TIN TỨC
  • Truyện
  • Tiếng chó sủa trong đêm | Đới Xuân Việt

Tiếng chó sủa trong đêm | Đới Xuân Việt

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1677 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

ĐỚI XUÂN VIỆT

Lắc-ky là chú chó bẹc-giê, không thuần chủng nhưng vẫn là bẹc-giê. Chủ của nó là ông giáo Thìn, một người yêu thích vật nuôi từ bé. Lắc-ky là 1 trong đàn 9 con chó con của anh bạn thân láng giềng mà ông Thìn đã xin được. Lắc-ky đã làm ông Thìn nguôi ngoai nỗi nhớ chú chó Đô bị bệnh ca-rê đã mất và được chôn cất tử tế trong vườn cây.

Đô là chú chó có bộ lông xơ màu trắng. Ông Thìn đã mua nó một lần theo đoàn nhà giáo lên thăm Lào Cai tại một quán nước ven đường. Đô được đưa lên xe ô tô theo đoàn trở về Hà Nội. Đô làm quen nhanh chóng với chủ mới. Mỗi khi đoàn nghỉ ăn cơm, uống nước dọc đường nó lại mon men ra cửa lùa của xe ngó nhìn ra đường. Thấy thế ông Thìn cho xuống đất và nó lẽo đẽo theo ông vào quán, quấn quýt bên ông không rời.

Về đến Hà Nội, Đô được cả nhà yêu quý, được chăm sóc chu đáo. Nó lớn nhanh trông thấy. Tuy là chú chó miền núi nhưng Đô có vóc dáng to con và hơi phục phịch. Đô có dáng vẻ đẹp, lông trắng pha nâu nhạt ở lưng và tai. Nó quá giống một chú chó cảnh.

Cũng như mọi chú chó tinh khôn, Đô có thể nhận ra tiếng xe máy của người nhà không bao giờ sai, mặc dù có nhiều xe máy của dân tình đi qua cổng nhà. Lớn lên một chút, bước chân ra khỏi cửa nhà, nó bị con chó Míc hàng xóm cắn chảy máu đùi. Nó nhỏ hơn nên đành chịu thua. Nhưng nó nhớ và thù dai. Vài tháng sau, khi đã phổng phao lực lưỡng, nó đợi con Míc đi qua cửa liền xồ ra trả đũa. Con Míc coi thường quay lại chiến đấu bị con Đô lao đến vật ra đất và bị cắn nhiều vết trên đùi, trên lưng.

Míc bỏ chạy. Từ đấy mỗi lần qua cửa nhà ông Thìn, con Míc rón rén khi không thấy bóng dáng con Đô mới dám chạy vụt qua.

Đô rất quý mến người đã đem nó từ Lào Cai về Hà Nội. Mỗi khi ông Thìn đi làm về là nó nhào ra, kéo căng dây xích, kêu ăng ẳng không thôi cho đến khi chủ đưa chân ra cho nó ngửi hít một lúc nó mới thỏa mãn ngồi xuống cái góc tường dành cho nó. Cũng phải thôi, vì cả ngày ông Thìn đi làm, chỉ có lúc ông về nhà nó mới được gặp. Nó hôn hít để bù vào nỗi nhớ, nỗi chờ đợi cả một ngày dài.

Nhưng Đô đã không ở mãi được với gia đình ông Thìn. Một ngày nó bị bệnh ca-rê, căn bệnh về đường tiêu hóa mà loài chó thường gặp. Nó được cán bộ thú y đến thăm khám và tiêm thuốc nhưng chỉ cầm cự được 4-5 ngày. Nó mất nước, người xỉu dần rồi ra đi. Cả nhà thương nhớ nó, khóc.

Đô được chôn cất trong vườn cây, cạnh Hồ Tây. Có vải quấn liệm, có hương khói, đủ lễ nghi.

*

Đô ra đi được một thời gian thì Lắc-ky được đưa về nhà. Khác với Đô là chú chó được bà Thìn đặt tên hợp với dáng vẻ phục phịch của nó, Lắc-ky là tên do đứa con gái út của ông Thìn gọi mà thành. Thường thì mọi người gọi nó là Ky chứ ít khi gọi đầy đủ cả tên là Lắc-ky. Nó là con chó cái, con nhà nghèo, khỏe mạnh, dẻo dai và hết lòng vì chủ. Nó thông minh, nghe hiểu tiếng người tốt. Chẳng hạn, mùa hè nóng nực, nó nằm ngửa trên sàn đá hoa cho mát. Bà chủ mắng nó: Con gái con lứa mà nằm dãi thẻ ra thế à! Lập tức, nó thu mình lại và nằm nghiêng sang một bên. Nó cũng biết quan sát và bắt chước giỏi. Nếu bị nhốt, nó có thể tự mở cửa nhà vệ sinh hoặc cửa buồng. Nó nhổm người, tựa một chân trước vào cửa, chân kia tì lên cái tay khóa hoặc núm khóa mà ấn xuống. Thế là mở được cửa để ra ngoài. Đặc biệt, nó có tài bắt chuột. Có lần chú em ông Thìn, nhà ở bên cạnh sang chơi, nói: Anh cho con Lắc-ky lên bắt hộ em con chuột. Vừa nghe đến đấy nó đã nhổm người, vểnh tai lên, đợi lệnh. Khi ông chủ kêu Lắc-ky lên nhà bắt chuột cho chú, nó liền phóng đi, chạy lên nhà chú em, 5 phút sau trở lại, nhả con chuột đang ngậm trong miệng ra trước mặt mọi người rồi ngồi xuống, nghển cổ, thè lưỡi ra nhìn mọi người chờ đợi. Mọi người kinh ngạc phục lăn, vỗ tay khen ngợi, nó kêu ứ ứ vẻ hãnh diện.


Tổ ấm – tranh sơn dầu – Lê Thế Anh.

Trong xóm, Lắc-ky không có đối thủ, kể cả con Míc béo trùng trục. Tiếp thu truyền thống của mẹ nó, Lắc-ky thường đẻ mỗi lứa 9 con, thấp nhất là 7 con. Bà chủ là người đỡ đẻ cho nó. Con của Lắc-ky rất đẹp và có nhiều màu sắc lạ lẫm, mặc dù nó và người yêu của nó, cũng là một con bẹc-giê, lông đều màu xám. Nhưng con của nó có lứa cho những chú cún con màu trắng, màu cà phê tuyệt đẹp. Ông chủ tính không có chỗ nuôi thêm nên đem cho người quen yêu quý chó, chứ không bán. Thời gian ở với nhà ông Thìn, Lắc-ky cho ra đời 4-5 lứa cún con.

Lắc-ky quý trọng ông bà chủ. Thường khi ông bà chủ có việc đi xe máy ra khỏi nhà là nó lao theo, đuổi thế nào cũng không về. Phải dừng xe, bước đến quát tháo, xua đuổi nó mới chạy trở lại. Hình như nó thích được đi ngao du, ngắm nghía phố phường. Ngày ấy, do hiểu biết còn hạn hẹp nên ông chủ chưa lần nào cho nó được thỏa mãn thưởng ngoạn cảnh đời. Chỉ đơn giản buộc một sợi dây da vào cổ nó và dắt theo xe máy là xong. Nhưng thời ấy, cái thời bao cấp bận trăm công nghìn việc nên dù yêu quý Lắc-ky cũng chẳng ai trong nhà nghĩ ra và dành thời gian chăm sóc nâng cao thể lực và tinh thần cho nó. Được cái chẳng vì thế mà nó oán trách chủ.

Nhược điểm lớn nhất của Lắc-ky là sự mẫn cán. Lắc-ky thực thi công việc canh giữ nhà hoàn hảo. Từ ngày có Lắc-ky kẻ trộm ít khi rình mò và có ý định chôm chỉa. Lắc-ky canh giữ nhà cửa cả ngày lẫn đêm chẳng hiểu nó ngủ vào lúc nào, hễ có người đi qua cửa hay dừng lại trước cửa nhà là nó sủa liền, đánh động kẻ trộm và thông báo cho chủ nhà.

Nhưng sự mẫn cán ấy đã làm hại nó.

Chẳng là ông Thìn có bà mẹ già 70 tuổi. Một thời gian bà ở với cậu út chưa lấy vợ, nhà cửa lại rộng rãi hơn của ông anh. Vài năm sau, do làm ăn chăm chỉ, ông Thìn tích cóp được ít tiền, cộng với số tiền đi vay, ông bèn cơi nới, nâng cấp nơi ở. Từ 1 tầng thành 2 tầng, rồi 3 tầng. Có nhà cao cửa rộng, ông liền mời mẹ về ở và dành hẳn tầng trệt cho bà.

Cũng từ đây rắc rối bắt đầu nảy sinh. Chả là Lắc-ky được xích ở tầng 1. Ban đêm hễ ai đi qua cửa nhà là nó sủa. Bà già 70 tuổi ban đêm bị đánh thức bởi tiếng sủa mẫn cán của Lắc-ky nhưng không biết phải làm sao, đành nín nhịn chịu đựng. Nhưng nhiều đêm mất ngủ khiến bà mệt mỏi, cực chẳng đã bà phải nói chuyện với anh con trai rằng con chó sủa nhiều quá, mẹ không ngủ được. Ông Thìn nghe vậy trách mẹ sao không bảo sớm để ông xử lý. Bà mẹ nghe vậy mừng quá. Tốt quá rồi, thế con định thế nào? Có gì đâu, để con cho nó lên tầng 3 là êm thôi.

Lắc-ky lập tức được cho lên tầng thượng, nơi có bàn thờ gia tiên và một sân nhỏ có giàn cây, bể nước khá là mát mẻ. Mấy hôm đầu nó bị cuồng chân vì sinh cảnh vắng vẻ, ít được giao tiếp với mọi người. Nhưng rồi nó cũng quen dần với cảnh trí tĩnh lặng. Nó nằm duỗi, đầu kê lên hai chân trước và ngẫm nghĩ lại sự đời. Chẳng bao lâu nó cũng quen dần với khung cảnh mới. Tuy vậy cá tính thì không thay đổi được. Nó vẫn mẫn cán, hằng đêm thấy có động hoặc nghi vấn là nó lại sủa. Nó không bỏ được thói quen. Nó có cái mũi thính và đôi tai cũng thính. Nó nghe được tiếng động từ dưới ngõ vọng lên, nó ngửi được hơi lạ mà các cơn gió thổi qua không gian bốc lên tận tầng 3. Và thế là, dù đã cho lên tầng 3, nó vẫn làm bà cụ già 70 tuổi mất ngủ. Dù rằng tiếng sủa của nó đã bị giảm đi rất nhiều bởi khoảng cách và cánh cửa ngăn phòng ngủ của bà mẹ. Dẫu sao trong đêm khuya vắng, tiếng chó sủa vẫn vọng lại và những ai thần kinh yếu vẫn bị thức giấc.

Lần này, bà cụ không than phiền với cậu con trai nữa, vì dẫu sao người con cũng đã xử lý tình huống nhạy cảm này rồi. Bà liền đem chuyện than thở với bà hàng xóm, bạn thân của bà từ ba, bốn chục năm nay, những mong tìm được nỗi cảm thông. Bà bạn tỏ vẻ phẫn nộ và buông lời trách cứ cậu con quý tử nọ. Bà bảo, nó đối xử với mẹ như thế là không được. Để mẹ mất ngủ, tội lớn lắm. Thế nhưng, bà ta không đưa ra được cái cách xử lý nào cho phải lẽ.

Một hôm, ông Thìn có việc sang nhà bà nọ.

Bà ta thấy ông Thìn liền bảo sao mày để con chó sủa cả ngày làm mẹ mày không ngủ được là sao? Ông Thìn nhỏ nhẹ đáp rằng cháu đã đưa nó lên tầng 3 rồi chứ có để ở tầng 1 nữa đâu. Nhưng nó vẫn sủa, mẹ mày vẫn mất ngủ – Bà nọ tiếp lời. Vậy là mày quý chó hơn mẹ à?! Bà ta buông ra mấy lời tưởng như chả đâu vào đâu nhưng lại là lưỡi gươm sắc bén, một lời kết tội dành cho đứa con bất hiếu! Ái chà, đến nước này là dồn vào đường cùng rồi. Xem ra bà nọ thúc giục anh phải bán tống bán tháo cái con chó đẻ ra lũ cún con toàn vàng mười hoặc phải cho nó đi khuất mắt chứ không thể để nó ở nhà thêm ngày nào nữa. Vậy là cháu không được nuôi chó hả bà? Ông Thìn gặng hỏi. Nuôi hay không tôi không biết. Anh thương mẹ anh thì anh biết phải làm gì. Nghe bà ta nói vậy, ông Thìn định đá xoáy bà ta rằng sao con bà cũng nuôi chó mà không thấy bà mất ngủ? Nhưng thôi, có đôi co cũng chẳng để làm gì.

Về nhà, ông Thìn nghĩ đến nhiều phương cách nhưng cũng chẳng có cách gì gỡ rối được, ông đành đem chuyện này bàn với vợ con xem có cách gì khả dĩ không? Hai đứa con của ông nghe chuyện thì lặng người đi, mếu máo. Chúng đã quen sống với con Ky 5-7 năm rồi. Giờ không còn nó khác gì gia đình thiếu đi một người. Vợ ông gật gù bảo nếu đã vậy thì chẳng còn cách gì cả. Chỉ còn cách đem cho nó đi thôi. Ông Thìn điếng người. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy vợ nói đúng. Muốn không có tiếng chó sủa trong nhà thì chỉ có cách cho nó đi biệt tăm thì việc nhà mới ấm êm được.

Thế rồi cái chuyện đem cho con chó yêu quý cũng phải bàn đi tính lại mất cả tuần lễ mới ngã ngũ. Bà vợ muốn đem nó cho mấy người ở cùng cơ quan, có nhà cửa rộng rãi, về đấy chắc nó đỡ khổ. Nhưng ông chồng không chịu. Mình có biết người ta thích hay không thích nuôi súc vật mà gửi nó vào đấy. Với chó, mèo hay bất cứ vật nuôi nào, người chủ phải có lòng thương yêu, chăm bẵm, có vậy thì chúng mới hay ăn chóng lớn. Có vậy, chúng mới tận tụy phục vụ gia chủ. Người ta nói anh này, chị này chăn nuôi gia súc mát tay chính là ở chỗ này. Bà vợ lại đưa ra vài gia đình trong họ mạc để tìm chỗ ở mới cho con Ky. Nhưng ông Thìn vẫn thấy không yên lòng. Ông ấy, bà ấy đến con đẻ còn chẳng coi ra gì, quát mắng chửi bới đủ kiểu thì làm sao mà yêu quý con Ky nhà mình được! Cứ bàn đi tính lại mãi mà vẫn không tìm được nơi ở mới cho con Ky hợp với sở nguyện của gia đình.

Thêm vài ngày nữa trôi qua mà chuyện ra đi của con Ky vẫn chưa được giải quyết. Bà hàng xóm thấy vậy sốt ruột hối thúc. Thế nào, mày cứ để mẹ mày mất ngủ mãi à? Đừng để đến lúc cụ lăn ra ốm rồi mới lo chuyện chăm sóc, chiều chuộng. Rõ là…

Ông chủ của con Ky là người con có hiếu. Ông không đành lòng để mẹ già lao tâm khổ tứ về chuyện tiếng sủa đêm khuya của con Ky. Ông bị giằng xé giữa sự yêu quý con Ky với lòng hiếu thảo đối với mẹ già. Nếu xử lý không tốt chuyện này để xảy ra cơ sự gì thì ông sẽ mang tiếng bất hiếu suốt đời. Vì chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau ấy.

Nghĩ mãi rồi ông cũng tìm ra lối thoát. Chẳng là cô em ruột ông là vợ một tướng lĩnh quân đội, có khuôn viên nhà cửa rộng 300m2. Nơi ấy tha hồ cho con Ky bay nhảy. Bà vợ nghe nói gật đầu cái rụp! Phải, con Ky được ở đấy thì nhất rồi. Trúng phóc! Hai vợ chồng ông Thìn đem chuyện ấy ra báo cáo mẹ già. Bà cụ nghe vậy cũng hài lòng. Phải rồi, Ky là con vật giỏi giang như thế mà đem cho thiên hạ thì phí của giời. Đến nhà cô em thì là chuyện lọt sàng xuống nia, của nả không đi đâu mà mất. Được sự ủng hộ của mẹ già, hai vợ chồng yên lòng. Lại nữa, con Ky được ở nơi mới sướng hơn thì chả có gì phải áy náy.

Nhất trí với nhau thế rồi hai vợ chồng đem chuyện con Ky trao đổi với cô em, ca ngợi con Ky hết mức. Đặc biệt là khả năng nghe hiểu, khả năng bắt chuột số một. Duy phải cái nó hay sủa làm mẹ mất ngủ… Cô em hiểu ngay ra vấn đề và đồng ý nuôi con Ky. Nhà ông tướng rộng rãi lại có cả vườn cây nên rất nhiều chuột, chúng nó phá kinh khủng. Có được con Ky thì hay quá! Anh chị cứ đưa nó đến. Vậy là xong.

Một ngày nắng ráo, con Ky được buộc sợi dây da theo ông bà chủ xuống nhà cô em. Ky ta được nhong nhong dạo phố thì thích quá nhảy cẫng lên, hăm hở chạy sau chiếc xe honda 50 phân khối chở hai vợ chồng ông bà chủ. Tội nghiệp con Ky. Nó đâu biết rằng cuộc đời nó đang sang trang khác, phía trước chẳng biết lành dữ thế nào nhưng giờ thì nó đang được đi dạo phố, cái điều nó mong ước từ lâu nên nó vui thích, hớn hở ra mặt. Thỉnh thoảng nó lại chạy từ bên này sang bên kia chiếc xe máy khiến bà chủ ngồi sau xe cầm dây xích phải quát lên. Người đi đường thấy con bẹc-giê dáng đẹp, bước chạy gọn gàng đều trầm trồ khen ngợi. Đến khi dừng trước cửa nhà cô em, nó còn đến cắn quần, kéo chân ông chủ, đuôi vẫy rối rít.

Cô em đón tiếp hai vợ chồng ông anh và con Ky với vẻ hồ hởi. Đã được gặp cô em ông chủ nhiều lần nên con Ky tỏ ra vui mừng khi cô em ông chủ vỗ tay vào đầu nó kêu Ky, Ky! Sau phút chào hỏi ban đầu, ông Thìn đưa mắt quan sát khoảng sân rộng. Ông chợt nhận ra ở phía cuối tường có một cái lồng sắt to, trong nhốt nhiều con chó. Ông hơi phân vân không biết con Ky sẽ được nhốt ở đâu? Ông hỏi, cô em chỉ vào cái móc sắt to ở góc tường nói buộc nó ở đấy. Ông lại hỏi ngày nắng thì không sao nhưng lúc mưa gió thì thế nào? Cô em bảo sẽ làm cái mái che bên trên thì sợ gì mưa gió. Ông Thìn bảo cô em làm thêm cho nó cái bục gỗ để nó nằm. Cô em cũng đồng ý. Việc thu xếp chỗ ăn ở cho con Ky thế là xong!

Nhìn cái cơ ngơi khang trang của cô em, hai vợ chồng ông chủ cũng thấy yên tâm. Con Ky được dắt đến góc tường, cái dây xích được buộc vào cái móc. Vợ ông chủ vỗ vào đầu con Ky an ủi nó: Ở đây ngoan nhé, chịu khó bắt chuột nhé. Ở đây mày không sợ bị đói đâu…

Bà chủ rơm rớm nước mắt. Con Ky được vỗ về kêu hí hí. Khi vợ chồng ông chủ dắt xe ra về, con Ky bỗng linh cảm thấy điều gì bất thường, nó nhảy lồng lên, sủa váng cả sân. Thấy vậy, lũ chó trong chuồng cũng cất tiếng sủa inh ỏi. Ông Thìn bỗng thấy bứt rứt, nhưng đã bảo cho cô em rồi kể như ván đã đóng thuyền không thể nói lại được nữa. Ông quay lại nhìn con Ky, lúc này đã thôi lồng lộn, đang đứng nhìn ông với đôi mắt chờ đợi, cầu khẩn, van lơn khiến ông vội quay đi. Đôi mắt tuyệt vọng của nó đã ám ảnh ông một thời gian dài.

*
Sau khi con Ky đến nhà cô em, cuộc sống gia đình ông Thìn trở lại yên ả. Bà cụ thôi cằn nhằn vì tiếng chó sủa đêm khuya nhưng bệnh mất ngủ không vì thế mà dứt được. Người già ai chả khó ngủ. Còn bà láng giềng, bạn của bà già, tuy không nói ra nhưng lòng thấy hỉ hả. Thứ nhất, vợ chồng nó chí ít cũng biết nghe theo lời nói phải. Thứ hai, nhà nó không còn chó nữa mình có sang nhà nó chơi chả phải sợ hãi gì!

Mọi việc tưởng xuôi chèo mát mái, nhưng không phải thế. Vắng con Ky, vắng tiếng sủa của nó mỗi khi ông bà chủ đi xa về nhà, vắng tiếng sủa ban đêm của nó cả nhà bỗng cảm thấy có cái gì thiêu thiếu, trống vắng và phập phồng một nỗi lo mơ hồ. Rồi hình ảnh mỗi lần nó sinh nở một đàn con đông đúc đẹp mê hồn lại thấy tiếc nhớ. Mấy ngày đầu hai đứa trẻ con ông Thìn mặt buồn thiu. Không ai nói ra nhưng nỗi nhớ con Ky trong nhà cứ lớn dần. Rồi đôi mắt khẩn cầu của con Ky lại hiện về ám ảnh ông… Cho đến một ngày ông Thìn không chịu được nữa liền lấy xe máy phóng xuống nhà cô em. Mặc dù nhiều lần điện hỏi thăm con Ky, cô em vẫn báo cáo đều là nó rất ngoan, nó bắt chuột giỏi lắm, nó vẫn khỏe…

Đến cổng nhà cô em, ông Thìn bỗng giật mình. Trên cái sân rộng, ở phía tường chỉ có cái lồng nhốt lũ chó của cô em, không thấy bóng con Ky, cũng không nghe thấy tiếng sủa của nó. Cô em lúng túng một hồi rồi cho biết con Ky không hợp với lũ chó nuôi của nhà. Chúng nó gây lộn, đuổi nhau, cắn nhau váng cả sân. Khách khứa đến nhà nó cứ nhìn gườm gườm, ai cũng sợ. Thế là đành phải đem nó cho chú bảo vệ. Nhà chú ở quê, đất rộng lại chưa nuôi con chó nào. Chẳng biết giờ nó sống ở quê người có được yên ổn không, hay lại… Thôi, chả dám nghĩ đến nữa.

Đành vậy. Người cũng như con vật đều có số cả. Số nó đã như vậy rồi, chỉ gắn bó với mình được một thời gian rồi phải sang nhà khác. Mà nghĩ đi nghĩ lại cũng chỉ vì cái tính mẫn cán của nó… Ai bảo nó sủa váng lên trong đêm nên mới ra cơ sự này.

Tháng 3/2022

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 24

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm