TIN TỨC
  • Truyện
  • Niết bàn của nàng | Lê Quang Trạng

Niết bàn của nàng | Lê Quang Trạng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-01 08:09:42
mail facebook google pos stwis
2062 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

LÊ QUANG TRẠNG

Vẫn là thị giác của hôm qua, không biết đang mơ hay thật. Liên tục lần tràng hạt, sư cụ trông xa xăm về phía ngọn núi đang ủ đầy mây. Diên Vĩ nghe rõ đến từng tiếng rít của mỗi hạt chuỗi trôi qua, sau mỗi lời sư nói.

Đời người như một ngọn nến.

Nỗi buồn đọng lên trên từng nếp nhăn của ba, lòng thành khẩn thì rộng như cánh đồng, trơ lên trời muôn ngàn gốc rạ:

Làm sao để ngọn nến không tan chảy và tắt lịm, thưa thầy?

Sư cụ nhìn về hướng những đám mây vô thường hợp tan vô định:

Không có sinh cũng không có diệt, đừng sợ hãi.

Diên Vĩ yên lặng như một đóa hoa vô sự, đang đứng kề bên, và thiền sư dường như thông thấu mọi thắc mắc của cô. Ông quay sang, với vẻ mặt bình thản như đám mây ngũ sắc đang tan ra về phía cuối ngày.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân. Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn. Không nhãn thức đến không ý thức. Không trí tuệ cũng không chứng đắc.

Vẫn là thị giác của hôm qua, không biết đang mơ hay thật. Ba mỉm cười không khác gì Diên Vĩ, ông hỏi: “Làm sao để đến được niết bàn?”.

*

Tỉnh dậy toát cả mồ hôi. Vĩ còn lâng lâng cảm giác đôi mắt mình sáng lại, và cô tự hỏi, ba đã đến tìm sư cụ khi nào? Hình dung lại gương mặt khi ấy của ba, phải chăng ông đã tìm đến sư cụ vào 108 ngày mẹ hóa thinh không. Vĩ tin, nhưng mọi người lại không tin, rằng một người đàn ông mạnh mẽ như ba, lại đau buồn, vằng vặc đến suy sụp gần như tất cả sau sự ra đi đột ngột của vợ. Bởi mọi người nghĩ rằng người như ba, ông kinh doanh trên cái chết của người đời, tưởng như lẽ vô thường chỉ trôi ngang qua ông bằng con số trên các báo cáo quy hoạch nghĩa trang của công ty.

Những buổi chiều xem bảng chiết tính lợi nhuận, ba thường nói với Vĩ rằng, ông không tin gia sản này mà không cứu sống được mẹ cô, dẫu níu kéo cho bà ít ngày sống sót. Hoang mang, chán chường mọi thứ, ông hời hợt với tiền, thứ mà sinh thời mẹ vẫn thường nói: “Liệu rằng tiền ông có mua được sự giải thoát thật sự?”.

Gặp gỡ nhiều người, những triết gia, cao tăng, thiền sư và các nhà tôn giáo học. Ông dành nhiều năm trời để đi khắp nơi, Vĩ không cản. Cô nghĩ ba cũng nên đi đâu đó cho khuây khỏa nỗi buồn, tuổi đâu còn bao năm nữa. Ông bàn giao và sang nhượng tất cả giấy tờ nhà cửa, cổ phần công ty cho vợ chồng cô. Trước khi đến gặp sư cụ sống ẩn dật trên một ngọn núi cao. Không lâu sau đó, trong lần tắm sương sớm, ba trượt chân và ra đi trong cơn hôn mê. Có lẽ ông vẫn không thể nào biết được mình đã ra đi một cách dễ dàng như vậy. Lúc này, trong nỗi đau và niềm nhớ thương, Diên Vĩ nghĩ rằng ba chỉ đang đi đâu đó đàm đạo thôi, như những lần ông đi nghỉ dưỡng ở các ngọn núi thiêng.

Cô tin như vậy, và hiểu rằng mình phải khôi phục thương hiệu công ty. Chỉ nơi công ty, cô mới thấy được rõ ràng từng hơi ấm, hình ảnh và dấu vết của ba mẹ. Đó là mồ hôi xương máu của hai ông bà và là danh dự của cả gia tộc. Chồng Vĩ lại khác, anh không mấy bận tâm đến công việc của công ty. Lặng lẽ sau hào quang của gia đình, anh đóng tròn vai trò người giữ nhang khói từ đường và người chăm sóc trẻ. Những lúc rảnh rỗi, chồng cô say mê những huyền bí của Phật giáo, tiếp những người khách là bạn của ba vợ, phần đông là những sư thầy và các triết gia. Dẫu không ít lần vợ cằn nhằn đàn ông nhàn hạ quá ắt sinh bạc nhược. Bỏ ngoài tai, anh chăm chú theo con đường mình cảm thấy rằng hạnh phúc. Chỉ xin cho riêng mình một không gian và thời gian, để tự do mà sống.

Là Phật tử, anh chăm chút nơi thờ tự trang nghiêm. Trên bàn giữa ngôi từ đường, đặt viên đá có khắc hình cánh hoa sen vừa mới nở, anh mang về từ vườn Lâm Tỳ Ni nơi hoàng hậu Ma Ya đã sinh ra Tất Đạt Đa Cồ Đàm hồi năm 563 trước Công nguyên. Bên vách treo những tủ kính, bên trong những viên gạch khắc chữ Pali ghi lại một lời dạy nguyên gốc của đức Phật khi ngài khuyên người chăn dê và sau hóa thành nhiều dị bản. Cùng sấp lá bối, lá buông của những nhà sư đi truyền đạo, khởi nguồn cho Phật giáo Nam Tông. Ngăn dưới của chiếc tủ, trên tấm vải nhung đỏ ngăn ngắn, đặt những giáp cốt văn có dòng chữ Hán “như thị ngã văn…”, theo lời anh kể, người ta phát hiện ở trong một ngôi chùa đổ nát giữa cánh rừng già. Và dưới cùng là tấm mộc bản Tâm Kinh Trực Thuyết do tỳ kheo ni Diệu Tuệ Thiện Thiện khắc in ở thời vua Lê Thần Tông… Anh huyên thuyên khoe với những người bạn khách đến từ nhiều nơi, về kho tư liệu và cổ vật Phật giáo của mình. Đôi lúc thoáng ngang qua, Vĩ nghe thấy và bỏ ngoài tai những lời ấy. Cô yêu chồng và chấp nhận rằng anh cần có một thế giới riêng, trước khi anh đem 69 lượng vàng để mua một miếng gỗ mục ngoằn ngoèo đường nét như những con lăng quăng đang trối chết. Cô giận dữ hét vào mặt chồng:

Như vầy là quá đủ rồi, dừng lại đi nha! Tôi cực khổ kiếm tiền không phải để anh chơi bời những thứ ngu xuẩn thế này.

Chồng cô im lặng, tiếng mõ vẫn vang lên bên trong ngôi từ đường đóng kính cửa. Tức tối, cô chụp lấy chiếc đèn dầu quăng vào vách. Anh lồm cồm chạy đến tháo pháp phục đang mặc dập lửa. Tay bất kể bỏng, anh lia lịa lượm những mảnh sành ra. Lửa táp lấy tay anh, bỏng phồng lên lốm đốm. Lúc này Vĩ thấy mình hơi quá, nhưng sự tức tối vẫn lên ngôi. Mặc cho chồng giải thích rằng đây là chiếc đèn mà ngài Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang từng thắp sáng để dịch Bát Nhã tâm kinh tại cung Thuý Vi hồi năm 649. Cô tức tối, vì sao anh lại quý cái đèn cũ mèm, mẻ miệng hơn cánh tay mình đến như vậy?

Sau lần đó, cô quyết định chi cho chồng một khoản tiền cố định mỗi tháng để không thâm hụt vốn nhà. Tuy nhiên, công cuộc sưu tầm cổ vật Phật giáo của anh vẫn không dừng lại. Viết sách, nhận thuyết trình ở nhiều nơi, số tiền ấy đủ để anh mang về những bản kinh cổ mua từ nhiều nước, nơi anh đi đến. Diên Vĩ nghĩ, anh tự thân kiếm tiền, tự thân chơi thì mặc. Nhưng nhìn những bước giá cứ tăng vọt sau mỗi món đồ và mỗi chuyến đi của chồng, cô không cầm lòng được sự giận dữ.

Chi chít khắp nơi mớ tư liệu chép tay, chất thành chồng đầy căn phòng. Cô dọn ra một phòng riêng, thấy tình cảm vợ chồng cùng ý khác đường, càng đi càng xa. Cô bạn thân mách rằng, muốn giữ chân chồng, hãy cho anh ấy một đứa con. Vĩ bấm bụng chấp nhận việc vắng mặt của mình trên thương trường mấy tháng. Bỏ ra một số tiền lớn, Vĩ có thai sau đó, không lâu.

Đứa bé tròn 4 tháng tuổi, một hôm vừa chăm con, anh nhận được điện thoại của một người bạn khảo cổ rằng mới phát hiện được một mật thất nằm sâu dưới hang Mạc Cao tại thành Đôn Hoàng. Chạy sang phòng vợ, anh nhờ cô chăm con giúp vài ngày. Anh sẽ lên đường ngay đến ốc đảo phồn hoa giữa sa mạc Taklamakan mênh mông. Nhìn vào đôi mắt chồng, thấy anh như đứa trẻ tìm được món đồ mình dành cả tuổi thơ tìm kiếm. Vừa thấy tội vừa thấy thương. Nghĩ rằng chồng chăm con suốt mấy tháng qua, cũng nên cho anh một chút cho mình, cô đồng ý. Gọi một bà giúp việc đến ngay, cô cũng sẽ ở nhà, vừa làm việc tại gia vừa chăm con. Anh đồng ý, lên đường ngay trong đêm.

Chưa bao giờ chăm con, nên bây giờ dẫu có thêm một bà vú giàu kinh nghiệm nhất thành phố thì mọi việc trong nhà cũng lụp chụp, rối ren. Cô móc điện thoại gọi chồng hỏi lau đít cho con bằng cái khăn màu hồng hay màu xanh lá? Bên kia máy ò e ò e. Biết ngay anh đang lang thang trên lưng lạc đà hay ngủ dưới trời sao sa mạc khắc nghiệt chứ không đâu, đến cái mạng cũng không có thì biết xứ ấy xa xôi đến mức nào rồi.

Một bữa vừa bồng con vừa cho bú, thì đứa bé tè tè, ị. Bà vú đang đi siêu thị, chẳng ai ở nhà. Chạy vào phòng chồng nhìn quanh, tiện mắt cô lấy đại một sấp giấy rồi lót đít cho con. Đứa bé gồng lên rồi xòe ra một bãi vàng khè thấm mờ cả trang giấy chi chít chữ nghĩa tây tàu lẫn lộn. Cô phì cười trước dòng chữ của chồng mình bị phân con đè lên một nửa lời, như mơ mộng: “Niết bàn giống như giấc mộng đêm qua”.

Ẩm ướt và lộn xộn, bầy kiến đen theo nước leo lên đến ngạch cửa nhà, Diên Vĩ không phải chạy đâu xa, xấp giấy ngay ở tay, cô quơ lấy và cuộn lại thành một cái ống xoắn, đốt lên huơ mấy vòng. Không một con kiến nào dám bén mảng đến nữa.

Thành tích đó, cô nghĩ chồng sẽ khen mình khi kể lại ngay lúc anh mới về tới cửa nhà. Nhưng không ngờ, anh hoảng loạn chạy vào sọt rác lục lọi ra mớ giấy bùi nhùi thấm phân của con. Quăng cái ba lô xuống sàn, anh chạy ra ngạch cửa nơi đàn kiến chết cháy còn loe ngoe nơi đó, ôm mặt khóc như trẻ con mất bạn.

Ngỡ đâu anh sẽ lỉnh kỉnh mang về bao nhiêu tư liệu, nhưng không. Ba lô rỗng, anh không mang về dẫu chỉ là một nắm cát trên con đường tơ lụa nơi Trần Huyền Trang đi qua. Từ hôm đó, chồng Vĩ thu dọn gọn gàng mớ tư liệu của mình vào ngăn nắp. Anh nói rằng mình sẽ không đi xa nữa, đời người như bước chân trên sa mạc, vừa rời đi là gió xóa không dấu vết. Diên Vĩ nghe như không phải anh nói ra.

Sự hài lòng cuộc sống gia đình diễn ra không lâu, thì Vĩ thấy trong người bức bối. Công ty làm ăn không thuận lợi, dẫu cô đã cố gắng có lúc thức cả trắng đêm. Ông thầy bói cho thân chủ nói rằng, nhà chứa quá nhiều đồ cổ, âm khí chất chồng ắt sẽ sinh ra ác bệnh. Cô nghiệm mà thấy đúng. Từ hồi anh bài trí những món đồ cổ ngay ngắn ở vách Từ đường, mỗi lần bước vào bàn thờ thắp nhang là cô lại thấy chân mình tê cóng. Cầm 3 nén nhang đặt lên trán, xin vạn ức Phật phò hộ cho gói thầu sắp tới thắng lớn, xin ba mẹ thiêng hãy che chở cho con tránh khỏi tai ương. Nén nhang cháy rớt tàn lên tóc, cháy khét mà cô chẳng hay. Lúc chồng phát hiện thì nó đã xén mất một đốm và để lại vết bỏng bằng đầu ngón tay cái. Sờ lên đầu, cảm nhận từ tay và da đầu làm cô hoảng hốt.

Nhớ mẹ và thương bà hơn khi hiểu cảm giác đứng trên một sợi dây mỏng một đầu là công việc đang dầu sôi lửa bỏng và một bên là sức khỏe đang lúc bất bình thường. Diên Vĩ bàn với chồng, để qua đợt khó khăn này, em sẽ đi nước ngoài khám bệnh. Anh không đồng ý, anh đòi phải đi ngay. Cô không yên tâm, anh hứa sẽ ở nhà lo liệu công ty tử tế. Tin chồng, và tin chính mình, cô bay sang xứ người mà lòng vẫn canh cánh những gói thầu xây lắp nghĩa trang giữa lòng thành phố đang dang dở.

Sự mất cảm giác của cơ thể làm Vĩ khó chịu. Ngón tay khó khăn lia trên màn hình điện thoại để thấy con mỗi ngày. Đứa nhỏ hỏi mẹ bên ấy đồ ăn ngon không? Cô ậm ờ, ờ ngon lắm. Vừa chép miệng mẩu bánh mà không cảm nhận được bất cứ hương vị nào. Cắn răng vào lưỡi vẫn không thấy đau, và máu bầm ở môi chảy vào đầu lưỡi, cũng không gây ra một cảm giác mặn mòi nào. Cô tự nghi ngờ, hay máu mình đã trắng như nước lã?

Bay sang thăm, anh quyết chí rằng dẫu bệnh của vợ mình có khó khăn đến mấy xin các bác sĩ hãy tìm cách chữa đến cùng, tốn bao nhiêu tiền cũng được. Hai năm, hết phương thuốc này đến liệu trình nọ cũng không tìm ra căn nguyên bệnh mất cảm giác. Chúng lan dần từ sự mất vị giác đến cảm giác. Duy nhất đôi mắt và tai của cô là vẫn trong trạng thái bình thường.

Lần thứ 12, anh sang thăm vợ. Vẻ tiều tụy không giấu được nỗi buồn công ty phá sản. Cô cảm nhận được rằng, sự thất bại này một phần là ở mình. Suy sụp thấy rõ, Diên Vĩ muốn trở về nhà. Cô không muốn mình phải động đến mớ tài sản còn lại của gia đình, mớ ấy sẽ là của hồi môn đóng lại dành cho đứa con duy nhất.

Bấm bụng đưa vợ về nhà, anh cầm theo lời căn dặn của bác sĩ, rằng khi nào thị giác mất đi, thì thính giác là thứ cuối cùng của cô tan mất. Căn nhà vẫn như cũ, không có bất kỳ dấu hiệu bụi bặm nào suốt hai năm vắng cô.

Công ty phá sản, sự nghiệp trở về một con số không, Vĩ quanh quẩn ở nhà. Anh nhận đi nói chuyện pháp thoại ở nhiều nơi. Đêm về bày mới kinh giảng tư liệu trên bàn, săm soi từng nét chữ trong tấm thư tịch cổ để viết bài. Mớ tiền từ các bài báo và pháp thoại mang lại, đủ trang trải mọi việc trong gia đình. Nhìn chồng gầy đi thấy rõ, lòng Vĩ xót xa.

Một bữa vắng người, nhìn mớ tư liệu bề bộn trên bàn bị gió cuốn bay, Vĩ lần những bước chân khó khăn xuống giường lượm chúng. Cô nhận thấy mình nên làm gì đó để giúp chồng và thoát khỏi sự tù túng của cơ thể. Thu xếp mọi thứ trên bàn, thoáng chốc rảnh rỗi, cô dịch cho chồng những dòng Anh ngữ từ tờ báo xuất bản cách nay hơn thế kỷ mà anh đang làm dang dở. Đọc lại những điều chồng ghi chép, càng đọc, cô càng thấy say mê cuốn hút. Điều đó Diên Vĩ vẫn không nói với bất cứ ai, mà giữ riêng cho mình một niềm say mê vừa chớm nở.

Diên Vĩ bắt đầu những ngày lần mò từng dòng chữ trong mớ tư liệu của chồng. Cô bắt gặp những phương pháp giúp mình chống trầm cảm và vượt qua nghịch cảnh. Lời Đức Phật nhiều mênh mông như biển, cô tin trong số đó, ắt có liệu pháp để mình bỏ bớt phiền muộn và tự chữa lành căn bệnh kỳ lạ này.

Hình như Diên Vĩ đã quên rằng mình đang mang trong người căn bệnh nan y. Lâu rồi không nhắc đến điều gì về công ty, và cô chợt cười, cũng rất lâu mình không cầm trên tay một tờ tiền nào. Mọi thứ với cô thật trống rỗng. Vĩ lần bước đến Từ đường. Tập giống chồng, cô nhắm mắt nghe tiếng chuông ngân, bỗng thấy lòng bình an đến lạ.

Lật từng trang tư liệu của chồng, đến đoạn viết về đường đến niết bàn thì mới hay bao năm mình đã ngộ nhận về một niết bàn là nơi người ta đi đến sau khi chết. “Niết bàn sẽ không ở đâu xa, nó ở ngay từng suy nghĩ của ta” - Lời của một thương nhân Miến Điện đã từng gặp và trò chuyện với Đức Phật vào năm 595 trước Công nguyên, được anh nhặt về trong một lần điền dã nào đó.

Nói với chồng, Diên Vĩ tin rằng mình sẽ đến được niết bàn, và cô sẽ cố gắng tìm con đường đến đó. Nhìn cô xúc động, anh kể rằng, lần cuối cùng mình đi tìm cổ vật, là lần tìm thấy một bản kinh văn hiện trên một trái tim xá lợi của vị bồ tát đệ tử Phật, sau khi ngài nhập niết bàn trong ngọn lửa. Tư liệu ấy có thể sẽ là dẫn chứng nguyên thủy nhất về lời dạy gốc của Đức Phật, cách để con người đạt đến niết bàn. Nơi mà mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân. Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn.

Mắt Diên Vĩ bỗng sáng lên, cô thấy căn bệnh của mình không phải là điều thiệt thòi, nó có thể là một điềm báo về sự đạt đến cảnh giới niết bàn của đời người. Nghĩ vậy, cô bỗng thấy lòng mình trống không, rộng rãi như vừa xóa đi hết những oán giận lo toan trong cuộc sống. Nơi đó chỉ một con đường đang dần dần mở ra, mở ra như nụ hoa tách vỏ.

Cô thức đến tận khuya để cùng anh tìm cách dịch những dòng chữ trên tư liệu cổ. Dịch đến gần hết thì mắt Vĩ bỗng mờ đi, chúng mờ gần giống như cảm nhận của làn da khi đôi chân dần dần mất cảm giác. Cô nghĩ rằng, do mình thức quá nhiều trong đêm nay, không sao, sáng mai dậy mình sẽ dịch cho xong câu cuối, câu mấu chốt của bản gốc Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh.

Khuya, một giấc khuya rất lạ. Diên Vĩ cảm thấy đây là đêm đầu tiên cô ngủ yên bên chồng, từ hồi lấy nhau đến nay. Cô không biết mình ngủ say hay mình đang tỉnh thức, mà có thể nghe được cả tiếng con mọt đang gặm nhắm mớ sách vở của anh trong học tủ. Và kể cả nghe thấy, cũng bình tâm để đi vào giấc ngủ, cô thấy con mọt ấy cũng giống mình, nó đang tìm đường đến niết bàn theo cách của riêng nó.

Giữa đêm, Diên Vĩ nằm yên mơ màng, cô thấy ba mẹ mình. Như đang mộng du, Vĩ thầm thì:

Sư cụ nói rằng, muốn đến được niết bàn, người ta phải trải qua luân hồi sinh tử và chứng đắc nhiều đời nhiều kiếp, như số lá của cây me cổ thụ ở sân chùa!

Chồng Vĩ đột nhiên thức, lặng lẽ rời khỏi giường, cô không hề nhận ra. Chỉ cảm nhận được bên tai tiếng cháy của ngọn nến. Vĩ cố nhìn nhưng mắt đã không còn thấy được gì. Với những âm thanh nghe được, cô biết ngọn nến đang cháy ở phía ban công nhà. Tiếng nến chảy dần và tiếng giấy cháy quen thuộc giống hệt tiếng cháy của xấp giấy năm nào cô xé đốt đàn kiến ở trước ngạch cửa. Vĩ không nhận ra trong giấy cháy có dấu vết mồ hôi của chồng và cả mùi phân của con mình, đang cháy.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm