- Truyện
- Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Tác giả Kim Uyên
Lão không muốn ngày ngày mỏi mòn chờ con cháu trở về, nghe một câu chào và nhìn chúng khuất dạng sau cánh cửa phòng. Ngôi nhà luôn vắng vẻ, có bữa lão cứ ngồi ì bên bàn ăn nhìn bóng mình in trên sàn gỗ. Lão thấy cuộc sống chông chênh, nhưng rời khỏi ngôi nhà thân yêu đâu phải dễ. Mỗi góc nhà hay ô cửa còn vương đầy kỉ niệm, những vật dụng vẫn mang hơi ấm, cả không gian luôn gợi miền kí ức, vậy mà lại nghĩ đến việc rời xa! Nghe như nghịch lí. Nhiều đêm lão cứ miên mam trăn trở.
– Cả đời cha vất vả để xây dựng ngôi nhà.
– Đúng thế! Nhưng bây giờ không còn quan trọng, cha dành nó cho con.
– Con muốn cha ở lại.
– Đến bây giờ ta cũng muốn rời đi.
– Còn bọn trẻ, chúng là cháu nội của cha.
– Chúng luôn bận học hành và nghĩ đến tương lai.
– Người giúp việc thưa cha.
– Ở viện dưỡng lão cũng có những người như bà ấy.
– Con có thể làm gì giúp cha bởi vì con muốn cha ở lại?
– Không, khi bằng tuổi con ta cũng luôn bận rộn. Ông bà nội của con phải tự chăm sóc nhau. Ta không để họ phải thiếu thứ gì, nhưng ta đã không có nhiều thời gian cho họ. Vô số chuyện của họ ta cũng không để ý, còn những vấn đề của ta họ không bao giờ hiểu nổi.
Mỗi sáng, khi con cháu đi khỏi căn nhà im lặng lạ thường. Lão nghe thấy tiếng thở của chính mình. Thời gian lướt qua, cuộc đời ngắn như bản nhạc buồn, vậy mà đến tuổi này một ngày trở nên dài quá. Lão thuộc nhiều nhạc Trịnh, nhưng giờ chỉ hay nghe bài “Cát bụi”.
Vài ngày trước lão đã đến thăm trại dưỡng lão. Mỗi người chỉ có một phòng nhỏ, một tủ, một bàn, một giường và một ghế … Không có chỗ để níu giữ những thứ mà lão đã tích lũy suốt cuộc đời. Từ khi nhiều sinh hoạt không còn chủ động thì đây là sự lựa chọn duy nhất. Những người như lão đã đến lúc cần chọn chỗ phù hợp mà không phiền lụy hay vướng bận đến người thân. Tuy nhiên, ngoài những ưu tư về tình cảm, lão còn boăn khoăn về tài sản. Của cải muốn lưu lại dần trở nên quá xa vời. Giờ đây, mọi thứ lão chỉ dùng một tí, ngắm một lát rồi lướt qua. Người ta bảo, sống đã không đem theo, chết cũng không mang đi. Nhiều người giàu có đã sáng suốt hiến tặng tài sản cho xã hội. Lão không có nhiều, chỉ ngôi nhà để lại cho con. Nó có thể ở hoặc bán đi.
Trong căn nhà của lão các vật dụng cần thiết hầu như chẳng thiếu thứ gì, bàn ghế, giường tủ toàn đồ tốt, đẹp. Quần áo bốn mùa chất đống. Lão có sở thích đọc sách và uống chè nên căn phòng rộng trên tầng hai xếp đầy sách. Trong ngăn tủ phòng khách có tới gần chục bộ ấm pha trà bằng xứ tốt. Bộ bàn ghế làm từ gỗ cẩm lai kê ngoài ban công phủ một lớp bụi dày vì từ lâu không có người ngồi. Những bình rượu sâm, nhung, thuốc bắc vẫn đóng chặt nắp im lìm, vô số chai rượu tây chưa bật xếp trong kệ tủ. Mọi thứ trước đây là quí giá giờ trở nên thừa thãi.
Dưới bếp, phòng ngủ hay quanh nhà, nhiều vật dụng thân quen dần trở nên xa lạ. Những đồ quí như vàng bạc, ngọc trai bị lãng quên nơi góc tủ. Phòng khách rộng treo bức tranh đồng quê rực rỡ mùa vàng thỉnh thoảng người giúp việc phải lau cho đỡ bụi. Lão không nhớ chính xác tự bao giờ không có người bạn nào hay khách ghé qua, chỉ mình lão lặng im bên ấm trà cả buổi.
Nhiều đồ đạc lão muốn đem tặng ai đó, nhưng lại không nỡ. Phải xử lí chúng quả là vấn đề rất khó khăn, con cháu cũng chẳng quan tâm là mấy. Lão tưởng tượng ra lúc chúng ngồi đối mặt với những thứ lão để lại. Quần áo chăn đệm sẽ vứt hết. Sách có thể lưu lại vài quyển còn trở thành phế phẩm bán cho đồng nát. Các vật dụng dù tốt, dù quí nhưng không còn hứng thú được cất vào kho và chờ ngày rũ bỏ. Cả những tủ lớn tủ bé, bàn ghế bằng gỗ quí cũng dần bị bán đi vì không còn phù hợp.
Nghĩ đến đây, lão nén tiếng thở dài gọi người giúp việc lôi trong ngăn kéo tủ nơi phòng ngủ những anbum đầy ắp. Mỗi bức ảnh là một phần kỉ niệm, dấu thời gian năm tháng đã phai mờ. Những thứ đó thuộc về lão và chỉ có ý nghĩa với lão mà thôi. Giờ đây chúng là quá khứ, lão muốn bỏ chúng đi.
– Cha mang theo những thứ này?
– Không, ta bỏ chúng đi.
– Sao phải vội? Con nghĩ cha có thể trở về.
– Không cần nữa, rất nhiều thứ đã từ lâu ta không nhìn đến.
Đồ ăn ở viện dưỡng lão không ngon, nhưng cũng không đến nỗi tệ, lão thấy phù hợp với mình. Mấy cô nhân viên nhẹ nhàng chu đáo, không gian thoáng với những lối đi đầy cỏ dưới tán cây. Hơn tất cả, lão còn được nhận những ánh nhìn đồng cảm và những người bạn già hợp chuyện.
Để có căn nhà, lão đã phải phấn hết cả đời người với nhiều công sức và trí tuệ. Nhưng đã đến lúc lão không cần đến nữa. Nhiều người từ biệt ngôi nhà thân yêu lúc nhắm mắt, còn lão tự rời xa khi vẫn đang tồn tại.
– Mẹ nói rằng, khi trẻ nhiều đêm cha không ngủ. Cha suy nghĩ và lo lắng.
– Đúng vậy.
– Bây giờ con sẽ lo cho cha.
– Cảm ơn con! Không nhất thiết phải vậy.
– Cha cô đơn phải không?
– Cũng có thể. Ở trong viện dưỡng lão ta sẽ được an ủi phần nào bởi có nhiều người giống như ta.
– Khi còn bé, nhiều sáng đến trường, qua phòng khách con thấy cha đang ngồi hút thuốc. Những buổi tối, bạn của cha đến chơi, họ đều là người con ngưỡng mộ. Con muốn ở gần cha, như ngày xưa cha cõng con đi trên đường quê lầy lội.
– Ông bà nội của con cũng luôn nhớ mong con cháu! Khi bằng tuổi con bây giờ ta rất bận. Ngày nào cũng cả một núi công việc đợi ta. Mẹ con thường bảo: Nếu không có anh sẽ có nhiều người khác, đừng tự quan trọng mình đến vậy. Cần dành thời gian với những người thân yêu nhất! Ta nhệch miệng coi thường bà ấy, người chỉ nghĩ được những tầm thường nhỏ mọn. Nhưng nhiều năm trở lại đây ngẫm lại, ta ngộ ra bà ấy là người sâu sắc. Ta mới là kẻ luôn chạy theo phù du, hư ảo.
Ở tuổi lão, ai cũng hiểu quy luật đời người, nhưng đến lúc chấp nhận nó cũng thật khó khăn. Tuy vậy, vẫn phải có kết luận cho mình. Lão ngồi ngắm bức ảnh vợ trên bàn đã phủ một lớp bụi dày. Lão đã học cách không nuối tiếc từ khi người vợ qua đời.
Thời trai trẻ, lão đã si mê cô sinh viên văn khoa có nụ cười tỏa nắng. Gần ba năm sau lão cưới nàng trong vô bờ hạnh phúc. Khi con trai chừng mười tuổi lão chạy theo một số ả chân dài. Lão luôn lấy lí do bận việc để vắng nhà. Vợ lão vài lần càu nhàu nhưng rồi lặng thầm chấp nhận. Cũng từ đấy vợ coi lão như một khách qua đường để tự lo cho mình những giá trị riêng. Qua thời cuồng nhiệt say mê, lão lại quay về chốn cũ. Vợ lão vẫn lặng thầm và kiêu hãnh, vẫn bao dung và rất đỗi dịu dàng nhưng tình yêu đã chết. Có lần lão gục đầu vào ngực vợ thì thầm lời xin lỗi. Bà ấy hỏi lão có những lỗi gì? Lão bảo về tất cả. Trong bóng đêm vợ lão lại nhếc miệng cười, cái cười coi thường mọi sự.
– Cha biết rằng đến đó sẽ ít gặp con, nhưng là cần thiết.
– Cha vẫn có thể quay về.
– Bọn trẻ hôm nay đã đi từ sáng sớm phải không?
– Vâng! Hôm nay con cũng có cuộc họp thưa cha.
– Con có thể đưa bọn trẻ đến thăm ta chứ?
– Cha yên tâm, chắc chắn là như vậy.
Lão nhìn theo bóng con trai khuất dần ở bậc cầu thang. Những tia bình minh ấm áp đang hắt những chùm hoa nắng quanh nhà. Lão đứng rất lâu ở ban công lắng nghe nhịp tim rất khẽ trong lồng ngực. Một làn gió chợt thoảng qua khiến lá khô rơi xào xạc. Một con nhện quăng mình đung đưa trong không trung bằng sợ tơ rất mỏng. Cuối cùng lão chậm chạp bước về phòng lấy cho mình vài bộ quần áo phù hợp, nhặt trong tủ một ấm, một chén để uống trà và chọn thêm vài cuốn sách… Cái cần thiết là chứng minh thư, giấy chứng nhận người già, thẻ y tế và thẻ ngân hàng. Vậy là đủ! Toàn bộ tài sản của lão giờ chỉ gọn trong chiếc va li nhỏ. Lão đi ra và khẽ cười với mình trong chiếc gương lớn. Ai đó nói rằng đời người chỉ có thể ngủ trên một giường trong một gian phòng, dù có nhiều hơn cũng chỉ để ngắm chơi. Nhân sinh quả không cần quá nhiều nên sự tham lam là vô nghĩa. Lão đi rồi, từ biệt ngôi nhà, hàng xóm, mọi thứ trả lại cho thế giới này.
Lão để lá thư viết đã lâu ở phòng khách rồi cũng không bận tâm nữa. Vài điều lão muốn dặn con cháu, nói thẳng không tiện lắm. Có thể tối nay, ngày mai hay tuần sau chúng sẽ cầm đến nó.
Lúc xuống đến tầng một, tay lão run run bấm điện thoại gọi tắc xi đưa mình đi. Bà giúp việc chạy theo đỡ giúp lão túi hành lí xách trên tay. Mặt trời đã treo trên lưng chừng thân cau phía ngoài cổng. Một làn gió nhẹ thổi qua khiến những chiếc lá vàng xào xạc rơi xuống, lão buâng khuâng đưa mắt kiếm tìm một bóng dáng người quen, nhưng ngoài đường vắng quá. Vài phút sau, người lái tac xi đã trờ xe tới, lão lẳng lặng bước lên. Khi ngồi yên trong xe, lão còn cố ngoái lại nhìn ngôi nhà và lén lau đi hai giọt nước ứa ra nơi khóe mắt.
K.U