TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Có một nguồn thi hứng về văn hóa Óc Eo trong thơ Đồng bằng Sông Cửu Long

Có một nguồn thi hứng về văn hóa Óc Eo trong thơ Đồng bằng Sông Cửu Long

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-09-20 11:49:41
mail facebook google pos stwis
3343 lượt xem

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – 1. Văn hóa Óc Eo là di sản văn hóa vô giá góp phần minh chứng cho quá trình khai phá, mở mang, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có từ ngàn xưa. Nó chứa đựng những giá trị lớn cả về vật chất lẫn tinh thần trong đời sống của dân tộc Việt Nam nói chung và cư dân ở ĐBSCL nói riêng. Vì thế, từ sau năm 1975 đến nay đã có nhiều cuộc Hội thảo khoa học, nhiều công trình khảo cứu về nền văn hóa rực rỡ này, để trên cơ sở đó làm rõ những điều bí mật bị chìm lấp qua hàng ngàn năm lịch sử; đồng thời, góp phần khẳng định, tôn vinh và gìn giữ những gì cao quý mà các bậc tiền nhân đã làm nên. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà thơ ở ĐBSCL, nhất là những nhà thơ ở An Giang đã có những vần thơ xúc động giãi bày tâm tình và tự hào về cái đẹp của văn hóa Óc Eo còn lưu giữ được nơi đây.


Di tích về một vương quốc Phù Nam.

Khác với nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, nhà thơ tiếp cận, khám phá hiện vật của văn hóa Óc Eo bằng trí tưởng tượng và sự liên tưởng – một nét đặc trưng của nghệ thuật sáng tạo thơ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày những cảm nhận của họ về văn hóa Óc Eo qua những bài thơ tiêu biểu được chọn in trong các tuyển tập thơ của nhiều tác giả, cụ thể là: 30 năm thơ An Giang, Tự dưng mà nhớ An Giang (Tuyển tập thơ viết về An Giang), Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 (Tác phẩm từ cuộc thi thơ khu vực ĐBSCL lần thứ VI năm 2020) và một vài bài thơ in ở các tập thơ khác.

2. Theo chúng tôi, không phải ngẫu nhiên mà trong các tuyển thơ trên có nhiều bài thơ được xuất phát từ cảm hứng về văn hóa Óc Eo. Có thể nói, chính cái đẹp, cái quý rất đáng tự hào trân trọng của di sản văn hóa này đã tạo cho thi nhân nguồn thi hứng để họ sáng tạo nên nhiều vần thơ hay. Những cảm nhận của họ được xuất phát từ nhiều chiều kích khác nhau khi nhìn ngàn xưa để kết nối với hôm nay, cũng như nhìn hôm nay để nghĩ về ngàn xưa.

Tìm về Di chỉ Óc Eo, Võ Thị Kim Liên quan niệm đó không chỉ là di chỉ văn hóa một thời, không chỉ là huyền thoại, mà mãi mãi vẫn còn đây chứng tích về vương quốc Phù Nam phồn hoa. Nhà thơ quan niệm, giữa cuộc sống hôm nay đừng quên nhắc chuyện ngày xưa, bởi âm thanh cuộc sống xa xưa luôn vọng về và ở đâu đây có “tiếng nói cười của trai gái Óc Eo ngày ấy” và cả “tiếng cồng chiêng nhảy múa”. Nhà thơ lòng tự dặn lòng, theo quy luật phát triển, cuộc đời ngày một đẹp hơn nhưng đừng quên cuộc sống hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua:

“Đất chín rồng phù sa mãi đắp bồi

Óc Eo thêm tầng trầm tích

Vốc nắm đất cha ông nhiều mật

Ta biết Óc Eo xưa trong máu thịt bây giờ”.

Cũng với cái nhìn từ hôm nay nghĩ về ngàn xưa, qua bài thơ Ở Óc Eo – Vọng Thê, từ cảnh sắc thực tại ngút ngàn một màu xanh của lúa, tràm và cỏ, Nguyễn Lập Em vẫn nhận ra nơi đây in dấu một thời đại phồn thịnh sau dâu bể của đời:

“Dấu vết nghìn năm in rõ

Biển lùi xa lưu lại bãi sò

Người xưa từng sống chết đói no

Nơi đã từng phồn thịnh đền đài, thương cảng”.   

Thực tại trên khiến nhà thơ băn khoăn, trăn trở bởi trên mảnh đất này còn ẩn chứa biết bao điều chưa có lời giải đáp. Điệp khúc “nơi nào năm xưa…” như xoáy sâu vào nhận thức và gợi cho người đọc nghĩ về những cảnh, những người và cả những lo toan, ước mơ, khát vọng của người xưa. Trước di sản văn hóa Óc Eo, “ngẩng nhìn trời cao”, “cúi nhìn đất nâu”, nhà thơ cảm nhận:

“Gió từ ngàn xưa. Nghìn năm bụi phủ

Biển về bao la. Thành chìm xuống nơi này

Tôi ngỡ gặp người của nghìn năm cũ

Sương gió đi về theo gió, theo mây”.

Còn ở bài thơ Trên đất Óc Eo, Hồ Thanh Điền đã suy tưởng về quá khứ trong sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, của ngày xưa và của bây giờ, qua đó giãi bày những nỗi niềm, ước mơ về sự chân tình, sung túc và bình yên cho thực tại cuộc sống nơi đây. Bằng trí tưởng tượng, nhà thơ tái hiện cảnh ngày xưa, khi Óc Eo là kinh đô của vương quốc Phù Nam sầm uất với “thương cảng lắm tàu ghe”, “ì xèo mua bán”, còn bây giờ “tôi mơ chiếc xuồng ba lá” giữa những cánh đồng mùa mưa lũ để “gỡ con cá con cua, vớt con ốc bươu vàng, nhổ cọng bông súng trắng, hái cọng rau muống xanh”…; “tôi mơ ngôi chợ quê đầu mối” “không có gian manh của chốn thương trường”. Nhà thơ hình dung xã hội ngày xưa với sự phát triển rực rỡ còn được lưu dấu sau hơn ngàn năm lịch sử dù có trải qua bao cuộc bể dâu và mong muốn cuộc sống hiện tại ở miền đất này sẽ có nhiều đổi thay:

“Ở đây ngày xưa là lò luyện kim nấu đồng chế tạo mũi tên, mũi giáo,

nấu vàng đúc hình người phụ nữ bụng mang dạ chửa

Để bây giờ tôi mơ sấy củ khoai mì khoai ngọt, đông lạnh con cá,

con tôm, ép nước trái cây đổi lấy đồng ngoại tệ”…

Cũng đến và suy ngẫm Trên đất Óc Eo, Phạm Nguyên Thạch băn khoăn tự hỏi: “Có không thành phố sầm uất bán buôn/ Cảng biển vào ra thương thuyền tấp nập”, bởi hiện tại chỉ là “Gạch đá ngàn năm im lặng nhìn tôi”. Với nhà thơ, cái lặng im đó ẩn giấu bao điều bí mật, tất cả cảnh vật dù lặng yên giữa không gian hoang vắng nhưng nó đều mang hồn của cuộc sống và thời đại đã qua. Những chứng tích còn lại của một thời phồn hoa qua kiểu “kiến trúc cung đình”, “đồng tiền giao lưu Hy Lạp” và qua nhiều di vật khác bị chôn vùi hàng thế kỉ sau biến động của vũ trụ đã làm cho nhà thơ “xao lòng” thương nhớ:

“Gió cõi nào về lất phất hương xuân

Gò Cây Thị, Cây Trôm, núi Ba Thê nhốt gió

Nhìn phù điêu người mang thai chờ sinh nở

Cứ xao lòng…”

Nếu ở hai bài thơ nói trên của Hồ Thanh Điền và Phạm Nguyên Thạch, dấu ấn về văn hóa phồn thực được biểu hiện ở hình ảnh thơ: “mơ gặp người đàn bà chửa khuỳnh chân múa trên đất Óc Eo xưa”, hay “Nhìn phù điêu người mang thai chờ sinh nở”, thì Đức Ngân khi Về núi Ba Thê lại cảm nhận được nét văn hóa tâm linh qua những dấu tích xưa của “Óc Eo thành quách huyền thoại”. Nhà thơ nhận thấy cảnh sắc nơi đây như “Một thoáng tình về trong gió đưa”, như có hồn và có sức gợi về quá khứ xa xăm, để rồi sau hơn ngàn năm, vết tích huyền thoại: “tiên tắm trên hồ núi/ Vội vã về trời sót dấu chân” còn lưu lại có sức làm xao lòng người hiện tại. Có những cảnh mang ý nghĩa văn hóa tinh thần và có sức gợi liên tưởng mãnh liệt còn đọng mãi với thời gian:

“Thạch đại đao chém mòn gió núi

Chót ông tà còn mãi với thời gian”

Tìm về với di sản văn hóa Óc Eo, dẫu Một thoáng Phù Nam, Mỹ Hằng vẫn cảm nhận được nỗi buồn ở Linh Sơn hoang vắng trước cảnh “lá rụng đầy mặt sân” và trong tiếng “bìm bịp kêu văng vẳng”. Nhà thơ như nghe rõ âm thanh “thì thầm” của cuộc sống ngày xưa vọng nói về:

“Núi Ba Thê mơ màng

Nghe ngàn viên đá nhỏ

Thì thầm chuyện Phù Nam”

Nhà thơ tâm tình với “anh” qua nhiều cung bậc cảm xúc: “Làm sao anh biết được”, “Thôi anh đừng thương tiếc”, “Anh ơi anh có biết” cũng là để tâm tình với chính mình, giãi bày nỗi lòng của mình trước cái dĩ vãng buồn thương như đã thấm vào cảnh vật, làm cho “hòn đá cũng cô đơn”, “chiếc lá cũng biết buồn”, và “mây ngàn năm còn sầu” để rồi nặng lòng nuối tiếc trước bao cảnh phồn hoa, nay đã hoang tàn bởi bao cuộc bể dâu của đời.

Cũng trong tâm thế đó, trước không gian Óc Eo với những hiện vật xưa còn lại, Trần Thị Xuân Bích đã gửi gắm nỗi buồn tiếc nuối trong bài thơ Óc Eo. Nhà thơ cảm nhận được biết bao điều “ngủ quên trong lòng đất” mà nặng lòng trăn trở, để rồi như nghe được âm thanh “gạch xô thành tiếng vọng”, băn khoăn cho những kiếp người “ở chốn phiêu bồng” và lặng lẽ:

“Cúi mình nghe đất thở

Nặng lòng tròn câu thơ”.

Với Phù Nam, Lê Quang Trạng nhận thấy, người đời có cách nhìn, cách nghĩ khác nhau về quá khứ trước thực tế của đời sống. Theo cảm nhận của nhà thơ, họ tìm đến “thành quách phồn hoa”, “tháp uy nghiêm”, “tượng thần dát vàng” đã chìm lấp ngàn năm với những mục đích khác nhau và đó cũng là lẽ thường. Thực tế, ít nhiều họ đã tìm được điều mong muốn:

“người đàn ông quê đào cho mình mớ bạc cắc đổi rượu chiều vơi

người thợ dự đoán cho mình mấy trăm viên gạch cổ

người truy tích tìm cho mình hai nghìn năm loang lổ

tôi tìm cho mình quyển sách mục nơi đâu”.

Ẩn chứa đằng sau những câu thơ trên là sự trăn trở của nhà thơ trước những gì còn mất của vương quốc Phù Nam. Người đời hôm nay tìm thấy dưới những “lớp phù sa màu mỡ của cánh đồng” là bao điều quý giá còn lại của người xưa, là “quyển sách mục” lưu lại một thời phát triển rực rỡ của Phù Nam đã bị chìm lấp sau lớp phù sa đó, để càng biết giữ gìn, tự hào về cái có từ ngàn xưa và tự hào hơn cái có bây giờ khi lịch sử dân tộc đã sang trang.

Ý thức sâu sắc về vùng đất Ba Thê, nơi lưu giữ bao điều linh thiêng của vương quốc Phù Nam, Phùng Chí Mưu đến với văn hóa Óc Eo, thắp Một nén hương lòng để mong tìm được “không gian bốn mặt” và băn khoăn tự hỏi: “Có phải mặt thứ tư trong trầm tích Óc Eo”. Nhà thơ cho rằng, những điều mất đi bởi bao cuộc bể dâu nay được hồi sinh, “nảy mầm trong những bức phù điêu”. Cũng từ mạch suy tưởng đó, những huyền thoại về một vương quốc xa xưa bị nhiều tầng thời gian của hàng ngàn năm bao phủ, nay được mở ra trước mắt nhà thơ, như là: “thành quách nguy nga tráng lệ”, “công nương hoàng tử mỹ miều”, “vua chúa anh minh”, “đạo quân thiện chiến”, “tao nhân mặc khách” và “thương cảng Ba Thê sầm uất, lẫy lừng”,… Nhà thơ tự hỏi, tự trả lời để giãi bày nỗi trăn trở thao thức của mình trước cảnh còn mất trong quá khứ xa xưa, để rồi càng trân trọng hơn về những điều còn lại:

“Đao đá ngàn cân ai treo vách núi

Bàn cờ tiên giăng sẵn thế quân cơ

Bàn chân tiên vẫn chờ người ướm thử

Suối nước tiên cho ai muốn thành tiên”.

Cách cảm nhận của nhà thơ về những giá trị lịch sử – văn hóa còn lại nói trên vừa chứa đựng sự tiếc nuối, vừa thấm đượm tinh thần nhân văn trong cách nhìn, cách nghĩ về quá khứ.

 

 

Nền văn hóa Óc Eo được phân bố chủ yếu tại khu vực miền Tây.

Về Óc Eo với tâm trạng bâng khuâng khi đứng trước cảnh thành quách sụp đổ, gạch đá trơ trọi, hoang tàn, Nguyễn Lập Em đã tưởng tưởng nên cuộc gặp gỡ với “người nghìn năm” để Hỏi chuyện người nghìn năm và qua đó, cảm nhận được nỗi niềm của người thiên cổ về chuyện thế sự và kiếp người giữa cuộc đời bao biến động. Nhà thơ như nghe được từ lòng đất Óc Eo lời nhắn gửi của người xưa mà nặng lòng trăn trở về số phận của con người và thời đại đã qua với mong muốn có được lời giải đáp:

“Ai hạnh phúc đắng cay

Ai vui buồn, thành bại

Và ai nữa hiền lương, nhân ái

Ai gây chiến tranh gieo thù, chuốc oán

Ai yêu thương ai

Và những ai chưa kịp sống đời mình?”.

Có thể nói, từ cuộc gặp gỡ với “người ngàn năm”, Nguyễn Lập Em đã suy ngẫm chuyện xưa để nói về chuyện nay, chuyện của muôn đời qua những vần thơ trăn trở thấm đượm tính nhân văn.

Cũng nhìn nay và nghĩ về xưa, với điểm nhìn hiện tại từ Một góc phương Nam, Trương Công Thuốt viết về quê hương mình không chỉ với niềm tự hào trước cảnh “đàn ong no mật”, “được mùa sen tràm”, “lúa trĩu trong vườn chín ngọt”… mà còn nặng lòng vấn vương khi nghĩ về vương quốc Phù Nam hàng ngàn năm trước, nghĩ về những kiếp người đã từng khai phá, dựng xây vùng đất này:

“Chừng như ngàn năm trước có một tộc người quây quần gò Ba Thê

Sinh con đẻ cháu

Bão bùn tràn

Người Phù Nam về đâu?”

Còn ở bài thơ Đêm Óc Eo, Trần Hữu Phước nghe huyền thoại về vương quốc Phù Nam một thời phát triển rực rỡ đầy kiêu hãnh bị chôn vùi, “chìm trong lòng đất lạnh” với tâm trạng nuối tiếc. Trước những gì còn lại qua bao biến động dữ dội, nhà thơ không nén được sự xót xa và thốt lên:

“Chân núi mòn sóng biển

Vỏ sò trắng cánh đồng

Nhìn những viên gạch hồng

Xót xa thành quách cổ”.

Suy ngẫm về thời đại đã qua trong nỗi niềm bâng khuâng, thương nhớ, nhà thơ thêm tự hào về đất và người Óc Eo anh hùng thủy chung và cuộc sống “vui sầm uất” của Óc Eo hiện tại.

Khác với Trần Hữu Phước, từ điểm nhìn hiện tại trước những vẻ đẹp thanh bình của một miền quê khiến ai đến đây đều cảm thấy “hương tình ấm đượm buổi chiều quê” và “lòng dạ ngẩn ngơ bay”, khi Về Thoại Sơn, Nguyễn Văn Khánh nghĩ về xã hội xa xưa trước những di sản văn hóa của vương quốc Phù Nam. Nhà thơ cảm nhận được cái hồn đất, hồn người đọng lại trong cảnh vật đó:

“Anh theo em về vùng Ba Thê …

Linh Sơn Tự nép mình bên đỉnh núi

Gò Cây Thị rêu phong dấu cũ

Viên gạch nào cũng nhắc gợi ngày xa…”.

Cũng cùng tâm trạng đó, dù chỉ Một thoáng Thoại Sơn, Hữu Nhân không chỉ tự hào, xao xuyến với cảnh tình hiện tại ở nơi đây như: “hoa khoe sắc thắm dưới hàng cây xanh”, “hương lúa chín” và “nụ cười em”, mà còn trĩu nặng nỗi buồn trước những gì còn lại của Óc Eo xưa:

“Ai xuôi ta ghé Vọng Đông

Mà lòng trĩu nặng cánh đồng Ba Thê

Một Óc Eo tự ngàn xưa

Với Linh Sơn Tự nắng thưa thớt chiều”.

Đến với Thoại Sơn, Trần Tâm đã có cách tiếp cận riêng khi Tâm tình với Thoại Sơn, nhà thơ gọi đối tượng tâm tình Óc Eo là “em”. Với cách gọi này, nhà thơ quan niệm đến với Óc Eo là đến với người thân yêu và thực tế, đã tạo được sự kết nối vô hình của mối quan hệ gắn bó rất đỗi thân tình để chia sẻ nỗi buồn thương về một thời dĩ vãng. Bằng sự kết nối đó, nhà thơ như thấu hiểu nỗi gian nan vất vả trong cảnh “máu trộn bùn non” và như nghe được “âm vang một thời của cha ông đi mở đất”. Lời thơ cũng là lời tâm tình nhắn gửi với người đời xin hãy trân trọng, giữ gìn được những điều thiêng liêng còn lại của vương quốc Phù Nam một thời vàng son:

“bao bí ẩn vùi mình trong lớp đá xanh rêu

thành quách tiêu điều

thấp thoáng hương hồn Phù Nam vương quốc

ơi! Óc Eo

hiện diện của em nói lên điều gì giữa đời thường quay quắt

em là có thật

thì xin hãy nhẹ nhàng đừng làm đất mẹ Thoại Sơn đau!”.

Khi tìm dấu xưa Trên thềm cổ Óc Eo, Bùi Văn Bồng đã cảm nhận được di vật  Óc Eo còn đâu đây trong “cát mịn bùn non”, “trong đất đá phủ dày”,… nó rất xa mà cũng rất gần với cuộc sống hôm nay:

“Ấm nồng hiện vật trên tay

Nối xưa sau với đủ đầy riêng chung

Trong âm thanh của vô cùng

Đất nâu giữ lại một vùng quê riêng

Những tiếng cồng, những tiếng chiêng

Kiếm cung giữ cõi, lời thiêng giữ nhà”.

Hơn hết, với cái nhìn trân trọng, tự hào đối với dấu xưa đã tìm được, nhà thơ khẳng định những hiện vật còn lại dù trải qua thời gian đằng đẳng, nắng mưa, gió bụi dập vùi nhưng vẫn hiện rõ dấu tích, công lao của các bậc tiền nhân đã dày công khai phá dựng xây miền đất này.

3. Nhìn chung, qua tìm hiểu nguồn thi hứng về văn hóa Óc Eo, chúng tôi nhận thấy, số bài thơ được viết từ nguồn thi hứng này tuy chưa nhiều nhưng đã thể hiện được những nỗi niềm tình cảm và nhận thức của con người hôm nay về quá khứ xa xưa. So với những nguồn thi hứng khác của thơ ĐBSCL sau năm 1975, nguồn thi hứng về văn hóa Óc Eo như một dòng chảy lặng lẽ, thâm trầm và rất da diết, bền bỉ. Nó có sức gợi và làm xao xuyến nỗi niềm của thi nhân để từ đó với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, họ có thể sáng tạo nên những vần thơ hay. Ở mức độ nào đó, điều này ảnh hưởng đến sức lan tỏa của di sản văn hóa Óc Eo trong đời sống dân tộc. Chúng tôi những mong dòng chảy này sẽ tiếp tục bồi đắp nhiều hơn cho phù sa thơ ĐBSCL để trên cơ sở đó, càng ngày càng có thêm nhiều bài thơ hay bắt nguồn từ thi hứng về di sản văn hóa Óc Eo.

Cần Thơ, 9/2021

         N.L.Đ

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 .Nhiều tác giả (2006), 30 năm thơ An Giang, Văn nghệ An Giang.

2. Nhiều tác giả (2008), Thơ viết về An Giang, Văn nghệ An Giang.

3. Nhiều tác giả (2020), Tự dưng mà nhớ An Giang, NXB Văn hóa – Văn nghệ và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật An Giang.

4. Nhiều tác giả (2021), Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020(Tác phẩm từ cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI, năm 2020), NXB Văn hóa – Văn nghệ và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật An Giang.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm