- Truyện
- Xin cho mây che phủ phận người | Đoàn Ngọc Phương
Xin cho mây che phủ phận người | Đoàn Ngọc Phương
CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022
ĐOÀN NGỌC PHƯƠNG
Xin cho mây che đủ phận người
Xin cho tôi một sáng trời vui
Xin cho tôi đến tận nụ cười
Cho tôi quên một nấm mộ tươi
Xin cho tôi xin vạn lần rồi
Một góc này chỉ biết rong chơi
Xin cho tôi yên phận này thôi…
Người ta nói những giấc mơ giống nhau thường xuyên xuất hiện trong giấc ngủ, có nghĩa là bạn bị ám ảnh, tiềm thức nhắc nhở bạn điều gì đó. Cô cũng vậy, tận sâu trong ký ức, luôn có tiếng còi tàu khắc khoải, da diết, thôi thúc làm tim cô đau nhói...
Chao ôi, cái ngày kinh hoàng ấy... người tràn đi như ong vỡ tổ, âm thanh hỗn loạn… Thỉnh thoảng tiếng súng, tiếng nổ lớn ở đâu dội lại như sắp đuổi kịp họ... Tàu đang đợi trên sông nhưng sức chứa có hạn. Phải nhanh chân. Chúa ơi, con bé bỗng bị vuột khỏi tay của má! “Má ơi… má ơi… má đâu gồi… má ơi…”. Nó sợ hãi mếu máo gào khóc, nước mắt nước mũi, tóc tơ bết lại hai bên má. Nó đứng yên, vừa bị xô đẩy đi vừa bị bỏ lại phía sau. Một người đàn bà bỗng dừng lại. Động lòng thương, bà bế đứa bé lên. Con ai đây, tội quá! Bà tiếp tục chạy lên phía trước… Nhưng tàu đã nhổ neo… Đứa bé đang bấu lấy cổ bà vẫn gào khóc. Đến chừng mệt lả thì nó thiếp đi. Đêm qua nó đang ngủ thì má xốc nó lên…
Khi con bé tỉnh dậy nó như bước sang một thế giới khác. Cảnh và người lạ, nó chưa thấy bao giờ. Ngôi nhà tường loang lổ, hành lý ngổn ngang... Người ngồi kẻ đứng, mặt mũi dáo dác. Có mấy người đi phát gạo sấy, đồ hộp, nước uống. Người ta hỏi nhiều lắm, nó nức nở trả lời nhà có cửa màu xanh, ngoài ngõ có búp bê, có đồ chơi, có xe lửa, tên ba là ba, tên má là má, nhà có anh Hai, chị Bi Bầu. Nó gào khóc van xin người ta kiếm má về cho nó. Người ta dỗ một hồi rồi chụp tấm hình nó còn hơi mếu, mặc bộ đồ tay phồng chấm bi, đôi toòng teng nhỏ, tóc bum bê. Tấm hình mà nó sẽ giữ mãi đến khi chết đi. Người đàn bà đang bế nó trên tay, ấp đầu nó vào ngực mình vỗ về. Từ đó, nó riu ríu bên bà. Khi mọi sự đã yên, bà đưa nó về nuôi nấng. Nó gọi bà là “mẹ”. Bà đặt tên cho nó là Hà Lê Minh Chuyên. Có lẽ bà mong nó lớn lên chăm chỉ thông minh. Bà dặn: “Mẹ tên là Hà Thị Lê, con tên là Hà Lê Minh Chuyên, nhà ở số... đường... nhớ chưa?”.
Hồi đó cô Lê có người chồng làm nghề đi biển. Họ không giàu có gì nhưng hạnh phúc. Một ngày nọ, không phải lễ Nghinh Ông mà trên bãi Hòn Me bỗng có nhiều người bày đồ cúng tế. Sau tuần nhang, người ta thả những thuyền giấy chở hoa quả, quần áo giấy, nhờ sóng mang đi hộ cho người thân của họ đang lạnh lẽo ngoài khơi. Mấy hôm trước có trận bão, biển động. Vài ngôi nhà bị sập. Năm thuyền đánh cá đi không thấy về. Cô Lê cũng ra đây đăm đắm nhìn hoài phía đại dương mênh mông, tay quàng chiếc nón lá, gió thổi ngược, tóc và vạt áo bay. Cô không khóc, không chít khăn sô, vì cô ráng hi vọng… Biết đâu Ông Cá Voi sẽ đưa chồng cô trở về… Nhưng suốt ngày đêm chỉ có tiếng sóng gào than...
Thời gian sau, cô Lê trôi dạt vào Sài Gòn. Cô đi học nghề thợ may. Người chồng thứ hai của cô cũng là người đàn ông tốt, cho cô một mái ấm nho nhỏ. Rồi người ấy tử trận. Từ đó, cô không lấy ai, dù cô còn mặn mà lắm. Thế mà già đi hồi nào không hay. Bà Lê sống lặng lẽ, cô độc. Trời thương cho bà gặp được nó. Con bé con khốn khổ gào khóc trong dòng người hỗn loạn ấy. Con cái nhà ai tội nghiệp quá! Khi nó ôm chặt lấy bà, áp đôi má đầy nước mắt nước mũi lên vai bà, để bà vuốt ve những sợi tóc non tơ của nó, thì bà thấy một tình cảm lạ lẫm, da diết, dịu êm bỗng tràn ngập trong lòng. Con bé run rẩy như con chim non trong giông bão tìm nơi ẩn trú. Như gà con rúc vào đôi cánh gà mẹ… Phải rồi, bà từng khao khát được làm mẹ! Giờ thì bà đã có con gái để ấp iu, che chở…
Năm Minh Chuyên lên 15 tuổi, bà đã ngoài 50. Nó xinh lắm, lại ngoan ngoãn. Những cô bé trạc tuổi nó thường chỉ lo ăn học. Nó thì ngoài giờ học phải phụ mẹ cắt chỉ, luồn thun, đính cúc. Bà dành hết tình yêu thương để bù đắp cho nó và cả cho mình. Khốn thay, bà ngã bệnh! Những cơn đau dữ dội. Chữa chạy hơn nửa năm không khỏi. Thân xác bà dần khô héo, mỗi lần vặn mình là quai hàm nghiến lại, rít lên không thành tiếng. Biết không qua khỏi, bà gắng gượng gọi nó đến bên và bảo:
- Mẹ mất thì con ráng tìm ba má ruột… Mười năm nay mẹ đã cố tìm, đăng báo mấy lần... Có thể là gia đình khá giả con nhé, bắt đầu từ khu ga Hòa Hưng... Con đến ủy ban hỏi, đưa họ xem tấm hình...
Minh Chuyên nắm chặt bàn tay mẹ, như ngày nào nó từng bấu chặt đôi vai của mẹ. “'Mẹ ơi... xin đừng bỏ con...”. Nó từng mơ một ngày sẽ tìm được nhà mình, nơi có những người máu mủ ruột rà. Nhưng dù vậy, nó vẫn sẽ mãi mãi là con của mẹ, không bao giờ rời xa. Vậy mà... mẹ nó nhắm mắt xuôi tay, lạnh lùng để mặc nó lay gọi mãi... “'Mẹ ơi, không có mẹ... con sống sao đây...”. Hàng xóm xót thương khuyên nhủ, nó vẫn không chịu ăn. Người ta đành để yên cho nó khóc suốt đêm, tiếng hờ khản đặc: “'Mẹ ơi... sao mẹ bỏ con... mẹ ơi... mẹ ơi...”...
Nó ngơ ngác, hụt hẫng suốt thời gian dài. Ai nhìn thấy cũng ái ngại. Nhưng con người ta có khả năng sinh tồn. Nó dần gượng dậy, thôi học, đi kiếm việc. Nó biết may. Nó tìm đến các văn phòng Ủy ban Nhân dân, chìa cái hình trắng đen đã ngả màu. Con bé trong hình chả giống nó là mấy. Không ai biết gì hơn. Người ta sao chụp tấm hình, hứa hết sức giúp đỡ, nhưng chẳng có tin tức gì khả quan. Mười năm trước, có thể gia đình nó đã theo dòng người tản cư đến một nơi trú ẩn rồi trở lại nhà, hay về quê sinh sống... Họ cũng nhớ thương, đi tìm đứa con bé bỏng, út Cưng mà... Hay họ vượt biên thành công... Hay họ chết cả rồi trên biển… Nghĩ đến đó, nó ứa nước mắt.
Tan tầm, nó đạp xe trên con đường quen như mọi khi. Dọc khu dân cư đường ray xe lửa, nó đứng yên một chỗ mà nó cho là nơi trái tim mách bảo, đưa mắt nhìn mông lung, hi vọng có một phép màu ban cho nó chợt thấy ai đó, hoặc có ai đó chợt nhìn thấy nó bằng linh cảm tình thâm...
- Em nhỏ, đợi ai hả?
Một giọng nói trầm đục, nó giật mình:
- Dạ...
- Người ta không đến hả? Cái người em đợi á!
Nó lục túi đưa cho hắn xem tấm ảnh:
- Chú có thấy đứa bé này quen không?
Hắn trố mắt:
- Em gái em đi lạc hả?
Nó lắc đầu chán nản, biết là mình ngớ ngẩn. Hắn nói:
- Sao trông em buồn quá dzậy…
Như chạm vào vết thương lòng, nó khóc òa. Khi hiểu câu chuyện, hắn tỏ ra cảm thông, an ủi. Nó còn ai trên cõi đời này mà không cảm động trước sự ân cần. Hắn lại sáng sủa, tuy lớn hơn nó 10 tuổi. Định mệnh! Điều gì đến phải đến. Đầu tiên là chú cháu. Sau đó là người bảo hộ. Cuối cùng Minh Chuyên sống với hắn như vợ chồng.
Thì ra hắn là dân lang thang, dắt mối heroin. Cò con thôi. Tiền bao nhiêu cho đủ với nàng tiên nâu. Căn nhà nhỏ của mẹ Lê hắn tự quyền bán đi để hắn “bày keo khác”. Hai người khi ở trọ, lúc bờ bụi. Không thể ngờ hắn vô cùng hung dữ. Khi đôi mắt có hàng mi dài đậm quyến rũ của hắn long lên là trở thành đôi mắt một con thú, trợn ngược, vằn những tia máu. Mỗi lần nó cãi lời hắn là một cú đấm, cú đá vào mắt, vào miệng, vào ngực, vào đùi, vào chân... Thân thể nó bầm dập, tả tơi... Chung sống với hắn 5 năm, cô bé 3 lần có thai là 3 lần phá thai vì hắn bảo chính quyền biết sẽ phạt và cô bé còn trẻ lắm, sau này tha hồ đẻ. Khi cô 20 tuổi có thai lần cuối, thì hắn bảo cuộc sống chưa ổn định. Vị bác sĩ điều trị khẳng định Minh Chuyên sẽ không bao giờ làm mẹ được nữa.
Vài lần cô bỏ trốn, nhưng lần nào hắn cũng tìm ra, lôi về và cho cô nhừ đòn. Hầu như xó xỉnh nào trong thành phố hắn cũng biết. Hắn yêu cô bằng tình yêu quỷ dữ. Nhưng cô là người. Cuối cùng hắn lặn lội qua Miên. Lần này làm ăn quy mô lớn. Liều lĩnh, nguy hiểm, đau tim lắm nhưng phất lên trông thấy.
Ma túy được ngụy trang trong các gói trà, bỏ vào các bao tải nhét sâu xuống đáy thùng hàng chở thủy sản. Những chuyến hàng được đưa từ Campuchia sang Việt Nam, sau đó về chợ đầu mối. Trong xe lúc nào cũng thủ 2 khúc côn, 4 cây dao tự chế. Thỉnh thoảng, Minh Chuyên giấu riêng một khoản tiền nhỏ. Hắn biết. Hắn kiếm tiền không khó. Hơn nữa, tiền và vợ cũng là của hắn mà. Cô biết trang điểm, ăn diện, trông xinh đẹp hơn, hắn càng say mê. Chỉ là hắn còn thích cô sợ hãi. Vậy nên lâu lâu hắn lại tra hỏi bằng nắm đấm, cho cô thấy hắn thông minh, hắn biết hết, khiến cô phải run rẩy van xin và hứa ngoan ngoãn không bỏ trốn.
Một hôm, xe đang chạy bỗng hắn đập vô-lăng chửi thề. Rồi cho xe chậm lại. Công an giao thông ở phía trước. Cô tái mặt, cuống lên. Hắn quát:
- Ngu thế, bình tĩnh, ngồi yên!
Gần 10 người mặc sắc phục vàng và sắc phục xanh. Họ ra hiệu dừng xe, xem giấy tờ, lục soát hàng hóa. Bỗng chồng cô vụt lên xe, rút vũ khí dưới tấm bạt. Trở xuống, tay côn tay dao, hắn trợn mắt, vung mã tấu chém bừa. Nhân lúc hỗn loạn, cô bỏ chạy về phía cánh rừng. Có tiếng tri hô đuổi theo, nhưng cô biết rõ khu vực này, trước đây khi cần xe thường dừng lại, để hắn và cô nghỉ chân, vệ sinh, đập đá, ăn uống... Cô nhảy xuống một hố cạn, ôm mặt, nghe tiếng mô tô rú trên đầu. Bóng tối phủ xuống rất nhanh che đỡ cho cô. Cô nằm im, chịu đựng cho đến khi yên ắng hẳn.
Khi đã đỡ sợ, cô trèo lên khỏi miệng hố, thấy đói cồn cào. Cái túi bao tử đeo trước bụng có ít tiền và chấm đá. Cô đi vào thị trấn, mua bánh mì. Sau đó tìm chỗ ngủ. Biết công an chờ mình ở các nhà nghỉ, cô nép dưới cổng một ngôi nhà có vườn tược vắng vẻ, thiếp đi một giấc… Tiếng chim đầu tiên hót trên cây cô đã nhanh chóng trở dậy. Cô nhớ mình có để dành được chút tiền. Nhưng phải về chỗ trọ mới lấy được. Thôi, không dại, biết đâu công an chờ cô ở đó.
Cô nghe ngóng tin tức, biết chồng cô làm chết một chiến sĩ công an và một người bị thương. Cô thừa biết hắn điên loạn thế nào. Tin sơ sài thế nhưng cô nghĩ hắn không bị bắn tại chỗ thì sau này cũng tử hình. Chết đi, 20 năm tao chịu đựng thế đủ rồi! Cô cũng không ngờ mình độc miệng như vậy! Cô bật khóc. Không khóc cho hắn mà nghĩ đến thân phận mình. Mẹ kiếp! Cô có muốn thế này đâu. Chồng cô giao dịch với ai, quen ai, họ ở đâu, cô đâu biết, hắn không cho cô biết. Mà cô cũng đâu quan tâm. Cô phải theo hắn để trông coi hàng hóa, mua cà phê, cơm hộp, phục vụ tình dục và đếm tiền. Bất giác cô cười một mình. Không sao, cô thoát rồi! Cô sẽ làm lại cuộc đời…
Bỗng cô va phải người đi đường. Bà ta mập mạp phăm phăm xô tới, còn cô mải nghĩ.
- Xớn xa xớn xác, bộ đui hả?
- Xin lỗi nha.
- Xin lỗi, xin lỗi cái mặt chó mày. Đạp lên chưng người ta đau thấu trời hà...
Cô trừng mắt:
- Ái cha, gớm chưa...
Cô định văng tục và cho con mẹ ấy biết cô không dễ ăn hiếp đâu. Nhưng nghĩ lại, không nên lớn chuyện. Cô nén giận, rảo bước, kệ con mẹ tru tréo sau lưng. Đi đâu bây giờ?... Phải rồi, mười mấy năm trời cô chưa về chốn cũ. Có tiếng còi tàu chợt rúc lên trong tâm trí. Cô mua chiếc mũ rộng vành, mắt kiếng đen, quần áo mới, bắt xe đò về thành phố.
Tới bến, cô gọi xe ôm:
- Ê xe ôm, xe ôm, Hòa Hưng bi nhiêu?
- Tám chục, chị Hai.
- Ok!
Xuống xe, cô đưa gã “phu xe” tờ 100 ngàn.
- Chị đợi chút, em đổi tiền nghen.
Cô bực mình, 20 ngàn mà gã cũng không có:
- Thôi khỏi, boa luôn, cha nội.
Cô đến ngôi chùa có hũ tro của mẹ. Khói hương bay khiến lòng cô vừa buồn vừa thư thái. Rồi cô lại đi... Đây rồi, con đường sắt nằm ngang trước mặt. Có chuyến tàu vừa qua đây, thanh barie nhấc lên, dòng xe nãy giờ chựng lại được giải phóng, ào ào băng qua đường ray. Dòng xe đó, tiếng còi tàu đó, những ngôi nhà san sát hai bên đó… Cô không nhớ rõ, nhưng quen thuộc lắm. Trong tiềm thức của cô, cô chắc chắn nhà mình phải ở đâu đây, trong ngõ. Nhưng cụ thể nhà cô ở chỗ nào, cha mẹ cô tên gì, anh chị của cô tên gì thì cô không biết. Cô chỉ nhớ mài mại, ba nước da ngăm, đi chiếc xe máy màu xanh hay màu xám gì đó, má cô rất hiền. Cô còn có anh Hai và chị Bi Bầu. Cả nhà đều gọi cô là Út Cưng. Tất nhiên đó không phải tên thật… Người thân của cô có khi đang đi trên đoạn đường này... Sao cô thấy đau ở đâu đó! Lâu lắm rồi, cô lại có cảm giác này. Quả tim bé nhỏ trong ngực cô rộn lên, thổn thức: Có ai biết gia đình tôi ở đâu không? Có ai nhận ra tôi không?...
*
Rồi cô bị bắt. Đúng hơn là cô đầu thú. Cô đến cơ quan công an gần nhất:
- Tui vận chuyển ma túy, tui đi chung với thằng chém công an ở quốc lộ 22 cách đây 6 tháng.
Mọi người trong phòng đều giật mình ngước mắt nhìn. Cô ta trông tàn tạ nhưng bình thản. Ngạc nhiên một chút rồi một người cũng đứng lên trấn an cô và dẫn tội phạm nguy hiểm vào phòng chờ xét hỏi.
Là cô rất buồn, mệt mỏi và tuyệt vọng. Ngày ngày cô đến khu nhà ga Sài Gòn, tìm kiếm điều kỳ diệu. Sau bao ngày tháng vô vọng, cô muốn bị bắt vì cô không thể lang thang, đói khát, dật dờ mãi được. Và cô chợt nghĩ, chí ít công an sẽ đăng hình và thông tin cá nhân của cô trên báo chí khi triệt phá được vụ án lớn. Có khi câu chuyện của cô, hình ảnh của cô sẽ thu hút sự chú ý trên truyền hình trong và ngoài nước. Cô vẫn hi vọng phép màu. Cha mẹ sẽ nhận ra cô. Rồi sau đó ra sao cũng được. Chỉ là cô không hay biết, cô bệnh nặng lắm. Sau bao ngày lo sợ, đói khát, buồn bã, những vết thương trong trái tim và trên thân thể cô từ hồi nhỏ đến giờ đã di căn đến tận huyết mạch. Cô hoa mắt, mũi miệng ộc ra máu, ngất đi trong phòng tạm giam.
*
Trong phòng cấp cứu của bệnh viện xông lên mùi máu, mùi cồn, mùi thuốc tây... Bốn bức tường mờ dần như hư ảo… Dòng người hỗn loạn... Tiếng súng, tiếng la thất thanh... Má ơi!... Má ơi má!... Con ơi!... Con tôi đâu!... Mi mắt cô giật giật... Cô nghe rất rõ tiếng còi tàu… Một ngôi nhà yên ả có khung cửa màu xanh… Có cậu bé mặc tà lỏn làm ngựa cõng một cô bé tóc bum bê rất đáng yêu đang cười nắc nẻ… Một cô bé khác cột tóc đuôi gà, cầm cây giả làm kiếm phi ngựa đuổi theo... Người đàn bà hiền hậu đến hôn cô gái nhỏ… Một người đàn ông giang hai tay về phía cô bé, ánh mắt trìu mến: “Nào, Út Cưng của ba, nào!”...
Cô nằm đó, một tay bị còng vào thành giường. Chung quanh là dây nhợ, dịch truyền. Anh công an hỏi cô có cần gì không. Cô nói cô có một tấm hình và giải thích sơ lược, rồi nở nụ cười héo hắt: “Anh hỏi dùm, có ai nhận ra tui, ai biết gia đình tui thì giúp tui nha...”.
Cô chờ điều kỳ diệu cũng được 7 ngày.
Trong biên bản của công an, những tài sản, hiện vật trong túi xách của nữ tội phạm vừa chết đêm qua, gồm vài ngàn đồng lẻ, một tấm hình trẻ con, một cây son, một hộp phấn loại trung bình, một cuốn sổ xinh xắn phù hợp với tuổi teen. Ô, người đàn bà băng đảng, nghiện ma túy này yêu nhạc Trịnh! Thời buổi này còn chép nhạc vào sổ tay!
Cô chép trong sổ tay hơn 10 bài hát của Trịnh Công Sơn. Bản nhạc cuối cùng là “Xin cho tôi”, đã viết đến đoạn thứ hai:
Xin cho tôi yên ngủ một ngày
Xin cho đêm không có đạn bay
Xin cho chim góp nhạc về trời
Xin cho tôi là kiếp của mây
Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời
Để bao giờ trời đất yên vui
Xin cho tôi xin lại cuộc đời…
Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM