- Truyện
- Trời xanh màu tình yêu | Hoài Hương
Trời xanh màu tình yêu | Hoài Hương
HOÀI HƯƠNG
1.
- Mình đặt tên cháu nội đích tôn là Bình An, cầu mong bình an mãi mãi.
- Không, em muốn đặt tên con là Hòa Tâm. Em muốn nó mang tên Hòa của anh. Và mọi người đều hòa tâm.
- Nhưng anh muốn tên nó có chữ Bình trong Bình Minh tên em.
- Má, Ba… Vậy giờ chọn tên gì cho con ghi làm khai sanh. Mà con thấy tên nào cũng đẹp, cũng ý nghĩa.
- Lấy tên ông nội, Hòa Tâm.
- Thôi, nghe theo má bây, chớ hồi nào giờ, trái lời, má bây hờn…
- Hứ… Anh không sợ tụi nhỏ nó cười ba má…
- Anh chỉ sợ em thôi…
- Rồi, lại tiếp bài ngôn tình à ơi từ năm ngàn chín trăm hồi đó… Hai thứ tóc trên đầu, lên ông nội rồi, mà vẫn cứ như ngày xưa. Anh không chán à.
- Không! Có cho thêm một cuộc đời nữa, anh cũng sẽ như thế. Được yêu em. Được làm chồng em…
2.
Trận địa sau ba ngày ác chiến ở thề giằng co giành đất, trong một chiến dịch của cả hai bên, trước khi hiệu lực của Hiệp định Paris vừa ký kết được thực thi. Phía quân đội Sài Gòn được chi viện cùng lúc cả pháo hạng nặng, máy bay ném bom, giang thuyền trên sông, bộ binh thiện chiến đổ quân, đánh tổng lực, nên phía quân Giải phóng đành tạm thời rút quân với thương vong khá nhiều.. Chiều đó, trong chạng vạng của mùa khô, vẫn còn nắng quái, chiến địa mờ khói, nồng nặc mùi thuốc súng, hàng trăm thân dừa bị đổ gục xơ xác, ngổn ngang, một nhóm ba người lính quân đội Sài Gòn, chắc là quân y đi kiểm tra thương binh tử sĩ của họ, vì thấy ai cũng mang một túi thuốc quân trang to có gắn ký hiệu hồng thập tự. Họ đang kiểm soát từng hầm hố, từng công sự của cả hai bên.
- Nước… nước….
Hòa bỗng nghe mơ hồ tiếng kêu, rất nhỏ, đứt đoạn, chưa thể xác định từ đâu.
- Có ai nghe thấy tiếng gì không?
- Không! Không!
- Đứng tại chỗ lắng nghe xem. Tôi nghe hình như có tiếng người.
- Tôi nghe có lẽ tiếng người thiệt. Phía lùm mấy cây dừa đằng kia.
- Ờ… Đúng là… Mà tản ra, cẩn trọng, phía đó là công sự của đối phương, coi chừng họ gài trái nổ banh xác đó.
Càng tiến lại gần, Hòa và hai người trong nhóm quân y càng nghe rõ, tiếng kêu yếu ớt, giọng con gái, từ lùm cây khá rậm rạp. Cùng lúc cả nhóm lên đạn ba cây M16 chĩa về hướng phát ra tiếng kêu, đồng thời thận trọng từng bước áp sát lùm cây…
- Ôi! Một nữ Việt Cộng. Mà hình như không nghe kêu nữa.
- Không được hấp tấp. Họ thường gài mìn xung quanh, làm bộ bị thương, dẫn dụ mình lại gần là “bùm”. Người lính quân y cao tuổi nhất trong nhóm, nhiều kinh nghiệm chiến trường vội nói.
Hòa cùng hai người tạo thành ba mũi, cùng lúc tiến sát lùm cây, dùng mũi súng vạch đám lá. Đúng là một cô gái, rất trẻ, chừng 18-20, gương mặt thanh tú, khá đẹp, mặc bà ba đen, tóc búi tròn, đầu gối trên chiếc bòng cột bằng vải dù Mỹ, dọc thân là cây AK, còn vương dây đạn. Một bên vai thấy máu đang tuôn ướt đẫm, chân chắc cũng bị thương vì thấy có chiếc khắn rằn cột ngoài cũng thấm máu. Hòa đưa tay vào mũi cô, thấy còn thở, có lẽ đuối sức do máu ra nhiều, nên cô lịm thiếp đi.
Cả ba người lúc này nhìn nhau dò hỏi. Hòa lên tiếng trước, vì dù ít tuổi hơn hai người kia nhưng Hòa là bác sĩ, cấp bậc cao hơn, chỉ huy nhóm.
- Chúng ta cứu cô gái trẻ này. Xem như làm phước.
- Ông nhân từ quá.
- Vậy chứ ông có nỡ bắn vào cô ta trong tình trạng này? Dù gì chúng ta cũng là thầy thuốc mà.
- Nhưng cô ta là đối phương. Là Việt Cộng đó. Nếu cô ta tỉnh, cô ta sẽ bắn ông không thương tiếc.
- Thôi, cứu người trước. Chuyện đó tính sau. Giờ bị thương thế này cô ta không thể bắn được ai.
Hòa cùng hai ngừoi lính, đỡ cô gái dậy, cầm máu, rồi xử lý vết thương.
- Ông thiệt… May gặp tụi mình. Phải bọn thu dọn chiến trường, thì không “đòm” một phát, cũng hành hạ bằng chết đi sống lại.
- Ờ thì xem như làm phước đi.
Khi Hòa chích cho cô gái mũi thuốc trụ sinh chống nhiễm trùng, thì cô gái tỉnh lại.
Một sự hoảng hốt đến tê liệt trong ánh mắt cô gái khi nhận ra tình huống của mình.
Hòa nhìn ánh mắt đó, giống như bị xuyên mũi tên vào tim, đau thắt lại vì thương cô gái.
- Cô đừng sợ. Chúng tôi chỉ cứu cô, băng bó vết thương.
- Không phải cứu chữa cho tôi rồi sẽ bắt tôi về cho chỉ huy các ông? Thà để tôi chết đi, chứ tôi không thể để bị bắt. Các ông bắn tôi đi.
- Không! Chúng tôi sẽ để cô ở lại đây. Người của bên cô chắc tối nay sẽ tìm được. Ráng tới lúc đó. Chúng tôi để lại chút bông băng, thuốc, ít lương khô, bình nước. Uống từng hớp một thôi nha. Hy vọng cô sẽ bình an.
- Cảm ơn các ông. Cảm ơn ông.
Khi nhóm của Hòa dợm bước đi, thì nghe cô gái gọi, giọng còn khá yếu:
- Ông cho biết tên, để mai này, nếu trời cho sống, tôi sẽ luôn cầu nguyện để ông gặp bình an.
- Tôi tên Hòa. Nguyễn Hiếu Hòa. Tôi cũng nguyện cầu cho cô may mắn.
3.
Hòa có cảm giác trĩu nặng và lo lắng cho số phận cô gái Việt Cộng. Dù biết đêm tối, phía Giải phóng sẽ bí mật trở lại chiến địa tìm kiếm đồng đội, và có thể cô gái sẽ được tìm thấy và đưa về cứ của họ cứu chữa. Mà không hiều sao, khi ngắm nhìn gương mặt cô gái, dù lúc đó trắng xanh yếu ớt, bê bết lấm lem, Hòa vẫn nhận ra là một nhan sắc của mỹ nhân, trái tim bỗng dưng như bị cú sốc, vì thương. Hòa quyết bảo vệ cô gái, dù biết, nếu hai người kia báo cáo sự việc lên cấp trên, Hòa có thể bị kỷ luật ra tòa án binh… Nhưng sao lúc đó Hòa không nghĩ được nhiều như thế, chỉ nghĩ là phải cứu chữa cho cô gái, phải để cô gái ở lại không bắt về chỉ huy sở chiến trận, bất chấp những lời can ngăn của hai người trong nhóm.
Có thể, cả ba người đều xuất thân từ ngành y, cùng bị bắt quân dịch, nên trong họ, phần nhân đạo đã thắng mọi suy nghĩ khác biệt. Nên sự việc xem như không có chuyện gì xảy ra. Phần riêng Hòa, sau ngày đó, hình ảnh cô gái Việt Cộng luôn trở đi trở lại, Hòa tin cô gái còn sống, dù không biết bám niềm tin vào điều gì. Phải chăng ở lời hứa như một câu nói cảm ơn: “… tôi sẽ luôn cầu nguyện để ông gặp bình an”. Kỳ lạ, khó lý giải vì sao Hòa coi cô như nữ thần hộ mệnh, mỗi khi bước vào một trận chiến, lại thầm nói: “Em hãy nguyện cầu cho tôi bình an. Nhất định sau này tôi sẽ tìm gặp được em”. Cũng không biết có phải thế, mà qua nhiều trận đánh, phía quân đội Sài Gòn tử thương rất nhiều, có lần, cả nhóm quân y dã chiến của Hòa bị pháo của Giải phóng đánh điểm, chỉ còn mình Hòa sống sót với vài vết thương nhẹ…
Tháng 5/1975, chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, Hòa dù là bác sĩ, nhưng vì phục vụ trong quân đội Sài Gòn nên phải ra trình diện và tập trung học tập theo chủ trương của Ủy ban quân quản. Với Hòa, cũng không phải là việc để quá bận tâm, vì xuất thân từ cô nhi viện, khi vào trại, có chuyên môn ngành y, nên được phân công làm việc trong trạm xá, cũng không quá vất vả gì. Nhưng mỗi khi đêm về, Hòa lại không thôi nhớ người con gái Việt Cộng năm xưa. Không biết cô ấy còn sống không? Không biết bây giờ cô ở đâu? Không biết cô có cỏn nhớ tới tay bác sĩ quân y Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã cứu chữa cho cô? Ờ, mà ngày đó, Hòa cũng không hỏi tên cô là gì. Giờ mà có ra khỏi trại, muốn tìm cô làm sao tìm. Tất cả mọi thông tin chỉ là con số “0”. Biển người mênh mông. Mà cô ấy là người của Giải phóng. Lấy tư cách gì mà tìm. Hòa đêm đêm thao thức vì nhớ, vì tương tư một bóng hình rất mơ hồ và không tưởng như thế.
4.
- Em à, em có nghĩ là rất viển vông khờ dại không? “Bóng chim tăm cá”, có mỗi cái tên, làm sao mà tìm. Biết đâu anh ta cũng đã chết trận rồi. Mà có còn sống, thì bên mình, bên họ… Nhất là trong lúc này, họ là người của chế độ cũ.
- Cho dù biết là tìm người như thể tìm chim, nhưng em cũng cứ tìm, để nói một lời cảm ơn. Mạng của em là anh ta cứu. Chừng nào, tất cả các trại không có ai tên đó, thì em chấp nhận, anh ta không còn trên đời này…
- Sao em lì thế. Em có biết việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác phấn đấu của em đó. Bao chiến công, bao thành tích, không lẽ chỉ vì một tay quân y Sài Gòn không rõ tung tích nhân thân, mà em đánh đổi.
- Không! Em tin anh ta còn sống. Em tin anh ta không phải kẻ ác. Nếu ác thì đã bắt em mang về lãnh thưởng, thêm bông mai rồi. Giúp em cho cái giấy giới thiệu đến các trại em đi tìm… Không có, em quay về, an tâm công tác. Còn không, cả đời em ăn ngủ không yên.
Và cô đi tìm, một cuộc tìm kiếm gần như vô vọng, gần như xác xuất thành công cũng rất hoang đường. Nhưng không hiểu sao, cô linh cảm anh còn sống. Nhất định cô sẽ tìm ra. Không thế, sao cô luôn mơ giấc mơ của ngày hôm đó, mơ thấy lúc anh ta trước khi đi còn ngoái lại nói cho cô biết tên. Cái tên Nguyễn Hiếu Hòa nghe là lạ mà hiền. Giống như một định mệnh. Cô nhớ, đêm đó, đồng đội quay lại tìm thấy cô, cô kể cho nghe được ba người lính quân y Sài Gòn cứu chữa. Chỉ duy nhất giữ riêng cho mình không kể, là cô biết tên vị bác sĩ, còn hứa sẽ cầu nguyện cho anh ta bình yên, một bí mật của riêng cô. Cái tên cũng theo suốt những trận chiến sau này, mỗi lần vào trận cô lại thầm cầu nguyện cho đừng có anh ta tham gia chiến trận, cầu nguyện anh ta đừng bị chết ở chiến trường, vì lỡ đâu, viên đạn đó từ cây súng của cô…
Sau cùng, ông trời thương sự kiên trì, hay là mách bảo từ trái tim của cô được đền đáp. Cô đã tìm thấy cái tên Nguyễn Hiếu Hòa ở một trại thuộc vùng cao nguyên miền Trung. Lúc đầu, thật sự cô không biết bắt đầu từ đâu để tìm, đến nơi lưu giữ hồ sơ, nhìn những tập danh sách dày, như đám rừng chi chít, dò tìm cả ngày, hoa hết cả mắt… Sau cô nghĩ, anh ta là bác sĩ, chắc sẽ được phân công làm việc trong trạm xá trại, theo hướng đó, đến trại nào, cô cũng hỏi bắt đầu từ trạm xá… Đúng như cô dự đoán. Cô đã tìm ra. Cô nhờ cán bộ trại cho cô thấy mặt bí mật, xác nhận xem có đúng người. Dù có chút hốc hác, nhưng anh ta không khác gì lúc cô gặp lần đầu tiên.
Cho dù nôn nóng gặp, nhưng cô e ngại, nhiều suy nghĩ rối nùi, lộn xộn làm cô lúng túng. Không biết anh ta còn nhớ cô? Không biết anh ta đang trong tình trạng “học tập” này, có thù hận cô không? Không biết anh ta có thật sự muốn gặp lại cô?... Sau cùng, cô chọn cách viết thư, nếu anh ta chấp nhận, sẽ có thư lại, còn không, thì xem như cô cũng thỏa nguyện.
Vào ngày cuối tuần, các quản giáo mang thơ gia đình phát cho mọi người. Những lúc này, Hòa hay tìm một góc xa xa, thu mình ngồi khuất sau bức vách ngăn, không có ngừoi thân, biết chắc là không bao giờ có. Chút tủi hờn thân phận thoáng qua.
- Nguyễn Hiếu Hòa đâu ra lấy thơ.
- Hòa ơi… Ông có thơ nè. Rồi, hôm nay trúng số độc đắc nghe. “Mồ côi” có người viết thơ gởi…
Nghe tiếng kêu, Hòa đứng dậy đi về phía cán bộ quản giáo, lòng đầy nghi hoặc, một chút hoang mang, có lẽ ai đó lộn… Cầm lá thơ trên tay, người nhận đúng tên Hòa, người gởi là một cái tên con gái rất đẹp nhưng lạ hoắc- Bình Minh, nét chữ nghiêng mềm, địa chỉ càng “choáng” hơn- Ủy ban Quân quản thành phố… Hòa bỗng run, chưa dám bóc ra coi. Giống như một ánh chớp lóe. Hòa toát mồ hôi khi chợt nghĩ tới người nữ Việt Cộng năm xưa. Không lẽ là của cô ấy. Dù không biết tên, nhưng sao Hòa đinh ninh tên này chắc chắn của cô, cô ấy đẹp như một bình minh trong tâm trí Hòa bao lâu nay.
Rất khó nói cảm giác của Hòa lúc này, vừa muốn mở thơ ra đọc, vừa sợ những dòng chữ trong đó phũ phàng. Hòa cứ cầm lá thơ trong tay xoay ngang xoay dọc, rồi như không thể kiềm chế cảm xúc, sẵn sàng đón nhận bất kỳ điều gì.
“Kính gởi anh Nguyễn Hiếu Hòa! Anh còn nhớ cô gái Việt Cộng được anh cứu chữa ở chiến địa năm xưa? Hôm đó, nếu gặp người khác có lẽ cuộc đời của em không biết ra sao. Có thể bị chết, mà còn chết trong đau đớn nếu bị bắt làm tù binh... Giữ đúng lời hứa, em đã luôn cầu nguyện cho anh được bình an. Em cũng được biết anh không có thân thích bà con. Cho em xin phép được làm người thân của anh….”. Hòa đọc thêm lần nữa, và lần nữa, ấp lá thư trên ngực. Một dòng nước ngọt mát như đang tràn trong người Hòa, một niềm xúc động dâng đầy, tưởng chừng muốn ngạt thở, tưởng chừng tim đập chậm mỗi giây một nhịp… Niềm vui quá lớn. Hòa không còn cô độc nữa. Nhưng những khoảnh khắc như ánh chớp hạnh phúc với Hòa qua nhanh. Hòa nghĩ về hiện thực. Một vệt buồn đâm ngang, Hòa sao có thể với trẻo cao, sao có thể kết thân với người của cách mạng…
Thơ đi thơ lại, trong thơ cũng có thật nhiều trải lòng của hai người, đã có những le lói tình cảm dù chưa gọi tên, nhưng giống như những rung động gây thương gây nhớ. Cả hai đã gặp nhau. Dù đã từng một lần ngắm dung nhan cô, biết là một nhan sắc, nhưng khi gặp lại, Hòa vẫn thấy bối rối, cô quá đẹp, một vẻ đẹp như tỏa sáng, rạng ngời, thanh khiết, thân thiện. Hòa khi ở bên cô, luôn lúng túng, nói năng trở nên lọng cọng, đôi khi thành ngây ngô…Còn cô, cô chỉ cười, nhìn sâu vào mắt Hòa, ánh nhìn trìu mến, cảm thông. Không nói ra, hay tránh nói ra, cả hai đều cảm nhận sau mỗi lần gặp nhau, trái tim của họ có phần khác lạ, tần số rung động cùng một nhịp, cùng hướng về nhau, nghĩ nhớ đến nhau nhiều hơn, và cũng hình dung ra những trở ngại chông gai, trắc trở khó lường, bởi sự “bên này”, “bên kia”, cùng bao nhiêu khoảng cách bất thành văn như bức tường beton chắn ngang, khi họ xích lại gần nhau.
Nghĩ tới thân phận mình, Hòa đã có lúc muốn dứt khoát mối quan hệ này. Đã định lần gặp tới sẽ nói lời chia tay, xem nhau như một kỷ niệm đẹp. Ngay anh em bạn bè trong trại, nghe nói Hòa quen một cô Việt Cộng, lại từng cứu cô năm xưa, có kẻ quá khích còn chửi Hòa “sọc dưa”, cho rằng Hòa khéo là “Jave”- mật thám trong trại, kêu tẩy chay Hòa, cô lập Hòa…Nhưng lần gặp nào Hòa cũng không thể thốt ra được lời đó, khi thấy những tình cảm cô dành cho mình, thương yêu và chân tình, chỉ thấy ngày một yêu hơn người nữ Việt Cộng này...
Còn cô, cũng đang có cuộc nội chiến. Trong cô, nhiều khi nghĩ về mối quan hệ đang dần chuyển thành tình yêu với người bác sĩ quân y Quân đội Sài Gòn, cô không biết mình đúng hay sai. Bắt đầu từ sự biết ơn, từ suy nghĩ anh dù là “bên kia” nhưng là người nhân đạo, từ sự thương cảm thân đơn côi của anh, từ những chia sẻ về cuộc sống, về sự lạc quan tương lai, về những mong mỏi sẽ giúp đời chăm sóc sức khỏe người dân nghèo của anh, và cả từ việc không thấy anh có một chút nào tỏ ý oán giận, hận thù hoàn cảnh…
Đồng đội biết chuyện cô đi tìm người bác sĩ quân y Sài Gòn cứu cô năm xưa, rồi lại đang có vương vấn tình cảm với anh ta, đều khuyên cô hãy suy nghĩ kỹ, vì đây không chỉ là chuyện tình cảm đơn thuần giữa hai trái tim, mà còn rất nhiều điều trái ngược trong các quan hệ xã hội, tư duy về lý tưởng Tổ quốc và nhân dân… Chưa kể, có khi anh ta còn lợi dụng cô, đánh vào tình cảm cô để mưu lợi một điều gì khó nói trước. Có đồng đội đang theo đuổi cô, thì cho rằng cô còn trẻ, có chút lãng mạn bồng bột, ở vị thế hiện tại, cô có chút hiếu thắng, muốn ban phát tình cảm cho người ta…, chứ chắc gì yêu. Và khuyên cô nên nhanh chấm dứt mối quan hệ này, vì không mang lại một hứa hẹn tốt đẹp nào, có khi còn làm hỏng tương lai cô..
An ủi nhất, là gia đình cô lại không ý kiến gì, để cô quyết định. Má nói, đã “giao” cô cho cách mạng từ năm cô 15 tuổi, thì nay má để tổ chức và cô tự quyết. Ba còn dễ hơn, nói, cô thương ai là ba chịu, vì ba tin cô.
Và cô có quyết định cho cuộc đời mình từ sự mách bào của trái tim.
5.
Một chuyện bất ngờ, không biết là định mệnh hay là tình yêu của họ đã cảm lòng trời. Hòa được quyết định ra trại, sau một lần hoàn thành ca mổ cấp cứu viêm ruột thừa cho người trại trưởng khi không kịp đưa ông về bệnh viện quân y tỉnh. Và vui hơn, Hòa được một bệnh viện của thành phố nhận về, vì thật sự Hòa là một bác sĩ giỏi.
Một cái kết thật viên mãn, dù phải trải qua hết mấy năm để vượt từng “chướng ngại” của bao nhiêu thử thách trong tình yêu của hai người. Giờ đây, họ sống hạnh phúc viên mãn.
Nắm tay nhau, họ nhìn nhau, soi trong ánh mắt, trời xanh màu tình yêu.
Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM