TIN TỨC

Hồn quê trong một sắc thơ miệt vườn

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-01-07 14:49:13
mail facebook google pos stwis
484 lượt xem

Nguyễn Thanh

Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) - đúng ra năm sinh: 1927 - tên thật Trương Khương Trinh (bút danh khác: Hà Huy Hà, Ngân Hà, Trinh Ngọc, Cửu Long Giang…, gốc người làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang).

Nhà thơ Kiên Giang  (1929-2014)

Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) - đúng ra năm sinh: 1927 - tên thật Trương Khương Trinh (bút danh khác: Hà Huy Hà, Ngân Hà, Trinh Ngọc, Cửu Long Giang…, gốc người làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang). Ông còn là ký giả, soạn giả cải lương hàng đầu cùng thời với Năm Châu, Viễn Châu, Thái Thụy Phong, Quy Sắc…và là thầy của hai soạn giả tài danh: Hà Triều - Hoa Phượng. Bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc, công chúng rất hâm mộ. Vở cải  lương Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho Thanh Nga (1942-1978) đạt giải Thanh Tâm (1958) và trở thành “nữ hoàng sân khấu”. Trước 1975, Kiên Giang phụ trách ban Thi văn Mây Tần trên đài Phát thanh Sài Gòn, làm thơ và viết cho các báo : Tiếng chuông, Tiếng dội, Điện tín, Tia sáng…Ông tham gia phong trào ký giả đi ăn mày, dẫn đầu đoàn biểu tình chống chế độ Cộng hòa đàn áp đặt quy chế khắt khe lên báo chí nên bị vào tù. Sau ngày thống nhất đất nước, Kiên Giang làm Phó đoàn Cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ phòng Nghệ thuật, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm : + Tập thơ: Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Lúa sạ miền Nam, Quê hương thơ ấu. + Vở cải lương : Người đẹp bán tơ (1956), Người vợ không bao giờ cưới, Áo cưới trước cổng chùa, Phấn lá men rừng, Hồi trống trường làng, Lưu Bình Dương Lễ…, +Tân cổ giao duyên: Đội gạo đường xa, Người đẹp bán tơ, Hương cau quê ngoại, Cô gái miền Tây… Cuộc đời nhà thơ được hảng phim Truyền hình TP. HCM (TFS) thực hiện thành phim (1999) với nhan đề: “Chiếc giỏ đời người”. Thơ Kiên Giang được coi là ấn tượng giọng thơ chơn chất, mộc mạc của người Nam bộ.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Rạch Giá (nay là Kiên Giang) từng được coi là vùng đất thơ phương Nam với hiện diện của nhiều danh sĩ trên văn đàn : nhà thơ Mạc Thiên Tích (1706-1780) với Chiêu Anh Các, đôi uyên ương thi sĩ : Đông Hồ (1906-1969) - Mộng Tuyết (1914-2007), Sơn Nam (1926-2008) cùng người bạn văn nghệ đồng hương tri kỷ Kiên Giang… và còn nữa dấu ấn không phai của nhà thơ lãng tử yêu nước Nguyễn Bính (1918-1966) tại Hà Tiên … Với Kiên Giang, một khuôn mặt thơ thuộc thế hệ đàn em gần gũi với Nguyễn Bính, mà phong cách thơ có nhiều sắc điệu cọng hưởng với tác giả “Lỡ bước sang ngang”.

Nhà thơ Kiên Giang sinh ra tại làng Đông Thái, Gò Quao, vùng U Minh Thượng, cùng quê với nhà văn Sơn Nam. Thuở nhỏ, anh học trò Trương Khương Trinh sống với gia đình tại quê nhà, sau lên Rạch Giá vào tiểu học. Thi đậu bằng Tiểu học Pháp Việt, Khương Trinh lên Sài Gòn học trường Lê Bá Cang rồi trở xuống Cần Thơ, học lớp Đệ Nhị (nay là lớp 11) trường Nam Hưng (khu vực Tư thục Nam Cường, sau đó là trường Tân Văn tọa lạc  khoảng giữa đường Phan Đình Phùng hiện nay). Tại đây, nhờ có khiếu văn chương, anh được thầy giao cho thực hiện tờ bích báo lấy tên là “Ngày xanh”. Anh lo biên tập bài vỡ kiêm luôn việc trình bày là vẽ và trang trí. Cô bạn học Nguyễn Thị Nhiều có nét chữ đẹp, giúp anh nắn nót lo chép bài vở. Nhiều có cái tên mộc mạc, dân dã nhưng vóc người duyên dáng với khuôn mặt thanh tú và mái tóc huyền liêu trai buông thỏng ôm ấp đôi bờ vai. Gia đình người bạn gái theo đạo Thiên Chúa, nên anh học trò giỏi văn nghệ đa tình thường lén theo rình bạn đi lễ tại nhà thờ Chánh Tòa (ở đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ) mặc dù mình là người ngoại đạo.

Tình cảm giữa hai người rất “thơ”, và có lẽ trong cõi lòng sâu kín, họ cũng đã cảm nhận nhau tình yêu trong thầm lặng, chẳng khác nào chuyện tình nên thơ giữa chàng thi sĩ tài hoa Pháp Félix d’Avers (1806-1850) và người đẹp Marie Nodier (trong bài thơ “Tình tuyệt vọng” mà nhà văn Khái Hưng (1890-1946) đã dịch rất hay từ tiếng Pháp sang tiếng Việt (1)). Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Kiên Giang cùng những người bạn thanh niên yêu nước như Nguyễn Bính, Sơn Nam vào vào khu 9 cùng toàn dân, tham gia chống giặc ngoại xâm. Bài thơ nổi tiếng một thời “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” (2) của Kiên Giang mang tình tự của tác giả và có nguồn gốc xuất phát từ thời điểm, không gian này.

Kiên Giang là một nhà thơ yêu nước, một soạn giả, một ký giả được sinh ra tại Hậu Giang và lớn lên trong kháng chiến 9 năm chống Pháp ở Nam bộ. Ngoài những vở cải lương mang đề tài lịch sử, văn học, những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa cao đẹp trong dân gian,  Kiên Giang thể hiện trong tác phẩm tấm lòng chơn chất, tình cảm dung dị hồn nhiên của con người miền Nam.  Tác phẩm Kiên Giang được coi là thông điệp chung nhà thơ nói hộ tâm tư trong sáng, tình cảm thanh cao cho bà con, làng xóm và đồng bào mình không chỉ vủng sông nước ruộng đồng mà còn cho khắp cả ba miền quê hương ruột thịt. Nếu trước đây có dịp được nghe những bài thơ Kiên Giang chọn ngâm trên sóng đài Phát thanh Sài Gòn của ban Thi văn Mây Tần, thính giả bốn phương cũng đã nhận ra được tính nhất quán ở chủ đề những bài thơ và lập trường chân chính của người phụ trách chương trình. Đó là tình yêu làng xóm, nghĩa tình đồng bào ruột thịt, gián tiếp nói lên lòng yêu quê hương, tinh thần bảo vệ đất nước và ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Với Kiên Giang, trước tiên, bài thơ nổi tiếng “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” được coi là thiên tình sử đẹp tuổi học trò thời hoa niên, lồng trong bối cảnh chiến tranh của tác giả với cô gái có đạo yêu nghệ thuật văn chương ở khu Nhà Thờ Lớn tại Tây Đô - tác phẩm đã làm cho tên tuổi nhà thơ thêm rạng rỡ trên thi đàn. Hầu hết những bài thơ còn lại trong ba thi phẩm của tác giả, đều nói lên được cái tình cảm hồn hậu, chơn chất và ngôn ngữ thơ dung dị, giản đơn như lời ăn tiếng nói thật thà của con người miệt vườn Tây Nam bộ. Thơ Kiên Giang đa phần nghiêng về tả cảnh và tự sự. Kiên Giang là thi sĩ của miền sông nước Hậu Giang nên người đọc thường bắt gặp những cảnh quen thuộc nơi quê hương tác giả. Đó là hình ảnh của con sông Hậu hiền hòa mang nước dòng nước ngọt phù sa màu mỡ cho ruộng lúa vườn cây như đem hơi thở trong lành về cho bà con làng xóm : “Đây Hậu Giang, đây Hậu Giang/ Nhánh sông gắn bó Cửu Long Giang/ Phù sa cuộn chảy trong lòng nước/ Khói sóng hòa hơ thở xóm làng…” (Đẹp Hậu Giang). Yêu đất nước là yêu quê hương, nơi chôn nhau cắt rún còn in đậm dấu vết kỷ niệm của người thân và biết tự giác đứng lên cầm súng,  đấu tranh bảo vệ tổ quốc : “Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo/ Anh làm chiến sĩ giữ quê hương/ Giữ màu áo cưới người yêu cũ/ Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường” (Hoa trắng thôi cài trên áo tím).

Thơ Kiên Giang là những bức tranh hồn hậu về gia đình, về trường học được phác họa đơn sơ, chơn chất mà tinh tế và trữ tình, dễ lôi cuốn người đọc vì dễ hiểu, dễ nhớ, chỉ đọc qua một lần có thể thuộc ngay. Dù có người bảo thơ Kiên Giang có giọng điệu gần gũi với Nguyễn Bính, vì hai thi sĩ nổi tiếng này, ngoài cá tính tương đồng ngẫu nhiên, họ đã có dịp sống và công tác văn nghệ gần nhau lúc còn ở trong chiến khu. Đọc lại thơ Kiên Giang, ta bắt gặp hình ảnh quen thuộc, gần gũi của mọi người trong gia đình, nơi trường học…Đó là cử chỉ bỡ ngỡ của cậu học trò nhỏ ngây thơ rất dễ yêu, bắt đầu làm quen với từng con chữ viết xa lạ lúc mới vào tiểu học dưới sự hướng dẫn tận tình của cô giáo : “Từ khi cô giáo tập em đồ/ Không kê giấy chậm em vô ý/ Để dấu tay lem vở học trò ” (Đồng xu giấy chặm). Bút pháp Kiên Giang, dù mộc mạc đơn sơ nhưng tác giả đã nắm bắt tài tình được những chi tiết đáng giá. Cũng như những dòng thơ mới thất ngôn dung dị nhưng đầy hình tượng và sắc màu theo đó nhà thơ đã nhớ lại và mô tả về người mẹ quê Nam bộ tão tần và đáng kính: “Nhớ mùa cau trổ trong vườn cũ/ Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân/ Khói trắng lên trời như tóc bạc/ Con ngờ khói tóc quyện mây Tần” (Khói trắng). Những đường nét, vệt màu tiêu biểu trong bức tranh sinh hoạt của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn hiện diện trong chiều dài và độ sâu của thơ Kiên Giang. Từ chiếc “Bánh ống Trà Vinh” xinh xắn, thơm ngọt đến hình ảnh đặc thù Nam bộ của chiếc cầu tre quen thuộc bắt gặp rải rác ở các sông rạch đồng bằng, luôn được nhà thơ Kiên Giang trìu mến mô tả bên cạnh những câu ca dao ý vị : “Ai ở làng quê…/Đã từng …/ Qua nhịp cầu tre/ Tiếng hò tiếng hát/ Dưới mái nhà tranh/ “Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi/ Khó đi mượn chén ăn cơm/ Mượn ve mua rượu, mượn đờn kéo chơi”. Tiếng “Sàng gạo” vang vọng sột soạt trong ánh hoàng hôn bảng lảng với người mẹ hiền mái tóc trắng phau, tiếng “Xe trâu” cót két, lang thang trên lối mòn làng quê, là những âm vang quen thuộc trong đời nhà thơ: “Mẹ rắc hoàng hôn theo hạt tuyết/ Cám bay phảng phất quyện hương cau/ Nghiêng nghiêng bóng xế sau lưng mẹ/ Gạo trắng như màu tóc trắng phau” (Sàng gạo)- “Xe trâu cót két/ Cót két xe trâu/ Bánh xe nằng nặng in sâu lối mòn…” (Xe trâu). Bài thơ”Tiền và lá” mang tính triết lý khiến ta dễ ngậm ngùi về một thói đời không phải là hiếm gặp ở cõi nhân gian : “Tiền không là là em ơi/ Tiền là giấy bạc của đời in ra/ Người ta giấy bạc đầy nhà/ Cho nên mới được gọi là chồng em” (Tiền và lá”). Còn nữa, vẫn với lời thơ chơn chất, thật thà và bút pháp bình dị, hồn nhiên, nhà thơ Kiên Giang tiếp tục cho ta hình tượng những con đò, chiếc quán đình làng.. luôn đưa ta về với quê hương, nguồn cội. Trên tất cả ở nội dung thơ Kiên Giang vẫn là tình yêu đất nước quê hương như luôn bàng bạc theo từng tứ thơ, câu thơ :”Quê hương là máu, là xương thịt…/ Nếu ai xâm chiếm đến quê hương/ Tình quê sẽ hóa ra tình nước/ Tình nước đúc thành súng với gươm…/ Dân đứng lên siết chặt quân hàng/ Giặc vào đây, giặc sẽ rã tan…” (Tình quê tình nước).

Với tình cảm nhạy bén của một nhà thơ cộng với sự năng nỗ bộc trực của một ký giả, Kiên Giang không thể thờ ơ trước các vấn đề thời sự chướng tai gai mắt diễn ra trong xã hội. Những ngày đất nước chưa giải phóng, nhà thơ đã hăng hái tham gia, dẫn đầu đoàn biểu tình chống chế độ khắt khe với giới báo chí mà không sợ tù đày. Phong trào chống chế độ độc tài mục nát đã phong tỏa chùa chiềng, đàn áp ni cô, nhà sư xuống đường, sau sự kiện tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, Nhất Chi Mai, rồi đến hành động quả cảm coi thường mạng sống của Quách Thị Trang, Mai Tuyết An…Cả đến cái chết của anh sinh viên Mỹ Morisson từ bên kia bờ Thái Bình đương đã thiêu trước lầu Năm Góc để chống đối cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ, đòi hòa bình tại Việt Nam, Kiên Giang đều có làm thơ để bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ, tiếc thương: “Nhất Chi Mai, Morisson/ Đôi bồ câu trắng giữa lòng thiên thu” (KG) – “Mai Tuyết An, Mai Tuyết An/ Là hoa mới nở giữa vườn xuân/ Tuổi băng trinh đẹp màu thanh khiết/ Ánh mắt chưa hoen lấm bụi trần…”(KG). Những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, thấy các cô gái đua nhau hăm hở lấy chồng Mỹ - cũng như phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc gần đây, nhà thơ thay lời người mẹ, bày tỏ nỗi niềm : “Một sáng qua đò đi chợ Tết/ Mẹ khuyên con gái lọc lừa yêu/ Lấy chồng ngoại quốc, quên nguồn gốc/ Tiền bạc đâu xe sợi chỉ điều/ Mai mốt nó về bên xứ nó/ Dân mình đùm bọc đức con lai/ Lớn lên nó oán hờn cha mẹ/ Tham bã phù hoa bỏ giống nòi” (KG).

Chúng tôi không quên khoảng thời gian giữa “Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc” và “đấu tranh  chống đế quốc Mỹ”, những ngày anh em giáo viên, sinh viên học sinh có tư tưởng tiến bộ, hăng hái làm tờ tạp chí “Văn nghệ Miền Tây” (3) vào cuối năm 1967, được gặp Kiên Giang và Sơn Nam ở khu Nancy (cuối đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn). Hay dưới khung trời đêm Tây Đô xám xịt, thỉnh thoảng thành phố gầm rung lên với tiếng bom do phi cơ B52 dội xuống U Minh vào đầu năm 1970 khi làm VNMT và tờ Lập trường (4)  tại quán cà phê “Giọt buồn” của cô giáo Mai trước sân xưởng Cơ khí tại đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30/4, đối diện với Bệnh viện 121 bây giờ). Những lần lại được gặp mặt nhau, các anh Kiên Giang, Sơn Nam, nhà văn yêu nước Vũ Hạnh (Nguyễn Đức Dũng) cùng nhà báo Mặc Tuyền, các anh tặng sách, gởi sách cho chúng tôi bán hộ và không quên nhắc nhở nhóm biên tập giữ vững lập trường dân tộc. Những cây bút văn nghệ tại Cần Thơ lúc ấy : Ngũ Lang, Nguyễn Bá Thế (Nhất Tâm, Nam Xuân Thọ), Huyền Vân Thanh… là những tác giả thường có thơ được Kiên Giang chọn ngâm và bình trong chương trình của ban thi văn Mây Tần do anh phụ trách trên đài Phát thanh. Ngày nay, những anh em cùng nhóm dạo ấy, nếu may mắn còn khỏe mạnh và được gặp lại nhau, thường không quên nhắc lại những kỷ niệm đẹp về nhà thơ quá cố Kiên Giang kèm theo những lời chia sẻ ân tình chung thủy về một bậc văn nghệ đàn anh.

Tóm lại, Kiên Giang là một khuôn mặt thơ đáng kính trong dòng thi ca yêu nước suốt cả hai thời kỳ đấu tranh chống thực dân và đế quốc. Tài hoa ở nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng tài năng trên văn đàn, sân khấu mà còn nổi bật nhân cách ở sự nhạy bén trong hoạt động và đấu tranh xã hội. Chính nhà văn Sơn Nam, người bạn cùng quê và “đồng thanh khí” của Kiên Giang đã chân tình thổ lộ : “Đây là người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi”. Nội dung thơ Kiên Giang thiên về đề tài quê hương, làng xóm, tình yêu đất nước và sinh hoạt dân dã nơi làng quê. Về nghệ thuật, ít khi nhà thơ dùng từ hoa bay bướm như Nguyễn Bính vốn là một nhà thơ gần gũi với ông. Lời thơ Kiên Giang giống như cuộc đời thi sĩ, luôn sáng trong, giản dị, như tiếng nói tự nhiên, mộc mạc của người Nam bộ nên rất giàu tính nhân văn, được nhiều người thuộc lòng. Do vậy, ta có thể nói : thơ Kiên Giang đậm tính “về nguồn”, và tạo nên một sắc thơ đặc biệt của miệt vườn.  

                                                                                  01. 01. 2024  

                                                                                        N. T

 (1)  Xem KTNN số 834  ra ngày 10.10.2013 bài “Danh sĩ và giai nhân” của Ngũ Lang, tr. 13

(2)  Cũng là tên tập thơ của Kiên Giang, do họa sĩ Duy Liêm vẽ bìa. NXB Phù Sa Sài Gòn ấn hành trước 1975

(3)  “Văn nghệ Miền Tây”, Tạp chí Văn nghệ (1967-1970) ra được 5 số, do Ngũ Lang chủ trương biên tập, cùng  sự cộng tác của một số nhà văn, SVHS có tư tưởng tiến bộ  và lập trường dân tộc, yêu nước, chống xâm lược. Số đặc biệt Xuân Mậu Thân (1968)  được GS. Pháp văn Nguyễn Bá Thảo - nguyên Phó Chủ tịch MTDTGP Khu Tây Nam bộ mang ra chiến khu (5/1968)

(4)  “Lập trường”, tạp san Xuân 1970 ra tại Vị Thanh (nay là Hậu Giang)  do Ngũ Lang chủ  trương biên tập với sự cộng tác của Nguyễn Bá Thế, Nhất Tâm, Sơn Nam, Kiên Giang...      

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm