TIN TỨC
  • Truyện
  • Sen đá | Truyện ngắn của Sơn Trần

Sen đá | Truyện ngắn của Sơn Trần

Người đăng : tranductin
Ngày đăng: 2023-03-03 16:53:30
mail facebook google pos stwis
812 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

1. Điện thoại báo có tin nhắn. Là của Hưng. Dung liếc mắt vào màn hình, rồi tiếp tục công việc chứ không vội trả lời. Cô đang chấm bài, và thầm nghĩ nội dung tin nhắn ấy cũng chỉ xoay quanh việc anh thuyết phục cô về phố làm việc. Mà Dung quyết định rồi, cô sẽ công tác ở ngôi trường này, ít ra cũng năm, mười năm nữa. Việc Hưng nhất quyết buộc cô về phố cũng chính đáng, nhưng Dung đã nghĩ kỹ, nếu ai cũng chọn phố, những nơi thuận lợi để sống, để làm việc thì ở vùng núi cao còn nhiều khó khăn này, những học trò đói ăn đã đành còn thêm đói chữ nữa thì tương lai sẽ ra sao?

Hơn nữa, Dung đã nguyện với lòng, muốn trả ơn người đã giúp đỡ cô trong những tháng ngày khốn khó. Người ấy đã mất, mất trong sự đau xót của nhiều người, những hoàn cảnh khó khăn cảm thấy hụt hẫng, trống vắng. Với Dung người ấy là bà tiên, xuất hiện kịp thời, mang niềm hy vọng đến với trẻ em thiếu may mắn, sống trong nhà tình thương. Khi lớn lên, những năm học đại học, Dung đã theo bà tiên ấy đi khắp nơi, đem niềm vui cho trẻ em nghèo. Dung lên đây dạy học sau khi tốt nghiệp vừa là cái duyên vừa là mong muốn. Biết khó khăn nhưng Dung vẫn sẵn sàng, cố gắng hết sức để vượt qua. Nhưng rồi bị người yêu tác động, đôi lúc khiến lòng cô chao đảo, kiểm chứng. Nhiều đêm trằn trọc, thao thức bởi sự lựa chọn giữa đi và ở, giữa sự nghiệp và tình yêu, giữa được và mất khiến Dung không sao yên giấc, sáng ra mệt mỏi, hai mắt thâm quầng.

Bạn bè nhiều đứa  bảo Dung lãng mạn, ảo tưởng và chẳng thức thời. Cuộc đời này làm gì có lý tưởng. Phải sống cho bản thân trước đã. Đường quang không đi mà đâm sầm bụi rậm. Dung nghe, chỉ cười. Bọn bạn càng thêm băn khoăn, khó hiểu. Chắc con này khùng nặng? Mày mau suy nghĩ lại đi! Đứa bạn thân chưa chịu buông tha. Về phố làm nhân viên văn phòng nhàn nhã, lại gần người yêu, nay mai cưới chồng mà không chịu lại lên tuốt vùng cao dạy học. Không có mày thì có giáo viên khác, chứ thiếu đâu mà lo. Mỗi năm sinh viên sư phạm ra trường đầy ra đấy.

Lắm lúc nghĩ đến bạn bè cuối tuần tụ tập cà phê, chuyện trò còn mình thì lủi thủi với căn phòng nhỏ, hồ sơ sổ sách, có hôm còn vô trong bản gặp gỡ gia đình học trò, vận động các em ra lớp vì nghỉ học nhiều lần Dung cũng chạnh lòng. Nhưng rồi chỉ thoáng qua thôi. Những đôi mắt xoe tròn, những nụ cười vô tư, những câu nói ngô nghê của đám học trò nhỏ đã giúp cô thăng bằng trở lại, yêu đời hơn và chăm chút kỹ càng cho từng trang giáo án, cho từng tiết dạy.

2. Trên chiếc bàn nhỏ kê sát cửa sổ, bên cạnh chồng sách tham khảo, Dung đặt một chậu sen đá mini. Chậu hoa này cô đem lên từ phố. Mấy hôm đầu, có lẽ chưa thích nghi với khí hậu, chậu hoa trở nên èo uột, mất hết sức sống. Dung lo lắng khi những chiếc lá dưới cùng bắt đầu ngả vàng rồi lụi dần. Cô sợ sen đá chết. Nếu điều xấu xảy ra, chắc cô buồn lắm. Nhưng rồi, chậu hoa trở mình, khỏe mạnh không ngờ. Dung đem đặt ở bậu cửa cho sen đá bắt được ánh sáng mặt trời. Mỗi ngày Dung ngắm nhìn sen đá, săm soi từng chiếc lá xếp chồng, quay tròn như cùng nâng niu, bảo vệ cho nhau. Dung rất yêu loài hoa này, bởi nó mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp về tình yêu, bản lĩnh, sự kiên cường và vĩnh cửu. Ngắm hoa cô thấy lòng mình nhẹ nhõm.

Bỗng Dung nở một nụ cười khi một ý nghĩ nào đó lướt qua. Cô cầm lấy điện thoại. Màn hình sáng lên sau cái chạm tay nhẹ. Tin nhắn của Hưng vẫn còn đó. Anh bảo ba mẹ anh vừa hỏi thăm chuyện tình của chúng ta. Em nên suy nghĩ cho thật kỹ, tuổi xuân có thời, không gian xa cách cũng là một trở ngại cho sự vun đắp tình yêu.

Dung đọc được phần nào suy nghĩ của Hưng. Anh ngầm thông báo rằng nếu cô còn cố chấp, không muốn về phố thì cái kết cục không mấy tốt đẹp sẽ xảy đến. Dung lặng người trầm ngâm. Xấp bài kiểm tra giữa kỳ chấm chưa xong nằm góc bàn. Cây bút bi đỏ. Hộp đựng son phấn... Tất cả như đang nhìn cô, sẻ chia những rối rắm mà cô đang vướng phải.

Dung đứng dậy, bước ra khoảng sân trước căn phòng. Trận mưa dai dẳng mấy ngày vừa qua khiến nền đất nhão nhoét và những bụi cỏ mọc dày, xanh ngút. Dường như mùa đông đã về. Những đám sương mờ và lạnh lẽo theo từng cơn gió tràn vào bản, chìm xuống thung sâu. Nắng cũng nhạt màu dần rồi tan loãng vào tàn cây hay hẻm núi xa. Mùa đông về trên từng tán cây trong sân trường, để một sớm thức dậy, chợt ngỡ ngàng khi thấy cành cây trơ trụi, khẳng khiu, mặt đất đầy lá vàng.

Cảm giác khi mùa đông về lạ lắm. Dung khoác thêm áo khi đến lớp. Đêm về chiếc chăn bông dường như không đủ ấm, quờ tay về bên nào cũng trống lạnh. Dung nghe tim mình thổn thức, tủi hờn. Dòng kí ức êm đềm của một thời yêu đương  cứ tìm về hành hạ cô.  Dung đã nghe Hưng tha thiết gọi mình trong những cơn mơ đứt nối. Cô chạy theo anh, giữa trập trùng trận gió báo mùa mưa bão, cơn lạnh táp vào da thịt, con đường trơn trượt khiến cô ngã khuỵu và bừng tỉnh...

 Ngồi thu lu ở mép giường trong căn phòng tối. Ánh sáng bên ngoài hiếm hoi lọt vào yếu ớt khiến Dung thương cho bản thân, thương chậu sen đá cô đơn cứ kiên trì sống, thương những đứa học trò nhỏ, mùa mưa lũ, xắn quần lội qua những đoạn suối sâu...  Nhưng rồi, những năm tháng ngày xưa ùa về, khiến lòng Dung ấm lại, yêu thương quyện lấy tâm hồn, sự bao dung, chia sẻ dắt dẫn cô đến những nghĩ suy tốt đẹp. Tuổi trẻ phải biết yêu thương và cống hiến, biết vượt qua thức thách và biết trả ơn.

Dung sáng ngời đôi mắt khi nhìn hàng cây mùa rụng lá, nếu cuộc đời là một thân cây, ta sẽ hiểu nỗi đau của cây mùa lá rụng. Sự mất mát ấy là để sinh tồn. Bởi sau mùa đông giá cây tích nhựa, để mùa xuân đâm chồi phát triển. Quy luật thiên nhiên cũng như quy luật của con người. Hạnh phúc đong bằng nước mắt sẽ ý nghĩa, bền lâu? Dung mỉm cười, đi dạo quanh sân vắng. Không gian này là nơi đám học trò nhỏ thường bày đủ trò nghịch ngợm. Nhìn chúng vui đùa, đôi lúc chọc ghẹo, rồi “Thưa cô...” mà Dung quên đi những nỗi lo luôn xâm chiếm tâm hồn.

 

3. Con suối cách trường mấy đoạn dốc cao và dài, một lối mòn đầy đá và cây dại. Con suối có tên Cà Toong. Học trò của Dung gắn bó với con suối này từ thuở lọt lòng. Ngày hè nóng nực con suối rộn rã tiếng cười. Đàn trâu lưng trần bóng nhẫy đưa lũ con nít qua chỗ nước sâu. Với Dung và thầy cô giáo ở trường, con suối Cà Toong đã trở thành một phần kỉ niệm. Tảng đá to phơi mình nơi bờ suối, dưới gốc ngái to là điểm gặp nhau, trò chuyện của nhóm giáo viên trong những đêm trăng. Thỉnh thoảng học trò đi tìm, mang cho thầy cô khi thì bắp ngô, khi thì mớ rau, con cá.

Con suối Cà Toong lắng nghe và im lặng, chỉ rì rào mang theo những bí mật đầy nỗi niềm của tuổi thanh xuân. Hình như chỉ có dòng suối mới chịu đựng và hiểu được tâm sự của Dung, nhất là những muộn phiền, bất trắc trong tình yêu với Hưng. Nghĩ đến đây, Dung nhớ ra rằng cũng đã hơn một tuần rồi Hưng không đề cập đến việc Dung bỏ bản về phố trong những tin nhắn nữa. Dung thấy lạ nhưng không quan tâm lắm. Có lẽ anh đã dần quên cô, tìm vui bên cô gái khác. Cũng có thể anh đã hiểu được tình cảm của người mình yêu về vùng đất và con người nơi đây. Họ còn nhiều khó khăn và trẻ em thì rất cần con chữ. Biết đâu chừng, vì tình yêu mà anh bỏ phố lên đây công tác. Dung thoáng nghĩ và tự cười cho sự tưởng tượng của mình...

Những lúc lòng trĩu buồn, muốn thanh tịnh, Dung hay một mình ngồi trên tảng đá, nhìn dòng suối uốn lượn, lách dòng chảy về xuôi. Những hòn cuội trắng phau long lanh dưới mặt trời. Mùa khô, suối cạn đáy. Những viên cuội nằm xếp chồng lên nhau, thành bãi đá. Nóng rát và những cơn gió cứ hầm hập thốc, len vào con đường mòn, xao xác dãy phòng học tạm bợ. Những đồi nương xơ xác, cây cối ủ rũ. Dân bản tứ tán và hiện tượng nghỉ học của học trò cũng bắt đầu xảy ra.

- Cô ơi, bạn Hinh hôm nay lại không đi học ạ!

Cô bé lớp trưởng có đôi má phúng phính, cặp mắt ngời sáng, ngồi đầu bàn cuối lớp, đi tìm cô giáo chủ nhiệm báo tin... Cô gật đầu, theo học trò về lớp. Những gương mặt thân quen cũng đang nhìn cô chờ đợi. Không hiểu sao, mỗi lần lên lớp, nhìn các em lòng Dung lại xúc động. Những tiết học cô đều đầu tư kỹ, bài giảng sâu sắc, cuốn hút mong cung cấp nhiều kiến thức cho học trò còn chịu nhiều thiệt thòi nơi đây. Nhưng bên cạnh sự yêu nghề, lòng nhiệt thành thì Dung vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là việc đột ngột nghỉ học không lý do của các em. Cô phải cùng các thầy cô khác vượt dốc, băng rừng vào tận các bản xa xôi động viên. Người dân nơi đây còn nghèo, suy nghĩ nhiều người còn lạc hậu chính là rào cản lớn mà Dung phải thuyết phục được, để vượt qua.

 Những bữa ăn dành cho học trò ở xa. Những bữa ăn có thêm cá, thịt. Nhu yếu phẩm được mang từ dưới xuôi lên. Bằng sự đóng góp của bạn bè, người thân và cả đồng lương hàng tháng mà các thầy cô trích ra. Học trò háo hức, phụ huynh giảm bớt nỗi lo. Đến mùa thu hoạch lúa, mì, bắp, bí đỏ... phụ huynh gùi đến trường phụ cùng các thầy cô. Tất cả những việc làm ý nghĩa này đã động viên tinh thần và lan tỏa được yêu thương đến với học trò. Các em vui vẻ hơn, các buổi học sôi nổi hơn. Tình thầy trò ở vùng núi cao, vắng vẻ này thêm bền chặt.

 

4. Dung đi vào bản. Con dốc ngược, cheo leo. Đôi chân đã mỏi nhưng cô cố bước. Đi nhanh về còn kịp, chứ buổi chiều mùa nay hay mưa, mà mưa thì lũ đổ xuống, nguy hiểm.

Căn nhà của Hinh xập xệ, trống trải nép bên vách núi, khu vườn nhỏ mọc đầy cỏ, có vài bụi chuối tàu te, xơ xác. Không có ai ở nhà thì phải. Yên ắng. Ở góc sân đàn gà đang mải mê kiếm mồi. Thấy có người, chúng nháo nhác, chạy đi.

Dung ngồi trên khúc cây mục. Nhìn vơ vất. Cảm thương cho hoàn cảnh học trò. Hinh từ ngoài ngõ đi vào, lưng cõng bó củi to, mồ hôi đầm đìa gương mặt đen đúa. Thấy cô giáo, cậu học trò hay nghỉ học sững lại, lúng lúng. Dung chạy lại đỡ bó củi cho học trò.

- Thưa cô, em...

Hinh ngập ngừng, Dung ôm vai cậu học trò nhỏ, thổn thức:

- Cô biết rồi, mai em đi học và sẽ ở lại cùng các thầy cô nhé. Nhà em xa, lại mùa mưa nữa, rất bất tiện.

- Nhưng cha mẹ em...

- Cô sẽ nói chuyện này với cha mẹ, em yên tâm học hành...

- Nhưng... Hình như có điều gì khó nói ở cậu học trò nhỏ này. Dung kéo Hinh ngồi xuống trước mặt, nhìn thẳng vào cặp mắt buồn rượi, đong đầy nước của cậu học trò nhỏ. Bất ngờ, Hinh òa khóc, gỡ tay cô giáo, chạy vào nhà.

Thì ra mẹ em bỏ đi, cha em buồn bã rượu chè, có khi còn lôi em ra đánh, không cho đi học. Ở nhà lên rẫy, lên nương đào khoai, kiếm củi, ai thuê gì làm nấy, chứ đi học thì sống được hay không?

Mẹ Hinh bỏ đi vì nghèo, vì cha Hinh gia trưởng. Ở vùng này nhiều gia đình ly tán cũng vì cái nghèo, nhiều trẻ em thất học cũng vì phải bươn chải mưu sinh sớm. Nhiều người dù ý thức được vai trò của việc học, được cán bộ, thầy cô giáo dục, định hướng nhưng rồi đâu lại vào đấy... Dung buồn lắm, càng mong muốn được cống hiến tuổi xuân nhằm mang lại hạnh phúc cho trẻ em vùng núi cao này.

Mà muốn làm được việc này thì cần phải có bản lĩnh, có sự chung tay của mọi người. Cô từng đem chuyện này nói với Hưng, anh nghe nhưng rất thờ ơ, khiến cô nhụt chí. Nhưng chậu sen đá trên bàn cô ngắm từng ngày kia đã giúp cô mạnh mẽ. Dung đã dần lấy được niềm tin của người dân, đón nhận được yêu thương của học trò.

Cô giáo trẻ, người nhỏ nhắn, hay cười là Dung đã sống trọn những ngày quý giá nhất. Cô đi vào bản, cô lên nương, cả việc theo chân người dân xuống suối bắt cá. Dung xem mình như con em dân bản. Dân bản xem cô là một thành viên không thể thiếu trong các cuộc vui, trong những lần hội lễ.

 

5. Trăng núi. Vào ngày giữa tháng. Lênh láng khắp núi rừng. Trăng soi sáng vào từng căn phòng qua khung cửa gỗ cũ, nứt nẻ, trăng rải ánh bạc lên những mái nhà, những con đường, những triền dốc đầy trăng. Lần đầu tiên, sau mấy năm công tác ở vùng này, Dung mới thật sự tận hưởng vẻ đẹp huyền ảo mà thiên nhiên ban tặng. Lòng cô nhẹ nhõm, những nỗi lo thường nhật hình như tan biến.

 Dung bước sang căn phòng cuối dãy. Nơi trước đây là phòng ở của cặp vợ chồng giáo viên, nay họ đã chuyển trường, tận dụng làm nơi ăn ở cho học trò ở xa. Nhìn những gương mặt non tơ, bình yên khép mắt, lòng Dung xúc động vô cùng. Không biết các em có mơ thấy gì không? Và nếu mơ thì hãy mơ đến những điều tốt đẹp nhé. Dung nhẹ nhàng đắp lại chăn cho từng em. Một suy nghĩ thoáng qua, cô muốn cúi xuống hôn vào trán học trò nhưng cô kịp dừng lại rồi quay ra.

Ngỡ như núi tan vào trăng. Đêm như cổ tích diệu kỳ. Dung đứng lặng trước căn phòng nhỏ của mình. Và nhìn xung quanh như cố thu vào lòng sự tĩnh lặng của đêm, sự nồng nàn của hương hoa dẻ, sự ảo mờ của bóng trăng. Chợt cô nghĩ về những ngày tháng trước kia, cùng Hưng, dạo trên con đường rợp bóng cây xà cừ và đầy trăng trong khuôn viên của trường đại học. Họ nói nhiều về tình yêu về dự định cho tương lai. Một ngôi nhà nhỏ. Những tiếng cười rộn rã, hạnh phúc. Nhưng rồi sự bất đồng trong suy nghĩ, sự hãnh tiến và cố chấp, hơn cả là lý tưởng mỗi người xây đắp khác nhau đã đẩy cô và người yêu dần xa nhau.

Dung đang đứng giữa núi rừng, trong đêm trăng hôm nay mà nhớ về trăng xưa trong góc nhớ cũ, có thể nhạt nhòa bởi thời gian và những toan tính của con người. Nhưng lạ thay, có một niềm tin chắc chắn là Hưng sẽ lên với cô. Anh chững chạc và hiểu biết. Anh nắm tay cô dạo khắp con đường đi vào từng bản nhỏ. Dung khẽ cười, nụ cười hiền, đầy tin tưởng. Cô khẽ đưa tay vuốt mái tóc, làm xao động ánh trăng phủ tràn, lung linh...  

 

6. Chậu sen đá xanh ngời, những chiếc lá dày đầy tự tin đón lấy ánh sáng. Dung đem chậu hoa lên lớp, nói với học trò như muốn gửi gắm những thông điệp đầy ý nghĩa về cuộc sống, về tình yêu, về bản lĩnh.

Học trò ồ lên thích thú. Thì ra ở vùng núi này, từ trong kẽ đá, có những cây sen đã vươn mình. Là một loài hoa dại, mọc hoang nhưng đầy bản lĩnh, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt...

Những học trò nhỏ ùa lên săm soi chậu hoa. Chúng có hiểu được điều cô nói hay không? Nhưng Dung tin, một khi đã dành trọn tình yêu cho ai đó, người ta sẽ hiểu và sẵn sàng sẻ chia... Cũng như Dung, đó là nghề giáo và những học trò nơi vùng cao còn nhiều thiếu thốn này.  

S.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm