TIN TỨC
  • Truyện
  • Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu

Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-10-20 11:37:23
mail facebook google pos stwis
697 lượt xem

Truyện thiếu nhi của LÊ THANH HUỆ

Thuở xưa, vào thời tiên thường giáng trần giúp những người nghèo khổ, trẻ em trò chuyện với cây cỏ và chim muông; có một cô bé sống với bà của mình trong túp lều nhỏ ở rìa làng, cách cánh rừng không xa lắm. Gần đó có một tên quan giàu có. Điền trang cò bay mỏi cánh không hết của quan lấn ra tới tận mảnh vườn của hai bà cháu. Đã nhiều lần, quan đòi bà cụ bán rẻ mảnh vườn của mình để cánh đồng của hắn được vuông vắn và sau đó quan sẽ lấn tới vườn nhà của những người khác ở làng trong.

Mặc dù quan đã nhiều lần dọa dẫm, bà cụ vẫn không bán. Đó là gia tài bà cụ muốn để lại cho cháu của mình. Cô bé chẳng biết việc này. Ngày ngày cô giúp bà những việc nhỏ và đùa vui cùng với gia súc, chim muông. Cô xinh tươi, hiền dịu như cánh hoa rừng, lại rất chăm chỉ. Thân hình nhỏ nhắn của cô bé chứa một tình yêu thương rất lớn. Chú chó lạc chủ, cậu gà con lạc mẹ hay chú chim non gãy cánh có may mắn được gặp cô bé, đều được cô mang về nhà, dành cho suất cơm ít ỏi của mình và sự chăm sóc âu yếm, ân cần đến mức nó không nỡ rời bỏ cô tìm về chốn cũ. Gặp người bị bệnh, cô thấy buồn, thấy thương và thấy khổ như chính mình mang bệnh.

Một hôm, lính nhà quan đến bắt bà dẫn đi. Cô bé khóc, níu áo bà. Bà quay dặn cháu trông nhà, đợi đến lúc bà về.

Ngủ dậy, cô bé thấy các dì, các bác trong xóm dìu bà về. Mỗi bước đi, lưng bà còng hơn và tay bà luôn rờ rẫm. Cô bé òa khóc, ôm chặt bà: “Bà ơi! Sao mắt bà tối thế?”.

- Bà mù rồi! - Những giọt nước mắt uất ức chảy ra từ hai hố mắt sâu - Bà muốn để mảnh vườn, túp lều cho cháu mãi mãi nên quan sai lính móc mắt bà. Không có mắt, bà cháu mình sẽ chết đói để quan cướp mảnh vườn này. Bà già rồi, có mù, có chết cũng không sao nhưng bà thương cháu. Bà mù thì lấy ai nuôi cháu lớn khôn?

Cô bé mếu máo:

- Cháu sẽ nuôi bà, cháu sẽ tìm cây cỏ về chữa cho mắt bà sáng lại.

Từ đó, ngày lại ngày, bé vào rừng nhặt củi, hái nấm mang ra chợ bán lấy tiền nuôi bà. Cô bác thương, dù ít nhiều cũng mua cho bé.

Thấy bé hiền lành, xinh tươi, không hại ai nên cỏ cây rì rào kể chuyện cho bé nghe. Nai, hoẵng, sóc, chim muông nhặt về cho bé những quả rừng ngọt lịm và dẫn bé vào những khu rừng tốt tươi nhiều hoa thơm, quả ngọt, củi khô. Quả trên cao có sóc trèo, củ dưới đất có nhím bới. Đường rừng khó đi có nai mở đường, hoẵng thồ giúp. Nhưng bé không vui. Gặp cây gì, loài vật nào, bé cũng hỏi xem có cách gì chữa cho bà lành mắt và lưng hết còng? Hết thảy bọn chúng đều thành thật trả lời bằng giọng cảm thông pha lẫn áy náy:

- Người già mờ mắt, sống lâu lưng còng. Không thế, lấy đất đâu để ở, của đâu để ăn. Ngay như chúng tôi cũng vậy thôi, cô bé ạ.

Không nản, cô vẫn cắm cúi nhặt củi, kiếm nấm, lấy trái cây và gặp ai cô cũng hỏi.

Một hôm, cô gặp ông cụ râu tóc bạc phơ, mặt hiền nhưng nghiêm nghị. Nghe cô bé hỏi câu quen thuộc, ông lão cười, nhìn cô âu yếm, đoạn ông nói với cô bằng giọng dịu hiền, trong như tiếng suối và vang như tiếng sáo của bọn trẻ chăn trâu:

- Cô bé giàu tình thương ơi! Con có bàn tay vàng. Bàn tay con sẽ chữa cho đôi mắt bà hết mù lòa, cho người bệnh hết đau, cho vết thương kín miệng. Chỉ cần con úp bàn tay phải lên mắt bà, mắt sẽ sáng lại như xưa. Con xoa tay vào lưng bà, lưng bà sẽ thẳng lại như ngày trước.

Cô bé vui quá. Quên cả cám ơn ông cụ, cô chạy về nhà làm ngay lời chỉ bảo. Quả nhiên mắt bà sáng lại, lưng bà hết còng. Bà cười ra nước mắt, bảo đó là vì cháu của bà có lòng yêu thương bà. Bàn tay con người ta sẽ làm được bao điều kỳ diệu cho nhau nếu tâm hồn họ có tình yêu thương lớn vô biên.

Từ đó, cô bé không quản ngày hay đêm, nắng lửa hay bão tố, ở đâu có người bị bệnh, cô tìm đến để bàn tay phải của mình lên vết thương hoặc xoa bóp chỗ đau cho người bệnh khỏe lại. Cô đã cứu bao người mà không hề lấy một xu của họ.

Tiếng lành đồn xa. Một hôm, lính nhà quan đến bắt cô vào dinh chữa bệnh cho quan. Người lính nói với bà:

- Nếu quả thật như vậy thì cô bé sẽ được ở lại hầu quan suốt cả đời. Ai bệnh, phải đến nhà quan nộp tiền cho quan mới được bé cứu chữa. Nếu cô bé không đi, quan sẽ cho lính đốt nhà, bắt bà của bé đem về dinh hành tội.

Bà bảo già rồi, bà không sợ; nhưng bé thương bà, bé đòi đi. Không cầm giữ được cháu, bà dặn:

- Vào đó, cháu lấy cái phúc đức để làm cho quan trở thành người nhân hậu. Như vậy là cháu sẽ làm cho bao người khỏi phải chịu cơ cực do quan hành hạ họ đấy.

Thấy cô bé đến, quan cả cười nhưng chưa tin lắm. Quan sai đem người hầu ra, sai lính dùng gậy đánh vào chân người hầu đến khi gẫy. Đoạn quan bảo cô bé xoa bàn tay vào đấy cho quan xem có đúng như lời đồn đại không. Nếu không đúng thì đừng trách quan đây độc ác. Căm tức tên quan độc ác, cô bé rơi nước mắt, thương người hầu quằn quại đau đớn. Cô cúi xuống và đưa bàn tay phải vuốt ve chân gãy tím đen. Máu tan đi, chân liền trở lại. Người hầu đứng dậy, đi lại bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra, cảm tạ cô hết lời. Quan thét người hầu lui ra và lệnh cho cô bé đặt tay lên đầu quan. Đã bao năm rồi, do tính chuyện cướp giật, bức hại dân lành nên quan mắc chứng đau đầu kinh niên, mỗi lúc suy tính chuyện xấu xa, thất đức, đầu đau như búa bổ. Cô bé run run, cố nén căm hờn và ghê tởm, tiến lên, đặt bàn tay trái lên cái đầu xám ngoét của quan. Quan hét lên một tiếng đau đớn, tựa như tất cả nỗi khổ đau mà quan đã gây ra cho bao người, giờ quay trở lại dồn hết vào đầu quan. Cô bé hoảng hốt rụt tay lại. Một vệt đen hình bàn tay nắm chặt lan ra trên đầu và khắp mặt quan. Mùi hôi thối bốc lên, mặt quan bắt đầu tan rữa. Trong cơn hấp hối, quan vẫn kịp thét sai đem cô bé vào rừng, giết chết, thả xuống suối cho cá ăn, vứt xương lên bờ cho chó sói ăn...

Người lính già nhận lệnh, lập tức dẫn cô bé đi. Dọc đường, bác mải nghĩ cách thả bé ra sao cho mình không bị liên lụy nên vấp ngã dập bàn chân. Bé đưa bàn tay phải vuốt ve bàn chân giập nát của bác. Chân bác lại lành lặn như chẳng hề gì. Bác chia tay bé và dặn bé chờ bác đi thật xa rồi bé hãy tìm về với bà.


Tặng hoa cho Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tướng Huỳnh Công Thân - ảnh của Đại tá, nhà báo Trần Đại Ngoạn.

Còn lại mình bé giữa rừng. Cô bé cứ phân vân mãi: vì sao cũng với bàn tay của chính mình, luôn cứu được người, nay lại giết chết tên quan độc ác kia, giờ lại cứu được bác lính già phúc hậu. Không hiểu nổi, bé thầm thì gọi: “Ông già của cháu ơi! Xin hãy nói cho cháu biết vì sao vậy”. Cụ già hiện ra cười rung rung chòm râu bạc phơ:

- Cháu yêu quý của ta ơi! Bàn tay cháu cứu được nhiều người là vì cháu mang trong mình tình yêu thương lớn với con người, chim, thú , hoa lá, cỏ cây… Do tên quan độc ác, tình yêu thương biến thành lòng căm thù nên bàn tay cháu có sức mạnh bắt tên quan đền tội. Đó cũng là cách cứu được nhiều người khỏi cảnh khổ đau mà cháu chưa biết đó thôi!

Long An, những ngày cuối năm 1992

LTH

Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Thầm lặng một đời người – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin (1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà.
Xem thêm
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Xem thêm
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382
Xem thêm
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc
Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm