa cuốn kêu cót két. Thành phố ngoài kia cũng đang dần bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Nguyệt hít một hơi thật sâu, bước ra khỏi phòng quàn nhà tang lễ. Cô hòa mình vào không khí của một sáng sớm đầu xuân, lành lạnh, ẩm ướt. Cây bàng già ngay cổng cựa mình, nẩy những chồi non xanh biếc.

Mỹ Đình, tháng 3/2022

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm