TIN TỨC

Phan Thị Thanh Nhàn nửa thế kỷ vấn vương “Hương Thầm”

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-06-23 10:42:05
mail facebook google pos stwis
755 lượt xem

Lê Thiếu Nhơn

 Tên tuổi thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn gắn liền với bài thơ “Hương thầm” phổ nhạc thành một ca khúc nổi tiếng. Bài thơ “Hương thầm” được thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn sáng tác năm 1969, đến nay đã tròn nửa thế kỷ. Nhiều thế hệ đã hát “Hương thầm” với niềm mến mộ dành cho thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn. Thế nhưng, công bằng mà nói, thơ Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ có “Hương thầm”!

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Bây giờ, gặp thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn ngoài đời, ít ai nghĩ rằng chị đã qua tuổi “cổ lai hy” từ lâu. Thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn có nét vui vẻ, hòa đồng, trẻ trung và điệu đà của riêng chị. Thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn sinh năm 1943 tại mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, nơi mà tuổi 30 chị đã viết bài thơ dài “Thành phố tôi yêu” với những nghẹn ngào về cuộc sống thơ ấu bên Đê La Thành “Lá cải già mẹ không nỡ bỏ đi/ Vại dưa mặn suốt thời thơ bé/ Guốc không có, chân lau vào chổi rễ/ Chị lớn rồi, áo chật vá nhường em” và những câu hăng say cổ vũ phát triển đô thị “Tay Hà Nội vươn dài theo quy hoạch/ Nao nức nghĩ về thành phố tương lai”. Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí – Trường Tuyên giáo Trung ương, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn từng làm phóng viên báo Hà Nội Mới rồi chuyển sang làm Phó Tổng Biên tập báo Người Hà Nội. Nói chung, về sự cống hiến và sự thành đạt giữa đời thường, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn không hề thua kém ai. Thế nhưng, điều tạo ra đột phá trong số phận của chị, vừa nâng đỡ lại vừa bất trắc, chính là thơ.

Thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn bắt đầu xuất hiện trong làng thơ bằng ấn tượng ở cuộc thi thơ năm 1969 – 1970 của báo Văn Nghệ. Với hai bài “Hương thầm” và “Xóm đê”, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn đã giành được giải nhì cùng với Vương Anh và Bế Kiến Quốc (giải nhất thuộc về Phạm Tiến Duật). Cùng sánh vai nhau thuở khởi nghiệp của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn, nhưng những câu thơ trong bài thơ “Xóm đê” như “Chuyện cũ xóm đê để lại nếp nhăn trên trán mẹ/ Nhưng chúng tôi lớp trẻ vô tư/ Cứ lớn lên rộn rã ước mơ/ Có lúc quên ngoái nhìn quá khứ” không được mấy ai nhớ như bài thơ “Hương thầm”. Mang bóng dáng một câu chuyện lãng mạn, bài thơ “Hương thầm” miên man kỷ niệm: “Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Không hiểu vì sao không khép bao giờ/ Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa/ Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận/ Họ ngồi im không biết nói năng chi/ Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi/ Nào ai đã một lần dám nói/ Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không dấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu/ (Anh vô tình anh chẳng biết điều/ Tôi đã đến với anh rồi đấy…)/ Rồi theo từng hơi thở của anh/ Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực/ Anh lên đường/ Hương thơm sẽ theo đi khắp/ Họ chia tay/ Vẫn chẳng nói điều gì/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi”.

Tuyển tập Phan Thị Thanh Nhàn

Năm 1984, tức là 15 năm sau khi bài thơ “Hương thầm” ra mắt, nhạc sĩ Vũ Hoàng đã phổ nhạc thành một ca khúc cùng tên. Phải thừa nhận, nhạc sĩ Vũ Hoàng đã sử dụng hầu hết những câu thơ quan trọng của bài thơ để làm ca khúc, nhưng lại vô tình tạo nên một…sự lệch lạc so với nguyên tác. Bài thơ “Hương thầm” viết “cửa số hai nhà cuối phố, không hiểu vì sao không khép bao giờ”, còn ca khúc thì “khung cửa sổ hai nhà cuối phố, chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ”. Có thể do phục vụ giai điệu và tiết tấu, phải thêm chữ “khung”, nhưng ngẫm nghĩ thì thấy rất buồn cười. Cửa sổ mới có khả năng khép hoặc mở, còn cái khung của cửa sổ thì phải cố định. Đã là “khung cửa sổ” thì vĩnh viễn “không khép bao giờ”, chứ đừng thắc mắc “vì sao”. Vậy mà, kỳ lạ thay, “khung cửa sổ” vẫn hát véo von suốt 35 năm qua.
Dù muốn dù không, vẫn có thể khẳng định, chỉ cần bài thơ “Hương thầm” cũng đủ lưu danh thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn vào lòng công chúng. Thế nhưng, thơ cũng có duyên có kiếp như người, có những bài thơ hay nhưng không thể vang dội bằng bài thơ được phổ nhạc. Ở trường hợp thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn xin lấy ví dụ bài thơ “Con đường” mà chị viết năm 20 tuổi: “Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em/ Hàng cây nay đã lớn lên/ Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau/ Hai ta không biết vì đâu/ Hai con đường rẽ ra xa nhau hoài/ Nếu cùng người mới dạo chơi/ Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu”. Thần thái của bài thơ “Con đường” nằm hết ở bốn câu đầu, nhưng nếu không có sự bâng quơ lý giải ở sáu câu sau thì lại mất đi cái tính ương gàn nhiễu sự của tuổi trẻ và tính đa đoan nũng nịu của thiếu nữ. Cũng với kiểu suy tư bất trắc ấy, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn cũng có hai câu thơ khiến nhiều người vội vàng hẹn hò và sốt ruột kết hôn bỗng dưng giật mình: “Người tôi yêu đã đi xa/ Người yêu tôi lại ở nhà, chán ghê!”.

Thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn từng có những ngày vợ chồng ấm áp trong căn hộ tập thể trên cao mỗi ngày mơ màng nhìn xuống hồ Hoàn Kiếm với thi sĩ Thi Nhị. Đáng tiếc, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Năm 1979, khi thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn đi thực tế sáng tác ở Nha Trang thì thi sĩ Thi Nhị mất đột ngột ở Hà Nội. Thời ấy, máy bay đâu có dễ dàng như hôm nay, khi người vợ trở về nhà thì thân nhân đã đưa người chồng ra nghĩa trang. Nỗi đau giống như một vết thương trong lòng thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn, thỉnh thoảng lại cồn cào trên trang thơ: “Ước gì gặp lại anh/ Dù chỉ trong phút cuối/ Để nói một lời thôi/ Em đã yêu anh nhất/ Ước gì giọt nước mắt/ Thấm được vào môi anh/ Để trong giờ phút cuối/ Anh biết em ở gần”. Sự bơ vơ ở thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ qua cảm nhận “Bữa ăn vắng một người/ Tìm đâu ra mùi vị/ Khói cơm cay mắt thế/ Bây giờ em mới hay/ Hun hút hai hàng cây/ Gió thổi dài ngơ ngác/ Thành phố vắng một người/ Đường không ai dạo chơi” mà còn qua hành động “Một mình tìm đến cùng anh/ Nghĩa trang chiều muộn lặng thinh gót giày/ Khói nhang nhè nhẹ thẳng bay/ Nối em vào cõi khói mây nhạt nhòa”.

Mất chồng, một mình nuôi con, một mình dựng nhà, một mình làm thơ, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn dựa vào trái tim yếu mềm mà đi qua những ngày âm u. Góa bụa ở tuổi 36 là một cảm giác kinh khủng, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn hiểu như vậy, và không khép cửa bao nhiêu tơ vương đến với mình tình cờ hoặc toan tính: “Bất ngờ ai bỗng gọi em/ Cho tôi bối rối lặng im mỉm cười”. Thậm chí, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn bẽ bàng “Rồi có thể vợ và con ríu rít/ Anh nhẹ nhàng quên hết chuyện đôi ta/ Anh hối hả đón cuộc đời hạnh phúc/ Tôi bàng hoàng mãi chẳng hiểu ra” rồi chấp nhận “Và bây giờ người ấy đã ra đi/ Tôi bỗng thấy đàn ông xa lạ quá/ Hình như họ có chút gì hoang dã/ Có chút gì tàn nhẫn vô tâm”. Thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn lấy sự hồn nhiên để an ủi sự cam chịu. Chị dùng đôi mắt độ lượng để tạm biệt những cái cũ, từ tạm biệt “Người yêu cũ” quay lưng: “Như giếng cạn giấu sao trời dưới đáy/ Anh mãi là kỷ niệm thuở ngây thơ/ Hãy thơm phức như trái cây chờ hái/ Đừng bắt em uống cạn chén trà thô”, đến tạm biệt “Những bài thơ cũ” ngậm ngùi: “Với tôi thuở ấy thiêng liêng/ Câu thơ đập giữa nhịp tim bất ngờ/ Nay còn ai được như xưa/ Còn ai xứng với bài thơ tôi cầm” và tạm biệt cả “Nhà cũ” bồi hồi ký ức: “Căn nhà đã nhốt/ Những ngày trong veo/ Mùa xuân còn mãi/ Nơi mình buông neo”. Thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn bộc bạch: “Tôi là người chỉ nhìn cái đẹp, cái đáng yêu của đời sống và mỗi con người. Trong tình yêu, tôi thường nói là tôi làm thơ thất tình là chính. Nhưng chính những người mà tôi đã từng yêu và đã từng thất vọng, tôi vẫn giữ những kỷ niệm đẹp khi họ chưa bị lộ những điểm yếu mà sau này mình mới biết, đã khiến mình chán nản và từ bỏ. Nhưng cái gì đẹp thì tôi còn lưu giữ mãi. Tôi cảm ơn tất cả các chàng đã có lúc khiến tôi xúc động làm được thơ ghi lại tình cảm chân thành của tôi dành cho họ. Tôi đã có những bài thơ được bạn bè và người đọc chia sẻ, yêu thích. Đó là nhờ tôi đã… yêu nhầm khi nghĩ là họ đáng yêu. Thế là quá “lãi” với tôi rồi!”.

Tuy nhiên, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ có thơ tình. Thơ về sản xuất hoặc thơ về thời sự cũng được chị viết khá khéo léo. Chị nhờ hai câu lục bát cứu bài thơ “Hội cấy mùa xuân” khỏi không khí thơ phong trào “Đừng khen làm cuống chân em/ Đừng khen kẻo mạ cắm nghiêng bây giờ”. Chị nhờ bốn câu kết mà cứu bài thơ “Chân dung người chiến thắng” viết về ngày 30-4-1975 khỏi không khí minh họa “Tôi trở về nhà với ngọn đèn con/ Viết lại xóa bài thơ không đủ ý/ Đành ghi chép vào sổ tay thầm nghĩ/ Những ngày này tự nó đã là thơ”. Do đó, khi day dứt, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn cũng có những câu thơ nhức nhối: “Có đôi lúc buồ/ Tôi đã định tự tử/ Sống làm chi khi bè bạn bon chen/ Cơ quan quanh năm đấu đá/ Sống làm chi khi người yêu thành người lạ/ Ngày như đêm một mình/ Sống làm chi lương ba cọc ba đồng/ Viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ/ Sống làm chi khi mọi tượng thần đều sụp đổ/ Người ta tin yêu lại hóa tầm thường/ Vậy mà tôi vẫn sống nhơn nhơn/ Vẫn cười nói họp hành trưng diện/ Vẫn hy vọng kiếm được một ông chồng đáng mến (một người đã thông minh lại giàu)/ Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau/ Tôi vẫn còn yêu đời quá”.

Thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Chị được độc giả chào đón khắp nơi với bài thơ “Hương thầm”, nhưng chị cũng gửi cho họ những băn khoăn của một người làm thơ biết đắn đo ân nghĩa, khi đến “Lam Kinh” nhìn ngắm di tích: “Thăm đất cũ một lần thôi, chợt thức/ Ai bây giờ xứng đáng với vua Lê?” và khi viết hộ người xa xứ về ấn tượng “Tổ quốc” sâu bền: “Mẹ Việt Nam gầy bé/ Mẹ Việt Nam kiên cường/ Suốt một đời lận đận/ Mà con giờ tha hương”./.

L.T.N

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh với Dấu thời gian
Dấu thời gian là tập thơ thứ hai của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh. Ông hiện là Trưởng ban biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Thời báo VHNT tại Hải Phòng.
Xem thêm
Khúc biến tấu “Mặt nạ hương”
 Đọc thơ, như là phép hóa thân, tan chảy cảm xúc của mình cùng cảm xúc bài thơ. Người đọc lắng lòng theo con chữ, hòa điệu với nhịp điệu của ngôn từ. Tôi may mắn tìm thấy sự đồng điệu đầy hứng thú khi đọc thơ Nguyễn Thánh Ngã.
Xem thêm
Chỉ còn lại tháng Tư thiếu nữ | Thơ và lời bình
Thơ Mai Nam Thắng - Bình thơ: Phạm Đình Ân
Xem thêm
Người trẻ thử sức với phê bình
Được biết “Những phức cảm phận người” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập phê bình văn học (PBVH) đầu tay của cây bút Lê Hương, nên tôi đọc với một tâm thế trân trọng và chờ đợi.
Xem thêm
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thiện Thuật - Mùa hoa ban đẹp mãi
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm