- Bút ký - Tạp văn
- Giỗ bạn - Bút ký Trần Ngọc Phượng
Giỗ bạn - Bút ký Trần Ngọc Phượng
Mọi năm vào ngày 27/7 hoặc 30/4 anh em bạn lính hay tập trung về nhà anh Khảm Long Khánh để họp mặt và làm mâm côm giỗ bạn. Những năm gần đây trên bàn thờ đặt thêm con heo quay. Giỗ chung cho tất cả bạn bè đã hy sinh trong chiến tranh Bao nhiêu người đã bỏ mình trong rừng sâu, chết vì đánh nhau với giặc, chết vì pháo bầy B52, vì bị địch càn quét , phục kích, chết vì sốt rét ác tính, vì cây đè lũ cuốn…
Ảnh minh họa
Hương khói bay
Con heo quay cúng bạn
Chỉ thương nó một thời bom đạn
Ngày ra đi chưa được bữa ăn no.
Mọi năm vào ngày 27/7 hoặc 30/4 anh em bạn lính hay tập trung về nhà anh Khảm Long Khánh để họp mặt và làm mâm côm giỗ bạn. Những năm gần đây trên bàn thờ đặt thêm con heo quay. Giỗ chung cho tất cả bạn bè đã hy sinh trong chiến tranh Bao nhiêu người đã bỏ mình trong rừng sâu, chết vì đánh nhau với giặc, chết vì pháo bầy B52, vì bị địch càn quét , phục kích, chết vì sốt rét ác tính, vì cây đè lũ cuốn… Mọi người lần lượt đến thắp nhang thầm gọi tên bạn mình. Mỗi nén nhang đốt lên lại hiện lên bao khuôn mặt thân quen, mà thời gian không thể nào xóa nhòa.. Bạn nhìn mình, mờ ảo trong khói đạn vẫn trẻ trung như ngày nào, nửa như khoan dung nửa như trách móc. Quên sao được những người bạn đã chết thay mình, chết cạnh mình, chính tay mình chôn cất, đã để lại bao nhiêu kỷ niệm còn ghi trong trong những trang nhật ký vàng ùa.
Năm 65 mình về C thông tin của E5 (Q5) F5 (Công trường 5). Tiểu đoàn 605 đi B của mình được bổ sung cho Trung đoàn thành Tiểu đoàn 3 và được giao đánh trận đầu tiên ổ ngã ba Ông Đồn. Mình đáng lẽ được cử mang đài đi phối thuộc, nhưng vì mới vào sốt rét nên anh Thành được cử đi thay. Trận này bên ta phục kích tiêu diệt được chi đội 13 xe bọc thép, nhưng toàn bộ Ban chỉ huy trận đánh gồm ông Thiệu Tiểu đoàn trưởng và anh Thành cùng tổ đài bị hy sinh vì bom địch oanh kích, không lấy được xác. Mình mới chỉ gặp anh Thành một lần, còn chưa nhớ mặt người đã chết thay mình.
Giữa mùa mưa năm 66, trung đoàn mình hành quân đánh nhau với lính Úc ở Long Tân Bà Rịa. Trong các đồng mình của Mỹ, lính Úc là thiện chiến nhất. Trận đánh rất ác liệt , trong mưa trời và mưa pháo bom tầm tã. Đài báo mình nói ta thắng lớn tiêu diệt gần tiểu đoàn lính Úc. Còn mình trong cuộc thấy anh em mình hy sinh nhiều lắm, Tiểu đoàn 3 của mình bị thương vong gần hết. Mình tìm hiểu mấy chục năm sau mới thây trên báo Cựu chiến binh Trung ương có bài viết về trận này với tiêu đề "Trận đánh chưa thành công, do không hiểu địch". Ngày họp mặt sư đoàn 5, mình hỏi một thượng tá già về tiểu đoàn 3. Ông ta nói tiểu đoàn 3 thời anh, người sống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay thôi và bây giờ già yếu cả rồi không có ai đến dự. Năm 2004 mình có đến thăm bảo tàng chiến tranh của Úc (Australian War Memorial). Trong bảo tàng có trưng bày hình ảnh kỷ vật các cuộc chiến tranh của Úc, trong đó có nói đến trận Long Tân Bà Rịa. Năm 2016 kỷ niệm 50 năm, Chính phủ Úc có đề nghị Chính phủ mình cho các cựu chiến binh của Úc thăm lại chiến trường xưa.
Năm 67 đài mình được bổ sung cho A20 làm nhiệm vụ liên lạc nhận vũ khí từ các tầu không số ở bờ biển Bình Châu Hồ Tràm Bà Rịa. Đơn vị biên chế gọn nhe, ngoài Ban Chỉ huy do anh Hai Bình cán bộ tập kết phụ trách, còn lại là các anh em trinh sát quê tại địa phương. Lúc này địch bố ráp rất dữ. Tổ trinh sát do anh Hai Bình phụ trách bị phục kính giữa bãi cát trắng Hồ Tràm. Máy bay địch bao vây tứ phía Anh em chiến đấu đến người cuối cùng. Anh Hai Bình bị địch bắn chết, bêu xác phơi nắng mấy ngày. Dân thương đến lấy xác về chôn. Sau hòa bình mai táng tại nghĩa trang Xuyên Mộc. Gia đình mấy chục năm sau mới tìm thấy mộ vì khi vào nam anh lấy tên con là Bình làm biệt danh của mình. Bãi cát Hồ Tràm nơi các anh hy sinh, bây gờ mọc lên tổ hợp casino cao cấp phục vụ cho người có tiền. Đoàn CCB mình đến thăm chỉ đứng nhìn bên ngoài.
Dũng quê Thanh Hóa cơ yếu hy sinh cạnh mình trong trận càn của địch xuân Mậu Thân 68. Sau đợt pháo bày, mình quay lại thấy Dũng còn đứng trơ trơ nhe răng cười ở miệng hầm Mình vừa la vừa chạy đến. Thì ra mảnh phào đã xuyên đúng tim của Dũng. Mình chỉ kịp vuốt mắt cho Dũng rồi tay lại nhăm nhăm khẩu súng để chuẩn bị đón địch. Mấy phút trước anh em còn dặn nhau không để tài liệu máy móc rơi vào tay địch, mỗi người chuẩn bị cho mình quả lựu đạn để tử thủ.
Trong quyển sổ tay nhật ký ngày ấy còn ghi lại bài thơ thương nhớ bạn với câu thơ mộc mạc;
Dũng chết rồi Dũng không còn nữa
Tim không đập và ngực không còn thở
Dũng chết rồi có phải thật không?
"Nét mặt đây máu vẫn tươi hồng
Mắt nhắm lại, hiền lành như giấc ngủ
Mình bàng hoàng không thể nào tin được
Dũng bỏ mình đi không nói đến một lời.
....Từ nay mỗi dòng sông ta qua
Mỗi con đường ta bước
Sao xót xa lòng ta muốn khóc
Dũng thân yêu ,Dũng chẳng còn đâu".
Chiến tranh sống nay chết mai, nhiều khi xem cái chết cũng là chuyện bình thường. Mỗi ngày rơi rụng một ít. Rồi lần lượt cũng đến lượt mình. Nghĩ vậy càng thấm đạo lý tình nghĩa sống ở trên đời. Đón vị mình có anh Chước. Trước khi đi bộ đội anh làm thầy cúng. Anh rất tin phong thủy, tướng số.. Trước hôm ra trận , anh dứt khoát không ăn cơm khê dù đang bị đói. Anh cho rằng ăn cơm khê sẽ bị sui xẻo Chi đoàn đem ra họp phê bình anh mê tín dị đoan. Anh không nói gì Ít lâu sau trong trận chống càn anh hy sinh khi xung phong đi đầu dẫn đường.
Và đây Nguyễn Thanh Tề, đồng đội kiên cường, người bạn, ngưới em đồng hương thân yêu. “Nhớ chiều em ra đi , trước lúc lên đường, em chay đi chạy lại rộn rã. Vẫn khuôn mặt vui nhôn, thỉnh thoảng lại nheo mắt cười tinh nghịch. Em đi giầy, tay áo xắn cao. Sức sống thanh xuân tràn đầy trong đôi mắt tự tin. Người chiến sĩ trinh sát như em đã quen đi đầu, xông xáo trong mũi tên hòn đạn. Cái chết đã đùa dỡn với em mấy lần đó sao. Bom Mỹ đã vùi em, trực thăng đã dí em, rải đạn chi chí quanh người em . Có kỳ em đi đưa thư 5, 6 ngày không về, ở nhà ai cũng lo lắng sốt ruột.
Nhưng nào em có chết. Em trở về và đáp lại lòng mong mỏi sốt ruột của mọi người vẫn là nụ cười. Nụ cười anh không bao giờ quên được, nụ cười trên khuôn mặt sạm đen bám đầy đất cát. Nụ cười từ cõi chết .Thế là hôm đó đơn vị có gì đem ra liên hoan hết".
Đọc lại những dòng nhật ký mà rưng rưng nước mắt. Anh gặp em vào mùa mưa năm 73, khi em được bổ sung làm lính trinh sát của Tiền phương cánh 1. Một cậu tân binh trẻ măng, hồn nhiên vui nhôn, hát chèo rất hay, mang dáng dấp của đồng quê chiêm trũng. Những lúc rỗi rãi em thường sang bên anh, nằm chung võng kể chuyện quê hương, nghêu ngao mấy câu cò lả, xẩm soan.
Nhiều lần thoát chết trở về, anh em lại quây quần bên ấm trà, có gì đem liên hoan hết. Mọi người lại sôi nổi hò hét vui đùa. Không ai nghĩ và nói đến cái chết làm gì. Thỉnh thoảng anh cũng nhắc em phải chú ý cẩn thận vì bom đạn chẳng chừa một ai. Em nheo mắt cườii, lý sự lại : Con người có số bom đạn tránh mình, mình tránh chúng sao được. Này nhé chúng mình dễ gì chết.
-Rừng mênh mong như vậy bom ném chưa chắc rơi vào cứ
- Vào cứ thì sao?
-Nếu vào cứ chưa chắc đã trúng hầm
-Nếu trúng hầm chưa chắc đã bị thương
-Nếu bị thương chưa chắc đã chết
-Nếu chết chưa chắc đã mất xác
Anh em hỏi dồn Nếu mất xác thì sao?
Bí quá cậu ta trả lời; Thì còn các tương đài và nấm mộ vô danh.
Rồi Tề đã hy sinh vào một chiều mưa tháng 6 năm 73. Anh bị địch phục kích khi dẫn đoàn cán bộ vượt lộ 14. Không lấy được xác.
Mình cảm xúc viết bài thơ bên nấm mộ vô danh
BÊN NẤM MỘ VÔ DANH
Tặng hương hồn em Thanh Tề
Thắp nhang lên
Thấy em hiện về
Nheo mắt cười tinh nghịch
"Chúng mình dễ gì chết
Bom đạn tránh mìn, Mình tránh chúng làm chi"
Buổi chiều em ra đi
Mưa giăng giăng ngoài lộ
Áo sắn tay
Tiểu liên quàng trước cổ
Em hiên ngang đi trước hàng quân..
Em ngã xuống
Tư thế tiến công
Trong trận đánh kẻ thù động gấp bội
Xác để lại bên cánh rừng lầy lội
Buổi chiều hoang tê tái mưa sa
Mấy chục năm qua
Đồng đội gắng công
Mẹ cha ta khó nhọc
Vái bốn phương trời
Chưa tìm thấy mộ em
Đất nước mình mênh mông
Cong cong hình chữ S
Làm sao anh đi hết
Vạn nấm mộ vô danh
Ngàn tượng đài liệt sĩ
Sao lúc hiện về, em không chỉ
Nấm mộ nào là nấm mộ của em
Chỉ thấy em về
Nheo mắt cười tinh nghịch
"Chúng mình dễ gì chết
Nếu chết rồi dễ gì mất xác
Mất xác rồi, còn nấm mộ vô danh".
Trần Ngọc Phượng