TIN TỨC

Trường ca Hoa Linh Thảo - Bản hồng ca về sự sống phồn sinh

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1559 lượt xem

Phạm Thị Phương Thảo

Tập trường ca HOA LINH THẢO của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu vừa mới ra trong quý 3/2021 đã mang đến cho tôi và bạn bè văn chương thật nhiều ấn tượng. Cuốn sách nhìn thật đẹp, đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép lưu hành và vinh dự được chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết những lời giới thiệu ngay trang đầu thật trân trọng. Nếu trường ca Phồn Sinh đã có sức mạnh lan tỏa, có sức cuốn hút, mang đầy tính thách thức khiến cho bạn bè văn chương chúng ta phải tốn khá nhiều thời gian, công sức khi đọc nó thì khi chúng ta đọc tiếp cuốn trường ca HOA LINH THẢO, bạn sẽ thấy thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn và mê đắm hơn. Đó là cảm nhận đầu tiên của một phụ nữ là tôi sau khi đọc HOA LINH THẢO!

Bìa trường ca Hoa Linh Thảo

Trường ca HOA LINH THẢO mang đến sự say đắm với những miền hoa cỏ linh hương kỳ diệu cho những người thích khám phá những miền đất mới. Đặc biệt với các thi sĩ, họ nhìn đâu cũng thấy đẹp. Họ luôn nhìn thấy và phát hiện ra những vẻ đẹp khác lạ ngay trong khung cảnh giản dị nhất, thậm chí bình thường nhất. Họ nhìn ra những điều thú vị trong những cái tưởng như rất bình thường ấy! HOA LINH THẢO đã tiếp nối theo lối viết của PHỒN SINH nhưng chắt lọc hơn khi nhà thơ dùng hình ảnh một loài hoa để viết về cõi sống, cõi khởi sinh, cõi phồn sinh và những giá trị về văn hoá phồn thực dưới con mắt triết học.

Với tôi, trường ca HOA LINH THẢO của Nguyễn Linh Khiếu thật là đẹp. Nó đẹp tựa như một dòng chảy đầy khao khát, mộng mị, dạt dào, sâu lắng, khi trường ca có độ dài vừa phải, lại có sức quyến dụ và duyên dáng như một thiếu phụ vẫn còn đang mặn mòi! HOA LINH THẢO là sự nối tiếp dòng chảy, sự trùng điệp, sự tuôn trào, sự ngồn ngộn và cả cái sự bền bỉ như không hề biết mệt để ngừng nghỉ của một bản trường ca đạt mức độ kỷ lục về độ dài mang tên là PHỒN SINH của Nguyễn Linh Khiếu từ trước đó!

Dòng chảy của HOA LINH THẢO là dòng chảy bất tận của những mầm sống và sự khởi sinh thiêng liêng, là nhịp điệu phồn sinh vô cùng dâng trào, là những hình ảnh tưng bừng rực rỡ sắc màu, là tràn trề khát vọng sống. Đó là dòng chảy đời sống và sự khao khát về tự do, về tình yêu, là dòng chảy thi ca sâu lắng, dạt dào, mang đầy tính ẩn dụ. Đặc biệt thứ ngôn ngữ trong HOA LINH THẢO của Nguyễn Linh Khiếu luôn thôi thúc và khai mở cho người đọc có thêm nhiều sự liên tưởng về tự nhiên, về sinh thái, mang đậm tính triết học.

1. HOA LINH THẢO - Sự sáng tạo ngôn ngữ đặc biệt ấn tượng của Nguyễn Linh Khiếu!

Trường ca này đã được nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu khởi viết từ Kolkata từ năm 2008 như một niềm hạnh ngộ đặc biệt. Ông tự coi đó là một sự nhiệm màu, một đặc ân lớn lao đầy mặc khải, nó giống như khi người ta nhận được một thứ năng lượng thiên bẩm đặc biệt, khi họ đã có được một sức mạnh vô hình dẫn dắt. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã dành cho ông những lời rất hay khi nói về kiểu ngôn ngữ mới lạ trong tập trường ca của Nguyễn Linh Khiếu: “mở ra như nước, lan tỏa như khói, cuồng nhiệt như lửa, diễm lệ như hoa và trần trụi như một con chim bị vặt hết lông vũ” (tr.7). 

Ông đã sáng tạo ra thứ ngôn ngữ của riêng ông để tạo ra một “vũ trụ thơ “của chính mình. Cảm hứng thi ca càng thêm dạt dào, sung mãn với những phát hiện, những ẩn dụ, những mộng mị đầy mê đắm. Vẫn là cách nói dài hơi, khỏe khoắn theo kiểu thơ thơ văn xuôi của ông nhưng không xa rời chủ để tư tưởng về thế giới phồn sinh và Phật giáo. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, lớp lớp trùng điệp, không lẫn với ai. Ông viết HOA LINH THẢO với một niềm mê đắm tựa như một thứ quyền năng của thi ca.

ta là ta một mình một ta/ ta là ta trong vô vàn ta/ ta là ta trong vô vàn không ta/ ta nồng nàn ta lạnh lẽo/ ta tầm thường ta cao siêu/ ta hôm nay ta muôn xưa ta muôn sau/ ta vô danh/ ta vĩ đại/ ta vĩnh hằng/ ta vời vợi thi nhân''?(tr.34). 

Mượn hình ảnh của một loài hoa linh sắc đã nở trong tưởng tượng, thi sĩ Phồn Sinh của vùng châu thổ sông Hồng luôn bay trên đôi cánh thi ca khi đến với những miền đất mới. Và ông đã từng may mắn, từng hạnh phúc khi được đến đó và ở lại đó.

“ta hát bản Hồng ca ời ợi mùa Khởi Trinh trong suốt/ ời ợi mùa Linh Thảo tím ngát/ ời ợi mùa Miên Hương ngào ngạt/ ời ợi mùa Lam Hạnh dịu dàng/ ời ợi mùa Phương Thảo tinh khôi/ ời ợi mùa Minh Hạnh trắng ngần”! (tr.76).

Tôi cũng đếm thử cụm từ “ời ợi “thì thấy có tới 46 lần nhà thơ đã nhắc tới nó. Cách dùng điệp từ, điệp ngữ của nhà thơ đã gây sự miên man, ám ảnh cho người đọc! Sự điệp trùng của ngôn ngữ và sự tuôn chảy như nham thạch của Nguyễn Linh Khiếu người ta đã dần quen từ khi đọc Phồn Sinh.Trong trường ca HOA LINH THẢO, các điệp ngữ ông sử dụng dường như đã được tiết chế hơn và có một dung lượng theo tôi là vừa đủ. Với cảm xúc mạnh mẽ, dạt dào, với kiến thức triết học phong phú của mình, ông đã thổi vào trong thơ mình một luồng gió mới của sự minh triết.

Thi sĩ đích thực vốn là những người yêu cái đẹp, mê đắm thiên nhiên, yêu sự phồn sinh, yêu sông nước, yêu hoa cỏ.... Nguyễn Linh Khiếu đã ngỡ ngàng khi khám phá ra bao nhiêu những điều mới mẻ, những bí ẩn từ sâu thẳm trong nội tâm, khi ông tự đào sâu vào bản thể chính mình. Ông luôn tự nhận ta là nhà thơ Hoa Linh Thảo sông Hồng” ngay cả khi ông đang đứng trước dòng sông Ganga (sông Hằng) và vùng châu thổ xứ Kolkata.

ta đã đến và ta đã hát/ khúc phồn sinh thăm thẳm một cõi người/ ta đã yêu và ta đã buồn/ một thế giới phồn sinh bạt ngàn HOA LINH THẢO/ bạt ngàn ta bạt ngàn thi nhân bạt ngàn sự sống''! (tr.286)

Những điều đẹp đẽ, mới lạ, ngất ngây, nồng nàn và bất ngờ ấy luôn được soi chiếu dưới thứ ánh sáng lộng lẫy của Tình Yêu, của Phật Giáo và của Triết học. Hẳn rồi, ông là PGS, TS Triết học có tên tuổi, đã từng đào tạo nên nhiều thế hệ học trò. Ông đã dùng triết học soi rọi vào thi ca để luận giải nhiều vấn đề về thế giới, về nhân sinh, để bàn luận về những vấn đề mang tính bản chất trong mối quan hệ đa tầng của tự nhiên - xã hội và con người!

“ta hát bản Hồng ca ời ợi bầy cá Kiều diễm lệ nguy nga tinh khiết tung tăng nhịp điệu thủy phồn/ ời ợi bầy cá Linh/ thần thánh phiêu diêu ngọn sóng sa hồng mùa lũ lụt đỉnh núi sườn non réo vang nhịp điệu nhạc phồn/ ời ợi đàn Agư lảnh lót những ban mai trong vắt tinh sương ngào ngạt hương hàm tiếu ngân nga nhịp điệu thiên phồn/ ời ợi bầy Khiếu Linh trở về đậu kín những ngọn Mộc Miên cổ thụ/ cất tiếng hót thiêng liêng ngân nga bồi hồi xứ sở hân hoan nhịp điệu nhân phồn'' (tr.86) 

Huyền thoại HOA LINH THẢO giống như một câu chuyện cổ tích, nó được bắt nguồn từ một vùng đất, một thế giới, một thời đại và nó mãi luôn là điệp khúc ngân vang. Nguyễn Linh Khiếu đã làm tôi bị đắm chìm trong loài HOA LINH THẢO qua ngôn ngữ thơ, qua nhịp điệu thơ, qua hình ảnh thơ và ông khai sáng tôi bằng những thi pháp thơ kiểu triết học. Hoa chính là người, người chính là hoa! Tất cả đang ngân rung da diết, hoa làm ta rung động, đồng cảm và đắm đuối hơn trước những miền linh hương đẹp đẽ bằng thứ ngôn ngữ rất riêng của mình.

ta là nhà thơ của châu thổ Sông Hồng/ dàn giụa sa hồng những mùa lũ lụt/ nước dâng trào ngút ngàn chân trời nước/ vời vợi chân trời nước nồng nàn phì nhiêu/ đầm đìa mỡ màu chân trời nước/ rực đỏ dạt dào sóng sánh dục năng/ rực đỏ hân hoan chan hòa mùa xuân con nước”(tr.70)

2. HOA LINH THẢO - Ngân vang nhịp điệu của phồn sinh

Tiếp nối dòng chảy của PHỒN SINH, trường ca HOA LINH THẢO là những khúc ca về nhịp điệu tưng bừng náo nhiệt, rực rỡ sắc màu của phồn sinh. Trong bản trường ca, những tiếng gọi ời ời của đực cái về sự phồn sinh luôn được ngân vang. "cá tôm gọi nhau ời ợi cua cáy gọi nhau ời ợi ốc hến gọi nhau ời ợi trâu bò gọi nhau ời ợi hổ báo gọi nhau ời ợi dê lợn gọi nhau ời ợi vịt gà gọi nhau ời ợi ngan ngỗng gọi nhau ời ợi chó mèo gọi nhau ời ợi cú cáo gọi nhau ời ợi chim cò gọi nhau ời ợi ong bướm gọi nhau ời ợi cào cào gọi nhau ời ợi châu chấu gọi nhau ời ợi giun dế gọi nhau ời ợi sâu bọ gọi nhau ời ợi ruồi muỗi gọi nhau ời ợi lươn chạch gọi nhau ời ợi cóc nhái gọi nhau ời ợi rắn rết gọi nhau ời ợi cỏ cây gọi nhau ời ợi cát sỏi gọi nhau ời ợi nước nôi gọi nhau ời ợi mây khói gọi nhau ời ợi cánh đồng gọi nhau ời ợi sông ngòi gọi nhau ời ợi núi non gọi nhau ời ợi người ngợm gọi nhau ời ợi thần thánh gọi nhau ời ợi ma quỷ gọi nhau ời ợi”(tr.84)

Nhịp điệu phồn sinh, trai gái, đực cái, trống mái, đàn ông, đàn bà... đã từng làm nên nhịp điệu khởi sinh của cả vùng châu thổ sông Hồng và gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.

những đêm thiêng lễ hội truyền sinh châu thổ Sông Hồng/ ta ríu rít cùng biết bao con đực ríu rít cùng biết bao con cái ríu rít cùng biết bao con trống ríu rít cùng biết bao con mái ríu rít cùng biết bao chàng trai ríu rít cùng biết bao cô gái''(tr.83).

Dễ dàng nhận ra hơn khi nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu viết về nhịp điệu tưng tưng trong phồn sinh ở khúc 16 - Rồi đến khúc 19 và khúc 20! Đó là những thứ nhịp điệu “tưng tưng'' luôn gọi về bản năng phồn sinh, luôn cuốn hút, luôn ám ảnh sự sống và sự sinh sôi nảy nở. Tôi thử đếm và đã đếm được 46 lần ông viết về cái nhịp điệu “tưng tưng” ấy. Nào là cá tôm, ốc hến, trâu bò, vịt gà, ngan ngỗng, chó mèo, cú cáo, ong bướm, chim cò, cóc nhái, sâu bọ, giun dế, ruồi muỗi... thôi thì đủ mọi loài, mọi thứ cho đến con người và những miền cỏ thơm ngát như HOA LINH THẢO. Tất cả đều nhảy tưng tưng! Nhà thơ cũng “tưng tưng'' ''tuôn trào trước bản Hồng ca đẹp kỳ vĩ trước vũ trụ của mình''!

Thứ nhịp điệu phồn sinh của vùng châu thổ sông Hồng đã có từ thuở hồng hoang và vẫn luôn réo vang, luôn gọi mời. Ông tự nhận “thơ ta là phát ngôn của những chàng trâu mộng châu thổ sông Hồng/ những chủ nhân thong dong đồng bãi thanh bình”! “Phồn Sinh là tái sinh của hủy diệt/ Phồn Sinh là sự sống của sự chết/ phồn sinh nghĩa là không khởi đầu không kết thúc bài giờ''! (tr.233). Tiếng những loài chim vùng châu thổ gọi nhau cũng ời ợi không kém ời ợi: ''ời ợi mùa Cê Bòng véo von tha rác miệt mài xây tổ trên những vòm bưởi nức nở hoa trắng trái xanh/ những khu vườn réo vang nhịp điệu địa phồn/ ời ợi mỗi hoàng hôn chạng vạng/ bầy Chích Bột xòe đôi cánh trắng ngần ngân lên giai điệu an lành Phồn Sinh xứ sở”(tr.86).

Ngôn ngữ thơ của “chàng trâu mộng” thật là ám gợi qua nhịp điệu tưng tưng ấy. Ông ca ngợi tình yêu phồn thực và tình dục được coi như một sức mạnh vô biên, có thể xuyên quốc gia, là thứ sức mạnh đày ma lực cám dỗ khi có thể “rời non lấp biển “! Nhịp điệu “tưng bừng rực rỡ”cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, người đọc như bị chìm đắm và bị “thôi miên'' theo tiếng mõ của nhịp điệu thơ vào trong khung cảnh rực rỡ tráng lệ ấy.

Nhịp điệu đó vang lừng, tinh khôi, nồng nàn... thành bản giao hưởng vĩ đại mà ông gọi là “Hồng ca”. Ông tự vấn nếu nhà thơ của châu thổ sông Hồng ''không hát lên bài ca ời ợi không hát vang bài ca tưng bừng rực rỡ không ngân lên nhịp điệu tưng ng của miền châu thổ thì ca ngợi cái gì (tr.87).

Nhịp điệu thơ ở đây luôn cuồn cuộn và nhiều điệp ngữ được nhắc đi nhắc lại. Sự tiếp nối có dụng ý của Nguyễn Linh Khiếu từ trường ca “Phồn Sinh” từ năm 2018 được phát huy nhưng có tiết chế hơn, chọn lọc hơn. Ông vẫn có sở trường viết dài, không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay Nguyễn Linh Khiếu đã xác lập cho mình Kỷ lục Việt Nam về độ dài của trường ca theo kiểu phồn sinh. ''ta đến cuộc đời này bằng khoảnh khắc hoan lạc/ sống với cuộc đời này những khoảnh khắc hoan lạc/ để lại cuộc đời này những khoảnh khắc hoan lạc/ tất cả sẽ biến mất/ chỉ hoan lạc là còn/ tất cả sẽ biến mất/ chỉ còn lại những đứa con/ những thiên thần sinh ra từ hoan lạc/ những đứa con nối tiếp những đứa con nối tiếp những đứa con nối tiếp những đứa con mãi mãi trường tồn/ mãi mãi dòng truyền sinh tuôn trào bất tận”(tr.30).

3. HOA LINH THẢO - Miền linh hương, mộng mị luôn tưng bừng rực rỡ sắc màu

Nguyễn Linh Khiếu yêu hoa và luôn say đắm cùng cỏ hoa. Trong HOA LINH THẢO ông không chỉ kể về Hoa Linh Thảo mà còn kể về những loài hoa cỏ khác. Không biết có phải vì ma lực của những người đàn bà đẹp như nàng thơ Prava Samantaray ở xứ sở Bengal hay những nàng thiếu nữ India mà thi sĩ muốn viết về HOA LINH THẢO ngay lần đầu gặp mặt hay không? Hay bởi mỗi sự hẹn hò đã có từ trong tiền kiếp, là duyên, là mệnh, để cho HOA LINH THẢO kia luôn rực rỡ dưới bầu trời hoan lạc và mặt đất phồn sinh?

Có thể nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã nhận được một thứ sức mạnh vô hình nào đó của các vị thần chăng? Cho đến khi ông trở lại Kolkata - miền đất thuộc bang Tây Benga, ông đã say mê viết và hoàn thành xong bản trường ca này dài 286 trang này. Với tôi, hoa cỏ cũng là một sứ mệnh. Bởi hoa cỏ kia dù nhỏ nhoi nhưng luôn mang theo sức sống mãnh liệt và luôn cất lên tiếng nói riêng của mình. Sự sống luôn đi liền với lòng biết ơn! Nhà thơ Mỹ nổi tiếng Walt Whiman cũng đã có thành công vang dội từ một tập thơ mang tên Lá Cỏ. Những lá cỏ và hoa cỏ luôn có sức sống mãnh liệt trước thiên nhiên dẫu bị bao nhiêu thứ bầm giập. Trường ca HOA LINH THẢO luôn đề cao vai trò của các nhà thơ đích thực và sứ mệnh của thi ca. Họ tựa như loài hoa cỏ lan tỏa linh hương, luôn vươn lên dưới ánh sáng mặt trời.

hoa cỏ thơm những miền trời/ thơm những miền đất/ thơm những miền người/ thơm những miền linh hương/ thơm những miền linh sắc” (tr.16).

Bản Hồng ca rực rỡ với mùa lúa non, tưng bừng với bầy trâu nước... ''ta là nhà thơ độc quyền hát bản Hồng ca mùa mang sinh sôi nảy nở/ nhà thơ độc quyền hát bản Hồng ca cấy cày gieo trồng xới vun chăm tỉa gặt hái/ nhà thơ của lúa non mơn mởn của mùa màng chín mẩy của hạt giống râm ran tách vỏ nảy mầm'' (tr.238). Những câu thơ giàu xúc cảm, giàu hình ảnh luôn mướt mát. Ta thấy hình ảnh muôn loài đều tưng bừng rực rỡ. Tôi cũng đếm thử điệp ngữ “tưng bừng rực rỡ” trong khúc 17 và đếm được 46 lần ông đã sử dụng cụm từ ấy. Không biết có mối liên hệ nào giữa “tưng bừng rực rỡ” với hình ảnh nhảy “tưng tưng” trước đó và âm thanh ''ời ợi" sau đó không mà các cụm từ này đều cùng xuất hiện 46 lần? Đặc biệt hơn, tôi thấy nhà thơ còn nhắc đến hình ảnh đàn chim Khiếu Linh đã trở về và đậu kín trên ngọn mộc miên cổ thụ và cất tiếng hót. Tôi vốn thích được nghe những tiếng chim hót nên thích sự tưng bừng rực rỡ của loài Cê Bòng trên vòm hoa bưởi và cả bầy Chích Bột vui đùa nơi thôn dã.  

''âm thanh châu thổ Sồng Hồng chỉ là âm thanh ời ợi/ nhịp điệu của châu thổ Sông Hồng chỉ là nhịp điệu tưng tưng/ sắc màu của châu thổ Sông Hồng chỉ là sắc màu rực rỡ/ bài ca của châu thổ Sông Hồng là bản hoan ca truyền sinh bất tử/ tuyên ngôn của châu thổ Sông Hồng là bản Hồng ca bất hủ Phồn Sinh'' (tr. 90).

Hoa Linh Thảo đang nở miên man trong tôi, ngay trong những ngày mà đại dịch covid 19 làm cho cả thế giới chao đảo. Tất cả nhân loại chúng ta đang cần được sống chậm, mong được xoa dịu tâm hồn trong nỗi chết chóc và ai cũng từng mong mình sẽ được cứu rỗi để vượt qua. Trong tôi, vào chính lúc này, ngay ở đây đang ngập tràn thứ linh hương dạt dào và quyến dụ của muôn thứ cỏ hoa, ấy là Hoa Linh Thảo, Hoa Lam Hạnh, Hoa Khởi Trinh, Hoa Miên Hương, Hoa Anh Thảo.

Những cái tên hoa cỏ vừa đẹp lại vừa gợi lên trong tôi bao hình tượng đẹp đẽ cho hội họa và thi ca. Có thể tôi sẽ thử vẽ thêm vài loài hoa cỏ này theo gợi ý của thi sĩ Nguyễn Linh Khiếu chăng? Sự rung động và đồng cảm với thi ca nhất định sẽ cất cánh bay cho thi ca và hội họa được dịp thăng hoa! Tôi luôn tin vào điều đó!

4. HOA LINH THẢO - Ngân vang sứ mệnh của thi ca và cá tính sáng tạo của nhà thơ

Nguyễn Linh Khiếu đã định danh thế giới Phồn Sinh và tự xác tín mình là giáo chủ của thế giới Phồn Sinh. Ông rất tự hào khi tự nhận: “trong các nhà thơ của thế gian này/ sông Hồng chọn ta là nhà thơ xứ sở/ trong các nhà thơ của châu thổ sông Hồng/ sông Hồng trao ta sứ mệnh độc quyền phát ngôn xứ sở Phồn Sinh”!(tr.238). Ông cho rằng không cần phải tìm cách thần thánh hoá một nhà thơ (tr.242), bởi vì “thơ ca nghĩa là tôn vinh sự sống/ thơ ca nghĩa là ngợi ca sinh thành/ thơ ca nghĩa là ngôn ngữ sinh động tình người thơ ca nghĩa là lời nói thì thào dịu ngọt'' (tr.242). Tôi thì chỉ muốn gọi ông giản dị khi là nhà thơ của những bông Hoa Linh Thảo!

Ông tự bộc lộ mình không giấu giếm trong thơ. Sau những diễn ngôn mang tính “độc quyền'' về bản thể phồn sinh, nhà thơ tự nhận mình chỉ là một cậu bé nhà quê bị hoa cỏ linh thiêng bỏ bùa. ''ta chỉ là nhà thơ của châu thổ sông Hồng/ của miền cỏ hoa thơm ngát/ cậu bé nhà quê bị hoa cỏ linh thiêng bỏ bùa/ nhà thơ bị hoa cỏ quyến rũ/ đi đâu rồi cũng tìm đến những cánh đồng hoa/ đến đâu nơi đó cũng thành miền hoa thơm cỏ lạ'' (tr.237). 

Quyền năng của thơ ca thật tuyệt vời! Nó cho phép Nguyễn Linh Khiếu đã và luôn xác tín một điều rằng: “ta là ngôn nhân của châu thổ sông Hồng/ ngôi làng cửa biển của ta đắm chìm trong sương sớm// bầy Khiếu Linh là chủ nhân thiêng liêng của xứ sở Phồn Sinh/ dẫu có đi muôn phương đến tận cùng trái đất// Khiếu Linh bao giờ cũng trở về cùng hơi xuân ấm áp'' (tr.120). 

Bởi Khiếu Linh chính là tên của một loài chim đặc biệt luôn trở về quê hương vào mùa xuân! “không phải nhà thơ chọn thơ ca/ thơ ca chọn nhà thơ/ không phải nhà thơ chọn bất hạnh/ bất hạnh chọn nhà thơ/ tên khoa học của nhà thơ là bất hạnh”(tr.166).

“thơ ta rười rượi nước trời dịu ngọt/ lênh láng ngập ngụa phù sa/ hào hoa lá non lộc biếc/ tưng bừng bướm ong nhộn nhịp/ tốt tươi chan chứa xuân tình/ thậm thình nhịp điệu truyền sinh/ ngân nga giai điệu trai gái đực cái trống mái chan hòa thanh xuân/ vang dội tiếng gào thét của con đực tiếng gào thét của con cái/ tưng bừng tiếng hổn hển của con trai tiếng hổn hển của con gái/ giòn giã réo vang tiếng của con trống réo vang tiếng của con mái”!(tr.70-71).

Các nhà thơ từng đi đến nhiều vùng đất mới và đều mong được đứng lại rất lâu trước một dòng sông nào đó. Tôi cũng thế! Ai cũng có một dòng sông của riêng mình và từ dòng sông của bản thể mình để nhìn ra các dòng sông khác! Ông đã coi “những dòng sông là ngọn nguồn của sự sống'' (tr.113) và là máu huyết của đất đai. Từ dòng sông Hồng cho đến sông Ganga, để nhìn thấy bao cỏ hoa lung linh đáy nước. “ta là nhà thơ đắm đuối với những dòng sông/ sông lưu giữ bóng hình ta ở đó'' (tr.115)! “ta đã sinh ra và ta đã hát/ những bản hoan ca truyền sinh bất tử// những bản Hồng ca vinh danh sự sống/ ta đã sinh ra và ta đã hát/ bản tuyên ngôn đích thực của xứ sở sông Hồng”(tr.90). 

Nhà thơ nhận ra thứ “quyền năng” trong điệp trùng bất tận của thi ca: “thơ ca thấm nhuần nhịp điệu giống đực/ thơ ta đầm đìa giai điệu truyền sinh/ thơ ca dẫn truyền sức sống/ thơ ca ám ảnh bầu trời phát dục đỏ rực// réo vang chân lý Phồn sinh/ chân lý của mọi chân lý/ chân lý hiện sinh kỳ vĩ khôn cùng” (tr.68-69). Ông coi ''đó là duyên nghiệp/ đó là thiên mệnh/ đó là sứ mệnh ngôn nhân'' (tr.90) của mình. Ông coi mình là một loài cây mọc trên đất bằng, chủ nhân của vương quốc sa bồi dồi dào tâm thức, nơi một vùng cửa biển thiêng liêng.

Nơi đất Việt bốn ngàn năm lịch sử giàu truyền thuyết văn hóa khi nghe ông kể lại những câu chuyện huyền sử Lạc Long Quân gặp Âu Cơ, Sơn Tinh gặp Mỵ Nương, Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung, Khâu Đà La gặp Man Nương, Trương Chi gặp Mỵ Nương, Triệu Đà gặp Trình Thị, Mỵ Châu gặp Trọng Thuỷ, Từ Thức gặp Giáng Hương! Tất cả đều phải yêu thương gắn bó để hoàn thiện bản ngã của mình trong nhịp điệu khởi sinh và phồn sinh. Sự khởi sinh luôn được thi sĩ ca ngợi hết lời, được ông coi đó là hành vi vĩ đại. Chẳng có gì sung sướng hơn là hành vi gieo mầm sống, những mầm sống sinh sôi nảy nở và thiêng liêng. Đó phải chăng cũng là một thiên mệnh, là một thứ quyền năng của con người. Hạnh phúc luôn trào dâng trong sự khoái lạc và phồn sinh. Bởi sự sống trên trái đất này luôn luôn là những niềm hạnh ngộ kỳ diệu và đáng được ngợi ca.

Nhịp điệu thơ cuồn cuộn và nhiều điệp ngữ được nhắc đi nhắc lại. Sự tiếp nối của Trường ca “Phồn Sinh” từ năm 2018 được phát huy nhưng có tiết chế hơn, chọn lọc hơn. Ông vẫn có sở trường viết dài trong trường ca, không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay Nguyễn Linh Khiếu đã xác lập cho mình Kỷ lục Việt Nam về độ dài của trường ca Phồn Sinh.

“những câu thơ của ta là khúc hoan ca nhiệt đới/ nước đã sinh/ đất đã sinh ra/  không khí đã sinh/ nắng đã sinh/ gió đã sinh/ sương đã sinh/ mưa đã sinh/ trời đã sinh/ cây cối đâm chồi nảy lộc/  muôn loài phì nhiêu tươi tốt” (tr.71-72) 

Tuy nhiên với trường ca Hoa Linh Thảo, biên độ có hẹp hơn Phồn Sinh, theo tôi, độ dài gần 300 trang là vừa phải nhưng không hề kém đặc biệt bởi có những sự khác biệt. Trường ca được trải dài gần 300 trang, cũng miên man liền mạch như một dòng chảy, cũng không có dấu chấm, dấu phẩy nào trong suốt tập trường ca. Tôi đọc hết nhưng không thấy mệt, mà thấy vừa với sức mình và vừa đủ đắm say để cảm nhận.

5. HOA LINH THẢO - luôn đề cao nữ quyền, tôn thờ nguyên lý Mẫu và khẳng định vai trò phồn sinh của đàn bà

Đàn bà là một nửa của thế giới này! Hồn của HOA LINH THẢO đẹp đến nỗi “Những thiếu nữ trồng hoa đều hoá thành nữ thần”! Bởi sự huyền bí, tinh khôi, dịu dàng, kiều diễn, kiêu sa và quyến rũ. Hoa đẹp mộng mị, mê hoặc và có chút gì hoang đường khi “Ai chạm vào hoa linh thảo đều mất trí”! Và nhà thơ đã phải thốt lên rằng: “Ai ngửi mùi hương Hoa Linh Thảo suốt đời mộng mị ảo giác/ Ai hái những bông Hoa Linh Thảo đều vĩnh viễn hồn xiêu phách lạc” (tr.27). Dẫu biết nó hoang đường nhưng ta vẫn cứ tin!

Là người say mê thi ca, lại có cả một quá trình nghiên cứu giảng dạy về triết học, nhà thơ đồng thời là một nhà giáo, một nhà khoa học, ông đã có nền tảng vững chắc khi nhắc đến các tôn giáo và đưa chúng vào thơ ca. Nếu không có những kiến thức sâu rộng về kinh thư, về thần học, về mỹ học, sẽ không thể bàn luận sâu về triết lý mang tên Phồn Sinh. Ông hướng người ta tới sự hiểu biết minh triết. Ông luôn đề cao kinh Kama Sutra (Khoái lạc) dành cho tất cả, do Thượng Đế tạo ra, đó là chân kinh của mọi thi nhân, hơn là Artha (sở hữu tài sản) và Dhama (thực hành nghỉ lễ)!

Ông coi vùng châu thổ đẹp nhất, tràn ngập tinh thần phồn sinh chính là sông Hồng. Nơi châu thổ vùng lúa nước quê hương đã thôi thúc ông viết nên những trang thơ triết lý về truyền sinh và tín ngưỡng thờ Mẫu. Sông Hồng chính là sông Cái, sông Mẹ như tên gọi của dân gian. Sông Hồng là hình ảnh đẹp đẽ giống như một người mẹ vĩ đại khi sinh nở cả một đàn con. Sông Mẹ khi bao dung, lúc che chở và trầm tích bồi đắp những giá trị nhân bản bằng tầng tầng phù sa và cát mặn. Ông coi trường ca HOA LINH THẢO như một bản Hồng ca với những giá trị Vĩnh Cửu về vẻ đẹp phồn sinh của con người.

Đạo Mẫu được đề cao trong trường ca còn thông qua những câu chuyện đầy huyền thoại về Tiên Dung và Chử Đồng Tử, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn Tinh và Mỵ Nương, Chử Đồng Tử và Tiên Dung, Khâu Đà La và Man Nương, Trương Chi và Mỵ Nương, Triệu Đà và Trình Thị, Mỵ Châu và Trọng Thuỷ, Từ Thức và Giáng Hương! Tất cả những sự hạnh ngộ ấy đều phải gắn bó yêu thương để hoàn thiện bản ngã con người trong nhịp điệu khởi sinh và phồn sinh. Có lẽ thế mà nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu luôn coi trọng và đề cao hình ảnh

cổ mẫu Mẹ - Sông Cái - con sông Hồng!

“Nhà thơ bao giờ cũng là ước mơ của mọi nền văn hóa/ Nhà thơ bao giờ cũng là tiên phong của mọi ngôn ngữ/ Nhà thơ bao giờ cũng khai mở một thời đại văn chương” (tr.66).

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu từng đi nhiều, biết nhiều nơi trên thế giới nên ông cũng chiêm nghiệm nhiều hơn. Ngay trong lời tựa sách, ông đã tự khẳng định rằng: “Bản thân mỗi con người là một kho tàng vô tận những của cải quý giá và thiêng liêng. Không ai biết được kho báu ẩn chứa ở trong mỗi chúng ta là như thế nào” (tr.12). Vùng đất của Ấn Độ chính là cội nguồn của Phật giáo, nơi mà thi sĩ đã có nhiều duyên hạnh ngộ. Tôi chưa từng đến đó nhưng đã từng đọc cuốn sách “Hành trình về phương Đông” của tác giả Blair T.Spalding, một nhà văn nổi tiếng người Anh. Tôi nghĩ đó là một cuốn sách giàu có tri thức Phật giáo và có tính khai sáng cho những người như tôi.

Người ta càng đi nhiều, càng hiểu nhiều thì họ lại càng trở nên biết khiêm nhường hơn! Bởi khi người ta bước chân ra với thế giới càng nhiều, đi càng xa, họ lại càng mong muốn được trở về. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cũng không ngoại lệ khi ông luôn ra đi và trở về, ông tự nhận mình là:

“trở về nghĩa là vẹn nguyên/ nghĩa là vĩnh hằng/ trở về theo tiếng gọi của Phồn Sinh/

nghĩa là bắt đầu một khởi trình/ bắt đầu một dòng sinh tuôn trào bất tận”! (tr.73).

Châu thổ sông Hồng, nơi sinh ra những loài hoa cỏ, những miền cỏ thơm, nơi nhà thơ từng đặt cho chúng những cái tên thật gợi và say sưa viết về chúng. Có thể những mối lương duyên ấy đã có từ trong tiền kiếp.

“một nhà thơ bao giờ cũng có những tiền kiếp bí ẩn không dễ gì biết/ giữa họ bao giờ cũng có những mối liên hệ thần bí linh thiêng những khoảnh khắc/ vô tận những khoảnh khắc/ những phiên bản vô tận những phiên bản/ những nhân bản hằng hà sa số những nhân bản/ nhà thơ bao giờ cũng ngộ nhận mình là duy nhất/ trên cõi đời này không có gì đích thực là duy nhất/ duy nhất đó chính là một khoảnh khắc chỉ là một đứt đoạn chỉ là một hiện sinh/ đa dạng là liên tục là bản chất của sinh tồn” (tr.275).

Tôi cũng say sưa ngồi đọc đi đọc lại từng khúc trong tập trường ca HOA LINH THẢO của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu trong suốt cả tuần qua, ngay sau khi được ông ký tặng với một niềm hứng khởi. Tôi đã bị chìm đắm vào trong cái thế giới của HOA LINH THẢO và miên man trong một vũ trụ thu nhỏ của miền châu thổ sông Hồng với tinh thần náo nức của Phồn Sinh! Với cá nhân tôi, khi viết những câu thơ về tình yêu, tôi vẫn luôn coi tình yêu trên thế gian này là một thứ tôn giáo vô cùng thiêng liêng và bí ẩn. Tôi khá tâm đắc khi đọc trường ca này với sự đồng cảm cùng HOA LINH THẢO. Chính nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cũng từng tự “thú nhận” rằng: “Mở kho báu của mình nghĩa là nhà thơ phải tự tìm con đường riêng của chính mình. Đó là một công việc chưa bao giờ là dễ dàng” (tr.12). Bởi lẽ “ta là nhà thơ của những miền châu thổ/ nhà thơ của miền cỏ thơm dồi dào nước đỏ/ nước ngọt ngào biết bao/ nước mặn mòi biết bao” (tr.67).

Trường ca HOA LINH THẢO vừa kịp ra mắt bạn bè, ngay sau những ngày dài phải giãn cách xã hội vì đại dịch Covid. Tiếp nối ngay sau cuốn PHỒN SINH, tên một tập trường ca khá đồ sộ, nổi tiếng của Nguyễn Linh Khiếu. Tập trường ca ấy dài trên 700 trang, bản thân tôi đã phải đọc nó trong nhiều ngày, suốt những mùa covid kéo dài triền miên. Tôi cũng phải thú thật là sau khi đọc xong trường ca PHỒN SINH, tôi học được rất nhiều nhưng cũng thấy mệt phờ, bởi độ dày của sách luôn thách thức sự hiểu biết, sự kiên trì và lòng bền bỉ của những người đọc. Tôi đã phải dừng lại để nghỉ làm mấy chặng rồi mới có thể nhâm nhi đọc tiếp cho đến kỳ hết.

Nhà thơ đàn anh Nguyễn Linh Khiếu nói rằng ông muốn tôi viết một bài cảm nhận về tập trường ca HOA LINH THẢO của ông. Tôi thực sự rất vui và rất hạnh phúc, có lẽ bởi giữa chúng tôi lâu nay vẫn luôn là cái duyên văn chương thi ca, hội họa từ những miền cỏ thơm đầy mê hoặc. HOA LINH THẢO vẫn đang bừng nở. Nâng trên tay một cuốn sách đẹp đẽ, thi vị, được in trên giấy xốp nhẹ nhàng thơm hương mùi mực như thế này, cảm giác ấy thật là tuyệt vời. Chúng tôi và mấy nhà thơ thân thiết đã gặp lại nhau, bởi chúng tôi đều có sách vừa mới ra, chúng tôi mong được tặng sách mới cho nhau sau nhiều tháng khi Hà Nội phải kéo dài giãn cách xã hội vì đại dịch Covid.

HOA LINH THẢO - PHƯƠNG THẢO! CỎ THƠM! Những thứ hoa kỳ diệu ấy đã từng nở trong thi ca với muôn vàn thứ linh hương ấn tượng. Chúng vẫn đang xòe cánh, tỏa hương, hoa đang miên man khoe sắc trên cánh đồng hoan ca của vùng châu thổ sông Hồng và của thi ca. Trường ca HOA LINH THẢO làm người ta thấy yêu hơn quê hương xứ sở của mình qua mỗi trang viết. Ta chợt nhận ra rằng đang có một thứ sinh thái trong thơ cần được lưu giữ. Có một thứ tôn giáo đẹp đẽ về tình yêu không thể thiếu vắng được tình dục và sự phồn sinh! HOA LINH THẢO như một thứ liên văn bản giữa thi ca - tình yêu - triết học - tôn giáo! Nó luôn được khởi sinh, đắm say, rực rỡ, chín mẩy, căng nức, tràn trề, luôn tuôn chảy trong ta như một dòng nham thạch!

Hà Nội 27-29/10/2021

P.T.P.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm