TIN TỨC
  • Truyện
  • Nơi bức vách bị dỡ | Truyện ngắn dự thi của Dương Gia Hân

Nơi bức vách bị dỡ | Truyện ngắn dự thi của Dương Gia Hân

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1329 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Nhà hàng xóm đang sửa chữa, tôi đoán là như thế. Họ đã dỡ cái bức vách bằng tôn sau nhà, làm cả gian bếp lộ ra với cái lò củi ám màu bụi tro nằm thù lù một góc. Dưới bậc tam cấp được xếp tạm bợ bằng mấy tảng gạch vỡ, có cái lu nước và một nền xi măng nhẵn nhụi, nhô lên như một cồn đất nhỏ, gọi là sàn nước. Hẳn là nay mai, họ sẽ xây một bức vách mới bằng gạch.

Chủ nhân của ngôi nhà ấy là một đôi vợ chồng trẻ, nghe đồn là dân làm thuê. Tôi không phải là người hay giao thiệp, làm quen nên cũng chẳng quen mặt họ. Nhưng từ khi cái bức vách bị dỡ, tôi mới biết họ có một đứa con trai. Thằng nhóc chắc cũng 4, 5 tuổi, trừ buổi sáng đi học, còn lại cả ngày tôi cứ thấy nó quanh quẩn ở sau vườn. Giống như bao đứa trẻ trạc tuổi, nó rất ồn ào, hiếu động, lúc nào cũng mặc quần đùi áo số, hết đỏ rồi vàng. Người nó gầy đét như con khô, mặt mày nhem nhuốc, tóc tai bù xù, cháy nắng và bị sún răng. Trông có vẻ bụi bặm, nhưng được cái nó rất hồn nhiên. Nói rất nhiều nhưng không bao giờ nói tục, rất ham chơi nhưng không bao giờ phá làng phá xóm. Nó không giống lũ trẻ con thời nay, thích ra oai và chửi những câu của người lớn dù cho không hiểu nghĩa. Tôi gật gù nghĩ rằng cặp vợ chồng này thật biết cách nuôi dạy con. Tuy nhiên, việc thằng bé cứ lủi thủi chơi một mình giữa ban trưa gắt nắng vẫn luôn khiến tôi băn khoăn.

Có lần, khi tôi đang phụ bà mang mấy chai lọ trong kho ra để bán ve chai, tôi thấy thằng bé nhảy nhót bên chân người mẹ đang phơi đồ, vu vơ nói:

- Con thích được ở ngoài vườn hoài luôn! - Và nó dừng một chút để suy nghĩ về một điều gì đó - À, hay mình đừng xây lại bức tường được không mẹ? - Nó hồn nhiên hỏi, vẻ mặt vô cùng khẩn trương, tự hào về ý tưởng tuyệt vời của mình.

Lời nói của thằng bé khiến tôi bật cười. Nó đã vô tình gửi tặng tôi một niềm vui nho nhỏ, nhẹ nhàng như cái mùi thức ăn thơm phức thoáng qua trong gió. Vừa khiến tôi hạnh phúc mà không bị xao lãng. Nhưng dường như người mẹ kia không nghĩ vậy. Bà ta bỗng gay gắt quát rằng:

- Mày bị khùng hả? - Rồi cứ thế vùng vằng trở vào nhà.

Thương cho thằng bé, nó đứng nghệch ra đó như còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người mẹ chỉ cần gằn giọng nặng nề một chút đã khiến câu nói thốt ra ban nãy không khác gì một lời nguyền rủa. Có thể cho là bà ta không có ý gì hắt hủi, nhưng những câu như vậy sẽ để lại vết sẹo vĩnh viễn trong cái tâm hồn non nớt của trẻ con. Chứng kiến cảnh đó, tim tôi như hẫng đi một nhịp. Nhà tôi với nó chỉ cách đúng một nhà khác, ngặt nỗi gia đình nó lại giăng rào kín bưng, bên dưới còn chặn thêm gạch và cành tre khô, trông không khác gì một căn cứ quân sự. Nghe nói họ chỉ không muốn gà nhà bên đi lạc sang. Mà vì thế tôi lại không thể chạy qua ai ủi thằng nhóc ấy.

Bà tôi đã rất khó chịu vì cái hàng rào ấy và than thở rằng:

- Hồi xưa người ta coi đất đai là của thánh thần ban tặng, sống đùm bọc, gần gũi với nhau lắm. Còn bây giờ hở chút là chia đất, dựng rào.

Vào một đêm cuối tháng, trời đầy sao và gió lộng. Nhưng mái hiên ngoài ban công nhà tôi đã che mất nửa mảng trời xinh đẹp. Cuối tầng lầu, chỉ còn một chiếc cửa sổ lá sách cũ, hướng ra phía sau hè, thoáng đãng và không bị cây cối che khuất. Giữa những lũy tre già ọp ẹp than thở, chó sủa, ve kêu và sao trời thay nhau nhấp nháy. Những đóm sáng long lanh giữa nền trời màu mực và cứ mỗi khi ta chăm chăm nhìn vào một khoảng đen trống trải, vạn vì sao con lại từ đâu hiện ra. Cứ thế âm thầm, chuyển động và tỏa sáng, đó là cách những vầng tinh tú khéo léo phô bày vẻ đẹp của mình. Từng rung động mềm mại và nhỏ nhặt nhất cũng đủ để thu hút ta nhìn ngắm, như thể trông chờ một giọt pha lê nào đó sẽ vô tình ngủ quên mà rơi xuống nhân gian.

Nhưng riêng hôm nay, tôi không thể chú tâm vào những vì sao bởi ngôi nhà dỡ vách kia đèn còn sáng trưng. Tôi thấy thằng nhóc đó, ngồi sát bên mép sàn nhà, buông thõng chân xuống đất, mặt ngước lên trời, không chút động đậy. Tôi quan sát hồi lâu, không tin vào ý nghĩ trong đầu, nhưng rồi tôi chấp nhận, rằng thằng bé đang ngắm sao. Ôi cái thân hình bé tí teo, cái lưng tôm và đôi chân mãi đong đưa ấy, thật khó tin một đứa trẻ thời nay, bình thường đã hiếu động như vậy mà lại có thể lặng im nhìn ngắm sao trời!

Tôi cố nán lại xem nó ngồi đấy đến khi nào. Lát sau, nó bỗng chấp tay lại, để sát trước trán rồi đưa xuống ép vào lòng ngực. Cứ thế, mắt nó nhắm lại, lưng thẳng và chân giữ yên. Nó bất động như thế mãi đến khi cằm đã gục trên những đầu ngón tay, nhưng nó vẫn nhất quyết không vào nhà. Lúc này, giọng mẹ nó cáu kỉnh vang lên, thằng bé cuống cuồng bật dậy, còn vái lạy liên hồi rồi mới chạy vội vào nhà. Hình như nó sợ mẹ lắm.

Từ đó, hôm nào trời nhiều sao, tôi lại thấy nó ra sàn bếp ngồi ngắm và bao giờ cũng xá, cũng lạy rất lâu. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ trời tối thế, nó không bị muỗi cắn à? Mà thật sự trong những lần hiếm hoi gặp nó ngoài đường, tôi lại thấy cặp chân gầy guộc ấy nham nhở mấy vết tròn sưng đỏ, nhưng những vết trầy xước, bầm tím thậm chí còn nhiều hơn. Trẻ con vốn hay nghịch ngợm mà. Đúng không?

Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Một hôm, hàng xóm qua lại ở sau hè bắt gặp thằng nhóc nhà bên, vừa chạy qua cái sàn nước đã bị mẹ nó cằm roi đuổi kịp, đánh nó túi bụi, còn không ngừng mắng chửi lớn tiếng.

- A… a... con không biết, con có làm gì đâu?

Chẳng ai hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ nghe thằng bé rít lên những tiếng dài chói tai, mếu máo. Mọi người xung quanh chạy đến, đứng sau hàng rào không ngừng khuyên người mẹ tha cho nó. Nhưng giữa con mắt của thiên hạ, bà ta cũng chẳng nể nang ai hay chịu giữ lấy cái thể diện của mình. Thậm chí còn quát lớn hơn, mắt trừng trừng, một tay bấu chặt vào vai nó, tay còn lại không ngại vung cao chiếc roi tre được chuốt mảnh, đánh tới tấp vào mông nó. Thằng bé gào lên thảm thiết, rát cả cổ, vùng vẫy trong hoảng sợ, nhìn nó như phát điên đến nơi rồi. Sau cùng, nó như trút hết sức lực để cố nói rõ chữ “con xin lỗi”, rồi nó lặp đi lặp lại câu xin lỗi ấy, giọng yếu ớt như mê sảng.

Mọi người xung quanh thấy thế đều sợ tái mặt đi, gay gắt khuyên ngăn người mẹ hơn, nhỡ thằng bé có mệnh hệ gì thì nguy mất. Cuối cùng, bà ta cũng chịu dừng, chống tay vào hông, thở hổn hển, buộc lại tóc, phủi tay rồi bỏ vào nhà. Trong khi đứa con đứng còn không vững, mặt nó đỏ au, chân tay bủn rủn, cơ thể không ngừng nấc lên như bị co giật. Hàng xóm chung quanh ngao ngán thở dài, ai cũng ngại cái hàng rào bén nhọn trước mắt. Nhưng thằng bé cứ khóc mãi và mọi người không thể bỏ mặc nó được.

Lát sau, cũng có một ông chú leo qua được rào, đến dỗ đứa trẻ và cõng nó vào trong nhà. Lúc về, ông hãi hùng kể lại với hàng xóm rằng vết roi đầy cả người thằng bé, còn rướm máu nữa. Ông có gặng hỏi lý do đánh đứa con thì người mẹ chỉ ậm ừ cho qua, còn nhìn ông khó chịu.

- Rồi ông có khuyên răn gì cô ta không, chứ như hồi nãy thấy sợ quá! - Một người phụ nữ trung niên, mặt nặng nề hỏi.

Ông chú ấy xám mặt, buồn bã lắc đầu

- Sao thế? Không lẽ ông sợ cái con đó? - Người đàn bà bức xúc.

- Khuyên thế nào mà khuyên? Không lẽ nói nó dỡ luôn cái hàng rào đi để khi nào đánh con thì hàng xóm còn qua ngăn kịp, chứ không thì mang nghiệp nặng lắm. Thế à?

Mọi người đều im lặng.

Bẵng đi một khoảng thời gian, nhà bên đấy chẳng thấy động tĩnh gì. Thằng bé cũng không ra sau nhà chơi hay ngồi trên sàn bếp ngắm sao nữa. Ban đầu, mọi người đều thấy bất an trong lòng, thỉnh thoảng hay đưa mắt nhìn sang, mong chờ một tiếng cười đùa của trẻ con. Nhưng vì vẫn thấy thằng nhóc đến trường đều đều nên họ cũng không còn bận tâm nữa. Đến một ngày khi vô tình nhìn qua căn nhà ấy từ cái cửa sổ lá sách cuối tầng lầu, tôi mới phát hiện họ đã làm xong bức vách. Nhưng nó không phải là một tường gạch khang trang, vững chãi mà chỉ là một tấm tôn mới, không gỉ sét như cái cũ, thế thôi!

Êm đềm chẳng bao lâu, cứ hai, ba hôm, khi trời vừa chập tối, tôi lại phải giật mình vì những tiếng chửi the thé vang lên từ cái gia đình ấy. Rồi từng đợt nối nhau của tiếng roi tre kêu vun vút và thứ âm thanh chan chát nghe nhọn hoắt làm da thịt đau nhói lên. Thằng bé lại gào thét với những lời xin lỗi nhọc nhằn. Nó rên xiết với mong cầu được tha thứ hay chí ít là một khoảng nghỉ để nó được hít thở, để nó có thể nhìn rõ những gì đang xảy ra qua làn nước mắt đục ngầu. Cứ thế, nó khóc bằng cả cổ họng, dần dần tôi không thể hiểu nó đang nói gì qua cái giọng rũ rượi và phờ phạc ấy. Người mẹ cứ chửi, cứ đánh rồi ra lệnh cho nó “nín dứt”. Nhưng điều đó là bất khả thi, nếu con trẻ có đủ khả năng làm được việc đó, cho dù là phải lấy đá dằn lên ngực thì chúng cũng đã làm rồi.

Hàng xóm chung quanh đều biết chuyện, ai cũng lo lắng, nặng lòng mà lực bất tòng tâm. Mới hôm nọ, bà bán hủ tiếu sát bên trường mẫu giáo cho hay, đôi vợ chồng kia vừa xin cho đứa con trai nghỉ học vài tuần vì nó bị sốt xuất huyết.

- Sốt gì mà nhốt thằng nhỏ ở trong nhà, không đưa đi bệnh viện? Có mà đánh nó dữ quá, sợ người ta phát hiện rồi báo công an chứ gì!

Thế mà những “người ta” ấy (có cả tôi nữa) lại tỏ ra bất lực, vô can trước một sự việc trầm trọng như thế. Người ta đi ngang qua ngôi nhà tối tăm, kín cửa ấy chỉ có thể đưa mắt nhìn vô vọng. Người ta cũng bức xúc, muốn liều mình đạp cửa xông vào, nhưng sợ mọi chuyện lại khác xa ý nghĩ thì biết ăn nói với gia chủ làm sao, họ mà kiện tụng thì lại khổ.  Mà đôi vợ chồng ấy cũng rất đỗi khác người, hay ra đường vào những giờ không giống ai, mặt mũi luôn căng thẳng, lầm lì nên chẳng ai muốn bắt chuyện. Và chỉ có thể thôi, ánh sáng của công lí đã không thể rọi vào họ rồi.

Những gì đã từng là trong sáng, hy vọng như đã đóng lại cùng bức vách ấy. Nhưng sự giày xéo trong thâm tâm mỗi người thì còn mãi. Cứ khi tôi nhìn sang cái bức vách lạnh tanh, bơ vơ ấy, trong lòng như bị ép chặt lại, thấy bức bối, chua ngoa. Rồi những đêm gần đây, tôi không còn thiết gì cái thú thường thức trăng sao, bao giờ cũng nặng đầu, mỏi mệt và đi ngủ sớm. Cũng trong một buổi tối như thế, dưới ánh đèn ngủ màu trắng nhạt, tiếng thằng bé la hét lại dội mạnh vào tai tôi:

- A… ba… ba tha cho con…

Giọng nó vẫn chỉ có thể kéo dài ra trong vô vọng. Tiếng gào ấy xiết chặt lấy tâm can, khiến tôi không thở được, nước mắt tự lúc nào đã ứ động, nhòe ra nơi khóe mắt. Thế mà sự thảm thiết ấy lại không thể lung lay những người được gọi là máu mủ, ruột thịt. Thật kì lạ, thật khó hiểu… bằng cách nào vậy?

Tôi chui rúc trong chăn, lắng nghe âm thanh đã trở về với tĩnh lặng. Nhưng tôi sợ, chỉ một tiếng kêu đột ngột xé toạt màn đêm hẳn là như con dao đâm mạnh vào tim tôi lần nữa. Cầu nguyện. Tôi chỉ biết cầu nguyện.

Có một khoảng thời gian, tôi và gia đình lên thăm người chú ruột trên tỉnh lỵ. Vừa trở về, hàng xóm đã kể lại với nhà tôi một tin chấn động. Chuyện là cách đây ít lâu, đang yên đang lành thì có một bà tuổi ngoài 60, tay ôm đứa cháu chạy ra đường, tri hô nhờ người đưa thằng bé đi bệnh viện. Bà cố giữ bình tĩnh, giải thích với mọi người bằng những câu từ bập bẹ, rối bời vì kích động. Thằng nhỏ đứng nép vào chân bà, ốm tong teo như một cái gậy chống bằng củi khô. May thay, mọi người đã lập tức nhận ra nó là đứa con của cặp vợ chồng nọ, còn cụ này là bà nội ở xa đến thăm con cháu. Ai nấy càng thêm khẩn trương khi thấy những vết đỏ dài trên tay chân đứa trẻ. Ông chú ngày trước cùng với vợ, xung phong lấy xe máy chở nó đi bệnh viện. Các cô trong xóm trấn an bà cụ rồi cùng với một đám trai tráng đến nói lí lẽ với những “bậc cha mẹ” kia.

Lúc này, đôi vợ chồng nọ đứng nép bên cổng nhà, đó là một gã có thân hình gầy nhom, mặt vật vờ như kẻ nghiện cùng với người phụ nữ đỏm dáng mà xanh xao. Bà cụ chỉ tay vào họ, run lên lẩy bẩy, đôi mắt sâu trợn trắng, câu quở trách muộn màng như nghẹn ứ đớn đau, chỉ có thể chuyển thành lời tự vấn xé lòng:

- Trời ơi! Bây nuôi nó không nổi, ghét bỏ nó thì đem về đưa tao nuôi. Chứ bây đánh nó thì được cái tích sự gì, hả? Trời ơi! Tại tao… tao không ở đây, không cản chúng mày, rồi cũng không ai cản chúng mày lại. Rồi tao về nhà, tao biết nói thế nào với ba chúng mày hả?

Bà cụ chịu đả kích quá lớn, ngồi bệt xuống đất mà khóc. Từng dòng xe máy lướt qua, bối rối trước cảnh tượng kì lạ, thảm thương ấy. Cũng có người dừng lại hỏi, nhưng chẳng ai trả lời. Bởi chính trong đám đông, chính những người hàng xóm đã chứng kiến tất cả, họ đang phải chịu sự xấu hổ, dằn vặt của lương tâm. Lời bà cụ không nhằm vào ai, không trách cứ gì những láng giềng vô tâm. Nhưng mọi người luôn hối hận, luôn thấy có lỗi với cả bà lẫn cháu. Họ có thể cứu được thằng bé trước một ngày, một tuần, thậm chí là một tháng. Nhưng không ai có cái can đảm ấy, họ chọn sự im lặng và bàng quan.

Tội lỗi là ở đôi vợ chồng ấy, cả hai đã khép hờ cặp mắt vô hồn, không thừa nhận, không ăn năn. Còn những người hàng xóm, đứng đối diện như hai bờ chiến tuyến, lặng lẽ đỡ cụ bà dậy, ngậm ngùi không chửi rủa gì đôi vợ chồng ấy.

- Báo công an, ai đó báo công an đi!

Bà cụ bỗng chắc nịch lên tiếng trong sự ngỡ ngàng, đơ cứng của mọi xúc cảm lẫn ánh nhìn. Người ta sợ bà vì nóng giận nên mới cương nghị như thế, khi bình tĩnh lại rồi chẳng lẽ khóc thương con. Nhưng cụ bà cứ khăng khăng và mọi người từ lâu cũng đã bức xúc nên cùng quyết định trình báo.

Chuyện điều tra, kiện tụng gì đó thì đang diễn ra và tôi cũng không biết nhiều. Đặc biệt là về “bậc cha mẹ” ấy thì tôi càng không muốn biết. Còn thằng bé kia đã về ở với ông bà nội, được các nhà hảo tâm hỗ trợ nhiều về vật chất. Xóm tôi thỉnh thoảng cũng đến thăm nó, mọi người đều tự thấy bản thân phải có trách nhiệm vực dậy đứa trẻ khỏi những tổn thương tinh thần. Ngày qua tháng lại, ai nấy đều vui mừng vì thằng bé càng lớn càng khỏe mạnh, hạnh phúc.

Tôi cũng đến thăm nó một lần, thâm tâm lại mang nặng một lỗi lầm không tên. Nhưng thằng bé với một vẻ hoạt bát đáng yêu, nó đã nói với tôi đủ thứ chuyện trên đời. Rồi nó kéo tôi ra sau nhà, cùng ngồi xuống sàn và thả chân đong đưa gần mặt đất. Khoảng trời trên đầu chúng tôi xán lạn, bình yên lộng gió ngàn. Mây trắng xóa, láng mịn và thanh tao, những cánh chim đen tuyền, với đường bay mềm mại chao liệng giữa không trung. Tận cùng của nền trời ấy là những ngọn tre nhẹ tênh tựa lông vũ, nhảy múa trong thứ âm hưởng độc nhất của mẹ thiên nhiên. Và khi tôi reo lên cảm thán trước vẻ đẹp của tạo hóa, thằng bé ngay lập tức tự hào:

- Gió ngày nào cũng thổi vào, mát lắm, nắng chiếu vào lại sáng nữa. Khi nào thích quá thì mình chỉ cần dang chân ra, nhảy một cái - Nó liền đứng dậy làm động tác nhảy xuống - Xong! Vậy là ra tới vườn rồi!

Nó tiếp đất và nhìn tôi cười khúc khích. Bấy giờ tôi mới nhận ra, chỗ này không có vách ngăn, thoáng đãng hệt như ngôi nhà ngày trước. Một đợt xúc cảm kì lạ, âm ỉ như sóng ngầm thụi vào ngực tôi. Quá khứ ở ngay đây và tôi có cảm giác như mình là người trong cuộc. Mọi điều khủng khiếp đã qua rồi. Một chốc xúc động đã khiến tầm mắt tôi bị một lớp màn trắng đục phủ lên, không chịu rơi vỡ cho đến khi tôi dụi mạnh vào và quệt thành một đường dài long lanh trên mắt. Thằng bé đang chạy nhảy, vô tư lự. Mong rằng nó không ám ảnh gì những đoạn kí ức xấu xí kia. Mong rằng nó tha thứ cho tôi - một kẻ vô tâm.

Rồi một ngày cuối tháng, bầu trời sẽ ngời ngời tinh tú. Thứ ánh sáng tinh khiết của vũ trụ ấy sẽ bảo hộ cho những giấc mơ thời thơ ấu. Để những sinh linh quên đi bao tổn thương ngặt nghèo, bởi chúng ở đây là để gieo vào đời tình yêu và sức sống. Tôi nguyện cầu cho mọi trẻ em.

D.G.H

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm