- Truyện
- Phục sinh | Thanh Tuân
Phục sinh | Thanh Tuân
THANH TUÂN
Tháng 5, triệu cơn nắng chảy tràn xuống cánh đồng miền Trung. Đất nứt nẻ chân chim. Những thửa ruộng khô cháy. Lũ trẻ lùa đàn bò qua cánh đồng. Từng con bò giơ xương đi như những con lạc đà trên sa mạc. Mấy đứa trẻ cũng khô quắp, gầy đét và đen nhẻm. Người và vật đi âm thầm, lặng lẽ giữa cánh đồng khô ran và đám bụi mù mịt.
Gã lần bước vào làng. Từng ngôi nhà nhỏ im lặng. Không khí bao trùm một gam màu buồn tẻ, không sức sống. Có vài đứa trẻ nhỏ chơi thậm thụi trong ngõ nhìn ra gã với vẻ mặt lấm lét. Dạo một vòng quanh xóm, gã tìm được một nơi tá túc. Đó là căn nhà công vụ của trường học cũ kĩ đầu thôn. Nơi mà cách đây hơn năm có một thầy giáo ở, nay thầy đã về tận đâu đâu. Gã được ông lão tốt bụng giao chìa khóa cho mượn. Ở thêm người cho vui làng vui xóm. Ông lão cười.
Một ngôi làng thật đặc biệt, chỉ có người già và lũ trẻ. Bố mẹ chúng không kiên nhẫn để bu bám làng cùng cái hạn, cái đói quay quắt. Những người già và trẻ nhỏ ở lại. Đó là thượng sách. Vì đi làm thuê ở thành phố không ai mang đùm đề cả gia quyến vào, bởi nơi đất chật người đông thuê nhà ở đâu dễ. Chưa kể các khoản sinh hoạt phí phải chi trả đắt đỏ. Vậy là những đứa trẻ ở lại, không cha mẹ.
Thế rồi dịch bùng phát. Chủ doanh nghiệp chưa kịp trả công. Người lao động chưa kịp thuê xe. Thành phố đã hết hạn mở cửa. Vùng quê còn yên bình lắm… Bằng cách này hay cách khác, những đứa trẻ vốn đã thiếu cha mẹ, giờ thành mất cha mẹ, một đôi trường hợp có thể là vĩnh viễn. Tài sản cha mẹ để lại là những mảnh ruộng khô cháy, đôi con bò trơ xương, và có cả… ông bà nội ngoại còm cõi.
Bọn trẻ có nhiệm vụ trông những con bò gầy để khỏi rảnh rỗi, vừa để kiếm thêm thu nhập. Nói kiếm thêm chứ cũng chưa hẳn là vậy. Nuôi cho có nuôi. Bò đôi con cặn riết, ốm nhách, lúc nhúc, lóc nhóc, làng lại ở xứ hẻo lánh này nên mấy khi thương lái tới. Họa hoằn khi có ai mua thì bán được đồng nào hay đồng ấy chứ chẳng biết đâu lời lỗ.
Vài ba ngày một bữa, lũ trẻ lại rủ nhau đạp những chiếc xe đạp cà tàng đi hàng chục cây số để lấy nước. Những chiếc xe trở về lỉnh kỉnh những thùng, can nhựa, chai nhựa… miễn là vật gì chứa được nước và giắt được lên xe. Nước về, gương mặt từng người mừng như chim mới ra ràng. Cái vùng nhiệt đới mà thắm tha thắm thiết nước như tận vùng sa mạc châu Phi. Lũ trẻ lấy nước rửa mặt để giặt cái khăn mặt; giặt xong nước đó được rửa tay; rửa tay xong để rửa chân; rửa chân rồi để giặt những bộ quần áo dơ, những đôi dép; hành trình cuối cùng của những giọt nước qua tay chúng là tưới xuống những gốc cây… Trẻ con đôi khi đã phung phí thì phung phí vô cùng, nhưng một khi đã tiết kiệm thì chỉ có thể nói đến từ kiết mới phù hợp. Và lũ trẻ nơi đây là một trường hợp như vậy.
Nguồn sống – tranh tổng hợp – huỳnh ngọc tịnh (Trích trong sách Sáng tác mới của Hội Mỹ thuật TP.HCM năm 2021).
Gã dạo quanh xóm với bộ đồ bụi bụi. Cái máy hình lúc nào cũng kè kè bên mình sẵn sàng bấm tách. Một cái làng thật kì quái nhưng thú vị – gã nhận định. Có đôi khi dạo cả ngày mà gã không mất một tiếng nói. Cả làng, ai cũng kiệm lời. Gặp những người già, họ chỉ cười xã giao, không buồn nói. Lũ trẻ đôi khi cũng không buồn cười lại với gã.
Thực tế sáng tác gì đến những vùng này? Gã lầm rầm trong miệng. Đó là những ý niệm của chính gã mâu thuẫn với gã của trước đây. Rằng trước đây gã khư khư phải đến những nơi không ai muốn đến, tìm trong cái điều bình thường những cái khác thường, tìm trong cái quen thuộc những cái độc đáo. Đấy mới là sáng tác. Rằng “văn chương bám rễ từ cuộc sống” thì nhiếp ảnh càng phải mọc ra từ trong cốt tủy của hiện thực. Hơn bộ môn nào, nhiếp ảnh là bộ môn lợi thế nhất trong các bộ môn phản ánh hiện thực.
Gã chúa ghét cái bức tranh giả tạo. Bà già lom khom cầm chổi quét hoa gạo. Bà già lom khom gánh hàng rong… Bởi hiện thực đằng sau đó là hàng loạt tay săn ảnh ngồi quanh đủ mọi góc. Rồi hiện thực sâu xa là bà già ngồi xoa bóp cái khớp gối và cái lưng đau rã rệu vì phải khom cả ngày, diễn sao cho thật đạt để có được tấm hình cho mấy vị. Tất nhiên khoản tiền thu được từ thù lao ấy ít nhiều chi cho thầy thuốc, còn lại đưa cho thằng quý tử. Nó cầm tiền hể hả vì có người bà già còn hái ra tiền. Tiếp đến thì cả nghìn bức ảnh lại na ná nhau, trong một cuộc thi chẳng biết trao giải cho tấm nào. Đó, gã nghĩ như vậy.
Gã cười nhạo. Gã nghĩ mình phải tìm một hướng đi khác. Cũng đi vào hiện thực. Nhưng hiện thực phải thực tế. Thế là gã xách ba lô lên và đi. Gã hy vọng tìm xem trong những bộ đồ cũ kĩ biết đâu có một bộ hợp với vai diễn lần này. Bước chân lang thang, gã đã lạc đến ngôi làng này. Âu là cái duyên.
*
Sớm tinh mơ, gã dạo ra đồng. Tạch… Gã xem lại bức hình vừa mới chụp. Một thân cây lúa khô que như cọng tăm và cái chiều cao cũng bằng chiều dài của cọng tăm, không hơn không kém. Cái lá lúa co rúm, tóp lại. Những chấm nâu và chấm vàng trên lá xanh được chiếc máy Canon phóng cận cảnh từng chi tiết. Một giọt sương. Trên mút lá có một giọt sương bé tí ti. Nếu không có cái ánh lên vì phản chiếu mặt trời thì khó mà thấy được nó. Mắt gã rạng rỡ. Gã nằm rạp xuống và lia máy về phía cái thân lúa vừa chụp. Thân lúa còn đó. Giọt sương biến đâu mất. Gã thất vọng đứng dậy quơ đại máy ra cánh đồng trước mặt. Cánh đồng mênh mông chằng chịt từng vết nứt nẻ. Cả đồng lúa mà nhìn thoáng qua chẳng thấy cây nào. Bởi lẽ thân lúa nào cũng cố co mình lại dưới cái nắng sớm mà giòn cả đất.
Lũ trẻ lại lùa bò qua cánh đồng. Con đường giữa cánh đồng nổi bụi cuồn cuộn vào sớm mai. Gã lia máy. Những con bò bước từng bước xiêu vẹo, xương in hằn trên tấm da vàng vàng, hung hung; từng đứa trẻ theo sau cũng gầy còm, khô đét không kém. Cả đàn người, vật đi vật vã trong âm thầm, bụi bặm và khô khốc của một sớm tinh sương. Chúng cũng đi vào trong… máy ảnh của gã một cách rõ nét. Nhìn tấm hình khó ai nghĩ đó là tấm hình vào buổi sớm mai, một tấm hình vào 5 giờ 30 phút sáng, cái thời gian mà không ít vùng còn ngái ngủ trong sương sớm giăng mùng. Gã quay về làng.
*
Suốt mấy tuần nay, gã cứ lòng vòng quanh làng. Gã nhận thấy chả có cái gì khác ngoài những cái cũ mèm: ruộng lúa, lũ trẻ, những con bò khô đét. Trong muôn trùng những cái quen thuộc của quen thuộc, gã vẫn chưa tìm ra điều khác thường trong bình thường mà gã dày công tìm kiếm. Có khi gã ngồi thẫn thờ suốt mấy tiếng đồng hồ để chờ đợi một cái gì đó ngoài đám ruộng đầu làng. Có khi gã dạo qua con sông cạn khô, leo lên cụm đồi phía bên kia bãi, nơi chỉ có cây bụi lúp xúp và những đám gai lưỡi long nhọn hoắt. Gã ngồi đó phóng tầm mắt nhìn cánh đồng, rồi nhìn trời, và… lia máy. Gã đã có hàng trăm tấm hình. Đó là cả cánh đồng rộng với góc chụp trên ngọn đồi; đó là những thửa ruộng khô khốc với mảnh đất đầy vết nứt, vết nứt nhiều hơn lúa trên cánh đồng; đó là hình ảnh lũ trẻ gầy nhom và đàn bò ốm nhách qua cánh đồng vào buổi sớm mai đầy… bụi; đó là những đứa nhỏ gần như còi xương ngồi, bẩn thỉu vì ít được tắm, chơi thậm thụi đằng trước ngõ với cái nhìn thòm thèm trên đôi mắt, đôi môi. Đấy là những gì gã có thể làm được suốt thời gian đến đây. À, còn một tấm hình, một tấm hình gã vẫn coi đi coi lại vẻ tâm đắc là tấm hình cánh đồng khô khan có một ngọn lúa gầy với giọt sương bé li ti chói lên dưới nắng. Tự gã nhận định rằng, gã là một nhiếp ảnh gia thuộc trường phái “hiện thực khô khốc và gầy đét”. Đó là trường phái kì cục dành cho những con người kì cục. Vẫn cũ mèm, vẫn xưa rích. Gã vẫn thèm một cái gì đó mới, mới rợi, mới choanh, mới tinh tươm trong mớ bòng bong cũ kĩ. Nhưng liệu kiên nhẫn của một người làm nghệ thuật là không có giới hạn?
Tối hôm đó, gã sang nhà ông lão để gởi lại chiếc chìa khóa. Căn nhà leo lét ánh đèn, chỉ có thằng cháu ngồi ăn một mình. Gã đến bên giường cụ. Ông già nằm co quắp dường như không biết có người đến.
- Con đến để gởi lại ông chiếc chìa khóa và gởi lời cảm ơn ông.
Ông lão trở mình:
- Cậu định đi hả?
- Dạ! Mai con đi! Ông uống thuốc cho mau khỏi bệnh ạ.
- Đau ốm chi mà uống cậu ơi! Trời chuyển mưa nên thân già khó ở thôi. Mai mốt mưa thì khỏe thôi mà.
Mưa? Ngay cả cái từ đó với gã mấy tuần nay cũng xa xỉ thật. Chưa bao giờ gã nghe ai đó trong làng này nhắc đến từ mưa kể từ khi gã đến đây. Gã không hình dung được vùng này mưa sẽ thế nào. Có phải đến rồi đi bất chợt như ở Sài Gòn? Hay lại dầm dề, lê thê đến nao lòng như ở xứ mưa dài Huế một lần nào đó gã tác nghiệp? Có thể mưa là điều bất thường trong sự bình thường khô hạn nơi đây chăng?
*
Bầu trời đen kịt. Gió thốc từng cơn, co giật. Từng đám bụi bay mù trời. Một vài cơn lốc xoáy cuộn tròn rồi hất tung mớ bụi rác, cỏ khô lên trời. Mớ cỏ sau một hồi được tung hê rơi lã chã xuống những đám ruộng khô khan. Lũ trẻ bên kia bãi sông cạn hò hét đàn bò về vội. Lũ trẻ trong làng hí hửng không kém. Chúng bưng những thau giặt đồ, thùng, gàu, nồi… bất cứ thứ gì có thể đựng nước được là chúng sắp hết ra sân. Các cụ già lật đật gom củi, lấy quần áo… Chớp rạch tứ phía. Sấm nổ ầm ầm. Những cơn giông đầu mùa lúc nào cũng chát chúa đến man rợ. Mưa bắt đầu trút xuống. Rào… Rào… Những hạt mưa lúc đầu thưa và to. Rồi mưa ào ào trút dày hạt hơn. Rồi không còn hạt nữa mà từng dòng mưa trút dữ dội.
Gã xuất hiện với cái máy ảnh đã được bảo hộ chống nước. Tạch… Tạch… Gã tha hồ bấm. Sấm chớp có thể cướp đi cái máy ảnh của gã, cũng có thể cướp cả sinh mạng gã. Nhưng nghiệt ngã thay, cái niềm đam mê, gã mặc kệ. Mưa mặc mưa. Sấm mặc sấm. Chớp cũng kệ. Ngoài tài năng thì nghệ thuật đôi khi đòi hỏi sự can đảm. Gã nghĩ vậy. Gã cứ lao đi. Lao dọc xóm. Chụp những đứa nhỏ trần truồng nhảy tung ngoài sân; chụp những tiếng cười, tiếng hò hét; chụp những bước chân hớn hở chạy trong mưa; chụp gọn cái ánh mắt hạnh phúc của những bà cụ già; chụp lũ bò; chụp hoa lá… Gã đã tìm được cái bất thường trong bình thường?
Phải rồi, cánh đồng! Gã lao ra đồng. Cánh đồng vẫn nằm im dưới cơn mưa, vẫn nứt nẻ những vết chân chim chằng chịt. Đất thèm khát húp lấy húp để những giọt nước trời mớm. Thế rồi sự thèm khát nào cũng hả hê. Nước bắt đầu trào lên qua từng khe nứt. Cánh đồng chợt hiện lên với hàng trăm nghìn con rạch đan xen dưới chân lúa. Lúa hả hê xòe lá dưới cơn mưa dữ dội. Giữa cánh đồng mênh mông đó, ông lão đứng dưới mưa. Gã lao lại. Còn mươi bước, gã khựng người. Trước mặt gã, ông lão đang cuốc từng nhát đất nhanh gọn rồi bỏ xuống đắp ngang con đập giữa đồng. Vị lão nông biết con đập có vai trò vô cùng to lớn. Nếu trận mưa này không đắp giữ nước cho con đập thì con sông cạn đang thèm khát ngoài kia sẽ nuốt trọn dòng nước. Đương nhiên nếu vậy chỉ sau vài ngày thì cánh đồng này lại khát cháy hơn trước.
Gã đứng trân ra nhìn ông lão. Mới đêm nào, một ông lão còn co quắp trên giường, ho sù sụ, rồi rưng rức kể về hai đứa con của lão. Cái con người khô đét ấy như cây lúa bị hạn ngoài đồng. Dưới ánh điện nhờ nhợ, gã thấy đôi giọt nước mắt lăn trên gò má lão. Như giọt sương sớm trên thân lúa mà gã đã chụp được. Như hai đứa con lão, đi không trở lại. Lão nhìn hai đứa cháu ngáy đều đều bên cạnh. Hiện thực đại dịch, hiện thực hạn hán thảm khốc hơn cả hiện thực chiến tranh. Gã nghĩ vậy, vì gã có đi qua chiến tranh đâu.
Trước mặt gã, một ông lão đang… hồi sinh. Tự nhiên gã cảm thấy nước mưa có vị mằn mặn chảy xuống bờ môi gã. Một bức tranh hiện thực hơn hàng nghìn bức tranh gã đã xem; một bức tranh sinh động hơn bao nhiêu bức tranh sinh động gã đang có… Gã cảm thấy cuộc đời mình thật vô vị nếu không lưu lại được khoảnh khắc này. Gã đưa máy lên. Rẹt… Cái ánh chớp sáng lòa bủa giăng, ông lão giật mình ngước mắt lên… Tạch…
*
Chương trình Hát mãi ước mơ đêm đặc biệt. Không như thông lệ là một video dài giới thiệu hoàn cảnh nhân vật chính cần hỗ trợ và tiết mục hát của người giúp đỡ. Chương trình hôm nay cả Ban giám khảo và người xem ngồi thinh lặng nhìn lên màn ảnh rộng. Từng tấm ảnh được trôi từ từ đưa qua mắt họ. Gần cả trăm tấm ảnh phác họa lại cuộc sống nơi một vùng quê nghèo khô cằn. Những đứa trẻ gầy đét, ốm nhom. Những cụ già khô quắp, còm cõi. Những con bò gầy rộc, vàng vọt, da bọc xương. Những mảnh ruộng với những đường nứt nẻ chằng chịt. Cảnh sinh hoạt chắt chiu từng giọt nước. Hiện thực vùng quê vốn dĩ đã khốc liệt, sau mùa đại dịch càng khốc liệt hơn.
Bức hình cuối cùng hiện lên là cụ già đen đúa, trạc gần 80. Dưới cơn mưa giông, cụ đang giơ cao chiếc cuốc giữa cánh đồng. Sau lưng cụ là bầu trời mây xám xịt. Giữa những ụn mây trên cao có những tia chớp chói lòa đan chéo nhau thành nhiều đường ngoằn ngoèo rực rỡ. Phía dưới bức hình có hai chữ “Phục sinh”.
Sau giây phút thinh lặng, ca sĩ H.T lên tiếng bằng giọng nghèn nghẹn, chậm rãi:
- Hôm nay, các ca sĩ sẽ không ủng hộ bằng tiền mặt trực tiếp, mà cả 3 ca sĩ sẽ kêu gọi quyên góp để cho ngôi làng kia có được một con đập, một nhà máy nước sạch.
Khán phòng lại rơi vào im ắng. Rồi một tiếng vỗ tay. Hai tiếng vỗ tay. Rồi 3. Rồi 4… Một tràng pháo tay dài bất tận.
Ở một diễn biến khác, tấm ảnh mang tên “Phục sinh” tham gia cuộc thi triển lãm ảnh do Hội Nhiếp ảnh thành phố tổ chức. Tấm ảnh không đoạt giải cao nhất nhưng tấm ảnh lại được giải “Cống hiến”. Gã nghĩ, âu đó cũng là cái duyên.
Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 36