TIN TỨC
  • Truyện
  • Quả trứng | Phương Chân

Quả trứng | Phương Chân

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1146 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

PHƯƠNG CHÂN

Thời Covid, học sinh học online, làm bài và nộp bài cũng online. Bé Liên đang làm bài tập toán, vừa làm vừa thút thít. Cô giáo bảo phải trình bày bài giải của mình trong giờ học chiều nay, nhưng bé suy nghĩ cả buổi mà vẫn chưa tìm ra cách giải. Ba đi làm, chị Hai qua nhà nội. Còn vài phút nữa là đến giờ học, bé Liên nhìn đồng hồ rồi òa khóc.

Bỗng nhiên, Bụt hiện lên, vuốt râu cười ha hả hỏi: “Làm sao con khóc?”. Bé Liên vô cùng ngạc nhiên, quên cả khóc, ngơ ngác nhìn ông Bụt: “Ông là ông Bụt trong truyện cổ tích à?”. Ông Bụt hào hứng trả lời: “Đúng nha! Ta là ông Bụt đây!”. Bé Liên mừng quá, cầm vở toán chạy lại đưa cho ông Bụt xem: “Ông ơi, con giải toán chưa xong mà sắp đến giờ học rồi! Ông giúp con với, được không ông?”. Ông Bụt nhìn vào quyển vở, tay đang vuốt râu chợt dừng lại, ông quay sang hỏi bé Liên: “Ta sẽ giúp con, mà con học lớp mấy vậy?”. Bé Liên cười sung sướng: “Con cám ơn ông Bụt, con học lớp ba ạ!”.

Ông Bụt cười ha hả, cầm cây phất trần vung lên, xoay một vòng, bảo: “Thôi, ta đi đây!”, rồi biến mất. Bé Liên cầm quyển vở ngỡ ngàng: “Ơ, ông Bụt đâu rồi?”. Bé nhìn trang vở, nó vẫn như cũ, bài toán chưa giải xong. Thôi rồi, đã đến giờ, bé Liên đành ngậm ngùi về bàn, mở máy tính lên để đăng nhập vào lớp học. Đột nhiên, điện thoại bàn reo lên, ba gọi về: “Liên ơi, cô giáo vừa nhắn tin cho ba, khu phố nhà cô mới cúp điện, chiều nay nghỉ học nghe con!”. Bé Liên mừng rỡ reo lên: “Hoan hô! Nghỉ học rồi!”.

Ở một nơi nào đó trên tầng mây trắng, ông Bụt nhìn xuống, trầm ngâm: “Toán lớp ba ư? Ta là người cổ đại mà!”.

Chiều tối, chị Hai về, bé Liên thần bí kéo tay chị Hai kể: “Chị Hai, hồi chiều em gặp được ông Bụt đó!”. Chị Hai cười, nựng má bé Liên: “Em mới đọc truyện cổ tích à?”. Bé Liên lắc đầu: “Không phải đâu. Em làm toán không kịp, em khóc, thế là Bụt hiện lên hỏi, Bụt bảo sẽ giúp em, rồi Bụt biến mất. Một chút sau thì nhà cô bị cúp điện, em biết ngay là ông Bụt làm đó!”. Chị Hai càng cười nhiều hơn: “Chỉ là trùng hợp thôi, giờ làm gì có Bụt chứ!”. Bé Liên dậm chân phản bác: “Có thật mà! Em nói thật đấy! Chẳng phải mẹ bảo cứ tin thì sẽ có Bụt sao?”.

Mẹ, mẹ ư? Hai đứa bé chợt trầm xuống, ánh mắt phút chốc trở nên buồn bã. Tay bé Liên chụp vội cái điện thoại chị Hai đang cầm: “Mẹ gọi điện về chưa chị?”. Chị Hai nhìn điện thoại lắc đầu: “Vẫn chưa, chị gọi thì không liên lạc được, mà ba gọi cũng nói không liên lạc được”. Đã 3 ngày rồi mẹ không gọi video cho hai chị em. Chiều nào hai đứa cũng chờ được nhìn mẹ, chờ mẹ hỏi các con ăn gì, đã tắm rửa chưa…? Ba mẹ con luôn trò chuyện thật lâu. Vậy mà đến giờ mẹ vẫn chưa gọi. Ba bảo nơi mẹ ở có ca F0 nên bị phong tỏa rồi. Phong tỏa thì vẫn ở nhà, vẫn có điện và wifi, mẹ vẫn gọi được chứ sao! Ba cũng điện thoại tới lui một lúc lâu rồi lắc đầu bảo điện thoại mẹ vẫn chưa liên lạc được.

Hai chị em ỉu xìu nhìn điện thoại, mong chờ. Bé Liên chợt ngẩng đầu nhìn chị, mắt sáng lên: “Chị Hai, hay là mình xin ông Bụt giúp nhé! Nhờ ông Bụt làm cho mẹ gọi điện về nha!”. Chị Hai gõ nhẹ đầu bé Liên, yêu thương nói: “Lại là ông Bụt nữa à? Em cứ tin ông Bụt sẽ có sao?”. Bé Liên gật đầu liên tục: “Em nói thật mà! Chị không tin, em khóc cho chị coi. Em khóc là Bụt sẽ hiện lên đấy!”. Nói rồi bé Liên ngồi thụp xuống, dựa lưng vào bờ tường, hai tay ôm gối, ngước mặt lên, nhắm mắt, mở miệng oa oa khóc. Nhưng chẳng thấy giọt nước mắt nào chảy ra cả, chị Hai buồn cười quá: “Có phải là em đang khóc không đấy?”. Bé Liên chột dạ, lại gần chị Hai, ngượng ngùng: “Sao giờ em muốn khóc mà khóc không được? Cứ nghĩ ông Bụt sẽ hiện lên là em thấy thích thích sao ấy!”. Chị Hai trầm ngâm: “Chị thấy mình phải khóc thật đau khổ thì Bụt mới nghe thấy mà hiện lên. Trong truyện cổ tích đều như thế! Hay là em nhớ lại ngày mẹ bỏ đi đi! Hôm đó chị em mình khóc nhiều nhất!”.

Hai đứa bé chợt im lặng, ngồi xuống nhìn ra cửa. Ngày đó, ba mẹ cãi nhau một trận dữ dội, rồi mẹ xách túi ra đi. Mẹ bảo lên thành phố, mẹ sẽ kiếm đủ tiền để rước hai chị em. Hai chị em chạy theo ôm chân mẹ, khóc thật to xin mẹ đừng bỏ chúng nó. Nhưng mẹ không nhìn hai đứa, mẹ chỉ nhìn ba thật lâu, rồi mẹ vẫn bỏ đi, mẹ chạy ào ra ngõ, như là chạy trốn vậy. Từ đó, mẹ một mình ở thành phố, hai chị em ở nhà với ba, ba làm công an xã, ngày nào ba cũng đi sớm về trễ. Cứ tối là mẹ sẽ gọi điện về. Mẹ bảo giờ dịch bùng lên rồi, mẹ chưa thể đón hai chị em được. Nhưng 3 ngày nay, chờ hết buổi tối, chờ đến giờ đi ngủ, ngủ dậy vẫn chờ, chờ mãi… mà chẳng thấy mẹ gọi về. Xa mẹ rồi, muốn nghe mẹ nói, muốn nhìn gương mặt mẹ qua điện thoại, giờ cũng không được nữa.

Bé Liên òa lên khóc: “Chị Hai ơi, em nhớ mẹ quá!”. Chị Hai nhìn bé Liên, bật khóc nức nở. Thế là Bụt hiện lên, cười ha hả hỏi: “Làm sao con khóc? À không, làm sao hai con khóc?”. Bé Liên mở to mắt mừng rỡ chạy lại gần ông Bụt, vừa hít mũi, vừa cười: “Ông Bụt ơi, ông còn nhớ con không? Con là đứa khóc hồi trưa đó!”. Ông Bụt nhìn bé Liên trìu mến: “Hôm nay nhiều đứa khóc quá! Làm sao ông nhớ nổi đứa nào với đứa nào?”.

Chị Hai nhìn ông Bụt ngạc nhiên vô cùng. Nó không tin vào mắt mình, ông Bụt là có thật ư? Hồi còn nhỏ mẹ nói cứ tin thì sẽ có Bụt. Nó đã từng tin, nhưng sau này đi học, nó biết ông Bụt chỉ có trong truyện cổ tích thôi. Vậy mà giờ ông đã hiện lên trước mặt nó. Có ông Bụt rồi, ông sẽ giúp mình tìm mẹ, hay là nhờ ông giúp mẹ về nhà luôn. Mẹ sẽ không đi nữa, không bao giờ xa chị em chúng nó nữa.

Chị Hai ngước lên nhìn chòm râu bạc của ông Bụt, khẩn cầu: “Ông có thể giúp chúng con tìm mẹ được không? Đã 3 ngày rồi mà mẹ con không gọi điện về!”. Ông Bụt cười ha hả: “Được chứ, ta là Bụt mà! Nhưng con phải cho ta xem hình, ta mới biết mẹ các con là ai chứ!”. Bé Liên mừng rỡ nhảy cẫng lên, còn chị Hai vội vàng lấy tấm ảnh nhỏ trong ngực áo nó ra, hai tay đưa cho ông Bụt. Ông Bụt nhìn qua tấm ảnh, vung cây phất trần, xoay người biến mất, bỏ lại khoảng không câu nói: “Thôi, ta đi đây!”.

Hai chị em lập tức im lặng rồi ngơ ngác nhìn quanh. Ông Bụt đâu rồi? Bé Liên chợt nhớ: “Hồi trưa ông Bụt cũng đi như vậy đó chị! Chút xíu sau thì nhà cô giáo cúp điện. Giờ mình chờ đi chị!”. Hai chị em rủ nhau ra ngạch cửa ngồi chờ. Tay chị Hai nắm chặt điện thoại, hai đôi mắt trẻ thơ mở to, chăm chăm nhìn màn hình, tha thiết không rời. Biết đâu chốc lát nữa đây, màn hình sáng lên, mẹ gọi điện về. Chị Hai khẽ nhìn ra cửa, biết đâu một chút nữa, ba sẽ chở mẹ về nhà, giống như trước đây ba mẹ đã từng cùng nhau như vậy.

Đằng sau hai đứa trẻ, ông Bụt lặng lẽ hiện lên. Ông nhẹ nhàng đi tới, ngồi cạnh hai chị em. Chị Hai phát hiện ra ông Bụt trước tiên, nó nhìn quanh nhà, chỉ thấy ông Bụt râu tóc trắng tinh: “Ôi, ông Bụt ơi, mẹ con đâu rồi?”. Ông Bụt vuốt râu cười: “Mẹ con đang ở khu vực cách ly, điện thoại bị hư rồi, chưa sửa được mà cũng chưa mượn được điện thoại của ai khác. Chừng nào hết cách ly rồi mẹ con mới ra ngoài được!”. Bé Liên không chịu vội nói: “Nhưng ông là ông Bụt mà, ông làm cho mẹ hết cách ly rồi đưa mẹ về được không ông?”. Chị Hai cũng tha thiết nhìn ông Bụt: “Ông ơi, hay là ông sửa điện thoại cho mẹ, hoặc ông biến ra điện thoại mới cho mẹ gọi về được không ông?”.

Ông Bụt xoa xoa chòm râu, cười nói: “Ta là Bụt nha! Ta có phép màu. Nhưng phép màu không thể biến ra thế nào cũng được!”. Nói rồi ông Bụt vung cây phất trần lên, lướt qua bàn tay đang xòe ra của ông. Kỳ diệu thay, trên bàn tay vốn trống trơn của ông Bụt bỗng xuất hiện một quả trứng màu trắng. Bé Liên oa lên rồi vỗ tay reo mừng: “Ôi, ông biến ra quả trứng nè! Hay quá!”. Ông Bụt cười ha hả, đặt quả trứng vào tay của chị Hai: “Ta cho các con quả trứng này, các con hãy ủ ấm nó cẩn thận, khi nào trứng nở, phép màu sẽ xuất hiện!”. Nói rồi ông Bụt xoay người: “Thôi, ta đi đây!”.

Bé Liên chăm chú nhìn quả trứng đang được chị Hai nâng niu, chợt nói: “Chị Hai, đây là trứng vịt phải không?”. Chị Hai vội nhỏ giọng: “Suỵt, không phải đâu! Trứng của Bụt là trứng thần đấy!”. Bé Liên mừng rỡ: “Vậy trứng sẽ nở ra mẹ mình phải không chị?”. Chị Hai gật gù: “Có lẽ vậy, thường trong truyện, cái gì Bụt cho thì nó sẽ thực hiện ước nguyện của mình đó!”. Bé Liên cẩn thận ôm quả trứng từ tay của chị Hai: “Vậy mẹ ở trong này, mẹ sẽ về nhà!”. Chị Hai ôm bé Liên, ôm cả quả trứng vào lòng, xoa lưng em nói: “Vậy tối nay cho bé Liên ôm mẹ ngủ trước. Ngày mai phải đến phiên của chị Hai đó!”.

Từ nơi nào đó trên tầng mây trắng, ông Bụt quệt tay qua trán: “Ôi, trẻ con đâu dễ dỗ! Mẹ chúng nó bị nhiễm bệnh nặng, đang nằm thở máy trong bệnh viện. Dịch bệnh thế này, muốn đưa về cũng không được!”.

Từ ngày đó, hai đứa trẻ vô cùng nâng niu quả trứng, đi đâu cũng cẩn thận mang quả trứng theo, đến tối thì thay phiên nhau ôm quả trứng ngủ. Chị Hai lấy cái túi nhỏ bằng nhung, cho quả trứng vào và đeo trước ngực. Lúc ăn cơm chiều, ba nhìn hai chị em, thắc mắc: “Sao lúc nào tụi con cũng đeo quả trứng thế?”. Hai đứa hào hứng trả lời: “Ba không biết đâu, đây là quả trứng ông Bụt cho tụi con đó. Khi nào trứng nở thì mẹ sẽ trở về!”. Ba bỗng sững người nhìn tụi nó, mắt của ba chợt đỏ lên. Ba ăn cơm thật nhanh rồi dặn dò: “Các con ở nhà đóng cửa cẩn thận nhé! Ba đi trực đây!”. Sau đó, ba vội vã dắt xe đi. Chị Hai kéo tay bé Liên, thần bí nói: “Này, chị thấy hình như ba khóc nha! Ba cũng nhớ mẹ như chị em mình. Chắc ba mẹ hết giận nhau rồi! Mẹ sẽ về nhà nhanh thôi!”.

 Nhưng hai đứa bé chờ mãi, ngày qua ngày ôm ấp rồi soi ngắm quả trứng mà chưa thấy nó nở, cũng chưa có tin tức gì của mẹ. Bé Liên ngẫm nghĩ rồi ra vẻ thấu hiểu nói: “Mẹ lâu về quá! Em thấy quả trứng này nhỏ như thế, mẹ ở trong này rất chật chội, làm sao mẹ chịu nổi!”. Chị Hai lắc đầu: “Chị nghĩ mẹ không ở trong này đâu, quả trứng như cái cổng, khi nào trứng nở thì mẹ sẽ bước ra, như bước ra từ cánh cửa thần kỳ của Đôrêmon á!”. Bé Liên đã hiểu: “Vậy hả chị? Cũng đúng thôi! Giờ mẹ đang bị cách ly, cũng không thể về ngay được. Ba nói ai mà trốn cách ly sẽ bị bắt lại và phạt nặng. Chắc hết cách ly trứng sẽ nở, mẹ sẽ về!”.

Thế là hai đứa trẻ càng ôm ấp, nâng niu quả trứng nhiều hơn. Mỗi tối đi ngủ, vì sợ sơ ý làm vỡ trứng, hai đứa không dám ôm trứng nữa mà để trứng nằm ấm áp trên đầu giường. Trong giấc mơ, chúng nó thấy mẹ ngồi bên đầu giường, yêu thương vuốt tóc hai chị em, rồi âu yếm hôn lên trán của mỗi đứa. Mùi của mẹ thật là thơm, hơi của mẹ thật là ấm áp…

Ngày lại qua, cũng hơn hai mươi ngày. Hôm đó, chỉ mình bé Liên ở nhà. Quả trứng nở. Bé Liên mừng rỡ vô cùng, reo lên: “A, mẹ về, mẹ về!”. Nó kích động nhìn quả trứng từ từ nứt vỏ. Nhưng trong lớp vỏ vỡ vụn trăng trắng kia, không thấy mẹ đâu, chỉ có một chú vịt con nhỏ xíu, lông vàng nhăn nhúm. Bé Liên hoảng sợ im bặt, bé nghiệm lại một giây rồi nhanh chân chạy ra ngoài ngõ, rồi chạy vô phòng khách, xuống nhà bếp, chạy vào phòng ngủ, mở cửa nhà tắm, dáo dác tìm khắp nơi mà chẳng thấy mẹ đâu. Bé Liên tuyệt vọng ngồi bệt xuống, òa khóc nức nở: “Mẹ ơi, mẹ đâu rồi? Ông Bụt ơi! Mẹ con đâu?”. Lần này, ông Bụt không xuất hiện nữa…

Đột nhiên, chị Hai cầm điện thoại từ ngoài ngõ vội vã chạy vào: “Liên ơi, mẹ gọi điện về nè!”. Trong màn hình, gương mặt mẹ xanh xao, đôi mắt mẹ đỏ ửng, mẹ cười rưng rưng nhìn hai chị em. Nhìn thấy bé Liên mặt mũi ràn rụa nước mắt, mẹ âu yếm hỏi: “Sao vậy Liên?”. Nghe tiếng mẹ, bé Liên lại òa lên, hức hức từng tiếng: “Con sợ mẹ không về với con nữa!”. Mẹ chợt cúi đầu xuống, tóc của mẹ trong màn hình rung lên, rồi mẹ ngẩng đầu, nước trên má mẹ chảy dài, mẹ gạt nước mắt nói: “Làm sao mẹ bỏ các con được! Mẹ sẽ về mà!”. Hai chị em mừng rỡ cười to: “Mẹ hứa đó nhe! Mẹ phải chắc về nha mẹ!”. Mẹ gật đầu, tha thiết: “Ừ, mẹ chắc chắn, cho dù có thế nào, mẹ cũng không rời xa các con nữa đâu! Thôi bé Liên đi rửa mặt đi! Lát nữa mẹ gọi lại nhé!”.

Hai chị em vô cùng sung sướng, bé Liên rửa mặt xong, hai tay nâng chú vịt con lên, cười với chị Hai: “Chị Hai, con vịt này thật thần kỳ! Nó vừa được nở ra là mẹ gọi điện về liền. Vậy mình nuôi nó đi chị! Khi nào nó lớn thì chắc mẹ hết cách ly rồi về nhà”. Chị Hai hào hứng đồng ý: “Ừ, giờ ông Bụt cho mình thêm con vịt, mình cũng nuôi nó đi!”.

Từ đó, hai chị em cẩn thận chăm sóc vịt con. Chúng nó cho vịt ăn, tắm cho vịt, làm cho vịt cái chuồng nho nhỏ ngoài sân. Mỗi ngày mẹ đều gọi điện về, gọi nhiều hơn trước, có khi mẹ gọi ba bốn lần. Nhưng mẹ không nói chuyện được lâu, mẹ bảo mẹ hơi mệt. Bé Liên nghĩ cũng đúng thôi, nghe nói bị cách ly chỉ ở trong phòng, không được chạy ra ngoài chơi, nếu là nó, nó cũng mệt vô cùng. Hai đứa kể chuyện quả trứng và con vịt cho mẹ nghe, mẹ cười xúc động, mẹ nói hai chị em cố gắng chăm sóc vịt cho tốt. Vịt lớn, mẹ sẽ về.

Có những lần hai chị em đang chơi đùa cùng vịt, ba đi làm về nhìn qua, ba mỉm cười, hạnh phúc mà nhẹ nhõm. Có lần chị Hai lén nghe ba nói chuyện điện thoại với mẹ. Ba vừa nói vừa cười, tay ba sờ sờ cái áo khoác cũ của mẹ trên vách. Hình như nó nghe ba hỏi: “Em ăn chút gì chưa? Em còn mệt lắm không? Họ nói như thế nào?...”. Chị Hai bèn tìm bé Liên nói nhỏ: “Chị chắc chắn ba mẹ mình nghỉ giận nhau rồi! Lần này về mẹ sẽ không cãi với ba nữa đâu!”.

Đúng như lời bé Liên dự đoán. Một hôm, hai đứa đang tung tăng chạy từ hiên nhà ra sân chơi. Con vịt lông trắng muốt cũng lạch bạch chạy theo. Đột nhiên, chị Hai dừng lại, bé Liên cũng dừng lại, con vịt phải dừng lại. Con vịt quạc lên rồi quay sang bên cạnh. Còn chị Hai và bé Liên reo lên kích động: “Oa, mẹ về, mẹ về!”, rồi hai chị em tranh nhau chạy ào ra ngõ. Nơi ấy, ba đang dắt xe vào, cười thật tươi. Đằng sau ba là mẹ. Mẹ cầm túi xách, gương mặt mẹ đang đeo khẩu trang màu xanh, đôi mắt mẹ đỏ bừng. Mẹ cúi người ngồi xuống, dang tay ra. Hai chị em chạy đến ào vào lòng mẹ, mừng quá, nước mắt cũng trào ra, hai đứa ôm mẹ thật chặt: “Mẹ ơi!”.

Ở góc vườn đằng kia, con vịt rung rung đôi cánh, kêu quạc quạc, lạch bạch bước đi.

Ở nơi nào đó trên tầng mây trắng, ông Bụt mỉm cười nhìn xuống: “Đúng là ta đã cho bọn trẻ một quả trứng!”.

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm