TIN TỨC

Trận chiến này đâu phải trận cuối cùng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
925 lượt xem

BÀI HƯỞNG ỨNG CUỘC THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

TRẦM HƯƠNG

Từ những ngày đầu bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, Thường trực Câu lạc bộ Khối Vũ trang - Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định nhận thấy nguy cơ lây nhiễm cao sẽ ảnh hưởng nặng nề đến TP HCM. Với truyền thống anh hùng, bất khuất trong chiến tranh, Trạm trung chuyển hỗ trợ bệnh nhân nhiễm COVID từ cụm di tích Biệt động Sài Gòn được thành lập.

Từ đây, lớp người đi trước và lớp cháu con lực lượng biệt động Sài Gòn sát cánh bên nhau, phát huy truyền thống anh hùng trong chiến tranh, viết tiếp những trang sử "Biệt động Sài Gòn" trong những ngày thành phố căng mình chống dịch...

Lập trạm trung chuyển, kho “hậu cần” chống dịch

Dáng người nhỏ nhắn nhưng Trần Vũ Bình - con trai nhà tư sản dân tộc, Anh hùng Lực lượng vũ trang, biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) mang trong lòng một ý chí, sức mạnh vượt bậc. Lúc biến thể Delta với tốc độ lây lan chóng mặt, từ nhiều nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á đã làm Bình lo lắng. Sau một đêm trăn trở, không ngủ được; Bình gọi điện cho một lãnh đạo phụ trách trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố. Sự lúng túng, bị động và có thể có cả sự chủ quan của người phụ trách khiến Bình hụt hẫng. Nhưng Bình không nản lòng. Bình nói: "Ngay lúc đó, có gì đó mách bảo em hành động. Em phải làm một cái gì đó để bảo vệ gia đình, bảo vệ Câu lạc bộ Biệt động Sài Gòn. Và em hành động. Em kêu gọi...".


Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế)

Tôi biết Bình từ hơn 10 năm trước, khi thực hiện công trình nghiên cứu Sài Gòn Mậu Thân năm 1968. Tập truyện ký "Chuyện năm 1968" về những chiến công, hy sinh, mất mát của lực lượng biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân có nhiều trang viết về gia đình em. Bình đưa tôi đi thăm lại cơ sở giấu vũ khí đánh vào dinh Độc Lập tại 287/70 Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần), các cơ sở vận chuyển vũ khí ở Củ Chi, những nữ giao liên mưu trí, dũng cảm... Em thuộc làu từng cơ sở, con đường, góc phố; thuộc từng tên chiến sĩ trong đường dây biệt động. Em cung cấp cho tôi nhiều địa chỉ, tư liệu, hình ảnh. Thật cảm ơn vì sự đồng hành của em với quyển sách của tôi. Từ ngày đó, tôi rất trân trọng tình yêu của em dành cho lịch sử biệt động Sài Gòn. Em bày tỏ khát vọng được mua lại tất cả những ngôi nhà xưa là cơ sở đường dây biệt động mà cha em đã dày công xây dựng trong lòng địch.

Sau Mậu Thân, toàn bộ gia sản của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế bị tịch biên. Cả gia đình ông phải rút khỏi Sài Gòn. Năm 1972, ông mới bị bắt. Địch không hề biết ông là Trần Văn Lai, Năm USOM, Mai Hồng Quế mà chúng từng treo giá hai triệu đồng (tiền chính quyền Sài Gòn thời đó) cho ai bắt được ông. Sau ngày hòa bình, căn nhà 287/70 Trần Quý Cáp trở thành di tích lịch sử quốc gia. Không sao kể hết những hy sinh thầm lặng của lực lượng biệt động thành. Vợ ông - bà Đặng Thị Thiệp nhỏ hơn chồng nhiều tuổi, làm vợ thật mà phải đóng vai "vợ bé", "người làm" cho nhà tư sản Mai Hồng Quế. Bà đã sát cánh cùng chồng trong vận chuyền, trông coi kho vũ khí. Khi ông bị truy nã, bà vượt qua muôn vàn khó khăn để nuôi con, trốn tránh sự truy đuổi, khủng bố của địch. Ngày hòa bình, bà đã đi làm khai sanh cho cả năm đứa con cùng một lượt...

Trần Vũ Bình đã từng cho tôi xem những tờ giấy khai sanh kỳ lạ ấy.  Em nói mình cố gắng làm ăn, nếu mua lại những ngôi nhà xưa cha em đã mua làm cơ sở biệt động, em sẽ góp phần phục dựng, tôn tạo những di tích biệt động Sài Gòn, trước mắt là những cơ sở gia đình em. Ý tưởng của em thật đáng trân trọng. Nhưng thật lòng tôi nghĩ đây là việc không dễ dàng, bởi em chỉ có tình yêu cháy bỏng và khao khát; còn việc phục dựng lại các di tích, làm sống dậy và làm mới truyền thống, lịch sử biệt động Sài Gòn rất dụng công, không chỉ cần nguồn kinh phí khổng lồ mà còn khả năng huy động nhiều nguồn lực về chuyên môn, con người...

Bẵng đi một dạo, tôi hay tin em đã làm được những chuyện thần kỳ. Di tích cơ sở giấu vũ khí và nhiều cơ sở biệt động khác đã được em tôn tạo, phục dựng, làm mới, nhằm thu hút công chúng. Tôi biết đó là nỗ lực của em chống lại thời gian và sự quên lãng, như một lần em bộc bạch, không đành lòng nhìn những giá trị truyền thống bị mai một. Em muốn những di tích lịch sử được lan tỏa, thăng hoa vào thế hệ trẻ bằng sự làm mới mình, bằng sự kết nối trong thế giới đã phẳng. Nỗ lực của em được đền đáp. Không chỉ thu hút khách tham quan trong nước mà còn có nhiều nhà văn, nhà sử học trên thế giới tìm đến những di tích lịch sử này, để hiểu thêm về lực lượng biệt động thành một thời đã làm nên những chiến công huyền thoại. Và cũng thật kỳ diệu, khi trong mùa dịch COVID bùng phát này, ngôi nhà trên đường Hai Bà Trưng - một di tích cơ sở biệt động Sài Gòn đang phục dựng trở thành trạm trung chuyển F0 chờ đưa đi đến các khu cách ly, bệnh viện điều trị. Và quán cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn, di tích cơ sở giấu vũ khí năm xưa trở thành kho chứa thuốc men, lương thực, bình oxy, máy thở..., cung cấp cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến điều trị COVID.


Các kho vũ khí, hộp thư tình báo bí mật của Biệt động Sài Gòn năm xưa, nay thành kho lương thực, thực phẩm, dược phẩm “hậu cần” hỗ trợ cho đồng bào TP HCM chống dịch COVID-19

Ngày 2-7-2021, Thường trực Câu lạc bộ Biệt động Sài Gòn và Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định do Bình phụ trách đã triển khai kế hoạch hỗ trợ các y, bác sĩ tuyến đầu, đồng bào khó khăn trong mùa dịch, đặc biệt là công tác đền ơn, đáp nghĩa. Ngay sau đó, một tấn gạo được chuyển đến các khu cách ly, phong tỏa huyện Củ Chi; tấn thứ hai chuyển đến Bếp Nhỏ của Hội LHPNVN quận Gò Vấp và Bếp ăn thiện nguyện Phước Sơn - quận 1...

Lòng yêu nước của những người thầm lặng

Tôi hỏi Bình: "Tiền ở đâu em có?". Bình cũng ngơ ngác như tôi: "Nói thiệt với chị là em cũng không biết mình có thể huy động một số tiền lớn trong thời gian ngắn như vậy. Ngay sau khi phát động, những người từng là đối tác làm ăn với em thường ngày tính từng xu với em trong mỗi hợp đồng lại vô cùng hào phóng. Có người bán cả nhà để góp tiền mua máy thở, thuốc men. Người có xe góp xe đưa F0 đi điều trị. Người bán tranh lấy tiền giúp mua thuốc men, lương thực, rau củ... Hơn 150 tình nguyện viên từ câu lạc bộ biệt động Sài Gòn, doanh nhân, nghệ sĩ, bác sĩ, giáo viên, công nhân... đã lao vào cuộc chiến chống dịch".

Hàng chục tỉ đồng được huy động trong một thời gian ngắn? Tiền ở đâu ra? Câu hỏi cũng là câu trả lời, khi tìm về mạch nguồn quá khứ. Tiền ở đâu ra khi quyết định đánh vào toà đại sứ Mỹ, chỉ trong 4 ngày,  đội biệt động 11 do Ngô Thanh Vân (Ba Đen) làm đội trưởng được thành lập. Ba Đen nhắn cần một số tiền để vận hành đường dây bí mật, khoảng 100.000 đô la. Ông Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy Sài Gòn Gia Định lúc đó quyết định ngay: không chỉ một trăm mà hai trăm ngàn cũng được. Tiền ở đâu ra, khi những ngày cách mạng rơi vào tình thế vô cùng khó khăn, vào đợt 2 Mậu Thân, ông Bùi Duy Cận - chủ hãng sơn Bạch Tuyết đóng góp cho cách mạng số tiền lớn là 8.000.000 đồng, tương đương giá trị 1.140 lượng vàng thời đó. Số tiền lớn này được lực lượng bảo đảm Biệt động Sài Gòn đến nhận, sau đó chuyển về căn cứ Bến Lức giao cho Bộ chỉ huy Phân khu 6. Tiền ở đâu ra mà bà Võ Thị Kim Huê - giao liên tình báo chiến lược trong thời gian ngắn đã vay mượn, huy động hơn 3.000 cây vàng giải cứu ông Mười Hương - người chỉ huy tình báo và những tù nhân ra khỏi nhà tù miền Trung... Tiền ở đâu ra, từ lòng yêu nước của những con người thầm lặng. Hơn 46 năm sau ngày hòa bình, khi thành phố đối mặt với đại dịch, những người con lực lượng biệt động Sài Gòn đã đứng lên kêu gọi và được đồng lòng hưởng ứng, từ những tấm lòng...


Tác giả cùng nhà văn Phùng Thị Lệ Lý (phải) thăm cơ sở giấu vũ khí - di tích Biệt động Sài Gòn tháng  4-2022

Tôi hỏi Bình: "Lập một "bệnh viện dã chiến" 20 giường, em có gặp khó khi vướng quá nhiều thứ, về y khoa, pháp lý, điều kiện chữa bệnh, con người... ?!". Bình nói: "Khó, rất khó chị à. Di chuyển F0 từ nhà đến trạm trung chuyển là cả một vấn đề. Ở Bình Phước, điều trị F0 tại nhà dễ hơn vì mọi việc diễn ra tại chỗ. Cũng có người vì thương em khuyên nên đưa tất cả những thứ em huy động được vào một bệnh viện nào đó, rồi khi cần sẽ đưa người bệnh của mình vào. Họ cho đó là cách làm gọn và em đỡ mệt. Nhưng lúc đó trại cách ly, các bệnh viện dã chiến quá đông bệnh nhân. Em phải nghĩ ra một cách gì đó để cứu sống các gia đình Biệt động Sài Gòn... Và vì thế mà em xé rào, vận dụng những chỉ thị của chính phủ cho địa phương được phép làm những gì cần thiết để chống dịch trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng. Vậy là em mạnh dạn làm...".

Từ Bệnh viện dã chiến ở di tích lịch sử biệt động Sài Gòn trên đường Hai Bà Trưng, hơn 150 tình nguyện viên đã tỏa đi khắp nơi. Đó là những chuyến xe chở F0 vào bệnh viện, những chiếc xe mang thuốc men, máy thở, bình o xy, lương thực, rau củ hỗ trợ các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Đó là những đêm Bình và các tình nguyện viên không ngủ, kết nối và kết nối, mang đến yêu thương, giành giật lại sự sống cho bao người. Tại trạm trung chuyển điều trị F0, hàng chục gia đình cựu biệt động Sài Gòn được điều trị. Bình nói: "Thật mừng khi chú Tư Cang (Huỳnh Văn Cang - nguyên thư ký ông Võ Văn Kiệt, sau là giám đốc Sở Lao động -Thương binh xã hội) được tụi em chăm sóc, điều trị khỏi COVID". Rồi em lại ngậm ngùi nói: "Gia đình Phở Bình 8 người nhiễm thì 1 người không qua khỏi. 3 tình nguyện viên của em đã ra đi...".

Chung tay chống dịch

Giống như gia đình biệt động năm xưa, Bình đã được sự đồng lòng, chia sẻ từ những thành viên trong gia đình. Đó là mẹ em - người vợ cố anh hùng biệt động, giờ dù xót con nhọc nhằn chống dịch nhưng sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ con mình thực hiện những việc làm có ý nghĩa; là người vợ thương khó thức cùng chồng, giải quyết từng gói hàng kịp gởi đến nơi cứu trợ, là những đứa con ngoan đồng hành cùng gia đình biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến sinh tử... Tôi hỏi Bình: "Sắp bỏ lệnh giãn cách, bệnh viện dã chiến của em có tiếp tục không?".  Em không trả lời tôi mà chuyển qua zalo hàng loạt những tin buồn, về những người ra đi vì COVID mà Câu lạc bộ Biệt động Sài Gòn từng hỗ trợ, chia sẻ. Rồi em nghẹn ngào: "Gia đình mấy người chết ở Bình Chánh chị biết ai không? Là cơ sở cách mạng của Thành ủy Sài Gòn Gia Định đó! Đau lòng lắm chị à! Đây là một trận chiến chưa có tiền lệ, kẻ thù vô hình, "đi bằng xe về bằng hũ", quá đỗi vô thường. COVID cũng lộ ra nhiều điều. Chưa bao giờ người lãnh đạo phải đối mặt với thử thách như lúc này. Dân thành phố mình còn nhiều người nghèo quá. Thường ngày người ta sống được vì chuyện mưu sinh dễ dàng. Thành phố đóng cửa một hai tuần còn chịu nổi, còn có ông bà, cha mẹ anh chị, hàng xóm cưu mang. Nhưng một tháng, hai tháng ba tháng đóng cửa là vô cùng căng thẳng, hết sức chịu đựng. Phải mở cửa, chung sống với dịch, phải sống trong điều kiện bình thường mới... Mà mở cửa thì chắc chắn lượng người nhiễm gia tăng. Trận chiến này đâu phải trận cuối cùng...". Rồi đầu dây bên kia, tôi lại nghe em người gọi đến xin, giúp đỡ. Bình lại điều hành chuyển máy thở, chuyển thuốc, chuyển oxy, chuyển bệnh nhân... đến một nơi nào cần hỗ trợ. Đêm của em là nối dài kết nối. Mấy tháng rồi, mỗi đêm em chỉ chợp mắt vài tiếng rồi vùng dậy, lo giải quyết những chuyến xe cứu trợ, nghĩa tình. Chuông điện thoại lại reo, đầu dây bên kia là tiếng gọi thảng thốt báo có một ca F0 cần hỗ trợ. Em vừa buông điện thoại, có một ai đó báo đang chuyển đến trạm một số tiền ủng hộ chống dịch. Chỉ có tình yêu thương, trách nhiệm sống thay cho người ngã xuống vì COVID mới cho em nguồn năng lượng để có được ý chí, sức mạnh kết nối những tấm lòng, kích hoạt yêu thương như thế...

Hồi sinh sau đại dịch

Mùa hè năm 2022, nhà văn Phùng Thị Lệ Lý (Lệ Lý Hayslip) từ Mỹ về nước, thăm lại các di tích biệt động Sài Gòn, làm tư liệu cho một dự án phim tài liệu bà ấp ủ. Tôi liên lạc với Trần Vũ Bình, em nhiệt tình đưa chị Lệ Lý thăm lại các di tích. Điều hấp dẫn khách tham quan ở đây chính là linh hồn câu chuyện và những hiện vật em phục dựng, nâng niu. Nhà văn Lệ Lý cũng ngạc nhiên khi người thuyết minh là cậu bé Pen, 12 tuổi. Gương mặt khôi ngô, thuộc làu từng hiện vật, nói năng lưu loát. Hỏi ra, Pen là con trai Trần Vũ Bình, cháu nội Anh hùng Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế).


Pen (đứng giữa) thuyết minh cho khách tham quan

Tôi vui vì Bình cho biết di tích Biệt động Sài Gòn hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch, đã tự nuôi sống mình bằng nền lịch sử hào hùng của quá khứ. Lịch khách đăng ký tham quan dày đặc không chỉ vì tình yêu dành cho Biệt động Sài Gòn mà cả sự độc đáo của di tích. Tôi biết Bình đang bước vào trận chiến mới. Trận chiến thắng mình để giữ lại những giá trị di tích; sứ mạng kết nối, lan tỏa vào cộng đồng truyền thống hào hùng lịch sử biệt động trong một thế giới ngày càng trở nên rất phẳng.

Tất cả gia đình Câu lạc bộ biệt động Sài Gòn lao vào trận chiến chống dịch. Bình nói: "Lúc đầu, chú Mười Thơ (Trần Đức Thơ) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nói: "Thôi để từ từ, tao già cũng thấy ngán quá!". Nhưng rồi quá nhiều người nhiễm bệnh, nhiều người ra đi, chú lao vào. Lớp trẻ cuốn theo. Em thật xúc động khi tham gia trận chiến lớn này có sự gắn kết và tiếp nối giữa thế hệ trước và sau chiến tranh, gồm các cô chú Mười Thơ, chú Trần Quốc Độ, cô Vũ Minh Nghĩa và con em ngành tình báo - biệt động như anh Phạm Xuân Hoàng Ân - con trai Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn; bác sĩ Nguyễn Thanh Hải con rể Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ; anh Lê Thanh Hải, con trai Đại tá, AHLLVTND Lê Hữu Thúy; chị Trần Thị Phương Lan, con gái nhà tình báo Trần Sỹ Hùng; cháu gái của nhà tình báo Trần Quốc Hương; anh Tô Duy Khôi, cháu ngoại AHLS Tô Hoài Thanh - Chỉ huy trưởng trận tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968... Và thật xúc động, có những tình nguyện viên còn rất trẻ, lớn lên sau chiến tranh.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm
Thương một nhà văn cao tuổi
Nghe tin một nhà văn cao tuổi (85 tuổi) là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, cũng là người tôi quý mến bị bệnh ung thư và khó qua khỏi trong thời gian tới. Tôi lật đật chạy đến thăm ông dưới cái nắng hè oi bức.
Xem thêm
Chất lính - Bút ký của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3262 – 3263.
Xem thêm
Beijing lá phong vàng (8) – Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu
Kẻ yếu thua từng trận nhưng thắng toàn cuộc. Kẻ mạnh thắng từng trận nhưng thua toàn cuộc. Chủ thuyết Tàu là Salami.
Xem thêm
Cha tôi: Một ngón đàn tài tử đậm hồn thơ – Tạp bút Tương Như
Trong suốt cuộc đời, đôi khi phải chịu đựng cảnh mưa gió chìm nổi, tôi vẫn thường tự nghĩ mình là có lẽ là nơi hội tụ cơ duyên giữa ba dòng sông nghệ thuật: mỹ thuật, thi ca và âm nhạc.
Xem thêm
Duyên đá - Bút ký của Minh Đan
Mỗi ngày, mặt trời phía xa xa chưa kịp lấp ló, đã thấy ba tôi cần mẫn xách những xô nước mát trong trĩu nặng đôi bờ vai xương xẩu tưới lên những tia sống khỏe, mớm yêu cho từng khóm cây, chậu cảnh vườn nhà.
Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm
Sông chảy bên đời – Tuỳ bút của Nguyễn Thị Thu Thủy
Một đời người đã đi qua biết bao dòng sông, bao nhiêu ngã rẽ, khúc cua; mỗi dòng sông đều để lại bao luyến lưu, vương vấn, để lại những kí ức luôn tươi xanh mỗi khi nhớ về. Sông vẫn cứ chảy như thời gian trôi đi mải miết vì vậy “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Xem thêm
Rặng Diên Vĩ - Tản văn của Quốc Tuấn
Gió vẫn thổi, mái tóc thơm tuột khỏi giây buộc, quấn quanh đầu như vòng hoa nâu thẫm, vô tình quất bỏng môi người. Mùi hương đó, quen quá. Mùi tóc mẹ, hương quê vị quán. Tựa như làn nước lung linh, hơi thở chị uyển chuyển theo nhịp điệu không gian. Đôi mắt và đôi môi vẫn mỉm cười nhưng đã có chút tiếc nuối. Chính nỗi buồn ẩn chứa trên khuôn dung đã khiến chị trở nên hấp dẫn, pha lẫn sự hồn nhiên, ngây thơ tạo nên một tổng thể đẹp đến khó tin.
Xem thêm
Trần Bảo Định - Thú thưởng ngoạn văn chương qua tác phẩm “Đọc thơ bạn”
Có thể nói Trần Bảo Định là một hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại: Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi về hưu anh đã cho ra đời 6 tập thơ, hơn 10 tập tản văn, truyện ngắn và 3 tập tiểu luận phê bình trong khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác...
Xem thêm
Canh cá rô đồng – Tản văn của Châu Duyên
Tôi biết về món canh cá rô đồng đã lâu theo lời kể của cô bạn đang ở thành phố mang tên Bác, toàn những tin nhắn như là: Ê! Trưa nay tớ đang ăn canh cá rô đồng nè.
Xem thêm
Sài Gòn như nhà, như mẹ, như quê… – Tản văn của Triệu Vẽ
Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”. Trong huyết quản sâu xa của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà.
Xem thêm
Ơi mùa hoa ban! – Bút ký của Nguyễn Huy Bang
Chiếc máy bay VJ 299 từ Tân Sơn Nhất (sau 2 giờ 5 phút) bay qua không phận 3 nước.
Xem thêm
Tháng Ba hoa gạo – Tản văn của Bằng Lăng Tím
Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường.
Xem thêm