- Truyện
- Cây sung đỏ | Truyện ngắn dự thi của Hồng Chiến
Cây sung đỏ | Truyện ngắn dự thi của Hồng Chiến
Không biết từ bao giờ, dãy núi cao hùng vĩ Nam Trường Sơn được đặt tên là núi Thần Cọp. Đỉnh núi cao nhất cũng được gọi là đỉnh Thần Cọp. Đỉnh Thần Cọp luôn núp mình trong mây vào mùa mưa, mùa khô cũng dậy muộn và khi mặt trời chưa kịp xuống núi đã vùi đầu vào những đám mây trắng để ngủ. Dưới chân núi Thần Cọp có buôn Cư San gần trăm nóc nhà dài định cư lâu đời nơi đây nên không phải di dời khi nhà nước quy hoạch vùng này làm Vườn Quốc gia.
Đêm hôm nay buôn Cư San không ngủ, người lớn tụ tập bên bếp lửa nhà Già làng mí Đoan(1) vít rượu cần, trò chuyện râm ran. Bọn trẻ choai choai nô đùa chán cũng tập trung lên sàn nhà dài, ngồi hóng chuyện người lớn. Chỉ có các em bé nằm trong địu ngủ ngon lành trên lưng ama, amí(2). Đêm cuối cùng của năm cũ, ngày mai là mùng 1 - ngày đầu tiên của năm mới, người dân buôn Cư San đợi trời chóng sáng để lên núi, đến với cây sung yêu quý của mình, báu vật Yang(3) trời ban cho.
Dòng suối từ trên các đỉnh núi cao chảy về đến lưng chừng núi bỗng nhiên phình to ra như con trăn vừa ăn no xong. Hai bên suối vách đá dựng đứng, kéo dài hơn trăm sải tay, tạo nên một chiếc hồ rất đẹp. Bên cạnh suối, một cây sung gốc hai người ôm, quanh năm xanh tốt vươn cao hơn tất cả các cây xung quanh. Có lẽ vì dòng nước mát chảy qua suối không bao giờ cạn nên lá cây sung lúc nào cũng mượt mà, rất ít khi người ta thấy có một lá vàng rơi xuống gốc. Lạ là cây sung to như thế, xanh tốt là vậy mà mỗi năm chỉ ra hoa một lần, và chín trong một ngày duy nhất. Quả già to hơn ngón chân cái một chút, chứa đầy mật ngọt bên trong, sóng sánh như mật ong. Khi quả chín, chỉ cắn nhẹ một chút thôi, mật trào qua kẽ răng, thấm vào lưỡi ngọt lịm.
Năm nào cũng vậy, đúng vào mùng 1, tháng 1 của năm mới Dương lịch, ông mặt trời hé mắt nhìn rồi khoe khuôn mặt tròn như chiếc chậu lớn màu vàng nhạt trên đỉnh núi có hòn đá trông như tượng người mẹ bồng con, chiếu những tia nắng vàng đầu tiên xuống mặt đất. Các quả cây sung nhận được ánh nắng chuyển từ màu xanh qua màu trắng, màu hồng rồi màu đỏ tươi. Lúc ấy, đủ các loài chim thú ăn quả kéo nhau đến mở tiệc. Quả cây nhiều, nhưng bọn chúng không nhường nhau mà còn tranh giành nhau nên nhiều quả cây rơi xuống suối. Dưới suối lũ cá chỉ chờ có vậy, xúm lại mở tiệc làm mặt nước dậy sóng.
Khi nhìn thấy rõ mặt trời, già làng buôn Cư San cho nổi một hồi trống dài, dân trong buôn kéo đến tập trung. Già làng hơn 90 tuổi, lưng còng một chút nhưng đôi mắt còn tinh anh, cái chân vẫn dẻo dai như cánh thanh niên; mặc bộ váy áo đẹp nhất đi trước. Phía sau già làng là ông thầy cúng mặc chiếc áo dài quá đầu gối màu trắng, vẽ những hình ảnh kỳ quặc màu đỏ. Sau nữa là trống rồi dàn chiêng của buôn. Người cao tuổi theo thứ tự đi sau dàn chiêng. Lũ đàn ông trung niên trước ngực địu con nhỏ, sau lưng có chiếc gùi đựng ché rượu ủ lâu năm; vợ đi ngay phía sau, lưng đeo gùi đựng xoong và gia vị. Bọn trẻ lao nhao thì khỏi nói, chúng và bầy chó hăng hái nhất, hò reo chạy theo.
Theo thông lệ hàng năm khi đến bên bờ suối, ông thầy cúng lau mặt hòn đá đã được truyền lại từ bao đời để làm bàn thờ, đặt ché rượu cần lâu năm nhất lên đó rồi hành lễ. Trống, chiêng ngân vang núi rừng tạ ơn Yang và chào đón năm mới. Người lớn xếp hàng đi qua gốc sung. Ai cũng phải chạm tay vào gốc cây cầu xin sức khỏe, vặt một quả đỏ như quả ớt chín bỏ vào miệng rồi quay lại bên bờ ngồi ngắm bầy cá dưới suối.
Đoạn suối bên gốc cây sung có loại cá đặc biệt, con lớn nhất dài khoảng hai gang tay, thân tròn như cá tràu, vảy màu trắng có viền vàng, vây, đuôi, miệng cá màu hồng, râu màu trắng. Sung rơi xuống suối, chúng tranh nhau ăn. Khi mặt trời lên gần đỉnh đầu, lũ cá say đứ đừ thò đầu lên khỏi mặt nước để thở và lười nhác không chịu bơi lội. Lúc đó phụ nữ mang gùi xuống xúc cá, cánh đàn ông trên bờ trổ tài nấu nướng, chuẩn bị lễ cúng Yang và vít cần rượu.
Lũ trẻ vui nhất, chúng được ăn sung chín thoải mái đến căng cả rốn rồi thi nhau trêu ghẹo lũ chim, thú ăn quả trên cây, gần trưa tập trung bên bờ suối hò hét cổ vũ cho người bắt cá dưới suối. Bọn con trai hăng hái hò hét nhất nhưng không được phép bước xuống nước vì theo luật bất thành văn, suối ngày hôm nay là của phụ nữ, đàn ông không được lội xuống.
*
Gia đình Y Thanh ở buôn Cư San, vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận, sinh được một cô con gái xinh đẹp đặt tên là H’Sinh, vì thế Y Thanh cha đẻ của H’Sinh có tên mới: ama Sinh; cô H’Rút, má của H’Sinh cũng được gọi theo tên con: amí Sinh. Năm H’Sinh lên 3, hai vợ chồng đưa con xuống phố mua vòng mừng tuổi con. Người dưới phố thấy ma Sinh đẹp trai nên thay nhau mời rượu. Rượu phố rót trong chai ra ly chứ không phải uống bằng cần như ở buôn nên ma Sinh thích lắm, vì thế tuần nào cũng mang sản vật hái trong rừng xuống đổi rượu uống và mua quà cho vợ con. Vợ ma Sinh có nhiều quần áo đẹp nhất buôn; H’Sinh cũng nhiều đồ chơi đẹp mà trẻ con cả buôn không ai có. Nhưng chỉ nửa năm sau, nước da màu chiêng mới đúc của ma Sinh chuyển qua màu vàng của củ nghệ; da mặt nhăn nheo giống bà lão 90 và cái bụng to như bà bầu sắp sinh. Thầy thuốc bảo: “Cái gan của ma Sinh bị rượu ăn hết rồi, không cứu được”. Đến ngày sung chín, ma Sinh nói với vợ: “Tôi muốn được ăn quả sung chín lần cuối cùng”. Thương chồng, trời còn chưa sáng mí Sinh đánh thức con gái dậy trông ama, còn mình đốt đuốc lên núi đợi sáng để hái sung.
Quy luật của tạo hóa đã định, chỉ khi nào mặt trời chiếu tia sáng đầu tiên xuống hạ giới, quả cây mới chuyển màu và chín. Khi quả chín đỏ thì người trong buôn cũng đã đến đông như trẩy hội. Mỗi người đến gốc cây chỉ hái một trái, riêng mí Sinh ôm gốc cây khấn: “Chồng tôi ốm nặng, con gái nhỏ phải ở nhà với ama nó nên xin cây hái ba quả mang về”. Hái được quả rồi, cô vội vã chạy như bay về với chồng.
Bước chân lên đầu sàn đã nghe tiếng con gái đang mếu máo khóc: “Ama ơi đừng ngủ, con ở một mình sợ lắm, tỉnh dậy đi ama, amí sắp về rồi đấy”. Mí Sinh lao đến ôm lấy chồng khóc nức nở, nhưng lay gọi thế nào ma Sinh cũng không tỉnh lại. H’Sinh mếu máo nói: “Có sung rồi ama dậy ăn rồi hãy ngủ”. Nghe con gái nói vậy, mí Sinh than: “Em vụng nên chân không bước nhanh bằng con nai con hoãng để mang sung về kịp cho anh ăn. Thôi thì vợ chồng mình cùng ăn một quả lần cuối cùng nhé!”. Nói xong, lấy một quả cắn làm đôi, nhét một nửa vào miệng chồng.
Kỳ lạ, một lúc sau ma Sinh cựa mình, mở mắt rồi ngồi dậy. Vợ chồng, cha con ôm chầm lấy nhau cùng khóc. Mí Sinh hỏi chồng:
- Em về đến nhà thì anh đã về Bến nước ông bà rồi(4), sao tỉnh lại thế?
- Anh cũng không biết nữa, tự nhiên nghe có mùi thơm xộc lên mũi, mặt như có nước nóng đổ vào, thế là anh mở mắt thấy hai má con đang khóc.
- Yang ơi, vậy là do quả sung rồi. Em nghĩ anh chết mà ước nguyện cuối cùng mong được ăn quả sung chín buôn mình không thành nên cắn một quả, lấy một nửa bỏ vào miệng cho anh; một nửa quả còn đây, anh ăn nhé.
Ma Sinh ăn nốt nửa quả còn lại, vươn vai đứng dậy làm vợ con trố mắt nhìn. Ma Sinh tươi cười cúi xuống bế con gái lên, cả nhà vỡ òa niềm vui. H’Sinh mừng quá ghé tai ama nói nhỏ:
- Quả phần con, con tặng ama ăn luôn cho khỏe.
- Anh ăn thêm quả nữa, còn quả này của con gái nè.
Ma Sinh giang tay ôm vợ, chảy nước mắt, nói:
- Tại tôi mê rượu mới làm khổ hai mẹ con, hại chính bản thân. Nếu vợ không nhanh chân hái quả sung về thì đâu còn được như thế này nữa. Ta lên núi, tạ ơn Yang và cây sung nhé.
Mí Sinh nhìn chồng ái ngại:
- Anh nằm tròn tháng không ngồi dậy được, 3 ngày vừa qua không ăn gì nay định lên núi cao như vậy đi sao được?
- Anh đi được mà.
Ma Sinh cõng con gái đi trước, vợ gùi ché rượu đi sau, leo lên đến bên suối trời đã ngả qua chiều, mọi người trông thấy ngạc nhiên vô cùng; mấy người yếu bóng vía vội quỳ xuống đất vái lạy. Ông thầy cúng nhảy tưng tưng, tay lắc chuông tít mù, miệng gào thét những câu vô nghĩa. Người chồng thấy vậy vội thả con gái xuống đất chạy lại bên già làng quỳ xuống, nói:
- Ma Sinh còn sống đây già làng ơi!
Khi nghe nói vậy mọi người mới reo mừng đứng dậy tạ ơn Yang. Chuyện của ma Sinh ăn quả sung chín mà khỏi bệnh làm già làng nghĩ rất nhiều, sau cùng mới hiểu ra một điều, liền nói với mọi người: “Người buôn mình từ bé đến già không ai bị đau ốm cả, chỉ khi có người qua một trăm mùa rẫy mới thanh thản về Bến nước ông bà. Tất cả điều ấy là do quả cây sung này đấy. Đây cũng là bí mật chung của buôn, chúng ta cùng thề có Yang chứng kiến, không ai được nói cho người lạ biết”. Mọi người vui vẻ tán đồng, cùng nhau nhãy múa, ca hát đến tận nửa đêm mới về.
*
Hình như Già làng buôn Cư San hôm nay cũng nóng cái bụng, trông mong trời chóng sáng nên khi những đám mây hồng mới nhô lên phía đông đã mang ghế ra đầu sàn ngồi đợi. Mặt trời lười biếng nhích từng tí một như không muốn chia tay với khối đá trên đỉnh núi Mẹ Bồng Con. Nhưng rồi cuối cùng khuôn mặt tròn màu đỏ cũng hiện nguyên hình như quả cầu lửa hình tròn, Già làng giơ tay, tiếng trống ngân vang vọng vào núi làm lũ vượn khoái chí hét ầm lên, hưởng ứng.
Người trong các ngôi nhà dài túa ra như tổ ong vò vẽ bị chọc, kéo đến nhà Già làng, trên môi ai cũng có nụ cười tươi rói, lũ trẻ và bầy chó lăng xăng chạy. Họ vui mừng vì được đi lên núi trong một ngày trọng đại. Đoàn người đi rồi, chỉ còn bầy heo, gà ở lại ngơ ngác nhìn theo.
Già trẻ, lớn bé mải miết bước, băng qua suối, leo qua đèo mà không ai thấy mệt; tiếng nói, cười râm ran như bầy chim cu gầm ghì tìm được cây đa chín nhiều quả. Họ vui không chỉ vì được thưởng thức quả ngon một lần duy nhất trong năm, được ăn một loài cá quý hiếm mà ngày thường không thể bắt được mà còn vui hơn khi biết giá trị dược liệu của quả sung chín. Mọi người đều tin vào điều ông thầy cúng nói: “Cây sung đỏ là quà của Yang thưởng cho người dân buôn Cư San vì biết bảo nhau sống hòa thuận, lấy những thứ của mẹ rừng vừa đủ dùng và giữ được rừng qua các năm tháng không bị chặt phá”. Ngẫm ra cũng đúng thật, cuộc sống mới làm thay đổi mọi nhà; chính quyền kéo điện lưới về buôn rồi cho thêm ống nhựa dẫn nước trên núi cao về, biến cánh đồng khô cằn trồng tỉa một vụ vào mùa mưa nay đã có thể làm tới ba vụ lúa. Gạo nhiều ăn không hết phải mang đi đổi ti vi, xe máy về dùng. Cái cuốc cũng được nghỉ, không phải làm đến mòn lưỡi như trước đây vì có máy cày cày đất thay rồi. Trâu, bò sáng ra đuổi vào rừng nhờ núi trông hộ, tối đến tự biết đường về. Cuộc sống cứ như một giấc mơ nên ai cũng mong đến ngày sung chín...
Già làng dẫn đầu đoàn người lên đến hòn đá làm nơi thờ cúng hàng năm, bỗng kêu lên một tiếng kinh hãi, ngã gục xuống như cây chuối bị đốn gốc, may ông thầy cúng phía sau kịp đỡ chứ không thì... Tay đỡ, miệng thầy cúng kêu to:
- Mí Đoan, sao vậy?
Nghe tiếng thầy cúng hét lên, cả đoàn người đang vui vẻ trò chuyện đột ngột im lặng, hai người khiêng trống cũng hoảng hốt thét lên: “Yang ơi!”, rồi ngã khụy xuống đất. Chiếc trống làm bằng da hai con trâu lớn rơi xuống đá kêu lên một tiếng hãi hùng: t...ùng!
Sau phút bàng hoàng, đám thanh niên lao lên bờ suối, đứng chết lặng. Trước mắt họ, cây sung lớn Yang ban cho buôn bao nhiêu năm, truyền qua bao nhiêu đời không cánh đã bay mất. Chỗ trước đây cây mọc thì giờ chỉ còn là một lỗ sâu hoắm, cành nhỏ và lá sung bị chặt, vứt đầy lòng suối.
Ông thầy cúng bế già làng đặt lên hòn đá, quỳ xuống gào lên 3 tiếng xé lòng. Đoàn người quỳ xuống, nức nở. Một lát, ông thầy cúng từ từ đứng dậy, nói:
- Già làng đã về Bến nước ông bà rồi. Kẻ đào trộm cây sung chính là kẻ giết già làng, ta phải báo cho cơ quan luật pháp tìm chúng để trừng trị. Y Sa đâu?
- Cháu đây ạ!
- Mày là Bí thư Đoàn, nhanh chân chạy ra báo cho cán bộ kiểm lâm biết, tìm lại cây cho buôn.
Y Sa chưa kịp trả lời đã có người nói:
- Cây gỗ ca te gốc 3 người ôm không hết chỉ cách trạm kiểm lâm có 5 người canh chưa đến trăm bước chân mà tối hôm kia mất luôn cả gốc, kiểm lâm không biết thì cây sung trên núi cao thế này làm sao biết được.
Y Sa nghe vậy liền nói:
- Chỉ có người buôn ta mới biết cây sung quý này mà nay lại bị mất trộm. Ai là người phản bội buôn?
Ông thầy cúng nhìn quanh rồi bất ngờ nói lớn:
- Ma Sinh đâu?
- Anh ấy bảo sáng nay lên thành phố mua ô tô rồi.
Nghe mí Sinh trả lời, ông thầy cúng đưa hai tay lên cao, ngửa mặt nhìn trời kêu lên một tiếng lớn:
- Yang ơi!
H.C
1. Mí Đoan: Má của người có tên Đoan.
2. Amí, ama: Má, ba.
3. Yang: Thần linh.
4. Bến nước ông bà: Nơi ở của người đã chết.