TIN TỨC

Vợ chồng bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-03-03 09:57:49
mail facebook google pos stwis
12495 lượt xem

BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

Đó là bác sĩ Lý Văn Chuyên (SN 1972) và vợ là bác sĩ Tô Thị Liễu (SN 1975) ở thị trấn huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng.

Bác sĩ Lý Văn Chuyên và vợ là bác sĩ Tô Thị Liễu 

Góp công sức chống dịch thành công

Khi bác sĩ Chuyên công tác ở bệnh viện huyện Bảo Lạc (năm 2002-2004), lúc bấy giờ bệnh viện không có bác sĩ phẫu thuật. Tôi là người của đoàn kinh tế quốc phòng 799 Quân khu 1 được chi viện tăng cường cho địa phương, đã huấn luyện và đào tạo anh thành phẫu thuật viên giỏi. BS Chuyên không chỉ có đức, có tài mà còn có sở trường về ngoại khoa nên tiếp thu nhanh, sáng dạ, tay nghề ngày càng giỏi.

Tháng 3 – 2019, bác sĩ Chuyên được bổ nhiệm giám đốc trung tâm y tế huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng. Trên cương vị mới anh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới về công tác phẫu thuật ngoại khoa, tại đơn vị mà trước đây chưa thực hiện được.

Tháng 11-2021 do một số người dân đi làm ăn, kiếm sống ở miền Nam trở về quê, mặc dù đã thực hiện cách ly vẫn cứ xảy ra lây lan trên toàn tỉnh, huyện Bảo Lâm xuất hiện ca đầu tiên bị nhiễm Covid-19 là người ở vùng dịch (tỉnh Bắc Ninh) trở về. Trong tình thế cấp bách, bệnh viện được thành lập khu dã chiến truyền nhiễm điều trị cho bệnh nhân Covid- 19. Khối lượng công việc tăng đột biến, các y bác sĩ của đơn vị làm việc suốt đêm ngày. Lúc đó, bệnh viện dã chiến trong tình trạng quá tải bởi hơn 500 ca F0. Các y bác sĩ phải quên đi cái Tết cổ truyền đang đến, quên cả người thân bạn bè để dồn hết tâm trí, sức lực, tài lực để hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, cứu sống người bệnh, giành lại cuộc sống cho nhiều người từ bờ vực tử thần.

Bác sĩ Lý Văn Chuyên kể lại: Tình thế lúc ấy có thể nói là “dầu sôi lửa bỏng”. Anh cùng ban lãnh đạo đơn vị tham mưu cho huyện triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch. Trên cương vị phó ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19, là cơ quan chịu trách nhiệm chính về chuyên môn, đơn vị đã triển khai nhanh chóng các biện pháp khoanh vùng, truy vết, sàng lọc, cách ly, điều trị kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Anh cũng tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của huyện thực hiện điều trị theo dõi F0 tại nhà, giảm tải cho khu điều trị, giảm kinh phí, nhân lực. Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm cũng là đơn vị đầu tiên triển khai cách ly điều trị F0 tại nhà của tỉnh, là cơ sở để các huyện khác áp dụng cách ly điều trị F0 tại nhà.

Đối với những tỉnh, thành miền xuôi, đi lại dễ dàng, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng có nhiều mặt thuận lợi. Song ở tỉnh miền núi như Cao Bằng, việc tiêm vaccine cho người dân là không hề dễ dàng. Địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, đường sá không thuận tiện, những lúc nắng bụi mưa lầy, đến với người dân trong các bản làng xa xôi là hết sức khó khăn. Mặt khác, trình độ dân trí nhiều vùng chưa cao, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine nên tỉ lệ tiêm vaccine còn thấp. Song các cán bộ ngành y tế huyện Bảo Lâm không nề hà gian khó. Để đồng lòng phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, bác sĩ Chuyên cùng cộng sự đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của huyện tăng cường công tác truyền thông, đưa các đội tiêm chủng đến tận các bản làng xa xôi, nâng cao tỉ lệ tiêm chủng. Bảo Lâm cũng là huyện đầu tiên trong tỉnh có cán bộ y tế đi đến các bản làng để tiêm vaccine phòng covid -19. Hình ảnh các anh chị trên chiếc xe máy, vượt qua các ngả đường rừng núi xa xôi, đến tiêm phòng Covid-19 cho người dân đã lay động tâm thức nhiều người. Người dân tin tưởng thêm, rủ nhau đến tiêm ngừa một cách tự giác. Hình ảnh này cũng lan tỏa cảm xúc cho các cán bộ ngành y tế huyện khác trong tỉnh cùng hăng hái đến tiêm chủng cho dân ở các bản làng.

Trò chuyện với tôi, tâm sự về việc này, bác sĩ Chuyên cho biết: “Dịch bùng phát lần này, không những ngành y tế mà tất cả các ban ngành đều vất vả, làm việc xuyên đêm không có thời gian nghỉ. Nhưng điều tất cả đều vui là được đồng bào tin tưởng nghe và làm theo. Trong khâu điều trị, bệnh viện đã nâng sức đề kháng và thải độc, người bệnh nhanh hồi phục, có kết quả âm tính”. Ông Công Văn Hưu, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm đánh giá: “Dù dịch bùng phát tại huyện, song huyện đã nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, dập dịch và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có hiệu quả. Trong công lao lớn đó có sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế, có cá nhân bác sĩ Lý Văn Chuyên”.

Các y bác sĩ lên với bản làng để tiêm vaccine Covid-19 cho người dân

Nữ bác sĩ giỏi việc nước, đảm việc nhà

Vợ của bác sĩ Lý Văn Chuyên là bác sĩ Tô Thị Liễu. Chị làm trưởng khoa y tế công cộng và dinh dưỡng ở Trung tâm y tế huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Đây cũng là nơi tuyến đầu vùng đặc biệt khó khăn. Ngày thường, nơi đây cũng đã là địa bàn khó khăn, đến tháng 11-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát thì nơi đây càng khó khăn gấp bội.

Huyện có diện tích hơn 920 km vuông, địa hình rừng núi hiểm trở. Chị Liễu đã cùng đồng nghiệp trực tiếp xuống các địa bàn để lấy mẫu xét nghiệm cho hàng ngàn người dân bất kể ngày đêm. Làm việc căng thẳng, nặng nhọc, liên tục nên ai cũng đau lưng, đôi vai nhức mỏi, nhiều người đứng lâu chân bị phù, mất cảm giác. Cùng tham gia trên tuyến đầu phòng chống dịch, các anh chị truy vết, dập dịch, phun khử trùng, chăm sóc và điều trị F0 nhẹ tại nhà. Có bản đường vào chỉ có lối mòn đi ngựa hoặc đi bộ. Lúc này dù đôi chân đau nhức nhưng vì nhiệm vụ, vì người bệnh mà quên đau, quên đói, quên mệt mỏi. Chị vẫn nở nụ cười tươi nhắc nhở mọi người chấp hành quy định và động viên người bệnh yên tâm điều trị.

Hỏi chị Liễu về kỷ niệm khó quên trong những ngày cao điểm phòng chống dịch, chị kể về trường hợp của chị Tô Thị Dung (sinh năm 1970) ở bản Nà Chùa, thị trấn Bảo Lạc. Ngày 16-2-2022, chị Dung bị sốt ho và đau họng, đi khám xét nghiệm xác định chị nhiễm Covid-19. Lúc này tinh thần hoảng loạn, chị Dung không ăn uống gì, đòi đi đón thầy Tào về cúng con ma rừng cho chị được bay về trời gặp chồng đã quá cố, bỏ mặc con và cháu. Nhưng được BS Liễu cùng tổ y tế cộng đồng đến tận nhà động viên, cấp thuốc điều trị, chị đã khỏi bệnh. Chị Dung nói trong niềm xúc động: “Cảm ơn bác sĩ Liễu và các cán bộ ngành y đã cho tôi được sống cùng con cháu, cùng bản làng mình!”.

Dù phòng chống dịch Covid-19 và công việc cứ đầy lên với những nhọc nhằn, vất vả, song bác sĩ Liễu vẫn luôn động viên chồng đang chống dịch suốt mấy tháng không về. Cùng với “việc nước”, chị vẫn chu toàn mọi công việc gia đình, chăm lo bố mẹ già các con. Hiện con gái lớn của anh chị đang học đại học y khoa năm thứ 5, con trai học lớp 12, năm nào cũng học sinh giỏi xuất sắc.

Kỷ niệm không quên
Trong những kỷ niệm của tôi với bác sĩ Chuyên, có kỷ niệm liên quan đến một ca phẫu thuật đáng nhớ. Đó là chiều ngày 26-5-2003, cô Hoàng Thị Thú SN 1981), cô gái trắng trẻo, xinh đẹp ở xã Xuân Trường bị viêm ruột thừa đã vỡ mủ, song dù đã được giải thích vẫn không cho mổ. Bác sĩ Bế Thị Phìn lo lắng: “Nếu người dân không đồng ý thì không mổ được đâu”. Nhớ lời trung tướng Đàm Trại -Chính ủy  Quân khu 1 căn dặn: “Không được để đồng bào của mình chết oan uổng”, nên tôi dặn y tá Vũ cứ gây mê và nói vui: “Sợ gì mà không dám mổ” khiến tất cả đều cười và không e ngại nữa. Tôi đứng để bác sĩ Chuyên trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật và ca này đã thành công. Sau đó chúng tôi mới biết do người xấu tuyên truyền rằng có sẹo mổ thì chết không bay về trời được, nên cô gái đó không dám mổ. Lúc Hoàng Thị Thú ra viện, cô rất vui và cảm ơn các y bác sĩ đã cứu sống mình.

BS Thân Thiện Hiền – nguyên bệnh xá trưởng bệnh xá quân dân y kết hợp, Đoàn kinh tế quốc phòng 799, Quân khu 1

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm