TIN TỨC

Người thầy thuốc giàu sáng kiến, hết mình vì người bệnh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-02-24 12:09:36
mail facebook google pos stwis
1602 lượt xem

BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TS. BS Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1, đang họp giao ban sáng, anh nghe tiếng điện thoại kêu bíp bíp, anh mở Zalo ra, đột nhiên nhận được bức tranh với nét vẽ tốc ký bằng bút chì đen: Một nhân viên y tế giang hai tay che chở cho nhiều bệnh nhân mang khẩu trang đang sợ hãi núp phía sau lưng, phía trước mặt là thần chết một tay cầm lưỡi hái, tay kia cầm con corona đầy gai góc đưa lên chực ném vào mọi người. Trên góc phải của bức tranh có một dòng chữ nắn nót “B.N kính tặng”.

Bs Thành đưa cho mọi người xem bức tranh. Cả phòng họp ồ lên một tiếng khi nhìn thấy bức tranh siêu dễ thương bất ngờ dành cho mình, ai cũng vui vì thêm một bệnh nhân đã khỏi bệnh, vui hơn với việc làm và lời động viên đầy cảm xúc của một bệnh nhi còn nhỏ xíu đã biết suy nghĩ điều tốt.

Bức vẽ bé B.N. tặng bác sĩ

Bs Thành nhớ lại trường hợp của gia đình bé B.N. Hôm đó bệnh viện Dã chiến số 1 tiếp nhận một gia đình bốn người là F0. Đó là chị Phạm Thị Thùy Tr., sinh năm 1982, chồng chị là Huỳnh Thanh Ph., sinh năm 1974, là cán bộ viên chức tỉnh Tiền Giang; con trai chị là Huỳnh Thanh P., học sinh lớp 7, con gái Huỳnh B. N. đang chuẩn bị bước vào lớp 6. Lúc mới vào viện, bác sĩ Thành khám thấy mọi người rất căng thẳng và sợ hãi. Chị Tr tỏ ra rất mệt mỏi, mất vị giác, mất khứu giác, khó thở nhẹ, nhưng oxy trong máu còn tốt, nên bác sĩ cho chị uống thuốc và theo dõi sát. Riêng anh Ph., thì khó thở nhiều, oxy máu giảm sâu dưới 80%, anh lại bị cao huyết áp, nên bác sĩ Thành quyết định chuyển xuống Bệnh viện Lao - Bệnh phổi Tiền Giang, đây là trung tâm hồi sức cấp cứu Covid-19 của tỉnh, nơi có đầy đủ trang thiết bị và lực lượng y, bác sĩ chuyên sâu để tiếp tục điều trị cho anh Ph. Sau đó Ph. được tiếp hơi giúp thở, truyền thuốc đặc trị Covid. Còn hai bé con anh chị có triệu chứng nhẹ, ói, uể oải, nên chỉ cho thuốc trị triệu chứng. Bé N. rất lo lắng, nấp sau vạt áo của mẹ, đôi mắt tròn xoe, ngấn nước, nhìn dáo dác, bác sĩ Thành vuốt tóc bé N. vừa trấn an vừa khuyên cả nhà giữ bình tĩnh, cố gắng ăn nhiều, uống nhiều, tập hít thở, từ từ sẽ khỏi. Khi rảnh, Bác sĩ Thành tranh thủ liên lạc với bệnh viện hồi sức Covid để nắm tình hình sức khỏe anh Ph. và báo lại cho chị Tr. hàng ngày. Mỗi khi biết bệnh tình ông xã có diễn biến tốt, chị Tr vui lắm, không những chị động viên các con bình tĩnh mà chị còn nói với mọi người, nhất là những người F0 mới nhập viện phải giữ vững tinh thần và dinh dưỡng tốt thì mau khỏi bệnh, giống như chính bản thân gia đình của chị vậy.

Sau nửa tháng nằm viện, cả nhà chị Tr. xuất viện và đoàn tụ trong niềm vui lớn của gia đình và bà con hàng xóm. Bé Huỳnh B. N. đã âm thầm vẽ bức tranh rồi nhờ mẹ chụp lại bằng điện thoại, chuyển đến kính tặng cho các cô, chú ở Bệnh viện dã chiến số 1.

TS. BS Đỗ Quang Thành là một trong những người đầu tiên được phân công đến Bệnh viện dã chiến số 1 để làm nhiệm vụ tiếp nhận F0 của tỉnh. Lúc nhận nhiệm vụ bản thân Thành và các bác sĩ, điều dưỡng đều lo lắng vì Covid là một bệnh quá mới mẻ, không một ai biết và có kinh nghiệm đối phó. Hầu như tất cả mọi người đều chưa chích ngừa Covid, mà lúc đó thuốc chích ngừa cũng chưa có. Đương đầu với Covid -19 lúc ấy, ngoài cơ sở vật chất đơn giản của một trạm xá quân đội, một ít trang thiết bị y tế thông thường, còn lại là tinh thần trách nhiệm và trái tim nhiệt huyết của các thầy thuốc trẻ. Ai cũng nghĩ trong tình hình dịch bệnh thì ngành y tế phải trực tiếp ở tuyến đầu, không có ai thay thế được. Mọi người đều tuân thủ thực hiện quy tắc 5K để phòng nhiễm Covid. Mà 5K là đối với người khác, chứ đối với thầy thuốc thì chỉ đáp ứng có 2K thôi, đó là mang khẩu trang y tế và khử khuẩn. Còn khoảng cách thì không giữ được, vì phải trực tiếp khám cho từng bệnh nhân, nhìn, sờ, gõ, nghe; rồi phải tập trung đông người, toàn là F0 lại để chăm sóc, tránh lây cho cộng đồng; thay mặt người bệnh khai báo và làm hồ sơ y tế. Thời điểm ban đầu bệnh viện tiếp nhận bà con từ nước ngoài về, cách ly và phân loại, trước khi cho bà con về sum họp gia đình.

Bác sĩ Thành công tác với tôi ở Khoa Nhi nhiều năm. Tôi biết lúc Thành làm luận văn tiến sĩ với đề tài “Các yếu tố liên quan đến bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em”, Thành là một bác sĩ rất chịu khó lăn lộn với nghề, mỗi khi có bệnh nhi chuyển nặng là Thành luôn có mặt để xử trí. Kiến thức điều trị bệnh tay chân miệng nặng thời đó lại rất giống với bệnh sốt xuất huyết nặng, thậm chí lại giống luôn cách điều trị Covid-19 nặng, chủ yếu cả ba bệnh này đều phải lo chống lại cơn bão cytokin, nguồn gốc chính gây tử vong cho bệnh nhân nhiễm siêu vi nặng, nếu cơn bão xảy ra thì cũng phải thở máy, lọc máu, thuốc ức chế miễn dịch..., chỉ khác là trong điều trị Covid có thêm thuốc kháng virus và can thiệp ECMO. Như một định mệnh, Thành may mắn có được kiến thức chuyên sâu miễn dịch học, dễ dàng cập nhật sang điều trị Covid-19 trước khi đón  làn sóng dịch thứ tư tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Anh đã đề xuất với cấp trên trang bị khẩn máy đo độ bão hoà oxy máu cầm tay, hệ thống bình oxy, khẩu trang y tế và nhiều trang thiết bị y tế khác nhằm phục vụ công tác khám và chăm sóc số lượng cực lớn bệnh nhân F0, quá tải bệnh viện và tốc độ tăng nhanh chóng trong một thời gian ngắn.

Bác sĩ Đỗ Quang Thành đăng lời kêu gọi tình nguyện lên Facebook

Tuy nhiên trong giai đoạn bùng phát mạnh của đại dịch Covid- 19 tại địa phương tỉnh Tiền Giang và các tỉnh thành miền Nam (tháng 5,6,7/2021) thì việc đáp ứng khẩu trang y tế, máy đo SpO2 cầm tay và hệ thống bình oxy ngay lập tức là gặp rất nhiều khó khăn. Để tránh bị động trong công tác hậu cần và khẩn trương phục vụ công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 1, Bs Thành đã chủ động liên hệ các nhà hảo tâm từ TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang xin hỗ trợ nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy, số lượng người bệnh từ vài trăm lúc ban đầu tăng lên hàng ngàn người lúc đỉnh dịch, đều được thu dung, chăm sóc, theo dõi khá chu toàn, không để xảy ra tai biến, sai sót chuyên môn.

Đặc biệt, anh đã tính đến xây dựng lực lượng tình nguyện viên rất sớm cho tỉnh, Bs Thành đánh giá nếu dịch bùng phát như TP Hồ Chí Minh thì lực lượng y tế sẽ không thể đảm bảo công việc. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Thành phối hợp với Tỉnh Đoàn, mạnh dạn sử dụng trang Facebook cá nhân để kêu gọi tình nguyện viên. Thật không ngờ, chỉ hai ngày rưỡi sau khi đăng lời kêu gọi đã có hơn ba trăm người đăng ký tình nguyện tham gia, đủ cả trai, gái, già, trẻ, người về hưu… Thành nhanh chóng cùng Tỉnh Đoàn chọn lựa hơn một trăm thanh niên, tập hợp huấn luyện chuyên môn về kỹ năng chăm sóc bệnh nhân, cách lấy mẫu test xét nghiệm Covid- 19, kỹ năng phòng bệnh cho bản thân và đề xuất chích ngừa cho tất cả tình nguyện viên tham gia chống dịch. Nhờ lực lượng bổ sung quý giá này, họ đã góp phần giữ vững mọi hoạt động của ngành y tế không bị đứt gãy, kể cả khi trải qua đỉnh điểm tàn khốc của dịch bệnh. Trong số các tình nguyện viên nổi bật nhất là anh Lê Thành Tâm, 28 tuổi, ngụ xã Phú Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, anh là tài xế, đăng ký tham gia tình nguyện lái xe cứu thương chở các trường hợp F0 nặng đến bệnh viện. Mỗi ngày công việc chính của anh Tâm là túc trực 24/24 chở F0 trở nặng đến các bệnh viện trong tỉnh.

Đầu tháng 3 năm nay, khi tình hình dịch bệnh của Tiền Giang lắng dịu, các bệnh viện dã chiến sẽ giải tán, cuộc sống của người dân trở lại bình thường, toàn tỉnh đang ở cấp độ 1, tất cả là vùng xanh, tỉ lệ bao phủ vaccine mũi 2 đối với người từ 18 tuổi trở lên tại Tiền Giang đạt 100% và tỉ lệ này ở nhóm trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi là 96,1%. Công sức này là của toàn dân, trong đó ngành y tế đã góp công rất lớn.

Tôi còn biết một nỗi niềm riêng tư của Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quang Thành, đó là lúc mới nhận nhiệm vụ quản lý và điều trị F0, Thành không lo sợ cho bản thân mình nhưng Thành lo lắng cho vợ con, ba mẹ già nhiều lắm. Vợ chồng Thành mới có đứa con trai đầu, chưa đầy ba tháng tuổi. Thành tâm sự với tôi là suốt hai năm qua, Thành rất áy náy vì không làm tròn trách nhiệm của người cha. Vì sợ lây cho vợ con và ba, mẹ lớn tuổi trong gia đình, bác sĩ Thành không dám gần con, gần gia đình, thỉnh thoảng vài ba tuần về thăm nhà, Thành phải đứng xa xa nhìn con. Nhìn con trai đưa tay đòi bồng, Thành cảm thấy đứt ruột đứt gan mà không dám ẵm bồng, nựng nịu. Thành chỉ biết hôn con qua màn hình điện thoại, mọi việc nuôi dưỡng, tập đi, tập nói, dạy dỗ con đều giao phó cho vợ và bà ngoại. Thành nhớ con quay quắt, nhớ từng tiếng khóc, nụ cười, dáng đi chập chững, té lên té xuống, đến cái mùi khi bé ói, ị, cái tính nhõng nhẽo khóc nhè khi sốt cũng làm Thành nhớ da diết.

Mùa dịch qua đi, chúng ta sẽ không quên những ngày khốc liệt, đau thương. Riêng tôi, tôi không bao giờ quên những con người xông pha ở tuyến đầu chống dịch, trong đó có Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quang Thành, người đã để lại trong tôi sự hãnh diện về một đồng nghiệp tận tâm, một thầy thuốc nhân hậu, xả thân vì sức khỏe mọi người, đã chủ động, mạnh dạn và sáng tạo ra cách làm hay để giúp cho xã hội sớm trở về cuộc sống bình an.

Ảnh đầu bài: Chân dung TS.BS Đỗ Quang Thành.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm