TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • ‘Chiều không để làm thơ’ – Góc nhìn đặc sắc về đất nước ngàn năm và tình yêu tràn ngập sắc hương

‘Chiều không để làm thơ’ – Góc nhìn đặc sắc về đất nước ngàn năm và tình yêu tràn ngập sắc hương

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
888 lượt xem

Nguyên Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nếu nói rằng trời sinh Lê Nhật Ánh ra là chỉ để làm nhiếp ảnh và làm báo thôi thì chưa đủ. Anh viết báo và chộp ảnh đâu ra đó thật. Đó là những bài báo đi kèm với những bức ảnh sống động, nắm bắt những “khoảnh khắc vàng” xảy ra trên quê hương đang bị xói mòn bởi những bàn tay đen đúa, với khát vọng gìn giữ màu xanh cho đất nước mến yêu. “Chuyện của núi” là một tập thơ ảnh đậm chất nhân văn, là bản cáo trạng dành cho các thế lực, nhóm lợi ích cường quyền đang từng ngày bòn rút và tàn phá tài nguyên đất mẹ.

Ngoài nhiếp ảnh, Lê Nhật Ánh còn là một nhà thơ, một nhà thơ thực thụ với sự ra đời tác phẩm thứ ba Chiều không để làm thơ mà tôi (Nguyên Bình) được hân hạnh được anh gởi tặng rất sớm.


Bìa tập thơ “Chiều không để làm thơ” của Lê Nhật Ánh.

Danh họa Leone de Vinci nói: “Hội họa là thi ca được ngắm thay vì được cảm nhận, và thi ca là hội họa được cảm nhận thay vì được ngắm.” (Painting is poetry that is seen rather than felt, and poetry is painting that is felt rather than seen.). Nếu thay vì hội họa là nhiếp ảnh, Lê Nhật Ánh có trong tay cả hai lĩnh vực nghệ thuật này. Khi anh giương máy, nheo mắt, điều chỉnh khẩu độ, chọn góc sáng và lấy điểm vàng rồi bấm máy cũng là lúc hồn thơ anh bắt gặp cảm xúc. Tương tự như thế, chắc hẳn khi Lê Nhật Ánh làm thơ là lúc những hình ảnh mà anh hằng ngày đưa vào tầm ngắm tạo cho anh niềm vui sáng tạo dạt dào.

Nhưng, nói gì thì nói, giá trị của một nghệ sĩ là ở tác phẩm mà họ dày công sáng tạo. Và công chúng là người phán xét công bằng nhất. Tôi là một công chúng lạc quan, tôi đọc và cảm nhận Chiều không để làm thơ dưới góc độ một người yêu thơ với cái đẹp muôn đời của loại hình nghệ thuật này.

Hình thức của tập thơ Chiều không để làm thơ không thể chê vào đâu được. Bìa trước sang trọng và ấn tượng không thua kém bất kỳ một cuốn sách của một nhà xuất bản nước ngoài danh tiếng nào ấn hành. Với hơn 250 trang, thiết kế công phu tỉ mỉ, nhiều phụ bản in màu, tính minh họa cao, gắn bó chặc chẻ với nội dung, cho thấy tác giả đầu tư nhiều công sức và tâm ý vào tác phẩm.

Khi bạn cầm trong tay Chiều không để làm thơ, bạn sẽ cảm nhận được sức viết của Lê Nhật Ánh sung mãn như thế nào. Anh viết đủ các thể loại, thơ 5 chữ, lục bát, 7, 8 chữ và cả thơ xuôi, văn xuôi nữa. Thể thơ 6 chữ dạt dào vần điệu chừng như là thế mạnh của anh, chiếm tỉ trọng cao trong tác  phẩm. Lê Nhật Ánh vận dụng vốn sống ngồn ngộn của mình trong quá trình tác nghiệp ảnh để làm thơ, vì thế, thơ anh luôn tươi mới, không trùng lặp, mỗi bài thơ có một đề tài, mang một sắc thái riêng biệt. Ngôn ngữ thơ bình dân, không hoa mỹ, tạo ra một giọng thơ tự nhiên, thân thiện, gắn liền với đời sống  dân tộc, đặc biệt các dân tộc miền núi bắc Tây Nguyên. Và một góc quê nhà của Tổ tiên ông bà miền Tiên Phước – Quảng Nam, nơi đã chiếm lĩnh gần trọn vẹn tâm hồn anh với một tình yêu sâu nặng.

1. Một góc nhìn đặc sắc về đất nước ngàn năm

Mảng viết cho quê hương là một thế mạnh của Lê Nhật Ánh. Ta luôn bắt gặp trong Chiều không để làm thơ những phát hiện tinh tế khi nhà thơ thực hiện những chuyến trải nghiệm dọc theo chiều dài đất nước. Đi tới đâu, gặp cảnh hoang tàn lở lói trên quê hương, Lê Nhật Ánh quan sát, chụp ảnh và suy tư, lòng anh như quặn thắt lại, rồi từ trong tâm khảm bật ra tiếng kêu thảng thốt của một công dân có trách nhiệm nhìn nước non mình nham nhở vết cày xới tàn phá của những bàn tay vô cảm, lạnh lùng:

Chiều không để làm thơ.

Tôi chúm tay gọi:

Rừng ơi! Núi ơi! Quê hương ơi!…

Nghe sao mà buồn quá!

Những ruộng keo lai ăn mất cánh đồng.

Núi đồi trơ trọi, quanh co những cung đường xói lở.

Anh gần gũi với thiên nhiên tươi đẹp và thấu cảm với những mất mát khổ đau của đồng bào, với cả muôn thú giữa rừng xanh đang dần mất đất sống, ngơ ngác lạc loài giữa mùa li hương:

Mai anh về phía núi

Hiu hắt những ngàn xưa

Hươu nai không tác nữa

Đi giữa mùa li hương


Nhà thơ, nhiếp ảnh gia Lê Nhật Ánh.

Những địa danh truyền thống của đất nước qua đôi mắt quan sát sắc sảo của một nhiếp ảnh gia giúp anh phát hiện nhiều góc độ sáng tối của sự thật, sự mất còn của danh thắng đang dần bị đánh cắp và biến đổi. Trong một chuyến hành hương về với đất Thăng Long ngàn năm văn vật, Lê Nhật Ánh có một góc cảm thụ hoàn toàn mới mẻ, vượt qua cái rung động xưa cũ mang tính cảm hoài của nhiều ngòi bút đã từng viết về Hà Nội:

Đêm phương Bắc nằm nghe đời vội

Biết tìm đâu thương nhớ ngàn năm

Câu hát xẩm bên đền Quán Thánh

Nước non xưa đi mãi không về.

Trong một lần tìm về thăm nhà người thân ở Phan Rang, nhà thơ không bàng quan “đứng nhìn mà làm thơ” về vùng quê chan hòa nắng gió ấy. Anh dấn thân, vào cuộc, gieo sức sống vào thi ảnh sinh động với các cụm từ “leo xe”, “mùa mênh mang nắng”, “Hồn Chăm hút gió lên non”, khiến hình ảnh miền đất mênh mông cỏ cây lơ thơ gió cát như được phả vào hơi thở nóng hổi, hồn đất trỗi dậy lăn theo từng vòng xe “thổ mộ qua làng”:

Ngày ấy tìm về Lương Cách

Leo xe thổ mộ qua làng

Phan Rang mùa mênh mang nắng

Hồn Chăm hút gió lên non.

Có một nhà phê bình nói, không có thực tiễn thì không thể có những bài thơ hay. Ta lắng nghe Lê Nhật Ánh ghi lại cảm xúc cái giây phút anh “chạm” với mây trời thân quen Bà Rịa, nơi anh đang sống. Tôi cứ ngỡ đây là một bức ảnh độc đáo mà người nghệ sĩ chụp – được – chất – thơ của không gian thân thuộc chứ không phải là lời thơ tình tự. Phải chăng đó là sự hòa trộn diệu kì của thi tâm và thi ảnh trong tâm cảm nhà thơ. Hai động từ “đợi én” và “mây lên” sau hai địa danh thể hiện một cú pháp mới mẻ, gây cảm giác xao lòng, đó cũng là khoảnh khắc đắt giá của một ngưòi ngày đêm vác máy đi săn ảnh trên khắp mọi nẻo đường:

Em bảo còn thương người cũ

Mai về Bà Rịa tìm quên

Ngã ba Long Toàn đợi én

Bên chiều Chợ Bến mây lên

Dĩ nhiên, hơn đâu hết, vùng đất Tây Nguyên nơi anh sinh ra và lớn lên chiếm lĩnh trọn vẹn tâm hồn anh với tình yêu bao la sâu đậm. Những địa danh của “Hoàng triều cương thổ” chi chít trong thơ anh, từ chim muông, động vật bản địa đặc hữu, rừng cây, hồ nước, bản Thượng với những già làng, cô thôn nữ, em bé ẩn hiện trong tình cảm thân thương gần gủi, tạo ra một bức tranh lớn sinh động đầy đủ sắc màu. Theo tôi, đây là ưu điểm nổi bật trong thơ Lê Nhật Ánh.

Mai về Tiên Phước hỉ

Đứng ngóng sông đầu nguồn

Tài Thành mưa ướt núi…

Quê cũ chùng trong sương.

Mỗi địa danh của vùng đất nơi anh sinh ra và lớn lên không chỉ là cái tên, mà là máu thịt và hơi thở nóng hổi đầy cá tính vùng miền được anh phả vào hình tượng thơ, vì chính anh hiểu rõ và yêu thương nơi đây như yêu bàn tay mình:

Nóc nhà có hình gà trống

Cặp sừng trâu giữa bậc thềm

Hổ báo vờn quanh vách gỗ

Bếp chiều thở khói tranh tre.

Ngoài ra, kiến văn vùng miền của tác giả rất rộng, đủ để trải thành tấm thảm xanh đón đưa chân khách thơ nối gót cùng anh. Theo chân thơ Lê Nhật Ánh, ta có cả một hành trình tìm về với nhiều địa phương khắp trong cả nước. Những bài viết về các địa danh giống như một thiên ký sự dài hơi, tôi không thể nào ghi lại hết những tên sông tên núi tên làng, nhưng dấy lên trong tôi nỗi khao khát thực hiện một chuyến đi trải nghiệm cùng nhà thơ. Phải chăng sự thu hút này là một phần ghi dấu ấn thành công trong thi tập Chiều không để làm thơ.

2. Một tình yêu tràn đầy sắc hương

Tôi chọn 4 câu lục bát và mời các bạn cùng tôi lắng nghe Lê Nhật Ánh trải lòng với “mùa yêu”, đó là mùa thương mùa nhớ, cái mùa đẹp nhất của đời người với bao nỗi bâng khuâng mà anh chắc lọc trong suốt cả cuộc đời mình, ấp ủ nó cho từng ngày cây tâm hồn hé nụ hoa thơ:

Trong tim còn mỗi mùa yêu

Trong ta còn mỗi bóng chiều thiết tha

Mùa yêu em giấu hôm qua

Ngày thương nhớ cứ sa đà trăm năm.

Trái tim nhà thơ vẫn không ngừng thổn thức với rất nhiều bài thơ tiếp nối nhau trải dài trong không gian thơ Chiều không để làm thơ. Tình yêu, một cái gì đó khó định hình định lượng, nhưng tình yêu lãng đãng chế ngự tâm hồn ta, xao xuyến vấn vương như mùa thu lá vàng, mùa đông khói bếp, như ban mai xanh, như “bóng chiều thiết tha” mây trắng. Dẫu em có giấu cất vào đâu thì trái tim ta vẫn “sa đà trăm năm” khát khao hò hẹn.

Thơ tình Lê Nhật Ánh không là lời tình tự giao duyên của đôi lứa, anh viết cho cảm xúc dâng trào khi nghĩ về tình yêu. Trong Chiều không để làm thơ vắng bóng những bài thơ sầu muộn sướt mướt của những cuộc tình xa thường tình. Với bản lĩnh của một con người năng động xông xáo, ta cảm giác Lê Nhật Ánh nuốt lệ vào trong, chịu nhận những vết cứa đau đớn của cuộc đời ngay cả khi mối tình đầu của nhà thơ vỗ cánh bay đi. Tôi rưng rức xúc cảm với những phút giây hồi tưởng chơi vơi về những tháng ngày mộng mị đã xa vời, đã mất dấu trong cuộc đời, khi mối tình thuở nảo thuở nao bỗng chia lìa đôi ngã được anh thể hiện trong 6 cái tự truyện in kèm theo ở cuối tập sách. Chia ly rồi hạnh ngộ cũng đủ để người ta cùng khóc cười với anh… Cuộc đời lắm ngả rẽ, chia phôi giữa biển đời xao động, chỉ đủ cho anh viết những câu thơ với sự nuối tiếc câm lặng, thương tiếc phố cũ ngày xưa chỉ còn lại dấu chân kỉ niệm đã phôi pha dập vùi mưa nắng, đời buồn tênh chỉ còn lặng nghe “nỗi buồn kết nụ”:

Em ngang chiều phố cũ

Nghe mưa nắng đời mình

Có nỗi buồn kết nụ

Bên phố người lặng thinh.

Có đôi khi, nhà thơ độc thoại với chính nội tâm mình, anh thủ thỉ với người tình xa vắng, lặng lẽ ôm giấc mơ luôn hiện hữu trong trái tim yêu đương. Vì thế, “một ngày như mọi ngày” của nhà thơ luôn “có dáng em nho nhỏ” ẩn hiện trong tâm hồn:

Ngày của anh

Có dáng em nho nhỏ

Có mắt cười đâu đó xa xăm

Rồi có những phút giây lao xao kỉ niệm dấu yêu hiện về, nỗi nhớ mong chắp cánh bay cao, dịu êm và lãng mạn, nguyên vẹn tinh khôi cái ngày hai đứa bên nhau. Hai câu thơ cuối của khổ thơ vô cùng đắt giá, tác giả khắc họa mối tình trẻ trung của đôi tình nhân trong thời khắc cận kề chỉ là “Mình ngồi lơ mơ quán gió” không tình tự, không vòng tay ôm ấp, không môi hôn nồng nàn dấu yêu mà họ cùng “ngắm mùa hoa đỏ quên yêu”. Thật là một hình tượng tình yêu thánh thiện, như Sait Exupery từng nói: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng.” 

Bỗng dưng anh nhớ thật nhiều

Con đường qua nhà em trọ

Mình ngồi lơ ngơ quán gió

Ngắm mùa hoa đỏ quên yêu.

Khi yêu đương, ai mà không hờn dỗi, ai mà không mũi lòng, rồi trách móc, rồi xót xa. Họ giận hờn về một duyên cớ vu vơ nào ai mà biết được. Bốn câu thơ sau đây thật tinh tế, nói mà không nói, mơ mơ hồ hồ, không có lời than thở mà nghe có cảm giác nghèn nghẹn từ đâu đó trong ngôn ngữ thơ cất lên:

Hình như gió đổi rồi em

Chừng nghe thương nhớ êm đềm sang sông

Có điều gì đó đợi trông

Có niềm kiêu hãnh vẫn không quay về.

Nhà thơ cũng luôn tự khẳng định tình yêu đầu của mình dành cho “nhỏ”, đó là từ anh thích dùng cho người con gái thuở anh mới tập tành yêu đương trong giảng đường sư phạm. Thi sĩ không năn nỉ người mình yêu, mà ngữa bàn tay về phía trời xanh, anh xin giọt sương ban mai mãi long lanh, xin chiều thu cứ lững lơ mây trắng, để chiếc lá vàng cuối cùng của ngày hẹn hò còn mãi lưu dấu trên cây. Tình yêu của “kẻ ăn mày” tình yêu như gã hành khất Lê Nhật Ánh vô cùng lãng mạn, tôi rất muốn chạy theo mà có lẽ theo không kịp:

Khi yêu anh bỗng hoá ăn mày

Xin sớm đọng sương, xin chiều thu nắng

Xin chiếc lá vàng lưu dấu trên cây.

Thiết tha là thế, nhưng nhà thơ nhận thức tình yêu như chiếc lá mùa thu mong manh, như trái tim ngọc ngà dễ vỡ, thi sĩ khẩn cầu tất cả hãy lặng yên cho tình chàng vẹn nguyên, xin đừng chạm vào nó,  “dẫu chỉ là cơn gió” cho ta phơi cuộc tình*:

Đừng chạm vào chiếc lá thu

Dẫu chỉ là cơn gió

Đừng chạm vào xưa thương nhớ

Mộng vẫn trên cành chiêm bao

Thế rồi, bỗng một hôm, trải qua bao chia lìa nghiệt ngã, khi “tơ tóc ngã màu khói mây” thì trời đất dung rủi cho đôi tình nhân thuở xưa hạnh ngộ, một cuộc hạnh ngộ ứa nước mắt hạnh phúc của hai trái tim đã chịu nhiều đau khổ, nếu Lê Nhật Ánh nhờ ai đó bấm máy, chắc chúng ta sẽ có một bức ảnh tuyệt vời:

Mấy lần qua bến nông sâu

Thương người tơ tóc ngã màu khói mây

Ơn trời còn buổi sương bay

Chiều nay em khóc giữa vòng tay yêu

Và bây giờ, chàng thi sĩ lãng tử một thời dọc ngang bỗng ngoan hơn bao giờ hết, khi ở trong vòng tay yêu thương, chàng đã thỏ thẻ hứa với nàng, chao ơi, ngoan như vậy là cùng:

Mình hứa với người sẽ ngoan

Hứa là sẽ chẳng đi hoang mỗi chiều

Mình hứa với đời sẽ yêu

Hứa ngày quên nhớ buồn vui cùng người

Giờ đây, tôi hình dung họ đang chung bóng trên đường đời và mỗi khi nàng giận hờn, nhà thơ tự tin ru tình để viết những câu thơ dổ dành ngọt lịm:

Giận hờn em trách vậy thôi

Yêu mà để hết là đời rong rêu

Con tim zích zắc bao điều

Rằng thương nhớ đã quá chiều mây bay.

Tôi nghĩ mình không thể miên man rơi vào cái không gian yêu dấu này mãi được dù đang đắm chìm trong những cảm xúc yêu đương rất đời mà cũng vô cùng đẹp đẽ ấy. Thế nên xin nhường lại thời gian cho các bạn khám phá tâm hồn thơ Lê Nhật Ánh trong thi tập Chiều không để làm thơ nhé!

Nhà thơ Lê Nhật Ánh đang ở tuổi xấp xỉ 60, cái tuổi sung mãn của sức lực và trí tuệ, tôi tin anh còn tiếp tục sáng tác nhiều năm nữa, để cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị cống hiến cho nghệ thuật với súc sáng tạo của một cá tính thơ đặc biệt.

Bà Rịa, ngày 9/3/2022

N.B

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm
Con người Chí Phèo
Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.
Xem thêm
Nguyễn Ngọc Hạnh - Hồn thơ reo mãi phía làng
Bài viết của Hoàng Thụy Anh và phóng sự ảnh của Nguyên Hùng
Xem thêm
‘Bút chiến’ thời Tự Lực Văn Đoàn
Trước khi được giải Lý luận phê bình của Hội Nhà văn năm nay thì “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” đã được chú ý trong cộng đồng đọc. “Câu chuyện cũ nhưng cách tiếp cận mới, khảo tả công phu, chưa kể những dẫn chứng “đấu đá” hậu trường văn chương, đọc rất vui”, độc giả bình luận.
Xem thêm
Khối đa diện “Mộng đế vương”
Nhà văn Nguyễn Trường chọn xứ đạo ở Cồn Phụng của ông Nguyễn Thành Nam, đạo vừa vừa, gọi là Đạo Dừa
Xem thêm
Hồn quê trong một sắc thơ miệt vườn
Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) - đúng ra năm sinh: 1927 - tên thật Trương Khương Trinh (bút danh khác: Hà Huy Hà, Ngân Hà, Trinh Ngọc, Cửu Long Giang…, gốc người làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang).
Xem thêm